Trang

Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

Tương tác Lời Chúa – Lời người




Tương tác Lời Chúa – Lời người
 

Hoành Sơn S.J. :
Vấn đề
Được chuẩn bị từ trong Do Thái giáo, ngay từ đầu, Kytô giáo đã nhận Kinh thánh của họ làm của mình. Công việc quan trọng của Giáo hội thời tông đồ là hình thành bộ kinh thư riêng, bộ Tân Ước, cùng lúc mở rộng vành đai Thánh kinh để gồm luôn TƯ vào trong. Vâng, hồi đầu, Giáo hội còn lệ thuộc rất nhiều vào DTG và rất trọng bộ kinh CƯ khi mà TƯ đã được dọn đường và tiên báo bởi CƯ, được “chứng thực” bởi CƯ.
Quy điển (canon)[1] Thánh kinh được nới rộng sang TƯ, thì cách nhìn kinh thánh của DTG cũng được mang vào đối với TƯ luôn. Vì người Do Thái gợi CƯ là Lời Chúa, nên chúng ta cũng gọi TƯ là Lời Chúa như thế.
Sở dĩ DT gọi kinh thư là Lời Chúa, vì Kinh thánh hồi đầu chủ yếu là ghi nhớ Giao ước và Luật (Thora), cùng với lịch sử Dân Chúa cũng là quan hệ TC-DC trong lịch sử. Thế mà Giao ước (cùng với lời hứa và điều kiện) và Luật đều do đích thân Giavê xướng xuất (Xh.19.3tt.; 20.1tt.). Cuối cùng, bản hiến pháp này lại được khắc ghi lên hai bảng đá do chính tay Giavê (XH.31.18), để rồi khi Maisen vì giận dân mà đập vỡ mất, thì TC lại dùng hai phiến đá khác mà đọc cho Maisen ghi lên (XH.34.1, 27-28). Kịp đến thời các ngôn sứ, những người này cũng chỉ nghe rồi nhắc lại lời TC nói : Chúa nói, Đây là Lời Chúa, Đây Lời sấm của Chúa…!
Vì kinh thánh là Lời của Thiên Chúa, mà Thiên Chúa thì biết hết sự thật, lại chỉ nói thật và nói lẽ phải, nên việc của ngôn sứ và Dân Chúa chỉ là nhắm mắt nghe theo, là tin và thi hành, thế thôi.
Nhưng rồi cũng tới lúc dân trí được nâng cao, người ta sẽ muốn một hiểu biết có phê phán (critic) về tất cả, về Kinh thánh cũng vậy. Không phải người ta không tin vào Thiên Chúa nữa, nhưng người ta cảm thấy khó chấp nhận rằng mọi cái nói trong Kinh thánh đều là Lời Chúa hết mọi mặt. Bằng chứng là có những điều đúng là lời con người, với tất cả khiếm khuyết và giới hạn của nó.
Cái mà Kinh thánh, đặc biệt CƯ, đụng đầu với trước tiên là khoa học, khi tới thời đại khoa học. Quả thế, liền sau N. Copernic, G. Galiei phát hiện và cố chứng minh rằng trái đất xoay quanh mặt trời, chứ không phải mặt trời xoay quanh trái đất như Thánh kinh nói (Tv.104.5; Gs.1.4-5v.v.)[2]. Cũng ngược lại với CƯ vốn dạy: TC dựng nên sinh vật từng loài một, nhất là con người (Stt. 1.24tt), Lamarck và Darwin quả quyết: các giống loại ấy đã do tiến hóa mà hình thành dần trong một thời gian rất lâu.[3]
Ngày nay, ai chả hiểu rằng trong Kinh thánh, TC không hề có ý mở một khóa dạy khoa học, và tác giả ngôn sứ chỉ muốn khẳng định trong niềm tin, rằng vũ trụ do TC mà có. Thế nhưng vào thời ấy, người ta hiểu TK theo nghĩa đen, và chỉ coi ngôn sứ như một công cụ, nên những khẳng quyết nói trên của khoa học đã gây sóng gió lớn, cả trong Công giáo lẫn Tin lành.
Thật ra, chú giải TK còn thô sơ thời ấy không chỉ gặp khó khăn với khoa học, mà cả với triết học nữa kể từ thế kỷ Ánh sáng hay thế kỷ XVII với sự nổi lên của những tên tuổi mới là R. Descartes, E. Kant, F. Hegel. Theo các triết gia này thì chân lý phải tìm bằng lý trí (duy lý) và nơi ý tưởng (duy tâm, idea-lism), do đó, trong tri thức phải gạt bỏ thành kiến và quyền bính ra ngoài.
Giữa làn sóng duy lý, duy tâm[4] đang nổi lên như sóng cồn ấy, nhiều nhà tư tưởng KTG, dù vẫn trung thành với đức tin, cũng không nhắm mắt tin theo hết những gì TK nói nữa, mà bằng ánh sáng lý trí và qua khảo sát khách quan, gắng tìm xem mỗi bản văn TK đã hình thành trong lịch sử như thế nào và dựa trên những nền tảng nhân văn nào. Nhờ thế, bắt đầu hình thành thứ Chú giải mới, có tính khoa học, khách quan, được gọi là Exégèse, rồi Herméneutique khi mà phải hiểu bản văn như thành phần của một truyền thông, nghĩa là đối thoại: đối thoại giữa người nói và kẻ nghe được coi là những chủ thể cùng với chân trời (thế giới, bối cảnh văn hóa và lịch sử…) của họ.[5]
*
Năm 1666, L. Meyer kiến thiết thứ tri luận TK của mình trên những nguyên tắc Descartes đề xuất. Trước hết phải nghi ngờ đã, bằng một nghi ngờ có tính phương pháp (doute méthodique). Kế đến, qua khảo sát khách quan về lời và câu văn bản, xem đâu là ý nghĩa sáng sủa rõ ràng từ đó xuất hiện, và đây cũng là ý tưởng phù hợp nhất với tư tưởng tác giả bản văn. Những tri giác (perception) hay trực nhận ấy, do tính “sáng sủa rõ ràng” của chúng sẽ gây một ý thức thâm sâu (conscience intime) về điều nói trên. TC vốn là nguyên nhân của sự trực nhận sáng sủa rõ ràng, nên đồng thời cũng là nguyên nhân của ý thức thâm sâu kia, nhờ thế chúng ta biết điều thấy rõ kia là điều xác thực.
Theo B. Spinoza, tìm hiểu TK cũng phải theo cùng một đường lối như khi tìm hiểu tự nhiên. Nghĩa là khảo sát có hệ thống và phương pháp lịch sử sự hình thành bản văn, do đó cần học ngôn ngữ, nghiên cứu con người, cuộc đời tác giả, nghiên cứu cả thói quen và ý hướng của ông, cùng với môi trường ông sống. Còn về nội dung, thì phải nhìn mọi tác phẩm của ngôn sứ như một toàn khối xét về mặt tư tưởng. Sau những khảo sát như thế, bằng một tâm trí trong sáng và tự do, không thành kiến, người ta mới nhìn ra được những ý nghĩa sáng và rõ của văn bản.
Riêng R. Simon giới hạn sự tìm hiểu vào CƯ thôi. Theo ông, để hiểu CƯ nói gì, phải khảo sát tình trạng của mỗi bản văn qua từng thời đại và từng vùng trời. Vì nguyên bản (bản gốc thời đầu) không còn nữa, mà hiện bản thì biến đổi nhiều quá sau bao giai đoạn truyền khẩu, sưu tập, sao chép, v.v., nên để hiểu đúng, cũng phải nắm được những đổi thay nói trên.
Có điều TK thì không thể sai (inerrantia), nên Thần khí không thể không dõi theo bản văn từng bước, ở mọi đổi thay dù ở lời hay ý nghĩa lời. Bởi thế ngày nay, ngoài bản văn trong hiện trạng của nó, chúng ta còn phải dựa vào những người đã hiểu, phê phán và viết về TK qua các thời đại, nhờ đó nắm bắt được cốt lõi ý nghĩa.
Như thế, vừa nới rộng thần hứng đến mọi đổi thay ở bản văn, Simon vừa đề xuất một trợ giúp của Thần khí cho việc duy trì ý nghĩa TK qua các thời đại. Và đây là Truyền thống đức tin, cũng là Truyến thống hiểu Lời Chúa. Theo Simon, Truyền thống không khép lại với thời đại giáo phụ, vì giáo phụ không thể vét cạn ý nghĩa TK.[6]
*
Quả thật, đi vào bản văn và lịch sử hình thành TK, nhất là nơi CƯ, không thể hiểu như dân DT xưa, rằng TK chỉ giản đơn là Lời Chúa, hay Lời Chúa tinh thuần. Ngay Luật Maisen, yếu tố lập thành (élément constitutif) Đạo cũ, cũng không giản đơn là Luật Chúa hay ý Chúa. Theo Chúa Giêsu, khoản cho phép chồng rẫy vợ trong Nl. 24.1-3 chỉ là của riêng Maisen, vì lòng chai đá Israel mà ông đặt ra do nhượng bộ (Mc.10.3).
Phải sau thời Salomon, Israel mới có chữ viết. Kể từ đó, các bản văn truyền khẩu mới dần dần được sưu tập, chắp nối để viết nên từng bộ sách. Với bao biến động lịch sử trong một khoảng thời gian dài dặc tới mấy chục thế kỷ như thế, có biết bao cái bị thất lạc, bị “tam sao thất bản”, nên phải nhìn nhận với Simon về phép lạ vĩ đại, là sự kéo dài của ơn thần hứng nó đã dõi theo và phủ trọn những những biến đổi của nguyên tác, khiến cho những gì là cốt lõi của Lời Chúa vẫn được bảo vệ an toàn giữa cộng đồng đức tin và vì cộng đồng ấy.
Lời Chúa trong TƯ không phải trải qua quá nhiều biến động đến thế. Tuy nhiên, cũng phải chờ mấy chục năm sau, các Phúc âm mới được viết ra. Với Phúc âm, nguyên tác chính là lời do TC thành người nói, được các tông đồ nhắc lại sau này trong các bài thuyết giáo, được các tín đồ ghi lại thành những bản văn rời, để rồi một số người sưu tập, sắp xếp theo những chủ đề thần học riêng mà viết nên từng Phúc âm (trong Phúc âm nhất lãm). Vì thế, ơn thần hứng không thể không phủ trọn các công đoạn nói trên, để dù với những đổi thay và nối kết ấy, cốt lõi của nguyên tác vẫn được bảo vệ nguyên toàn.
TƯ không chỉ nhắc lại Lời Chúa và ghi lại các mầu nhiệm Nhập thể, Thánh giá và Phục sinh của Ngài. Từ những Lời, những mầu nhiệm ấy và dưới ánh sáng thần hứng, Phaolô, Phêrô, Gioan…còn suy tư thêm để dạy và hướng dẫn Dân Chúa bằng những lá thư quý giá. Dù đây là lời của họ, nhưng vì họ suy tư từ Lời Chúa và với sự truyền hứng đặc biệt của Thần khí Chúa, để cả thư của họ cũng thành quy phạm tuyệt đối (norma non normata) cho đức tin, nên đây cũng chính là Thiên Chúa nói qua lời họ.
Như thế, trong TK không thể thiếu sự đóng góp của con người, dù sự đóng góp ấy được Thần hứng khởi phát và đảm bảo. Và như thế, những người chủ trương TC là tác giả duy nhất của TK phải vò đầu bứt trán, tìm xem đâu là cách thức Thần Khí làm để hướng dẫn tâm trí ngôn sứ, khiến cho lời viết ra chỉ là Lời Chúa, còn họ là organon hay công cụ của TC, giống như cây viết của bút sỹ hay cây đờn của nhạc sỹ vậy.
Quả thực, làm sao giải thích được đây khi mà mỗi ngôn sứ chẳng những có ngữ vựng và cách hành văn riêng, mà còn sắp đặt tư liệu theo một cái nhìn thần học đặc thù, nhất là khi suy tư của Phaolô và Gioan sâu xa khác hẳn với của Phêrô và Giacobê?
Vậy đâu là giải đáp khả thi ?
Chính vì đặt TC trên cùng mặt phẳng với con người, trên đó hành động của hai bên không thể không loại trừ nhau (ở đâu có công việc con người, ở đấy không có công việc TC), nên dù bảo thủ hay cấp tiến, người ta không thể xác định chỗ nào là phần của Thiên Chúa, chỗ nào là phần của ngôn sứ trong TK. Và đây cũng là khó khăn muôn kiếp của triết học khi phải dung hòa giữa tự do con người và tính toàn năng của TC, hay của thần học giữa tác động của ân sủng và công lao của chúng ta.
Thật ra, không thể cân trên cùng một bàn cân cái siêu tính (le transcendantal) của TC (và ân sủng) và cái mong manh (contingent, tương đối) của thụ tạo (và hành động con người). Vâng, dù thụ tạo là chúng ta có hành động tự mình được, thì cũng là do TC đã biệt định cho chúng ta làm như thế. Vâng, TC chỉ vượt trên ta từ nơi chúng ta, chứ không phải từ ngoài. Và chúng ta chỉ có thể làm như Bossuet nói, nghĩa là nắm chắc lấy hai đầu của sợi xích : tuyệt đối tính của TC và tự do của chúng ta. Chứ cố tìm xem hai đầu ấy nối với nhau thế nào, thì chỉ là mò kim đáy biển, hay vét cạn biển sâu bằng một cái chén con con, hình ảnh mà Augustin đưa ra.
Hiểu như vậy rồi, chúng ta có thể nói như K. Rahner rằng : TK trong toàn bộ và từng phần của nó là Lời Chúa, nhưng TK cũng là lời con người luôn. Đúng như Dei Verbum đã thoáng thấy khi so sánh tương quan nói trên với tương quan thiên tính-nhân tính nơi con người Đức Giêsu Kytô:
-           “…lời của TC diễn xuất thành lời con người, đã trở nên giống như ngôn ngữ loài người, cũng như xưa Ngôi Lời của Cha vĩnh cửu khi mang lấy xác thịt loài người với những yếu đuối của xác thịt ấy, đã trở nên giống như mọi người (chúng ta).” (DV.13)
K. Rahner trình bày học thuyết của ông năm 1958 về lịch sử cứu độ và mạc khải, học thuyết ấy được nhắc lại sau này trong Traité fondamental de la foi năm 1983. Theo học thuyết nói trên, lịch sử cứu độ và mạc khải có chiều rộng của chính lịch sử thế giới. Riêng về mạc khải, thì sáng kiến mạc khải của TC nằm ở cực siêu tính (pôle transcendantal) của hoạt động ngôn sứ, ở chỗ thâm sâu nhất của tâm hồn ông, nơi Ngài tự thông ban chính mình cho ông và thông truyền kế hoạch cứu độ cho ông trước mọi niệm lý hóa (thématisation=conceptualisation). Vâng, ở điểm nguyên khởi (originaire) vô thức hay siêu ý thức ấy, TC tự thông ban chính mình (auto-communication), tự mạc khải mình va kế hoạch cứu độ của mình cho kẻ tin, kẻ đang sống niềm tin và được tuyển chọn để khách quan hóa kinh nghiệm trên ra ngoài thành quy phạm tuyệt đối cho đức tin của cộng đồng và các thế hệ tiếp theo. Để ngôn sứ có thể nói ra thành lời người như thế, TC ban cho họ một đặc sủng, khiến dù nói trong các phạm trù tự nhiên và khuôn văn hóa của lý trí, họ vẫn nói đúng ý Chúa, không thể sai lầm (inerrantia), nhờ đó TK mới thành quy phạm tuyệt đối (norma non normata) cho đức tin và đời sống đức tin. Vâng, TK đúng là Lời Chúa, và Lời ấy biểu hiện đúng thành lời người nơi ngôn sứ.[7]
Và đây cũng là điều khẳng định của Vatican II, rằng tuy TC là tác giả của cả TƯ lẫn CƯ, nhưng ngôn sứ cũng là “tác giả thật sự” của những tác phẩm này (DV. 11).
Những loại hình và cấp độ của thần hứng
TK là tác phẩm của cả TC và con người một lượt. Ngôn sứ là kẻ sống nghiệm đức tin sâu xa giữa cộng đồng đức tin. Để viết ra được từ kinh nghiệm sâu thẳm của tâm hồn và viết đúng, không sai, ông cần có một đặc sủng, và đây là ơn thần hứng. Thần hứng thổi lên từ vô thức bên trong, sẽ tiếp tục thổi ở giai đoạn niệm lý hóa (conceptualisation), rồi giai đoạn nói hay viết thành văn.
Theo tôi, đó là nguyên tắc chung, còn ở biểu hiện cụ thể trong từng trường hợp, thì thần hứng có thể nông sâu khác nhau. Để làm sáng tỏ vấn đề, tôi xin phép được suy diễn từ những mạc khải tư, nơi các thánh.
Mạc khải tư mà Bernadette nhận dược từ Đức Mẹ là điều thật mới mẻ đối với cô, nhưng cũng là điều đến từ ngoài hơn là từ trong cô. Ai cũng biết cô là người sùng đạo, nên sống nghiệm huyền bí đức tin (mystique expérientielle de foi) thật sâu. Ở bề sâu ấy, các chân lý vẫn nối kết với nhau nơi đơn nhất tính nội tại của nội dung đức tin, như Rahner nói.[8] Thế nhưng nghe Đức Mẹ, cô lại như nghe từ tai bên ngoài.[9] Và danh hiệu “Đức Vô nhiễm thai” thì cô chưa từng biết, nên cũng không hiểu là gì cả. Vậy mạc khải này không phát xuất từ kinh nghiệm sống đức tin bên trong dù tiềm tàng nơi đức tin ấy.[10] Nhận mạc khải từ ngoài và qua thính giác (hay tưởng tượng thính thị) có lẽ cũng là trường hợp của Maisen và hầu hết các ngôn sứ CƯ, kể cả của Đức Maria khi thiên sứ Gabrien truyền tin.
Đúng là từ trong di ra và từ sống nghiệm đức tin, có những mạc khải tư diễn ra trong huyền nghiệm của nhiều vị thánh, như I Nhã quận Loyola trên bờ sông Cardoner khi bỗng chốc hiểu được rất nhiều điều “thuộc bản chất khác nhau”, mà dù cả một đời (62 năm) học hỏi cũng không sao bằng được.[11] Nên đây không phải là kiến thức lý tính có thể mang ra dạy hay viết thành nhiều cuốn sách, mà là theo tôi nghĩ, thứ hiểu siêu thường, tiền niệm lý (préconceptuel), một thứ “giác ngộ” nào đó nó dọi vào tâm trí để tất cả hừng sáng lên, và những hiểu biết dù cũ cũng biến thành những gì mới mẻ hoàn toàn. Và có lẽ cũng tương tự như vậy thứ hừng sáng mà các tông đồ tiếp nhận ngày lễ Ngũ tuần với biểu tượng Lưỡi lửa. Hay mạc khải mà Phaolô nhận trực tiếp từ Đức Kytô dù chưa tiếp xúc với nhóm Mười hai (Gal.1.12,17).
Thứ mạc khải này, như thế, đúng là từ kinh nghiệm vô thức đi ra, và nếu đây là ngôn sứ, thì ông sẽ có đặc sủng để khách quan hóa thành tư tưởng để làm quy phạm cho đức tin Dân Chúa. Có điều, nếu đây là những suy tư sâu xa, những trực giác dị thường, như mệnh đề Thiên Chúa là Tình yêu của Gioan, Giáo hội là Thân mình Đức Kytô của Phao lô, thì có thần hứng không đủ, mà phải có trí thông minh tuyệt vời hay văn hóa cao của đương sự nữa. Quả thế, nếu nói về kinh nghiệm vô thức và ơn thần hứng, thì hẳn Phêrô và Giacôbê đâu có thua Phaolô và Gioan. Rõ ràng là lời người có thể làm hiển sáng hơn hay giới hạn nhiều hơn Lời Chúa, mạc khải của Chúa vậy.
Nếu ngôn sứ nói mà không viết, và lời ông được truyền khẩu để sau sưu tập, sắp xếp và viết thành tác phẩm, thì thần hứng gốc sẽ vươn dài cánh tay để phủ luôn những công đoạn nói trên. Ai cũng thấy là thần hứng ở giai đoạn xuất phát thì từ trong đi ra, nhưng ở các giai đoạn truyền khẩu, sưu tập và viết ra, sao chép ra, thì thần hứng chỉ cần như một hỗ trợ, từ ngoài hơn là bên trong, để tránh sai lạc ở những gì là căn yếu. Nói chi đến việc bảo trì bản văn trong truyền thống cộng đồng đức tin, để rồi sau này huấn quyền, dựa vào truyền thống ấy, đưa nó vào quy điển (canon) chính thức, việc bảo trì và quy điển hóa ấy càng có tính ngoại tại hơn nữa. Và cũng bớt sâu như thế khi Giáo hội chọn bản dịch LXX thay vì bản Hy bá lai hay bản dịch Hy ngữ khác.
Thần hứng có lẽ cũng không cần “bên trong” nhiều khi truyện ngụ ngôn Ông Gióp của dân ngoại được hai ngôn sứ Israel thâu nạp và kể lại theo niềm tin Giavê. Hay khi thánh vịnh 19,29,104, trước được dùng trong phụng tự dân ngoại, sau được mang vào cầu nguyện Do Thái giáo với ít nhiều sửa đổi.[12] Nhất là khi Diễm tình ca với nguồn gốc rất đời của nó (có lẽ mãi sau thế kỷ V công nguyên mới xuất hiện trong phụng vụ Paskha Do Thái), cũng gia nhập danh sách quy điển mà không sửa đổi gì.
Còn mạc khải sâu nhất, MẠC KHẢI viết hoa, lại thành một với con người và cuộc sống Đức Kytô : Ai thấy Thầy là thấy Đấng sai Thầy (Gio.12.45). Vâng, không phải một cái gì đó của TC được tiết lộ cho chúng ta hay, mà là chính bản thân TC, bản thân Lời hay Ngôi Con TC. Cũng không phải Lời tự nói bằng lời người cho ta nghe, mà Lời đã thành người để nói về Cha và sự cứu độ của Cha bằng chính con người và cuộc sống của mình.
Vai trò CƯ – Vai trò kinh thư các tôn giáo
Vì tất cả mạc khải hướng về và tập trung nơi con người Giêsu Kytô, nên thần hứng chấm hết ở kinh thư TƯ và TƯ chấm hết với thời đại tông đồ. Vì dọn đường lịch sử và sư phạm cho mạc khải và thực hiện Vương quốc TC, vì báo trước Đấng Cứu thế cùng với kế hoạch cứu độ bằng cái chết và sự phục sinh của Ngài, nên CƯ cũng thuộc kho tàng thánh kinh KTG quý giá của chúng ta.
Có điều, ở tư thế dọn đường cho cứu độ ấy, mạc khải CƯ chỉ đủ nghĩa trong TƯ và nhờ TƯ, nên tự nó không thể làm quy phạm chính cho đức tin và sống đức tin KTG được. Vâng, về nội dung, TKCƯ nói về Giao ước cũ và kể về lịch sử cứu độ trần thế của Israel, để ngầm chỉ cứu độ siêu thế do Đức Kytô. Nên tuy CƯ mạc khải rất nhiều về TC, mà chưa hiển khải (révélation manifeste) về mầu nhiệm Ba Ngôi ; tuy Isaia nói nhiều về Đức Cứu thế và sự cứu chuộc bằng cái chết của Ngài, nhưng chỉ nói bằng ẩn dụ. Còn để sống đức tin, thì vì Ngôi Lời chưa nhập thể và chịu chết, chưa có hiện thực của cứu độ, nên cũng chưa có ân thánh sủng và bí tích để truyền trao thánh sủng, chưa có luật và giáo huấn cao siêu Tin mừng. Vâng, để sống đạo đúng KTG, chúng ta có thể làm gì đây với các luật sạch-dơ của sách Lêvi? Và luật Mắt đền mắt, răng đền răng của Xuất hành, Lêvi, cùng với sự mong cầu cho trời tru đất diệt kẻ thù của khá nhiều thánh vịnh, đâu có thể đi đôi với tinh thần siêu bao dung của luật Yêu kẻ thù, làm ơn cho kẻ làm hại mình mà Thầy chí thánh công bố được.[13] Chỉ có thể sử dụng Thập điều và nhiều luật luân lý khác, bởi đây là luật tự nhiên, nhưng cần giải thích lại và nâng lên theo tinh thần Tin mừng.
Thật ra, Hội thánh đã rũ bỏ gánh nặng đạo cũ từ lâu khi Chúa Giêsu đề ra nguyên tắc Rượu mới phải đổ bầu da mới và trai tịnh KTG chỉ bắt đầu khi cộng đồng đức tin KTG đã có, và mọi hình thức sống đạo liên kết với nhau thành một khối với ý nghĩa, tinh thần và hương vị riêng.
Bắt đầu, các tông đồ chưa hiểu hẳn được như vậy, và họ vẫn đến đền thờ Giêrusalem, vẫn giữ các lễ nghi và luật lệ Do Thái giáo. Phải chờ sau những đấu tranh quyết liệt của phe tiến bộ Phaolô-Barnabê, đám bảo thủ vây quanh Giacobê mới giác ngộ và tháo bỏ luật cắt bì cùng cả ngàn vạn hình thức trói buộc khác. Quả thật, CƯ và TƯ đều là Lời Chúa cả, nhưng Lời Chúa vẫn khác nhau từ CƯ sang TƯ.
*
Theo K. Rahner, lịch sử cứu độ và mạc khải cùng bề rộng với lịch sử loài người. Thế có nghĩa là Thần khí Chúa vẫn hành động và sáng soi giữa các dân, chứ không loại trừ họ lúc chọn dân Do Thái. Và đây cũng là niềm tin CƯ, và là ý kiến của nhiều giáo phụ. Vâng, CƯ vẫn đếm xỉa đến những người công chính trước Abraham và Maisen, cả những người công chính bên ngoài Dân Chúa nữa. Còn giáo phụ Irênê thì nhắc tới hai giao ước trước Abraham, và đây là giao ước Ađam và tái giao ước Noe.[14] Cũng theo Irênê, với người Hy Lạp và man di, chính triết lý của họ đã giáo hóa và sửa soạn họ cho Chúa Cứu thế, cũng như luật Thorah đã giáo hóa và chuẩn bị Israel cho Ngài vậy. Còn theo thánh Bernard, nếu thanh tẩy (khỏi nguyên tội) trong Israel là cắt bì, thì trong các dân tộc khác là niềm tin và cúng tế.[15]
Nếu hiểu cứu độ một cách khoáng đạt như thế, thì các tôn giáo cũng như các nền đạo lý từng đã hướng dẫn thiêng liêng cho nhiều dân trong một thời gian dài, các tôn giáo và nền đạo lý ấy không thể nằm ngoài kế hoạch cứu thế giới của TC. Và kinh thư như là yếu tố lập thành của những con đường tốt đẹp trên, là quy phạm cho niềm tin hay cuộc sống đức hạnh của những dân ấy, không thể không có thần hứng phần nào của Chúa Thánh Thần. Và đây là trường hợp Bhagavadgita, triết lý Upanishad của Ấn Độ giáo, Tứ thư ngũ kinh của Khổng giáo cùng nhiều kinh của Phật giáo. Vâng, dù với những khiếm khuyết và sai lạc của một phần những bộ sách này.
Theo tôi, nếu gọi bộ kinh dọn đường trực tiếp cho Chúa Kytô là Cựu Ước và nhìn nhận thần hứng trong đó, thì chúng ta có thể nhìn nhận một á thần hứng trong một số kinh thư tốt của Ấn, Phật, Khổng giáo…, đồng thời coi mấy bộ kinh này là Á Cựu Ước luôn. Để rồi nếu chấp nhận như thế, chúng ta có thể chọn những gì phù hợp để đọc trước CƯ trong một số giờ Phụng vụ Lời Chúa của chúng ta, khi mà người Á Đông và Nam Á chúng ta đã được sửa soạn khá tốt cho Tin mừng với đức trung hiếu của Khổng giáo, đức nhẫn và từ bi hỉ xả của Phật giáo, cũng như tinh thần siêu thoát của đường tu Ấn Độ. Thực ra, nhiều nhóm, nhất là bên Ấn Độ, đã làm như vậy từ rất lâu với gần như sự cho phép mặc nhiên của giáo quyền.
Từ nói đến nghe, từ lời đến nghĩa
Ngày nay, như khoa ngôn ngữ học cho thấy, dù người nghe hay độc giả cũng ảnh hưởng rất nhiều đến phát ngôn, khi mà để viết hay nói, ai nấy đều hướng về họ, để nói hay viết sao cho họ hiểu được và chấp nhận được. Y như trong đối thoại vậy. Và đó là truyền thông!
Thánh kinh cũng thế thôi. Thánh kinh là Lời Chúa, nên khi nói, TC cũng hướng về người nghe mà nói. Không phải một số người ở vùng trời và thời đại của ngôn sứ, nhưng mọi người thuộc mọi văn hóa suốt cho đến ngày thế mạt. Lời cũng không hướng về một cách trừu tượng và chung chung, nhưng từng người cụ thể, như chính tôi đây đang lúc đọc Phúc âm trong niềm tin.
Đọc trong niềm tin, tôi không đọc TK như các sách khác, thứ lời nó xơ cứng lại cùng với tâm trí tác giả trong thời đại của ông. Vì Lời Chúa đến với tôi không như một lời chết, nhưng lời sống và đầy sức để sống động hóa tâm tình tôi, một cách siêu nhiên. Và như thế, thần hứng chỉ đi trọn con đường khi đã đến với lòng tôi như vậy.
Lời Chúa không chỉ chịu “ảnh hưởng” bởi người nghe là tôi hôm nay, mà còn bị “giới hạn” bởi ngôn sứ khi họ nói hay viết Lời Chúa ra, vì họ không chỉ là organon, mà còn là tác giả nữa. Và đây là ‘nghịch lý” (antinomie, paradoxe) : TK vì là Lời Chúa nên vô hạn do bản chất, TK cũng là lời người nên cũng do bản chất mà thành có hạn. Nói một cách cụ thể, tuy Lời Chúa vẫn là vô hạn ở bề sâu ý nghĩa, nhưng phản chiếu trên lời người của ngôn sứ, nó cũng bị hạn chế về mô thức (formellement) bởi những khuôn khổ tự nhiên và văn hóa nơi lý trí người này. Chứ về nội dung, thì Lời Chúa do bản chất có một bề sâu không đáy, nên ý nghĩa của Lời Chúa vượt trên sự hiểu biết của mỗi người và mỗi thời đại, để ý nghĩa ấy cứ ngày càng sâu rộng thêm, dù vẫn không rời xa cốt lõi nơi bản văn, khiến mới cũ làm nên chỉ một dòng chảy, và đây là Truyền thống. Do đó mà Lời Chúa không bao giờ lỗi thời hay lạc hậu cả.
Xin lấy thí dụ ở Sáng thế thư về tạo thế (ch. 1 và 2). Kiến thức khoa học của ngôn sứ thời ấy đã che khuất một phần ý nghĩa thật sự và sâu xa của TK, rằng tất cả đều do TC mà có; riêng con người thì được chiếu cố đặc biệt. Vâng, TC của Stt. là thần duy nhất, và dù sấm sét cũng chỉ là tác phẩm của Ngài. Càng sâu xa hơn khi TK quả quyết, rằng TC tạo nên con người theo hình ảnh Ngài, giống như Ngài. Người ta có thể hiểu: Giống TC là do linh hồn hay do mặt tinh thần của chúng ta. Nhưng nay với mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, chúng ta mới phát hiện cái bề sâu không đáy của mệnh đề trên khi nhìn ra với thánh Thomas về cái khả năng phi thường, khả năng thuận nhận (potentia oboedientialis) nhờ đó loài người chúng ta có thể được Thiên Chúa hóa khi Ngài tự thông ban chính mình (auto-communication) cho ta trong ân sủng, nhất là khi chính Ngôi Lời TC, vâng, bản thân TC, có thể thành người y như chúng ta, lồng vào vừa khít con người Giêsu, để tất cả đặc tính TC có thể được chuyển thông sang cho con người Giêsu xã Nadaret (communication des idiomes) đó. Thật kỳ diệu, phi thướng, cái nhân tính của chúng ta!
Do tác động kéo dài của thần hứng, Lời Chúa vẫn sống trong lòng cộng đồng đức tin cùng với nội dung vừa không thay đổi ở những gì căn yếu, vừa luôn luôn mới qua khảo sát để gạt bỏ những lớp vỏ bên ngoài, qua suy tư để đào sâu và kết nối thành những phát hiện. Tuy Truyền thống nằm giữa cộng đồng đức tin nói chung, nhưng nó cô đặc trong giảng dạy của hàng giám mục kế vị các tông đồ (truyền thống giám mục), đồng thời trong tác phẩm của những ai sống đạo sâu xa mà trí khôn lại uyên bác (truyền thống ngôn sứ trong ngữ vựng Newman), nhất là vào thời gian đầu vốn cần thiết như điểm quy chiếu cho những thời đại tiếp theo. Những tác giả sống đạo sâu và uyên bác thuộc thời đầu nói trên được gọi là giáo phụ.
Tuy Truyền thống là căn bản ở thời đại giáo phụ, nhưng thần hứng -hay nếu bạn muốn, tác dộng kéo dài của ơn thần hứng- vẫn vươn xa đến mọi thời, cho mọi độc giả, khiến chúng ta phải nhìn nhận với Simon rằng Truyền thống vẫn tiếp tục, dù không căn bản nữa. Truyền thống càng phải tiếp tục nếu chúng ta nhìn Truyền thống theo cách nhìn của K. Rahner.
Rahner suy diễn Truyền thống từ tiếng gốc của nó là Paradosis, Traditio, tức sự Truyền trao (cho người đến sau).
Theo Rahner, phải nhìn sự Truyền trao ấy ở đỉnh tới và gốc nguồn của nó là sự Truyền trao chính mình của Thiên Chúa cho ta nơi Con Ngài thành người trong lịch sử:[16] Biến cố của hết mọi biến cố! Lời Chúa trước đó sở dĩ được truyền trao là để dọn đường cho Biến cố này. Cón Lời Chúa sau đó, trong thời đại tông đồ, chỉ là để khách quan hóa niềm tin Giáo hội ra. Biến cố Nhập thể (cùng với sự Cứu chuộc bằng Thánh giá và Phục sinh) sẽ được tái hiện và truyền trao trong thời gian mỗi khi ta dâng thánh lễ, qua đó Chúa đến với tôi và tác động vào tôi, như một biến cố cho tôi. Để rồi khi loan truyền Phúc âm, thì đây cũng không còn là một loan truyền chủ quan trong nội tâm, hay loan truyền một tư tưởng thuần trừu tượng. Bởi khi Giáo hội loan truyền Lời Chúa, Giáo hội truyền trao trong sự Truyền trao gốc và nền là việc Tự Truyền trao của bản thân Lời Thiên chúa khi Ngài thành người trong lòng Đức Maria, và chịu chết dưới thời Philatô tổng trấn. Và sự Truyền trao căn bản này vẫn tái tục hằng ngày và mãi mãi trong các cử hành bí tích.
Một khi Lời TC đã thành người, một lần cho mãi mãi như thế, thì lời TK cũng trở nên yếu tố lập thành (élément constitutif) của dấu hiệu cứu độ; và sự Truyền trao (bản văn TK cũng như ý nghĩa bản văn) hay Truyền thống phải được hiểu trong văn mạch của Biến cố TC thành người và cứu độ nói trên. Để rồi nếu Biến cố nói trên được hiện tại hóa mãi trong những cử hành huyền tích, thì sự truyền trao Lời Chúa (hay Truyền thống) cũng tiếp tục như thế mãi như biến cố sống động, để tất cả làm nên chỉ một Truyền thống hay Truyền trao cho cả bí tích lẫn Tin mừng. Sự Truyền trao nói đó luôn diễn ra trong Giáo hội tông đồ và từ Giáo hội cho thế giới. Vâng, Giáo hội chính là cộng đồng nghe và hấp thụ Truyền thống sống nói trên cho các thế hệ loài người suốt cho tới thế mạt.
*
Nếu hiểu Truyền thống và Thần hứng một cách khoáng đạt, sâu xa và sống động như thế, chúng ta có thể nhìn ra “ngón tay” Chúa Thánh Thần ở cả những suy tư thần học và thiêng liêng sau thời giáo phụ, do đó có thể chọn đưa một số những tác phẩm này vào đọc trong giờ Kinh sách của chúng ta, như giáo hội Pháp từng đã làm trong những tập “Lectures pour chaque jour de l’année”.
Và nếu hiểu rằng từ Kinh thánh, Chúa Thánh Thần vẫn làm việc nơi các tâm hồn sùng đạo, để “nối dài” thần hứng nơi tâm trí một số tài năng, khiến họ có thể sáng tác nên những thi ca tuyệt vời mà lại phù hợp với con người thời đại chúng ta (như nhiều bài thơ của Paul Claudel chả hạn), thì như tôi trộm nghĩ, chúng ta có thể chọn những bài hay mang vô dùng ngay cả trong Thần tụng, bên cạnh những thánh vịnh luôn. KTG thời đầu chưa có sẵn những kho tàng kinh nguyện riêng, nên phải dựa hoàn toàn vào kinh nguyện DTG. Cố nhiên, thánh vịnh là Lời Chúa, lại là những lời cầu lắm khi rất hay, nhưng một đôi thánh vịnh lúc đầu cũng chỉ là kinh dùng trong phụng tự dân ngoại, và rất nhiều thánh vịnh chỉ hướng về những nhu cầu trần thế, nên không đủ thỏa mãn lòng sùng đạo của khá nhiều người. Vả lại, đâu cứ phải có TK mới cầu nguyện được, dù đây là cầu nguyện chính thức của Hội thánh.
Cách đọc Lời Chúa bằng tâm
Tìm hiểu TK bằng lý hay chú giải khoa học là để gạn đục khơi trong, và để xem đâu mới là điều ngôn sứ thực sự nhắm trong niềm tin của mình. Mà nếu đây là điều ngôn sứ nhắm hay Thần khí nhắm nơi ngôn sứ, thì há chẳng phải tối cần cho ta sống đúng dức tin hay sao?
Có điều khi lấy lý mà xét, ta vẫn đặt TK đối diện với mình, một tư tưởng khách quan nên cũng là tư tưởng chết luôn. Để TK thành Lời Chúa nói với tôi, tôi phải đọc bằng tim, trong thái độ cầu nguyện, và đây là thần độc, lectio divina. Mà quả thực TC đã hướng về tôi khi nói cho tôi nghe qua ngôn sứ. Và nếu tôi tin mà nghe, thì thực sự Chúa đang nói trực tiếp cho tôi nghe, nói với tôi và nói từ sâu trong tôi.
Để được như thế, tôi phải để Chúa nói, nghĩa là để Chúa khiến tôi nghe Lời Chúa và hiểu Ngài. Nghĩa là cố đặt mình (hay buông mình) vào thái độ thụ tiếp và phó thác, cố mà như không cố chi cả. Trước thái độ ấy của tôi, Thần khí có thể vào cuộc hoàn toàn để sáng soi và thúc động êm ái từ sâu trong tôi. Và khi ấy trí tôi bỗng hừng sáng như I Nhã trên bờ sông Cardoner, và tâm hồn tôi biến đổi. Không phải là tôi biến đổi nữa, mà Lời Chúa biến đổi tôi, nhờ đó, nếu Phaolô cảm thấy : Tôi sống mà không phải tôi, nhưng Đức Kytô sống nơi tôi, thì lúc này chính tôi cũng có thể nói : Tôi sống mà không phải tôi, nhưng Lời Chúa sống trong tôi. Không phải chỉ vì ngôn sứ nói hay nên tác động tự nhiên vào tâm hồn tôi, nhưng còn vì xuyên qua lời ngôn sứ, Lời Chúa bằng sức ngôn tác (force il-locutoire) siêu nhiên riêng, đang tác động trực tiếp từ đức tin và đức ái thiên phú ở đáy linh hồn tôi.
Khi làm tôi hiểu Lời từ trong như thế, Lời Chúa cũng thành tấm gương như thánh Augustin nói, để nhìn vào gương này, tôi vừa thấy Chúa nơi tâm tình lành thánh của Ngài, vừa thấy tôi là gì và phải là thế nào trước sự soi rọi của Lời Chúa. Vâng, soi gương bằng Lời Chúa, tôi sẽ hiểu mình sâu xa và trở nên khiêm tốn, để rồi tin vào sức mạnh của Lời, tôi sẽ đắm mình trong cầu nguyện. Quả thật, Lời Chúa đầy uy lực có thể xuất hiện như “biến cố” với tôi, giống như Lời đang hiển lên thành thịt trước tôi, khiến tôi phải cụp mắt lại và quỳ gối xuống.
Một khi Lời Chúa vang lên từ bề sâu tâm hồn như thế, cũng từ bề sâu ấy Lời Chúa có thể vang ra ngoài, kết trái nơi những tác phẩm nghệ thuật hay sách thiêng liêng nơi những con người giầu năng khiếu. Khi ấy, có thể coi những tác phẩm này như hoa quả Lời Chúa, và người ta có thể thưởng thức Lời Chúa gián tiếp nơi đó. Và như thế có hai cách đọc Lời Chúa, trực tiếp từ TK và gián tiếp qua các sách thiêng liêng chẳng hạn.
Đối với ai muốn sống đức tin sâu xa, họ cần đến cách đọc trực tiếp trong khi vẫn nhờ đến các bài thuyết giảng và sách thiêng liêng như một hỗ trợ tốt cho cách đọc trên. Để TK đi sâu vào hồn, ta phải đọc trong tinh thần tôn kính và nguyện cầu, phải suy niệm cho thấm và trầm tư cho sâu. Làm sao để biến TK thành Lời sống, Lời Chúa nói trực tiếp với tâm hồn tôi! Làm sao để xuyên qua những gì Chúa nói và làm tôi đọc thấy trong TK, tôi hiểu được chính tâm tư của Chúa!
Để TK thấm sâu hơn, tôi có thể dùng một số câu làm như ngạn ngữ mà nhẩm đi nhẩm lại khi có thì giờ. Và dùng một số câu làm phương châm hành động để mang Tin mừng vào đời sống, rồi vấn tâm hằng ngày xem đã thực thi đến đâu. Và đây là cách hợp tác với Lời Chúa để Lời Chúa từ trong tác động ra. Vâng, Lời Chúa không chỉ để đọc, mà để sống trước hết!
Dĩ nhiên là bắt đầu, tôi phải cố : cố đọc, cố hiểu và cố sống. Nhưng rồi đến một giai đoạn nào đó, khi đã sống đức tin sâu xa, tôi phải đi vào thái độ lắng nghe nhiều hơn, để khi Thánh Thần trực tiếp vào cuộc, Ngài sẽ thanh tẩy tôi bằng đêm tối (nuits obscures) khi tôi vẫn đọc mà không còn hiểu, còn cảm xúc gì nữa. Đây là lúc Ngài cho tôi hiểu rằng : công việc sống Lời là do Ngài chứ không phải do tôi. Việc của tôi sau đó không còn phải là đọc, hiểu và sống nữa, nhưng là buông mình theo Thần khí, để bằng một thứ “thần hứng” nào đó, Ngài khiến tôi đọc, hiểu và sống nghiệm Lời. Lời khi ấy sẽ có một hương vị khác hẳn trước. Được Thần khí tôi luyện và rèn đúc trong khuôn Lời Chúa như thế, tôi sẽ sớm thành một hóa thân Chúa Giêsu Kytô : (Ngôi Lời) đã “kéo dài” sự Nhập thể của Ngài nơi tôi!
Một vài mẫu hoa quả Lời Chúa :
GỌI NGÀI BẰNG CHA
Chiều nay êm lắng, con xin trò truyện với Chúa trong an bình và tin tưởng. Con Chúa cho con biết Chúa là Cha, đúng Cha, bảo đừng kêu Ngài bằng danh xưng nào khác. Bởi Cha chỉ là Cha, thế thôi.
Vậy thưa Cha, con đến nói với Cha, một cách đơn thành, rằng con là con Cha. Nói nghiêm túc đấy, nhưng con lại muốn cười, muốn hát thật to lên. Làm con Cha ư, sung sướng biết bao nhiêu ! Thế nhưng, đây mới là điều nghiêm trọng : Cha yêu con nhiều quá, mà con thì yêu Cha mới tí ti.
Cha ơi ! Muốn gì con, xin Cha cứ làm. Con đến thi hành ý Cha đây, ý của Cha đó. Ý ấy, theo con biết, là để con nên giống vị Con duy nhất của Cha, cũng là Anh lớn nhất của con, người Anh đã nói với con rất nhiều về Cha. Cha muốn con đi con đường của Người, con biết vậy, và con xin tuân ý Cha.
Cha ơi, con không đủ sức đâu, nhưng con có sức của Cha rồi. Này con đây, hãy đẽo gọt con đi, cả cưa và chặt nữa. Cứ việc nhấc con lên hay bỏ mặc con đó. Không bao giờ con sẽ làm nhục Cha vì sợ sệt hay nghĩ rằng Cha đã quên con. Và nếu con cảm thấy thập giá quá nặng và mắt con tối sầm, thì ít ra con vẫn có thể nhắc đi nhắc lại không ngơi ngớt rằng con tin vào tình Cha, thuận theo ý muốn của Cha.
Con muốn chung chén với Con Cha, xin đừng từ chối con, Cha nhé… Nhưng đời nào Cha lại chối từ, Cha nhỉ, bởi đấy là ý Cha mà. Con đây, thưa Cha, con không thôi làm phiền Cha, mà Cha cũng không thôi thứ tha. Còn nói về yêu, thì con xin hàng Cha đấy, Cha ạ. . . Mà không, Cha sẽ ban chính tình yêu của Cha cho con, chính Tình yêu viết hoa của Cha đó, và đó là Con Cha, và nhờ thế, con sẽ làm được mọi cái.
Lạy Chúa và Cha của con, này đây cuộc sống con, xin mặc Cha làm chi nó thì làm, để sao biến được nó thành cuộc sống Giêsu Kytô. Nhưng cha không thể cản, dù Cha sai con đi đến đâu, dù buồn hay vui, yếu đau hay mạnh khoẻ, chịu sỉ nhục hay được cưng chiều, vâng dù thế nào chăng nữa, Cha cũng không ngăn nổi Thần khí Cha gào lên trong con, réo gọi tình Cha cho anh chị em con, những người chưa nhận ra Cha là Cha của mình. Vâng thưa Cha, đây sự sống của con, xin dâng Cha đó : Hãy cho con những người em, để con mang trao lại cho Cha.
(Phỏng dịch P. Lyonnet,. Ecrits spirituels )
XIN TINH THẦN PHỤC VỤ
Chúa đến để hầu, chứ không để được hầu. Xin cho con mau mắn giúp người, mà chẳng để người lụy con hay xấu hổ vì thế.
Xin cho con hết lòng với trần thế, với những gì dù nhỏ bé hay tầm thường hơn cả. Xin cho con biết quan tâm đến những ai mà chẳng ai buồn để tâm. Và cũng cho con biết đợi chờ, biết lắng nghe, biết im lặng.
Xin khiến con nhỏ bé và nghèo hèn, đủ cho người ta cũng có thể thương hại con.
(Phỏng theo Lectures pour chaque jour de la semaine,t.VI )
NGƯỜI NGƯỜI BỚT KHỔ
Xin cho con chỉ biết một nỗi buồn là khiến ai đau đớn,
một niềm vui là bớt khổ cho người.
Và để người người bớt khổ, xin cho con đủ sự hiền từ,
để thà tỏ ra yếu đuối, chẳng thà để anh em tủi phận, buồn thân.
Xin cho con tinh thần ngay thẳng,
để thà chịu phiền mình chứ không nghĩ xấu cho ai hết.
Xin cho con lòng đơn sơ,
để khỏi nên gánh nặng cho xung quanh.
Xin cho con thái độ ân cần,
để sống cởi mở dù với người tị hiềm hay ghen ghét.
Xin cho con lòng khiêm tốn,
để khỏi đanh cứng trước chống đối,
trước phê bình nóng vội,
trước thủ đoạn không ngay thẳng.
Xin cho con lòng khoan dung để nén chịu những vị kỷ, hẹp hòi.
Xin ban ý chí kiên cường,
để con vững tiến dù trong lao nhọc hay giữa sự vô ơn.
Xin ban đức nhẫn nại,
để anh em được vui vẻ dù với yếu đuối và khiếm khuyết của mình.
Xin ban thái độ vui tươi,
để quanh con không ai thất vọng hay thối chí.
Xin đừng để con phê bình vô căn cứ,
nhưng phê phán nhân từ.
Xin đừng để con dễ tin điều xấu về người khác,
nhất là đừng nhắc lại cho người khác nghe.
Trái lại, xin cho con biết lắng nghe,
biết cảm thông và tha thứ
CHO ANH EM ĐỠ KHỔ PHẦN NÀO !
(Phỏng theo Lectures poue les jours de la semaine t.VI,tr.122)
[1] Danh sách chính thức Kinh thánh
[2] Về vụ án Galilei, xx. Hoành sơn, Tín lý tinh yếu, tr.85tt.
[3] Xx. sđd., tr. 21tt.
[4] Duy tâm, idealism, do chữ idea=ý tưởng được coi như lý tưởng (ideal) mà thực tại phải mô phỏng theo. Chứ Duy tâm không có liên quan gì đến thần thánh và tôn giáo, như một số người lầm tưởng.
[5] Xx. H. Waldenfels, Manuel de théologie fondamentale, Cerf, 1990, tr. 98-106.
[6] Về ba nhà chú giải nói trên, tôi dựa vào P. Gibert, La différenciation moderne de la lecture biblique, trong tạp chí Recherches de science religieuse, janv.-mars 2004, tr. 100-112.
[7] Xx. B. Sesboúe, La canonisation des écritures et la reconnaissance de leur inspiration, Recherches de science religieuse, tr. 31-33.
[8] Xx. Rahner, Theological investigations VI, tr. 111.
[9] Dĩ nhiên, tiếng nói của Đức Mẹ không vang đến từ ngoài, mà do một tác dộng vào thính giác hay óc tưởng tượng nó đã khiến cho Bernadette nghe thấy như từ bên ngoài, và nghe bằng chính tiếng thổ ngữ của mình.
[10] Những mạc khải Lucia tiếp nhận ở Fatima cũng thuộc loại ấy.
[11] Récit, DDB., 1988, tr. 88-89.
[12] Có vẻ như sự hỗ trợ TC dành cho quy điển hóa càng bớt sâu hơn khi thư Barnabê ví thất lạc lâu nên bị lọt sổ, trong khi thư 2 Phêrô (không phải của Phêrô), có lẽ được viết mấy chục năm sau các tông đồ, lại thuộc danh sách quy điển.
[13] Chính Ngài cũng nói như thế trong Mt.5.43-47.
[14] Xx. Hoành Sơn, Vấn đề Đối thoại tôn giáo, Ra khơi, 1972, tr. 26-27.
[15] Sđd., tr. 30-31.
[16] Xx. Scripture and Tradition, trong Theological investigations tập VI, tr.100-103.

http://dongten.net/noidung/9349

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét