VẠ TUYỆT THÔNG LÀ GÌ ?
Hỏi: Xin Cha giải thích rõ hình phạt gọi là Vạ tuyệt thông của Giáo Hội,
Trả lời: Vạ tuyệt thông (ex-communication) là hình phạt nặng nề nhất của Giáo Hội dành cho những ai cố tình vi phạm một số tội nặng và ngoan cố không chịu sửa đổi hay sám hối.
Qua bí tích rửa tội, người tín hữu gia nhập Giáo Hội và được hiệp thông hay tham dự vào những lợi ích thiêng liêng trong Cộng Đồng Giáo Hội. Do đó, khi phạm một tội trọng nào hoặc có những hành động gây thương tổn cho niềm tin của Giáo Hội và tạo gương xấu nghiêm trọng thì đương nhiên đã tự tách mình ra khỏi sự hiệp thông nói trên.
Trong thời sơ khai, Giáo hội cũng đã loại trừ ( phạt ) những người phạm những tội dâm ô, loạn luân ra khỏi cộng đoàn như ta đọc thấy trong Thư Thánh Phao Lô gửi tín hữu Cò-rin-tô sau đây :
“Đi đâu tôi cũng nghe nói đến chuyện dâm ô giữa anh em, mà là thứ dâm ô không thấy xảy ra ngay cả nơi dân ngoai…. Lẽ ra anh em phải loại trừ kẻ làm điều ấy ra khỏi cộng đoàn của anh em….. .(1 Cor:1-2). Dầu vậy, Thánh Phaolô vẫn tỏ lòng thương xót và hy vọng những người này được cứu độ trong ngày sau hết khi ngài viết tiếp : “ Chúng ta hãy nộp con người đó cho sa-tan để phần xác nó bị hủy diệt, con phần hồn được cứu thoát trong Ngày của Chúa.” (cf. 5:5).
Ngày nay, Giáo Hội chỉ sử dụng hình phạt này cho những ai cố tình và công khai phạm những tội hay có hành động gây gương xấu trầm trọng mà không chịu nhận lỗi và sửa chữa.
Giáo luật, và Giáo lý của Giáo Hội liệt kê một số tội bị vạ tuyệt thông như sau:
1- Mắc vạ tuyệt thông tiền kết những người bội giáo (apostate), lạc giáo (heretic) hay ly giáo (schismatic) (can#1364)
2-Ai quăng ném Bánh Thánh (Mình Thánh Chúa)l ấy hoặc cất giữ với mục đích phạm thánh (sacrilegious purposes) bị vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh (#1367)
3- Người nào hành hung Đức Thánh Cha sẽ bị vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh (# 1370, &1)
4-Giám mục nào không có Ủy nhiệm thư của Đức Giáo Hoàng mà phong chức giám mục cho người khác, cũng như người được truyền chức do Giám mục này đều mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh. (# 1381)
5- Ai thi hành và phụ giúp việc phá thai có kết quả sẽ bị vạ tuyệt thông tiền kết. (#1397; GLGHCG #2272
6- Cha giải tội nào vi phạm ấn tòa giải tội (tiết lộ tội hối nhân xưng) phải bị vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh. (# 1388, & 1)
AI CÓ QUYỀN RA và THA VẠ TUYỆT THÔNG ?
1- Vạ tuyệt thông có thể là hậu kết (ferendae sententiae) nghĩa là chỉ ràng buộc phạm nhân sau khi vạ được tuyên án. Một Giám mục có thể ra vạ tuyệt thông hậu kết cho người ngoan cố không chịu sửa lỗi nặng đã được cảnh cáo. Nếu chịu hối lỗi thì Giám mục có thể tha vạ này.
2- Vạ tuyệt thông có thể là tiền kết (latae sententiae) nghĩa là đương nhiên bị vạ này khi phạm một trong những tội hay lỗi nghiêm trọng ghi trên đây. Chỉ có Tòa Thánh tức là chính Đức Giáo Hoàng được giải vạ này mà thôi.
Tuy nhiên, trong trường hợp nguy tử thì bất cứ linh mục nào cũng được phép tha mọi tội và giải vạ tuyệt thông tiền hay hậu kết. (x. GLGHCG #1463)
HẬU QUẢ CỦA VẠ TUYỆT THÔNG
Giáo luật nói rõ những hậu quả của vạ tuyệt thông như sau:
1- không được cử hành hay lãnh nhận mọi bí tích kể cả á bí tích của Giáo Hội.
2- Đối với giáo sĩ và tu sĩ : không được hành xử mọi chức vụ, tác vụ hay bất cứ nhiệm vụ nào cũng như bị cấm hưởng dùng các đặc ân đã được ban cấp trước đó. (x. can # 1331)
Nói tắt một lời : người bị vạ tuyệt thông tạm thời bị tách ra khỏi mọi hiệp thông với Giáo Hội cho đến khi vạ được tha bởi thẩm quyền Giáo Hội.
Kết luận: Vạ tuyệt thông, dù là hình phạt nặng nhất của Giáo Hội, nhưng không có nghĩa là lời kết án vĩnh viễn cho ai phải ra khỏi sự hiệp thông với Cộng đồng Dân Chúa. Nghĩa là Giáo Hội vẫn mở rộng cửa để đón nhận trở lại những phạm nhân có thiện chí ăn năn và xin được tha lỗi. Vì thế hình phạt này chỉ tạm thời cho những phạm nhân ngoan cố không chịu ăn năn, sửa lỗi mà thôi
LM PHanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
http://www.chungnhanduckito.net/tacgia/lm.huan/vatuyetthonglagi.htm
Vạ tuyệt thông là gì?
Linh mục chịu chức giám mục bất hợp pháp cùng với các giám mục phong chức đều bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết theo điều 1382 của Bộ Giáo luật.
Sau những vụ truyền chức giám mục bất hợp pháp tại Trung Quốc, Toà Thánh công bố những người chịu chức giám mục như vậy đã mắc vạ tuyệt thông. Nhiều người hỏi vạ tuyệt thông là gì.
Để trả lời, phải tìm hiểu hai điều: 1. Các thánh thông công. 2. Vạ tuyệt thông.
1. Các Thánh cùng thông công.
Trên nguyên tắc, tất cả những ai được rửa tội, đều là thánh, vì đã được sạch tội tổ tông và tội riêng. Các thánh là tất cả những người Công Giáo, vì thế ân huệ có thể thông truyền cho nhau. Nên:
Tất cả các tín hữu còn sống hay đã qua đời - đã được lên thiên đàng (paradis) hay còn đang ở luyện tội (purgatoire) - đều có liên lạc mật thiết. Đó là tín điều (dogme) các Thánh cùng thông công.
- Các tín hữu còn sống làm thành Giáo Hội chiến đấu.
- Các Thánh trên thiên đàng làm thành Giáo Hội khải hoàn.
- Các linh hồn trong luyện tội làm thành Giáo Hội đau khổ.
Các tín hữu tôn kính, cầu xin các Thánh. Còn các Thánh cầu bầu cho các tín hữu trước mặt Thiên Chúa.
Các tín hữu làm việc lành phúc đức cầu cho các linh hồn. Còn các linh hồn cầu bầu cùng Chúa cho các tín hữu còn đang sống.
Các tín hữu đều thông công với nhau: mỗi người đều có quyền hưởng nhờ lời cầu nguyện và công nghiệp của tất cả những người khác.
2. Vạ tuyệt thông (hay dứt phép thông công, rút phép thông công) nghĩa là không còn được hưởng những ân huệ của “các thánh thông công” nữa, nhưng chỉ là một hình phạt của Giáo hội Công giáo Rôma dành cho những giáo sĩ và giáo dân phạm trọng tội. Khi một người bị tuyên án vạ tuyệt thông thì về bản chất, người ấy bị tách rời ra khỏi sự "hiệp thông" với những tín hữu khác trong Giáo hội, về hình thức là bị khai trừ khỏi tổ chức Giáo hội. Tuy nhiên, vạ tuyệt thông không phải là Thiên Luật (luật của Chúa) mà là Nhân Luật (giáo luật của Giáo hội), nên vạ tuyệt thông không ảnh hưởng đến mối liên hệ riêng rẽ giữa cá nhân người bị vạ với Thiên Chúa. Hình thức Có hai hình thức vạ tuyệt thông:
• Vạ tuyệt thông tiền kết: được ấn định cho một số tội. Ngay sau khi phạm, đương sự lập tức bị vạ, không cần Giáo hội phải ra công bố. Theo Bộ Giáo luật hiện hành, hiện nay chỉ còn bảy loại vi phạm bị chế tài Vạ tiền kết.
1. Người bội giáo, lạc giáo hay ly giáo, sẽ bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết.
2. Ai ném bỏ Bánh Thánh, lấy hoặc giữ với mục đích phạm thánh, bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh.
3. Người nào hành hung Đức Thánh Cha sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh.
4. Ai thi hành việc phá thai, và việc phá thai có kết quả, sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết.
5. Tư tế hành động ngược lại các quy định ở điều 977, sẽ bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh.
6. Cha giải tội nào vi phạm trực tiếp ấn bí tích, phải bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh.
7. Giám mục nào không có ủy nhiệm thư giáo hoàng mà phong chức giám mục cho người khác, cũng như người nào được thụ phong do giám mục ấy sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh. Trong bảy qui định vạ trên đây, năm loại vạ chỉ được hoá giải bởi chính Tòa Thánh (2, 3, 5, 6 và 7), còn hai loại vạ kia (1 và 4) có thể được giải do giám mục giáo phận hay những linh mục được các giám mục ấy ủy thác.
• Vạ tuyệt thông hậu kết: được ấn định cho một số tội. Sau khi phạm, đương sự chưa lập tức bị vạ. Đương sự chỉ bị vạ sau khi Giáo hội ra công bố. Theo Bộ Giáo luật hiện hành, hiện nay chỉ còn hai loại vi phạm bị chế tài vạ hậu kết.
Hầu hết những trường hợp bị vạ tuyệt thông đều là vạ tuyệt thông tiền kết và người mắc vạ tuyệt thông bị cấm:
1. Không được tham phần bằng bất cứ cách nào như thừa tác viên vào việc cử hành Hy tế Thánh Thể, hay vào các lễ nghi phụng tự nào khác
2. Không được cử hành các Bí tích hay Á Bí tích và lãnh nhận các Bí tích
3. Không được hành sử các chức vụ, tác vụ hay bất cứ nhiệm vụ nào, hay thi hành các hành vi cai trị sau khi vạ tuyệt thông đã bị tuyên kết hay tuyên bố, người bị vạ tuyệt thông thi hành cách vô hiệu những hành vi cai trị nếu trước đó đã được chỉ định; cũng không được lãnh nhận cách hữu hiệu một chức vụ hay nhiệm vụ nào khác trong Giáo hội; cũng không được chiếm hữu cho mình các lợi lộc của bất cứ chức vị, chức vụ hay nhiệm vụ, hưu bổng nào mà đương sự đã có trong Giáo hội.
http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/MucVu/43VaTuyetThong.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét