Trang

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

MƯỜI ĐỀ TÀI LUÂN LÝ KI-TÔ GIÁO : ĐỀ TÀI 6

MƯỜI ĐỀ TÀI LUÂN LÝ KI-TÔ GIÁO : ĐỀ TÀI 6


 
MƯỜI ĐỀ TÀI LUÂN LÝ KI-TÔ GIÁO


Đề tài sáu : Đâu là những nguyên tắc lớn của luân lí Kitô Giáo liên quan đến vấn đề sự sống và sức khoẻ con người? (đạo đức sinh học hay giới răn 5)

Nhập đề :


Cũng như tình yêu, sự sống con người trên thế giới hiện nay đang ở trong tình thế hết sức căng thẳng : chưa bao giờ con người có nhiều vận may để có được sức khoẻ và sự sống tốt như hiện nay, nhưng cũng chưa bao giờ con người gặp nhiều rủi ro về sức khoẻ và sự sống bằng bây giờ. Rất nhiều vận may cho sức khoẻ và sự sống, như chẳng những chế ngự được khá nhiều bệnh tật, mà còn được quan tâm săn sóc tận tình và hiệu quả, còn có thể kéo dài sự sống ra thêm – không chỉ về mặt thời gian mà cả về mặt chất lượng. Nhưng cũng rất nhiều rủi ro bất trắc cho sức khoẻ và sự sống, như chẳng những phải đầu hàng khá nhiều loại bệnh mới hay những dạng mới của bệnh cũ, mà còn luôn bị đe dọa tử vong ngay từ khi còn trong trứng nước hay khi đã về chiều, do có quá nhiều phương tiện dễ dàng và dụng cụ tinh vi để làm việc ấy. Ngoài ra, vấn đề sự sống cũng là vấn đề rất nhạy cảm : nó đụng chạm tới điều gắn bó chặt chẽ nhất với con người – không có gì gần gũi con người hơn sự sống của chính mình, đụng đến sự sống là đụng đến chính con người. Thế nên, chúng ta cần phải thận trọng khi giải quyết các vấn đề liên quan đến sự sống và sức khoẻ của con người, bằng cách vừa nắm thật vững các nguyên tắc đạo đức sinh học vừa thật tinh tế và uyển chuyển khi thi hành các nguyên tắc.

Khai triển :

Trước khi giới thiệu một số nguyên tắc đạo đức sinh học của luân lí Kitô Giáo, tưởng cũng nên lưu ý : dù là những nguyên tắc đúc kết từ Mặc Khải Thánh Kinh, Truyền Thống Giáo Hội, Giáo Huấn của Huấn Quyền, và của các khoa học liên hệ và các kinh nghiệm thực tiễn, nhưng đó vẫn chỉ là những nguyên tắc mang tính định hướng và căn bản, chứ không hề là đáp án chính xác cho hết mọi trường hợp cụ thể. Để vận dụng tốt các nguyên tắc ấy vào thực tế, còn cần phải tham khảo các nhà chuyên môn trong lãnh vực này và cần có một ý thức không những về sự công bình (‘justice’) mà cả về sự công tâm nữa (‘équité’). Thầy thuốc cũng như giáo hữu Kitô Giáo không nên tìm đến các linh mục như đến tìm một câu trả lời luôn luôn có sẵn, mà còn phải biết tập tự phê phán và quyết định dựa trên các nguyên tắc ấy.

1. Những nguyên tắc liên quan đến bản chất và định mệnh của sự sống con người :

1.1. Sự sống con người vừa là một hồng ân Thiên Chúa ban tặng vừa là kết quả cố gắng của con người

. Là hồng ân do Thiên Chúa ban tặng, nên thái độ căn bản của con người đối với sự sống là đón nhận và tôn trọng, hay nếu có can thiệp vào, cũng phải can thiệp để phục vụ bản chất và định mệnh Chúa đã an bài cho sự sống con người, chứ không phá hủy hay cản trở những điều ấy.

. Là kết quả cố gắng của con người, nên thái độ căn bản của con người là chẳng những không khoán trắng hay đón nhận thụ động, mà còn tích cực bảo vệ và phát triển theo đúng bản chất và định mệnh của sự sống ấy.

1.2. Sự sống con người là một giá trị cao quí để phục vụ Thiên Chúa và con người
. Là giá trị cao quí, nên thái độ căn bản của con người đối với sự sống là không những không được phá hủy, bỏ bê và coi thường, thậm chí cũng không được đặt nó vào chỗ nguy hiểm, mà còn là nâng niu giữ gìn và bồi dưỡng phát huy.

. Là giá trị cao quí để phục vụ Thiên Chúa và con người, nên sự sống con người dù cao quí đến đâu cũng không phải là giá trị trên hết và duy nhất, thậm chí chỉ có giá trị bao lâu nó phục vụ Thiên Chúa và con người. Vì thế, thái độ căn bản của con người đối với sự sống không phải là suy tôn sự sống tới mức hi sinh tất cả cho sự sống, thậm chí sẵn sàng phạm tội vì sự sống. Ngược lại, vì phục vụ Thiên Chúa và con người, đôi khi chúng ta phải chấp nhận hi sinh sự sống hoặc tới một mức nào đó hoặc một cách hoàn toàn, như trường hợp những kitô hữu chấp nhận một đôi thiếu thốn trong điều kiện sức khoẻ để luyện tập ý chí hay để nên thánh, những thầy thuốc chấp nhận rủi ro cho sức khoẻ khi phục vụ các bệnh nhân, những kitô hữu chết để bảo vệ đức tin…

1.3. Con người là quản lí, chứ không phải là chủ nhân củ sự sống

. Là quản lí không những là người có nhiệm vụ chăm sóc giữ gìn sự sống, mà còn phải chăm sóc giữ gìn theo đúng ý của chủ nhân, ở đây là ý muốn của Thiên Chúa.
. Không là chủ nhân của sự sống, và vì thế mọi sự phát triển, điều trị hay sử dụng sự sống đều phải được quyết định, không phải một cách tùy tiện vì lợi ích và tham vọng riêng hay vì lợi ích và tham vọng của tập thể, mà căn cứ trên ý muốn của Chúa – phản ảnh qua bản chất và mục tiêu của sự sống, trật tự và định luật của sự sống (làm việc với tinh thần đạo đức học)

. Là quản lí chứ không phải là chủ nhân, nên cung cách làm việc với sự sống con người là tôn trọng và yêu mến, chứ không xem thường và xài xể ; ngoài ra, con người phải tập biết giới hạn của mình và của cả y học trong việc chăm sóc sự sống con người, nhất là khi chứng nhận sự sống đã tới mức cuối cùng của nó.

1.4. Sự sống con người là sự sống toàn diện với đủ mọi chiều kích

. Toàn diện với đủ mọi chiều kích, nên không được quan tâm tới sự sống con người và đánh giá sự sống con người chỉ trên khía cạnh thể lí, mà còn phải cứu xét tới khía cạnh tâm lí, đạo đức và tôn giáo nữa. Một thân xác khoẻ mạnh, thậm chí xinh đẹp, với một trí khôn dốt nát, một tâm hồn không lành mạnh… chưa được kể là một con người tốt. Cấy ghép bộ phận làm cho một người tiếp tục sống nhưng lại làm biến đổi nhân cách nghiêm trọng, đó không phải là giải pháp tốt.

. Cũng chính vì mang nhiều chiều kích như thế, nên khi gặp xung đột giữa các chiều kích ấy cần có sự đánh giá đúng với thang giá trị, như có thể chấp nhận thân xác gầy yếu và xấu xí đôi chút để có một tinh thần và một tầm hồn hướng thượng hơn, hay thà ăn uống đạm bạc nhưng giữ được phẩm cách hơn là ăn uống sung sướng nhưng đánh mất nhân cách.

2. Những nguyên tắc liên quan đến việc điều trị bệnh tật của con người

2.1. Nguyên tắc toàn thể và bộ phận :

. Hiểu theo nghĩa chặt, trong nghĩa vụ bảo vệ sự sống, đôi khi người ta phải chấp nhận hi sinh một bộ phận đã hỏng để cứu toàn thân thể hay ít ra, chấp nhận một số khó chịu hoặc đau đớn cho bộ phận này để bảo vệ toàn thân, như chấp nhận tháo khớp chân đã bị hoại tử để cứu toàn thân, chấp nhận những phản ứng phụ khó chịu khi uống thuốc này để chữa bệnh ….

. Hiểu theo nghĩa rộng, cũng trong nghĩa vụ bảo vệ sự sống toàn diện của con người, đôi khi người ta phải chấp nhận hi sinh sự sống thể lí đã bị đe dọa để cứu sự sống tinh thần, đạo đức hay tâm linh, hoặc ít ra, chấp nhận một số thương tích cho sự sống thể lí để bảo vệ sự sống cao hơn. Cũng hiểu theo nghĩa rộng, trong nghĩa vụ bảo vệ sự sống toàn diện của con người (chiều kích cá nhân và chiều kích xã hội), đôi khi người ta phải chấp nhận hi sinh cá nhân đã bị đe dọa hay ít ra, chấp nhận phần nào thiệt hại cho cá nhân để cứu tập thể. Như chấp nhận nộp mạng một người chính quyền đòi để cứu tập thể, khi không còn cách nào khác …

2.2. Nguyên tắc điều trị bắt buộc và không bắt buộc (thông thường và đặc biệt) :

. Điều trị cách thông thường là điều trị bắt buộc mọi người phải làm đối với bệnh tật của mình hay với người mình có trách nhiệm, vì đó là điều trị bằng những biện pháp y học vừa được chứng nhận hữu hiệu vừa nằm trong khả năng lo liệu của mình. Nếu thế, ai cảm sốt mà không lo điều trị sẽ lỗi bổn phận chăm sóc sức khoẻ vì những biện pháp y học điều trị bệnh này

vừa hoàn toàn có thể lo liệu được vừa được y học chứng nhận là hữu hiệu.

. Điều trị cách đặc biệt là điều trị không bắt buộc hay chỉ bắt buộc khi có lí do nghiêm trọng (như bệnh nhân là người quan trọng cần khôi phục sức khoẻ để làm việc hay ít là để làm một số việc khẩn cấp), vì đó là điều trị bằng những biện pháp y học vừa chưa được chứng nhận là hữu hiệu (vẫn còn đang trong vòng thí nghiệm hay đã tung ra thị trường nhưng kèm với rất nhiều yêu cầu) vừa vượt ngoài khả năng lo liệu của đa số. Nếu thế, ai mắc bệnh AIDS mà không điều trị bằng những phương thuốc được phổ biến hạn chế và đắt tiền sẽ không lỗi bổn phận bỏ bê sức khoẻ.

. Cũng có thể áp dụng nguyên tắc này cho những bệnh nhân hoặc đang ở trong tình trạng thập tự nhất sinh (như hôn mê sâu sau khi bị chấn thương…) hoặc đang mắc một bệnh nan y ở giai đoạn cuối : chỉ cần điều trị bệnh cho những người này bằng những biện pháp thông thường (giảm đau, thở ôxy…) hay bổ sung thêm bằng những biện pháp tâm lí và đạo đức. Trong trường hợp này, tìm đủ mọi cách – kể cả vô ích và tốn kém nhất – điều trị bệnh tật có thể lại là phạm tội bám riết điều trị hay không chấp nhận giới hạn của y học hoặc không tin vào những giá trị cao quí khác như danh dự, tình thương, cuộc sống mai sau…

. Cần phân biệt việc điều trị thông thường với việc “giết người êm ái” (‘euthanasie’) cho những bệnh nhân chỉ còn sống đời sống thực vật (hôn mê sâu hay não bộ đã gần như không còn hoạt động và không còn hi vọng phục hồi – bằng chứng là nhiều nơi trên thân thể bắt đầu có triệu chứng không còn nhận được máu và bắt đầu thối) : điều trị thông thường cho trường hợp này là không truyền dịch thuốc và chất bổ (vì đã hoàn toàn vô ích), cũng có thể không truyền khí (cho thở ôxy), mà cứ để cho thiên nhiên tự làm việc và kết thúc ; còn “giết người êm ái” là dùng một biện pháp y học tích cực như chích thuốc cho tim ngưng đập hay làm ngạt thở để cái chết sớm đến. Đôi khi người ta áp dụng việc “giết người êm ái” sớm hơn nữa như can thiệp để cho chóng chết một bệnh nhân còn thở, thậm chí còn nửa tỉnh nửa mê, bằng chứng là còn biết đau đớn. Người ta thường biện minh cho hành vi này bằng cách nói rằng làm như thế chẳng những cất bớt gánh nặng cho ngành y và người thân, mà còn là nghĩa cử bác ái với chính bệnh nhân đang đau đớn, mà quên rằng hành vi ấy phản ảnh một não trạng thực dụng, thuần túy thế tục và vụ lợi : đó là chủ trương sự sống con người chỉ thuần túy diễn ra trên đời này và không có liên quan gì với cuộc sống mai sau, đã sống thì phải được hưởng thụ, đau khổ mà không đưa đến lợi ích trước mắt là hoàn toàn vô nghĩa… Người ta quên rằng cuộc sống hôm nay có liên hệ rất mật thiết với cuộc sống mai sau, hưởng thụ không phải là mục đích chính yếu của đời người, đau khổ – kể cả những đau khổ không thấy đem lại kết quả nào – vẫn có giá trị, nhất là khi kết hợp với Đức Kitô chết vì loài người…

2.3. Nguyên tắc trị liệu trực tiếp và gián tiếp :

. Trị liệu trực tiếp là làm việc trên chính bộ phận hay thân thể còn lành mạnh hay không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh tật, coi đó như mục tiêu muốn nhắm tới hay là phương tiện để đạt một mục tiêu nào đó, như cắt bỏ buồng trứng lành lặn để khỏi sinh đẻ và như thế, tránh phải mang thai có thể gây thiệt hại cho sức khoẻ một sản phụ bị đau tim. Trong trường hợp này, đau tim là nguyên nhân trực tiếp gây ra nguy hiểm cho sức khoẻ người phụ nữ, chứ không phải là mang thai – việc mang thai chỉ làm tăng nguy hiểm ấy. Giáo Hội Công Giáo coi đây là một hình thức cố tình xâm phạm sự sống con người.

. Trị liệu gián tiếp là làm việc trên chính bộ phận hay thân thể bệnh tật, cũng là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh tật, nhưng không tránh khỏi – dù có dự đoán trước nhưng không còn cách nào khác – gây thiệt hại cả cho một bộ phận hay thân thể khác, như mở bụng để cắt bỏ bướu ung thư trong tử cung – là nguyên nhân có thể gây thiệt hại cho sức khoẻ đương sự – nhưng không tránh khỏi làm thiệt mạng thai nhi vì bị phơi ra khi chưa đủ khả năng sống độc lập, trong khi đó càng để lâu càng gây thiệt hại cho cả mẹ lẫn con. Giáo Hội Công Giáo không coi đây là một hình thức cố tình xâm phạm sự sống con người.

3. Những vấn đề kèm theo từng giai đoạn phát triển của đời sống con người
Người ta cũng có thể tìm hiểu đạo đức sinh học bằng cách cứu xét các vấn đề của từng giai đoạn phát triển trong đời sống con người.

3.1. Khi con người bắt đầu có mặt….

. Con người có thể có mặt trong bụng mẹ một cách tự nhiên và thông thường qua con đường vợ chồng ăn nằm với nhau. Đây là phương pháp duy nhất được Giáo Hội Công Giáo tán thành vì con cái phải là kết quả của một sự kết hợp giữa tình yêu và hành vi vợ chồng ; thiếu một trong hai yếu tố này kết quả sẽ không như lí tưởng Chúa mong muốn và con người chờ đợi.


. Hoặc bằng cách thụ tinh nhân tạo nửa chừng hay toàn vẹn : nửa chừng là vì một trục trặc nào đó về phía chồng hay phía vợ hoặc cả hai, khiến tinh trùng người chồng và trứng người mẹ không gặp nhau cách thông thường qua việc giao hợp của hai người, người ta phải dùng muỗng hay ống chích để bơm tinh trùng vào âm hộ người vợ ; còn thụ tinh nhân tạo toàn vẹn là vì một trục trặc nào đó về phía chồng như tinh trùng quá yếu cần tăng lực hay bị ô nhiễm cần tẩy rửa hoặc vì một trục trặc nào đó về phía vợ như trứng không rụng hay rụng mà không di chuyển theo vòi trứng xuống dưới tử cung cần phải “chọc” hay hút để lấy trứng ra. Sau khi đã có tinh trùng của người chồng (xuất tinh bằng cách thủ dâm) và đã có trứng của người vợ, bác sĩ sẽ dùng một dòng điện kích thích để một trứng nứt ra và một tinh trùng chui vào. Bác sĩ chờ cho trứng thụ tinh ổn định (chừng 1-2 ngày) rồi cấy nó vào tử cung người vợ, và sau đó mọi sự sẽ tiếp diễn như thường.

. Chỉ có thụ thai theo con đường thụ tinh nhân tạo là đặt ra một số vấn đề đạo đức như việc thủ dâm để lấy tinh của người chồng có được phép không ? (Giáo Hội Công Giáo coi thủ dâm cố tình là một tội), các trứng thụ tinh còn dư (thường thường, bác sĩ sẽ tạo một vài trứng thụ tinh hay cắt đôi trứng thụ tinh để dự trữ cho trường hợp phải làm lại khi lần làm thứ nhất không thành công) sẽ được xử lí thế nào cho đúng phẩm giá của một sự sống con người, dù mới ở giai đoạn đầu ? khả năng tinh trùng của cùng một người đàn ông được cấp một cách vô danh cho hai phụ nữ sẽ tạo ra trường hợp anh em hay chị em cùng cha khác mẹ, và có gì bảo đảm hai người ấy sẽ không bao giờ gặp nhau và luyến ái với nhau (loạn luân) ? Đó là chưa kể phải mất khá nhiều công sức, thời giờ và tiền bạc khi muốn có con theo lối ấy. Thụ tinh nhân tạo còn đáng trách hơn khi đó là sự kết hợp giữa trứng của người vợ với tinh trùng của một người đàn ông nào đó không quen biết (có thể đã kết hôn hay còn độc thân) hoặc ngược lại đều là những hành vi ‘ngoại tình’ ngụy trang.

. Mới đây, dù chưa được tiến hành hay đã làm mà chưa thành công, y học đã nói tới khả năng thụ thai vô tính (hay nhân bản vô tính, tức là thụ thai hay nhân nhiều lần bản gốc lên mà không phải qua con đường giao hợp giữa các giới tính), tức là lấy một tế bào của một con người sống nhét vào trứng một phụ nữ để thay nhân của trứng ấy, sau đó cấy vào bụng của một phụ nữ để người này mang thai và sinh con (tế bào kia đã là tế bào có giới tính, nghĩa là đã có những nhiễm sắc thể để làm thành giới tính nam hay giới tính nữ. Người ta cũng có thể can thiệp vào tế bào này để có kết quả như ý muốn, như người ta đã thành công trong việc biến đổi giống của một thực vật bằng cách chiết ghép vào cây đó một cành lấy từ giống cây khác, và đã thành công trong việc sinh ra con cừu Dolley một cách vô tính. Từ đó, người ta hy vọng sẽ có được những con người giống hệt nhau và là những con người đúng theo ý muốn của mình. Hình thức thụ thai này đã bị lên án không phải chỉ bởi Giáo Hội Công Giáo mà cả chính phủ và quần chúng rất nhiều nước, coi đó là một sự xâm phạm tính riêng tư và độc đáo của mỗi con người.

. Hiện tượng mang thai nhờ hay mang thai thuê cũng đang được nhiều quốc gia và Giáo Hội lên án : vì một lí do nào đó, người mẹ ẽ nhờ hay thuê một phụ nữ khác chấp nhận cho cấy vào bụng mình trứng thụ tinh của người đã thuê mình và cưu mang thai ấy đủ thời gian trước khi sinh ra, đồng thời được trang trải mọi chi phí liên quan đến sức khoẻ của mẹ lẫn con suốt thời kì mang thai. Khi trao trả con lại cho người mẹ ban đầu, bà ta sẽ được cám ơn và được trả thù lao tương xứng. Hành vi này đáng lên án không những vì Giáo Hội và nhiều quốc gia vẫn coi con đường sinh đẻ duy nhất được phép là con đường giao hợp giữa chồng với vợ, hay không thể tách rời việc sinh con với hành vi vợ chồng của hai người (con cái phải là kết quả của sự ăn ở giữa hai người, chứ không phải là kết quả của kĩ thuật thuần túy). Ngoài ra, chính việc mang thai và sinh con – dù vất vả và đau đớn – sẽ cho cả người mẹ lẫn con nghiệm cảm thế nào là tình mẫu tử.

. Nặng hơn hết là việc phá thai, nghĩa là cố tình đưa ra khỏi bụng mẹ một thai nhi chưa đủ khả năng sống độc lập và vì thế, làm thai nhi chết. Y học hiện nay xác nhận thai nhi đủ khả năng sống ngoài bụng mẹ phải ít là được 7 tháng tuổi. Một vấn đề cũ nhưng mới được đưa ra cứu xét lại là khi nào một phôi thai có tính người, còn gọi là được nhân hoá hay nói nôm na, là có linh hồn. Dựa vào nhà sinh vật kiêm triết gia Aristote, nhà thần học Tôma Aquinô, nhiều y bác sĩ và thần học hiện nay cho rằng phôi thai chỉ đáng coi là người sau một thời gian khoảng 7-10 ngày. Người ta dựa vào sự quan sát của y học : trước thời gian đó, phôi thai chưa ổn định một chỗ mà thường xuyên di chuyển trong bụng mẹ, có khi đi ra ngoài ; phôi thai cũng chưa là một đơn vị thống nhất mà có thể tách hai hay ba. Vì thế, nếu đưa phôi thai ra ngoài trước thời hạn này sẽ là trục xuất một phôi thai nhưng không phải là phá thai con người. Thế nhưng, dù sự quan sát của khoa học có vẻ hậu thuẫn quan điểm ấy thế nào, ta cũng không quên khoa học chỉ làm việc với những gì quan sát được, khoa học không có thẩm quyền lên tiếng về những vấn đề mang tính triết học hay thần học như thế nào là con người, khi nào trở thành con người. Vì thế, phá thai ở bất cứ thời kì nào, ngoại trừ lí do trị liệu gián tiếp, đều là một tội.

. Người ta cũng lên án việc chẩn đoán tiền sản bằng X- quang, nội soi hay bằng bất cứ cách nào để biết trước giới tính của thai nhi và căn cứ vào đó để quyết định giữ hay phá thai. Thế nhưng, nhiều người lại chấp nhận phá thai khi qua việc chẩn đoán hình ảnh hay dịch của thai nhi biết được khả năng dị tật bẩm sinh nặng nề, lấy cớ cha mẹ và con cái có quyền được sống hạnh phúc, và vì thế có quyền tước bỏ những sự sống nào đã có đủ yếu tố để phải sống bất hạnh (phá thai vì lí do ưu sinh). Người ta quên rằng một khi đã có mặt, thai nhi cũng có quyền chào đời và được sống ; ngoài ra, sự sống con người không chỉ đóng khung trong sự sống thể lí và thân xác.

3.2. Khi con người lớn lên….

. Khi lớn lên, con người đứng trước hai bổn phận : phát triển và bảo vệ sự sống. Phát triển bằng ăn uống, ăn mặc, ăn ở cho hợp vệ sinh và hợp phẩm giá con người, học tập, làm việc, sống lành mạnh, thực hành tôn giáo và nghỉ ngơi để có được sức khoẻ và sự sống toàn vẹn (thể lí, tinh thần, đạo đức, tôn giáo). Bảo vệ bằng cách phòng ngừa bệnh tật và điều trị bệnh tật, phòng ngừa những ảnh hưởng tai hại cho tinh thần, đạo đức và tôn giáo, đồng thời sửa chữa các thói hư tật xấu và tránh xa tội lỗi. Đừng hi vọng có được sự sống và sức khoẻ lí tưởng khi chỉ chú ý cho không có bệnh tật và làm sao khoẻ mạnh trong thân xác. Với một đầu óc ngu muội, một tâm hồn u ám, một nếp sống không lành mạnh, một thế giới chật hẹp loay hoay giữa người với người, thì thân xác có mạnh khoẻ đến đâu cũng không làm cho con người phát triển và trưởng thành sung mãn.

. Nên lưu ý người ta đã có lỗi với sự sống và sức khoẻcủa mình và của người mình có trách nhiệm, không phải khi xâm phạm tới tính mạng con người, mà ngay từ khi phát triển sự sống và sức khoẻ con người không đúng bậc thang giá trị của các chiều kích (thể lí, tinh thần, đạo đức, tôn giáo) hay không tạo được sự hài hoà giữa các chiều kích ấy(con người ngày nay quan tâm tới sự sống và sức khoẻ nhưng chỉ lo cho không có bệnh tật và khoẻ mạnh, hoặc chỉ lo học hành và đỗ đạt, chứ rất ít quan tâm tới đạo đức và tôn giáo, mà đây lại là cái phân biệt con người với con vật cách rõ nhất). Một hình thức có lỗi với sự sống và sức khoẻ con người là đặt sự sống và sức khoẻ của mình hay người khác vào chỗ nguy hiểm do thiếu cẩn trọng khi làm việc trong một điều kiện có hại cho sức khoẻ (không gian thiếu ánh sáng và không khí, thời khoá biểu thiếu cân đối…), đặc biệt do tiếp cận nhiều với những nguồn độc hại có khả năng gây nghiện (thuốc lá, rượu bia, các chất kích thích như ma túy, cần sa, bạch phiến…). Gần đây, người ta lại phát hiện môït nguồn độc hại, tuy ngấm ngầm nhưng vô cùng lớn, không những gây ra cho người tham gia mà cả nhiều người vô tội chung quanh và cả nhiều thế hệ sau. Đó chính là nạn làm hỏng môi trường sinh sống (ô nhiễm không khí, nước, sự yên tĩnh…).Tại rất nhiều nước, tội này chưa được người dân ý thức sâu sắc, mà cả chính quyền cũng chưa khuyến cáo và chế tài đúng mức.

. Càng tham gia vào xã hội nhiều, con người càng khó tránh khỏi những va chạm gây thương tích - đôi khi nặng nề – cho sự sống và sức khoẻ. Đến đây, người ta không thể không đặt ra vấn đề điều trị (Xem lại các nguyên tắc đạo đức hướng dẫn việc điều trị bệnh tật trên đây) . Có hai vấn đề khá thời sự liên quan đến việc điều trị : điều trị bằng cách thử nghiệm một số phương cách hay phương dược trị liệu ; và điều trị bằng cách cấy ghép hay thay thế tạng (tế bào hay bộ phận). Thử nghiệm phương pháp trị liệu hay phương dược trị liệu để cứu chữa bệnh nhân hay để có những biện pháp y học hữu hiện hơn cho các bệnh nhân trong tương lai là điều hợp lí và cần thiết. Nhưng ở đây người thử nghiệm phải có lương tâm khi giới thiệu và ứng dụng thử nghiệm : không vì quá ham kết quả mà giấu diếm các rủi ro có thể hay không chịu dừng thử nghiệm khi thấy có rủi ro cho bệnh nhân. Người được thử nghiệm cũng phải tự nguyện, chứ không bị ép buộc, nhưng tự nguyện cách sáng suốt : biết rõ những rủi ro có thể xảy ra trong mức độ chấp nhận được trước khi tự nguyện tham gia, và sẵn sàng yêu cầu ngưng thử nghiệm khi thấy rủi ro lên cao tới mức có thể gây thiệt hại nặng nề hay có thể làm thiệt mạng. Còn việc điều trị bằng cách cấy ghép tạng cũng chỉ có thể tiến hành trên cơ sở tự nguyện của cả hai bên : bên nhận và bên cho. Tuy nhiên, không được tự nguyện cho hay nhận khi biết chắc khả năng thành công đã ít, mà rủi ro cho một trong hai bên hay cả hai bên lại quá cao. Kèm theo việc điều trị này là vấn đề làm sao có được các cơ phận lành mạnh sẵn sàng để thay thế cho bệnh nhân có nhu cầu. Chính vì số cơ phận cung không bao giờ đủ cho số bệnh nhân cầu, mà đây lại là một cách điều trị hứa hẹn nhất hiện nay, nên ngưới ta đã nghĩ ra nhiều cách để tạo ra cơ phận. Hoặc tạo ra phôi thai từ trứng người phụ nữ và tinh trùng người đàn ông. Ít ngày sau, phôi sẽ tự tách ra thành hai thành bốn và bắt đầu xuất hiện các tế bào mầm. Chính từ các tế bào mầm này mà ta sẽ có các cơ phận như tim, gan, phổi, não, máu… Y học sẽ lấy các tế bào mầm tạo máu để cấy vào cơ thể một bệnh nhân bị ung thư máu và nếu tương thích, tế bào mầm ấy sẽ trở thành tủy cung cấp máu cho cơ thể. Tuy nhiên, phương pháp này rõ ràng là một hình thức phá thai : phôi sẽ chết sau khi đã bị lấy đi các tế bào mầm. Hoặc lấy tế bào mầm từ những cơ phận lành mạnh của người đã thành hình như tủy sống, tế bào ở cuống nhau nối mẹ với con… Giáo Hội đang khuyến khích hình thức tạo cơ phận này vì không những nó không giết hại người cung cấp, mà nó sẽ giúp ích rất nhiều cho những bệnh nhân chỉ vì một tế bào hay một cơ phận hư hỏng mà tàn phế suốt đời hay bị thiệt mạng.

3.3. Khi con người về chiều….

. Ở tuổi già, con người có thể vướng vào những tật bệnh nan y không điều trị được hay rơi vào tình trạng sa sút trong hầu hết mọi bộ phận và chức năng. Chúng ta có thể nhờ y học điều trị bệnh tật hay cải thiện tình trạng của các bộ phận và chức năng sa sút. Nhưng trên hết, phải biết cân đối giữa khao khát muốn sống và sống khoẻ với tình hình thực tế của bản thân mình và đời sống thực tế của những người chung quanh. Đừng bỏ qua mọi sự điều trị thông thường và căn bản hay đừng vội vàng tìm đến cái chết (‘giết người êm ái’ hay ‘tự sát’), nhưng cũng đừng đòi hỏi sự điều trị đặc biệt trong mọi trường hợp hay việc ‘bám riết điều trị’. Với bí tích xức dầu bệnh nhân, Giáo Hội Công Giáo muốn giúp các kitô hữu ở trong tình trạng sức khoẻ hiểm nghèo biết nhìn sự sống một cách toàn diện hơn (sự sống không chỉ là sự khoẻ mạnh thể lí và tâm lí, mà còn là sự lành mạnh đạo đức và tôn giáo hay còn mở ra cho một sự sống cao hơn sự sống của loài vật và sự sống trên trần gian) và biết đấu tranh cho sự sống ở bình diện cao hơn khi đứng trước những lựa chọn khác nhau liên quan đến sự sống.

. Gần đây, đặc biệt ở các quốc gia nào có dành nhiều sự đãi ngộ hơn cho tuổi già như trợ cấp tuổi già, ưu đãi tuổi già trong các dịch vụ và giải trí công cộng, tạo điều kiện cho người già đóng góp ý kiến và kinh nghiệm…, người già có thể loại bỏ được mặc cảm thừa thãi hay quấy rầy xã hội, thậm chí có người còn có cảm giác như mình đang sống một cuộc sống thứ hai – thảnh thơi hơn nhưng cũng không phải là vô trách nhiệm. Tuy nhiên, thực tế ấy cũng có thể đẩy người già tới chỗ đòi hỏi quá mức, không chỉ trong việc hưởng thụ cuộc sống mà cả trong việc cầm quyền và quyết định, khiến cho bầu khí xã hội lúc nào cũng nặng nề khó thở vì ai cũng mang mặc cảm mình đang sống dưới cái bóng quá lớn của người già và không thể nào trưởng thành lên được. Người già có thể quên rằng mỗi giai đoạn lịch sử sẽ có những thách đố mới đòi hỏi những cách ứng phó mới, thậm chí mỗi giai đoạn lịch sử lại sinh ra những giá trị mới đòi hỏi con người phải biết chấp nhận, và vì thế, ra sức trì kéo hay phản đối quyết liệt có thể là một trở ngại cho bước tiến lịch sử ấy và là một sự hành hạ đối với các thế hệ sau. Ý thức trách nhiệm nhưng là một trách nhiệm mới hoặc là trách nhiệm cũ nhưng được thi hành cách mới, phù hợp với tuổi già, chính là thái độ sống thích đáng. Biết nhường chỗ cho thế hệ mới và chấp nhận thích nghi với những hoàn cảnh mới, mà không xót xa tủi hờn hay bực dọc bất mãn, đó cũng chính là thái độ thích đáng. Muốn vậy, người già phải càng ngày càng thành thạo với qui luật mà mình đã từng tập sống khi còn trẻ, đó là cởi bỏ để tiến lên một cuộc sống cao hơn.
. Một cách rộng rãi hơn, Giáo Hội Công Giáo muốn các kitô hữu bệnh tật hay bước vào tuổi già có một cái nhìn quân bình về đau khổ và hạnh phúc. Kitô Giáo không e ngại và chạy trốn hạnh phúc, mà sẵn sàng tạo điều kiện cho con người hưởng dụng hạnh phúc. Tuy nhiên, đó phải là hạnh phúc càng ngày càng bền vững và toàn diện hơn, bằng cách thoát ra dần những điều kiện làm cho hạnh phúc con người bị chật hẹp và thấp hèn. Kitô Giáo cũng không thích thú và rước đau khổ về với cuộc sống con người, mà sẵn sàng hợp lực với mọi người để chống lại những đau khổ. Tuy nhiên, đó không phải là sự đấu tranh điên cuồng và cao ngạo mà là một cuộc đấu tranh thực tế và khiêm tốn, hướng tới một mục đích hẳn hoi (ngày càng đưa cuộc sống thăng cấp tới mức sóng sự sống của Thiên Chúa), và đôi khi vì mục đích cao cả ấy, mà người ta sẵn sàng chấp nhận một số đau khổ, kể cả những đau khổ to lớn – đau khổ lúc ấy không phải là sự cam chịu miễn cưỡng mà là sự chấp nhận sáng suốt và tự nguyện.

Kết luận :

Bao lâu còn sống và còn có con người, bấy lâu những vấn đề liên quan đến sự sống con người luôn được đặt ra, không những trên bình diện khoa học và kĩ thuật, mà cả trên bình diện đạo đức và luân lí. Đơn giản vì sự sống vốn là một cái gì năng động chứ không yên tĩnh, đúng như tên gọi và bản chất của nó ; sự sống con người còn là một thực tại đa chiều, chứ không chỉ là sự sống của khoáng vật, thực vật hay động vật – sự sống con người vươn cả ra thế giới linh thiêng của Thiên Chúa. Chính vì thế, chúng ta không nên say sưa đi tìm giải pháp cho mọi vấn đề, mà tốt hơn cần nắm vững những nguyên tắc căn bản để dựa trên đó mà tìm các giải pháp cụ thể. Ngay cả những nguyên tắc căn bản này cũng không phải là đã được phát hiện hết hay đã được hiểu trọn vẹn. Không riêng gì cá nhân người kitô hữu, mà cả Huấn Quyền Giáo Hội cũng phải không ngừng quan sát, phân tích, lượng giá và thích ứng những nguyên tắc ấy.

Lm. Pr. Đặng Xuân Thành

Đại Chủng Viện Hà Nội)

NGUỒN : UBMVGIADINH
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét