Trang

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2011

SỰ DỮ, MỘT VẤN ĐỀ (I)

SỰ DỮ, MỘT VẤN ĐỀ (I)

Sự Dữ, Một Vấn Đề


Nguyễn Minh Sơn, OP.


Dẫn nhập

Cuộc sống con người luôn đối diện trước những vấn nạn về sự dữ, những đau khổ do bệnh tật, những thảm hại do thiên tai gây ra, những cuộc chiến tranh khốc liệt giữa con người với con người… và cuối cùng là cái chết. Không ai không là nạn nhân của sự dữ.

Mỗi người bị sự dữ tác hại một cách khác nhau: chiến tranh, động đất, lũ lụt, bệnh tật, đói khát… đã và đang xảy ra nhan nhản trên khắp thế giới, và vì nạn nhân của sự dữ, nên con người không dễ dàng chấp nhận nó. Bản chất của con người là mong đạt đến sự hoàn thiện, mong đuợc an vui hạnh phúc. Thế nhưng, thực tế cuộc sống cho thấy, con người ước mơ nhiều nhưng chẳng được bao nhiêu. Có người tưởng chừng như hạnh phúc đang đến với họ, ước mơ đã thành sự thật, thì cũng lúc đó sự dữ có mặt cắt đứt đi những niềm hạnh phúc ấy. Sự dữ gây ra cho con người bao nỗi khổ đau, đau về thể xác đã đành, đau về tinh thần là điều khốn khổ biết bao. Chính vì thế, thái độ của con người luôn luôn chống lại sự dữ, chối bỏ không chấp nhận sự hiện hữu của nó.

Vậy, thái độ của người kitô hữu như thế nào khi phải đối diện trước vấn nạn về sự dữ?
 

Trong Kinh thánh có nói về nguồn gốc của sự dữ là do Adam và Eva đã ăn trái cấm nên đã phạm tội bất tuân cùng Thiên Chúa. Kinh thánh không tranh luận về sự dữ nhưng khẳng định rõ ràng về thực tại sự dữ khi dùng biểu tượng con rắn để mô tả hành động xảo trá gieo rắc bất hoà giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Kinh thánh cũng tố cáo sự bất công dai dẳng và sự giả hình khả ố, đồng thời vẽ lên bức tranh bi thảm của một đám đông dân chúng lầm lạc khi họ đóng đinh Đức Kitô trên thập giá. Đức Kitô không bỏ qua thực tại sự dữ, và Người cũng không bao giờ biện minh cho sự dữ. Như vậy, sự dữ đã có và vẫn tồn tại từ khi con người phạm tội cùng Thiên Chúa.

Theo một cách hiểu, lịch sử của con người là lịch sử của cuộc chiến giữa sự lành và sự dữ. Tất cả các tôn giáo lớn đều nhìn nhận rằng có một sự giằng co trong lòng vũ trụ. Theo Ấn Độ giáo, một cuộc chiến giữa thần ánh sáng và thần bóng tối: theo Do thái giáo và Kitô giáo, một cuộc chiến giữa Thiên Chúa và Xa-tan. Mọi người cảm nhận được rằng trong sức mạnh của sự thiện hướng con người đi lên có sức mạnh của sự dữ kéo con người đi xuống.

Đứng trước “huyền nhiệm sự dữ” (một kiểu nói ưa dùng của Gabriel Marcel), vừa phi lý vừa gây khó chịu, ta thường có một phản ứng chính đáng là cự tuyệt và bất mãn. Chúng ta muốn làm mọi cách để thoát khỏi nhưng vô hiệu. Huyền nhiệm ấy “bao vây” lấy chúng ta dù muốn dù không.[1]
 

Đối với chúng ta là những người tin vào Đức Kitô, mặc dù chúng ta không giải thích gì hơn, nhưng may mắn thay cho chúng ta, khi chúng ta suy gẫm Kinh thánh thì có thể thoáng thấy được một vài lý do khả dĩ giải thích tại sao Thiên Chúa chấp nhận để cho sự dữ xảy đến với những người Ngài yêu thương, những con người vô tội, bằng cách chính Đức Kitô cũng là nạn nhân của sự dữ.

Phần 1: KHÁI NIỆM SỰ DỮ


Người ta thường lý luận: nếu Thiên Chúa hiện hữu thì không có sự dữ, nhưng thế giới lại đầy sự dữ, vậy Thiên Chúa không hiện hữu. Đau khổ và sự dữ là điều lý trí con người không muốn chấp nhận. Thật thế, lý trí nói với chúng ta rằng Thiên Chúa là Đấng toàn năng, toàn trí, toàn thiện đã tạo nên vũ trụ, vậy tại sao trong công trình của Ngài lại chứa đựng sự dữ và đau khổ? Ngài không thể tạo dựng nên một vũ trụ hoàn hảo sao? Phải chăng đây là một thất bại của Ngài?

Nếu đối với người vô thần, sự dữ và đau khổ là một vấn nạn, thì đối với người Kitô hữu nó cũng là cớ vấp phạm không kém. Đức tin nói với người Kitô hữu rằng Thiên Chúa chẳng những là Đấng Tạo Hoá, mà còn là Người Cha yêu thương. Vậy Thiên Chúa là tình yêu, thì tại sao Ngài lại để cho con cái Ngài lại phải đau khổ?

Với những câu hỏi đó, người ta đã dựa vào sự dữ để phủ nhận Thượng Đế, từ một thiểu số ban đầu đến chỗ ngày càng đông, nhất là trong thời hiện đại. Càng tiến bộ trong việc chế ngự thiên nhiên, con người càng khó chấp nhận sự dữ cùng với những giới hạn thật khó chịu mà nó áp đặt lên con người. Thế là đẻ ra một làn sóng phản kháng ngày càng mạnh chống lại vị Thượng Đế có vẻ bạo dâm, dựa trên một ý tưởng, mới nhìn có vẻ rất đúng cho rằng nếu Thượng Đế hiện hữu thực sự và nếu Người toàn thiện, toàn năng như những kẻ tin vẫn nói, thì Người không thể cho phép sự dữ và đau khổ có mặt được. Đây cũng là cội rễ đẻ ra thái độ vô thần của nhiều người. Nếu Người có thì tại sao lại để mặc cho những tai họa đó “đè bẹp cuộc sống chúng ta và làm cho ta phải luôn than thở, nổi loạn”[2]
 

Vấn đề xem ra thật là nan giải, bởi lẽ “làm sao chúng ta có thể cùng một lúc xác nhận ba mệnh đề sau đây mà không gặp mâu thuẫn: Thượng Đế toàn năng; Thượng Đế toàn thiện; sự dữ vẫn còn. Chỉ có thể hoà hợp hai trong ba mệnh đề ấy, còn hoà hợp cả ba thì không thể”[3].
 

Trước hết, chúng ta cần xác định thế nào là sự dữ.

Sự dữ được hiểu như là tất cả những gì nghịch lại sự thiện, và sự thiện là những gì phù hợp với bản chất của con người. Bởi vì con người là một hữu thể bao gồm thể chất và tinh thần, nghĩa là tinh thần nhập thể trong thể chất hay một thân thể được sinh động bởi tinh thần, cho nên sự thiện đối với con người là tất cả những gì phù hợp thể xác và tinh thần. Điều thiện đối với thân xác là thiện ích của thân xác: sức khoẻ, khoái cảm, sự sống; còn điều thiện đối với tinh thần là sức khỏe tâm linh. Nhưng con người không chỉ là một hữu thể đóng khung trong chính nó, mà là một hữu thể có tương quan: tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân và với thế giới; còn điều xấu, sự dữ là những gì phá hủy, ngăn cản những mối tương quan ấy.


1. Sự dữ như một thực tế
 

Sự dữ có thể là do tự nhiên hay còn gọi là sự dữ hiện sinh và sự dữ do bởi tự do của con người. Phân biệt như thế, mặc dầu có hạn chế ở một số trường hợp (như một số căn bệnh, tức là sự dữ hiện sinh - sẽ trở nên nghiêm trọng hơn do điều kiện sinh sống, do ô nhiễm môi sinh…, nghĩa là những sự do tự do của con người). “Sự dữ hiện sinh” là thành ngữ dùng để chỉ sự dữ xảy ra cho con người do chính cuộc sống “tự nhiên” của họ trong thế giới. Về phương diện này, con người phải gánh chịu bệnh tật, đau khổ, chết chóc, âu lo.

Vì không thể loại bỏ hoàn toàn những đau khổ và những hạn chế do bởi điều kiện tự nhiên, con người sẽ tìm cách làm chủ và cố gắng đẩy lùi chúng càng xa càng tốt. Và họ đã thành công phần nào, nhờ vào những tiến bộ kỳ diệu đã đạt được trong lãnh vực y khoa chẳng hạn, đồng thời vẫn ý thức rằng mình sẽ không bao giờ có thể tiêu diệt chúng hoàn toàn được. Con người không bao giờ có thể thoát được tất cả những hiện tượng tự nhiên sinh ra sự dữ, đau khổ và chết chóc.

Tuy nhiên, trong thế giới này ta không chỉ gặp những đau khổ và sự dữ tự nhiên. Chúng ta còn gặp cả những sự dữ gây ra bởi những việc làm tự do, có ý thức và tự ý của con người, những sự dữ là kết quả trực tiếp của tự do con người[4]. Từ những trại tập trung, nơi phẩm giá con người bị hạ thấp, cho đến thời đại văn minh của chúng ta ngày nay, trong đó đồng tiền đang làm hỏng mọi sự; rồi chiến tranh, đói kém và thất nghiệp, đã có không biết bao nhiêu là khổ đau, đôi khi vượt ngoài sức tưởng tượng của ta, nhưng luôn luôn đáng xấu hổ vì tất cả đều do chính con người tạo ra! Xì-căng-đan là chỗ này: sử dụng tự do một cách đồi bại. Bernanos nhấn mạnh rằng “Xì-căng-đan của thế giới không phải là đau khổ, mà là tự do. Thiên Chúa đã dựng nên thụ tạo tự do, đó là Xì-căng-đan lớn nhất bởi vì mọi Xì-căng-đan khác đều phát xuất từ đó[5].

Trong tiểu thuyết “Anh em nhà Karamazov”, Dostoievski đã nói về con người được Thượng Đế tạo dựng có tự do và con người chọn lựa tự do của mình. Đứng trước bức tranh đen tối vẽ ra bao hành vi xấu xa bởi tự do con người, ta tự hỏi phải chăng thà tạo ra một thế giới nô lệ còn hơn là tạo dựng ra một thế giới có tự do ngự trị. Trong thế giới nô lệ ấy, con người sẽ cảm thấy hạnh phúc vì không có tự do. Còn khi tạo nên con người có tự do, Thượng Đế phải chấp nhận nguy cơ này là con người đã chẳng quên làm điều ấy! Dostoievski đã nêu lên vấn đề này. Sau đây là một đoạn trích trong “truyền thuyết về vị Chánh Thẩm toà điều tra” của tác phẩm ấy:
 

“Chuyện xảy ra ở thành phố Sevilla (Tây Ban Nha) vào thời kỳ kinh khủng nhất của toà điều tra tôn giáo, khi mà để làm sáng danh Đức Chúa Trời, ngày nào người ta cũng đốt những dàn lửa thiêu…(lúc đó, ngay giữa đám đông dân chúng, Chúa Giêsu) xuất hiện một cách lặng lẽ, không để ai nhận thấy, nhưng kỳ lạ thay, mọi người đều nhận ra Chúa. Dân chúng vội vã ùa đến với Chúa và đi theo Người. Người im lặng đi qua giữa họ, miệng mỉm cười thương cảm vô hạn.(trước sân nhà thờ chính toà, Chúa đã làm cho một bé gái sống lại)…Lúc đó đức hồng y Chánh Thẩm toà điều tra đi ngang qua quảng trường. Ngài nhìn thấy hết và mặt sa sầm. (Ngài cho bắt Chúa Giêsu)… và dân chúng vốn đã quen thần phục và run sợ tuân lệnh, nên đã lập tức giãn ra trước bọn vệ binh. Trong bầu khí im phăng phắc như trong nhà mồ, chúng túm lấy Người, giải đi…

(Đến đêm, vị Chánh Thẩm toà điều tra đến gặp Chúa Giêsu trong tù). Tại sao ông đến làm phiền chúng tôi?, điều đó chính ông cũng biết. Nhưng ngày mai tôi sẽ kết án ông và thiêu ông trên giàn lửa như một kẻ lạc giáo tồi tệ nhất… Ông đã thấy những con người tự do đấy, nhưng chính họ đã đem tự do của họ đặt dưới chân chúng tôi…(khi ban cho họ tự do) là ông gạt bỏ con đường duy nhất có thể đem lại hạnh phúc cho con người. (Ông rao giảng) cho người đời về một thứ tự do mà những người chất phác và bẩm sinh đần độn không thể hiểu nổi, đâm ra khiếp sợ nó, bởi vì đối với con người và xã hội loài người, không bao giờ có cái gì khó chịu đựng hơn tự do! Nhưng rốt cuộc họ sẽ trở nên ngoan ngoãn. Họ sẽ ngạc nhiên và sẽ coi chúng tôi là thần thánh vì một khi đã lên cầm đầu họ. Chúng tôi bằng lòng đảm nhận gánh nặng tự do và cai trị họ. Thế đấy, họ sợ tự do đến mức như vậy. Đối với con người đã được tự do, không có mối bận tâm nào triền miên hơn, đau khổ hơn là mau mau tìm lấy một đấng để sùng phụng. Nhưng người ta chỉ muốn sùng phụng một uy quyền hiển nhiên, không bàn cãi gì nữa, một uy quyền mà tất cả mọi người đều nhất tề sùng phụng. Một lần nữa tôi nhắc cho ông biết rằng con người không có mối âu lo khắc khoải nào hơn là tìm cho được một người để mau mau trao lại cái tự do mà họ đã bất hạnh mang lấy từ lúc ra đời.

“Đáng lẽ chiếm lấy tự do của con người, Chúa lại cứ tăng thêm mãi và làm cho hữu thể tinh thần này chồng chất thêm những dằn vặt vì sự tự do. Nhưng chẳng lẽ Chúa không thấy trước rằng con người rốt cuộc sẽ chối hoặc thậm chí bài bác cả hình ảnh lẫn sự thật của Chúa nếu như họ bị đè ép dưới sức nặng khủng khiếp của sự tự do lựa chọn này? Như thế Chúa đã đánh giá con người quá cao, bởi lẽ họ là nô lệ. Con người yếu đuối và hèn hạ hơn Chúa tưởng. Chúa đòi hỏi ở họ quá nhiều.
 

Chúng tôi đã sửa chữa lại sự nghiệp ấy của Chúa và người đời vui sướng vì lại được chăn dắt đàn cừu, cất bỏ được cái tặng phẩm đáng sợ đã đem đến cho họ biết bao đau khổ này.

Chúng tôi sẽ làm cho mọi người được hạnh phúc. Sẽ không còn nổi loạn và giết chóc nữa, những cái đó chỉ có trong tự do của Chúa. Chúng tôi sẽ thuyết phục họ rằng họ chỉ thực sự tự do khi nhường bỏ tự do của mình cho chúng tôi. Thế nào, chúng tôi có lý hay đã nói dối? Chính họ sẽ thấy rằng chúng tôi có lý, vì họ sẽ nhớ tự do của Chúa đã đưa họ đến kiếp nô lệ khủng khiếp và sự hoang mang như thế nào. Sự độc lập, tự do tư tưởng, khoa học sẽ đẩy họ vào những mê lầm và đặt họ trước những bí nhiệm, điềm thiêng không giải đáp được, khiến cho trong bọn họ những người nổi loạn hung dữ sẽ tự tiêu diệt chính bản thân mình, một số khác cũng nổi loạn nhưng yếu hơn, còn đám dân hèn nhát và tội nghiệp sẽ bò đến dưới chân chúng tôi mà kêu van: Vâng, các ngài có lý, chỉ có các ngài nắm được bí nhiệm của Chúa và chúng tôi xin trở lại với các ngài, hãy cứu vớt chúng tôi khỏi chính bản thân chúng tôi”.[6]

Ngày nay, càng lúc chúng ta càng thấy rõ có những chế độ bất công, có những cơ cấu chính trị, kinh tế, xã hội bất công. Nhưng phân tích đến cùng, những cơ cấu ấy do con người làm ra, như thế, nếu chúng ta có bất công cũng là do sự ích kỷ, kiêu ngạo và tham vọng của con người. Sự dữ không nằm trong các sự vật hay trong các cơ cấu, mà trong ý muốn xấu xa của con người. Chính con người làm cho sự vật và cơ cấu ra xấu xa để phục vụ cho ý muốn ích kỷ và thấp hèn của mình. Quả thật, có những khía cạnh của sự dữ trong lịch sử nhân loại xem ra vượt quá sự lý giải của con người. Nhìn xuyên suốt lịch sử nhân loại, chúng ta chỉ thấy toàn mâu thuẫn. Mọi người ai cũng muốn điều thiện, nhưng sự dữ vẫn thắng thế. Mọi người ai cũng tuyên bố yêu chuộng hoà bình, nhưng lịch sử nhân loại được viết bằng chiến tranh hơn là hòa bình. Nhìn vào con người, chúng ta thấy có mâu thuẫn giữa điều nó “là” và điều nó muốn “trở thành”. Nơi con người, sự hướng chiều về sự dữ mạnh đến độ dù có ước muốn và khả năng làm điều thiện đến đâu, nó vẫn thường chọn điều ác. Từ ngàn xưa, thi sĩ Ovide đã diễn tả cái mâu thuẫn ấy: “Tôi đã thấy và chuẩn bị điều tốt, nhưng tôi lại làm điều xấu”. Như vậy, sự dữ phát sinh và tồn tại trong lịch sử nhân loại là do một phần lớn chính con người gây ra. Bất cứ ai đã được sinh ra và sống trên cõi đời này thì không thể tránh khỏi sự dữ, vì sự dữ có thật và ảnh hưởng tác hại đến đời sống con người.
 

2. Bản chất sự dữ


Sự dữ là gì? Đó là điều hết sức khó nói, mặc dù con người đã có kinh nghiệm về nó. Các triết gia, các nhà luân lý, tâm lý và lãnh vực siêu hình đều đi tìm hiểu về bản chất của nó, nhưng người ta vẫn không có một lý thuyết gì chung về sự dữ, mỗi người nhìn và nghiên cứu dưới những khía cạnh khác nhau.
 

Trước hết, với Socrate và Platon, sự dữ được trình bày như một hữu thể giảm thiểu. Nói cách khác, sự dữ được coi như là một thực tại, một hữu thể, nhưng là một hữu thể khiếm khuyết. Chẳng hạn một người xấu số nào đó, đáng lẽ anh ta sinh ra phải có đầy đủ các cơ quan, nhưng không, anh ta lại bị khiếm thị hay bị dị tật nào đó… và ngôn ngữ triết lý gọi lý thuyết này là lý thuyết khiếm khuyết, và ý niệm ấy đã được đúc kết lại trong một câu nói thời danh của Socrate: “không ai cố tình làm điều ác”[7]. Câu nói đó giúp ta hiểu rằng, người ta làm điều ác chỉ vì họ ngu dốt, không thấu hiểu sự thiện. Sự thiện bao giờ cũng là một sự hoàn bị, thiết yếu, đẹp đẽ lý tưởng, nó thỏa mãn mọi yêu sách của lý trí, nhờ đó, khi am hiểu được sự thiện thì lý trí phải làm điều thiện.

Đối với Plotin, sự dữ được trình bày như “thành phần” trong “toàn khối” theo quan điểm thẩm mỹ. Nghĩa là, cũng như một bức họa, những bóng đen cần thiết để làm nổi bật những màu sắc sáng sủa; hay trong một bản nhạc, những giọng trầm bi thương cần thiết để làm nổi bật những giọng cao hoan hỉ… Vì thế, ông đã viết lại trong bản văn thời danh rằng: “Sự ác không hiện hữu một cách biệt lập… một cách thiết yếu, nó xuất hiện lên như bị ràng buộc với những xiềng xích của vẻ đẹp, hay một kẻ bị tù đày nhưng mang vòng xích vào. Những xiềng xích ấy che đậy nó để thân mình không thấy sự xấu xa của nó khi nó xuất hiện trước mặt loài người[8]”. Nói tóm lại, lý thuyết này biện hộ là chính đáng cho thái độ khoan dung toàn diện của ta đối với cả tình trạng lành mạnh, cả tình trạng bệnh lý, cả những gì quái gở xấu xa, nghĩa là đối với sự sống dưới đất tất cả mọi hình thức của nó.
 

Theo thánh Thomas, một sự đối lập sẽ được nhận biết nhờ một đối lập khác. Cũng vậy, chúng ta nhận biết sự dữ nhờ bản tính của sự thiện. Mọi bản tính đều ước muốn sự hiện hữu và hoàn hảo riêng của mình, tức là những sự thiện. Và như vậy, sự dữ không thể là hữu thể hoặc bất kỳ một mô thể hay bản tính nào. Sự dữ chỉ là khuyết mất hiện hữu, tức là khuyết mất sự thiện. Nhưng như thế không có nghĩa là sự dữ không có thật. Nó không phải là tình trạng thiếu sự thiện như thỉnh thoảng người ta vẫn nói. Các triết gia có thể hài lòng với những lập luận kiểu đó một mình trong bàn giấy, nhưng họ sẽ nghĩ sao trước một bà mẹ vừa mới chứng kiến con mình chết? Dẫu sao, sự dữ vẫn là một thực tại kinh khủng ta không thể lạc quan mà phủ nhận nó.


3. Con người đứng trước sự dữ
 

Sự dữ xuất hiện khắp nơi, dưới mọi hình thức, xuyên suốt dòng lịch sử. Sự dữ xuất hiện và hoạt động trên tất cả mọi loài thụ tạo. Nhưng đối với con người thì sự dữ trở nên đau khổ và khủng khiếp hơn, bởi vì con người ý thức được về chúng. Con người là sinh vật duy nhất không chỉ đau khổ trong hiện tại, mà còn đau khổ về một quá khứ, những day dứt, dằn vặt và hối tiếc về những cái của một thời đã qua, và thậm chí còn đau khổ về một tương lai trước những nguy cơ đang đe dọa đến mình…Với ý thức, con người mới biết được những gì mình đang chịu, đang đương đầu và đang đụng chạm đến. Con người cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc hay đau đớn bằng giác quan và bằng ý thức. Chính nhờ ý thức giúp cho con người biết được những điều mình đang chịu là hợp lý hay vô lý, có thể chấp nhận hay từ chối.
 

Hơn nữa, con người không chỉ ý thức mà còn là ước vọng nữa. Ước vọng là điều cao quý của con người nhưng cũng là nỗi khổ đau của con người. Chính ước vọng là động lực thúc đẩy con người ra sức xây dựng và phát triển xã hội một cách tươi đẹp, cũng như ra sức để hoàn thiện bản thân. Tuy nhiên, ước vọng sẽ trở thành đau khổ một khi con người không đạt được nó, ước vọng càng lớn thì đau khổ càng nhiều. Cái ước vọng vô biên của con người là tránh đau khổ khi phải đụng chạm tới nó.
 

Khi nhìn dưới một nhãn quan nào đó, cái chết như có vẻ rất bình thường vì nó thuộc quy luật muôn thuở của thế giới sinh vật; cũng vậy, cuộc đời con người sinh-lão-bệnh-tử là chuyện bình thường. Nhưng thực tế, khi phải đối diện với thực tại sự chết, con người lại cảm thấy cái chết là một điều phi lý. Nó ngăn chặn khát vọng nền tảng của hữu thể luôn vươn tới sự sống. Nó đè bẹp nhu cầu vô tận của con tim. Con người là một hữu thể chẳng bao giờ thoả mãn, bất chấp giới hạn của mình. “Cái chết là nơi thâu tóm và là chỗ kết thúc của tất cả sự suy sụp dần dần của chúng ta, nó là sự dữ.[9] Cuộc sống con người không thể đồng nhất với các sinh vật khác được, bởi vì nơi con người còn có ý thức và ước vọng. Một cái chết đến, nó phá đổ tất cả mọi dự phóng, mọi hoài bão và chương trình của con người. Có những người trẻ mang đầy những nhiệt huyết bước vào đời với một tương lai tươi sáng, tưởng chừng như không gì lay đổ, nhưng bỗng chốc thần chết đến, mọi sự đều tiêu tan, chỉ còn lại một dấu chấm hết. Thật là phi lý và đau khổ khi con người ý thức về nó.

(còn tiếp)
 

(TSTH TH3.2010)
________________________________________
[1] Người ta đã nói tới những “vòng tròn ma quái” của tử thần: những vòng tròn ma quái của nghèo đói, bạo lực, tha hóa về chủng tộc và văn hóa, huỷ diệt thiên nhiên bằng nạn ô nhiễm và sau hết, vòng tròn ma quái của sự phi lý khi chúng ta đang vô tình biến thế giới này thành một địa ngục.(Trích dịch: J. Moltmann, “Le Dieu crucifie”, Cerf-Mame, coll. “Cogitatio fidei” số 80, 1974, p. 370-374).


[2] Lời tựa của L. Lavelle và R.Le Senne viết cho cuốn “Le sens de la souffrance” của M. Scheler, Paris, Aubier, 1936, p.5

[3] P. Ricoeur, “le mal, un défi à la philosophie et à la théologie”, Genève, Labor et Fides, 1986, P.13-14.

[4] Từ đó đặt ra những vấn đề triết học, đạo đức rất quan trọng, nhất là vấn đề lỗi phạm, hay đối với các Kitô hữu, đó là vấn đề tội lỗi. Quả thực, đức tin Kitô giáo cho thấy có sự liên hệ chặt chẽ giữa việc lạm dụng tự do và cái được gọi là “tội lỗi” hay từ chối đáp trả lại lòng mong đợi của Thiên Chúa, Đấng đã mời gọi con người chia sẻ sự sống với Ngài và đã đích thân xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ. Vẫn còn một câu hỏi căn bản là tại sao nơi con người có tội lỗi, tại sao con người có ý muốn làm điều xấu?
 

[5] G. Bernanos, “la liberté, pour quoi faire?”, Paris, Gallimard, coll. “Idées”, 1972, P.224.
 

[6] Dostoievki, “les Frères Karamazov”, Gallimard 1948, t. V, ch. V, “La légende du grand Inquisiteur”, P. 228-245.
 

[7] Trịnh Ngọc Sương, Những lý thuyết về sự ác, tr 3.
 

[8] Sđd, tr 5.
 

[9] Teillard de Chardin.

Nguồn: daminhvietnam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét