Trang

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2011

NIÊN BIỂU GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM (PHẦN 1)

NIÊN BIỂU CÔNG GIÁO VIỆT NAM




THẾ KỶ XVI

1533. Theo dã sử, vào tháng 3 năm Nguyên Hoà thứ I (1533), một người Âu Châu tên Inêkhu (Ignatius ?) lén đến truyền giáo ở làng Ninh Cường, huyện Nam Chân và làng Trà Lũ, huyện Giao Thuỷ thuộc giáo phận Bùi Chu, tỉnh Nam Định ngày nay (Sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, q. XXXIII, tập II, tr.301, Viện Sử học, NXB Giáo dục 1998).

1550. Linh mục (lm.) Gaspar da Santa Cruz, dòng Đa Minh (OP), từ Malacca đến Hà Tiên truyền giáo, thời đó thuộc Cambodia.

1580-1586. Lm. Luís da Fonseca và Grégoire de la Motte (OP) đến truyền giáo tại Quảng Nam.

1583. Các lm. Bartolomeo Ruiz, Pedro Ortiz, Francisco de Montilla và bốn trợ sĩ dòng Phanxicô từ Phi Luật Tân đến truyền giáo tại miền Bắc.

1591. Lm. Pedro Ordođez de Cevallos ban phép Thánh Tẩy cho công chúa Mai Hoa (Maria Flora). Bà là chị của vua Lê Thế Tông.


THẾ KỶ XVII


1615. (18-1) Đoàn truyền giáo đầu tiên của dòng Tên đến Cửa Hàn, Đà Nẵng do lm. François Buzomi dẫn đầu với lm. Diego Carvalho và 3 trợ sĩ: Antonio Dias, Joseph và Paulo Saito.

1616. Lm. giám tỉnh dòng Tên tại Macao gửi thêm 2 lm. Pedro Marques và Cristoforo Borri tăng cường cho miền Trung. Sau đó thêm 3 lm.: André Fernandes, Francisco de Pina, Francisco Baretto và 1 thầy trợ sĩ người Nhật.

1619. Lm. Pedro Marques, Cristoforo Borri đến Hải Phố (Hội An) gặp lm. Francisco de Pina và lm. Francesco Buzomi, các cha đã họp Hội đồng lần I để phân chia trách nhiệm mục vụ.

1620. Lm. Borri truyền giáo tại Nước Mặn, Bình Định. Ngài rất thông thạo toán học, thiên văn học và gặt hái nhiều thành quả truyền giáo; ngài nghiên cứu môi trường xã hội, văn hoá, tôn giáo. Vì thế, năm 1622, khi trở về Âu Châu, ngài đã cho ấn hành tập Ký sự về Trung Việt bằng tiếng Ý, một tài liệu nghiên cứu giá trị về lịch sử Đại Việt thế kỷ XVII.


1624. Lm. Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ), Girolamo Majorica, Gaspar Luís, Gabriel de Mattos, Melchior Ribeiro và Mathias Machida đến Hải Phố để học tiếng Việt với lm. F. de Pina. Ngài cũng chứng kiến lễ ban phép Thánh Tẩy cho bà Minh Đức Vương Thái Phi (1568-1648), vợ lẽ của chúa Nguyễn Hoàng. Bà mang tên thánh là Maria Madalena.

1625. Tháng 12, Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên ra sắc chỉ cấm người Công giáo Việt Nam không được mang trên mình hoặc treo trong nhà thánh giá và các ảnh tượng. Lm. F. de Pina bị chết đuối tại Cửa Hàn khi đi thăm các thuỷ thủ Bồ Đào Nha. Đây là một thiệt thòi rất lớn, vì ngài rất thông thạo phong tục và ngôn ngữ Việt Nam.

1626. Tháng 3, lm. Giuliano Baldinotti, dòng Tên, đến Đàng Ngoài thăm dò tình hình, rồi trở về Macao. Tháng 7, lm. Đắc Lộ rời Đàng Trong trở về Macao.

1627. (19-3) Cha Đắc Lộ tới Cửa Bạng trong đoàn truyền giáo do lm. Pedro Marques dẫn đầu. Ngày 2-7-1627, họ tới Thăng Long và dâng tặng lễ vật lên chúa Trịnh Tráng.

1628. Ngày 18-6, Trịnh Tráng ra lệnh cấm người Việt Nam không được tiếp xúc với các thừa sai (Tây Dương đạo trưởng). Lúc này tại Đàng Ngoài (miền Bắc), đã có hơn 1.600 Kitô hữu.

1629. Tháng 3, hai lm. Đắc Lộ và Marques bị dẫn độ vào Nam để tìm thuyền trả về Macao. Vì tàu buôn Bồ Đào Nha không đến buôn bán, nên Trịnh Tráng ra lệnh trục xuất các giáo sĩ. Cha Đắc Lộ chọn và huấn luyện Thầy giảng, nhận lời khấn của 3 thầy giảng tiên khởi VN là: Phanxicô Đức, Inhaxiô Nhuận và Anrê Tri trong thánh lễ tạm biệt.

1630. Tháng 4, lm. Đắc Lộ và các thừa sai dòng Tên bị trục xuất khỏi Đàng Ngoài.

- Một giáo hữu tên thánh Phanxicô, phu khiêng cáng ở triều đình, bị chém đầu vì tội chôn xác người chết. Ông là chứng nhân đức tin đầu tiên của Đàng Ngoài.

- 5.000 tín hữu Bắc Việt đệ trình Tâm thư tỏ lòng trung thành với đức tin và với ĐTC Urbanus VIII bằng chữ Hán. Cha Đắc Lộ đã chuyển dịch bức thư này sang tiếng La Tinh và năm 1633, được cha Mutio Vitelleschi, bề trên tổng quyền dòng Tên, đệ trình lên Đức Thánh Cha.

1631. Các lm. António de Torre, Francisco Cardim và Gaspar d’Amaral trở lại Bắc Việt. Trịnh Tráng mong tàu buôn Bồ Đào Nha đến buôn bán nên hoà nhã với các thừa sai.
Tháng 3, các thừa sai dòng Tên gồm 3 cha nói trên trở lại Đàng Ngoài, trong đó lm. Francisco Cardim, người có công ghi chép lại nhiều sự kiện quan trọng về công cuộc truyền giáo ở Đàng Ngoài. Mặc dù vắng bóng các thừa sai, nhưng giáo đoàn vẫn tăng trưởng. Các thầy giảng đã rửa tội được 3.340 tân tòng và xây dựng được 20 nhà nguyện.

1639. Miền Bắc đã có 82.000 tín hữu (căn cứ trên hồ sơ Rửa tội). Miền Trung có khoảng 15.000 giáo dân (theo cha Cardim).

1640. Tháng 2, lm. Đắc Lộ trở lại truyền giáo ở Đàng Trong (Thuận Hoá). Tháng 9, ngài được lệnh rời Quảng Nam trở về Macao, nhưng cha lén trở lại Cửa Hàn ngày 17-12 và tiếp tục hoạt động tại Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, rửa tội được 1.305 tân tòng.

1642. Lm. Đắc Lộ mạo hiểm trở lại Hải Phố, dâng nhiều tặng phẩm lên chúa Thượng (Nguyễn Phúc Lan, 1638-1648), nên được giữ lại để trình bày về thiên văn cho chúa Thượng ban ngày; ban đêm cha lén đào tạo các thầy giảng. Nhưng không được bao lâu, cha lại bị trục xuất. Trong thánh lễ từ biệt, cha nhận lời khấn giữ luật độc thân phục vụ dân Chúa của hơn 10 thầy giảng.

1643. Tất cả các thừa sai đều bị trục xuất.

1644. (26-7) Thầy giảng Anrê Phú Yên tử đạo tại Quảng Nam. Thầy là chứng nhân đầu tiên của Đàng Trong. Lm. Đắc Lộ mạo hiểm cứ ở lại miền Trung, bị bắt, cầm tù và sau đó bị trục xuất. Ngài đã hoàn thành các tài liệu về giảng dạy giáo lý và ban các phép bí tích.

1645. (3-7) Lm. Đắc Lộ bị trục xuất vĩnh viễn khỏi Việt Nam, cha trở về Macao. Ngày 20-12, trên đường về châu Âu, ngài vận động Toà Thánh gửi giám mục sang Việt Nam, ngài đem theo chiếc sọ của thầy giảng Anrê Phú Yên.

1646. Lm. Gaspar d’Amaral từ Macao trở lại Việt Nam với 3 lm.: Pedro Alberto, Ignace Leviski, Francesco Ascanio Ruida. Lúc này miền Bắc đã có 100.000 Kitô hữu.

1650. (2-8) Tại Roma, cha Đắc Lộ yết kiến Đức Thánh Cha Innocens X (1644-1655) để trình bày về công cuộc truyền giáo tại Việt Nam và thỉnh cầu Toà Thánh đặt hàng giáo phẩm để công cuộc truyền giáo được tiến triển tốt đẹp. Toà Thánh chấp nhận và chọn ngài lên hàng giám mục, gửi ngài trở lại Việt Nam, nhưng ngài khiêm nhường từ chối.

1651. Tại Roma, lm. Đắc Lộ cho xuất bản 3 tác phẩm quốc ngữ đầu tiên, do chính cha biên soạn và nhà xuất bản Đa Ngữ Thánh Bộ Truyền giáo ấn hành:

- Tự điển Việt Bồ La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum, 5-2-1651)

- Sách văn phạm Việt Nam (Linguae Annamiticae seu Tuchinensis Brevis Declaratio, 5-2-1651).

- Sách giáo lý song ngữ Phép giảng tám ngày (Cathechismus pro iis qui volunt suscipere Baptismum in octo dies divisus, 2-10-1651).

1652. Lm. Đắc Lộ đến Paris, Pháp, vận động hàng giáo sĩ Pháp tình nguyện đi truyền giáo tại Á Đông. Ngài trình bày về công cuộc truyền giáo và ước nguyện của Đức Thánh Cha Innocens X muốn đặt hàng giáo phẩm tại Việt Nam. Một số các giáo sĩ Pháp tình nguyện và Hội Thừa sai Paris bắt đầu manh nha.

1653. Vào tháng 7, kiến nghị xin thiết lập các giáo phận tại Việt Nam được gửi tới Toà Thánh.

1659. (9-9) Đức Thánh Cha Alexander XII ban sắc lệnh thiết lập 2 giáo phận truyền giáo đầu tiên tại Việt Nam:

- Giáo phận Đàng Trong: từ sông Gianh trở vào Nam bao gồm Chiêm Thành và Cao Miên (Cambodia) do Đức giám mục Pierre Lambert de la Motte làm đại diện tông toà.

- Giáo phận Đàng Ngoài: từ sông Gianh trở ra Bắc và miền Nam Trung Hoa do Đức cha François Pallu cai quản.

- Tài liệu: “Lịch sử Nước Annam” được viết tay do thầy giảng Bentô Thiện biên soạn, gồm 12 trang khổ 20x29cm. Đây là một tài liệu quý giá về chữ quốc ngữ do chính người Việt sáng tác vào thời phôi thai, minh chứng sự đóng góp to lớn của người Việt với các giáo sĩ Âu Châu trong việc hình thành chữ quốc ngữ. Tài liệu này hiện được lưu trữ tại văn khố dòng Tên ở Roma.

- Ngày 10-11, thành lập Hội Thừa sai Hải ngoại Paris, một hội giáo sĩ thuộc quyền giáo hoàng, không có lời khấn, không có đặc ân miễn trừ.

1660. Lm. Đắc Lộ đã thành công, nhưng giấc mơ trở lại Việt Nam của ngài bất thành. Cuối năm 1654, cha được sai đi truyền giáo tại Ba Tư và đã an nghỉ vĩnh viễn tại Ispahan ngày 5-11-1660. Ngài là một nhà truyền giáo, nhà văn hoá, ngôn ngữ học và có công đầu trong việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ của người Việt Nam.

1662. (22-8) Giám mục P. Lambert de la Motte đến Thái Lan cùng 2 lm. là Jacques de Bourges và F. Deydier Phan tạm ở tại Ayuthia (cũng gọi Ayutthaya, hay Juthia. Đây là thủ đô của nước Xiêm, Thái Lan ngày nay, từ năm 1350-1767) chờ dịp thuận tiện vào giáo phận Đàng Trong.

1663. (12-11) Những thừa sai dòng Tên cuối cùng bị trục xuất, chấm dứt thời kỳ khai phá của dòng Tên tại Đàng Ngoài. Trong đó có thừa sai Joseph Tissanier là người có công đã ghi chép về công cuộc truyền giáo của dòng ở Đàng Ngoài.

1664. Tháng 7, lm. Louis Chevreuil, đại diện của Giám mục Lambert, tới Đà Nẵng và Huế.

Giám mục François Pallu đến chủng viện Ayuthia (Thái Lan), chờ dịp thuận tiện vào giáo phận Đàng Ngoài.

1665. Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) duy trì lệnh cấm đạo.
Chỉ còn 3 giáo sĩ dòng Tên: Domenico Fuciti tại triều đình (Thuận Hoá), Pedro Marques tại Hải Phố và F. Ignace Baudet tại Cửa Hàn. Nhưng tháng 2, tất cả các thừa sai dòng Tên bị trục xuất khỏi Đàng Trong, chấm dứt thời kỳ khai phá của dòng Tên ở đây. Tháng 3, cha Chevreuil cũng phải lên tàu về Macao. Tháng 8, linh mục tổng đại diện của Giám mục Lambert de la Motte tới Đàng Trong, bắt đầu thời kỳ của các đại diện tông toà.

1666. Lm. Deydier, tổng đại diện của Giám mục F. Pallu, tới Thăng Long, bắt đầu thời kỳ các đại diện tông toà ở Đàng Ngoài.

1668. Tại chủng viện Ayuthia, 4 lm. VN đầu tiên được phong chức, đó là:

- Lm. Giuse Trang và Luca Bền, thuộc giáo phận Đàng Trong, được thụ phong vào tháng 3.

- Lm. Bênêdictô Hiền (Bentô Thiện) với lm. Gioan Huệ, thuộc giáo phận Đàng Ngoài, được thụ phong vào tháng 6.

1669. Tháng 7, Giám mục Lambert de la Motte, đại diện tông toà Đàng Trong, giám quản tông toà Đàng Ngoài, thay mặt Giám mục François Pallu (về Roma), tới Thăng Long viếng thăm mục vụ trong y phục một thương gia của công ty Đông Ấn Pháp.

1670. Tháng 2, Giám mục Lambert de la Motte họp Công đồng Đàng Ngoài tại Phố Hiến. Ngài cũng thành lập dòng Mến Thánh Giá và ngày 19-2, ngài rời Phố Hiến về Thái Lan.

1671. (1-9) Giám mục Lambert de la Motte tới Nha Trang để thăm viếng mục vụ Đàng Trong. Ngài cũng thiết lập tại An Chỉ, Quảng Ngãi một tu viện Mến Thánh Giá.

1672. (19-1) Giám mục L. de la Motte họp Công đồng Đàng Trong ở Hội An (Hải Phố) gồm các giáo sĩ, thầy giảng và các đại diện giáo khu. Ngài ở lại Thuận Hoá khoảng 2 tuần, ban phép Thêm sức cho khoảng 4.500 tín hữu, rồi sau đó trở về Thái Lan.

1673. Giám mục François Pallu tìm cách vào giáo phận Đàng Ngoài. Trong chuyến đi, ngài bị bão đánh dạt vào Phi Luật Tân, bị người Tây Ban Nha nghi ngờ ngài là mật thám nên bắt giải về châu Âu.

1675. Giám mục Lambert de la Motte thăm giáo phận Đàng Trong lần II, ban phép Thêm sức cho 10.000 tín hữu; tình hình bắt đạo nghiêm trọng. Ngài để lại 3 giáo sĩ: lm. Bénigne Vachet tại Thuận Hoá, lm. Jean de Courtaulin ở Quảng Ngãi và lm. Gabriel Bouchard tại miền Nam Trung Việt. Ngài trở về Thái Lan và mất tại đây năm 1679, thọ 55 tuổi.

1677. Tại Roma, Đức cha Pallu vận động Toà Thánh chia giáo phận Đàng Ngoài thành 2 giáo phận, lấy sông Hồng làm ranh giới.

1679. Giáo phận Đàng Ngoài (1659) được chia làm hai giáo phận mới: giáo phận Đông Đàng Ngoài từ sông Hồng ra phía biển với tân Giám mục Deydier và giáo phận Tây Đàng Ngoài từ sông Hồng đến biên giới Lào, đặt dưới quyền của Giám mục J. de Bourges.

Giáo phận Đàng Ngoài gồm: 2 giám mục, 7 giáo sĩ thừa sai Pháp, 11 linh mục Việt Nam, nhiều thầy giảng, các nữ tu Mến Thánh Giá và 200.000 tín hữu.

1685. Hai giám mục rời Phố Hiến đến sống tại Thăng Long. Chúa Trịnh Căn (1682-

1707) không gây trở ngại cho việc truyền giáo của các ngài, vì chúa đã nhận tặng vật của vua Pháp Louis XIV.

1687. Tại Đàng Trong, chúa Hiền băng hà, chúa Ngãi Nguyễn Phúc Trân (1687-1691) lên nối nghiệp, dời kinh đô về Phú Xuân.

1691. Chúa Ngãi băng hà. Chúa Minh Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) nối nghiệp, áp dụng chính sách cấm đạo.

1693. Giám mục Deydier, thuộc giáo phận Đông Đàng Ngoài, qua đời sau 14 năm chăm sóc giáo phận. Giám mục J. de Bourges phải kiêm 2 giáo phận, nhưng vì tình trạng thiếu thừa sai MEP, nên giáo phận Đông Đàng Ngoài từ đây được các linh mục dòng Đa Minh Tây Ban Nha đảm trách.

1694. Lịch sử ghi nhận 2 giáo sĩ dòng Tên Việt Nam tiên khởi: lm. Antong Năng và Linô Lịch.

1698. Toà Thánh bổ nhiệm một linh mục dòng Đa Minh, Raimundo Lezzoli Cao (1648-1706), người Ý, làm giám mục đại diện tông toà Đông Đàng Ngoài.

THẾ KỶ XVIII

1702. (2-2) Giám mục Lezzoli được tấn phong tại Kẻ Sở. Ngài là vị giám mục dòng Đa Minh tiên khởi trên đất Việt, chăm sóc giáo phận Đông Đàng Ngoài.

1704. Chúa Minh Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) đình chỉ việc cấm đạo vì quý mến một giáo sĩ dòng Tên Tây Ban Nha, lm. Juan Antonio Arnedo, ngài là nhà thiên văn giỏi và là thầy thuốc riêng của chúa tại kinh đô.

1712. Các thừa sai Pháp, với tư cách là các thương gia đại diện Công ty Đông Ấn Pháp ở Phố Hiến, bị trục xuất.

1723. Ở giáo phận Tây Đàng Ngoài, hai linh mục dòng Tên người Ý Johann Baptist Messari và F.M. Buccharelli bị bắt: lm. Messari chết trong tù (23-6-1723) và lm. Buccharelli bị chém đầu (11-10-1723). Đây là hai linh mục thừa sai ngoại quốc đầu tiên bị hành quyết ở Việt Nam.

1724. Dưới thời chúa Minh, Giáo hội Đàng Trong được tạm thời bình an. Giáo phận có khoảng 300 nhà thờ với hơn 70.000 tín hữu. Riêng kinh đô Phú Xuân có 29 thừa sai ngoại quốc: 12 cha dòng Tên, 9 cha dòng Phanxicô, 6 thừa sai Pháp và 2 thừa sai Ý. Giáo phận còn có hơn 200 thầy giảng hoạt động hăng say trong cánh đồng truyền giáo.

1737. (12-1) Thêm bốn linh mục dòng Tên bị hành quyết, tại Đồng Mơ, ngoại thành Thăng Long: cha E. d’Abreu, Bart. Alvarez, Vicenté da Cunha (người Bồ Đào Nha) và cha Gaspar Cratz (người Đức).

1745. (22-1) Hai thừa sai dòng Đa Minh người Tây Ban Nha tử đạo: Francesco Gil de Federich Tế và Matteo Alonso Liciniana Đậu bị xử trảm thời Trịnh Doanh.

1748. Khi chúa Trịnh Sâm đi xem các chiến lợi phẩm, gặp chữ Hà Lan trên một ống súng, nhà chúa ra lệnh đi tìm các giáo sĩ ngoại quốc để giải nghĩa cho chúa. Giáo sĩ dòng Tên Wenzel Paleczeck Đẩu (người Đức) hiểu tiếng. Lúc này, cha đang còn đang lẩn trốn trên đất Bắc, được tìm thấy, đã đọc và cắt nghĩa cho chúa Trịnh. Nhà chúa hiểu và hài lòng nên ra lệnh đình chỉ việc cấm đạo.

1750. (27-8) Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1750) trục xuất tất cả các thừa sai ngoại quốc ra khỏi Đàng Trong, chỉ trừ một hai tu sĩ dòng Tên được phép ở lại phục vụ trong triều đình.

1757. Toà Thánh bổ nhiệm giám mục đại diện tông toà: Đức cha Santiago Hernández Tuấn, O.P. (1757-1777) và từ đây giáo phận Đông Đàng Ngoài hoàn toàn do các tu sĩ Đa Minh Tây Ban Nha đảm trách.

1771. Giám mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) làm đại diện tông toà tại Đàng Trong (1771-1799).

1773. (7-11) Hai giáo sĩ: Jacinto Casteđada Gia (Tây Ban Nha) và Vinh Sơn Lê Quang Liêm bị xử trảm theo lệnh chúa Trịnh Sâm.

1777. Anh em nhà Tây Sơn chống chúa Nguyễn vì đại thần Trương Phúc Loan tại kinh đô Phú Xuân lạm quyền và tàn ác. Ông Loan đã đổi di chiếu, lập con thứ 16 của chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) là chúa Định Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777) mới 12 tuổi lên nối ngôi, để dễ bề chuyên quyền. Ông bắt giam Hiếu Khương Vương, con thứ 2 của chúa Võ, theo di chiếu sẽ lên nối ngôi. Hiếu Khương Vương đã chết trong tù, để lại hai người con là Nguyễn Phúc Đống và Nguyễn Ánh.

Nguyễn Ánh chạy trốn vào Nam, chiêu mộ binh lính nhằm tái lập vương nghiệp.
Lm. Pigneau de Béhaine được tấn phong giám mục năm 1774, tại Madras, Ấn Độ. Đức cha đến Macao năm 1775 và tìm cách vào Nam Việt. Được lời mời của trấn thủ Hà Tiên, Mạc Thiên Tứ, người Trung Hoa, ngài đã lập một họ đạo trong phần đất mà quan trấn thủ tặng. Nguyễn Ánh đã ẩn trốn trong ngôi nhà quan trấn thủ.

1779. Nguyễn Ánh sinh được một người con trai là hoàng tử Cảnh. Ông xin giám mục Pigneau de Béhaine làm Thái phó.

Dưới thời Tây Sơn, tình hình Giáo hội Việt Nam rất khó khăn, do có nhiều biến động và bất ổn. Vì tình thế đòi hỏi, Đức cha Pigneau đã cố gắng gửi 4 thừa sai vào Trung Việt. Ngài đã chọn và phong thừa sai Jean Labartette làm giám mục phó. Đồng thời, ngài cũng dời toà giám mục từ Hà Tiên về Biên Hoà.

Nguyễn Ánh không muốn trở lại đạo Công giáo, nhưng thường tham dự thánh lễ do giám mục dâng và nhờ có nhiều dịp tiếp xúc với ngài, nên chúa cũng bỏ được nhiều thành kiến không hay về đạo Công giáo.

1780. Nguyễn Ánh xưng vương và nhất tâm trấn giữ Gia Định.

1782. Vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc cùng Nguyễn Huệ đem quân từ Quy Nhơn vào đánh và chiếm lại Gia Định. Nguyễn Ánh bỏ Gia Định trốn ra đảo Phú Quốc. Đức cha Pigneau và các thừa sai phải trở lại Hà Tiên.

1783. Quân Tây Sơn trấn thành Gia Định, rồi đem quân đuổi theo Nguyễn Ánh tại đảo Phú Quốc. Nguyễn Ánh thua, phải rút quân ra đảo Côn Sơn, đợi dông bão để trốn chạy vào vịnh Thái Lan. Giám mục Pigneau đề nghị Nguyễn Ánh cầu viện với vua Pháp, Louis XVI, sau khi nhận thấy không thể cầu viện với Bồ Đào Nha và Anh được.

1784. Giám mục Pigneau đem hoàng tử Cảnh và phái đoàn của chúa Nguyễn sang Pháp cầu viện. Chúa Nguyễn cũng giao quốc ấn và uỷ toàn quyền cho Đức cha Pigneau thương nghị với Pháp. Còn Đức cha, vì hy vọng về sau Nguyễn Ánh sẽ dễ dàng chấp thuận cho các thừa sai được tự do truyền giáo nên ngài cũng tha thiết, tận tình giúp chúa Nguyễn.

1787. (28-11) Giám mục Pigneau, đại diện uỷ quyền của Nguyễn Phúc Ánh, ký hiệp ước Versailles.

1788. Nhờ sự tận tâm của tướng Võ Tánh, Nguyễn Ánh đã chiếm lại được thành Gia Định.


1789. Tháng 7, chiến thuyền Méduse tiến vào Vũng Tàu, trên đó có Giám mục Pigneau, hoàng tử Cảnh và còn kèm theo mấy chiến thuyền, đạn dược do Đức cha vận động ở Pondichéry gửi giúp chúa Nguyễn Ánh. Ngoài ra, còn có các ông: Chaigneau, Vannier, Forçant và Olivier là những cố vấn quân sự đi theo.

1798 Ở kinh đô Phú Xuân, vua Cảnh Thịnh chính thức ra lệnh cấm đạo, vì năm 1797 triều đình Tây Sơn đã bắt được mật thư của Nguyễn Ánh gửi cho giám mục Labartette tại Huế. Do thư này, vua Cảnh Thịnh nghi ngờ người Công giáo có âm mưu nổi loạn chống Tây Sơn. Hậu quả của lệnh cấm đạo này: ngày 17-9, lm. Emmanuel Nguyễn Văn Triệu và ngày 28-10, lm. Gioan Đạt bị xử trảm do lệnh vua Cảnh Thịnh.

1798-1800. Ngày 9-10-1799, Giám mục Pigneau từ trần tại Quy Nhơn. Thời vua Cảnh Thịnh là một thời kỳ gian khó của Giáo hội Công giáo: cấm cách, bắt bớ và bách hại. Giáo dân đã chạy vào La Vang, là nơi rừng hoang, nước độc, cách Quảng Trị khoảng 6 cây số để trốn tránh. Với tất cả lòng tin tưởng, tín hữu nguyện cầu cùng Trinh Nữ Maria, Mẹ đã hiện ra an ủi, nâng đỡ đoàn con đau khổ trong thử thách vì đức tin. Từ đây, Linh địa La Vang đi vào lịch sử Giáo hội Việt Nam.

Tóm lại:

Thời các chúa Trịnh, từ Trịnh Tạc (1657-1682) đến Trịnh Sâm (1767-1782) tại đất Bắc; chúa Nguyễn, từ Nguyễn Phúc Lan (1635-1648) đến Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777) và vua Cảnh Thịnh (1782-1802): có ước chừng hơn 30.000 chứng nhân đã anh dũng lấy máu đào tuyên xưng đức tin.

________________________________________

THẾ KỶ XIX

1802. Nguyễn Ánh thắng Tây Sơn, lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long, 1802-1820, thống nhất sơn hà, đặt quốc hiệu là Việt Nam, chọn Phú Xuân (Huế) làm kinh đô. Vì nhớ công Giám mục Pigneau, vua Gia Long không bách hại đạo, nhưng nhà vua cũng
không nâng đỡ đạo. Do đó, Giáo hội Việt Nam được một thời gian ngắn bình an và phát triển.

1803. Giám mục Labartette họp tất cả các giáo sĩ tại Huế, thảo luận phương thức hoạt động truyền giáo. Thống kê lúc đó ghi nhận:

- Giáo phận Đông Đàng Ngoài: l giám mục, 41 linh mục Việt Nam, 4 thừa sai và 140.000 tín hữu.

- Giáo phận Tây Đàng Ngoài: 1 giám mục, 65 linh mục Việt Nam, 5 thừa sai và 120.000 tín hữu.

- Giáo phận Đàng Trong: 1 giám mục, 65 linh mục Việt Nam, 5 thừa sai và 60.000 tín hữu.

1820. Vua Minh Mạng (Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế, 1820-1841), nối nghiệp Gia Long. Ông chịu ảnh hưởng các vua Trung Hoa và Nhật Bản, nên cai trị nước bằng chính sách bế quan toả cảng.

1822. Nhân kỷ niệm sinh nhật nhà vua, Đức cha Labartette đến Huế, xin yết kiến, dâng lễ vật mừng. Vua Minh Mạng nhận lễ vật, nhưng từ chối gặp Đức cha.

1825. Vua Minh Mạng ra chỉ dụ cấm đạo gồm 2 điểm:

- Cấm tất cả các giáo sĩ ngoại quốc theo tàu buôn vào Việt Nam.

- Tập trung tất cả các giáo sĩ ngoại quốc vào những địa điểm chỉ định để kiểm soát.

1833. (6-1) Chỉ dụ cấm đạo của vua Minh Mạng.
(5-7) Lê Văn Khôi khởi binh tại Gia Định.

1835. Ngày 8-9, thành Phiên An bị quân triều đình đánh chiếm, lm. Joseph Marchand Du bị bắt đem về Huế và lm. Giuse Phước, cha sở Chợ Quán, bị hành quyết tại chỗ.
1838. Đây là lần thứ tư vua Minh Mạng ra chiếu chỉ cấm đạo (1825-1833-1836).

* Lúc này, Trung Hoa thất trận với các cường quốc châu Âu, vua Minh Mạng đổi đường lối chính trị, ngoại giao, nên cử phái bộ Phan Thanh Giản sang Pháp thương thuyết, nhưng vua Pháp, Louis Philippe, từ chối tiếp phái bộ.

1840. Giáo phận Đàng Trong, dù trong 10 năm cấm cách, bách hại, số tín hữu vẫn tăng lên đến 75.000 (năm 1830 là 60.000).Phái bộ ngoại giao Phan Thanh Giản thất bại trở về nước, vua Minh Mạng duy trì cấm đạo tàn khốc vào cuối đời.

1841. (21-1) Vua Minh Mạng băng hà (1820-1841). Vua Thiệu Trị (Hiến Tổ Chương Hoàng Đế, 1841-1847) lên nối ngôi và ban lệnh ân xá cho tất cả các tù nhân không Công giáo cũng như Công giáo đều được trở về quê hương. Nhà vua không bắt đạo gắt gao, nhưng cũng không huỷ bỏ những chỉ dụ cấm đạo. Nhà vua cai trị một thời gian ngắn ngủi, rồi băng hà lúc 37 tuổi.

Giám mục Etienne Théodore Cuénot Thể họp Công đồng các linh mục tại Gò Thị, Bình Định. Ngài chú tâm tới việc truyền giáo, huấn luyện và nâng cao trình độ cho hàng giáo sĩ.

1843. (15-3) Năm thừa sai Pháp bị giam giữ ở Huế được dẫn độ vào cảng Đà Nẵng trao trả cho tàu L’Héroine gồm: thừa sai Berneux và Galy bị bắt ở Phúc Nhạc (11-4-
1841), thừa sai Charrier ở Bàu Nọ (5-10-1841), thừa sai Duclos Lộ và J.C. Miche Mịch ở Phú Yên (2-5-1842).

1844. (17-5) Đức Thánh Cha Gregorius XVI phân chia giáo phận Đàng Trong thành hai giáo phận mới: giáo phận Tây Đàng Trong (Sài Gòn) gồm lục tỉnh Nam Kỳ và Cao Miên, đặt Đức cha D. Lefèbvre Ngãi chăm sóc và giáo phận Đông Đàng Trong (Quy Nhơn) dưới quyền hướng dẫn của Giám mục Cuénot Thể.

(31-10) Giám mục Lefèbvre bị bắt tại Cái Nhum và bị giải về Huế.

1845. (15-4) Giám mục Lefèbvre được trao trả cho tàu Alemène.

1846. (27-3) Giáo phận Tây Đàng Ngoài được chia làm hai: giáo phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội) được Giám mục P.A. Retord Liêu cai quản và giáo phận Nam Đàng Ngoài (Vinh, Nghệ An) do Giám mục J.D. Gauthier Hậu quản trị.

(7-6) Thuyền chở Giám mục Lefèbvre, từ Singapore về, bị bắt tại cửa Cần Giờ: ngài được giải về Sài Gòn. Thừa sai Duclos chết trong khi bị giam. Chủ thuyền Lê Văn Gẫm và những người cùng đi bị bắt và bị tống giam tại Sài Gòn.

1847. (15-4) Tàu Pháp bắn phá cảng Đà Nẵng.

(3-5) Vua Thiệu Trị ban hành lệnh chống Công giáo.

(4-11) Vua Thiệu Trị băng hà. Tự Đức, hiệu Dục Tông Anh Hoàng Đế (1847-1883) lên nối ngôi, bắt đầu một trang sử mới.

1848. Giáo phận Đông Đàng Ngoài được chia thành hai giáo phận: Giáo phận Đông Đàng Ngoài và Trung Đàng Ngoài (Bùi Chu) gồm hai tỉnh Nam Định và Hưng Yên, do Đức cha Domingo Marti Gia chăm sóc.

Vua Tự Đức ra chỉ dụ cấm đạo Giatô lần I. Chỉ dụ truyền khắc hai chữ “tả đạo” vào má các tín hữu trung kiên, rồi đẩy họ vào những nơi rừng thiêng nước độc.

Tháng 3, Hồng Bảo, anh cả của vua Tự Đức, âm mưu chiếm đoạt ngai vàng.

Tháng 7, vua Tự Đức ban hành chỉ dụ truy lùng các đạo trưởng ngoại quốc.

1850. Toà Thánh chia giáo phận Đông Đàng Trong làm hai: giáo phận Bắc Đàng Trong gồm một phần của tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên, đặt Giám mục F.M. Pellerin Phan cai quản và giáo phận Đông Đàng Trong từ Đà Nẵng, Quy Nhơn đến Phan Thiết. Giáo phận Tây Đàng Trong chia hai: giáo phận Nam Vang gồm nước Cambodia và các tỉnh phía Nam Hậu Giang của Việt Nam, trao cho Giám mục Jean Claude Miche Mịch lãnh đạo. Giáo phận Tây Đàng Trong từ Đồng Nai đến Vĩnh Long do Giám mục Lefèbvre coi sóc.

1851. Cuối tháng Giêng, Hồng Bảo bị bắt quả tang lên thuyền nước ngoài trốn thoát, được ân giảm.

1852. Do chiếu chỉ của vua Tự Đức, các thừa sai và giáo sĩ bị truy lùng gắt gao, giam cầm, tra tấn…

Nhưng vì thiên tai, đại hạn, bão lụt… nhà vua tạm thời ngưng cuộc bách hại tại miền Bắc (1852-1855).

1853. Tại miền Nam, tình hình bắt đạo vẫn gay gắt.

1854. Tháng 3, âm mưu trốn ra nước ngoài của Hồng Bảo lại bị bại lộ. Ông bị bắt và thắt cổ chết trong tù.

(18-9) Chỉ dụ chống Công giáo được ban bố với những hình phạt nặng nề hơn.

1855. Tháng 9, vua Tự Đức ra lệnh cấm đạo lần III. Chỉ dụ này ra án: các Tây Dương đạo trưởng, bị bắt sẽ phải chịu chém, bêu đầu ba ngày ở những nơi công cộng và bị quăng xác xuống biển.

1856. (25 đến 26-9) Tàu Pháp bắn phá cảng Đà Nẵng làm vua Tự Đức nổi giận.

1857. Vua Tự Đức ra chiếu chỉ cấm đạo lần IV vào ngày 7-5-1857.

1858. Chiến tranh giữa Pháp, Tây Ban Nha và Việt Nam bùng nổ. Hải quân của liên quân chiếm Cửa Hàn. Tình hình chính trị và tôn giáo càng thêm khó khăn.

1859. Liên quân Pháp-Tây Ban Nha tiến vào cửa Cần Giờ, bắn phá và tiến chiếm Gia Định (Sài Gòn) ngày 17-2.

1860. Tháng 4, các nữ tu dòng Saint Paul de Chartres từ Hồng Kông đến Sài Gòn.

1861. Pháp chiếm thành Kỳ Hoà, mở rộng vòng kiểm soát tới Biên Hoà, Tây Ninh, Mỹ Tho, Vĩnh Long. Triều đình cử phái bộ Phan Thanh Giản và Lâm Duy Nghiệp vào Gia
Định để nghị hoà. Trong tình hình nội trị bất ổn, ngoại giao không mấy kết quả, triều đình càng căm thù và ra tay giết hại các tín hữu.

Vào cuối tháng 3, các tín hữu tại Ba Giồng và Hữu Đạo bị sát hại tập thể.

Tháng 7, nhà vua ban hành lệnh phân tháp (phân sáp) người Công giáo vào các làng không Công giáo.

Tháng 12: những vụ sát hại tập thể các giáo hữu tại Biên Hoà và Bà Rịa.

1862. Hoà ước Nhâm Tuất có khoản quy định về tự do tôn giáo, nhưng vua Tự Đức vẫn duy trì việc cấm đạo.

Những vụ sát hại tập thể ở Nam Định và Hưng Yên. Ở Biên Hoà: những vụ hỗn loạn, đốt phá, sát hại tại Long Thành, Tân Triều, Búng, Thủ Ngữ, Trảng Bàng, Trảng Thơm và Gò Sầm.

Tổng kết: Ba triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức có hơn 40.000 nhân chứng đức tin.

1863. Tháng 4, tại kinh đô Huế cử hành lễ trao đổi các bản văn của hoà ước Nhâm Tuất. Giám mục J.H. Sohier Bình, đại diện tông toà Bắc Đàng Trong (giáo phận Huế ngày nay), lần đầu tiên xuất hiện tại sứ quán ở kinh thành Huế.

Vào tháng 5, các nữ tu dòng Kín Carmel Lisieux, Pháp, đến Sài Gòn.

Tháng 6, triều đình cử phái bộ Phan Thanh Giản sang Pháp nghị hoà lần II về việc chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ đã nhượng cho Pháp theo hoà ước Nhâm Tuất.

Trong phái bộ, có chủng sinh Phaolô Nguyễn Hoàng (giáo phận Nam Đàng Ngoài) là thông dịch viên của triều đình, Petrus Trương Vĩnh Ký là thông dịch viên do Thống soái Pháp ở Sài Gòn cử đi.

Nguyễn Trường Tộ, một nhân sĩ Công giáo, quê ở Bùi Chu (xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An ngày nay) dâng lên triều đình ba bản điều trần đầu tiên: Trần tình khải, Thiên hạ đại thế luận, Giáo môn luận và Tế cấp bát điều.

1864. Tháng 7, khánh thành nguyện đường dòng Thánh Phaolô (4 Tôn Đức Thắng, TP. Hồ Chí Minh ngày nay).

1866. Tháng 9, Giám mục Gauthier Ngô Gia Hậu, đại diện tông toà Nam Đàng Ngoài, và Nguyễn Trường Tộ được vua Tự Đức cử đi Pháp mời thầy dạy và mua trang thiết bị xây trường kỹ thuật.

1867. Tháng 6, Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Bộ. Phong trào Văn Thân bắt đầu ở Nghệ An và Nam Định.

1868. Tháng 3, Đức cha Gauthier, Nguyễn Trường Tộ và các giáo sư được mời về tới Huế.

Tháng 4, phong trào Văn Thân chống Pháp và bài Công giáo hoạt động mạnh.
1869. Vua Tự Đức ra hai chỉ dụ tha việc cấm đạo:

- Chỉ dụ 1: cho phép lập làng Công giáo.

- Chỉ dụ 2: người Công giáo được tự do hành đạo và cử hành các nghi thức tôn giáo.

1873. Tháng 11, quân Pháp chiếm Hà Nội lần I với một số tỉnh ở vùng đồng bằng sông Hồng. Ngày 21-12, Francis Garnier tử trận.

1874. Tháng Giêng, Pháp bắt đầu rút quân. Phong trào Văn Thân hoạt động mạnh trở lại ở Nam Định, Ninh Bình, rồi Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Hoà ước Giáp Tuất (15-3-1874) chấp nhận nhượng sáu tỉnh Nam Kỳ cho Pháp. Hoà ước gồm 20 khoản, mà 9 khoản đề cập đến vấn đề tự do tôn giáo.

1882. Tháng 4, đại tá Henri Rivière được lệnh đem quân ra Bắc Kỳ lần II: ngày 25-4, quân Pháp chiếm Hà Nội. Tổng đốc Hà Nội là Hoàng Diệu thắt cổ tự vẫn. Sau đó, Henri Rivière đem quân vào chiếm đóng kinh thành Huế.

1883. (22-2) Rivière chiếm đóng Hòn Gai.

(27-3) Rivière chiếm Nam Định.

(19-5) Rivière tử thương. Phong trào Văn Thân lại trỗi dậy mạnh mẽ.

(19-7) Vua Tự Đức băng hà.

(23-7 âl.) (25-8 dl.) Hoà ước Quý Mùi: khâm sai Trần Đình Trực và Nguyễn Trọng Hợp, thay mặt triều đình Huế, ký với toàn quyền, đại diện Pháp, Jules Harmand, nhận sự bảo hộ của Pháp và việc ngoại giao của Việt Nam phải chịu sự chi phối của Pháp. Hoà ước gồm 27 khoản, không nhắc tới vấn đề tôn giáo.

Toà Thánh thiết lập giáo phận Bắc (Bắc Ninh), tách từ giáo phận Đông (Hải Phòng), gồm các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn và Cao Bằng, do Đức cha A. Colomer Lễ đảm trách.

Vua Hiệp Hoà lên nối ngôi được 4 tháng. Ông bị ép uống thuốc độc chết.
(7-10) Vua Kiến Phúc, 15 tuổi, lên nối ngôi. Mọi quyết định đều nằm trong tay hai đại thần: Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết.

1884. (6-6) Hoà ước Giáp Thân được ký giữa Nguyễn Văn Tường và Patenôtre: bổ túc cho hoà ước Quý Mùi. Điểm chính của hoà ước này là Chính phủ Pháp bảo hộ Bắc Kỳ, lục tỉnh Nam Kỳ là thuộc địa Pháp và Trung Kỳ thuộc quyền cai trị của triều đình Huế. Nhưng thực chất, triều đình chỉ còn hư vị. Hoà ước này cũng huỷ bỏ hiệu lực của hoà ước 15-3-1874, nhưng vẫn giữ lại những cam kết của triều đình liên quan đến mặt tôn giáo.

Vua Kiến Phúc nối ngôi được 6 tháng, thì nhuốm bệnh và băng hà. Vua Hàm Nghi mới 12 tuổi được đặt lên kế vị.

1885-1886. Phong trào Văn Thân nổi lên khắp nước vì phẫn nộ với người Pháp xâm chiếm Việt Nam. Người Công giáo lại bị bắt bớ, tàn sát dã man vì bị coi là theo thực dân Pháp.

- Binh lính triều đình Huế tấn công đồn Pháp thất bại.

- Vua Hàm Nghi và một số triều thần rời kinh thành, vào rừng lập chiến khu, kêu gọi Cần Vương. Sĩ phu khắp nơi hưởng ứng, đứng lên chống Pháp và chống Công giáo. Nhiều cuộc tàn sát lẫn nhau giữa người Việt với người Việt, nhất là trong những vùng hoạt động của phong trào Văn Thân như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Trị Thiên, Nghệ Tĩnh, Thanh Hoá, Nam Định, Ninh Bình…

1890. Việt Nam có 708.000 tín hữu.

1895. (15-4) Giáo phận Hưng Hoá được thiết lập gồm các tỉnh: Sơn Tây, Yên Bái, Hoà Bình, Lai Châu và được đặt dưới quyền điều khiển của Giám mục Paul Marie Raymond Lộc.

________________________________________

Maria NGÔ THỊ NHẬT, thạc sĩ Sử học



http://gpbanmethuot.vn/content/ni%C3%AAn-bi%E1%BB%83u-gi%C3%A1o-h%E1%BB%99i-c%C3%B4ng-gi%C3%A1o-vi%E1%BB%87t-nam-ph%E1%BA%A7n-1

1 nhận xét:

  1. Kính thưa Quý Vị,
    Tôi thật xúc động khi đọc các bài giảng trong Vui Học Thánh Kinh vì cách nay hơn 30 năm tại quê nhà tôi là một tân tòng, và sau đó đã hướng dẫn người khác cũng trở thành tân tòng như tôi, phần lớn tôi dựa vào lời kinh nguyện hoà bình của Thánh Francis Assissi.
    Nay, tuổi đã cao, với tấm lòng thành, tôi đã viết lại lời nguyện ấy bằng bài hát do tôi soạn và tự hát mặc dù hiện nay ở khắp mọi nơi đã có Thánh Ca hay hơn gấp bội.
    Kính xin Quý Vị giúp tôi phổ biến chuyển đến tất cả Quý Anh Chị Em Dự Tòng và Tân Tòng bài hát này như là một món quà chúc mừng của tôi.
    Thành kính,
    Phạm văn Phú
    Cộng Đoàn Tam Biên
    https://www.youtube.com/watch?v=7YtGMSncoEw

    https://www.youtube.com/watch?v=iippbordFzA
    Xin Dùng Con Làm Khí Cụ Bình An của Chúa
    Tác giả: Phạm văn Phú (biên soạn theo kinh Chúa Thánh Thần và kinh Hoà Bình)
    ( Điệu Lưu Thuỷ):
    Lạy Chúa Trời từ nhân, con chắp tay, cúi đầu, kính lạy, tôn vinh
    với tấm lòng thành, trông, cậy, tin của kẻ bề tôi.
    Con thiết tha khẩn cầu Chúa khai tâm mở đàng chỉ lối, soi sáng tâm linh con, dạy con biết yêu thương người.
    Con cầu khẩn lạy Thiên Chúa cho con là khí cụ bình an, để:
    nơi oán thù con gieo mầm yêu thương;
    nơi bị lăng nhục con gieo mầm hạt thứ tha;
    ở nơi bất thuận bất hoà con rắc gieo giống hạt an hoà;
    chốn nơi nào lỗi lầm sai con gieo mầm sự thật chân lý;
    những chốn nghi nan, nghi hoặc con gieo niềm tin tưởng vĩnh cửu chân chính;
    đến những nơi lâm vòng tuyệt vọng, con khơi nguồn cậy trông khiến mọi người chứa chan hy vọng;
    vào nơi tối tăm con rọi khơi nguồn ánh sáng;
    và tới những nơi sầu thảm con đem lại nụ cười hân hoan.
    Xin Chúa thương, nhậm lời cho con làm khí cụ an bình.
    (Điệu Kim Tiền):
    Con kính lạy Đức Chúa Trời toàn năng, Đấng sáng tạo muôn vật muôn loài.
    Xin Chúa ban cho con lòng từ nhân vị tha, lo cho người hơn cho bản thân:
    Tìm người để an ủi người, tìm người để hiểu biết người, tìm người để yêu mến người, nhiều hơn con được người kiếm để ủi an, hiểu biết, cảm thông, hay dang rộng vòng tay mến thương. Vì chính khi hiến dâng là lúc nhận lãnh; chính vào lúc tha là lúc ta được thứ tha; lúc chết đi được sống lại đời đời an vui.
    Con kính xin Chúa khai tâm mở rộng lòng con. Xin Ngài ban xuống thế gian cho tất cả những ai mà lòng tràn đầy thiện chí, biết yêu biết thương mọi người, ơn an bình của Ngài.
    (Điệu Xuân Phong-Long Hổ):
    Lạy Chúa Trời, Đấng toàn năng. Con kính xin Chúa soi sáng dạy dỗ con làm điều lành vì công nghiệp vô cùng của Chúa, Chúa Giê Su Ki Tô từ nhân. Xin dạy con biết hết lòng, quên bản thân, đem niềm tin, ánh sáng, hy vọng, tình thương đến cho mọi người.

    Trả lờiXóa