Trang

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

MƯỜI ĐỀ TÀI LUÂN LÝ KI-TÔ GIÁO : ĐỀ TÀI 10

MƯỜI ĐỀ TÀI LUÂN LÝ KI-TÔ GIÁO : ĐỀ TÀI 10

MƯỜI ĐỀ TÀI LUÂN LÝ KI-TÔ GIÁO : ĐỀ TÀI 10

Đề tài mười : Thế nào là chân lý theo quan điểm luân lý và bổn phận phản ảnh chân lý của các phương tiện truyền thông xã hội hôm nay? (đạo đức học truyền thông hay giới răn thứ 8)

NHẬP ĐỀ:

Trong những thập niên cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, nhân loại đã chứng kiến một vài cuộc cách mạng lớn trong đời sống con người: không phải là những cuộc cách mạng chính trị, mà là những cuộc cách mạng khoa học dẫn tới những thay đổi lớn trong đời sống văn hoá, kinh tế, chính trị, đạo đức và tôn giáo. Đáng kể nhất là cuộc cách mạng sinh học (kể từ khi khám phá ra bản đồ ADN hay bản đồ di truyền học của thân thể con người, người ta không những đã thay đổi quan niệm về sự cấu tạo của cơ thể con người, mà còn can thiệp được vào trong các yếu tố di truyền của một người để điều trị bệnh tật và tăng cường sức khoẻ, cũng như nghĩ đến việc tạo những mô hình mẫu liên quan đến sự sống); và cuộc cách mạng thông tin (kể từ khi khám phá ra điện toán, không những người ta có thể nắm bắt được vừa nhanh vừa đúng các thông tin, mà còn có thể xử lý các thông tin ấy theo ý mình hầu chi phối đời sống con người chỉ qua máy điện toán). Nhưng cũng chính các khám phá mới ấy của con người đang bắt đầu vượt khỏi tầm kiểm soát của con người, khiến người ta phải vội vàng đặt ra vấn đề đạo đức học trong các lãnh vực công nghệ ấy. Riêng trong lãnh vực thông tin, người ta phải đặt ra vấn đề chân lý, vấn đề xử lý thông tin thế nào cho có tính đạo đức, vấn đề trách nhiệm của người làm ra các chương trình thông tin hay của người sử dụng thông tin…

KHAI TRIỂN:

1. Hai chức năng của các loại hình ngôn ngữ hay các phương tiện truyền thông:

1.1. Một cách vắn tắt, bất cứ loại hình ngôn ngữ nào (lời nói, bộ điệu, cảm xúc, hình tượng, chữ viết…) hay bất cứ phương tiện truyền thông nào (sách báo, phim ảnh, kịch nghệ, nghệ thuật, truyền thanh, truyền hình, điện thoại, điện toán…) đều có hai chức năng hay hai mục tiêu: thông tin và thông hiệp; trong đó thông hiệp là chức năng và mục tiêu quan trọng hơn. Khi phát ngôn, bày tỏ cảm xúc, có những cử điệu, vẽ ra các hình tượng hay viết…, người ta không những muốn thông báo cho người khác một tin nào đó, mà còn muốn qua sự thông báo đó hai bên hiểu nhau nhiều hơn, thông cảm với nhau hơn và hợp nhất với nhau chặt chẽ hơn. Dĩ nhiên, mỗi loại hình ngôn ngữ và mỗi loại phương tiện truyền thông đều có những sở trường và sở đoản khiến chức năng này sẽ được thực hiện tốt hơn chức năng kia, dù cả hai chức năng đều được thực hiện ít hay nhiều qua những ngôn ngữ và những phương tiện truyền thông ấy. “Truyền thông không phải chỉ là một cách bày tỏ ý kiến và cảm xúc, mà còn là trao ban chính mình trong yêu thương” (‘Hiệp thông và tiến bộ’ số 11).

1.2. Đã là sản phẩm do con người làm ra, được con người sử dụng và để phục vụ con người, các loại hình ngôn ngữ và các phương tiện truyền thông ấy cũng mang tính đạo đức – nghĩa là có liên quan tới hạnh phúc, phẩm giá và định mệnh của con người và sẽ được phê phán theo mức liên quan ấy. Một cách cụ thể, chúng ta không thể chỉ đánh giá loại hình ngôn ngữ và phương tiện truyền thông là tốt hay xấu vì đã thông tin rõ ràng hay khó nắm bắt, thông tin nhanh hay chậm, thông tin đủ hay thiếu… - đánh giá về mặt kỹ thuật và công nghệ; chúng ta còn phải đánh giá loại hình ngôn ngữ và phương tiện truyền thông là tốt hay xấu vì đã giúp thăng tiến đời sống con người, phát huy phẩm giá con người, tăng cường tình thân ái giữa con người và xây dựng sự hiệp thông giữa con người… - đánh giá vể mặt đạo đức. Có người nói rằng tự bản thân các loại hình ngôn ngữ và các phương tiện truyền thông không có ‘phúc’ mà cũng chẳng có ‘tội’, mà chỉ những người sử dụng chúng mới được phê phán là đã làm phúc hay gây tội (x. ‘Đạo đức trong truyền thông’ số 1).

2. Vấn đề chân lý hay sự thật:

2.1. Suy nghĩ thật, nói thật và làm thật theo các quan niệm khác nhau:
Nói đến thông tin hay ngay cả nói đến thông hiệp là giả thiết vấn đề sự thật hay chân lý. Ở đây, chúng ta cũng cần điểm qua một số quan niệm khác nhau về chân lý. Như theo quan niệm của triết học Hy Lạp, sự thật là sự phù hợp giữa điều mình nói hay tư duy với thực tại bên ngoài (Aristote), là sự phù hợp giữa điều mình nói hay tư duy với thực tại của chúng trong thế giới linh niệm mà người ta chỉ có thể nắm bắt được bằng suy nghĩ thuần lý và trực giác (Platon). Còn theo quan niệm của triết học duy lý (Descartes) hay triết học duy danh (‘nominalisme’) của Ockham) sự thật là sự phù hợp giữa các ý tưởng, các khái niệm và lý luận. Theo quan niệm của các nền triết học đạo đức (thuyết Khắc Kỷ), sự thật là sự phù hợp giữa điều mình nói với việc mình làm, hay là sự phù hợp giữa điều mình sống với lý tưởng mình đang theo đuổi. Theo quan niệm của triết học duy nghiệm (‘empirisme’ của Hume) sự thật là một điều có thể kiểm chứng được bằng kinh nghiệm trong thực tế. Theo quan điểm của triết học xã hội (thuyết Mác-xít), sự thật là sự phù hợp giữa điều mình tư duy, nói năng và hành động với chuẩn mực của xã hội, phản ảnh qua phong tục và luật lệ, hay qua mệnh lệnh của giai cấp lãnh đạo. Tất cả những quan niệm này hoặc sai hoặc không đầy đủ: người ta chỉ nhắm tới sự thật không toàn diện – sự thật trong lý luận, sự thật trong kinh nghiệm, sự thật trong đời sống hay sự thật trong hữu thể (nhưng là hữu thể trong giới hạn của mình).

2.2. Suy nghĩ thật, nói thật và làm thật theo Mặc Khải Kitô Giáo:

Kinh Thánh Cựu ước và Tân ước đề nghị một quan niệm khác về sự thật: sự thật toàn vẹn và cuối cùng chỉ có nơi Thiên Chúa, còn những sự thật khác đều là những sự chia sẻ bản tính vốn rất thật của Ngài. Thiên Chúa là đấng quy nhất chỉ ‘có’ chứ không vừa ‘có’ vừa ‘không’. Nơi Ngài, mọi sự đều xuất hiện trọn vẹn đúng với bản chất của nó. Vì thế, một điều được coi là đúng không phải chỉ vì điều ấy hợp với lý luận, hợp với kinh nghiệm, hợp với khách quan, hợp với xã hội…, mà chủ yếu vì điều ấy hợp với ý Chúa, hợp với kế hoạch của Chúa, hợp với Chúa. Ý Chúa, kế hoạch của Chúa, bản thân Chúa… lại được mặc khải đầy đủ và dứt khoát nơi Đức Giêsu Kitô – con người, giáo lý và cuộc sống của Ngài, đến nỗi Đức Giêsu Kitô đã dám khẳng định: “Ai thấy Thầy là thấy Cha”. Tương tự như thế, đón tiếp Đức Giêsu là đón tiếp Thiên Chúa, nghe lời Đức Giêsu là nghe lời Thiên Chúa, sống theo Đức Giêsu là sống theo Thiên Chúa… Thế nên, đối với người kitô hữu, một thông tin đúng không phải chỉ là thông tin hợp lý, thông tin hợp với sự thật bên ngoài, thông tin hợp với cảm nghĩ và dư luận, thông tin làm cho người nghe phấn khởi và vui vẻ…, mà chủ yếu là thông tin ấy có hợp với ý Chúa không – ý Chúa không những muốn chúng ta tìm ra sự thật khách quan của sự việc để phản ảnh cho đúng, mà còn muốn chúng ta tìm ra sự thật cuối cùng của sự việc ấy để phản ảnh cho hết, và dĩ nhiên là để chúng ta cùng chia sẻ tâm tư và ý nghĩ của Thiên Chúa, để chúng ta hiệp thông với Thiên Chúa. Công đồng Vatican II khẳng định: “Mầu nhiệm con người chỉ được sáng tỏ nơi mầu nhiệm Đức Kitô” (MV số 22). Hay sự thật về con người chỉ được đọc ra trong sự thật về Đức Kitô. Nói cách khác, để gọi là đã nắm được sự thật, người ta không chỉ bằng lòng với những hiểu biết về tên gọi, gốc gác, vai trò, hoàn cảnh… của một người hay những hiểu biết về hình dáng, trọng lượng, màu sắc, phẩm chất… của một vật. Người ta còn phải đi xa hơn để tìm biết vị trí của người hay vật đó trong chương trình của Thiên Chúa, hoặc mục đích và sứ mạng của người hay vật đó trong lịch sử và thế giới, hoặc tương quan của người và vật đó với Đức Kitô… Chỉ khi nào có được những thông tin ấy, ta mới dám nhận là đã biết sự thật của một người hay một vật. Còn bao lâu chưa có đủ - có lẽ cũng chẳng bao giờ có đủ - ta chỉ thông tin với sự dè dặt hay với ngụ ý (‘avec réticence’) là trong khả năng và hoàn cảnh cho phép hay cho tới lúc này, đó là tất cả những hiểu biết của mình về một người hay một vật, kèm theo ước muốn là tiếp tục tìm hiểu thêm về người hay vật đó. Người nhận thông tin cũng hiểu ngầm những điều ấy khi nghe người khác nói. Có lẽ vì quên mất những điều ấy, nên cả người thông tin cũng như người nhận thông tin mới cảm thấy khó chịu và bực tức hay không bao giờ thoả mãn trước các thông tin.

2.3. Tội phạm đến sự thật:

- Với những gì đã nói đến trên đây, chúng ta có thể kết luận một tội phạm đến sự thật nặng nề là khi người nói hay người làm cố tình thông tin sai sự thật (bằng cách phóng đại hay thu nhỏ tới mức làm người kia hiểu sai, hoặc bằng cách bịa đặt hoàn toàn…) để phá hỏng sự hiệp thông giữa hai bên hay giữa người ấy với người thứ ba, vì làm như thế là đã làm hỏng hai chức năng hay hai mục tiêu căn bản của ngôn ngữ (thông tin và thông hiệp). Nhưng nếu do vô tình hay do giới hạn mà thông tin của mình không chính xác và không đầy đủ, dẫn tới tình trạng thiếu thông cảm hay giận ghét nhau, dù mình không hề muốn hay không hề dự đoán trước, thì chỉ mắc tội nhẹ hay không có tội. Hoặc khi thông tin, tuy chỉ nhắc phục vụ mục tiêu thông tin nhưng đã dự đoán khá chắc chắn thông tin ấy sẽ phá vỡ sự hiệp thông giữa người ấy với người khác cách nặng nề (sự thật về một người có thể làm mất danh dự hay mất thiện cảm của người ấy với những người khác một cách không chính đáng và không cần thiết) cũng là một tội nặng phạm đến sự thật. Cũng có những trường hợp một người phải đành lòng (dù không thực sự muốn) cung cấp thông tin không chính xác hay không đầy đủ, vì không thể hiệp thông với người ấy (người ấy có ý đồ lộ liễu là sẽ dùng thông tin của chúng ta để làm hỏng sự hiệp thông với người khác, hay người ấy có thể không đủ trình độ để xử lý thông tin của mình và vô tình làm hại người khác…).

Lúc ấy, chức năng thông tin của ngôn ngữ phải nhường bước chức năng quan trọng hơn là chức năng thông hiệp, và vì thế, không có tội.

- Hiện nay, người ta có thể xúc phạm đến sự thật, khi quá tự tin vào khả năng nắm bắt thông tin của mình hay khi quá tham vọng muốn lèo lái sự hiệp thông của mình với người khác hay của người khác với người thứ ba, một người đã khẳng định thông tin của mình một cách tự tin thái quá, thậm chí tìm mọi cách thuyết phục người khác tiếp nhận thông tin của mình, dù trong lòng mình cảm thấy có đôi chút hồ nghi hay dù đã được người khác cảnh giác. Có người gọi đây là tội thiếu liêm khiết với sự thật (‘défaut de l’honnêteté’). Tội này đang diễn ra một cách phổ biến và nghiêm trọng trong giới nghiên cứu, giới cầm bút và các tác giả nói chung. Người liêm khiết với sự thật thường phát biểu cách dè dặt và khiêm tốn trước các nghiên cứu và sáng tác của mình, thậm chí còn hạn chế việc phát hành và phổ biến các nghiên cứu và sáng tác ấy bao lâu chưa được kiểm chứng đầy đủ. Tệ hơn nữa là tội đạo văn, tức là không tôn trọng sự thật bằng cách biến tư duy, tứ nhạc hay ý thơ, mô hình, phát minh hay kết quả nghiên cứu của người khác thành của mình. Đây còn là tội xâm phạm tài sản của người khác (vi phạm bản quyền). Một hình thức xâm phạm sự thật cách nặng nề là cưỡng ép người ta nói và hành động ngược với xác tín đúng đắn hay lương tâm ngay thẳng của họ, thậm chí tống giam hay trừng phạt những người ấy (tội đối với lương tâm, cũng là tiếng nói của Thiên Chúa). Một hình thức mới xâm phạm sự thật có thể đang diễn ra tại các nước chủ trương một nhà nước thế tục cực đoan, khi không chấp nhận tín đồ bất cứ đạo nào bày tỏ tín ngưỡng của mình cách công khai, như đội khăn che đầu của các phụ nữ Hồi giáo hay đeo ảnh thánh giá của các tín đồ Kitô Giáo, hoặc mang tu phục của giới tu hành, dù không gây xúc phạm đến tự do lương tâm của người khác, đang khi lại chấp nhận cho người ta tha hồ bày tỏ những sở thích và những xác tín xã hội của mình tới mức có thể lôi kéo theo cả một trào lưu – như ăn mặc theo các ngôi sao sân khấu và màn bạc hay quảng cáo các sản phẩm cách rầm rộ - đó chẳng phải là đã xâm phạm vào quyền suy nghĩ, nói năng và hành động theo sự thật hay sao? Ở các nước thiếu dân chủ, các điều tra viên và các thẩm phán có tội rất nặng đối với sự thật khi đã điều tra không kỹ lưỡng hay khi xét xử không cẩn thận, thậm chí sẵn sàng bỏ qua các hồ nghi và đưa ra những kết luận hoàn toàn võ đoán, khiến cho nhiều công dân bị xử oan, lại không được bồi thường danh dự và các thiệt hại khác cách đúng mức. Ngay trong các tổ chức tu trì, cũng còn hiện tượng bắt một thành viên phải sống trong mặc cảm suốt đời do bị bề trên và các thành viên khác nhìn nhận và đánh giá sai, mà chưa được minh oan đủ. Tại các nước được cai trị bởi một chính quyền mạnh, quyền bảo vệ sự thật riêng tư của cà nhân có thể bị xâm phạm khi bị nghe lén điện thoại hay đọc lén thư từ; ngay cả khi nhân danh sự an ninh quốc gia, người ta cũng chỉ có thể thi hành quy chế ấy trong một thời gian nhất định và với những lý do hết sức chính đáng.

3. Thái độ của Giáo Hội Công Giáo đối với các phương tiện thuyền thông hiện đại:
Sau sắc lệnh căn bản của công đồng Vatican II về việc truyền thông xã hội mang tên “Intermirifica” ban hành năm 1965 (‘Trong số các điều kỳ diệu’), Hội Đồng Toà Thánh về truyền thông xã hội đã lần lượt cho ra đời các huấn thị hướng dẫn áp dụng văn kiện căn bản kia vào thực tế, song song với những tiến bộ của công nghệ thông tin: đó là huấn thị “Communio et progressio” (‘Hiệp thông và tiến bộ’) năm 1971, huấn thị “Aetatis novae” (‘Thời đại mới’) năm 1992, và các tài liệu ‘Đạo đức trong quảng cáo’ năm 1997, ‘Đạo đức trong truyền thông’ năm 2000, ‘Giáo Hội và Internet’ và ‘Đạo đức trong Internet’ năm 2002. Dựa vào các văn kiện ấy, chúng ta có thể tóm tắt thái độ của Giáo Hội Công Giáo đối với các phương tiện truyền thông xã hội như sau:

3.1. Trước sau như một, Giáo Hội luôn trung thành với nguyên tắc căn bản khi đề cập đến bất cứ tiến bộ nào của con người và xã hội – một nguyên tắc mà đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nêu ra trong thông điệp đầu đời giáo hoàng của ngài – thông điệp “Redemptoris Hominis” (‘Đấng Cứu Chuộc con người’, số 15): vấn đề then chốt đặt ra cho mọi tiến bộ của các công nghệ là liệu những tiến bộ ấy có “làm cho con người trở nên tốt hơn, nghĩa là trưởng thành hơn về mặt tâm linh, ý thức hơn về phẩm giá con người, có tinh thần trách nhiệm nhiều hơn, cởi mở hơn đối với người khác, nhất là những người nghèo nàn và yếu đuối, có sẵn sàng hơn để cho đi và giúp đỡ mọi người”. Riêng đối với công nghệ truyền thông, việc thăng tiến con người được thể hiện rõ nhất trong việc làm cho con người được thông tin chính xác và đầy đủ hầu giúp con người thông hiệp sâu xa hơn với những người khác.

3.2. Cụ thể hơn, Giáo Hội nhìn nhận những đóng góp to lớn của các phương tiện truyền thông xã hội trong đời sống kinh tế, chính trị, giáo dục và tôn giáo: thúc đẩy tiến bộ trong kinh tế nhờ những thông tin về nhu cầu của thị trường và khả năng đáp ứng nhu cầu, về giá cả và mặt hàng, về những phát minh trong khoa học và tiến bộ trong công nghệ, về các chính sách kinh tế và luật lệ kinh tế, các vận hội và các rủi ro đầu tư, hoặc tạo cơ hội chính người sử dụng các phương tiện ấy tham gia vào địa hạt kinh tế như mau bán và giới thiệu sản phẩm và phát minh, kêu gọi hùn hạp và đầu tư…; thúc đẩy tiến bộ trong chính trị nhờ những thông tin về tình hình, chính sách, vận hội và rủi ro trong chính trường, về các nhân vật lãnh đạo và các ứng cử viên cho các chức vụ lãnh đạo, về những thành quả và thất bại trong chính trường, hoặc tạo cơ hội cho các khán thính giả tham gia vào chính sự…; thúc đẩy tiến bộ trong văn hoá nhờ những thông tin về các nền văn hoá và nghệ thuật trong và ngoài nước, được biết nhiều hay còn xa lạ, hoặc tạo cơ hội cho các khán thính giả thưởng thức các tác phẩm văn hoá và nghệ thuật…; thúc đẩy tiến bộ trong giáo dục nhờ những thông tin về nền giáo dục bản xứ và các nền giáo dục khác, về các vận may và rủi ro khi tham gia một nền giáo dục nào đó, về các vấn đề lớn liên quan đến giáo dục, hoặc tạo cơ hội cho khán thính giả giáo dục chính mình hay người khác, cũng như tham gia bàn luận về các vấn đề giáo dục…; thúc đẩy tiến bộ trong tôn giáo nhờ những thông tin về các tôn giáo tại chỗ và ở chỗ khác hoặc tạo cơ hội để trao đổi về các vấn đề tôn giáo hay tham gia các sinh hoạt của tôn giáo…

3.3. Đồng thời, Giáo Hội cũng không bỏ qua những sự xâm phạm lợi ích của con người do các phương tiện truyền thông xã hội gây ra hay đúng hơn, do những người nắm giữ các phương tiện ấy gây ra. Thông qua các chính sách sai lầm, các nội dung không bổ ích, các cơ chế vận hành và phân phối không công bằng…, các phương tiện truyền thông xã hội có thể làm hại tới con người và xã hội từ trong đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục đến tôn giáo. Thật bất ngờ là có khi ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông xã hội lại là nguyên nhân dẫn đến nhiều cách ứng xử vô luân và những tội ác rất lớn của nhiều người đã sử dụng các phương tiện ấy.

3.4. Đến đây, Giáo Hội Công Giáo muốn đóng góp một vài nguyên tắc đạo đức liên quan đến việc truyền thông xã hội:

- Trước Hội Thánh, khi cứu xét khía cạnh đạo đức của truyền thông xã hội, Giáo Hội không chỉ muốn liên hệ tới nội dung của việc truyền thông (thông điệp) và quá trình truyền thông (làm sao thực hiện việc truyền thông), mà còn muốn nói tới những vấn đề lớn hơn liên quan tới cơ cầu và hệ thống truyền thông, bao gồm cả những vấn đề như chính sách phân phối công nghệ và phân phối sản phẩm thông tin (ai sẽ là người được hưởng thông tin, ai không, ai sẽ là người giàu thông tin, ai nghèo thông tin?), từ đó dẫn tới vấn đề ai làm chủ và kiểm soát việc truyền thông…

- Nguyên tắc đạo đức thứ nhất hướng dẫn cả ba lãnh vực vừa kể của việc truyền thông (nội dung các chương trình, quá trình làm việc, cơ cấu – hệ thống – chính sách liên quan đến việc truyền thông) vẫn là: bản thân con người và cộng đồng phải là mục tiêu và thước đo cho việc sử dụng các phương tiện truyền thông (chứ không phải là lợi nhuận như thường thấy khi trao hoàn toàn việc truyền thông xã hội cho các tập đoàn hay tổ chức tư nhân, cũng không phải là một ý thức hệ hay mưu đồ chính trị của cá nhân hay đảng phái khi trao hẳn việc truyền thông cho nhà nước); hay nói cách khác, việc truyền thông phải DO con người làm CHO con người và VÌ sự phát triển toàn diện của con người.

- Nguyên tắc thứ hai bổ sung cho nguyên tắc thứ nhất là: không thể thực hiện lợi ích cho cá nhân mà tách rời khỏi lợi ích chung của cộng đồng mà cá nhân thuộc về, hay không thể thực hiện lợi ích cho tập thể này mà tách rời khỏi lợi ích chung của các tập thể khác. Cụ thể là khi quan tâm tới những nhu cầu và lợi ích của nhóm này, việc truyền thông không được làm cho nhóm ấy chống đối các nhóm khác, như tạo ra sự đấu tranh giữa các giai cấp, cô lập quốc gia mình với các quốc gia khác, đề cao chủng tộc này hơn các chủng tộc khác… Hiện nay, của cải vật chất xem ra không được phân phối công bằng giữa các nước thuộc bắc bán cầu và các nước thuộc nam bán cầu; mà sở dĩ có sự chênh lệch giàu nghèo như thế cũng là do các nguồn thông tin và công nghệ thông tin không được phân phối công bằng cho hai khối nước ấy (khả năng sản xuất và sự thịnh vượng tuỳ thuộc rất nhiều vào các nguồn thông tin và công nghệ thông tin).

- Nguyên tắc thứ ba là làm sao đưa quần chúng tham gia nhiều hơn vào việc thảo ra những quyết định về chính sách truyền thông. Muốn cho quần chúng tham gia thật sự vào việc quyết định hướng đi và cách khai thác việc truyền thông xã hội, các nhà truyền thông (tư nhân lẫn nhà nước phải dùng nhiều cách khác nhau (thư thăm dò, thư góp ý, bảng điều tra, các chương trình truyền thanh và truyền hình dành cho khán thính giả…) để nắm bắt được nhu cầu và khát vọng của người dân, hiểu được người dân đang nỗ lực và đấu tranh cho điều gì, chứ không hoàn toàn suy diễn một mình, càng không răm rắp theo lệnh của cấp trên.

- Nguyên tắc thứ tư là gây ý thức cho mọi người rằng các nhà truyền thông chuyên nghiệp không phải là những người duy nhất có nghĩa vụ đạo đức, cả những người tiếp nhận thông tin – các khán, thính giả và các người sử dụng các phương tiện truyền thông – cũng có bổn phận đạo đức riêng của mình. Cụ thể là bổn phận phân định và lựa chọn, không những phân định và lựa chọn phương tiện truyền thông nào, loại hình ngôn ngữ nào, mà còn phân định và lựa chọn thời lượng sử dụng chúng hay mức thường xuyên sử dụng chúng. Nhưng trước khi phân định và lựa chọn vế tất cả những điều ấy, đương sự phải được giáo dục cách căn bản về mục tiêu, bản chất, loại hình ngôn ngữ và những đặc tính của loại hình ngôn ngữ, giá trị chân lý của loại hình ngôn ngữ ấy, khả năng giúp thông hiệp hay cản trở thông hiệp (ảnh hưởng tốt và xấu) của loại hình ngôn ngữ ấy, chứ không chỉ được đào tạo về cách vận hành của các phương tiện truyền thông mình đang có trong tay. Chẳng hạn, ngôn ngữ trong phim giả tưởng có giá trị chân lý cũng như gây ảnh hưởng tâm lý khác với ngôn ngữ hình ảnh trong phim phóng sự hay tài liệu, hay thông tin lấy từ các địa chỉ trên mạng không phân biệt gốc gác sẽ có giá trị chân lý và sẽ có ảnh hưởng truy cập khác với thông tin lấy từ những nguồn thế giá và chính thức… Ở đây, đương sự có thể được giúp đỡ phân định và chọn lựa từ các bậc phụ huynh, thầy cô, các nhà truyền thông chuyên nghiệp và cả các đoàn thể hay nhân viên Giáo Hội.

- Nguyên tắc thứ năm là phải thành thật nhìn nhận các phương tiện truyền thông, dù có được cải tiến hiện đại tới mức nào, cũng không bao giờ thay thế hoàn toàn được những quan hệ trực tiếp giữa người với người vì người ta không thông tin cho nhau chỉ bằng lời nói, chữ viết, hình ảnh mà còn bằng cảm xúc, bộ điệu và cả bằng sự thinh lặng nữa; huống nữa là muốn thông hiệp sâu xa và trung thực, người ta còn phải làm nhiều hơn nữa chứ không chỉ bằng trò chuyện với nhau. Vì thế, bên cạnh việc truyền thông nhờ các phương tiện kỹ thuật, cần cổ võ những cuộc gặp mặt trực tiếp, nhất là với thế hệ trẻ, bằng không chúng sẽ đánh mất dần khả năng đối thoại trực tiếp và quan hệ liên vị trực tiếp.

Đặc biệt, văn kiện “Đạo đức trong truyền thông” (số 26) còn đề nghị các cơ quan, văn phòng, các nhân viên và chức sắc Giáo Hội phải có trách nhiệm làm gương trong lãnh vực truyền thông này, như tuân thủ các nguyên tắc vừa kể khi thiết kế và xây dựng các chương trình truyền thông, khi phát biểu nhân danh Giáo Hội, khi tổ chức đào tạo hay gởi người đi học tập về công tác này… Chẳng hạn các phương tiện truyền thông của Giáo Hội phải cam kết truyền đạt trọn vẹn sự thật về con người và thế giới, Đức Kitô và Hội Thánh… không những đúng với sự thật khách quan của chúng, mà còn đi xa hơn bằng cách đối chiếu với Mặc Khải Thánh Kinh và sự diễn giải của Hội Thánh.

Hay các vị đại diện Giáo Hội phải trung thực và thẳng thắn trong quan hệ với các phóng viên và nhà báo, bằng cách đưa ra những câu trả lời vừa phản ảnh đúng giáo lý Giáo Hội vừa có sức thuyết phục hay tạo thiện cảm. Mọi tín hữu đều có quyền phát biểu về Giáo Hội, nhưng cần phải bảo đảm sự thật toàn vẹn, nhất là sự thật về đức tin và luân lý, đồng thời không quên tôn trọng các chủ chăn và lưu tâm tới công ích.

Muốn vậy, các tín hữu nên cố gắng nắm vững giáo lý Giáo Hội, nhất là học thuyết xã hội chính thức của Huấn Quyền Giáo Hội; đồng thời cần khôn ngoan để nhận ra bối cảnh mình đang sống khi phát biểu những lời ấy. Dĩ nhiên, nếu không được chỉ định thì không ai được quyền nói thay cho Giáo Hội, và những phát biểu nhân danh mình không bao giờ có giá trị như những phản ảnh chính thức quan điểm của Giáo Hội.
Ngay cả trong nội bộ Giáo Hội, các nguyên tắc đạo đức trên đây cũng phải được áp dụng. Chẳng hạn một luồng thông tin hai chiều và một luồng quan điểm có đi có lại giữa các chủ chăn và các tín hữu, việc tự do phát biểu nhưng vẫn không quên công ích của cộng đồng và không quên vai trò của Huấn Quyền – tất cả những điều ấy đều là những cách diễn tả khác nhau “quyền đối thoại và thông tin hết sức căn bản trong nội bộ Giáo Hội” (Huấn thị “Thời đại mới” số 10; huấn thị “Hiệp thông và tiến bộ” số 20).

KẾT LUẬN:

Bước sang thiên niên kỷ thứ ba, người ta càng ngày càng vai trò lớn của công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông đại chúng, tới mức dường như khái niệm chân lý đã thay đổi từ chỗ chân lý là điều phù hợp với thực tế khách quan và với ý định của Thiên Chúa, người ta đã dần dần chấp nhận chân lý là điều được phổ biến và chấp nhận trên các phương tiện thông tin đại chúng. “Cái có thật và có giá trị là cái được nói tới hay được giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng; ngược lại điều gì không được nói tới hay không được giới thiệu trên đó đều không có thật hay có thật nhưng chẳng có liên quan gì với con người hôm nay” (“Thời đại mới” số 4).

Nếu vậy, phải làm sao đưa Thiên Chúa, tôn giáo và các hoạt động tôn giáo… lên các phương tiện truyền thông đại chúng các thích đáng, kẻo chẳng bao lâu nữa các mầu nhiệm và thực tại ấy không còn ý nghĩa gì nữa với công chúng trẻ? Một khi các phương tiện thông tin không còn chỉ là những công cụ giải trí hay những phương tiện hỗ trợ đời sống, mà đã trở thành người bạn và người thầy thân thiết cho người ta có thể hỏi han bất cứ điều gì và bất cứ lúc nào, tới mức không thể thiếu, thì một trong các bổn phận mục vụ cấp thiết của các chủ chăn không phải là xây dựng những chương trình phục vụ các nhu cầu tinh thần và tâm linh trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời cho thấy giới hạn của các phương tiện thông tin đại chúng ấy, hướng công chúng trả lại vị trí ưu tiên cho những quan hệ liên vị trực tiếp giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với con người hay sao?

Viết riêng cho Lớp Thần Học Ngắn Hạn niên khoá 2006-2007

Lm. Pr. Đặng Xuân Thành

(Đại Chủng Viện Hà Nội)

NGUỒN : UBMVGIADINH
 

http://gpbanmethuot.vn/content/m%C6%B0%E1%BB%9Di-%C4%91%E1%BB%81-t%C3%A0i-lu%C3%A2n-l%C3%BD-ki-t%C3%B4-gi%C3%A1o-%C4%91%E1%BB%81-t%C3%A0i-10

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét