Đúc kết về lối đọc Kinh Thánh duy văn tự (17)
VRNs (06.02.2013) – Trong bài diễn văn chuẩn nhận văn kiện Việc Giải Thích Kinh Thánh Trong Hội Thánh (VGTKTTHT), ĐGH Gioan Phaolô II diễn tả nỗi lo lắng của ngài về công việc giải thích Kinh Thánh hiện nay. Nguyên nhân là vì mỗi cách lối giải thích Kinh Thánh đều có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống mỗi cá nhân và toàn thể Hội Thánh. Nếu cách lối giải thích đúng đắn thì rất có ích lợi. Ngược lại thì rất nguy hiểm, ví dụ lối đọc Kinh Thánh duy văn tự (fundamentalism) đây. ĐGH giải thích: “’Sức mạnh và quyền năng chứa đựng trong Lời của Thiên Chúa rất lớn đến độ trở thành điểm tựa đầy năng lực cho Hội Thánh và là sức mạnh của đức Tin, lương thực của linh hồn, nguồn sống thiêng liêng tinh tuyền và trường tồn cho con cái của Hội Thánh’ (Dei Verbum, 21). Cách giải thích các bản văn Kinh Thánh cho những con người nam nữ đang sống trong thời đại hôm nay có những hệ quả trực tiếp đối với mối quan hệ của họ, cá nhân cũng như cộng đoàn, với Thiên Chúa, đồng thời cũng liên quan chặt chẽ với sứ mạng của Hội Thánh.”
Đúc kết về lối đọc Kinh Thánh duy văn tự
Theo văn kiện VGTKTTHT, khi chỉ biết có nguyên tắc “sola scriptura” (duy Kinh Thánh),[1] chủ trương duy văn tự tách việc giải thích Kinh Thánh ra khỏi truyền thống được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, một truyền thống được khai triển thực sự gắn liền với Sách Thánh giữa lòng cộng đoàn đức Tin. Vì thế, chủ trương này thường chống lại Hội Thánh. Chủ trương này tự coi mình như là một hình thức giải thích riêng tư, không nhìn nhận Hội Thánh được đặt nền trên Kinh Thánh và kín múc sự sống và thần hứng từ Sách Thánh.[2]
Lối đọc Kinh Thánh duy văn tự nguy hiểm, vì nó hấp dẫn đối với những con người đang tìm kiếm những câu trả lời có sẵn của Kinh Thánh cho những vấn đề của cuộc sống.[3] Nó có thể đánh lừa họ khi đem lại cho họ những cách giải thích đạo đức nhưng lại là ảo tưởng hão huyền, thay vì nói cho họ biết rằng Kinh Thánh không nhất thiết chứa đựng một câu trả lời trực tiếp cho mỗi vấn đề như thế. Chủ trương duy văn tự đưa tới một hình thức tự sát của tư tưởng, dù không cần phải tuyên bố rõ ràng như thế. Nó đưa vào trong đời sống một xác tín giả dối, bởi vì nó vô tình lẫn lộn những giới hạn của con người trong sứ điệp Kinh Thánh với bản chất thần linh của sứ điệp ấy.[4]
Những người chủ trương duy văn tự đã không thấy được rằng chính thái độ lo lắng rất đáng khen của họ, muốn hoàn toàn trung thành với Lời Chúa, thực ra lại đang đẩy họ vào những con đường khiến họ lìa xa ý nghĩa đích thực của bản văn Kinh Thánh, cũng như không thể chấp nhận trọn vẹn những hệ luận của mầu nhiệm Nhập Thể. Lời Vĩnh Cửu đã nhập thể trong một giai đoạn lịch sử nhất định, trong một môi trường xã hội và văn hóa nhất định. Ai muốn nghe được Lời phải khiêm tốn tìm kiếm Lời ở bất cứ nơi nào Lời để cho ta lĩnh hội được, bằng cách chấp nhận sự trợ giúp của tri thức nhân loại. Để nói với những con người, nam cũng như nữ, ngay từ thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã vận dụng mọi khả năng ngôn ngữ nhân loại có thể có, nhưng đồng thời Người cũng chấp nhận để cho lời của Người phải lệ thuộc vào mọi điều kiện của thứ ngôn ngữ đó. Tôn trọng thật sự sách đã được linh hứng là huy động mọi nỗ lực cần thiết để có thể thấu triệt được ý nghĩa của Sách Thánh.[5]
LM. JM. Mười Một, CSsR
[1] Trong quá trình phát triển, lối đọc Kinh Thánh duy văn tự đã bao gồm nhiều nhóm khác biệt và phức tạp. Văn kiện VGTKTTHT không có ý đánh đồng tất cả. Văn kiện chỉ muốn nói rằng lối đọc duy văn tự bám chặt nguyên tắc “duy Kinh Thánh.” Vì vậy, dù “duy Kinh Thánh” là một trong những nguyên tắc của anh em Tin Lành, nhưng ở đây, cũng như trong toàn bộ, văn kiện không có ý tranh luận sự khác biệt giữa Công giáo và Tin Lành trong việc giải thích KinhThánh. Tuy vậy, vấn đề cũng không dễ gì tránh khỏi. Dù sao, văn kiện chỉ có ý xem xét phương pháp giải thích Kinh Thánh của Công giáo trong tương quan với các phương pháp giải thích khác hiện nay, chứ không ám chỉ anh em Tin Lành.
“Duy Kinh Thánh” có nghĩa là lối đọc Kinh Thánh duy văn tự chỉ chấp nhận Kinh Thánh là thẩm quyền duy nhất về những gì Thiên Chúa nói và muốn. Hệ luận suy ra từ nguyên tắc này là: 1/ Kinh Thánh chứa đựng tất cả những gì bạn cần biết. Không cần bổ sung cho Kinh Thánh những giáo thuyết hoặc tín điều khác. 2/ Kinh Thánh dạy chính xác điều muốn nói. Không cần có một trung gian bên ngoài nào để giải thích (Hội Thánh chẳng hạn); giáo huấn của Kinh Thánh tự sáng tỏ đầy đủ. Ý nghĩa nằm ở chính mặt chữ, bất cứ ai đọc cũng hiểu. 3/ Kinh Thánh là Lời Chúa nên không có sai lầm nào, ngay cả về khoa học lịch sử. 4/ Thẩm quyền luân lý của Kinh Thánh vẫn có hiệu lực cho mọi thời. 5/ Năng lực tiên tri của Kinh Thánh hướng chỉ trực tiếp đến thời đại của chúng ta, bất kể khung cảnh lịch sử nguyên thủy của nó như thế nào. X. Witherup, Tiếp Cận…, 51-3.
[2] Sách Thánh, nhất là Tân Ước, dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, đã ra đời từ lòng lịch sử của các cộng đoàn với những nhu cầu cụ thể. Cha Daniel J. Harrington gọi mối dây liên kết giữa Sách Thánh với cộng đoàn Hội Thánh là “cộng sinh” (symbiotic). Vì vậy, không thể hiểu Kinh Thánh đúng đắn nếu không hiệp thông với Hội Thánh.
[3] Vì tạo cho người đọc một cảm giác đơn giản dễ hiểu, lối đọc Kinh Thánh duy văn tự ngày càng thu hút nhiều người. Theo cha Witherup, lối đọc này “hấp dẫn” nhiều người vì sáu lý do: 1/ Vì chính bản thân Kinh Thánh. 2/ Nét cá nhân trong đức Tin, vốn thường ít thấy nơi Công giáo. 3/ Nhấn mạnh kinh nghiệm Thiên Chúa cách trực tiếp trong đức Tin. 4/ Khía cạnh tâm lý: Cung cấp sự an toàn và chắc chắn trong một thế giới ngày càng bất an và bất ổn. Chủ trương duy văn tự như một chiếc túi chứa đựng những câu hỏi và trả lời. Ai cần gì đều tìm thấy ngay, không chút khó khăn. 5/ Lý do xã hội: Tạo nên một nhóm “mạnh.” 6/ Cảm thức cộng đoàn cao. X. Tiếp Cận…, 107-18.
[4] Các tác giả nhân loại có nhiều lý do để viết Kinh Thánh nhưng nhìn chung là lý do tôn giáo. Thiên Chúa cũng muốn Kinh Thánh được viết ra nhằm mục đích tôn giáo, đó là bày tỏ chính Người và ơn cứu độ cũng như mời gọi con người bước vào sống hiệp thông với Người (x. Dei Verbum, 11). Dù Kinh Thánh ghi lại những sự kiện thật sự đã xảy ra, nhưng thông thường, các tác giả Kinh Thánh chủ yếu muốn chuyển tải một sứ điệp tôn giáo hoặc luân lý hơn là chi tiết chính xác từng sự kiện đó. Vì vậy, sẽ là sai lầm nếu không lưu ý đến sứ điệp tôn giáo mà đòi hỏi sự chính xác lịch sử theo não trạng hiện đại hôm nay trong các bản văn Kinh Thánh cổ xưa.
[5] Sau cùng, trong khi ngành giải thích Công giáo tiếp cận Kinh Thánh cách quân bình, nghĩa là vừa tôn trọng khía cạnh tri thức con người vừa tôn trọng khía cạnh mầu nhiệm của Thiên Chúa, thì lối đọc Kinh Thánh duy văn tự dường như thiếu tôn trọng khía cạnh mầu nhiệm. Lối đọc duy văn tự cho rằng họ có thể biết tuyệt đối chắc chắn thánh ý của Thiên Chúa, nhất là trong Kinh Thánh. Nhưng cách biện phân thánh ý Thiên Chúa thì không luôn luôn đơn giản như họ nghĩ. Thật ra, khi đọc Kinh Thánh, trên hết, các tín hữu đang tiếp cận một mầu nhiệm lớn lao. Khi đó, có những lúc chúng ta phải nhìn nhận giới hạn của con người và cậy dựa vào ân sủng của Thiên Chúa. Nhiều khi chúng ta phải nhìn nhận rằng thánh ý Thiên Chúa vẫn là một mầu nhiệm và chúng ta phải chờ đợi những vén mở khác nữa của mầu nhiệm ấy. X. Witherup, Tiếp Cận…, 134.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét