Trang

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

40 CÂU HỎI VỀ THÁNH LỄ (31-40)



40 CÂU HỎI VỀ THÁNH LỄ (31-40)



31. Tại sao chúng ta ít khi được rước cả Mình Thánh và Máu Thánh Chúa?



Giáo Hội khuyến khích việc chịu lễ Mình và Máu Thánh Chúa, vì hoàn toàn phù hợp với lời mời của Chúa Giêsu : "Hãy cầm lấy mà ăn", "Hãy cầm lấy mà uống".

Nhưng khi có nhiều người tham dự thánh lễ, việc cho rước lễ dưới hai hình bánh và rượu gặp nhiều khó khăn cụ thể. Đó là lý do giải thích tại sao hiếm khi bạn được rước lễ dưới hai hình thức. Mong rằng trong các dịp lễ trọng, và khi có nhiều thừa tác viên cho rước lễ, giáo dân được rước cả Mình và Máu Thánh Chúa.

Điều quan trọng cần nhấn mạnh ở đây, là khi bạn chỉ rước Mình Thánh Chúa hoặc chỉ rước Máu Thánh Chúa, bạn đều rước Chúa Giêsu Kitô trọn vẹn. Người hiện diện thật sự và trọn vẹn ngay chỉ dưới một hình thức (Sắc lệnh của Công Đồng Trentô (hoặc Triđentinô), khóa họp 13, năm 1551).

Có người đặt câu hỏi : có thể rước lễ nhiều lần trong ngày được không ? Theo Giáo Luật mới (1983), số 917, ai đã rước lễ rồi thì có thể rước lễ một lần nữa trong ngày đó, nhưng chỉ ở trong thánh lễ mà họ tham dự mà thôi.


32. Nên rước lễ bằng tay hay bằng miệng?


Đối với một số người, rước lễ bằng tay có vẻ thiếu tôn kính với Mình Thánh Chúa Kitô. Hôm trước ngày chịu nạn, trong lúc lập phép Thánh Thể, Chúa Giêsu "cầm lấy bánh, đọc lời tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ" (Lc 22, 19). Chắc chắn là các môn đệ đã cầm bánh thánh trong tay của mình. Và Giáo hội cũng đã tiếp tục làm như thế trong suốt mười thế kỷ đầu. Sử liệu không thiếu để minh chứng việc này.

Việc rước lễ bằng miệng chỉ xuất hiện sau đó. Một đàng, việc Giáo Hội chống mọi hình thức ma thuật và tục lệ mê tín dị đoan (thí dụ : chôn bánh thánh trong đất ruộng để mùa gặt được tốt) dẫn đến việc rước lễ bằng miệng. Đàng khác, do người ta ngày càng nhạy cảm về tính chất thiêng liêng của Mình Thánh để rồi đi đến suy nghĩ cho rằng chỉ có linh mục mới có quyền đụng đến bánh thánh.

Rước lễ bằng tay và rước Máu thánh Chúa được tái lập bởi Công Đồng Vaticanô II.
Ngày nay người tín hữu được tự do chọn một trong hai cách rước lễ. Cách nào hay hơn đối với bạn ? Điều cốt yếu là bạn tham dự bữa tiệc Thánh Thể và đón rước Mình Thánh Chúa Kitô phục sinh với tất cả lòng cung kính.



33. Tại sao các tín hữu không tự đến lấy bánh thánh?

Các tín hữu không tự động đến lấy bánh thánh, mà nhận bánh thánh từ tay linh mục, phó tế hay từ một thừa tác viên. Ở bữa Tiệc Ly cũng vậy. Chính Chúa Giêsu đã trao ban bánh và rượu cho các môn đệ của mình.

Thánh Thể là ân huệ được ban tặng cho chúng ta. Bạn không tự mình cầm lấy được, nhưng đón nhận từ một người khác. Tự mình nhận lấy bánh thánh và rượu thánh có thể sẽ dẫn đến sự hiểu lầm cho rằng bạn có quyền nào đó trên các tặng phẩm cao quí này. Không phải thế. Thánh Thể là hồng ân của Chúa, không ai có quyền hoặc có thể chiếm đoạt lấy cho mình. Chỉ có Chúa Kitô ban hồng ân theo ý Người và theo lòng nhân từ của Người.

Ai đón nhận bánh thánh là đón nhận ơn cứu độ, vì người ấy đón nhận chính Đấng Cứu Thế là Đấng hiện diện dưới hình bánh.

 
34. Câu chúc kết thúc thánh lễ "Lễ đã xong, chúc anh chị em ra về bình an" có ýù nghĩa gì?


Đó là những lời cuối cùng mà chủ tế nói trong thánh lễ. Những lời này không chỉ có mục đích để kết thúc thánh lễ bằng cách giải tán giáo dân, nhưng còn có ý nghĩa sai đi. Linh mục muốn nói :

° Anh chị em vừa nghe Lời Chúa, vừa suy ngẫm và tung hô lời giáo huấn của Chúa Kitô, thì bây giờ hãy đem những lời ấy ra thực hành. Hãy đi làm chứng về điều mình vừa nghe, về điều mình tin.

° Trong thánh lễ, anh chị em đã nhớ rằng Chúa Kitô đã hiến mạng sống mình vì tình yêu, và anh chị em cố gắng noi theo gương của Người. Anh chị em đã lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa Kitô.

Giờ đây, anh chị em hãy ra đi trong bình an của Chúa Kitô ! Hãy ban tặng sự sống của mình giống như Chúa Kitô đã làm ! Hãy yêu mến tha nhân như Người đã làm gương cho chúng ta ! Hãy yêu thương, tha thứ, và đi gieo niềm hy vọng khắp mọi nơi !
Trong sách lễ bằng Pháp ngữ, chủ tế nói : "Hãy ra đi trong bình an của Chúa Kitô" (Allez dans la paix du Christ). Còn trong sách lễ bằng Anh ngữ, có thể chọn một trong ba công thức sau :

- "Hãy ra đi trong bình an của Chúa Kitô" (Go in the peace of Christ),

- "Thánh lễ đã xong, hãy ra đi trong bình an" (The Mass is ended, go in peace),

- "Hãy ra đi trong bình an yêu mến và phục vụ Thiên Chúa" (Go in peace to love and serve the Lord).

35. Bổng lễ (tiền xin lễ) để làm gì?


Tất cả mọi thánh lễ được cử hành đều dành cho toàn thế giới, như Chúa Giêsu đã phán : "Mình Thầy bị phó nộp vì các con. Máu Thầy đổ ra để mọi người được tha tội" (Lc 22, 19-20 và Mt 26, 26-28). Vì thế trong thánh lễ, Giáo Hội cầu nguyện cho hết mọi người : hàng giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân cũng như cho những người đã qua đời. Tuy nhiên, vị chủ tế vẫn có thể kết hợp các ý nguyện chung này với một ý cầu nguyện riêng của tín hữu.

Thánh lễ vô giá. Nhưng ngay từ thời Giáo Hội sơ khai, các tín hữu đã muốn chứng tỏ rằng việc tham dự thánh lễ bao gồm toàn vẹn bản thân, cũng như chính Chúa Kitô đã trao hiến trọn vẹn thân Người. Vì thế họ đã đem đến dâng hoặc bằng hiện vật (bánh, rượu, đèn nến...), khởi đầu cho việc kiệu rước lễ vật trong thánh lễ, hoặc bằng tiền để trang trải những chi phí phụng tự, giúp cho linh mục có điều kiện sinh sống, trang trải các hoạt động của Giáo Hội. Đó là ý nghĩa lễ vật của họ khi họ ủy thác cho vị linh mục một ý chỉ nào đó.

Từ đó phát sinh "tiền xin lễ" khá phổ biến kể từ thế kỷ thứ XII. Các tòa giám mục tùy ý ấn định giá bổng lễ nhưng phải hợp với khả năng của mọi người. Vì lo rằng việc xin lễ có thể phát sinh những hình thức thương mại, nên nhiều người chủ trương dẹp bỏ thói quen này. Nhưng các hoạt động của Giáo Hội cũng như của hàng giáo sĩ đều dựa vào những đóng góp tự nguyện của giáo dân, trong đó có việc dâng bổng lễ. Vì thế trong thực tế, thật khó mà xem thường phần đóng góp quí báu này của giáo dân.


36. Có thể cử hành thánh lễ chỗ nào khác ngoài nhà thờ không?


Thánh lễ có thể được cử hành ở ngoài nhà thờ, như ta đã từng thấy tại những nơi khốn khổ (trong trại tù, trong nhà riêng ở những vùng có cấm đạo, v.v...). Thánh lễ có thể được cử hành dưới nhiều hình thức khác nhau.

Khi thánh lễ được cử hành ở những nơi khác ngoài nhà thờ, điều quan trọng là ý nghĩa thánh lễ phải được tôn trọng tối đa. Tại những nơi có đông người tham dự, việc cử hành nhắm sao cho trang trọng để mọi người có thể tham dự một cách tích cực và sốt sắng. Tại nhà riêng, vấn đề quan trọng là đừng để việc cử hành thánh lễ bị tầm thường hóa : sắp xếp chỗ cử hành, chủ tế phải mặc y phục phụng vụ, người tham dự phải trang nghiêm, đó là những điều giúp cho thánh lễ thêm long trọng.



37. Dự lễ qua đài truyền hình hoặc truyền thanh có được coi là tham dự thánh lễ thật sự hay không?

Thánh lễ trên đài truyền hình hoặc truyền thanh là một thánh lễ đích thật, vì được truyền trực tiếp từ một giáo xứ hay một dòng tu. Nhưng đài truyền hình và truyền thanh không truyền hết được tất cả các phần và chi tiết của thánh lễ.

Thánh lễ được truyền hình và truyền thanh có những lợi điểm nhưng cũng có những giới hạn. Các phương tiện truyền thông này giúp cho những ai (bệnh nhân chẳng hạn) không thể đi đến nhà thờ có thể cầu nguyện trong sự hiệp thông với một cộng đoàn và liên kết với toàn thể Hội Thánh. Họ được nghe các bài Sách Thánh Chúa nhật và nghe bài giảng chú giải thực dụng của Lời Chúa. Vả lại, các tín hữu, nơi mà thánh lễ được truyền hình hoặc truyền thanh, cũng có ý thức trong việc lôi kéo, khuyến khích lòng thành và đạo đức của những ai đang phải sống cô quạnh để họ hiệp thông với Hội Thánh qua phương tiện truyền thông.

Nhưng thánh lễ qua đài truyền hình hoặc truyền thanh không thể thay thế việc đến nhà thờ tham dự thánh lễ. Không phải việc xét dự lễ như thế có được xem như đã giữ luật buộc dự lễ ngày Chúa nhật hay chưa, bởi những người không thể di chuyển được vì do bệnh tật, do phải sống xa nhà thờ hay do thời tiết cản trở, đều không buộc phải đi lễ ngày Chúa nhật. Như thế, chúng ta không có lý do gì ngồi ở nhà, thực hiện điều mà đáng lẽ chúng ta phải làm ở nhà thờ.

Yếu tố đầu tiên của mọi bí tích, đó là cộng đoàn tín hữu đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, và trong lời cầu nguyện, trong lúc nghe Lời Chúa và trong tình bác ái huynh đệ, họ cùng nhau cử hành sự chết và sự sống lại của Đức Giêsu Kitô.


38. Tại sao ngôn ngữ phụng vụ không thích nghi với ngôn ngữ ngày nay?


Ngôn ngữ phụng vụ phải thích nghi sao cho mọi tín hữu hiểu được, không phải chỉ dành riêng cho một nhóm người riêng biệt nào đó, qua chức vụ hay nhờ học tập nhiều mới thấu hiểu được. Vả lại thánh lễ biểu hiện sự hiệp thông của mọi tín hữu trong Chúa Kitô.

Nhưng mỗi người phải có một thời gian học hỏi mới cóù thể hiểu được một ngôn ngữ nào đó. Thí dụ : bạn không thể làm cho một người nào đó hiểu về ngôn ngữ của các thảo trình trên máy vi tính, trong khi người đó chưa sử dụng máy vi tính bao giờ cả ! Hoặc là, bạn không thể buộc người nào đó chưa từng chơi túc cầu phải hiểu ngay được bài tường thuật truyền hình về giải bóng tròn thế giới ! Về ngôn ngữ phụng vụ cũng vậy thôi.

Cầu nguyện theo Kitô giáo không phải chỉ nói lên nguyện vọng của mình với Thiên Chúa. Nhưng lời cầu nguyện còn làm cho chúng ta liên kết với Thiên Chúa, vì qua lời cầu nguyện của chính Chúa Kitô, qua lời nói và việc làm của Người, mà người tín hữu lặp lại như lời cầu nguyện của chính mình vậy.

Bạn có được hướng dẫn thực sự trong việc cầu nguyện, trong việc đọc Kinh Thánh không ? Bạn có tiếp tục đào sâu giáo lý sơ cấp mà bạn đã được học lúc còn bé thơ không?



39. Để cử hành thánh lễ, người ta có thể thay thế bánh miến và rượu nho bằng các thứ khác, chẳng hạn bằng cơm và trà ở Á Châu, hoặc bằng bánh khoai mì và rượu thốt-nốt bên Phi Châu được không ?


Ngày nay, Kitô giáo được loan truyền khắp thế giới và Công Đồng Vaticanô II mong muốn mỗi dân tộc diễn tả đức tin theo truyền thống văn hóa riêng của mình. Vậy tại sao không thích nghi bữa tiệc Thánh Thể với bữa ăn truyền thống của mỗi dân tộc ?
Bánh miến (làm bằng bột mì) và rượu nho có vẻ quá gắn bó với nền văn hoá Cận Đông và Tây Phương. Nhưng bạn đừng quên rằng Chúa Giêsu là người Do-thái, chính Người đã dùng bánh miến và rượu nho để lập phép Thánh Thể.

Dùng bánh miến và rượu nho cũng là một cách để nhớ lại rằng Thiên Chúa đã đi vào Lịch Sử. Mạc khải Kitô giáo đã được thực hiện trong một nơi chốn rõ rệt và một thời điểm nhất định. Khi chúng ta tuân theo huấn lệnh của Chúa Giêsu "Hãy làm việc này để nhớ đến Thầy", chúng ta phải để ý đến những điều kiện cụ thể này của việc Người nhập thể.

Đàng khác, bạn đừng quên biểu tượng phong phú của bánh miến và rượu nho trong Kinh Thánh, thí dụ :

° "Thầy là bánh hằng sống" (Gioan 6, 35.48). "Thầy là bánh từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời" (Gioan 6, 51). (Bánh ở đây phải hiểu là bánh miến).

° "Thầy là cây nho thật" (Gioan 15, 1). "Thầy là cây nho, các con là ngành nho..." (Gioan 15, 5).

"Bánh miến" và "cây nho" là hai đề tài rất thường gặp trong Kinh Thánh.
Do đó, hai thứ thực phẩm này, hơn hẳn mọi thứ khác, nêu bật ý nghĩa về mối giao ước mới và vĩnh cửu giữa Thiên Chúa và loài người, được đóng ấn trong Đức Giêsu Kitô và được cử hành trong mỗi thánh lễ.


40. Tại sao buộc đi lễ ngày Chúa nhật?

Ngày nay, nhiều tín hữu nhiệt thành không thích kiểu nói "buộc đi lễ ngày Chúa nhật". Họ khó chấp nhận việc dâng lễ ngày Chúa nhật như là một bổn phận phải giữ ! Thật vậy, người ta thường nói đến Kitô giáo với những bổn phận phải chu toàn.
Những kiểu nói "luật buộc", "bổn phận" đúng ra nên được hiểu như là những dấu hiệu báo động : chúng không chỉ định một lý tưởng phải vươn tới, nhưng chỉ là một nhắc nhở lòng trung thành cần phải giữ và phát triển.

Khi đức tin sống động, thì không cần phải nói đến việc buộc giữ ngày Chúa nhật. Nếu bạn yêu mến Chúa Kitô thì bạn không thể không đáp lại lời mời gọi của Người. Khi bạn đang đói và được người ta dọn một bữa ăn thịnh soạn, hỏi rằng bạn có thực sự bị bắt buộc ăn hay không ? Nếu bạn khao khát hạnh phúc và bình an, thì chỉ có Chúa Kitô mới có thể làm cho bạn thỏa lòng. Vậy bạn có bị bắt buộc phải tiếp đón Chúa Kitô khi Người mời gọi bạn đến dự tiệc Thánh Thể của Người không ? Tham dự thánh lễ không phải là dịp để chúng ta lấy lại sức cho đời sống thường nhật của chúng ta hay sao ?

Trước câu hỏi : "có buộc đi lễ các ngày Chúa nhật hay không ?", câu trả lời sẽ là "có" cho những ai không mắc ngăn trở thật sự để đến tham dự thánh lễ.

Vả lại, Giáo Hội khuyên nhủ các tín hữu cử hành thánh lễ hằng ngày. Tham dự thánh lễ mỗi ngày là thông phần hoàn toàn với hành vi phụng vụ của Giáo Hội để dâng lên trên bàn thờ tất cả đời sống và lịch sử của con người. Đối với các tín hữu có thể đi nhà thờ được, thánh lễ hằng ngày đặt sự phục sinh của Chúa Kitô ngay giữa các hoạt động trong ngày của họ : nghề nghiệp, gia đình, xã hội, v.v...

Trong mối quan hệ của chúng ta đối với Thiên Chúa, khi chúng ta bắt đầu tính toán để khỏi làm hơn bổn phận đòi hỏi, làm vừa vặn cho đúng luật buộc, khi chúng ta cố "mặc cả" về điều "được phép" và "điều cấm đoán" để tìm ra những điều dễ làm hơn, khi chúng ta muốn tìm ơn cứu rỗi "rẻ tiền", thì lúc đó chúng ta nên xét lại tình trạng sức khỏe đức tin của chúng ta !

LM. Vũ Thái Hòa: vuthaihoa@wanadoo.fr

 
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét