Trang

Thứ Năm, 8 tháng 5, 2014

Thứ Năm sau Chúa Nhật III Phục Sinh

Thứ Năm sau Chúa Nhật III Phục Sinh


Bài Ðọc I: Cv 8, 26-40
"Nếu ông tin hết lòng, thì được chịu phép rửa".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, thiên thần Chúa nói cùng Philipphê rằng: "Hãy chỗi dậy, đi về mạn nam, theo con đường từ Giêru-salem xuống Gaxa. Ðường ấy vắng vẻ". Người chỗi dậy ra đi. Và này có một người Êthiôpi là thái giám quyền thế của nữ hoàng Canđa, xứ Êthiôpi, và là tổng quản công khố của nữ hoàng, ông đến chầu lễ tại Giêrusalem. Lúc trở về, ông ngồi trên xe, đọc sách Tiên tri Isaia. Thánh Thần bảo Philipphê: "Hãy tiến lên và theo cho kịp xe kia". Philipphê chạy tới, nghe thấy ông ấy đọc sách Tiên tri Isaia, liền hỏi: "Ngài có hiểu được điều ngài đọc không?" Nhà quan trả lời: "Làm sao tôi hiểu được, nếu không ai chỉ giáo cho tôi". Nhà quan liền mời Philipphê lên xe ngồi với mình. Ðoạn Thánh Kinh ông đang đọc như sau: "Như con chiên bị đem đi làm thịt, Người phải điệu đi; như con chiên trước người thợ xén lông không kêu một tiếng, Người chẳng mở miệng. Trong cảnh nhục nhã, Người bị lên án bất công. Còn ai kể lại dòng dõi của Người, vì mạng sống Người bị cất khỏi trần gian". Viên thái giám lên tiếng hỏi Philipphê rằng: "Tôi xin hỏi ông: đấng tiên tri nói điều ấy về ai? Về chính mình hay về người nào khác?" Philipphê mở miệng rao giảng Tin Mừng Ðức Giêsu cho ông, bắt đầu từ đoạn Thánh Kinh đó. Ðang đi dọc đường, đến nơi có nước, vị thái giám liền nói: "Này nước đây, có gì ngăn trở tôi chịu phép rửa không?" Philipphê nói: "Nếu ông tin hết lòng thì được". Nhà quan đáp lại: "Tôi tin Ðức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa". Ông ra lệnh cho dừng xe lại, Philipphê và viên thái giám, cả hai đi xuống nước, và Philipphê làm phép rửa cho ông. Khi họ lên khỏi nước, Thánh Thần Chúa đem Philipphê đi mất và viên thái giám không còn thấy ngài nữa. Ông hân hoan tiếp tục hành trình. Còn Philipphê thì người ta gặp thấy tại Azô, ngài rảo khắp mọi thành phố, rao giảng Tin Mừng cho đến thành Cêsarêa.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 65, 8-9. 16-17. 20
Ðáp: Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa (c. 1).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Hỡi chư dân, hãy chúc tụng Thiên Chúa chúng tôi, và loan truyền lời ca ngợi khen Ngài: là Ðấng đã ban cho linh hồn chúng tôi được sống, và không để chân chúng tôi xiêu té. - Ðáp.
2) Phàm ai tôn sợ Chúa, hãy đến, hãy nghe tôi kể lại, Chúa đã làm cho linh hồn tôi những điều trọng đại biết bao! Tôi đã mở miệng kêu lên chính Chúa, và lưỡi tôi đã ngợi khen Ngài. - Ðáp.
3) Chúc tụng Chúa là Ðấng không hắt hủi lời tôi nguyện, và không rút lại lòng nhân hậu đối với tôi. - Ðáp.

Alleluia: Ga 14, 18
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con và lòng các con sẽ vui mừng". - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 6, 44-51
"Ta là bánh từ trời xuống".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán với dân chúng rằng: "Không ai đến được với Ta, nếu Cha, là Ðấng sai Ta, không lôi kéo kẻ ấy, và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Trong sách các tiên tri có chép rằng: "Mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy bảo". Ai nghe lời giáo hoá của Cha, thì đến với Ta. Không một ai đã xem thấy Cha, trừ Ðấng bởi Thiên Chúa mà ra, Ðấng ấy đã thấy Cha. Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời. Ta là bánh ban sự sống. Cha ông các ngươi đã ăn manna trong sa mạc và đã chết. Ðây là bánh bởi trời xuống, để ai ăn bánh này thì khỏi chết. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Tin Chúa Sẽ Ðược Sống Muôn Ðời

Anh chị em thân mến!
Chúng ta không phủ nhận sự kiện có nhiều người muốn chối bỏ Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa mà họ đang nắm giữ chưa phải là Thiên Chúa thật, đó mới chỉ là một phác họa của trí tưởng tượng, một phản ứng của những ước muốn nơi con người. Không chiều theo sở thích của họ thì họ sẽ sẵn sàng chối bỏ. Muốn khám phá ra một Thiên Chúa thật, con người phải tìm về cội nguồn là Ðức Kitô, như lời dạy của Ngài qua tường thuật của thánh Gioan trong đoạn Tin Mừng hôm nay.
Thật thế, có nhiều cách nghe và nhiều cách phản ứng trước điều đã nghe. Có người nghe để rồi phê bình chỉ trích, có người nghe rồi chán nản bực mình, nghe để khiếp sợ xa lánh hoặc nghe chỉ vì không có cơ hội để nói. Tất cả các cách nghe này đều không phải là cách nghe mà Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ: "Ai nghe và học nơi Cha thì đến với Ta".
Nghe và học là đáp trả đối với tình yêu Thiên Chúa. Vì Lời của Thiên Chúa như mưa tuyết từ trời sa xuống, nó sẽ không trở lên trời lại nếu đã không thấm nhuần đất đai, nếu không làm cho đất đai sinh sản nẩy mầm và cho người gieo có giống cùng cơm bánh cho người ta ăn.
Lời Chúa là lời phát sinh hiệu quả. Hiệu quả ấy không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng hoặc kết tinh của ước muốn. Nếu chỉ gặt hái được những kết quả như thế khi tiếp xúc với Thiên Chúa, sớm muộn gì con người cũng sẽ chối bỏ Ngài.
Muốn gặp được Thiên Chúa thật, con người phải đến với Ðức Giêsu: "Không ai xem thấy Cha trừ ra Ðấng bởi từ Thiên Chúa Cha mà ra. Ðấng ấy đã thấy Cha và Ðấng ấy cũng là Thiên Chúa".
Tìm đến với Ngài là tìm gặp được Thiên Chúa. Nghe và học ở nơi Ngài không chỉ là việc tiếp nhận từ Ngài các kiến thức khô khan, như các công thức toán học, vật lý hoặc văn chương triết học. Nghe và học ở Ngài là đón nhận cả con người của Ngài. Thân thể Ngài trở nên của ăn, Máu Ngài trở nên của uống nuôi sống trần gian: "Ai đến với Ngài sẽ không hề đói. Ai tin vào Ngài sẽ không hề khát bao giờ".
Con người vẫn còn than trách hoặc chối từ Thiên Chúa, vì họ còn giữ mãi cho mình hình ảnh của một Thiên Chúa do họ nắn tạo ra. Cần phải phá bỏ hình ảnh đó đi, họ mới có cơ may gặp được Thiên Chúa thật. Người Do Thái đã không từ chối hình ảnh của Ðấng Cứu Thế theo những gì họ nghĩ tưởng. Thế nên, đứng trước một Ðấng Cứu Thế thật, họ cũng chẳng bao giờ gặp được Ngài.
Biệt phái nghe để phê bình, luật sĩ nhìn để bắt bẻ, thì làm sao có thể nghe và nhìn để học hỏi nơi Ðức Giêsu. Người tín hữu hôm nay cũng thế, nếu không biết nghe và học, họ sẽ không gặp được Thiên Chúa. Nghe và học đòi buộc họ phải đến với Chúa Giêsu, đến với Ngài đòi buộc họ phải đón nhận Ngài. Vì hiểu biết Thiên Chúa không phải chỉ là mớ kiến thức, nhưng hiểu biết về Ngài là một cảm nghiệm, một đối thoại trao đổi không ngừng.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, ước mong rằng mỗi người trong chúng ta vượt qua hình ảnh về Thiên Chúa mà bấy lâu nay mỗi người trong chúng ta đã đúc sẵn cho mình. Có thể đó là một Thiên Chúa nhớ đến lúc nguy nan hoặc như nhãn hiệu gắn bên ngoài để che mắt người đời. Có như thế, chúng ta mới gặp được Thiên Chúa thật, Ðấng hằng mong chờ chúng ta đến để sống với Ngài, để hưởng sự sống đời đời bên Ngài. Amen.
Veritas Asia


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần III PS
Bài đọc: Acts 8:26-40; Jn 6:44-51.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lời Chúa và Bí-tích là hai nguồn sức mạnh chính của con người.
Để một người có thể tin vào Đức Kitô đòi hỏi sự phối hợp của nhiều yếu tố. Về phía con người, họ phải có lòng thành đi tìm sự thật và phải bỏ giờ để học hỏi. Về phía Thiên Chúa, Ngài phải tạo cơ hội cho con người bằng cách gởi tới những người rao giảng Tin Mừng; nhưng quan trọng hơn cả là Thiên Chúa ban Thánh Thần để soi sáng cho con người hiểu và nhận ra sự thật trong Tin Mừng, đồng thời thúc đẩy con người tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô. Nếu không có sự trợ giúp của Thiên Chúa, con người không thể tin vào Đức Kitô.
Các Bài Đọc hôm nay muốn nhấn mạnh đến sự trợ giúp của Thiên Chúa để mọi người có thể tin vào Đức Kitô. Trong Bài Đọc I, nếu Thiên Chúa không gởi Thánh Thần, thiên sứ, và Philip, viên quan Thái Giám Ethiopia không có Phó-tế Philip để cắt nghĩa cho ông những gì trong Sách của ngôn-sứ Isaiah, và ông sẽ không có cơ hội để tin vào Đức Kitô và được chịu Bí-tích Rửa Tội. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu quả quyết: không ai có thể đến được với Ngài, nếu Cha Ngài không “lôi kéo” người ấy. Điều mà Chúa Cha lôi kéo đây là cung cấp cơ hội (nghe Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng), và ban Thánh Thần để thúc đẩy họ tin vào Đức Kitô.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Quan Thái Giám người Ethiopia tin vào Đức Kitô.
1.1/ Thiên Chúa sắp đặt cơ hội cho ông quan trở lại.
(1) Thiên sứ mặc khải cho Philip: Thiên sứ của Chúa nói với ông Philíp: "Đứng lên, đi về hướng Nam, theo con đường từ Jerusalem xuống Gaza; con đường này vắng." Gaza, Ashdod, và Ashkelon là 3 thành phố của Palestine, nằm trên đường ven biển Mediterranean, trước khi xuống Ai-cập và đi qua lục địa Phi-châu. Ít người dám dùng con đường này để đi từ Jerusalem xuống Gaza, vì đường vắng và địa thế gập ghềnh rất khó di chuyển; đa số sẽ dùng con đường từ Jerusalem xuống Joppa, rồi lần theo đường ven biển xuống Gaza.
Khi Philip tới Gaza, ông gặp một viên quan Thái Giám người Ethiopia, ông là quan lớn trong triều của bà Candace, Nữ Hoàng nước Ethiopia. Ông này làm tổng quản kho bạc của bà. Ông đã lên Jerusalem hành hương và bấy giờ đang trên đường về. Ngồi trên xe nhà, ông đọc sách ngôn sứ Isaiah. Viên quan này có lẽ là người trở lại theo Đạo Do-thái, nhưng không phải giữ tất cả mọi Lề Luật. Thần Khí nói với ông Philíp: "Tiến lên, đuổi kịp xe đó."
(2) Philip cắt nghĩa Kinh Thánh cho quan Thái Giám: Ông Philíp vâng lời chạy lên; khi ông nghe thấy ông kia đọc sách ngôn sứ Isaiah, thì hỏi: "Ngài có hiểu điều ngài đọc không?" Ông quan đáp: "Làm sao tôi hiểu được, nếu không có người dẫn giải?" Rồi ông mời ông Philíp lên ngồi với mình.
Đoạn Kinh Thánh ông đang đọc là đoạn trong Bài ca thứ tư về Người Tôi Trung của Thiên Chúa, Isa 53:7-8: “Như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, Người chẳng mở miệng kêu ca. Bởi Người bị hạ xuống, nên bản án của Người đã được huỷ bỏ. Dòng dõi Người, ai sẽ kể lại, vì cuộc sống của Người trên trần gian đã bị chấm dứt.” Viên Thái Giám ngỏ lời với ông Philíp: "Xin ông cho biết: vị ngôn sứ nói thế về ai? Về chính mình hay về một ai khác?" Ông Philíp khởi đầu từ đoạn Kinh Thánh ấy mà loan báo Tin Mừng Đức Giêsu cho ông. Chúa Giêsu là Người Tôi Trung ấy, Ngài chịu đựng đau khổ cho con người, để cứu chuộc con người khỏi chết và cho con người được sống muôn đời. Để được hưởng những đặc quyền này, con người phải tin vào Đức Kitô và chịu Phép Rửa.
1.2/ Philip rửa tội cho quan Thái Giám: Dọc đường, khi các ông tới một chỗ có nước, viên thái giám mới nói: "Sẵn nước đây, có gì ngăn trở tôi chịu phép rửa không?" Ông Philíp đáp: "Nếu ngài tin hết lòng, thì được." Viên thái giám tuyên xưng: "Tôi tin Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa." Ông truyền dừng xe lại. Ông Philíp và viên thái giám cùng xuống chỗ có nước, và ông Philíp làm phép rửa cho ông quan. Khi hai ông lên khỏi nước, Thần Khí Chúa đem ông Philíp đi mất, và viên Thái Giám không còn thấy ông nữa; nhưng ông tiếp tục cuộc hành trình, lòng đầy hoan hỷ. Còn ông Philíp thì người ta gặp thấy ở Ashdod. Ông loan báo Tin Mừng cho mọi thành thị ông đi qua, cho tới khi đến Caesarea.
2/ Phúc Âm: Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.
2.1/ Chúa Giêsu dạy dỗ con người: Ngài tuyên bố: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết.” Có nhiều người dựa vào câu tuyên bố này để bênh vực chủ thuyết Tiền Định: Tất cả mọi người đã được Thiên Chúa tiền định cho được lên Thiên Đàng hay phải xuống hỏa ngục. Nếu Thiên Chúa lôi kéo ai, người đó mới có thể đến và tin vào Đức Kitô, và được lên Thiên Đàng. Nếu Thiên Chúa không lôi kéo, làm sao một người có thể đến và tin vào Đức Kitô? Hậu quả là người đó sẽ phải sa hỏa ngục, cho dù có muốn lên Thiên Đàng!
Điều quan trọng là phải hiểu hai chữ “lôi kéo.” Bằng cách nào Thiên Chúa “lôi kéo” con người đến với Chúa Giêsu? Thiên Chúa lôi kéo con người đến với Đức Kitô không phải như người ta xỏ mũi để kéo con bò, hay như bộ máy kéo theo các toa xe lửa, nhưng Ngài: (1) Cung cấp cơ hội để con người có thể nghe Lời Chúa và được dạy dỗ, như Chúa Giêsu nói: “Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi.” Lời ngôn sứ mà Chúa đề cập đến ở đây là Isa 54:13 và Jer 31:33. (2) Ban Thánh Thần để Ngài hoạt động bên trong con người, giúp con người nhận ra sự thật, và thúc đẩy con người để mạnh dạn tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô.
2.2/ Chúa Giêsu nuôi dưỡng con người bằng chính Mình Người:Niềm tin vào Đức Kitô không phải chỉ một lúc con người tuyên xưng đức tin và chịu Phép Rửa; nhưng trải dài trong suốt cuộc đời các tín hữu. Để giữ đức tin sống động và trung thành đến cùng, con người cần được nuôi dưỡng như Chúa Giêsu nói với dân chúng: “Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn Manna trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống." Bí-tích Thánh Thể không phải là việc làm cũng được, không làm cũng không sao; nhưng là việc tối quan trọng: Ai không ăn Mình Chúa, sẽ không có nghị lực để chống trả chước cám dỗ của thế gian và ma quỉ, và sẽ khó lòng trung thành với Đức Kitô trọn đời.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Sự trở lại của con người và tin vào Đức Kitô nằm trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa: Ngài cho con người có cơ hội để nghe Tin Mừng, đồng thời cung cấp ơn thánh bên trong để giúp con người nhận ra sự thật và thúc đẩy con người tin vào Đức Kitô.
- Chúa Giêsu vẫn không ngừng dạy dỗ chúng ta qua Lời Chúa, và nuôi dưỡng chúng ta bằng chính mình Ngài qua Bí-tích Thánh Thể. Chúng ta hãy năng chạy đến với hai nguồn sức mạnh chính này để học khôn ngoan và được nuôi dưỡng hằng ngày.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

HẠT GIỐNG NẨY MẦM  TUẦN 3 PHỤC SINH

Ga 6,44-51

A. Hạt giống...
Tiếp tục ý tưởng hôm qua về "đến với" và "tin vào" Chúa :
Việc "tin vào" Chúa Giêsu, thể hiện bằng việc "đến với" Ngài là kết quả của sự hợp tác của hai phía :
- Phía Thiên Chúa : Thiên Chúa ban ơn "lôi kéo" con người tin vào Chúa Giêsu và đến với Ngài : "Không ai đến được với Ta nếu Cha Ta là Đấng sai Ta không lôi kéo kẻ ấy" (câu 44). Thực ra, Thiên Chúa luôn muốn "lôi kéo" con người đến với Chúa Giêsu để con người được sống. Nhưng con người ít ra phải ngoan ngoãn để cho Thiên Chúa lôi kéo. Nhiều người do thái đã không ngoan ngoãn như vậy nên đã không đến được với Chúa Giêsu.
- Phía con người : phải "nghe lời giáo huấn" của Thiên Chúa. : "Ai nghe lời giáo huấn của Cha thì đến với Ta" (câu 45). Mà Thiên Chúa thì luôn giáo huấn con người : "Trong sách các ngôn sứ có chép rằng mọi người sẽ được Thiên Chúa giáo huấn" (câu 45). Câu nói này ngầm trích dẫn Is 54,13. Mà đại ý chương 54 sách Isaia là kinh nghiệm của dân Isarel vào cuối thời lưu đày : họ đã thấy rằng Thiên Chúa luôn quyến luyến con người như một người chồng quyến luyến vợ. Đó chính là giáo huấn mà Thiên Chúa đã ban cho Israel qua dòng lịch sử. Như thế, "nghe lời giáo huấn của Thiên Chúa" nghĩa là ý thức rằng Thiên Chúa luôn yêu thương mình.
Tóm lại, việc "tin vào" Chúa Giêsu và "đến với" Ngài là điều Thiên Chúa yêu thương luôn tạo điều kiện để con người thực hiện được dễ dàng. Chỉ cần ngoan ngoãn phó thác vào tình thương Thiên Chúa thì con người có thể làm được.

B.... nẩy mầm.
1. Hôm qua, chúng ta đã hiểu ích lợi của việc đến với Chúa ("Ai đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ"). Nhưng xét mình lại, chúng ta thấy mình ít đến với Chúa. Ít đến vì một việc xem ra đơn giản như thế lại quá khó với bản tính tự nhiên của chúng ta. Hôm nay Chúa Giêsu dạy thêm : muốn đến với Ngài thì hãy để cho tình thương Thiên Chúa lôi kéo và hãy nhớ giáo huấn của Ngài trong lịch sử là Ngài rất yêu thương loài người. Đừng lì lợm với tình thương ấy, đừng kháng cự với tình thương ấy.
2. Một buổi chiều rảnh rỗi, văn hào Paul Claudel thong thả dạo bước nhàn du. Khi đi ngang một nhà thờ, tiếng thánh ca từ đó vọng ra đã lôi kéo bước chân ông đi vào nhà thờ. Ở đó ông đã gặp Thiên Chúa, gặp niềm tin. Đó là một cách lôi kéo của Thiên Chúa. Thiên Chúa cũng dùng biết bao cách khác để lôi kéo chúng ta. Chỉ cần ta đừng cố chấp nhưng ngoan ngoãn bước theo, thì ta sẽ "đến" được với Ngài. Hãy nhớ lại xem đã bao nhiều lần, và những lần đó thế nào, tôi đã lỡ mất không ngoan ngoãn bước theo sự lôi kéo của Thiên Chúa.
3. Người câm không nói được nhưng có cách làm cho người khác hiểu được họ, đó là dùng những dấu hiệu bằng tay, bằng nét mặt, có khi bằng cả thân thể. Tuy nhiên, muốn hiểu được người câm thì ta phải rất chú ý từng động tác nhỏ của họ. Rất nhiều khi Thiên Chúa nói với ta bằng ngôn ngữ của người câm. Ta cần chú ý lắm mới hiểu được ý Chúa.
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét