Trang

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

Tìm hiểu cách đọc Kinh Thánh (27)

Tìm hiểu cách đọc Kinh Thánh (27)


 HIỆN TẠI HÓA LỜI CHÚA
Cha Daniel J. Harrington, SJ chia sẻ một “thất bại” đáng nhớ của ngài như sau: Năm 1998, ngài biên soạn một chương trình học hỏi Tin Mừng theo thánh Luca, để chuẩn bị cho Năm Thánh 2000. Chương trình đạt kết quả tốt đẹp và được đánh giá là hay nhất trong sự nghiệp giảng dạy Kinh Thánh của ngài. Đến năm 2004, nghĩa là sáu năm sau, ngài có ý “xài lại” chương trình này vì nghĩ rằng đối tượng sắp nghe chưa biết nội dung. Thế nhưng, kết quả đã không được thành công như xưa. Có phần buồn bã, ngài tìm hiểu lý do và nhận ra rằng: Dù nội dung chương trình nhìn chung vẫn tốt, nhưng lần này ngài đã thiếu một yếu tố quan trọng, đó là “hiện tại hóa” Lời Chúa vào hoàn cảnh hiện tại của cộng đoàn đang nghe giảng. Chính vì cha Harrington “xài đồ cũ” và không “hiện tại hóa” Lời Chúa, nên Lời Chúa đã không thể trở nên tươi mới và liên hệ sống động với cộng đoàn đang nghe, nên chương trình lần này đã không thành công. Thật vậy, hoàn cảnh mới của Tổng Giáo Phận Boston (Hoa Kỳ) năm 2004 đã khác xa so với năm 1998, một phần vì các vụ lạm dụng tình dục và đóng cửa nhiều nhà thờ; rồi bản thân cha Harrington nay cũng khác xưa, ngài ngày càng khó chịu với chính mình, và một số người trong cộng đoàn cũng không còn thích ngài nữa,…[1]
Kinh nghiệm của cha Harrington cho thấy phần nào mối tương quan giữa một bên là lối giải thích Kinh Thánh cách “khoa bảng” của các nhà chú giải chuyên nghiệp (như cha Harrington), với bên kia là những quan tâm mục vụ nhằm tìm cách áp dụng ý nghĩa của Lời Chúa vào đời sống thực tiễn hôm nay (như các thừa tác viên Lời Chúa cũng như cá nhân mỗi tín hữu). Hai nhóm “khoa bảng” và “mục vụ” đó có thể làm bạn với nhau không? Thưa được, vì cả hai dù có những lãnh vực khác nhau, nhưng có chung một sứ mạng và bổ túc cho nhau, đó là cung cấp thần lương nuôi dưỡng Dân Chúa qua bản văn Kinh Thánh. Thật vậy, Lời Chúa chỉ có thể trở thành thần lương cho Dân Chúa hôm nay khi được “hiện tại hóa”. Kinh nghiệm của cha Harrington cho thấy nếu Lời Chúa bị giới hạn vào những phân tích “khoa bảng” như khoa học lịch sử thì bản văn ấy không thể thỏa mãn cái đói khát thiêng liêng của các tín hữu. Bản văn Lời Chúa còn cần được khai triển khía cạnh thiêng liêng và nhất là được “hiện tại hóa”, nghĩa là áp dụng mục vụ vào cuộc sống hôm nay. Có tín hữu chán nghe giảng vì bài giảng chẳng soi sáng gì cho đời sống của mình. (Một truyện vui tiếng Anh chơi chữ kể rằng các con chiên đến nhà thờ để được “fed = nuôi/cho ăn” [fed, từ động từ feed = nuôi/cho ăn], nhưng khi nghe giảng thì chỉ cảm thấy “fed up = chán” [fed up, tính từ, chán]).

Hiện tại hóa là gì?
Hiện tại hóa (actuel, tiếng Pháp = hiện tại, lúc này) là mang sứ điệp của Kinh Thánh đến tai và lòng của con người hôm nay, là diễn tả sứ điệp đó ra bằng ngôn ngữ thích hợp với thời đại hiện nay, để Lời Chúa không phải là những chữ chết trong trang giấy nhưng trở thành thần lương nuôi dưỡng Dân Chúa. Hiện tại hóa là trả lời cho câu hỏi “Câu Kinh Thánh này có ý nghĩa gì với tôi/chúng ta hôm nay?” hoặc “Chúa đang muốn nói gì với tôi/chúng ta hôm nay qua câu Kinh Thánh này?” (What it means = điều bản văn đang muốn nói, hơn là What it meant = điều bản văn đã muốn nói). Như vậy, hiện tại hóa là một hoạt động mục vụ quan trọng cho đời sống đức tin của Hội Thánh.
Dù Việc Giải Thích Kinh Thánh Trong Hội Thánh là văn kiện chính thức đầu tiên của Hội Thánh về Kinh Thánh sử dụng hạn từ “hiện tại hóa”, nhưng việc hiện tại hóa Lời Chúa đã được thực hành từ xa xưa trong truyền thống Kinh Thánh và Hội Thánh, qua việc “đọc lại” các trang Sách Thánh có trước dưới ánh sáng của những hoàn cảnh mới và áp dụng bản văn đó vào hoàn cảnh hiện tại của Dân Chúa. Ngày nay, việc hiện tại hóa đó vẫn được tiếp diễn và được củng cố thêm nhờ khoa giải thích theo quan điểm triết học, vốn nhấn mạnh khía cạnh năng động của bản văn khi được đọc bởi các độc giả mới ở các nền văn hóa và thời đại khác nhau (x. các bài 20-26). 

Các nguyên tắc cho việc hiện tại hóa
Giáo Hội đón nhận Kinh Thánh không phải thuần túy như những tài liệu quá khứ nhưng như Lời Thiên Chúa vừa ngỏ với Giáo Hội vừa với toàn thể thế giới trong thời đại hiện nay, dưới tác động của Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh. Vì vậy, hiện tại hóa là công việc có thể làm được do bởi ý nghĩa phong phú và vững bền hàm chứa trong bản văn Kinh Thánh được linh hứng. Hiện tại hóa là việc cần thiết để bắc nhịp cầu giữa những khoảng cách ngôn ngữ, văn hóa và lịch sử giữa Lời Chúa và con người hôm nay. Ý nghĩa Sách Thánh cần được hiểu bởi con người hôm nay. Để con người hôm nay có thể hiểu ý nghĩa Sách Thánh, cần phải có một nỗ lực về mặt giải thích bản văn sao cho phù hợp với thời đại hôm nay.
Khi hiện tại hóa, cần chú ý mối tương quan phức tạp giữa Tân Ước và Cựu Ước. Truyền thống sống động của cộng đoàn đức tin cũng quan trọng, vì vừa giúp tránh những lối hiện tại hóa sai lạc vừa bảo đảm việc thông truyền của tính năng động nguyên thủy.
Như thế, hiện tại hóa không có nghĩa là tùy tiện lèo lái bản văn, cũng không phải áp đặt vào bản văn những tư tưởng hoặc ý thức hệ mới, nhưng là chân thành tìm xem bản văn muốn nói gì cho thời đại hôm nay. Ngay cả Huấn Quyền Hội Thánh cũng “không ở trên Lời Chúa, nhưng phục vụ Lời Chúa khi chỉ dạy những gì đã được truyền lại” (x. DV 10). 

Các phương pháp hiện tại hóa trong dòng lịch sử
Trước hết, việc hiện tại hóa đã được thực hiện trong chính Kinh Thánh qua việc “đọc lại” Sách Thánh trong hoàn cảnh mới. Sau đó, việc hiện tại hóa được tiếp tục trong truyền thống Do-thái nhờ nhiều phương thức khác nhau. Các Giáo phụ cũng đã sử dụng lối tiên trưng và ngụ ngôn để hiện tại hóa Lời Chúa cho con người thời đại các ngài.

Phương pháp hiện tại hóa Lời Chúa hiện nay được hiểu như sau:
- Kinh Thánh đã được ban cho toàn thể Hội Thánh, nên việc hiện tại hóa Lời Chúa là quyền lợi và trách nhiệm chung của mọi tín hữu, không phân biệt trình độ học vấn, nhưng đứng đầu là các thừa tác viên Lời Chúa như Giám mục, linh mục, phó tế và giáo lý viên, những người giúp hiểu và áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống hôm nay. Tuy nhiên, để đảm bảo đúng đắn, việc hiện tại hóa phải dựa trên khoa chú giải, nghĩa là trước hết luôn phải chú giải đúng bản văn, xác định đúng nghĩa văn tự, đúng những gì Chúa muốn dạy trong Sách Thánh. “Việc nghiên cứu Kinh Thánh phải là như linh hồn của thần học” (DV 24). “Các linh mục, phó tế và giáo lý viên cần gắn bó với Kinh Thánh nhờ chuyên cần đọc Kinh Thánh và học hỏi kỹ càng” (DV 25), nhờ đó có thể hiện tại hóa đúng đắn Lời Chúa, còn nếu gặp giới hạn thì có thể tham khảo sách chú giải của các nhà chú giải. (Ngược lại, khoa chú giải muốn sinh ích lợi cho các tín hữu thì phải hướng đến việc hiện tại hóa trong đời sống cụ thể, chứ đừng chỉ nói về văn chương lịch sử năm xưa. Như vậy, chú giải và hiện tại hóa không tách biệt nhưng liên hệ bổ túc cho nhau nhằm một mục đích chung, đó là cung cấp thần lương cho Dân Chúa. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng nối kết khoa chú giải và việc hiện tại hóa Lời Chúa).
- Phương pháp chắc chắn nhất và phong phú nhất là giải thích Sách Thánh bằng Sách Thánh, nghĩa là đọc Kinh Thánh như một tổng thể hài hòa của các mầu nhiệm đức tin (x. DV 12), dùng các bản văn này để giải thích, soi sáng hoặc chỉnh sửa các bản văn khác (x. kinh nghiệm đọc Kinh Thánh của ĐGH Bênêđictô XVI ở bài 26), đặc biệt trong trường hợp các bản văn Cựu Ước được “đọc lại” trong chính Cựu Ước (như manna ở Xh 16 trong sách Kn 16,20-29 chẳng hạn) và/hoặc trong Tân Ước (Ga 6).
- Cần đặt việc hiện tại hóa trong tương quan với mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội, dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, nghĩa là cần đi dưới ánh sáng đức tin để hiện tại hóa bản văn Cựu Ước dưới ánh sáng mạc khải trọn vẹn của Chúa Kitô, cũng như hài hòa với truyền thống sống động của Hội Thánh. Đây có thể coi như là tiêu chí quan trọng nhất. Chẳng hạn, không thể chỉ áp dụng cho các tín hữu những câu truyện rút từ Cựu Ước (Xh 1; 1-2 Mcb) làm khuôn mẫu cho việc đấu tranh giải phóng.

Việc hiện tại hóa cần theo thứ tự ba bước như sau:
- Bước 1: Lắng nghe Lời Thiên Chúa từ trong một hoàn cảnh cụ thể.
- Bước 2: Xác định những phương diện của hoàn cảnh hiện tại được bản văn Kinh Thánh nêu bật hoặc đặt thành vấn đề.
- Bước 3: Rút từ kho tàng ý nghĩa của bản văn Kinh Thánh những yếu tố khả dĩ giúp cho hoàn cảnh hiện tại tiến tới một cách phong phú và hòa hợp với ý muốn cứu độ của Thiên Chúa trong Chúa Kitô.      

Các lãnh vực mới được hiện tại hóa gần đây
Nhờ việc hiện tại hóa, Kinh Thánh soi sáng cho nhiều vấn đề hiện nay, chẳng hạn như vấn đề các thừa tác vụ, chiều kích cộng đoàn của Hội Thánh, ưu tiên chọn lựa người nghèo, thần học giải phóng, thân phận người phụ nữ, quyền con người, bảo vệ sự sống con người, gìn giữ thiên nhiên, khát vọng nền hòa bình thế giới.    

Cách kiểm soát việc hiện tại hóa
Hiện tại hóa Lời Chúa không phải là việc làm tùy tiện chủ quan. Muốn cho việc hiện tại hóa luôn hợp với chân lý cứu độ, các tín hữu cần khởi đi từ một cách giải thích đúng bản văn và được tiếp tục trong dòng truyền thống sống động, dưới sự hướng dẫn của Huấn Quyền Hội Thánh. Cần tránh những cách giải thích thiên kiến, tức là những cách đọc thay vì để cho mình được bản văn chỉ bảo thì lại chỉ nhằm sử dụng bản văn vào những mục đích hạn hẹp (như giáo phái Chứng nhân Giêhôva chẳng hạn). Cần tránh lối hiện tại hóa không ăn khớp với đường hướng căn bản của bản văn Kinh Thánh, hạn như chủ trương duy lý và duy vật vô thần. Cần loại bỏ lối hiện tại hóa nghịch với công bằng và bác ái theo tinh thần Tin Mừng, hạn như kỳ thị chủng tộc, bài Do-thái hoặc chủ nghĩa dục tính.

Kết luận
Thiên Chúa đã thương ngỏ lời với con cái Người qua bản văn Kinh Thánh được linh hứng, để họ được thông phần sự sống thần linh của Người. Các cộng đoàn tín hữu cần chân thành và kính cẩn lắng nghe Lời Chúa và áp dụng vào đời sống hằng ngày. Khía cạnh mục vụ này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực từ phía các thừa tác viên Lời Chúa. Đây thật sự là cách tốt nhất mang lại hoa trái cho sứ mạng xây dựng đời sống chính mình cũng như toàn thể Hội Thánh. Điều này liên hệ trực tiếp đến sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh. Thật vậy, chỉ những cá nhân hoặc cộng đoàn tín hữu nào thực sự biết lắng nghe và áp dụng Lời Chúa thì mới trở nên mạnh mẽ loan báo Tin Mừng cho thế giới và con người trong thời đại mình.
LM. JM. Mười Một, CSsR



[1] X. How Do Catholics Read the Bible, 114-115. Bài này dựa trên văn kiện Việc Giải Thích Kinh Thánh Trong Hội Thánh và Catholic Principles for Interpreting Scripture của Peter S. Williamson, 289-302.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét