Chúa Nhật 1 Mùa Vọng C
Những tai biến vũ trụ khi con người đến
Tỉnh thức để khỏi bị bắt chợt
(Lc 21,25-28.34-36)
1. Bài diễn từ của Chúa Giêsu về ngày thế mạt (diễn từ cánh chung theo ngữ vựng chuyên môn) thuộc về thể văn khải huyền Do thái. Loại văn thể này, được sách Đaniel khai sinh trong Kinh thánh 200 năm trước Chúa Giêsu, được dùng trong một số tác phẩm Do thái giáo trước thời Chúa Giêsu: sách Hênốc, sách Môisen thăng thiên, bí mật của tổ phụ Hênôc, khải huyền của Êlia, của Sôphônia, của Abraham (sau khi Giêrusalem bị tàn phá năm 70, người ta còn soạn các sách Khải huyền của Esdras và Baruc).
Được phác họa trong các sách tiên tri sau cùng của Cựu ước (Ez 40-48; Is 34-35; 24-27; Gioel; Zac 9-14), thể văn của những tác phẩm trên khắc văn thể của tác phẩm tiên tri bằng những đặc điểm:
a. Thuần túy văn chương và chuyên môn: nhà tiên tri chỉ rao giảng và sách của ông là tuyển tập những diễn văn của ông; còn Khải huyền là một tác phẩm được sáng tác ra theo những qui luật văn chương có sẵn.
b. Vô danh: nhà tiên tri rao giảng cách công khai cho dân chúng mà ông có trách nhiệm; còn Khải huyền chỉ là vô danh, và được gán cho một nhà thấu thị nào đó có thế giá trong quá khứ (Hênôc, Đanien; Môisen, Êlia, Esdras).
c. Có mục đích loan báo về thế mạt. Các tiên tri quả có loan báo ngày Thiên chúa phán xét, nhưng họ không mô tả ngày đó, trọng tâm của họ là thời hiện tại, lúc họ tìm cách làm cho thính giả tin và hối cải. Các sách Khải huyền, luôn luôn được viết ra trong thời kỳ khủng hoảng, quy hướng về tương lai, trông đợi ngày phán xét kẻ lành người dữ và ơn cứu rỗi; chúng mô tả chi tiết những biến cố cánh chung nâng đỡ niềm hy vọng của tuyển dân.
Vậy khi các môn đệ Chúa Giêsu hỏi thầy mình về ngày thế mạt, đương nhiên Chúa Giêsu dùng ngôn ngữ, lối nói của Khải huyền để trả lời cho họ. Tuy nhiên có khác ở hai điểm quan trọng: trước hết Ngài nói nhân danh quyền riêng mình, chứ không khoác một cái tên thế giá trong quá khứ; thứ đến Ngài ít tìm cách mô tả tương lai cho bằng xác định thái độ tín hữu phải có. Về hai điểm đó, Chúa Giêsu gần với các tiên tri hơn với các sách Khải huyền. Rõ ràng sự tương đồng văn chương đó là do sự tương tự giữa sứ mệnh Ngài với các tiên tri vĩ đại của Cựu ước.
2. Chúng ta có ba trước tác về diễn từ cánh chung của Chúa Giêsu: Mc 13; Mt 24-25; Lc 21. Cả ba đều đồng ý đặt diễn từ đó ở ngay cuộc trước cuộc tử nạn và coi đó như là cao điểm giáo huấn của vị tôn sư. Vị trí của diễn từ đó hẳn là do một nguồn chung; ta có thể gán cho truyền thống Phúc âm kỳ cựu nhất.
Cả ba phúc âm nhất lãm cũng giống nhau về cơ hội của diễn từ: một lời loan báo cũa Chúa Giêsu về ngày tàn của đền thờ, khiến các môn đệ đặt câu hỏi về thời gian và dấu hiệu của thời thế mạt (Mc 13,1-4 và các đoạn song song).
3. Cho tới đây diễn từ của Luca chỉ kể ra một loạt giai thoại gần mà tác giả phúc âm là nhân chứng (cc. 8-9. 12-19. 20-24). Thình lình cái nhìn của ông rời bỏ các viễn tượng lịch sử để hướng dẫn ngày thế mạt. Thời tận thế này, tách biệt rõ ràng với các giai đoạn trước, được loan báo bằng các dấu hiệu trong vũ trụ (c. 25a) mà Luca đã phân biệt với các dấu hiệu trước.
Những điềm lạ trong trời đất, nơi các sách khải huyền, là khung cảnh cổ điển của cuộc phán xét sau cùng. Chúng phát xuất từ những mô tả của các tiên tri về cuộc chiến thắng của Giâvê trên “đạo binh các tầng trời”, những vị thần của Assur và Babilon (trong các đoạn song song với Luca, Mc và Mt trích Is 13,10 và 34,4 và chắc hẳn Chúa Giêsu đã trích như vậy). Nhưng ở đây, các tác giả phúc âm cũng như Chúa Giêsu không thể nghĩ đến cuộc giao chiến giữa Thiên Chúa chân thật với các thần ngoại giáo. Những hình ảnh cổ xưa của truyền thống, đối với các Ngài, chỉ có ý nói lên sự can thiệp dứt khoát của Thiên Chúa trên vũ trụ mà Ngài sắp giải phóng khỏi sự dữ (xem Rm 8,19-22; Kh 21,1-8).
Trong lúc Mc và Mt mô tả chi tiết các tai biến trong vũ trụ theo kiểu khải huyền. Luca chú tâm hơn đến các phản ứng của loài người lúc ngày tận thế đến (cc. 25b-26). Nhờ vậy mà ông trung thành hơn với tư tưởng thánh kinh và tư tưởng Chúa Giêsu: “Thảm kịch cánh chung” trước hết là thảm kịch của con người.
Đối với các sách khải huyền Do thái, thời tận thế bao gồm một loạt biến cố phức tạp: sống lại, phán xét, ân thưởng kẻ lành, trừng phạt kẻ dữ, thiết lập thế giới mới (thành Giêrusalem trên trời)…
Chúa Giêsu đã loan báo các vấn đề khác nhau đó trong những đoạn phúc âm khác (ví dụ: việc sống lại ở Mc 12,25-27; phán xét ở Mt 25,31-46, cứu rỗi và trừng phạt ở Mt 8,11-12…). Nhưng ở đây, theo chứng từ phúc âm nhất lãm, Ngài đúc kết mọi biến cố của thời cuối cùng vào ngày quang lâm trong tư thế con người (c.27; Mt và Mc xác định: Ngài đến để thâu họp những kẻ được chọn; có lẽ đó là lời nguyên thủy của Chúa Giêsu; Mt còn thêm nhiều nét khải huyền khác lấy từ nhiều nét lấy từ nhiều nguồn gốc). Đối với Chúa Giêsu, cuộc quang lâm của Con Người là lời loan báo chính yếu: bằng chứng là Ngài đã ám chỉ điều ấy nhiều lần trong phúc âm (Mc 8,38; 14,62; Mt 10,23; 13,41; 19,28; 25,31; Lc 12,8; 17,30; 18,8) Điều loan báo ấy làm ta liên tưởng tới cảnh phán xét trong Đn 7,13-14 nơi đó con người đại diện cho “đoàn lũ các thánh của Đấng Tối Cao” với đầy đủ uy quyền tối thượng sau khi đã trải bao thử thách (x. Đn 7,18. 22. 27). Chúa Giêsu lấy tước hiệu “Con Người” làm tước hiệu riêng của mình, biểu hiện vai trò Cứu thế, gánh lấy định mệnh nhân loại.
Cũng ở đây, Luca giản dị hơn các phúc âm nhất lãm khác. Ông loại trừ những hình ảnh khải huyền phụ tùy, để hoàn toàn chú ý vào quyền năng và vinh quang của Chúa Giêsu, đấng chiến thắng sự ác và chúa tể nước trời. Dĩ nhiên ông đợi chờ nơi Ngài sự cứu rỗi các tín hữu (x. câu 28), nhưng ông không nhắc tới điều ấy trong cảnh thế mạt, bởi vì ông không muốn biệt phân sự cứu rỗi đó với nguồn gốc của nó là sự vinh hiển của Chúa phục sinh.
Khi đã trình bày sự quang lâm sau cùng của Chúa, bản văn phụng vụ kết thúc bằng một lời khuyên dụ ta phải chờ đợi Ngài thế nào. Đây là hai tiểu đoạn riêng của Luca: một đi tiếp liền với bản văn (c.28) một là phần kết luận cho toàn bài diễn từ (cc. 34-36). Chúng hơi khác nhau và đưa ra hai giáo huấn bổ túc cho nhau.
Câu 28 là lời kêu gọi hãy hy vọng. Những dấu hiệu và những biến cố Chúa Giêsu vừa loan báo thật đáng sợ: thử thách, bắt bớ, Giêrusalem điêu tàn, vũ trũ đảo lộn… Luca đã ghi nhận sự thống khổ mà những biến cố ghê rợn đó gây ra cho dân Israel và nhân loại. Nhưng tín hữu của Chúa Giêsu thì không gì phải lo sợ vì những biến cố đó chỉ biểu lộ sự chiến thắng và quyền lực của thầy mình. Qua những biến loạn của thế giới cho tới nay vẫn bị tội lỗi thống trị, họ phải biết nhận ra rằng Nước Thiên Chúa đã gần, đã đến ngày “cứu chuộc” họ (apolutrôsia).
Tiếng này không có trong các Phúc âm: chắc Luca đã mượn ở thánh Phaolô là người thường dùng chữ đó để nói đến công trình cứu rỗi của Chúa Giêsu (Rm 3,24) và hậu quả công trình đó cho chúng ta: đó là một hồng ân hiện tại đi liền với sự công chính, khôn ngoan, thánh thiện (1Cr 1,30) hay với sự tha tội (Cl 1,14; Ep 1,7); đấy cũng là một hồng ân tương lai mà Phaolô gắn liền với việc sống lại thân xác (Rm 8,23), và việc hoàn thành viên mãn chính chúng ta trong ngày sau hết (Ep 4,30). Ở đây Luca nghĩ đến ân huệ tương lai, nhưng ông biết rằng ân sủng cao cả này người tín hữu đã được ngay từ bây giờ nhờ hồng ân Thánh Thần, đấng làm khai ân (Rm 8,23) và bảo chứng (2Cr 1,22;5,5; Ep 1,14) của ơn cứu rỗi sắp đến. Như thế, niềm hy vọng của Kitô hữu có cơ sở vững vàng. Người kitô hữu có thể vui vẻ đón nhận những dấu hiệu của ngày Chúa đến vì chúng loan báo sự giải phóng dứt khoát sau cùng.
Kết luận của bài diễn từ (cc. 34-36) nằm trong một viễn tượng khác. Nó không nhìn việc Chúa đến qua những dấu hiệu loan báo như ở các câu 11.25.28, nhưng diễn tả như là thình lình ,bất ngờ, như trong dụ ngôn “tỉnh thức” (12,35-46) hay như trong bức tranh “ngày của Con Người” (17,22.36). Cả hai cảnh này đều cổ điển và Chúa Giêsu đã dùng cả hai bởi lẽ Ngài không nhằm mô tả tương lai cho bằng kêu gọi tín hữu hãy trung thành chuẩn bị sẵn sàng.
Trong đoạn cuối này, thái độ người tín hữu phải có là tỉnh thức thường xuyên. Họ hãy giữ mình khỏi những cám dỗ ô trọc là dâm đãng và say sưa (x.12,45; 1Th 5,6; Rm 13,13) cũng như mối bận tâm trần tục làm họ quên mất thứ của cải duy nhất đáng kể (8,14; 12,22-31; 17,27-28). Họ hãy sẵn sàng, vì “ngày ấy” sẽ bắt chợt mọi người (x. 1Th 5,3) như chiếc lưới bất ngờ bủa xuông con mồi (có lẽ ở đây Luca nghĩ đến Is 24,17 là đoạn áp dụng hình ảnh cổ truyền chiếc bẫy vào ngày chung thẩm). Thực tế, đối với Luca, sẵn sàng tức là chuyên tâm vào công việc mà chủ đã giao cho tôi tớ (12,35-48),tức là “cầu nguyện luôn đừng nhàm chán” như ta thấy ông kêu mời ở cuối bức tranh về Ngày của Con Người (18,1). Bởi vì tín hữu luôn quay về với Chúa để tôn thờ Ngài, để xin Ngài giúp đỡ và mong chờ Ngài đến, thì làm sao có thể bị bắt chợt bởi việc Ngài đến, điều mà họ luôn hy vọng. Như vậy, được chuẩn bị bằng lòng trung tín và việc cầu nguyện, họ không còn sợ những thử thách của ngày sau hết: họ có thể đứng vững trước sự phán xét của Con Người.
KẾT LUẬN
Bài phúc âm về ngày quang lâm của Con Người thích hợp cách đặc biệt với Chúa nhật I mùa vọng này. Phụng vụ mời gọi ta đi vào cuộc hành trình của dân Chúa tiến về cuộc giá lâm đầu tiên của Chúa Cứu thế: một hành trình chậm chạp, tối tăm và đau đớn, trong đó chúng ta phải luôn luôn tìm biết thế nào là niềm hy vọng của chúng ta, những thái độ cụ thể, những khó khăn, và sức mạnh vô địch của niềm hy vọng đó.
Nhưng Giáng sinh đã hoàn thành trong khó nghèo và mừng vui của Belem rồi. Chúa đã mang đến cho chúng ta tin mừng của Ngài và đã đưa chúng ta vào trong Giáo hội của Ngài. Nếu chúng ta nhắc lại cuộc giáng lâm khiêm tốn đầu tiên, đó là để hướng về cuộc quang lâm chung cục của Con Người trong quyền năng và vinh quang.
Cuộc giá lâm đầu tiên đã khiến mỗi người trong Israel tỏ thái độ theo hay chống Chúa Giêsu (Lc 2,34-35). Thì nay ở mỗi thế hệ cho đến tận cùng lịch sử, mỗi người đều được kêu mời chọn lựa như thế. Nhờ đức tin, chúng ta đã làm một cuộc quyết tuyển căn bản, tuy nhiên chúng ta vẫn biết rằng trong chúng ta còn ít nhiều khu vực bất tín. Phúc âm kêu mời ta tiêu trừ chúng: hãy quay về Chúa đang đến, hãy tỉnh thức, bấy giờ anh em sẽ sẵn sàng tiếp đón Ngài và đi vào trong nước Ngài.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Hôm nay bắt đầu năm phụng vụ mới. Lời Chúa thúc đẩy chúng ta đi ngay tới trước. Thường khi chấm dứt một giai đoạn, người ta bị cám dỗ kiểm điểm thành quả trước khi bắt đầu giai đoạn kế tiếp; người ta ngó lại đằng sau, tổng kết hoạt động quá khứ và mừng vui nếu mọi sự êm đẹp.
Đối với Chúa, không bao giờ như vậy. Ngài không cho chúng ta thấy thành quả tốt đẹp nào, Ngài không vỗ về ta bằng bất cứ tiến bộ nào. Trái lại, Ngài đẩy ta tới trước, hướng về ngày Ngài đến với những tai ương bi thảm tiên báo. Cho dù những trình bày thảm khốc đó không muốn mô tả cách khoa học những sự kiên thực tế. Tuy nhiên, qua ngôn ngữ của tưởng tượng và thi phú, chúng cũng gợi lên được một cách mạnh mẽ việc quang lâm gần kề của Chúa Kitô. Và việc quang lâm đó sẽ tạo ra một sự đảo lộn sâu xa trong toàn thể lịch sử con người. Chính đó là điều mùa vọng này muốn nhắc nhở ta: khi khơi lại kỷ niệm của việc giáng lâm đầu tiên, nó tích cực chuẩn bị ta cho cuộc quang lâm ngày sau hết.
2. Mỗi người đều khao khát hạnh phúc và công lý; ai cũng hy vọng có kẻ mang chúng đến cho mình; thức dậy, người đời đã chẳng chạy đến những tiên tri giả hay những phương tiện khác nhau để tìm kiếm hạnh phúc đó sao ? Họ đã chẳng xây dựng biết bao hệ thống, luôn canh tân chúng để mong thiết lập công bình đó sao ? Nếu Chúa đến, đó là vì con người khẩn thiết mong ước những gì Ngài mang lại, ước mong có kẻ đưa đường, chỉ lối, sáng soi. Nếu Chúa đến, đó là vì tận thâm tâm, con người làm chỗi dậy Đấng Cứu Rỗi.
Nhưng một trật, Đấng phải đến lại mang danh hiệu “Con Người”. Như danh hiệu bí ẩn này, mượn ở tiên tri Đanien, gợi lên Đấng phải đến là một nhân vật mầu nhiệm, từ một thế giới khác. Vì thế, việc Chúa đến được coi như sự hòa hợp, sự gặp gỡ giữa khát vọng con người và công cuộc của Thiên Chúa.
3. Chúa Giêsu đã ẩn mình trong các dấu hiệu tiên báo. Những tai ương, thử thách có thể làm chúng ta thất vọng về Ngài cũng là những lời Ngài kín đáo kêu gọi tâm hồn ta. Những thử thách đó khiến ta đừng bám víu mãi mãi vào đời này. Chúng nhắc nhở rằng ta được tiền định cho một thành đô khác, Giêrusalem thiên quốc. Chúng giúp ta chuẩn bị đón chờ cuộc tái lâm vinh quang của Chúa Giêsu, nếu chúng ta biết đón nhận chúng bằng tinh thần đức tin.
4. Đối với thế hệ chúng ta, nước Thiên Chúa cũng đã gần và đang ở giữa chúng ta. Chúng ta tìm thấy nó trong Giáo hội. Vì nơi đó chúng ta gặp Chúa kitô trong phụng vụ, trong Thánh Thể, trong anh em và trong tâm hồn ta. Chúng ta hãy biết đón nhận Chúa Kitô đang đến, đang đứng ở cửa lòng chúng ta và đang gõ (Kh 3,20). Thầy đứng đó và đang gọi ta (Ga 11,28).
Giáo hoàng Học viện Pio X Đà Lạt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét