Trang

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Lời Chúa Mỗi Ngày Thứ Năm Tuần 21 TN1




Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 21 TN1

Bài đọc: I Thes 3:7-13; Mt 24:42-51.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải luôn biết kiên trì tập luyện.

Nhiều người hay có khuynh hướng "để ngày mai," vì nghĩ họ còn nhiều thời gian để làm. Tục ngữ Việt-nam có rất nhiều câu để diệt trừ thái độ này: "Việc gì có thể làm hôm nay, đừng để lại ngày mai;" "đừng đợi nước đến chân mới nhảy;" "không biết lo xa, sẽ có buồn gần." Khuynh hướng này còn nguy hiểm hơn nữa, và được ma quỉ áp dụng để tước đoạt linh hồn con người: Các tín hữu, nhất là người trẻ, thường nghĩ mình còn cả cuộc đời để chuẩn bị cho Ngày Phán Xét, nên cứ việc ăn chơi thả giàn; đợi khi nào về già rồi sẽ tính chuyện ăn năn trở lại cũng không muộn. Hơn nữa, Thiên Chúa là Cha rất nhân lành, chỉ cần ít phút trở lại trên giường bệnh cũng đủ để vào Thiên Đàng, như trường hợp người trộm lành trên thập giá. Biết bao nhiêu người có thái độ này đã phải hư đi, vì: Thứ nhất, họ không biết ngày giờ nào là ngày tận thế của họ, thực tế dẫn chứng nhiều người đã chết khi tuổi vẫn còn trẻ. Thứ hai, một khi đã ở quá lâu trong vũng lầy của tội lỗi, họ không còn muốn thoát ra, và cũng không còn sức để vượt thoát được nữa.

Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta hai câu truyện để dạy chúng ta luôn phải biết kiên trì tập luyện trong khi chờ đợi Ngày Chúa đến. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô dẫn chứng bằng chính cuộc đời của mình. Ngài tìm đủ mọi cách để khuyên nhủ, dạy dỗ, và cầu nguyện cho các tín hữu Thessalonica để họ có thể bền vững trong đức tin, và trở nên tinh tuyền thánh thiện, để xứng đáng ra đón Đức Kitô trong Ngày Quang Lâm. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dẫn chứng bằng một câu truyện của một người chủ trao bổn phận cho người đầy tớ trước khi đi xa. Ông sẽ trở lại vào ngày giờ mà người đầy tớ không ngờ, và ông sẽ thưởng hay phạt tùy theo những gì ông tìm thấy nơi người đầy tớ. Mẹ Monica cũng hết sức lo lắng đến lo phần hồn cho hết mọi người trong gia đình.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Phải chuẩn bị sẵn sàng cho Ngày Quang Lâm.

1.1/ Người tín hữu luôn hướng về Ngày Quang Lâm: vì đây là mục đích của cuộc đời. Thánh Phaolô nói rõ: "Xin Chúa sẽ cho anh em được bền tâm vững chí, được trở nên thánh thiện, không có gì đáng chê trách, trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Giêsu, Chúa chúng ta, quang lâm cùng với các thánh của Người." Hai mục tiêu mà thánh Phaolô muốn các tín hữu ra sức tập luyện để có được:

(1) Bền tâm vững chí trong đức tin: Đức tin người tín hữu có được trong ngày lãnh nhận Bí-tích Rửa Tội chỉ là một hạt giống. Các tín hữu cần luyện tập để làm cho hạt giống đức tin lớn lên thành cây và sinh hoa kết trái. Đức tin không bao giờ được coi là một hành động thuần tri thức hay trong một lúc; nhưng phải biểu tỏ bằng hành động trong suốt cuộc đời, để vượt qua hết mọi cám dỗ và thử thách trong cuộc đời.

(2) Trở nên tinh tuyền thánh thiện: Người tín hữu chuẩn bị tâm hồn bằng cách khử trừ hết mọi tính hư nết xấu trong con người, và luyện tập để có được mọi đức tính cần thiết như Thiên Chúa, Đấng tốt lành và thánh thiện.

1.2/ Người tín hữu luôn biết trau dồi tập luyện trong thời gian hiện tại: Người tín hữu không phải là người mà đầu óc chỉ mơ mộng lên Thiên Đàng, nhưng thân thể dính chặt trên giường. Trái lại, họ phải biết lo toan tập luyện làm sao để đạt được hai mục tiêu trên. Nhìn những gì thánh Phaolô lo lắng cho các tín hữu, chúng ta nhận ra những bài học quan trọng sau đây:

(1) Lo lắng tận tình cho những người mình có trách nhiệm, để họ có được một đức tin vững mạnh. Ngài viết: "Thưa anh em, vì anh em có lòng tin, nên khi nghĩ đến anh em, chúng tôi được an ủi giữa mọi thống khổ gian truân chúng tôi phải chịu. Phải, chúng tôi sống được đến giờ này là nhờ anh em đứng vững trong Chúa." Niềm vui ngài có được là nhìn thấy họ lớn lên trong Chúa: ''Chúng tôi biết nói gì để tạ ơn Thiên Chúa về anh em, vì tất cả niềm vui mà nhờ anh em, tôi có được trước nhan Thiên Chúa chúng ta."

(2) Cầu nguyện để xin Chúa bổ túc những gì còn thiếu sót: Đã là người, ai cũng có khuyết điểm và thiếu sót. Thánh Phaolô biết có cố gắng bao nhiêu cũng không đủ cho các tín hữu trở nên trọn lành; vì thế, ngài trông vào lời cầu nguyện: "Đêm ngày chúng tôi tha thiết nài xin Chúa cho được thấy mặt anh em và bổ túc những gì còn thiếu trong đức tin của anh em."

(3) Năng liên lạc và thăm viếng để khích lệ tinh thần: Người lãnh đạo tinh thần: cha mẹ, người đỡ đầu, cha xứ ... có bổn phận phải chăm nom đức tin cho những người mình có bổn phận trong suốt cuộc đời, chứ không phải chỉ trong ngày Rửa Tội, hay trong những năm tháng mà họ thuộc quyền mình mà thôi. Thánh Phaolô luôn tìm cơ hội trở lại để thăm viếng và khích lệ tinh thần các cộng đòan ngài thành lập; khi không thể đến được, ngài dùng thư từ để hỏi han và khích lệ.

(4) Làm cho đức ái phát triển và ngự trị trong cộng đoàn: Bác ái là một đặc tính tối quan trọng của các Kitô hữu; vì thế, thánh Phaolô khuyên: ''Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết, cũng như tình thương của chúng tôi đối với anh em vậy."

2/ Phúc Âm: Phúc cho đầy tớ khôn ngoan và trung tín.

2.1/ Người chủ của đầy tớ sẽ trở về: Khi người chủ ra đi là sẽ có ngày trở về; khi Thiên Chúa cho chúng ta vào thế gian sinh sống là sẽ có ngày chúng ta sẽ về với Ngài. Ai cũng biết chắc chắn sẽ có ngày đó, nhưng không ai biết khi nào ngày đó sẽ xảy ra.

(1) Phần thưởng cho đầy tớ khôn ngoan và trung tín: Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: "Vậy thì ai là người đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà ông chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cấp phát lương thực cho họ đúng giờ đúng lúc? Phúc cho đầy tớ ấy nếu chủ về mà thấy anh ta đang làm như vậy. Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình." Theo truyền thống Do-thái, quản gia hay đầy tớ trưởng là người trông coi mọi việc trong nhà, anh thay chủ khi chủ vắng nhà, và có toàn quyền trên mọi gia nhân trong nhà. Người quản gia khôn ngoan và trung tín là người làm mọi việc xuôi chảy dù có hay vắng mặt chủ nhà, anh được chủ tin cậy và trao hết mọi tài sản của chủ.

(2) Hình phạt cho đầy tớ dại dột và bất trung: "Chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không chờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt chung số phận với những tên giả hình: ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng."

2.2/ Thái độ của tên đầy tớ bất trung.

(1) Ngày về của chủ còn dài: Tên đầy tớ xấu xa ấy nghĩ bụng: "Còn lâu chủ ta mới về,"
thế rồi hắn bắt đầu đánh đập các đồng bạn, và chè chén với những bọn say sưa. Chủ hắn trở về vào lúc hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và hắn sẽ phải lãnh nhật mọi hình phạt cho kẻ bất trung.

(2) Không dễ dàng để ăn năn trở lại: Một người học sinh biết khó khăn thế nào khi tới kỳ thi cuối khóa mới bắt đầu học; một người lực sĩ biết khó khăn thế nào để thi đấu khi thân thể đã phì nộm ra. Cũng thế, một tín hữu đã dấn sâu quá vào tội lỗi, vào tứ đổ tường sẽ biết khó khăn thế nào để khử trừ việc nghiện ngập. Thói quen xấu sẽ càng ngày càng nhiều ra đến độ khi biết tỉnh thức muốn thoát ra thì đã quá muộn màng. Lúc đó, chỉ còn biết bằng lòng với số phận.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải luôn biết chuẩn bị cho Ngày Phán Xét bằng cách làm cho đức tin luôn tăng trưởng, khử trừ mọi tính hư nết xấu, và luyện tập nhân đức để ngày càng thánh thiện hơn.

- Chúng ta phải cố gắng hết sức để hòan tất sứ vụ Chúa trao: phải ra sức lo lắng cho những người chúng ta có trách nhiệm có một đức tin vững chắc và một cuộc sống thánh thiện.


Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét