Trang

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

40 CÂU HỎI VỀ THÁNH LỄ (11-20)





40  CÂU HỎI VỀ THÁNH LỄ (11-20)



11. Dấu thánh giá mang ý nghĩa gì ?


"Nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Amen". Thánh lễ bắt đầu bằng dấu thánh giá, là một trong những dấu hiệu Kitô giáo cổ xưa nhất, và là dấu hiệu tuyệt hảo của người Kitô hữu.

Khi làm dấu thánh giá, chúng ta nhận biết mình thuộc về Chúa Kitô, bày tỏ niềm tin của chúng ta vào Chúa Kitô đã chết trên thánh giá vì chúng ta, chúng ta nói lên lòng ước muốn đón nhận sự phong phú khôn lường của thánh giá và ước muốn liên kết đời sống chúng ta với đời sống của Chúa Kitô chết trên thánh giá. Vậy, thánh giá quả là dấu chỉ sự cứu độ, sự cứu chuộc và sự phục sinh. Dấu thánh giá còn nhắc chúng ta về bí tích Thánh Tẩy của mình, bởi chúng ta đã được rửa tội "nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần".

Dấu thánh giá là biểu thức của chính đức tin Kitô giáo, đó là sự hiện hữu của Thiên Chúa tình yêu được mạc khải bởi đời sống của Chúa Kitô. Do đó người ta hiểu tại sao các Kitô hữu thường làm dấu thánh giá và luôn luôn bắt đầu một nghi thức phụng vụ bằng dấu thánh giá.
 
12. Amen nghĩa là gì?
Trong thánh lễ, nhiều lần bạn đáp Amen sau những lời nguyện mà linh mục chủ tế thay mặt cộng đoàn tuyên đọc. Thí dụ :


- "Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội, và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời. - Amen".

- "... đến muôn thuở muôn đời. - Amen".

Amen là một chữ do-thái. Các tín hữu thời Cựu Ước thường dùng Amen để kết thúc lời cầu nguyện của họ. Chúa Kitô cũng đã sử dụng, không những lúc Người cầu nguyện, mà còn cả trong lúc giảng dạy để nhấn mạnh, làm nổi bật chân lý Người nói : "Amen - Thật - Ta bảo thật các ngươi..." Chúng ta thường gặp ngôn thức này trong Tin Mừng.

Trước kia, sau các lời nguyện, người ta thưa "Ước gì được như vậy". Bây giờ người ta thích dùng chữ Amen hơn, vì Ước gì được như vậy không thể diễn tả hết được sự phong phú của chữ Amen.

Khi thưa Amen, người ta không chỉ bày tỏ ước muốn được như vậy, mà còn xác nhận một điều chắc chắn. Đó là trường hợp khi vị linh mục công bố : "Mình Thánh Chúa Kitô" và tín hữu thưa "Amen". Chữ Amen ở đây có nghĩa "Vâng ! Tôi xác tín Chúa Kitô đến ngự trong tôi dưới hình bánh này". Đó là một điều chắc chắn !

Khi bạn thưa Amen sau lời nguyện của linh mục chủ tế, điều đó không chỉ có nghĩa là ước muốn những lời cầu nguyện đó được chấp nhận, nhưng còn nói lên rằng : lời nguyện đó cũng là lời nguyện của chính bạn, và bạn muốn tháp nhập vào đó với hết tâm tình.

Hơn thế nữa, Amen diễn đạt đức tin của toàn cộng đoàn vào sự trung tín của Chúa. Người sẽ nhậm lời những gì cộng đoàn cầu xin với niềm tin tưởng. Bởi vì căn gốc của chữ do-thái này có ý nghĩa sự trung thành, trung tín. Như thế, khi thưa Amen, chúng ta tung hô sự trung tín của Chúa, như lời thánh Phaolô : "Xin Thiên Chúa là Đấng trung tín chứng giám cho rằng lời nói của chúng tôi đối với anh em, không phải là vừa "Có" lại vừa "Không". Quả thế, Con Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô, Đấng mà chúng tôi đã rao giảng nơi anh em, [...], nơi Người chỉ là "Có" mà thôi. Bởi chưng bao nhiêu lời hứa của Thiên Chúa đã thành "Có" ở nơi Người. Vì thế nhờ Người mà chúng tôi hô lên lời "Amen" tôn vinh Thiên Chúa" (2 Cor 1, 18-20).


13. Tại sao, sau Công Đồng Vaticanô II, linh mục chủ tế lại đứng đối diện với cộng đoàn?

Đây là một trong những cải cách phụng vụ thấy rõ nhất của Công Đồng Vaticanô II.
Thời thượng cổ, hầu hết các nhà thờ được xây hướng về phía đông, hướng mặt trời mọc, nơi tượng trưng cho sự Sống Lại. Hướng về phía đông khi cầu nguyện là một cách muốn cho hiểu rằng cộng đoàn cùng với linh mục chủ tế ngỏ lời với Chúa Kitô phục sinh.

Chúng ta cũng biết rằng người Do-thái hướng về thành Giêrusalem khi cầu nguyện, và người hồi giáo hướng về thành La Mecque.

Sau Công Đồng Vaticanô II, linh mục chủ tế không quay lưng vềà phía cộng đoàn như theo truyền thống nữa, mà quay mặt về cộng đoàn trong suốt thánh lễ. Thông thường, chúng ta đối diện với người nào đó khi nói chuyện. Do đó thật là hợp lý khi linh mục chủ tế hướng về cộng đoàn : chào đầu lễ, bài giảng... Khi linh mục công bố Tin Mừng, chính là Chúa Kitô nói với dân Người.

Nhưng khi cầu nguyện thì sao ? Khi cầu nguyện, tất cả cùng thưa với Chúa. Do đó chúng ta sẽ khó hiểu hơn khi thấy linh mục đứng đối diện với cộng đoàn. Thật ra, bàn thờ được đặt giữa linh mục và cộng đoàn. Sự sắp đặt vị trí như thế có nghĩa là : Chúa không ở trước mặt chúng ta, nhưng ở giữa chúng ta, như lời hứa của Chúa Kitô : "Ở đâu có hai, ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ." (Mt 18, 20).
Thánh Phaolô có nói : "Đức Kitô ở giữa anh em, Người là niềm hy vọng vinh quang !" (Col 1, 27).

14. Các bài đọc được chọn lựa như thế nào?

° Trong thánh lễ ngày Chúa nhật, có ba bài đọc : bài đọc I trích từ Cựu Ước (trừ Mùa Phục Sinh, vì từ Chúa nhật Phục Sinh cho đến Chúa nhật Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta nghe đọc sách Tông Đồ Công Vụ), bài đọc II thường là một đoạn thư của thánh Phaolô hay của một Tông Đồ khác, còn bài đọc III thì luôn luôn là một đoạn Tin Mừng (Phúc Âm).

Các bài đọc Cựu Ước kể cho chúng ta nghe công trình của Thiên Chúa trước khi Chúa Kitô giáng trần. Bài Tin Mừng thuật lại các việc làm, cử chỉ và giáo huấn của Chúa Giêsu. Còn bài đọc II cho chúng ta biết tư tưởng và đời sống của các Kitô hữu tiên khởi.

Trong thánh lễ các ngày Chúa nhật Mùa Vọng, Mùa Chay và Mùa Phục Sinh, cũng như các ngày lễ trọng (Giáng Sinh, Chúa Thánh Thần hiện xuống...), cả ba bài đọc đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau về tư tưởng. Một sứ điệp được công bố dưới ba khía cạnh khác nhau.

Còn vào các ngày Chúa nhật khác mà ta gọi là Chúa nhật Thường Niên hay Quanh Năm, bài đọc I được chọn hợp với ý nghĩa của bài Tin Mừng. Mục đích để làm nổi bật sự hợp nhất của Cựu Ước và Tân Ước, của lịch sử cứu độ mà Chúa Kitô là trung tâm. Nếu có liên hệ tư tưởng với bài đọc II, thì chỉ là tình cờ mà thôi, vì bài đọc II theo một chu kỳ riêng biệt.

Các bài đọc được sắp xếp không theo thứ tự thời gian, nhưng theo ý nghĩa thần học và có tính cách sư phạm : trước tiên chúng ta nghe chứng từ của các bậc tiền bối trước thời Chúa Giêsu (bài đọc Cựu Ước) ; kế tiếp, chứng từ của các vị đã tiếp nhận sự mạc khải của Chúa Kitô phục sinh (bài đọc Tân Ước) ; và sau cùng là lời của chính Chúa Kitô (Tin Mừng).

Trước Công Đồng Vaticanô II, chỉ có hai bài đọc và được lặp lại mỗi năm. Bây giờ, trong mỗi thánh lễ Chúa nhật, chúng ta có ba bài đọc, được đọc lại sau một chu kỳ ba năm có tên năm A, năm B, năm C. Năm A đọc Tin Mừng theo thánh Mát-thêu ; năm B, thánh Mác-cô ; năm C, thánh Lu-ca ; còn Tin Mừng theo thánh Gio-an được đọc mỗi năm trong Mùa Chay và Mùa Phục Sinh. Như vậy, Giáo Hội cho đọc nhiều bài Thánh Kinh hơn trước rất nhiều. Chúng ta có thể nghe gần như trọn vẹn sách Tin Mừng.

° Thánh lễ trong tuần chỉ có hai bài đọc : bài đọc I trích từ Cựu Ước hoặc Tân Ước (trừ Tin Mừng), bài đọc II luôn là một đoạn Tin Mừng, được phân phối như sau : trong các tuần 1-9 Quanh Năm, đọc Tin Mừng theo thánh Mác-cô ; trong các tuần 10-21, theo thánh Mát-thêu ; và trong các tuần 22-34, theo thánh Lu-ca. Trong các Mùa khác, bài Tin Mừng được chọn theo tính chất đặc biệt của mỗi Mùa.

Trong Mùa Thường Niên, bài đọc I có chu kỳ hai năm (năm chẵn và năm lẻ), bài đọc II (Tin Mừng) có chu kỳ một năm. Các Mùa khác, bài đọc I và II đều có chu kỳ một năm.
 
15. Bài Thánh vịnh có vai trò gì?
 

Bài Thánh vịnh (hoặc bài thánh ca trích trong Kinh Thánh) được chọn theo ý tưởng của bài đọc I. Đó là sự đáp lại của cộng đoàn đối với Lời Chúa mà cộng đoàn vừa nghe (vì thế có tên là Đáp ca hay Thánh vịnh đáp ca), như là lời đáp lại với chính Thiên Chúa vừa phán dạy trong bài đọc I.

Thông thường, Thánh vịnh, và đặc biệt là câu đáp của Thánh vịnh, lặp lại một lời, một ý nào đó vừa được công bố. Thí dụ, nếu bài đọc I mời gọi lắng nghe tiếng Chúa và thực hành những giáo huấn của Người, thì hầu như như câu đáp của Thánh vịnh sẽ là : "Lạy Chúa, Lời Ngài là chân lý, và luật Ngài là sự giải thoát cho chúng con".

 
16. Tại sao phải đứng lên khi nghe công bố Tin Mừng?


Trong thánh lễ, cộng đoàn ngồi khi nghe đọc hai bài Sách Thánh đầu tiên cũng như khi hát hoặc đọc Thánh vịnh.

Nhưng chúng ta đứng lên khi nghe công bố Tin Mừng, vì là bài đọc quan trọng hơn cả.

Các bài Tin Mừng chứa đựng chính lời của Chúa Giêsu. Khi linh mục đọc Tin Mừng trong thánh lễ, chính Chúa Kitô đang hiện diện và nói với chúng ta. Tin Mừng thuật lại các việc và hành động của Chúa Giêsu. Do đó, khi nghe công bố Tin Mừng, chúng ta đứng lên để tỏ lòng tôn kính Chúa Giêsu, tôn kính những giáo huấn của Người, cũng như mọi việc Người làm.


17. Tại sao phải làm tới ba dấu thánh giá trước khi nghe Tin Mừng?

Khi linh mục loan báo sẽ đọc bài Tin Mừng nào đó (Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mát-thêu, thánh Mác-cô, thánh Lu-ca hay thánh Gio-an), chúng ta tuần tự làm một dấu thánh giá trên trán, một trên môi miệng và một trên ngực. Tập tục này có từ thế kỷ thứ XI và mang nhiều ý nghĩa phong phú.

Làm ba dấu thánh giá như thế để xin Chúa ban ơn và chúc lành cho chúng ta. Qua dấu thánh giá trên trán, trên môi và trên ngực, chúng ta cầu xin cho lời Tin Mừng, mà chúng ta sắp nghe, thấm nhập trọn vẹn trong con người, bám rễ sâu trong trí khôn và trong tâm hồn của chúng ta. Chúng ta cũng xin cho trí tuệ của mình được soi sáng để thông hiểu Lời Chúa và cho tâm hồn được sưởi ấm để đón nhận Tin Mừng.

Khi làm ba dấu thánh giá, chúng ta có thể đọc thầm lời nguyện như sau : "Xin Lời Chúa mở rộng lòng trí con, cho miệng lưỡi con biết công bố Lời Ngài, cho con biết giữ Lời Ngài trong tâm hồn con và thực thi Lời Ngài".


18. Tại sao đọc kinh Tin Kính?


Trong thánh lễ, một trong những giây phút liên hệ chặt chẽ với Lời Chúa, đó là lúc đọc kinh Tin Kính hay lời tuyên xưng đức tin. Kinh Tin Kính được đọc trong các lễ chúa nhật và lễ trọng như là sự chấp nhận và đáp lại Lời Chúa mà giáo dân đã nghe trong các bài đọc và bài giảng.

Kinh Tin Kính tóm tắt tất cả các điều căn bản của đức tin Kitô giáo. Đọc kinh Tin Kính là dấu chỉ nhìn nhận đức tin của mọi Kitô hữu


19. Đâu là ý nghĩa của Lời nguyện cho mọi người?

Tiếp sau phần Tuyên xưng đức tin là phần lời nguyện cho mọi người (cũng gọi là lời nguyện tín hữu, hay trước đây thường gọi là lời nguyện giáo dân).

Cộng đoàn dâng lên Thiên Chúa những lời cầu xin, khẩn nguyện, kêu van và tạ ơn không những cho Giáo Hội, cho cộng đoàn và cho những người tham dự thánh lễ, mà còn cho tất cả mọi người, như lời khuyên của thánh Phaolô (1 Tm 2, 1).

Trong lời nguyện cho mọi người, chúng ta để con tim chúng ta cùng rung nhịp đập với mọi tạo vật, với mọi chiều kích của vũ trụ, biết thông cảm với những khổ đau, lao nhọc, với những niềm hy vọng của mọi người trên trái đất này.

Lời nguyện cho mọi người phải ôm trọn toàn thế giới trong vòng tay của mình và khẩn cầu Thiên Chúa đổ ơn dồi dào trên các tạo vật của Người.


20. Quyên tiền có phải là nghi thức thừa thãi không?


Một số người không thích quyên tiền trong các thánh lễ Chúa nhật, vì việc ấy làm chia trí trong lúc cầu nguyện. Phải chăng đó là hành vi quá vật chất và trần tục trong khung cảnh hoàn toàn thiêng liêng ?

Quyên tiền là một nghi thức rất cổ xưa và là sự tổng hợp của hai cách thực hành đã có từ buổi đầu của Kitô giáo :

° Một đàng, các tín hữu đem bánh và rượu đến để dâng thánh lễ. Các lễ vật này được rước kiệu lên bàn thờ, được chủ tế đón nhận để dâng lên Thiên Chúa. Đó là nguồn gốc của phần Dâng Lễ và lời nguyện tiến lễ (lời nguyện trên lễ vật). Từ thế kỷ thứ IX, vì việc nhận lễ vật bằng tiền mặt có vẻ tiện lợi hơn, nên việc rước kiệu lễ vật được thay thế bằng việc quyên tiền. Việc quyên tiền này trong thánh lễ là dấu chỉ sự tham dự tích cực của mọi tín hữu vào thánh lễ cũng như lễ vật của mỗi người. Nghi thức kiệu lễ vật trong thánh lễ, hiện vẫn còn được thực hiện tại một vài miền và vào các dịp lễ lớn, giữ lại dấu vết của tục lệ cổ xưa này.

° Đàng khác, tình liên đới giữa các phần tử trong cộng đoàn Kitô được cổ vũ ngay từ thời sơ khai để cung cấp cho những nhu cầu của Giáo Hội và của người nghèo.

Do đó việc quyên tiền trong thánh lễ là một trong những phương cách thể hiện lòng biết ơn đối với Thiên Chúa và tình liên đới với tha nhân.


LM. Vũ Thái Hòa: vuthaihoa@wanadoo.fr

 
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét