Trang

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

MƯỜI ĐỀ TÀI LUÂN LÝ KI-TÔ GIÁO : ĐỀ TÀI 9

MƯỜI ĐỀ TÀI LUÂN LÝ KI-TÔ GIÁO : ĐỀ TÀI 9

 
MƯỜI ĐỀ TÀI LUÂN LÝ KI-TÔ GIÁO : ĐỀ TÀI 9

Đề tài chín : Quan điểm của luân lí Kitô Giáo về lao động và sở hữu đóng góp gì cho các quan hệ kinh tế xã hội giữa con người hiện nay? (đạo đức học kinh tế hay giới răn 7 và 10)

NHẬP ĐỀ:

Dạo quanh các quầy trong các đại lý phát hành sách Công Giáo ở một vài nước Tây phương gốc Kitô Giáo trong những năm gần đây, chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy lượng sách nói về luân lý Công Giáo đã ít, mà lượng sách nói về luân lý tính dục và hôn nhân càng ít, đang khi đó số sách nói về luân lý chính trị và kinh tế tăng cao. Không phải chỉ vì độc giả có vẻ không bằng lòng với cái nhìn của Giáo Hội Công Giáo về tính dục và hôn nhân, mà còn vì một cách giản dị là ngay cả trong thời buổi sung túc hiện đại và ngay giữa các nước vững mạnh về kinh tế, lương thực hay đời sống kinh tế vẫn là mối bận tâm lớn nhất của con người: người ta có thể kiêng cữ các hành vi tính dục và hôn nhân (sic!), cũng như giải quyết vấn đề nầy một cách cá nhân hoặc chỉ trong nội bộ vợ chồng và gia đình mình, nhưng làm sao có thể nhịn ăn nhịn uống được, cũng như không thể giải quyết vấn đề này mà không liên hệ đến tình hình kinh tế của đất nước, thậm chí của khu vực và thế giới? Thậm chí luân lý chính trị có được quan tâm cũng vì các thể chế chính trị và các chính sách của các chính phủ rất có liên quan tới đời sống kinh tế của người dân; người ta cũng ưa đánh giá các thể chế, các chính sách và các chính phủ dựa vào đóng góp của chúng cho đời sống kinh tế con người. Rất tiếc, chúng ta vừa không có đủ thời gian vừa không có đủ chuyên môn để trình bày tất cả những gì có liên quan đến đời sống kinh tế hịện nay, mà chỉ xin giới hạn vào hai vấn đề lớn mà không có nền kinh tế nào dám bỏ qua, thậm chí mọi nền kinh tế được đánh giá chủ yếu dựa vào cách giải quyết hai vấn đề này: vấn đề lao động và vấn đề của cải.

KHAI TRIỂN:

1. Vấn đề lao động:

1.1. Giá trị của lao động:

- Ngày nay, không ai còn phủ nhận giá trị của lao động, ít là giá trị của một phương thế phổ biến phục vụ đời sống vật chất của bản thân người lao động, của những người mình có trách nhiệm và của đất nước. Nhiều chính phủ và nhiều người còn nhìn ra giá trị giáo dục của lao động, nhất là đối với những phạm nhân xã hội: lao động không những là điều kiện để con người phát huy những đức tính tốt như siêng năng và bền chí, kỷ luật và sáng tạo, mà còn là phương thế giúp con người có thêm nhiều năng lực và đức tính khác – nhất là những lao động mang tính tập thể và khoa học, như lắng nghe và học hỏi, tôn trọng và cộng tác, quan tâm đến ích chung và quảng đại… Cách riêng với người kitô hữu, lao động còn là một cách để mình chia sẻ danh dự và bổn phận của một thụ tạo được cộng tác với Thiên Chúa làm chủ và phát triển tạo vật để làm sáng danh Thiên Chúa và mưu ích cho con người. Qua những vất vả của lao động – đôi khi tới mức làm tiêu tốn nhiều sức lực và cân não – đó còn là con đường để chúng ta tham gia vào cuộc khổ nạn của Đức Kitô hầu cứu độ thế giới. Thế nên, người cố tình không lao động vì lười biếng hay vì ích kỷ là một tội nặng không chỉ đối với xã hội và bản thân người lao động, mà còn đối với Thiên Chúa và thụ tạo. Không còn kitô hữu nào hôm nay còn cho rằng lao động chỉ xuất hiện sau khi tổ tiên con người phạm tội như một hình phạt dành cho con người: Ađam và Eva đã được trao cho công việc gìn giữ vườn và canh tác trong vườn, trước cả khi hai ông bà phạm tội. Thậm chí việc làm chủ thụ tạo và khai thác thụ tạo để phục vụ con người còn được coi là một cách cho con người chia sẻ chủ quyền của Thiên Chúa trên tạo vật. Có khác chăng là sau khi phạm tội, con người nhận thấy việc lao động trở nên khó khăn hẳn, vì bản thân người lao động đã bắt đầu lao động ngược với ý nghĩa và mục đích của nó: thay vì để làm sáng danh Chúa và phục vụ tha nhân, lao động trở thành phương tiện cho người ta tôn vinh mình tới mức triệt hạ người khác và đi ngược thánh ý Chúa (x. St 1-3). So với các chức sắc các tôn giáo thời Cựu Ước ở các nước chung quanh, các ‘rápbi’ Do Thái cũng không ngại mưu sinh bằng các việc lao động chuyên môn, thay vì trục lợi từ chính việc dạy đạo của mình. Tông đồ Phaolô trong thời Tân Ước sau này cũng tham gia lao động để mưu sinh, nhất là trong những thời gian ít bận bịu truyền giáo.

- Nếu lao động không có giá trị tự nó, mà chỉ có giá trị trong tương quan với con người và Thiên Chúa, như chúng ta đã trình bày trên đây, thì để đánh giá lao động, chúng ta sẽ đánh giá những người có liên quan đến lao động ấy được thăng tiến thế nào qua lao động ấy. Không chỉ xem nó đem lại cho người lao động bao nhiêu tiền và bao nhiêu hỗ trợ vật chất, mà còn xem nó giúp người ấy trở thành người nhiều hơn thế nào. Về mặt này, đôi khi mang lại nhiều lợi ích vật chất cho con người mà chưa chắc là lao động có giá trị. Cũng như phải sắp xếp các loại hình lao động hay các nghề nghiệp vào một bậc thang giá trị dựa trên tiêu chuẩn vừa nói, thay vì chỉ dựa theo cách đánh giá quen thuộc của xã hội. Việc giáo dục con cái hôm nay không chỉ giới hạn trong việc học hành và thi cử, mà còn là chuẩn bị cho con vào đời và chọn nghề. Nhưng ngay cả trong lãnh vực này, cũng phải giáo dục con cái thế nào cho chúng biết đánh giá lao động và nghề nghiệp theo một tiêu chuẩn hàm súc và căn bản hơn, thay vì chỉ đánh giá theo thói quen và định kiến của xã hội. Học thuyết xã hội Công Giáo phân biệt trong lao động có hai yếu tố: một gọi là yếu tố chủ quan, tức là bản thân người lao động, cũng là một giá trị không bao giờ thay đổi (dù hoàn cảnh, cơ cấu, chính sách, thiết bị… kinh tế có thay đổi), hai là yếu tố khách quan, tức là tất cả những gì liên quan đến việc lao động, có thể thay đổi theo hoàn cảnh (chính sách, cơ cấu, thiết bị, công nghệ, tư bản…). Người ta phải luôn dành ưu tiên cho yếu tố chủ quan trong bất cứ việc lao động nào.

- Cũng chính vì lao động có giá trị là do nó phục vụ con người, nên bên cạnh lao động con người cũng có quyền và có bổn phận nghỉ ngơi: nghỉ ngơi không những để lấy lại thăng bằng trong sức khoẻ và đời sống, mà còn để bắt chước Tạo Hoá – Đấng làm việc chừng một ‘tuần’ rồi ‘nghỉ ngơi’, qua đó chúng ta thấy được sự ‘rãnh rỗi’ hay ‘an nhàn’ hoặc chính xác hơn, sự ‘an nghỉ trong Chúa’ mới chính là mục tiêu cuối cùng con người được mời gọi hướng tới, còn lao động chỉ là phương thế hay điều kiện giúp chúng ta ‘vượt qua’ cuộc đời này để đi vào cõi đời đời. Thế nên, nói đến lao động thì cũng phải nói đến nghỉ ngơi, hoặc kitô hữu nào lao động tới mức không bao giờ biết đến ‘nghỉ ngơi’ hay chủ nhân nào yêu cầu công nhân làm việc tới mức không bao giờ cho nghỉ ngơi, không những sẽ làm hại sức khoẻ của người lao động - ảnh hưởng tới sự phát triển và thịnh vượng của cộng đồng – mà còn đi ngược với mục tiêu của lao động và coi thường gương mẫu của chính Đấng Tạo Hoá.

1.2. Quyền và bổn phận liên quan đến lao động:

- Đã nhất trí coi lao động là một giá trị, thì quyền căn bản của một người có khả năng lao động là phải có việc làm tương đối ổn định và có giá trị để con người vừa có thể tự nuôi sống mình và người khác, tự hoàn thiện bản thân mình và giúp hoàn thiện người khác, cũng như phục vụ xã hội và Thiên Chúa. Nếu có đủ điều kiện lao động, lại thành tâm thiện chí tìm kiếm lao động, nhưng không kiếm ra việc làm tương đối thích đáng thì nhà nước có bổn phận tạo việc cho họ, với sự cộng tác của tư nhân và đoàn thể hoạt động kinh tế, hoặc chuẩn bị họ vào các việc mới bằng cách hỗ trợ họ học nghề, và trong lúc chưa kiếm ra việc, phải trợ cấp thất nghiệp cho họ. Nhưng để nhà nước có thể chu toàn trách nhiệm này, luật pháp quốc gia phải cho phép nhà nước, tới một chừng mực nào đó, can thiệp vào tài sản của các công dân như chia sẻ các gánh nặng kinh tế của nhà nước bằng việc nộp thuế, bằng việc đưa các tài sản nhàn rỗi vào hoạt động kinh tế để tạo công ăn việc làm hay hỗ trợ nghiên cứu và sáng kiến. Đôi khi nhà nước có thể can thiệp vào tài sản nhàn rỗi của công dân tới mức sung công hay quốc hữu hoá, như khi các công dân để hoang phí đất đai rộng lớn. Song song với quyền căn bản là quyền được lao động hay quyền có việc làm, mọi người cũng có bổn phận căn bản là phải lao động, nhất là khi lao động ấy vừa có giá trị vừa phù hợp với hoàn cảnh của mình. Ai cố tình không lao động chỉ vì ích kỷ và lười biếng, trong khi còn có bổn phận ấy để nuôi sống mình và người khác, để phát triển mình và người khác, sẽ mắc tội nặng.

- Nhưng để lao động cho tốt, mỗi người cũng có quyền được chuẩn bị hành nghề và có bổn phận phải chuẩn bị mình hành nghề. Nghề càng chuyên môn, càng có liên quan nhiều đến các giá trị lớn như sinh mạng, ơn cứu độ, tương lai của người khác và của xã hội…, càng phải được học tập chu đáo, thậm chí phải được trau dồi và cập nhật luôn. Ai cố tình không chuẩn bị mình với một việc làm nào đó, dù có điều kiện, là đã phạm tội nặng, vì làm như thế không những sẽ gây hại cho bản thân mình mà còn cho nhiều người khác nữa. Cũng thế, để lao động đem lại nhiều lợi ích cho bản thân người lao động và nhiều người khác, chúng ta cũng có quyền và có bổn phận lao động theo lương tâm mình, thay vì bị áp lực bởi ai đó hay bởi xã hội. Lao động theo lương tâm ở đây có nghĩa là lao động theo những xác tín của mình, nhưng dựa theo những nguyên tắc và chuẩn mực khách quan nào đó, như đúng theo bản chất khách quan của việc làm ấy và đúng với mục tiêu của lao động ấy. Bác sĩ có quyền và có bổn phận điều trị bệnh nhân theo lương tâm của mình, nghĩa là không những theo xác tín của mình mà còn là xác tín dựa trên bản chất và mục tiêu của việc điều trị. Nhà nước và ngay cả bệnh nhân hay thân nhân của bệnh nhân không được quyền bắt bác sĩ làm trái lương tâm của bác sĩ, như bắt một bác sĩ không đồng ý với việc phá thai phải phá thai.

- Trong tình hình hiện nay, đa số các lao động của chúng ta đều dựa trên các hợp đồng kinh tế, theo đó chúng ta lao động cho người khác và việc lao động của mỗi người được đánh giá bằng một mức thù lao nào đó hay lao động với quyền được hưởng lương công bằng, đi đôi với bổn phận trả lương công bằng. Nếu không được bồi thường một cách thoả đáng qua tiền lương thì làm sao lao động của một người sẽ đạt mục tiêu trước mắt của nó là giúp nuôi sống và thăng tiến con người? Theo các nhà phân tích xã hội học, chính thù lao trả cho lao động hay lương bổng cho các công nhân viên chức chính phủ không công bằng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các tệ nạn xã hội ngày càng kinh khủng như tham ô hối lộ, lường gạt gian dối… Dựa theo các văn kiện xã hội của các đức giáo hoàng từ đức Leô XIII (thông điệp “Rerum Novarum” năm 1891) cho đến đức Gioan Phaolô II (những thông điệp về lao động, về sự quan tâm xã hội, về 100 năm kỷ niệm ngày ban hành thông điệp “Rerum Novarum”), các nhà luân lý xã hội cho rằng lương chỉ thực sự công bằng khi nó thoả mãn các đòi hỏi của đức công bằng giao hoán (‘commutative justice’) và của đức công bằng xã hội (‘social justice’). Nói cách cụ thể, lương công bằng không những là lương bên A trả cho bên B tương xứng với công sức bên B bỏ ra – công sức này không chỉ là công sức lao động tay chân, mà còn là công sức lao động tinh thần, đã được bỏ ra trong một khoảng thời gian, đem lại những sản phẩm với mức độ chất lượng nào đó, giả thiết phải trải qua một quá trình học hành và kinh nghiệm nào đó. (Nói đến công bằng giao hoán là nói đến một thứ công bằng khá máy móc và lạnh lùng, vì trong đó người ta không xét tới giới tính, quan điểm chính trị và tôn giáo, hoàn cảnh cá nhân và gia đình của bên B, hoàn cảnh xã hội của bên B…). Nhưng lương công bằng còn là lương phải giúp bên B sống được trong hoàn cảnh cá nhân, gia đình và xã hội của bên B: hoàn cảnh cá nhân như hoàn cảnh của một giáo viên chứ không phải là một người thợ cần có một ‘phẩm cách’ tương xứng trong ăn mặc, nếp sống văn hoá…; hoàn cảnh gia đình như hoàn cảnh của một người cha có hai con thơ dại hay một người độc thân; hoàn cảnh xã hội như hoàn cảnh của một người công nhân sống tại một thành phố lớn với đủ mọi chi phí hay của một người thợ tỉnh lẻ… Ngày nay, có nhiều nơi người ta trả lương theo lối này: trước hết trả lương theo đúng công bằng giao hoán, rồi trả thêm những trợ cấp xã hội (trợ cấp theo gia đình, trợ cấp theo mức sống, trợ cấp theo phẩm cách hoặc địa vị…); hoặc trả lương căn bản cho mọi người cùng nghề cùng chức vụ cùng thời gian lao động cùng trình độ… sau đó điều tiết lại bằng cách căn cứ trên hoàn cảnh cá nhân, gia đình và xã hội để trừ lại dưới hình thức thuế… Trong thực tế, không có mức lương nào là mức lương lý tưởng bởi vì ấn định mức lương là một việc làm không những phải được cứu xét lại luôn cho nó không trở nên lỗi thời, mà khi cứu xét, người ta còn phải xét đến tình hình kinh tế của đất nước, khu vực và thế giới. Để đánh giá thế nào là mức sống trung bình và đâu là những nhu cầu cần được thoả mãn, người ta không thể nói theo lý thuyết thuần túy mà còn phải căn cứ trên tình hình kinh tế thật của đất nước.

- Dưới áp lực của các công đoàn (các tổ chức đại diện người lao động để bảo vệ quyền lợi người lao động) và dưới sự thúc bách cũng như soi sáng của nhiều văn kiện xã hội của các đức giáo hoàng, người ta còn đi tới chỗ nhìn nhận người lao động có quyền được hưởng sự an sinh xã hội (‘right to the social welfare’) và bổn phận đem lại an sinh xã hội cho người lao động, như quyền được bảo đảm sức khoẻ trong lúc lao động, quyền được chăm sóc khi bị thương tật do lao động, quyền được nghỉ ngơi không những khi đau ốm, sinh đẻ và khi có nhu cầu chính đáng mà còn được nghỉ ngơi thường niên, quyền được bảo đảm sống còn khi bị thất nghiệp không do lỗi mình, quyền được bảo đảm sống còn khi về già. Người lao động được hưởng các quyền này qua các bảo hiểm xã hội: bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động. bảo hiểm nghỉ ngơi, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm tuổi già (hay về hưu). Các bảo hiểm này là kết quả đến từ ba nguồn: từ sự tích góp của người lao động hằng tháng (thay vì lãnh hết tiền lương, người lao động sẽ trích một số phần trăm để bỏ vào các quỹ bảo hiểm ấy), từ sự góp thêm của cơ quan lao động và từ sự hỗ trợ của nhà nước.
- Để người lao động không trở thành những cỗ máy mù tịt về việc làm của mình hay những nô lệ thụ động chấp hành lao động, người ta còn đòi hỏi phải cho người lao động có quyền tham gia vào chính việc tổ chức và quản lý lao động, đi đôi với bổn phận tạo điều kiện cho các công nhân tham gia tổ chức và quản lý lao động. Các nhà chủ đã rút từ kinh nghiệm thực tế ra bài học quan trọng này: khi quan hệ giữa chủ và thợ tốt thì lao động sẽ tốt hơn và năng suất sẽ cao hơn; nhưng muốn cho quan hệ chủ và thợ tốt thì phải làm sao lôi kéo thợ tham gia vào công việc một cách tích cực. Thậm chí, ngày nay người ta còn khuyến khích việc thợ thuyền tham gia vào chính tư bản hay vốn liếng của nhà sản xuất hay kinh doanh, bằng cách biến thành một công ty trách nhiệm hữu hạn hay công ty cổ phần, trong đó người lao động được khuyến khích mua một số cổ phần trong công ty để làm chủ công ty theo mức cổ phần của mình. Có như thế, người lao động mới không coi nơi mình làm việc là nơi xa lạ mà coi đó chính là nhà của mình. Người lao động sẽ thiết tha với nơi mình làm việc, tới mức đồng hoá số phận của công ty ấy với số phận của mình. Ngoài lương nhận được do lao động của mình, người công nhân còn nhận phần lợi tức hằng quý hay hằng năm được chia theo mức cổ phần của mình và mức thu hoạch của công ty, nhưng ngược lại cũng có thể phải nhận phần lỗ lã của công ty trong trường hợp công ty làm ăn thất bại.

- Để giúp bảo đảm tất cả các quyền trên, các công nhân cần có quyền thành lập công đoàn và quyền đình công, khi cần. Nhà nước và giới chủ có bổn phận phải tạo điều kiện cho công nhân thành lập công đoàn và tôn trọng quyền đình công chính đáng của họ. Vì chưng, các quyền này không phải do hoàn cảnh hay do con người tạo ra, mà chúng thuộc về hai quyền căn bản và tự nhiên của con người: con người có quyền lao động hay không tuỳ theo mình đánh giá nó có lợi và cần thiết cho mình hay không, và con người có quyền liên kết với những người cùng chí hướng để nâng đỡ nhau trong cuộc sống. Thật vậy, nếu công nhận con người có quyền lao động, quyền hưởng lương công bằng, quyền được an sinh xã hội, quyền tham gia tổ chức và quản lý lao động…, mà không cho họ quyền bảo vệ các quyền ấy qua công đoàn do mình thành lập thì cũng kể như không. Tuy nhiên, hai quyền này cũng có giới hạn của chúng: không được cưỡng bức người ta vào công đoàn, không được dùng công đoàn để phục vụ các mục tiêu khác ngoài mục tiêu kinh tế và xã hội, không được lạm dụng công đoàn để gây thiệt hại lớn cho giới chủ và đất nước, không được điều hành công đoàn cách thiếu dân chủ… Ngoài ra, chỉ được quyền đình công khi nhằm mục đích chính đáng và công bằng, khi đã thử các giải pháp hoà bình mà không thành công, khi có đủ khả năng để kềm chế sự đình công trong mức độ cần thiết và vừa đủ.

1.3. Lao động trong tình hình kinh tế, chính trị và xã hội mới:

- Khỏi cần bàn cãi: “toàn cầu hoá” (‘globalisation’) hay ‘mondialisation’) chính là bối cảnh lớn nhất và rõ nhất của tình hình lao động và kinh tế hiện nay. “Toàn cầu hoá” là gì? Đó là đặt mọi vấn đề kinh tế trong bối cảnh quốc gia, khu vực và quốc tế để phân tích và giải quyết, vì hiện nay các vấn đề kinh tế quan trọng đều không còn là của riêng mỗi cá nhân, gia đình và địa phương, mà đã có liên hệ đến cả quốc gia, khu vực và thậm chí quốc tế. Thật vậy, người dân ở thành phố Hồ Chí Minh không đủ khả năng mua nhà vì mỗi khi họ kiếm được thêm tiền thì vật giá lại leo thang, khiến họ không bao giờ dành dụm đủ. Mà vật giá leo thang là do xăng dầu nhập khẩu để khởi động máy móc, để chuyên chở hàng hoá, để thắp sáng và làm hạ nhiệt độ… ngày càng tăng giá, khiến cho giá thành mọi sản phẩm tăng theo. Xăng dầu tăng giá là do các nước xuất khẩu dầu không chịu tăng sản lượng vì sợ xăng dầu xuống giá và thu nhập không được nhiều… Như vậy, rõ ràng tình hình kinh tế của một người dân ở một xó xỉnh địa cầu này đã lệ thuộc tình hình kinh tế của các nước cách khá xa.

- Trong thực tế, hiện tượng “toàn cầu hoá” là kết quả của ba tác nhân chính yếu sau đây:

+ Các nhà sản xuất và kinh doanh chạy theo quy luật kinh tế căn bản là càng lấy lại vốn và thu lời cao nhất trong một thời gian ngắn nhất càng hay; và để đạt mục tiêu đó, người ta quyết định mở rộng thị trường không những ra khỏi địa phương mình mà còn ra khỏi đất nước của mình. Bằng cách đó, không những sản lượng hàng hoá tăng cao, mà khi đưa cơ sở sản xuất đến tại các địa phương có nhu cầu lớn, có lực lượng lao động rẻ, chi phí chuyên chở thấp, giá thành sản phẩm chắc chắn sẽ giảm và nhà sản xuất sẽ thu được nhiều lời hơn.

+ Các chính phủ cũng nhận thấy con đường mở rộng thị trường và quảng bá những thương hiệu của đất nước mình là con đường ngắn nhất để gây uy tín và thế lực của mình trên các nước – một việc mà trước kia người ta đã phải khó khăn mới thực hiện được bằng cách dùng võ lực để xâm chiếm đất đai hoặc thiết lập các chính phủ ‘nô lệ’ mình thay cho các chính phủ hợp pháp. Chính vì thế, “toàn cầu hoá” kinh tế hầu như luôn được chính phủ các nước hậu thuẫn tối đa qua các chính sách ưu đãi dành cho các tập đoàn và công ty tích cực tham gia chiến dịch “toàn cầu hoá”.

+ Các tiến bộ vượt bậc trong ngành công nghệ thông tin và ngành vận tải hàng hoá đã rút ngắn không những thời gian giữa hai lần giao dịch mà cả không gian giữa hai quốc gia, hai khu vực, nhờ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc “toàn cầu hoá” kinh tế.
- Để đánh giá trung thực hiện tượng “toàn cầu hoá”, chúng ta cần điểm qua các hậu quả tích cực lẫn tiêu cực của hiện tượng ấy:

+ có khả năng cung ứng đủ cho một lượng khách hàng hết sức lớn nhờ có sẵn hàng hoá vừa đạt tiêu chuẩn vừa rẻ, như chưa bao giờ người dân có khả năng tiếp cận máy vô tuyến truyền hình vừa đạt tiêu chuẩn vừa rẻ một cách dễ dàng bằng bây giờ;

+ nhờ sự lưu thông và phân phối hàng hoá dễ dàng như thế, các dân tộc có thể được liên kết với nhau, đồng thời được nâng lên cho gần bằng nhau;

+ nhưng các tư thương, các công ty nhỏ khó lòng cạnh tranh với các công ty khổng lồ, các tập đoàn sản xuất có thể sản xuất hàng hoá vừa nhiều vừa rẻ; rốt cuộc, “toàn cầu hoá” chỉ thực sự phục vụ các nhà sản xuất và kinh doanh lớn và từ đó, càng khoét sâu quãng cách giữa công ty lớn và công ty nhỏ, giữa nước giàu và nước nghèo; cũng hình thành dần dần một tổ chức nắm quyền cai trị trên cả chính phủ các nước – tổ chức này không những có thể chi phối chính sách kinh tế của các quốc gia, mà còn có thể áp đặt các chính sách khác nhau trên các nước ấy;

+ sự liên kết giữa các nhóm hay giữa các dân tộc rốt cuộc có thể chỉ là sự áp đặt văn hoá của các nhóm mạnh hay các dân tộc mạnh, xoá dần những bản sắc riêng của nhóm hay của dân tộc, dẫn tới tình trạng nhất nguyên văn hoá rất nghèo nàn.
- Giáo Hội Công Giáo đề nghị những phương sách đối phó với những tai hại do hiện tượng “toàn cầu hoá” gây ra:

+ mọi cá nhân, công ty, tập đoàn… sản xuất và kinh doanh đều phải lấy mọi người và con người – mà là con người toàn diện – làm mục tiêu phục vụ của mình, thay vì lấy hàng hoá hay lợi nhuận làm mục tiêu, kể cả khi đó là lợi nhuận chung của quốc gia hay thế giới; con người toàn diện là con người với đầy đủ nhu cầu: vật chất, tinh thần, đạo đức và tôn giáo (nguyên tắc phẩm giá con người);

+ giữa các cá nhân, công ty, tập đoàn… sản xuất và kinh doanh không những phải có sự cạnh tranh công bằng và lành mạnh, mà còn phải có sự hỗ trợ nhau – nhất là cho các cá nhân, công ty, tập đoàn… yếu kém hơn (nguyên tắc công bằng và bác ái, nguyên tắc bổ trợ và liên đới). Chẳng hạn các tập đoàn lớn có thể chia bớt hợp đồng hay hợp đồng một phân đoạn sản phẩm với các công ty nhỏ hoặc mua với giá cao các sản phẩm của cá nhân, công ty, tập đoàn… nhỏ;

+ không bao giờ quên nghĩa vụ đối với các cá nhân, tập thể, xã hội… vì không bắt kịp tiến bộ của thời đại nên phải thụt lùi lại đằng sau và đánh mất nhiều cơ hội tận hưởng các ích lợi xã hội (nguyên tắc công bằng và bác ái). Chẳng hạn tạo nhiều cơ hội học tập và thăng tiến miễn phí, hỗ trợ tài chính cho các cơ sở kinh doanh nhỏ và vừa, cho hưởng miễn phí các tiện ích xã hội về y tế và giáo dục…

1.4. Vấn đề di cư lao động – một hậu quả của việc toàn cầu hoá:

- Một khi đã xuất hiện những khu vực thiếu việc làm và khu vực thừa việc làm, chắc chắn sẽ xảy ra phong trào di cư lao động từ địa phương này sang địa phương khác trong một nước, hoặc từ nước này sang nước khác, thậm chí từ khu vực này sang khu vực khác. Mặc dù phong trào này là một hiện tượng hết sức bình thường theo quy luật cung cầu kinh tế và mặc dù bên cạnh lợi tức người lao động di cư thu được và chia sẻ cho người ở lại, phong trào này còn có ích lợi là tạo cho các dân tộc hiểu biết nhau và trở nên thân thiện với nhau, nhưng không ai không nhìn nhận phong trào ấy cũng đưa tới rất nhiều hậu quả xấu.

+ Trước hết, phải kể đến những hậu quả liên quan đến lao động và kinh tế: các công nhân lao động tại địa phương khác hay tại nước ngoài không những có khả năng bị người bản địa đối xử không ngang hàng với người trong nước, mà còn bị lạm dụng bởi chính các tổ chức môi giới lao động qua các thứ thuế và lãi suất vô lý… đến nỗi đã bị bóc lột từ hai phía, họ không bao giờ trả xong các thứ nợ và đành chấp nhận một mức thu nhập thấp cho những công việc nặng nề, thậm chí làm các nghề bất lương để nhanh chóng có tiền trả nợ;

+ Kế đến, người di cư lao động bị bứng ra khỏi môi trường văn hoá và tôn giáo của mình tới mức gần như trở thành người “mất gốc” và nghèo nàn trong đời sống tình cảm; họ bị buộc phải từ chối bản sắc của mình mà sau nhiều năm lao động và ngay cả khi hồi hương, họ cũng không dễ gì bắt lại được. Chưa kể đến những rủi ro cho đời sống tình cảm của người lao động xa gia đình, ảnh hưởng không những tới những người có liên quan mà cả tới sự an ninh và trật tự xã hội.

- Giáo Hội Công Giáo đề xuất một chương trình mục vụ cho những kitô hữu di cư lao động gồm ba bước:

+ trước khi tiến hành di cư lao động, thông qua các lớp giáo lý vào đời, các mục tử không những trang bị cho các tín hữu của mình những hiểu biết vừa đủ về các vấn đề quan trọng như hạnh phúc, tình yêu, hôn nhân, gia đình… và về tình hình kinh tế-xã hội-tôn giáo của địa phương mình sắp đến sinh sống, mà còn cấp giấy giới thiệu cho họ liên lạc để nhập vào một giáo xứ Công Giáo hay một điểm truyền giáo Công Giáo gần nơi mình đến lao động; giấy giới thiệu có thể chỉ có hiệu lực trong khoảng thời gian đủ để ổn định chỗ ở và ổ định việc làm, sẽ khiến người lao động phải nhanh ổn định đời sống và nhanh đăng ký nhập tịch vào giáo xứ hay giáo điểm;

+ trong thời gian lao động xa nhà, người lao động Công Giáo phải tìm cách đăng ký nhập tịch hay liên lạc với một giáo xứ hay một điểm truyền giáo của Giáo Hội Công Giáo, để được tham gia sinh hoạt Giáo Hội địa phương, nhất là các chương trình dành cho người di cư lao động, và có thể được hỗ trợ, khi cần; hết sức khuyến khích và tìm cách tạo điều kiện cho người di cư lao động luôn giữ liên lạc với gia đình của họ;
+ khi trở về nhà sau một thời gian lao động, người lao động Công Giáo cần trao đổi với vị mục tử quê hương mình để rút kinh nghiệm và được hướng dẫn tái hội nhập vào cộng đồng gốc của mình. Tất cả các chương trình mục vụ này sẽ hiệu quả hơn nhiều khi được các đấng bản quyền của các địa phương liên hệ thoả thuận với nhau.

Lm. Pr. Đặng Xuân Thành

(Đại Chủng Viện Hà Nội)


NGUỒN : UBMVGIADINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét