Trang

Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

Tìm hiểu cách đọc Kinh Thánh (26)




Tìm hiểu cách đọc Kinh Thánh (26)




– NGHĨA SUNG MÃN (TRỌN, ĐẦY ĐỦ)
Trong quyển Thiên Chúa Và Trần Thế (Phạm Hồng Lam dịch), Peter Seewald đã nói với ĐGH Bênêđictô XVI rằng khi đọc Kinh Thánh, người ta bắt gặp những câu truyện có ích cho cuộc sống, nhưng cũng gặp vô số truyện đầy mâu thuẫn.
ĐGH trả lời: “Tôi chỉ hiểu Kinh Thánh như là Lời Chúa khi đọc nó trong sự lôi cuốn của cái nhất thống, của cái toàn thể, chứ không phải đọc từng chữ. Đó là một cái gì rất nền tảng và rất gay cấn. Kinh Thánh vì thế chứa đựng nhiều truyện mâu thuẫn hoặc chắc chắn hào hứng, bởi vì, trước mắt ta, đức tin được trình bày như là một hệ thống chưa hoàn chỉnh. Kinh Thánh không phải là sách giáo khoa về Chúa nhưng chứa đựng những hình ảnh mở ra những cái nhìn đang phát triển, và qua đó cho thấy một lịch sử đang được hình thành.”
ĐGH nói tiếp: “Tôi chỉ hiểu Kinh Thánh như là Lời Chúa, nếu khi đọc, tôi biết nối cái này với cái kia, biết dùng hình ảnh này để sửa hình ảnh kia. Nếu khi đọc, tôi không đặt những hình ảnh đó trong liên quan với cuộc sống phúc âm, thì tôi chỉ đọc những câu truyện lịch sử mà thôi. Dĩ nhiên các câu truyện đó có những trạng huống đặc biệt, nhưng chúng cũng chỉ là những câu truyện riêng rẽ – và đó không hẳn bao giờ cũng là Lời Chúa trực tiếp.”
Peter thêm: “Có người cho rằng Kinh Thánh chứa đầy bạo tàn, thiếu độ lượng. Họ đếm được 250 chỗ nói tới việc tiêu diệt kẻ thù. Mặt khác, một thầy dòng già nói càng đọc Kinh Thánh, cuộc sống thường nhật của ta càng thay đổi, tiến về hướng tốt đẹp hơn.”
ĐGH trả lời: “Đúng, tôi cũng muốn nói như thế. Một mặt, Kinh Thánh quả là tấm gương phản chiếu lịch sử, nhưng mặt khác, nó cũng là con đường dẫn đưa từng người tiến về ánh sáng. Khi tôi đọc Kinh Thánh trong tư thế hướng về Đức Kitô, cũng như khi người Do-thái đọc nó với tinh thần vô tư và tin tưởng, lúc đó Kinh Thánh có sức biến đổi. Nó đưa tôi vào phong cách của Đức Kitô, chỉ ra cho tôi ý nghĩa cuộc đời và làm chính tôi biến đổi.”
Những lời trên của ĐGH giúp các tín hữu hiểu một điều quan trọng: “Lời Chúa” không luôn luôn thuần túy chỉ là chữ viết trên trang giấy, nhưng là một tổng thể những lời và hành động yêu thương của Thiên Chúa trải dài trong dòng lịch sử cứu độ, được ghi lại trong Sách Thánh, và Lời ấy nuôi dưỡng đời sống các tín hữu. Nếu các tín hữu không biết cách đọc Kinh Thánh thì Kinh Thánh chẳng thể trở thành “thần lương” cho họ.
Bài này xin được so sánh việc đọc Kinh Thánh như một “nghệ thuật ẩm thực” của đức tin. Tương tự thành phần dinh dưỡng trong các bữa ăn thay đổi khác nhau, thành phần “dinh dưỡng” của các “bữa ăn” Thiên Chúa ban trong Kinh Thánh cũng không như nhau, có “bữa ăn nhẹ” chưa đủ chất dinh dưỡng, có “bữa ăn chính” đầy đủ chất dinh dưỡng hơn. Các tín hữu nên biết nhận ra những hạn chế của “bữa ăn nhẹ”, để ăn tiếp “bữa ăn chính” là những mạc khải đã phát triển đầy đủ, là Lời được căng phồng lên tròn đầy dọc theo bước tiến của mạc khải. “Bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng” đó chính là nghĩa sung mãn (trọn, đầy đủ).[1]

Định nghĩa
Nghĩa sung mãn (trọn, đầy đủ) là một nghĩa sâu hơn của bản văn, được Thiên Chúa muốn có nhưng không được tác giả nhân loại diễn tả rõ ràng.

Nền tảng
Nền tảng thần học – Ơn linh hứng: Có thể coi nghĩa này là một cách thế khác để nêu lên nghĩa thiêng liêng. Nghĩa này có nền tảng trong sự kiện Chúa Thánh Thần, tác giả chính của Kinh Thánh, có thể hướng dẫn tác giả nhân loại chọn lựa các cách diễn tả sao cho các cách diễn ta này nói lên một chân lý mà chính tác giả cũng không thấu triệt được trọn vẹn chiều sâu của chúng. Chân lý này, theo dòng thời gian, được mạc khải trọn vẹn hơn, một đàng nhờ những việc Thiên Chúa thực hiện sau này biểu lộ rõ hơn ý nghĩa của bản văn, đàng khác nhờ vào các bản văn được đưa vào Thư Quy Sách Thánh.
Nền tảng ngôn ngữ học – Khía cạnh năng động của bản văn: Nhờ sự tiến triển của mạc khải và Thư Quy, một bối cảnh mới được thiết lập. Bối cảnh mới này làm xuất hiện những khả năng tiềm tàng của ý nghĩa mà bối cảnh nguyên thủy vẫn còn để trong bóng tối.

Tiêu chuẩn để xác định nghĩa sung mãn
Không được lẫn lộn nghĩa sung mãn (trọn, đầy đủ) với những giải thích chủ quan tùy tiện do trí tưởng tượng hoặc lý luận thuần túy tạo ra. Có hai tiêu chuẩn để xác định:
- Nghiên cứu một bản văn Kinh Thánh dưới ánh sáng của những bản văn khác hoặc những truyền thống giáo lý uy tín đã sử dụng bản văn ấy (x. các ví dụ ở mục dưới).
- Nghĩa sung mãn phải thuần nhất với nghĩa đã được tác giả loài người diễn tả trong bản văn viết của họ (= nghĩa văn tự). Nếu không, phải loại bỏ giải thích đó. Ví dụ khi thánh Âugustinô khai triển dụ ngôn người Samari nhân hậu thành một phúng dụ về sự sa ngã của loài người thì giải thích đó không thuần nhất với nghĩa văn tự của bản văn Kinh Thánh. Đó không phải là nghĩa sung mãn của bản văn Kinh Thánh này.

Các dạng thức của nghĩa sung mãn
Hai loại nghĩa sung mãn (trọn, đầy đủ) quan trọng nhất:
- Loại thứ nhất liên quan đến một số bản văn trong Cựu Ước, nhất là các Thánh Vịnh và các sách Ngôn sứ: Trước kia người ta thường nghĩ rằng các tác giả nhân loại thấy trước mọi chi tiết liên hệ đến Chúa Kitô. Ngày nay các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng các tác giả thời Cựu Ước quan tâm đến thời đại của họ chứ không quan tâm đến tương lai xa xôi; họ không hiểu biết các chi tiết về tương lai của chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Ví dụ: các đoạn miêu tả người tôi tớ trong 2 Isaia, con người đau khổ trong Tv 22, vị vua được xức dầu trong Tv 2 và 110, tất cả xem ra có liên hệ trực tiếp tới hoàn cảnh đương thời hơn là chủ ý nhắm tới một tương lai xa xôi. Nhưng bởi vì các tín hữu về sau đã hiểu chương trình của Thiên Chúa nên các đoạn ấy mặc lấy ý nghĩa đầy đủ hơn khi chúng được đọc lại dưới ánh sáng cuộc đời của Đức Giêsu thành Nadarét.
- Loại nghĩa sung mãn thứ hai, thường được gọi là nghĩa sung mãn tổng quát liên hệ tới lãnh vực thần học Kinh Thánh: những đoạn cá biệt của một quyển sách mặc lấy ý nghĩa sâu sắc hơn khi được đặt vào văn mạch của toàn quyển sách. Rồi từng quyển sách riêng rẽ lại mặc lấy một ý nghĩa trọn vẹn hơn khi được đặt vào mạch ý của toàn bộ Kinh Thánh. Những chủ đề như đức tin, tội lỗi và sự công chính sẽ mang ý nghĩa sâu sắc hơn khi được đặt vào mạch ý của đạo lý toàn diện của Kinh Thánh về những chủ đề ấy. Ý nghĩa trọn vẹn hơn của một bản văn khi bản văn ấy được đặt vào một mạch ý rộng hơn của Kinh Thánh.

Các ví dụ của nghĩa sung mãn (trọn, đầy đủ)
- Văn mạch của Mt 1,23 đem lại một nghĩa sung mãn (trọn, đầy đủ) cho lời sấm của Is 7,14 liên quan đến alma(tiếng Híp-ri, “người thiếu nữ”) sẽ thụ thai, khi sử dụng bản dịch Bảy Mươi (parthenos, “người trinh nữ”, tiếng Hy-lạp): “Người trinh nữ sẽ thụ thai.” Vì khi phân tích Is 7,14 người ta thấy rằng không có dấu gì rõ ràng gợi ý là ngôn sứ Isaia nghĩ tới việc Đấng Cứu Thế sẽ được thụ thai. Ngôn sứ không nói tới một người nữ đồng trinh và cũng không chắc chắn ông nghĩ tới một cuộc thụ thai sắp xảy đến. Mạch ý của toàn chương 7 gợi ý là chính người vợ của vua sinh ra người con ấy năm 734. Rõ ràng là lời giải thích của thánh Matthêu về lời sấm của ngôn sứ Isaia vượt quá bản văn.
- Đoạn St 3,15 thường được dùng trong thần học để ngụ ý việc Đức Maria được tham dự vào cuộc khải hoàn của Chúa Kitô trên sự dữ. Các nghĩa này vượt quá nghĩa văn tự của bản văn, vì sách St chỉ nói tới người phụ nữ và dòng giống của bà; đoạn văn ấy cũng chỉ nói tới cuộc chiến thôi chứ không nói tới cuộc khải hoàn.
- Giáo huấn của các Giáo phụ và Công Đồng về Ba Ngôi diễn tả nghĩa sung mãn của giáo huấn Tân Ước về Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
- Xác định về tội nguyên tổ do Công Đồng Trentô đem nghĩa sung mãn cho giáo huấn của thánh Phaolô trong Rm 5,12-21 về những hậu quả của tội Ađam đối với nhân loại.

Kết luận
Văn kiện Việc Giải Thích Kinh Thánh Trong Hội Thánh là văn kiện đầu tiên của Hội Thánh nhìn nhận nghĩa sung mãn, vốn đã được các học giả thảo luận từ những năm 1920. Nghĩa này có thể được xem như một trong những vấn đề trung tâm của việc giải thích Kinh Thánh. Văn kiện đã góp phần quan trọng làm sống lại một truyền thống từ thời các Giáo phụ, theo đó, Kinh Thánh thật phong phú, không chỉ có nghĩa văn tự, nhưng có cả những nghĩa thiêng liêng, thích ứng với hai bản tính của mầu nhiệm Nhập Thể, và Kinh Thánh thật sự là “linh hồn của thần học” (x. DV 24), nghĩa là nền tảng, mực thước để quy chiếu, là linh hồn tạo ra sức sống và sự trẻ trung cho toàn bộ đời sống Hội Thánh cũng như mỗi Kitô hữu.
LM. JM. Mười Một, CSsR



[1] X. văn kiện Việc Giải Thích Kinh Thánh Trong Hội ThánhCatholic Principles for Interpreting Scripture của Peter S. Williamson, 204-215 và Kinh Thánh Nhập Môn của cha Norberto, 49-53.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét