Trang

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

MƯỜI ĐỀ TÀI LUÂN LÝ KI-TÔ GIÁO : ĐỀ TÀI 8

MƯỜI ĐỀ TÀI LUÂN LÝ KI-TÔ GIÁO : ĐỀ TÀI 8

MƯỜI ĐỀ TÀI LUÂN LÝ KI-TÔ GIÁO : ĐỀ TÀI 8


Đề tài tám: Làm sao tiếp cận hai vấn đề lớn trong đời sống hôn nhân và gia đình hiện nay: vấn đề chung thủy và vấn đề sinh sản? (đạo đức tính dục và hôn nhân hay giới răn 6 và 9)

Nhập đề :

Chẳng cần phải là người trong cuộc, tức là những người sống đời sống hôn nhân và gia đình, mọi người có óc quan sát đều thấy hôn nhân và gia đình hiện nay đang đụng phải hai vấn đề nan giải căn bản là chung thủy và sinh sản, và những cách giải quyết hai vấn đề ấy thường phản ảnh hai não trạng khác nhau : hoặc tuyệt đối hoá mọi đòi hỏi của hôn nhân và vì thế, cấm mọi hình thức giảm nhẹ hay phá vỡ sự chung thủy, cấm mọi hình thức ngừa thai vì bất cứ lí do gì, hoặc tương đối hoá các đòi hỏi ấy và vì thế, cho phép li thân và li dị, thậm chí li dị để tái kết hôn, cho phép ngừa thai dưới mọi hình thức, kể cả sự phá thai. Trong tư cách là mục tử hướng dẫn đời sống luân lí của các kitô hữu, chúng ta không thể bàng quan với tình hình ấy, cũng không nên bằng lòng với những giải pháp quá dễ dàng hay thiếu cân nhắc, mà phải dấn thân tìm ra cách tiếp cận các vấn đề ấy sâu xa và toàn diện hơn, hợp với tinh thần Kitô Giáo.

Khai triển :

1. Những con số và đằng sau những con số

1.1. Trước hết, hôn nhân và gia đình đã bắt đầu không còn là những ước mơ của nhiều bạn trẻ nữa trong những thập niên gần đây vì những khó khăn nội tại của chính cuộc sống ấy và vì những khó khăn từ bên ngoài đưa tới. Chúng ta có thể thấy được điều đó phần nào qua sự kiện tuổi kết hôn càng ngày càng bị triển hạn, như trong năm 2000 tại Pháp tuổi kết hôn trung bình của nữ là 28,1, còn tuổi kết hôn trung bình của nam là 30,2, so với các mức tuổi trung bình là 23 và 25 vào năm 1980 (INSEE 2001, 2002). Ngoài ra, càng ngày càng có nhiều người sống chung như vợ chồng nhưng không đăng kí kết hôn : nếu số cặp có đăng kí kết hôn tại Pháp trong năm 2002 giảm từ 296.000 (năm 2001) xuống còn 288.000, thì số vụ sống chung như vợ chồng mà không đăng kí lại tăng 17.000 vụ hay 25% chỉ trong 9 tháng đầu năm 2002 so với 9 tháng đầu năm 2001. Tình trạng này ngày càng phát triển kể từ khi một số nước nhìn nhận những việc sống chung ấy, như Hà Lan nhìn nhận vào năm 1998, Pháp vào năm 1999, Bỉ vào năm 2000 và Đức vào năm 2001.

1.2. Hôn nhân và gia đình cũng không còn bền vững như người ta chờ đợi hay nói cách khác, số vụ li dị đã tăng vọt như vào năm 1970 tại châu Aâu trung bình có có 10 vụ li dị trên 100 cặp vợ chồng thì 25 năm sau, tức là vào năm 1995, con số ấy là 30 trên 100. Hay theo Văn Phòng Thống Kê của Cộng Đồng Chung Châu Aâu , trong khi số hôn nhân trong các nước thuộc cộng đồng (15 nước) giảm từ 2.247.000 năm 1980 xuống còn 1.926.7000 năm 2001, thì số vụ li dị tại tăng từ 503.300 vụ năm 1980 lên thành 705.600 năm 2001. Tỉ lệ kết hôn trên 1000 dân giảm từ 6,3 (1980) xuống còn 5,1 (2000), nhưng tỉ lệ li dị thì tăng từ 1,4 lên thành 1,9. Riêng tại Pháp, hơn 1/3 những cuộc kết hôn được cử hành trong thập niên 80 đã kết thúc bằng li dị, đang khi tỉ lệ đó vào thập niên 60 chỉ là 16%. Nguy cơ xảy ra li dị cao nhất là vào năm thứ năm sau ngày cưới, rồi sau đó giảm xuống, nhưng số vụ li dị lại tăng cao trở lại vào khoảng 30 năm sau ngày cưới.

1.3. Đang khi đó những mô hình mới của hôn nhân và gia đình đã được một số chính phủ chấp nhận như cho phép kết hôn giữa những người đồng giới tại Đan Mạch (1989), Thụy Điển (1993), Na Uy (1994), Hà Lan (ban hành luật năm 2000 và chính thức áp dụng năm 2001), Đức (ban hành luật năm 2000 và chính thức áp dụng năm 2001).
1.4. Tỉ lệ sinh sản của các gia đình tại châu Aâu là 2,1 năm 1980 và 1,5 năm 2000. Từ năm 2000, 15 quốc gia thành viên Cộng Đồng châu Aâu bước vào giai đoạn giảm sút dân số nghiêm trọng, như tại Pháp tỉ lệ ấy là 2,93 (1950), 2,73 (1960), 1,65 (1994), 1,89 (2000) và 1,9 (2001). Một phần vì tại Pháp 75% nữ giới có dùng một phương pháp ngừa thai, trong đó 36% dùng thuốc viên, 20% đặt vòng, 5% do đàn ông mang bao cao su, 5% kiêng cữ định kì hoặc do đàn ông xuất tinh ra ngoài, 8% triệt sản và 1% sử dụng một phương pháp nào đó. Phần khác vì người ta thực hành việc phá thai ngày càng nhiều như nếu ở Pháp có giảm từ 250.000 vụ năm 1976 xuống còn 220.000 vụ năm 1994 thì tại Anh con số ấy tăng từ 95.000 vụ phá thai hợp pháp trên tổng số 783.000 trẻ em được sinh ra (tỉ lệ 1/8) năm 1971 lên tới 148.000 vụ trên 661.000 trẻ em được sinh ra năm 1986 (tỉ lệ 1/4).

(Những số liệu này lấy lại từ tác phẩm “Mục vụ và linh đạo về hôn nhân gia đình” của linh mục Augustinô Nguyễn văn Dụ, xuất bản tại Roma 2003 nhân dịp Hội Ngộ Niềm Tin do Văn Phòng Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại tổ chức, tr. 217-226, phần cước chú).

1.5. Còn theo luật gia Lượng Văn Hồng, tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2000 tại 22 quận huyện có 11.742 vụ li hôn, nghĩa là trung bình mỗi ngày có 32 vụ li hôn trên địa bàn thành phố này (x. Báo cáo chuyên đề “Li hôn : thực trạng, nguyên nhân và một số giải pháp”). Theo đài Truyền Hình Bình Dương (BTV 2), trong chương trình Bạo lực và Phụ Nữ, phát ngày 17.10.2003, có 54,6% vụ li dị là do chồng bạo hành đối với vợ (1994) ; tỉ lệ này tăng lên thành 58,8 % năm 1998 tại Việt Nam nói chung. Và theo báo “Sức Khoẻ và Đời Sống” số 75 cho biết, vào năm 1997 so với số trẻ em sinh ra tại Việt Nam là 1.138.607 có 934.302 trẻ em bị giết do nạo phá thai. Năm 1998 tỉ lệ ấy là 1.101.791 và 861.353. Riêng tại bệnh viện Từ Dũ của thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm có trên 40.000 ca nạo phá thai. Căn cứ trên tổng số ước tính những người nạo phá thai hằng năm tại Việt Nam là 2-3 triệu người, Liên Hiệp Quốc đã xếp Việt Nam vào một trong nămnước có tỉ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới. Trong một bảng điều tra trên 120 thiếu nữ vị thành niên phá thai tại bệnh viện Từ Dũ có 12,8% làngười không có tôn giáo, 16,8% là người Công Giáo, 67,2% theo Phật Giáo và 3,2% theo đạo Hoà Hảo.
(Lấy lại một phần số liệu trong bài “Gia đình, chiếc nôi văn hoá đức tin” của nữ tu Têrêxa Phạm thị Oanh, đăng trong “Bốn mươi năm sau Vatican II nhìn lại” do Uûy Ban Giám Mục về Văn Hoá xuất bản, năm 2002, tr. 221.223).

1.6. Thật ra, người ta vẫn có thể nói một cách lạc quan là trừ đi những phần trăm và những con số đáng tiếc trên đây, ta vẫn thấy nhiều cuộc hôn nhân và gia đình thành công hay ít là tồn tại trong khuôn khổ bình thường phải tồn tại. Ngoài ra, tất cả những con số nêu ra trên đây cũng không phải là những con số không thể hiểu được vì đã có khá nhiều bài báo và sách vở giải thích những nguyên nhân của những tình trạng ấy. Như theo tông huấn “Familiaris consortio” của đức Gioan-Phaolô II (1981) phân tích cách vắn tắt (số 6), “căn nguyên của những hiện tượng tiêu cực ấy thường là sự suy đồi trong quan niệm và trong kinh nghiệm về tự do, người ta không còn coi tự do là khả năng thực hiện sự thật mà Thiên Chúa đã vạch ra cho hôn nhân và gia đình, nhưng coi nó như một năng lực tự lập để tự xác định chính mình, thường là chống lại người khác, và để lo cho sự thoải mái ích kỉ của mình. Một sự kiện khác cũng đáng cho chúng ta chú ý : trong các nước thuộc thế giới thứ ba, các gia đình thường thiếu thốn từ những phương tiện căn bản để sống còn như thực phẩm, việc làm, nhà cửa, thuốc men, cho đến cả những tự do sơ đẳng nhất. Tại các nước giàu có hơn thì ngược lại, người ta quá thoải mái và nặng óc hưởng thụ, nhưng trớ trêu thay sự thoải mái và óc hưởng thụ ấy lại gắn liền với một thứ âu lo nào đó, cảm thấy bấp bênh trước tương lai, nên các bạn mất đi sự quảng đại và can đảm để làm phát sinh thêm những con người mới, tức là người ta không còn coi sự sống như là một lời chúc phúc, mà coi đó như một nguy hiểmphải tránh xa”.

1.7. Trong cuộc gặp gỡ lần thứ tư giữa các chủ tịch của Uỷ Ban Giám Mục về Gia Đình và Sự Sống tại Aâu Châu và các nhà chuyên môn, các đại diện của những phong trào và hiệp hội Gia Đình và Sự Sống, dưới sự chủ tọa của đức hồng y López Trujillo, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình, tại điện San Callisto từ ngày 11 đến ngày 14.6.2003, người ta đã nêu lên những thách đố mới mà các gia đình hôm nay phải đối phó như một trong những nguyên nhân đưa tới tình trạng gia đình hiện nay. Cử tọa phân chia các thách đố ấy thành ba nhóm :

. Những thách đố xuất phát từ chính các gia đình như những mô hình gia đình mới, từ những gia đình chỉ có cha hoặc chỉ có mẹ (tự nó đã là một mâu thuẫn vì con cái cần cả cha lẫn mẹ, cũng như con cái là kết quả của cả cha và mẹ), cho đến những gia đình “tái tạo” từ những người vợ hay chồng đã li dị rồi tái kết hôn với một người khác, có thể là những người trước đó cũng đã li dị (đằng sau những gia đình mới này là những gia đình đã bị phân tán, mà đây mới chính là gia đình thật của đứa con), những gia đình của những người đồng tính luyến ái chỉ lưu ý tới sự kết hợp (những cũng không phải là sự kết hợp “thật”) giữa hai người mà không cần biết tới hoa trái của sự kết hợp ấy… Trong tất cả các gia đình này, dường như chỉ có quyền lợi của người lớn là đáng kể, còn con cái trở thành những nạn nhân đáng thương.

. Những thách đố xuất phát từ chính việc tục hoá của xã hội, được hậu thuẫn bởi những nền triết học suy tôn con người một cách độc lập với những gì là siêu việt trên con người. Người ta sẵn sàng nói đến các quyền của con người và cả những bổn phận đạo đức của con người. Nhưng vì không tham chiếu với định mệnh và phẩm giá siêu việt mà chỉ loay hoay trong thế giới con người, nên thường thường các quyền ấy và các bổn phận đạo đức ấy rốt cuộc chỉ là những sự tương nhượng nhau cho ích lợi nhất. Não trạng sâu xa chi phối mọi bàn cãi và quyết định chính là não trạng duy thực chứng (“positivisme”) hay thực dụng. Trào lưu này đã lên tới cao điểm trong việc nhiều thành viên trong Cộng Đồng Châu Aâu đòi gạt bỏ bất cứ một sự qui chiếu hay nhắc nhở nào tới ảnh hưởng của Kitô Giáo trên văn hoá và tư tưởng châu Aâu trong bản Hiến Chương của Cộng Đồng, dù cho đó có là sự thật được sử sách minh chứng và được nhiều người biết đến đi nữa.

. Những thách đố xuất phát từ chính các chính phủ qua việc hợp pháp hóa những luật lệ và chính sách có ảnh hưởng tai hại đến chính hôn nhân và gia đình. Trong những thập niên gần đây, các nghị viện quốc gia và Nghị Viện châu Aâu đã liên tiếp hợp pháp hoá những dự luật liên quan đến hôn nhân và gia đình, phần nào chạy theo trào lưu vì những động cơ kinh tế hay chính trị, bỏ qua những chuẩn mực luôn luôn có giá trị của hôn nhân và gia đình để biến những “tai nạn” và “bất thường” trong đời sống ấy thành những qui tắc và chuẩn mực, như phá thai, li dị, sử dụng phôi thai để thử nghiệm, hôn nhân đồng giới… Ở đây, con người đã dám xâm phạm vào những lãnh vực linh thiêng nhất mà xưa nay không quyền lực nhân loại nào dám, vô tình rơi vào vết xe cũ mà con người đã từng sợ hãi, là tiếp tục chính sách cai trị bao biện và lạm quyền, không tôn trọng sự tự do của các vợ chồng và gia đình.

2. Vấn đề chung thủy vợ chồng

2.1. Vấn đề chung thủy vợ chồng, xét cho cùng, là vấn đề quan hệ giữa người với người, nhưng được đẩy tới mức trở thành quan hệ giữa hai người không những không bao giờ được phân li mà còn phải “trở nên một” trong thân xác cũng như trong tâm hồn. Mà nếu quan hệ giữa người với người, dù có muốn đẹp tới đâu, cũng phải chấp nhận trong thực tế đó có thể chỉ là một quan hệ “tàm tạm”, nghĩa là dao động giữa tốt và xấu, thì quan hệ giữa vợ chồng trong hôn nhân cũng không khá hơn bao nhiêu. Bằng chứng là không vợ chồng nào không muốn quan hệ của mình vĩnh cửu và trọn vẹn, nhưng rồi thực tế đôi khi bắt buộc họ phải ‘kéo lê’, nới lỏng hay cắt đứt quan hệ ấy (sống chung cách miễn cưỡng, li thân hay li dị), như vì ích lợi của chính vợ chồng, của con cái và của xã hội. Chỉ khi nào đặt hôn nhân con người trong tương quan với cuộc hôn phối giữa Đức Kitô và Hội Thánh hay giữa Thiên Chúa và loài người, chúng ta mới thấy lí do cuối cùng buộc quan hệ vợ chồng phải vĩnh cửu và trọn vẹn mãi mãi, cũng như tại sao không thể chấp nhận giải quyết mối quan hệ vợ chồng bằng những hình thức gượng ép như miễn cưỡng sống chung, nới lỏng như li thân và cắt đứt như li dị. Thật vậy, nếu chỉ nhìn quan hệ hôn nhân là quan hệ thuần túy con người thì chúng ta có thể giải quyết các vấn đề của mối quan hệ ấy theo cách loài người hoặc được phép chấp nhận những giải pháp tàm tạm – vừa sức con người. Nhưng nếu nhìn quan hệ hôn nhân còn là quan hệ thần thánh của trời và đất, của Thiên Chúa và con người, của Đức Kitô và Hội Thánh – như trong tâm thức tự nhiên, biểu hiện qua các nghi thức kết hôn, người ta đã linh cảm điều ấy, thì chúng ta không thể giải quyết mối quan hệ vợ chồng chỉ bằng những phương cách nhân loại, mà phải cố gắng hướng đến một giải pháp có tầm mức Thiên Chúa. Kì thực, khi nâng hôn nhân loài người lên thành bí tích hay biểu tượng của hôn phối giữa con người với Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng đồng thời ban cho con người năng lực để thể hiện danh dự ấy (ơn bí tích được ban cho những người cử hành bí tích). Nói cách khác, muốn xây dựng sự chung thủy vợ chồng, phải nhìn hôn nhân như một cái gì cao hơn nữa, chứ không phải chỉ là sự thoả thuận của loài người được xã hội nhìn nhận ; phải nhìn hôn nhân như một ơn gọi, một lối sống và một cách thi hành sứ mạng được Chúa mời gọi và trao ban, chứ không phải là bước phải đi qua như mọi người phải làm khi đến tuổi kết hôn. Thật vậy, có thể hơn cả đời sống độc thân tu trì, hôn nhân là một môi trường cho thấy rõ nhất sự tương tự giữa con người với Thiên Chúa. Vợ chồng giống Thiên Chúa Ba Ngôi ở chỗ có quan hệ vừa hết sức mật thiết và hết sức thật với nhau, vừa vẫn phải giữ được sự khác biệt và độc lập của mình. Con người cũng giống Thiên Chúa tạo hoá và cứu độ ở chỗ có thể kết hợp với người khác tạo ra những sự sống mới vừa giống mình vừa khác mình. Chính vì danh dự và mục tiêu cao cả này, con người luôn tìm cách bảo vệ, sửa chữa và thăng tiến quan hệ vợ chồng, thay vì tìm đến những giải pháp phá vỡ quan hệ ấy, nhiều hay ít. Vợ chồng kitô hữu coi hôn nhân là ơn gọi và sứ mạng dành cho mình, nên có thể an tâm về con đường nên thánh của mình : nên thánh bằng cách sống trọn vẹn đời sống hôn nhân và gia đình của mình. Trong thực tế, chính vì không những trong đầu óc mình mà cả trong luật pháp xã hội, con người đã có sẵn những giải pháp dễ dàng cho hôn nhân như li thân, li dị…, nên con người không kiên nhẫn và can đảm đủ để tìm mọi cách cứu vãn hôn nhân, vội vàng tìm đến những giải pháp khác – kể cả giải pháp tháo cởi hay hủy bỏ hôn nhân.

2.2. Một cách cụ thể, để giúp các cặp vợ chồng sống chung thủy với nhau trong hôn nhân, có thể vận dụng khái niệm bí tích để hướng dẫn hiểu biết và thực hành các quan hệ vợ chồng trong đời sống hôn nhân :

. (1) gọi hôn nhân Kitô Giáo là bí tích không phải chỉ là yêu cầu người ta tuân hành các thủ tục và nghi thức dành riêng cho hôn nhân (nộp các giấy tờ chứng nhận đã rửa tội và thêm sức, chứng nhận là giáo dân thuộc về giáo xứ, chứng nhận không bị ngăn trở hôn phối theo giáo luật, học giáo lí hôn nhân, rao hôn phối, cử hành nghi thức kết hôn tại nhà thờ…) (‘res et tantum’) ;

. (2) gọi hôn nhân Kitô Giáo là bí tích cũng không phải chỉ là làm họ ý thức một mầu nhiệm vô cùng to lớn mình sắp cử hành : nâng hôn nhân loài người một bí tích ám chỉ và thực hiện hôn phối giữa Đức Kitô và Hội Thánh, giữa Thiên Chúa và loài người (‘res’ hay thực tại thiêng liêng hoặc ân sủng mà bí tích đem lại) ;

. (3) gọi hôn nhân Kitô Giáo là bí tích cũng không phải chỉ là nhắc họ nhớ tới thân phận loài người yếu đuối để họ khiêm tốn, can đảm và kiên trì canh tân bản thân mình và kiện toàn hôn nhân của mình không ngừng (‘tantum signum’ hay dấu chỉ mà bí tích sử dụng để biểu thị và mang ân sủng đến).

Mà là làm cả ba việc ấy cách hài hoà với nhau : (1) hoàn tất mọi đòi hỏi về thủ tục và nghi thức là để tạo điều kiện bảo đảm cuộc hôn nhân cho có giá trị và hiệu lực ; (2) nhưng phải dựa trên căn bản là ý thức giá trị và mục tiêu cao quí của hôn nhân để người ta không tầm thường hoá hay dung tục hoá hôn nhân – coi đó chỉ là một tập quán và định chế xã hội, hay coi những luật lệ hôn nhân như gánh nặng phải chu toàn - và để người ta luôn tìm cách giải quyết mọi sự theo chiều hướng có lợi hay không có lợi cho sứ mạng cao cả của hôn nhân : sống đời sống vợ chồng thế nào để qua đó làm chứng Đức Kitô và Hội Thánh yêu thương nhau và nhờ đó, cứu độ bản thân mình và gia đình mình ; (3) cũng không quên nhắc người ta nhớ đến sự thật đáng buồn của mỗi người – sứ mạng cao cả trên đây của hôn nhân được thực hiện bởi những con người yếu đuối, qua những việc làm và những cử chỉ tầm thường, với những ý hướng và tâm tình không luôn luôn lành thánh, và vì thế, đặt ra cho vợ chồng bổn phận phải luôn theo dõi, sửa chữa và kiện toàn cuộc hôn nhân của mình. Nói cách khác, thần thánh hoá hôn nhân tới mức quên đi thực tế đáng buồn của con người (chỉ chú ý tới khía cạnh [2] mà quên khía cạnh [3] của hôn nhân) cũng gây tai hại cho hôn nhân không kém chi khi dung tục hoá hôn nhân tới mức quên đi giá trị và sứ mạng cao cả của hôn nhân (chỉ chú ý tới khía cạnh [3] mà quên khía cạnh [2] của hôn nhân). Thật vậy, người thần thánh hoá hôn nhân có thể cho rằng đã kết hôn và kết hôn đúng theo luật Giáo Hội (trở thành bí tích) là đương nhiên mọi cử chỉ, hành vi và thựctế trong đời sống vợ chồng của mình đều trở thành đường cứu độ và phương tiện thánh hoá, từ đó khó lòng chấp nhận có những dang dở, bất toàn, thất bại… trong cuộc hôn nhân của mình và vì thế, sẵn sàng hủy bỏ cuộc hôn nhân ấy với hi vọng sẽ xây dựng một cuộc hôn nhân khác đúng như lí tưởng phải có. Người dung tục hoá hôn nhân có thể cho rằng dù có được Giáo Hội chúc lành (trở thành bí tích), con người và cuộc sống trong hôn nhân vẫn luôn dang dở, bất toàn, thất bại…, hôn nhân vẫn là việc của con người và vì thế, sẵn sàng làm bất cứ điều gì trong tầm tay mình để giải quyết các vấn đề của hôn nhân bất chấp có hợp ý Chúa hay không ; nếu cần có thể xoá bàn làm lại. Nhiều cặp vợ chồng chuẩn bị rất kĩ lưỡng cho cuộc hôn nhân của mình – không chỉ bằng những sự chuẩn bị vật chất bên ngoài, mà bằng cả những sự chuẩn bị bên trong như học hỏi giáo lí, xưng tội, cầu nguyện… Nhưng khi kết hôn xong, người ta quên rằng hôn nhân là một hành trình và là một đời sống, và vì thế, phải “làm mới” không ngừng bằng cách giúp nhau sửa chữa để sống xứng đáng với tầm vóc của hôn nhân Kitô Giáo. Thay vì thế, người ta không chấp nhận hôn nhân ấy có thể còn dở dang, bất toàn và khả năng thất bại… Từ đó, đâm ra thất vọng và sẵn sàng đạp đổ để bắt đầu một cuộc đời khác. Chuẩn bị kết hôn cách kĩ lưỡng chưa đủ, còn cần phải sống cuộc hôn nhân của mình với tất cả cố gắng nữa.

2.3. Những tai nạn trong sự chung thủy vợ chồng

. Hành trình làm việc hay yêu thương nào của con người cũng sớm hay muộn đụng phải ba tảng đá : vỡ mộng, nhàm chán và hồi xuân. Trai gái phải được chuẩn bị để đón nhận những bất ngờ không đẹp khi chung sống với nhau (thế nên, làm bạn hay làm người yêu khác hẳn với làm vợ hay làm chồng !). Đời sống vợ chồng không tuyệt vời như mình thường mơ mộng. Sau khi cố gắng thích nghi cho hoà hợp với nhau và hoà hợp với đời sống mới – từ khi làm vợ làm chồng đến khi làm cha làm mẹ – hai bên cảm thấy mệt mỏi và chấp nhận sống một cách tàm tạm hay tối thiểu. Đến lúc này, người ta sống với nhau vì nghĩa hơn vì tình, cho đến một ngày nọ người ta cảm thấy như sống lại khi gặp một người giống người trong mộng của mình 10,20 năm trước ; người ta cảm thấy hối tiếc về cuộc hôn nhân hiện tại của mình như hối tiếc cho một sự lựa chọn sai lầm, và muốn làm lại cuộc đời. Đó là những tâm trạng thường xuất hiện trong đời sống hôn nhân và gia đình. Nếu những tâm trạng ấy trở nên mãnh liệt tới mức làm khuynh đảo cả một cuộc sống thì đó có nghĩa là chúng đã trở thành những khủng hoảng trong cuộc đời mình. Nhưng ngay cả khi đã trở thành khủng hoảng mà biết tự chế và rút ra một bài học thì chúng cũng trở nên hữu ích cho đời sống lứa đôi và gia đình. Nói cách khác, những cám dỗ sống với nhau chỉ vì nghĩa và không chút tình, tìm cách li thân hay li dị là những cám dỗ thường xuyên trong đời sống hôn nhân và gia đình. Giáo Hội kêu gọi vợ chồng kitô hữu chẳng những tăng cường cầu nguyện với Chúa, mà còn cố gắng làm mới con người và đời sống của mình bằng cách thực hành nhân đức đoan trang và khiết tịnh. Ngoài ra, tham gia các đoàn thể hay phong trào dành cho bậc vợ chồng hay cha mẹ cũng là một cách bảo vệ và làm phong phú hôn nhân và gia đình. Nhất là cố gắng xa tránh các cạm bẫy và xa tránh các lỗi phạm nặng nề với đời sống hôn nhân và gia đình, như ngoại tình chẳng hạn…, vì dù có được tha thứ và được bù đắp bằng cách nào chăng nữa, thật khó xoá đi vết thương đã tạo ra trong tâm hồn hai người. Những lúc ấy, nên nhớ rằng không thể có hạnh phúc mà không có hi sinh, như Đức Kitô – là Thầy và là Chúa chúng ta – cũng không thể phục sinh nếu không tử nạn. Đau khổ chắc chắn làm con người đau đớn, nhưng cũng giúp con người dày dạn hơn trong hành trình ơn gọi của mình, thậm chí còn giúp con người dễ hướng tới một hạnh phúc thanh cao hơn và lâu bền hơn. Nếu biết đón nhận trong tinh thần của Đức Kitô, đau khổ sẽ mở tâm hồn chúng ta chứ không đóng kín nó lại.

. Khi hoàn toàn từ khước việc li dị tái kết hôn, và miễn cưỡng chấp nhận sự li dị không tái kết hôn trong một số trường hợp, hay chấp nhận sự li thân giữa hai vợ chồng, Giáo Hội Công Giáo muốn nói lên rằng đó không bao giờ là những giải pháp tự nó có giá trị, càng không phải là những giải pháp phải ưu tiên nghĩ đến. Ngay cả giải pháp li thân (vẫn là vợ chồng trên pháp lí đời lẫn đạo, nhưng sống riêng và làm ăn riêng) cũng chỉ được Giáo Hội Công Giáo chấp nhận như một giải pháp tạm thời và không vĩnh viễn, để vợ chồng có thời gian suy nghĩ trước khi tái hợp với nhau. Tại nhiều nước và trong nhiều trường hợp, li thân không có giá trị pháp lí và nếu vợ hay chồng và con cái có thể bị thiệt hại nặng do vẫn còn liên hệ hợp pháp với chồng hay vợ, Giáo Hội có thể cho phép li dị nhưng chỉ trước pháp luật nhà nước, còn chỉ là li thân trước giáo luật, hay nói cách khác, chỉ được phép li dị nhưng không được tái hôn bao lâu người bạn đời của mình còn sống.

. Trước tình hình thực tế ngày càng có nhiều vợ chồng kitô hữu li thân, li dị không tái kết hôn và li dị có tái kết hôn, hay những trường hợp đáng thương vì trong đó vợ hoặc chồng bị người bạn đời của mình ruồng bỏ, Giáo Hội Công Giáo đã thảo ra cả một chương trình mục vụ chăm sóc những vợ chồng ấy. Một cánh cửa mở ra chung cho hết những vợ chồng này là họ được phép tham gia các phong trào và đoàn thể Giáo Hội, trừ khi việc tham gia ấy tạo ra ảnh hưởng quá xấu trong cộng đoàn hơn là đem lại ơn ích. Riêng những người li thân hay li dị không tái kết hôn với sự chấp thuận của Giáo Hội hoặc những nạn nhân bị người bạn đời mình ruồng bỏ mà vẫn trung thành với khế ước hôn nhân, còn được hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội bằng cách hưởng nhờ hoa trái của bí tích giao hoà và Thánh Thể (xưng tội và hiệp lễ). Còn những người li dị đã tái kết hôn hay những người đã ruồng bỏ người bạn đời của mình cách bất công không thể hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội, bao lâu chưa gỡ bỏ ngăn trở của mình trong đời sống hôn nhân. Bởi chưng, làm sao có thể hiệp thông trọn vẹn với Chúa Kitô và Giáo Hội, khi mình vẫn tiếp tục sống trong tình trạng ngược với bí tích hôn nhân hay khi mình vẫn tiếp tục sống trong tình trạng tội lỗi ? Ngày nay, Giáo Hội đã trao quyền nhiều hơn cho các toà án hôn phối giáo phận giải quyết các cuộc hôn nhân thứ hai của người kitô hữu : mặc dù không dễ dàng và không thường gặp, nhưng các cuộc hôn nhân thứ hai có thể được hợp thức hoá trước mặt Giáo Hội, nếu chứng minh được sự vô hiệu của cuộc hôn nhân thứ nhất do những trở ngại đã nêu rõ hay đã ngụ ý trong luật Giáo Hội. Ngay cả khi không thể làm gì hơn đối với những cuộc hôn nhân thứ hai này, các vợ chồng Kitô Giáo cũng vẫn được thương yêu như những người con của Giáo Hội : họ vẫn có thể nên thánh và mưu cầu ơn cứu độ bằng việc thi hành các trách nhiệm làm cha làm mẹ cách gương mẫu, bằng cách cầu nguyện, chay tịnh, tu thân tích đức và tham gia tích cực vào sinh hoạt của Giáo Hội như một kitô hữu tốt lành.

3. Vấn đề sinh sản

3.1. Phải nhìn vấn đề sinh con trong một viễn tượng công bằng và trung thực
. Phản ứng của đức cố giáo hoàng Gioan-Phaolô II trước các hội nghị dân số và môi trường ở Cairô (Ai-cập), rồi ở Bắc Kinh (Trung Quốc) thường bị coi là ‘ủng hộ sinh sản bằng mọi giá’ (‘nataliste’). Người ta quên rằng cũng chính trước và trong các hội nghị ấy các tham dự viên hay những chính phủ hoặc tập đoàn chính trị và kinh tế đứng đằng sau các tham dự viên ấy cũng có não trạng “chống sinh đẻ bằng mọi giá’ (‘contraceptiviste’). Và để phục vụ ý đồ chống sinh đẻ của mình, người ta không chỉ liệt kê đủ mọi lí do biện minh mà còn phóng đại các nguy cơ xuất phát từ việc sinh đẻ, tới mức đã thành công trong việc tạo ra một não trạng sợ sinh đẻ trên khắp thế giới.

. Công bằng mà xét, không chỉ người xưa mà cả người nay cũng nhìn nhận con cái không chỉ là một gánh nặng và không chỉ là một mối lo, nhưng con cái còn là một nguồn vui, thậm chí là một tác nhân giáo dục cha mẹ – đến nỗi có nhiều người nhận xét vợ chồng hay đàn bà và đàn ông dường như chưa trưởng thành bao lâu chưa biết đến trách nhiệm làm cha làm mẹ. Sách Sáng Thế của Do-Thái Giáo và Kitô Giáo còn coi việc sinh con không chỉ là đòi hỏi để cá nhân, gia đình và dân tộc được tồn tại, mà đó chính là cách thể hiện quyền lực của con người trên thiên nhiên. Thế mà, làm chủ thiên nhiên lại là dấu chỉ cho biết con người giống Thiên Chúa. Nói cách khác, sinh con là một trong những dấu hiệu cho thấy sự giống nhau giữa loài người với Thiên Chúa.


. Ngay cả khi giới thiệu hạn chế sinh sản là phương cách giúp làm giảm nạn nhân mãn, khủng hoảng lương thực và kinh tế, khủng hoảng nghề nghiệp và xã hội…, người ta cũng chưa công bằng đủ khi quên ghi nhận thêm rằng hạn chế sinh sản không bao giờ là giải pháp tối ưu và duy nhất để giải quyết các khủng hoảng ấy. Một cách cụ thể, không phải hễ ít sinh đẻ hay ít người là quốc gia ấy sẽ no đủ và giàu mạnh, gia đình ấy sẽ có một thế hệ con cái thông minh và tài giỏi… Những khủng hoảng ấy còn xuất phát từ những chính sách kinh tế – xã hội sai lầm, từ sự phân phối lương thực – việc làm – vận hội giáo dục không công bằng, từ hàng ngũ lãnh đạo vô trách nhiệm và bất tài, từ sự lạc hậu trong khoa học và kĩ thuật… Các nhà giáo dục còn cho biết trẻ em học hành nơi cha mẹ ít hơn nơi bạn bè và những người đồng trang lứa. Một gia đình quá ít con sẽ không tạo cơ hội cho trẻ em học tập lẫn nhau, cả về kiến thức lẫn về đạo đức.

. Cuối cùng, ngay cả khi buộc phải hạn chế sinh sản vì lí do sức khoẻ (người mẹ hay đứa con), lí do kinh tế và giáo dục (không bảo đảm việc nuôi dạy tốt)…, người ta cũng không thể bỏ qua giới hạn trong việc sử dụng các phương pháp hạn chế sinh sản. Hạn chế sinh sản không phải là một việc điều trị như điều trị bệnh cúm, càng không phải là một việc làm ăn như tính toán kinh doanh, mà là một hành vi vừa gói ghém rất nhiều tâm tư ý nghĩ của con người, vừa để lại biết bao cập lụy trên đời sống con người và bản thân con người. Người ta không thể hạn chế sinh sản một cách thiếu suy nghĩ và vội vàng, cũng không thể quyết định hạn chế sinh sản chỉ căn cứ trên lợi ích – dù là lợi ích của gia đình và xã hội, cũng không thể chỉ suy nghĩ tới kĩ thuật giúp thực hiện công việc ấy – kĩ thuật nào đơn giản mà hữu hiệu… Thật vậy, nếu chịu khó dừng lại lâu hơn khi quyết định hạn chế sinh sản, người ta sẽ thấy qua hành vi ấy mình đang theo quan điểm nào về hạnh phúc hôn nhân và gia đình, về tình yêu vợ chồng, về phẩm giá của sự sống, về giá trị của con cái, về tương lai và sự nghiệp, về tương quan giữa gia đình Kitô Giáo và Giáo Hội, về sự cứu độ…. Chính vì thế, Hội Thánh kêu gọi các vợ chồng kitô hữu không phải đừng bao giờ tính tới chuyện hạn chế sinh sản, mà là hãy suy nghĩ cẩn thận trước khi làm những hành vi thuộc loại này, vì chúng rất ảnh hưởng tới hạnh phúc hôn nhân và gia đình. Những ai quá vội vàng hay cẩu thả trong các việc này sẽ lãnh nhận những hậu quả không hay chút nào sau này, như tầm thường hoá hôn nhân và gia đình, khinh rẻ và coi thường nhau, phàm tục hoá những hành vi riêng của hôn nhân…

3.2. Phương pháp được Giáo Hội Công Giáo cổ võ : phương pháp điều hoà sinh sản theo chu kì tự nhiên

. Cơ sở khoa học của phương pháp : Hai bác sĩ người Nhật là Ogino và người Aùo là Knauss đã khám phá ra có một chu kì sinh học tự nhiên nơi người phụ nữ, trong đó có những ngày trứng nơi buồng trứng của người phụ nữ chín và rụng và có những ngày không. Những ngày trứng chín và rụng là những ngày người phụ nữ có thể mang thai nếu ăn ở với người đàn ông. Nếu vậy, chỉ cần biết đích xác những ngày ấy để tránh ăn ở thì chắc chắn sẽ không thụ thai và không có con. Hai bác sĩ này xác định những ngày rụng trứng (những ngày ‘không an toàn’ để ăn ở với người đàn ông) là một số ngày trong khoảng thời gian khô ráo giữa hai thời kì có kinh nguyệt. Tuỳ theo thời gian có kinh nguyệt dài hay ngắn mà người phụ nữ có ít hay nhiều ngày ‘không an toàn’, thường là khoảng 5-6 ngày. Để hỗ trợ việc xác định những ngày không an toàn, người ta được khuyến cáo hãy dùng thêm các phương pháp như đo thân nhiệt người đàn bà đầu mỗi ngày, trước khi làm bất cứ việc gì (nhiệt độ tăng cao hơn các ngày khác mà không có lí do là dấu báo động ngày ấy ‘không an toàn’), hoặc khảo sát chất nhờn nơi âm hộ người phụ nữ, còn gọi là phương pháp Billings (tên một bác sĩ Công Giáo người Úc) (người phụ nữ có thể làm việc này mỗi khi vệ sinh thân mình ; chất nhờn vừa đục vừa keo dính là dấu báo động ngày ‘không an toàn’), hoặc dùng giấy hoá học thử màu (đưa loại giấy nào vào âm hộ đầu ngày và thấy giấy đổi màu là tín hiệu báo động ngày ‘không an toàn’). Quan sát chừng một vài tháng sẽ giúp người phụ nữ xác định những ngày ‘không an toàn’. Sau đó, cho chồng biết để hai bên tránh ăn ở trong những ngày ấy.

. Giá trị của phương pháp : Sở dĩ Giáo Hội Công Giáo cổ võ phương pháp này, đó không phải là vì nó không tốn tiền và không gây hại cho sức khoẻ. Nhưng vì giá trị nhân bản và đạo đức kèm theo phương pháp ấy. Thật vậy, để thực hành phương pháp này, vợ chồng phải chấp nhận : cùng tham gia hạn chế sinh sản thay vì chỉ một mình vợ hay chồng / cùng tự nguyện chấp nhận kiêng cữ trong những ngày ‘không an toàn’ thay vì ăn ở một cách vô tư và khoán trắng cho khoa học và kĩ thuật làm thay / cùng tôn trọng định luật của thiên nhiên – phản ảnh ý muốn Đấng Tạo Hoá thay vì can thiệp để lèo lái bất chấp ý muốn của Thiên Chúa.

. Giới hạn của phương pháp : Phương pháp này trở nên khó thực hiện không phải đối với các phụ nữ có chu kì kinh nguyệt không đều (có thể uống thuốc điều hoà kinh nguyệt cho tới khi chu kì kinh nguyệt trở nên đều đặn, rồi áp dụng phương pháp) cho bằng đối với những vợ chồng theo các chương trình làm việc và sống chung khác nhau hay bất thường, hoặc đối với những ai có đòi hỏi và tính khí bất thường không chấp nhận tuân giữ lịch sinh hoạt vợ chồng ấy, hoặc đối với những ai được khuyên không nên ăn ở trực tiếp do bệnh tật… Trong những trường hợp ấy, Giáo Hội đề nghị vợ chồng quyết định áp dụng phương pháp nào là tùy theo lương tâm có suy nghĩ sáng suốt – nghĩa là một lương tâm có đối chiếu với các chuẩn mực đạo đức khách quan và nếu cần, có tham khảo thêm ý kiến các bậc khôn ngoan. Tuy nhiên, ngay cả khi thấy cần phải áp dụng các phương pháp khác ngoài phương pháp Giáo Hội cổ võ, vợ chồng cần sáng suốt phân tích mỗi phương pháp trước khi lựa chọn phương pháp nào ít xấu hơn : có những phương pháp ngừa thai mà kì thực là phá thai như vòng xoắn đặt trong tử cung (gọi tắt là IUD : ‘intra-uterine device’) hay các thuốc uống sau khi ăn ở với nhau (24 giờ hay 48 giờ sau khi ăn ở với nhau như thuốc viên ‘The Morning After’ hay RU- 486). Một yêu cầu cuối cùng cho các vợ chồng áp dụng các phương pháp ngoài phương pháp được GH cổ võ, đó là phải thường xuyên xét lại hoàn cảnh của vợ chồng thay vì áp dụng mãi một phương pháp mà quên rằng nó chỉ có giá trị trong một hoàn cảnh nhất định nào đó.

. Khi có con ngoài ý muốn, vợ chồng Kitô Giáo hãy tập đón nhận nó không phải như một đứa con bất đắc dĩ hay một đứa con của thất bại, mà là một sứ giả hay là một quà tặng của Thiên Chúa. Ngoài ra, nên nhớ rằng khó khăn trong việc nuôi dạy con đôi khi xuất phát từ chính khả năng và thiện chí của bậc làm cha mẹ : biết tính toán khéo léo và biết yêu con thật lòng, vợ chồng sẽ tìm ra cách để khắc phục những khó khăn của một gia đình đông con. Xã hội và Giáo Hội không quên bổn phận hỗ trợ các gia đình đông con, nhất là khi biết rằng những đứa con khoẻ mạnh và ngoan ngoãn sẽ là những công dân và những kitô hữu đầy triển vọng cho xã hội và Giáo Hội.

3.3. Tầm quan trọng của việc nuôi dạy con cái trong gia đình

. Đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tóm tắt tầm quan trọng của việc nuôi dạy con cái trong gia đình bằng cách nói rằng “tương lai của xã hội và của Giáo Hội đi qua gia đình” (tông huấn ‘Familiaris Consortio’). Việc nuôi dạy con cái trong những năm đầu đời mang tính quyết định không những với bản thân đứa con, mà cả với xã hội và Giáo Hội sau này. Con cái sau này sẽ khoẻ mạnh hay đau yếu, lành mạnh hay bệnh hoạn phần lớn là do những tố chất thể lí căn bản và những mầm mống tinh thần đã được cung cấp từ khi con cái còn thơ dại. Có những điều hay cái tốt hoặc điều xấu cái dở ăn sâu vào đứa trẻ tới mức ngay cả những hoàn cảnh khác sau này cũng không làm biến mất được nơi đứa trẻ khi lớn lên. Những tập quán đạo đức hay những ý thức tôn giáo, tưởng đã mất hút với thời gian, nào ngờ vẫn tồn tại âm thầm nơi đứa trẻ khi lớn lên, chỉ chờ lúc thuận tiện để sống dậy và chi phối con người.

. Chính vì thế, vai trò của các bậc phụ huynh trong việc nuôi dạy con cái là hết sức quan trọng, thậm chí không thể thay thế được, nhất là khi con còn nhỏ. Cha mẹ có thể huy động sự hỗ trợ của nhà trường, nhà nước và nhà thờ trong việc nuôi dạy này, nhưng không bao giờ khoán trắng hoàn toàn cho các cơ quan đó. Một đàng vì phần lớn thời giờ của con trẻ đều diễn ra tại gia đình, đàng khác cha mẹ vẫn là những chủ thể ở gần con trẻ nhất, đồng thời có tình cảm với con trẻ cách tự nhiên mà sâu sắc nhất. Nói tới đây, chúng ta càng thấy bổn phận cấp thiết là phải bổ sung giáo dục cho các bậc làm cha làm mẹ thiếu hiểu biết và kinh nghiệm, vì mọi sức khoẻ, tri thức, đạo đức và tôn giáo đều thông qua cha mẹ mà đến với con cái. Các khoá giáo lí hôn nhân hay các buổi họp cho các đoàn thể gia đình cần dành chỗ xứng đáng cho việc giáo dục làm cha làm mẹ này. Người ta thường trách cứ các chủng viện và học viện không đào tạo các linh mục và tu sĩ tốt, mà quên rằng các linh mục và tu sĩ ấy có thế nào phần lớn là do những năm tháng đầu đời trong gia đình. Nền giáo dục trong gia đình là tiền đề cho các nền giáo dục sau này, tại chủng viện hay học viện.

Kết luận :

Trong các kì công con người có thể làm được, kì công đáng kể nhất chính là sinh ra và nuôi dạy con cái thành người và thành thánh. Vì thế, có thể nói không ngoa rằng con người giống Thiên Chúa hơn cả là khi đào tạo ra được những con người thánh ấy. Nhưng muốn làm được điều này, trước hết cha mẹ phải yêu thương và trung thành với nhau : con cái phải là kết quả của sự chung thủy giữa vợ chồng như thế mới có đủ tiền đề để lớn lên khoẻ mạnh và phát triển quân bình, đạt tới kích thước lớn nhất của Đức Kitô. Có lẽ các vợ chồng không nghiền ngẫm đủ mối danh dự này, nên mới hay than thở kêu trách vì gánh nặng làm vợ chồng chung thủy với nhau và làm cha mẹ có trách nhiệm, thay vì vui tươi phấn khởi đón lấy vinh dự ấy và cố công thực hiện.

Lm. Pr. Đặng Xuân Thành

(Đại chủng viện Hà Nội)

NGUỒN : UBMVGIADINH
http://gpbanmethuot.vn/content/m%C6%B0%E1%BB%9Di-%C4%91%E1%BB%81-t%C3%A0i-lu%C3%A2n-l%C3%BD-ki-t%C3%B4-gi%C3%A1o-%C4%91%E1%BB%81-t%C3%A0i-8
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét