Chúa Nhật VI Phục Sinh Năm A
(phần II)
GIÁO LÝ PHÚC ÂM NHẬT VI PHỤC SINH, NĂM A
CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH NĂM A
Sách Công Vụ Tồng Đồ 8,5-8,14-17; Thư Thứ I của Thánh Phêrô Tông Đồ 3,15-18
và Phúc Âm Thánh Gioan 14, 15-21
I. Giáo Huấn P.Â.:
Ai yếu mến Chúa là giữ những điều Chúa dạy. Nói khác đi, giữ luật Chúa là yêu mến Chúa.
Thiên Chúa Cha yêu mến những ai yêu mến Thiên chúa Con.
Chúa Thánh Thần, Thiên chúa Ngôi Ba là Thần chân lý sẽ luôn hiện hữu trong cuộc đời các tông đồ. Nên những ai theo Chúa sẽ không mồ côi, nhưng sẽ luôn có Chúa Thánh Thần soi sáng hướng dẫn.
Cha – Con và Thánh Thần – Tam thể nhưng hoà nhập thành một Thiên Chúa, luôn ở trong nhau “Thầy ở trong Cha Thầy..” hay “Thầy không để cho an hem mồ côi”. Chúa Thánh Thần hiện diện nơi các tông đồ là chính chúa Giêsu ở giữa các tông đồ.
II. Vấn nạn P.Â.
Diễn từ ly biệt của Chúa Giêsu chỉ được ghi lại trong Phúc Âm Gioan.
Phúc Âm Nhất Lãm, Matthêô, Marcô và Luca đều tường thuật về bữa tiệc ly của Chúa Giêsu và các tông đồ, cũng như việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể và cơn hấp hối trong vườn cây dầu. Tuy nhiên chỉ có Phúc Âm Gioan có diễn từ biệt ly, dài tới bốn chương từ chương 14 đến chương 17. Tại sao?
Các tác giả Phúc Âm Nhất Lãm, chỉ có tông đồ Matthêô hiện diện trong bữa tiệc ly đêm tối Thứ Năm. Đọc giả của Phúc Âm Thánh Matthêô là những Kitô hữu Do Thái gắn liền với truyền thống Do Thái Giáo. Phúc Âm được viết để đáp ứng nhu cầu phát triển của Giáo Hội Sơ Khai sau năm 70, tức sau biến cố triệt hạ đền thờ Giêrusalem và phân tán Do Thái của đế quốc La Mã.
Phúc Âm Matthêô được biểu tượng bằng hình con người. Tác giả Phúc Âm muốn diễn tả Chúa Giêsu là con Thiên Chúa, là Đấng đến từ dòng dõi David chứ không nhằm diễn tả những ý niệm cao siêu và khá trừu tượng như trong Phúc Âm về diễn từ ly biệt nói về tình yêu và về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và sự thông hgiệp giữa Kitô hữu và mầu nhiệm hiệp nhất hoàn hảo nầy.
Các Phúc Âm khác như Phúc Âm Marcô hay Luca được coi như những bản sao chép của Phúc Âm Matthêô. Nên đương nhiên không thể có diễn từ ly biệt vì “bản gốc” đã không có.
Phúc Âm Gioan được viết sau cùng và có mặt ở cộng đồng Kitô hữ vào đầu thế kỷ thứ hai. Vì thành hình sau cùng nên đầy đủ nhất và chứa đựng nhiều yếu tố thần học, đặc biệt về Kitô học. Phúc Âm thứ tư được biểu tượng bằng chim phượng hoàng, bay cao, xa và trên. Rất có thể Chúa Giêsu đã không có diễn từ ly biệt rất dài đến bốn chương trong Phúc Âm Gioan. Rất có thể phần chính trong diễn từ nầy đến từ những suy tư và đời sống tông đồ của Thánh Gioan. Gioan muốn dạy cho giáo dân về giới luật yêu thươngf, về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và về sự liên kết giữa con người và Chúa Giêsu, nên Ông đã tận dụng những nhắn nhủ của Chúa sau khi rửa chân cho các tông đồ, để đặt vào miệng Chúa Giêsu bài diễn từ biệt ly trên.
Yếu tố chính trong diễn từ ly biệt đêm tiệc ly
Yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con:
Yêu thương nhau là luật Chúa. Luật Chúa được coi là bất khả di dịch và không miễn trừ. Giới luật yêu thương có trong mười điều rằng Đức Chúa Trời. Giới luật yêu thương có trong tất cả các tôn giáo. Giới luật yêu thương được đặt định trong tâm hồn mọi người. Nên có tghể nói: Yêu thương là luật tự nhiên. Ai cũng biết là mình phải yêu thương người khác và ai cũng cần người khác yêu thương mình.
Nhưng phải làm như thế nào để thể hiện giới luật yêu thương?
“Yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con!”
Thế nào là như Thầy yêu thương các con?
Vô điều kiện: Chúa Giêsu yêu các tông đồ không vì họ đáng yêu.
Vô vị lợi: Chúa Giêsu yêu các tông d8ồ không vì họ mang lợi lộc cho Chúa.
Vô giới hạn: Yêu thương đến chết và hy sinh tột cùng.
Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy.
Tuân giữ giới răn Chúa truyền: Yêu thương nhau.
Đúng như Chúa đã trả lời cho thắc mắc: Đâu là giới răn cao trọng nhất?
Yêu Chúa hết tâm hồn và hết trí khôn. Yêu người khác như chính mình.
Hai điều trên gói trọn lề luật Chúa và các tiên tri.
Giới luật cốt lõi: Kính Chúa yêu người nầy làm người ta đi đến thắc mắc về giáo huấn của Giáo Hội cũng như về số nhiều và phức tạp trong những lề luật của Giáo Hội? Có nhiều người thắc mắc về vai trò của Giáo Hội trong chương trình cứu độ. Kính Chúa và yêu người là đủ. Tại sao còn có 1752 khoản Giáo Luật và vô số luật của Hội Đồng Giám Mục, của Giám Mục địa phận rồi ngay các Cha sở cũng ra luật.
Để giải thích thắc mắc trên, tôi chỉ xin trưng dẫn khoản cuối cùng trong Giáo Luật, điều 1752 nói như sau: “… đặt trước mắt luật tối cao trong Giáo Hội, đó là phần rỗi các linh hồn” Nên Giáo Hội có bổn phận giáo huấn tín hữu bằng những luật lệ hay chiỏ thị… Tuy nhiên, tất cả phải vì mang ích lợi phần rỗi cho giáo dân, tức là phải vì tình yêu thương mà ban luật. Nên nhiều giáo huấn và nhiều luật lệ để thể hiện tình bác ái cách cụ thể và thiết thực hơn.
Chúa Thánh Thần luôn hiện diện và hướng dẫn Giáo Hội:
Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em. Thầy sẽ không để anh em mồ côi.
Chúa Giêsu đã thiết lập Giáo Hội trên tảng đá Phêrô. Giáo Hội có tính cách trường tồn và dù cửa hoả ngục có phá cũng không thể lay chuyển. Tuy nhiên Giáo Hội nầy cần đi đúng hướng. Giáo Hội cần thể hiện vai trò Mẹ và Thầy. Nên Giáo Hội cần sự hiện diện và hướng dẫn ncủa Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là sự sống và là chân lý. Ngài hướng dẫn Giáo Hội đi theo Chúa Kitô, Đấng sáng lập và là đường là chân lý và là sự sống.
Mầu nhiệm cao trọng và hiện thực của đời sống Kitô hữu: Chúa ba Ngôi, tam thề nhất thiên, ba ngôi vị nhưng là một Chúa.
“Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. Ai có và giữ các điều răn Thầy, người ấy mới là kẻ yêu Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy."
Người ta dùng hình tam giác đều để diễn tả mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi nầy. Cả ba cạnh đều nhau và cả ba cạnh tạo thành hình tam giác. Không gọi là Chúa Con, nếu không có Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Không chỉ có Chúa Thánh Thần, nhưng là Thiên Chúa Ngôi Ba, được Cha sai đến với những ai yêu mến và tuân giữ những điều truyền dạy của Chúa Con. Nên Chúa Thánh Thần tiếp nối và hoàn tất chương trình cứu độ. Nên sáng at5o – Cứu độ và Thánh hoá là chương trình của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Tương lai bảo đảm: Sự sống trường cửu
“Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng được sống” hay những lời đầy an ủi khác “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên chúa và tin vào Thầy… Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy nở đâu, anh em cũng ở đó.” (Gioan 14,1-2) Lúc đầu các tông đồ theo Chúa để được ngồi bên tay phải và tay trái trong nước Thiên Chúa. Nhưng rồi họ đã được hoán cải, từ những ham muốn trần tục, từ những tham vọng sống trong vinh hoa phú quí sang việc chiếm hữu kho tàng nước trời và mối mọt và trộm cướp không lấy đi được.
Chúng ta có thể nói tóm lại rằng: Diễn từ ly biệt trong Phúc Âm Gioan là một đúc kết về những điều phải tin, phải giữ và sẽ được của môn đệ Chúa. Chúa đã không nói tất cả nội dung diễn từ dài như Gioan, nhưng qua Gioan, với đời sống lâu dài trong công việc tông đồ, Ngài đã nghiền ngẫm và đã phát hoạ về mọi chiều kích trong đời sống Kitô hữu qua diễn từ ly biệt trên.
III. Thực hành P.Â.:
Lời cầu nguyện thiết thực (internet)
Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng:tấm bánh để dành của con thuộc về người đói, chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.
Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng, có bao điều con lãng phí bên cạnh những Ladarô túng quẫn, có bao điều con hưởng lợi dựa trên nỗi đau của người khác, có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu. Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công chẳng ở đâu xa. Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con. Con phải chịu trách nhiệm về cảnh nghèo trong xã hội.
Lạy Cha chí nhân,vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt, vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau. Thế giới còn nhiều người đói nghèo là vì chúng con giữ quá điều cần giữ. Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu, nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.
Lm. Phêrô TRẦN THẾ TUYÊN
Đấng Bảo Trợ
Cuốn phim có tựa đề: “Đời Vẫn Đẹp” do Roberto đạo diễn và thủ diễn. Cuốn phim đã nêu lên câu truyện của người Do Thái cùng với vợ và đứa con trai nhỏ bị Đức Quốc Xã đưa vào trại. Nhờ tài khôi hài, ông đã giữ vững được tinh thần của đứa con khi quân đội đồng minh đến giải thoát.
Cuốn phim hẳn gợi lại kinh nghiệm của bác sĩ Victo Rey, ba năm lưu đày tại Ba-Lan và nhiều trại tập trung khác của Đức Quốc Xã, đã giúp cho vị bác sĩ chuyên gia tâm lý này khám phá được một chân lý quan trọng trong cuộc sống của con người, chân lý đó là, trong những hoàn cảnh nghiệt ngã đau thương nhất con người vẫn có thể tồn tại nếu họ có niềm tin và tìm được ý nghĩa của cuộc sống.
Bác sĩ Brand đã quan sát những phản ứng khác nhau của các bạn tù của ông, có những người trước khi vào tù thì được mọi người trọng vọng, ngưỡng mộ, thế nhưng bỗng chốc lộ nguyên hình của những kẻ hèn hạ có thể bán đứng anh em vì một chút lợi lộc nhỏ mọn. Một số khác thoạt tiên thể hiện bản lĩnh của những nhà lãnh đạo, thế nhưng liền sau đó thất vọng và ngã gục chỉ trong vài ngày. Trái lại, cũng không thiếu những người rất ít được mọi người chú ý đến, họ đã âm thầm chịu đựng cho đến cùng và được sống còn.
Tìm hiểu sự khác biệt giữa những hạng người trên đây, bác sĩ Brand khám phá ra rằng, chính mục đích và ý nghĩa của cuộc sống là sức mạnh làm cho con người tồn tại trong những điều kiện tột cùng khốn khổ của cuộc sống. Trong kinh nghiệm bản thân, bác sĩ Brand cho biết, chính tình yêu đối với vợ ông đã giúp cho ông tiếp tục tìm thấy ý nghĩa và lẽ sống trong tận đáy của hỏa ngục. Mặc dù không biết vợ mình bị giam giữ ở đâu, còn sống hay đã chết, bác sĩ Brand đã chia sẻ kinh nghiệm như sau:
Không có gì có thể tách tôi ra khỏi tình yêu, những ý nghĩ và hình ảnh người vợ yêu dấu của tôi, cho dẫu người ta có báo tin rằng vợ tôi đã chết thì tôi sẽ không bao giờ ngưng chiêm ngắm hình ảnh của nàng và thôi không chuyện vãn với nàng nữa. Càng lúc tôi càng cảm nghiệm được hình ảnh của vợ tôi; vợ tôi vẫn luôn ở bên cạnh tôi. Chính tình yêu đối với vợ đã mang lại hy vọng và sức mạnh giúp cho bác sĩ Brand chịu đựng mọi nghịch cảnh và tồn tại cho đến ngày được giải cứu khỏi các trại tập trung. Khám phá được ý nghĩa của cuộc sống, đây hẳn không phải là một điều xa xỉ hay phụ thuộc trong cuộc sống con người, mà là một nhu cầu hiện sinh còn quan trọng hơn cả các ăn thức uống của con người.
Ý nghĩa lẽ sống của người Kitô chúng ta chính là Chúa Giêsu Kitô, đây là điều một lần nữa hôm nay Giáo Hội muốn nhắc nhở chúng ta. Kitô giáo chúng ta không phải là một ý thức hệ; cũng không phải là một hệ thống luân lý chỉ gồm những điều luật phải tuân giữ; lại càng không phải là một xã hội theo thể chế chính trị nào đó. Kitô giáo thiết yếu là một con Người, con Người đó hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một, Ngài đã hiện diện trong giáo hội và trong cuộc sống của mỗi người chúng ta, Ngài là sức sống của mỗi người Kitô chúng ta. Thường thì một vị thánh hiền, một bậc vĩ nhân đi qua trong lịch sử nhân loại và để lại sự nghiệp của mình, nhưng với Chúa Kitô lại khác, Ngài không hiện diện như một xác chết được tẩm liệm, Ngài cũng chẳng hiện diện qua những di tích Ngài để lại, Ngài cũng chẳng để lại sự nghiệp nào, Ngài đã chết và Ngài đã sống lại, chính vì đã sống lại cho nên Ngài vẫn có đó, Ngài hiện diện một cách sống động nơi đây, trong giây phút này đây, đó là niềm tin, là sức sống, là lịch sử của Giáo Hội từ hơn 2,000 năm qua, đó cũng là lẽ sống của không biết bao nhiêu người tín hữu đã đi trước chúng ta, trong Ngài họ đã tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống và để có thể vui sống, nhất là kiên trì cho đến cùng giữa những thử thách và bách hại, tất cả đều sống niềm xác tín của thánh Phaolô như ngài đã viết trong thư gởi cho giáo đoàn Rôma: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Chúa Kitô, phải chăng là gian truân, khắc khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?”
Đây là niềm xác tín mà Giáo Hội mời gọi chúng ta hâm nóng lại khi cho chúng ta lắng nghe Tin Mừng hôm nay. Trong bài diễn văn tự thuật với các môn đệ trước khi đi vào cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, họ được mời gọi để chuẩn bị tinh thần đón nhận cách thế hiện diện mới của Ngài, Ngài nói với các ông: “Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi, Thầy sẽ đến với các con.” Quả thật, sau khi đón nhận Chúa Thánh Thần, các môn đệ đã cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Giêsu, từ những con người quê mùa, dốt nát và nhát đảm, các môn đệ đã được Chúa Thánh Thần biến thành những nhà rao giảng không biết mỏi mệt và nhất là dùng chính cái chết của mình để làm chứng cho sự hiện diện ấy của Chúa Giêsu.
Hơn hai ngàn năm qua, sức sống được Chúa Thánh Thần thông ban cho các môn đệ đã tràn ngập thế giới, đã trở thành lẽ sống của không biết bao nhiêu người. Chính nhờ sức sống ấy mà các tín hữu Kitô tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống và sống đúng ơn gọi làm người của mình. Sống công bình, sống bác ái, sống phục vụ, sống quên mình không phải là độc quyền của người Kitô giáo. Tôn giáo nào cũng đề cao những giá trị ấy; giới răn yêu thương cũng không phải là giới răn riêng của các tín hữu Kitô chúng ta. Thế nhưng Chúa Giêsu đã ban bố giới răn ấy như một giới răn mới mẻ và là riêng của Ngài, bởi vì Ngài ban chính sức sống và tình yêu của Ngài cho các tín hữu để họ yêu thương bằng chính tình yêu của Ngài.
Chúa Giêsu chính là tình yêu, Chúa Giêsu chính là sức sống của các tín hữu. Chúng ta họp nhau cử hành thánh lễ của mỗi ngày Chúa Nhật để xin Chúa Kitô bổ sức cho chúng ta, để chúng ta tiếp tục sống, để cho mọi người thấy rằng, Ngài thật sự là Đấng đang hiện diện và tác động trong chúng ta, Ngài chính là lẽ sống mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta, Ngài là sức mạnh để chúng ta tiếp tục chiến đấu, Ngài là niềm hy vọng để chúng ta tiếp tục tiến bước.
R. Veritas
(Trích trong ‘Sống Tin Mừng’)
Lectio Divina: Chúa Nhật VI Phục Sinh (A)
Chúa Nhật, 25 Tháng 5, 2014
Lời hứa về Chúa Thánh Thần
Các giới răn như là đường tình yêu trong Chúa Kitô
Ga 14:15-21
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Cha, Đức Kitô Con Cha đã cầu bầu cho chúng con, nhưng qua Lời của Chúa, cũng là sự sống của chúng con, Chúa cũng ban cho chúng con ơn thánh của việc mở cửa tâm hồn chúng con ra với Chúa trong sự cầu nguyện sâu thẳm, tha thiết, chân thật và thông suốt. Xin Chúa hãy gửi Đấng Phù Trợ đến với chúng con, Thần Khí của chân lý, không những Người ở cạnh chúng con, mà Người còn luôn ngự trị trong lòng chúng con nữa. Người là ngọn lửa của tình yêu đã hiệp nhất Chúa Cha với Chúa Giêsu, nụ hôn mà Chúa luôn trao đổi. Nguyện xin qua Lời của Chúa, chúng con cũng được dự phần trong tình yêu này và sống bởi tình yêu ấy. Xin Chúa hãy đụng chạm đến tinh thần, tâm trí và cả thể xác chúng con để chúng con có thể đón nhận những giới răn, được ẩn dấu trong các câu Tin Mừng này; để chúng con có thể tuân giữ những giới răn này, đó là sống trọn vẹn với những giới răn và trong sự thật trong sự hiện diện của Chúa và của anh chị em chúng con. Amen.
2. Bài Đọc
a) Đặt đoạn Tin Mừng trong bối cảnh của nó:
Những câu Tin Mừng này dẫn chúng ta đến đất thánh nơi mà Chúa Giêsu cử hành bữa tiệc ly với các môn đệ của Người: nơi của sự mặc khải, sự vinh quang, sự giảng dạy và tình yêu của Người. Ở đây, chúng ta cũng được mời ngồi cùng bàn với Chúa Giêsu, tựa vào lòng Người, nhận lãnh lời giảng dạy của Người và do đó, chuẩn bị cho chúng ta cùng với Người bước vào cuộc Thương Khó và sự Phục Sinh của Người. Sau đoạn Tin Mừng 13:1-30, đoạn cho chúng ta biết các hành động, lời nói, và cảm xúc của Chúa Giêsu và của những người ở cùng với Chúa trong bữa tiệc lễ Vượt Qua. Trong câu 13:31, chúng ta nghe những lời của bài giảng cuối cùng tuyệt vời của Chúa Giêsu, được kết thúc với lời cầu nguyện thánh hiến của chương 17. Sau đó, tại đây chúng ta vẫn còn ở bước khởi đầu. Trong chương 14:1-14, Chúa Giêsu đã trình bày và tự hiến mình như là đường đi đến Chúa Cha, trong những câu ít ỏi này, Người đưa ra lời hứa sẽ gửi Chúa Thánh Thần, như Đấng Phù Trợ, sự hiện diện vững chắc, nhưng cũng là lời hứa về sự hiện đến của Chúa Cha và Chúa Giêsu trong đáy lòng của các môn đệ, những người mà qua đức tin, tín thác nơi Người và tuân giữ các giới răn của Người.
b) Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:
Các câu 15-17: Trước hết, Chúa Giêsu làm sáng tỏ với các môn đệ rằng đối với Người, tình yêu, nếu là tình yêu chân thật, cũng phải có nghĩa là tuyệt đối tuân giữ các giới răn của Người. Một cách tóm tắt, Người muốn nói với chúng ta rằng nếu chúng ta không tuân giữ các giới răn thì không có tình yêu; đây là một hệ quả cần thiết và không thể thiếu, nó cho thấy rằng chúng ta có thật sự yêu thương hay chỉ tự dối lòng rằng chúng ta yêu thương. Chúa Giêsu cũng nói rằng tặng phẩm của Chúa Thánh Thần từ Chúa Cha là hoa trái của tình yêu này và từ sự tuân giữ đã phát sinh ra lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, nhờ đó mà chúng ta có thể nhận được Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu giải thích rằng Chúa Thánh Thần là Đấng Phù Trợ, Thần Khí của chân lý, Đấng mà thế gian không thấy, không biết, nhưng là Đấng mà các môn đệ sẽ thấy và biết, Đấng ngự trị với các ông và trong các ông.
Các câu 18-20: Chúa Giêsu hứa về việc đến và sự trở lại của Người, sắp xảy ra trong sự phục sinh của Người. Chúa nói rằng Người sẽ không còn xuất hiện trong sự thương khó, cái chết và việc mai táng của Người, nhưng Người sẽ tái xuất hiện với các môn đệ, những người sẽ thấy Chúa vì Người là sự sống lại và là sự sống. Chúa cũng mặc khải về mối quan hệ với Đức Chúa Cha và mời các ông và chúng ta cùng gia nhập vào mối quan hệ đó; thực ra, Chúa nói rằng chúng ta sẽ biết, rằng chúng ta sẽ trải nghiệm mối quan hệ này trong tâm hồn chúng ta. Chúa Giêsu và không một ai khác có thể hứa được một sự an ủi lớn lao hơn lời hứa này.
Câu 21: Ở đây bài giảng của Chúa Giêsu bao gồm tất cả mọi người; Chúa chuyển đổi từ chữ “các con”để chỉ các môn đệ sang chữ “bất cứ ai” là những người bắt đầu yêu Chúa, bước vào một mối quan hệ với Người và đi theo Người. Điều đó xảy ra cho các môn đệ, những người được Chúa chọn đầu tiên, và xảy ra cho những ai tín thác vào Chúa. Ở đây, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta và tất cả mọi người đến với mối quan hệ tình yêu của Người với Chúa Cha, bởi vì sống trong Đức Kitô, chúng ta cũng được biết đến và yêu mến bởi Chúa Cha. Sau cùng, Chúa Giêsu hứa một lần nữa, tình yêu của Người dành cho bất cứ ai yêu mến Người và sự mặc khải về Người, đó là một biểu hiện vĩnh viễn tình yêu của Người dành cho chúng ta.
c) Phúc Âm:
15 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy. 16 Vậy Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con Đấng Phù Trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi. 17 Người là Thần Chân Lý mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian cũng chẳng biết được Ngài; còn các con, các con biết Ngài, vì Ngài sẽ ở nơi các con và ở trong các con. 18 Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi; Thầy sẽ đến với các con. 19 Một ít nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần các con, các con thấy Thầy vì Thầy sống và các con cũng sẽ sống. 20 Trong ngày đó, các con sẽ hiểu biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, và các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. 21 Ai nhận các luật Thầy truyền và giữ các luật đó, thì người ấy là kẻ yêu mến Thầy, và ai yêu mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy sẽ yêu mến nó, và sẽ tỏ mình ra cho nó.”
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện:
Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
4. Một vài câu hỏi gợi ý:
a) Đoạn Tin Mừng này bắt đầu và kết thúc với cùng một chữ: việc công bố và lời mời gọi đến với việc yêu mến Chúa. Tôi biết rằng, qua việc suy niệm và cầu nguyện Lời Chúa (Lectio Divina), Người muốn chuẩn bị cho tôi một cuộc gặp gỡ mạnh mẽ với tình yêu; có lẽ tôi đang sợ hãi một chút, tôi biết rằng tôi chưa quen với việc này, có lẽ tôi xấu hổ, có lẽ tôi cảm thấy e dè với những lời ngọt ngào này. Tuy nhiên, Người khẳng định và chỉ tiếp tục lặp lại điều này, chỉ có Tình Yêu. Vì vậy, tôi sẽ làm gì đây? Tôi có sẽ ở lại và dự phần vào mối quan hệ đầy thắm thiết, đầy bối rối này không? Hay là tôi sẽ bỏ đi, sẽ trốn chạy, bởi vì tôi sợ, bởi vì tôi không muốn dấn thân không? Tôi có sẽ chọn Tình Yêu, đó là, mối quan hệ này, cuộc đối đầu này, sự trao đổi này, việc cho đi và nhận lãnh này, sự dâng hiến chính bản thân tôi không? Hay là tôi sẽ chọn lối sống khép kín, chỉ sống cho riêng mình trong một cách biệt phi lý của người không muốn ở gần với Chúa và với những người như mình không? Chúa Giêsu nói: “Nếu các con muốn”; Người không ép buộc. Tuy nhiên, tôi biết rằng Người đang chờ đợi tôi và đã chờ từ lâu lắm rồi … tại sao phải chờ thêm nữa?
b) Tôi đọc đi và đọc lại đoạn Tin Mừng, để cho những lời này, thật tràn đầy ý nghĩa, có thể in đậm vào tâm trí tôi và đi sâu vào tim tôi. Tôi để ý thấy Chúa Giêsu luôn nói “các con”, khi nói đến các môn đệ, không chỉ là những người đang ở cùng với Chúa thời ấy mà cũng là những người của hiện tại, đó là chúng ta, mỗi người chúng ta được Người đi tìm và gặp với một tình yêu đặc thù và cá biệt đến nỗi không thể cho đi hoặc thay thế được. Tôi biết rằng tôi cũng được ở bao gồm trong chữ “các con” đó, xem chừng như có vẻ nói chung chung nhưng không phải như thế. Tôi cố gắng đọc lại lần nữa những Lời của Chúa Giêsu và để cho mình được tham gia một cách trực tiếp hơn; tôi tự đặt mình mặt đối mặt, mắt nhìn mắt với Chúa Giêsu và để cho Người nói với tôi tất cả mọi sự, Người dùng chữ “con” đầy yêu thương, gọi tên tôi mà chỉ có Người biết… Nếu các con yêu mến Thầy, Cha Thầy sẽ ban cho các con Đấng Phù Trợ khác; các con biết Ngài; Ngài sẽ ở nơi các con và trong các con; Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi; Thầy sẽ trở lại với các con; các con sẽ thấy Thầy; các con sẽ sống; các con sẽ hiểu biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, và các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con.
c) Bây giờ chúng ta đối mặt với câu nói quan trọng của Chúa Giêsu, được lặp lại hai lần: “hãy giữ giới răn của Thầy”. Đây là điều căn bản và quan trọng, bởi vì sự chân thành của mối quan hệ tình yêu của tôi với Chúa tùy thuộc vào điều này; nếu tôi không giữ giới răn của Người, thì tôi không yêu Người. Nhưng tôi cố gắng tự hỏi một cách thận trọng rằng động từ “giữ” có nghĩa gì, nó có vẻ lạnh lùng xa cách làm sao. Tôi tìm thấy động từ ấy trong Mt 27:36, nơi chúng ta đọc thấy các quân lính canh giữ Chúa Giêsu đang chịu đóng đinh; chính vào lúc ấy việc canh giữ nghiêm nhặt và cẩn mật, một sự canh giữ không mệt mỏi. Mặt khác, trong Phúc Âm Gioan Ga 2:10, chữ này xuất hiện với ý nghĩa giữ trong kho lẫm, để dành, như Chúa Giêsu nói về rượu ngon được giữ lại cho đến lúc sau cùng. Trong thư thứ hai gửi cho Timôthê 2Tm 4:7, chữ này được dùng trong một câu Tin Mừng tuyệt vời về đức tin: “Tôi đã đấu trong một cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin”. Điều này nhấn mạnh đến sự nỗ lực, sự chăm sóc chu đáo được dùng để bảo tồn và trông coi điều quý giá ấy, đó là đức tin. Trong Tin Mừng Gioan Ga 17:15, Chúa Giêsu cầu nguyện cùng Chúa Cha xin gìn giữ những kẻ thuộc về Người khỏi ác thần, được che chở, canh giữ để không một ai trong họ phải hư mất.
Điều này không đơn giản chỉ là một sự giữ gìn bề ngoài và lạnh lùng các giới răn của Thiên Chúa hay của Chúa Giêsu, nhưng còn nhiều hơn thế nữa; đây là một mối quan hệ của tình yêu thương, sự cẩn trọng, che chở, giữ gìn trong đời sống. Một cách căn bản, điều này nhận thức rằng tôi được yêu cầu, trong đời sống hằng ngày của tôi, mọi lúc và trong mọi tình huống.
5. Chìa khóa của bài đọc
Sau đây là những người tôi gặp gỡ trong bài Tin Mừng: Chúa Cha, Chúa Giêsu, Chúa Thánh Thần, các môn đệ, thế gian.
Chúa Cha. Sự hiện diện của Chúa Cha lập tức xuất hiện như là điểm mốc của Đức Giêsu, Chúa Con. Chúa Cha là Đấng mà Người dâng lời cầu nguyện. Người nói: “Thầy sẽ xin Cha”. Chính sự gần gũi đặc biệt và thân thiết này tạo nên Đức Giêsu là Con của Chúa Cha, khẳng định rằng Người mọi lúc đều như thế. Mối liên hệ tình yêu với Chúa Cha được nuôi dưỡng và duy trì bởi lời cầu nguyện vào ban đêm vào những lúc khác nhau trong ngày, trong những lúc cần thiết, trong các lời cầu xin trợ giúp, trong lúc đau khổ, trong những lúc bị thử thách đau buồn nhất. Nếu chúng ta lược đọc qua các sách Tin Mừng vài lần, chúng ta sẽ thấy Chúa Giêsu làm như thế, ở trong một mối liên hệ sâu xa với Chúa Cha qua lời cầu nguyện. Sau đây là một số đoạn Tin Mừng có liên quan đến việc cầu nguyện: Mt 6:9; 11:25; 14:23; 26:39; 27:46; Lc 21:21 và tiếp theo; 6:12; 10:21; 22:42; 23:34-46; Ga 11:41 và tiếp theo; 17:1. Tôi cảm thấy rằng đây cũng là cách sống cho tôi; Chúa Giêsu đã theo đường lối này một cách sâu xa, để lại cho tôi những dấu chân rõ ràng và sáng tỏ của Người để tôi không còn sợ hãi trong việc làm theo Người trong một trải nghiệm tương tự. Tôi cũng là con của Chúa Cha, tôi cũng có thể cầu nguyện với Ngài.
Ngay sau đó, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy Chúa Cha là Đấng ban phát. Thực ra, ban phát là đặc điểm chính của Thiên Chúa, Đấng ban phát liên tục vô số và vô kể những ân sủng cho tất cả mọi người và trong mọi lúc. Chúa Cha là Tình Yêu và là Tình Yêu tự hiến, ban tặng mọi thứ. Người đã ban tặng chúng ta Đức Giêsu, Con yêu dấu của Người, thế mà vẫn còn chưa đủ, Người còn muốn chúc phúc và ban cho chúng ta sự sống bằng cách sai Chúa Thánh Thần đến. Thực vậy, điều ấy được viết như sau: “Đến như chính Con Một của mình, Thiên Chúa cũng chẳng tha, mà cũng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta? (Rm 8:32).
Còn nữa: Chúa Cha yêu thương chúng ta (Ga 14:23; 16:27)! Và tình yêu này của Người, Chúa cho phép chúng ta vượt qua khỏi từ sự chết đến sự sống, từ sự buồn phiền của tội lỗi đến niềm vui của sự hiệp thông với Người, từ sự cách ly của hận thù đến chia sẻ, bởi vì tình yêu của Thiên Chúa chắc chắn sẽ đưa chúng ta đến tình yêu của anh chị em chúng ta.
Chúa Con Giêsu. Trong ít câu Tin Mừng này, hình ảnh và sự hiện diện của Chúa Giêsu xuất hiện một cách mạnh mẽ và rõ ràng. Người lập tức được thấy như đang cầu nguyện, Người là Đấng cầu nguyệnvới Chúa Cha cho chúng ta; Người dang tay ra trong lúc cầu nguyện vì chúng ta, cũng giống như khi Người dang tay trong lúc hiến dâng trên thập giá.
Chúa Giêsu không rời xa chúng ta mãi mãi, Đấng không để chúng ta mồ côi, nhưng sẽ trở lại: “Thầy sẽ trở lại”. Nếu có vẻ như Người vắng mặt, tôi không nên tuyệt vọng, nhưng hãy tiếp tục tin tưởng nơi Người bởi vì Người sẽ thật sự trở lại. “Phải, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến! (Kh 22:20). Người sẽ trở lại và, như Người đã nói, Người sẽ đến và đem chúng ta về với Chúa, để Chúa ở đâu, chúng ta cũng ở đó (Ga 14:3).
Chúa Giêsu là Đấng hằng sống muôn đời, Đấng chiến thắng sự chết. Người ở trong Chúa Cha, và ở trong chúng ta, với một quyền lực toàn năng mà không có điều gì có thể hủy diệt. Người ở trong Chúa Cha, nhưng cũng ở trong chúng ta; Người ngự trong chúng ta, Người ở lại với chúng ta; không có một cuộc sống nào đích thực và đầy đủ hơn cho chúng ta là bản chất trung tín mà Chúa Giêsu đã ban tặng cho chúng ta. Người luôn luôn nói xin vâng, và không bao giờ hối hận vì lời nói đó, hoặc không bao giờ rút lại lời đoan kết của Người về tình yêu.
Trái lại, Người yêu thương chúng ta, như Chúa Cha đã yêu thương chúng ta và tỏ mình cho chúng ta biết. Người trao tặng chính thân mình, dâng hiến bản thân Người, cho phép chúng ta biết Người, trải nghiệm với Người, đụng chạm và thưởng thức Người. Nhưng đây là một sự mặc khải được kèm theo với tình yêu, như thánh Phaolô đã nói (2Tm 4:8).
Chúa Thánh Thần. Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Thánh Thần có vẻ như là một nhân vật mới xuất hiện để bao gồm tất cả mọi chuyện. Người liên kết Chúa Cha với Chúa Con, Người đem Chúa Cha và Chúa Con vào trong lòng của các môn đệ; Người tạo ra một sự liên kết bất khả phân ly của tình yêu, của bản thể. Người được gọi là Đấng An Ủi, tức là Đấng Phù Trợ, Đấng ở lại với chúng ta luôn mãi, Ngài sẽ không để chúng ta đơn côi, bị bỏ rơi, bị quên lãng; Ngài đến và tập hợp chúng ta từ bốn phương, từ sự phân tán và thổi vào chúng ta sức mạnh để chúng ta trở lại với Chúa Cha, với Tình Yêu. Chỉ có Người mới có thể làm được tất cả những điều này trong chúng ta; Người là bàn tay nối dài của Thiên Chúa, cho đến ngày nay, Đấng viết trên cát của lòng chúng ta những lời của bản giao ước mới, điều mà không bao giờ có thể bị lãng quên
Người là Thần Khí của chân lý, đó là, Đức Giêsu; trong Người không có sự lừa gạt, không có sự dối trá, chỉ có ánh sáng đích thực của Lời Chúa. Người đã xây nơi cư ngụ của Người ở trong chúng ta; Người đã được mời gọi và đi từ gần với chúng ta đến ở trong chúng ta. Người đã trở thành một với chúng ta, chấp nhận sự liên kết hôn nhân này, sự hiệp nhất; Người là tất cả, là bạn hữu của mọi người, chính Người là Tình Yêu. Đó là lý do tại sao Người tự dâng hiến mình như vậy, đổ đầy chúng ta với niềm vui mừng. Chúng ta hãy cẩn thận đừng làm Người buồn, đừng để Người ra đi, thay thế sự hiện diện của Người với những hiện diện khác, các giao ước tình yêu khác; đến lúc đó chúng ta sẽ chết, bởi vì không bao giờ có ai có thể thay thế Người để phù trợ chúng ta.
Các Môn Đệ. Lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Người là những lời thách đố tôi một cách trực tiếp hơn, mạnh mẽ hơn; chúng được dành để nói với tôi, chúng tác động vào đời sống hằng ngày của tôi, chúng chạm vào tim tôi, những ý nghĩ của tôi, những mong ước thầm kín nhất của tôi. Chúng thách thức tôi về một tình yêu đích thực là tôi phải biến đổi thành những hành động cụ thể, hãy ghi nhớ rằng Lời Chúa và sự mong ước về Đấng tôi tuyên bố tôi yêu, Chúa. Một tình yêu chỉ có thể được kiểm chứng bởi việc tuân giữ các giới răn của tôi. Người môn đệ, khi ấy, ở đây xuất hiện như kẻ biết cách chờ Chủ của anh ta trở về; vào lúc nửa đêm, vào lúc gà gáy, hay vào lúc tảng sáng? Điều ấy không quan trọng; Người sẽ trở lại và vì thế tôi phải chờ và phải sẵn sàng. Loại tình yêu gì mà sẽ không chờ đợi, sẽ không trông ngóng, không bảo vệ?
Người môn đệ cũng là người hiểu biết; đây là một kiến thức được ban cho từ trên và xảy ra trong trái tim, trong bản thể thân thiết nhất và cá tính của một người, nơi chúng ta làm những quyết định để hành động, nơi chúng ta thấu hiểu sự thực, sắp xếp tư tưởng chúng ta, trông thấy và yêu thương. Đây là kiến thức trong ý nghĩa Kinh Thánh, được phát sinh từ một kinh nghiệm mạnh mẽ, lâu dài và thân thiết, từ một liên kết sâu xa và từ sự hiến tặng lẫn nhau. Điều này xảy ra giữa Chúa Thánh Thần và người môn đệ thực sự của Chúa Giêsu. Một kiến thức không ngừng phát triển dẫn chúng ta đến với Chúa Kitô, Chúa Cha, và đặt chúng ta trong sự hiệp thông tình yêu vô hạn và muôn đời của họ: “Các con sẽ hiểu biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, và các con ở trong Thầy và Thầy ở trong các con.” Người môn đệ cũng là người sống, ở trong, ở bên trong một sự liên kết không thể phá vỡ với Chúa của mình; đó không phải một sự liên kết ngẫu hứng, xa cách, hời hợt, nhưng luôn luôn ở trong một mối quan hệ tình yêu. Người môn đệ tự nguyện đi, đến và trở lại, cho phép chính mình được ôm lấy, được yêu thương. Và vì thế nhận ra Lời của Tin Mừng: “Ai yêu mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến.”
Trong thực thế, người môn đệ của Chúa Giêsu là người được yêu thương, được lựa chọn, từ nguyên thủy và cho đến muôn đời.
Thế Gian. Đoạn Tin Mừng nói rất ít về thế gian, mà chúng ta biết là rất quan trọng trong các tác phẩm của Gioan: thế gian không thể nhận lãnh Chúa Thánh Thần, bởi vì nó không thể thấy hoặc không biếtNgười. Thế gian đang chìm đắm trong bóng tối và tội lỗi; nó không thấy hoặc không biết và không thể cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa. Thế gian vẫn xa cách, quay lưng lại, tự đóng kín và bước đi. Thế gian đáp trả tình yêu mà Chúa đã dành cho nó với sự hận thù: Chúa Cha đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con một của Người. Có lẽ chúng ta cũng phải nên yêu thương thế gian, được tạo dựng bởi Thiên Chúa; yêu thương bằng cách hợp nhất chúng ta với sự trao ban, sự hy sinh của Chúa Giêsu cho thế gian.
Có thể nào nói một cách chính xác rằng, chính trong sự trao ban của Chúa Kitô, chúng ta đến với chân lý hoàn toàn và tuyệt vời như là con cái của Chúa Cha, như là các môn đệ, là những người yêu dấu không? Đây có phải là lời kết của bài suy niệm và cầu nguyện Lời Chúa này (Lectio Divina), của cuộc gặp gỡ này với Đức Kitô, với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần không? Có thể thực sự là vậy; chúng ta phải đến với sự toàn vẹn của tình yêu, đó là tuân giữ các giới răn và nhất là một luật Chúa Giêsu đã truyền: hãy yêu thương như Thầy đã yêu thương các con.
6. Giây phút cầu nguyện: Thánh Vịnh 22
Đáp ca: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi!
Chúa là mục tử chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi.
Trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ.
Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi,
Tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng.
Người dẫn tôi qua những đường đoan chính,
Sở dĩ vì uy danh Người.
Dù bước đi trong thung lũng tối,
Tôi không lo mắc nạn vì có Chúa ở cùng tôi.
Cây roi và cây gậy của Người,
Đó là điều an ủi lòng tôi.
Chúa dọn ra cho con mâm cỗ,
Ngày trước mặt những quân thù;
Đầu con thì Chúa xức dầu thơm,
Chén rượu con đầy tràn chan chứa.
Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi,
Hết mọi ngày trong đời sống;
Và trong nhà Chúa tôi sẽ định cư
Cho tới thời gian rất ư lâu dài.
7. Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa, xin đổ đầy tràn trên con với tình yêu của Chúa; con tràn ngập niềm hân hoan và sự bình an sâu kín. Qua Lời Chúa, Chúa đã yêu con rất nhiều trong cuộc gặp gỡ này. Chúa đã trao ban chính Chúa cho con cách đầy đủ; Chúa đã không bỏ sót một điều gì trong con, con người của con, toàn bộ đời sống của con. Lạy Chúa, con hiện hữu bởi vì Chúa; Chúa ở với con, trong con. Hôm nay Chúa đã ban cho con một sức sống mới từ trên cao, Chúa đã đổi mới con; con biết, con thấy, con cảm nghiệm được sức sống của Chúa trong con. Đây chính là một sự Phục Sinh, một vượt thoát thật sự từ cõi chết đến sự sống. Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì tình yêu khôn tả của Chúa đã bao phủ lấy con, chế ngự con nhưng lại phù trợ và nâng đỡ con!
Lạy Chúa, con xin để lại đây cái bình không, vô dụng, bất tài của con và chạy vào trong thành phố để gọi các bạn hữu của con, những người Chúa yêu thương, để nói với họ: Bạn cũng hãy đến để bạn có thể nhận biết Tình Yêu!
Lạy Chúa, còn một điều cuối cùng: Xin đừng bao giờ để con phản bội Chúa. Nếu Tình Yêu không được cho đi một cách nhưng không, được chia sẻ, thì nó mờ nhạt dần vào khoảng không, biến mất, trở nên bệnh hoạn và cô đơn. Xin Chúa hãy giúp con để con có thể là tình yêu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét