Trang

Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Thứ Ba sau Chúa Nhật 13 Quanh Năm

Thứ Ba sau Chúa Nhật 13 Quanh Năm

  
Bài Ðọc I: (Năm II) Am 3, 1-8; 4, 11-12
"Chúa phán: Ai lại chẳng nói tiên tri".
Trích sách Tiên tri Amos.
Hỡi con cái Israel, hãy nghe lời Chúa phán về các ngươi, và cả dòng giống mà Ta đã đem ra khỏi đất Ai-cập: "Trong muôn dân trên mặt đất, Ta chỉ nhận biết một mình các ngươi. Vì thế, Ta sẽ đến sát hạch các ngươi về mọi gian ác của các ngươi. Hai người, nếu không đồng ý với nhau, có bao giờ lại đi chung với nhau không? Khi chưa bắt được mồi, có bao giờ sư tử gầm lên giữa rừng không? Khi sư tử con chưa bắt được gì, có bao giờ người ta nghe thấy tiếng nó không? Nếu không có gì cạm bẫy, chim có bao giờ sa lưới không? Nghe tiếng kèn thổi trong thành, có bao giờ người dân không lo sợ không? Có tai hoạ nào trong thành mà không do Chúa điều khiển không? Thực ra, Chúa là Thiên Chúa không làm điều gì mà lại không mạc khải ý định của Người cho các tiên tri tôi tớ của Người. Sư tử gầm thét, ai lại không run sợ? Chúa là Thiên Chúa phán, ai lại chẳng nói tiên tri?
"Ta đã triệt hạ các ngươi như Thiên Chúa đã triệt hạ Sôđôma và Gômôra, các ngươi đã trở thành như thanh củi cháy dở rút khỏi đống lửa, thế mà các ngươi không trở lại với Ta! - Chúa đã phán như thế. Vì vậy, hỡi Israel, Ta sẽ làm cho ngươi những điều này: nhưng sau khi Ta đã làm cho ngươi như vậy, hỡi Israel, ngươi hãy sửa soạn đón rước Thiên Chúa của ngươi".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 5, 5-6. 7. 8
Ðáp: Lạy Chúa, xin dẫn con trong đức công minh (c. 9a).
Xướng: 1) Chúa không phải là Chúa tể ưa điều gian ác; kẻ độc dữ không được cư trú nhà Ngài; đứa bất nhân không thể đứng trước thiên nhan; Chúa ghét những kẻ làm điều gian ác. - Ðáp.
2) Ngài tiêu diệt những đứa nói man; người độc ác và gian giảo thì Chúa ghê tởm không nhìn. - Ðáp.
3) Phần con, bởi gội nhuần sủng ái, con sẽ vào tới hoàng đài của Chúa; con sấp mình gần bên thánh điện với lòng tôn sợ Ngài, thân lạy Chúa. - Ðáp.
  
Alleluia: 1 Sm 3, 9
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 8, 23-27
"Người chỗi dậy, truyền lệnh cho gió và biển, và biển yên lặng như tờ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu xuống thuyền, có các môn đệ theo Người. Và đây biển động dữ dội, đến nỗi sóng phủ lên thuyền, thế mà Người vẫn ngủ. Các môn đệ lại gần đánh thức Người dậy mà rằng: "Lạy Thầy, xin cứu lấy chúng con kẻo chết mất!" Chúa phán: "Hỡi những kẻ yếu lòng tin! Sao các con nhát sợ?" Bấy giờ Người chỗi dậy, truyền lệnh cho gió và biển. Và biển yên lặng như tờ! Cho nên những người ấy kinh ngạc mà rằng: "Ông này là ai mà gió và biển đều vâng phục?"
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Xin cứu chúng con

Ông John Newton sống nghề buôn bán các nô lệ. Trong lần vượt đại dương, thuyền của ông gặp bão lớn gần chìm; lúc đó, vì quá lo sợ, ông đã thốt lên: "Lạy Chúa, xin cứu con; qua được cơn nguy hiểm này, con sẽ từ bỏ nghề buôn bán vô nhân đạo này và sẽ làm nô lệ Chúa". Và rồi, khi thuyền ông cập bến Mỹ Châu sau đó, ông đã từ bỏ mọi sự, trở thành nhà rao giảng Tin Mừng nổi tiếng.
Sự quan phòng của Thiên Chúa đã cho phép cơn bão tố xảy ra trong cuộc sống con người để thức tỉnh con người trở về với Ngài. Ðiều quan trọng không phải là không có bão tố hoặc khó khăn thử thách, nhưng là có Chúa hiện diện dù lúc đó xem ra Ngài ngủ, không màng chi đến nguy hiểm đang xảy ra. Thật thế, gian nan thử thách Thiên Chúa cho xẩy đến là để con người ý thức về sự yếu đuối, mỏng dòn của mình, đồng thời đặt niềm trông cậy vào Chúa. Cơn bão xẩy ra đã làm cho các Tông Ðồ không còn dựa vào phương tiện vật chất là chiếc thuyền đang nâng đỡ chở che các ông, cũng như không còn tự phụ vào tài năng vượt biển của mình; trái lại, các ông ý thức mình cần đến Chúa. "Lạy Thầy, xin cứu chúng con, chúng con chết mất". Chính nhờ lời cầu nguyện trong lúc gian nan nguy hiểm, các Tông Ðồ được chứng kiến phép lạ và quyền năng của Chúa.
Tôi đã có thái độ nào khi gặp những cơn bão tố trong cuộc đời? Những cơn bão tố đó làm cho tôi gặp Chúa hay xa rời Ngài?
Ước gì chúng ta cũng có thái độ như các Tông Ðồ xưa: "Lạy Thầy, xin cứu chúng con". Xin Chúa mở mắt cho chúng ta nhìn thấy sự hiện diện của Chúa trong đời sống chúng ta. Xin cho chúng ta ý thức rằng chúng ta cần đến Chúa hơn cơm bánh hằng ngày, hơn không khí để thở. Chúa là sức mạnh, là khiên thuẫn chở che, xin Ngài gìn giữ chúng ta luôn vững mạnh trong đức tin giữa những cơn thử thách.
Veritas Asia

LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Ba Tuần 13 TN2
Bài đọc: Amo 3:1-8, 4:11-12; Mt 8:23-27.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀSợ hãi và bình an

            Có lửa phải có khói, có quả phải có cây, có tội sớm muộn gì cũng phải đền tội. Người có tội lúc nào cũng phải thấp thỏm sợ hãi: sợ người khác phanh phui tội của mình và sợ những hậu quả xảy ra do tội gây nên. Họ không bao giờ tìm được sự bình an như khi chưa phạm tội.
            Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật sự sợ hãi do tội lỗi đem lại, và sự bình an khi con người sạch tội và đặt trọn vẹn niềm tin nơi Thiên Chúa. Trong bài đọc I, ngôn sứ Amos được Thiên Chúa gởi tới để phanh phui tất cả tội lỗi của con cái Israel và đe dọa: họ sẽ phải đi gặp Thiên Chúa và lãnh nhận những hình phạt mà Ngài đã sắp sẵn cho họ. Trong Phúc Âm, các môn đệ kinh ngạc khi thấy Chúa Giêsu vẫn ngủ an bình khi biển gầm thét và thuyền chòng chành sắp chìm. Họ còn sợ hãi hơn khi họ đánh thức Ngài dạy vì Ngài ra lệnh cho sóng biển phải im lặng và sóng biển phải tuân theo.    

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Đức Chúa không làm điều gì mà không bày tỏ kế hoạch của Người cho các ngôn sứ.

1.1/ Đức Chúa nói với dân qua các ngôn sứ của Đức Chúa.
            (1) Ngôn sứ xuất hiện là cho một lý do: Từ câu 3-6 là một loạt những câu hỏi hùng biện và thách thức, tác giả có ý muốn nói Thiên Chúa có lý do để can thiệp vào nội bộ Israel. Đây là những hình ảnh quen thuộc mỗi ngày và chúng ám chỉ một sự liên hệ giữa nguyên nhân và hậu quả. Khán giả của Amos phải trả lời “không” cho tất cả những câu hỏi này. Mọi sự xảy ra trên đời đều có lý do của nó: Trước khi đồng hành phải có sự thỏa thuận. Sư tử chỉ gầm vang khi thấy hay bắt được mồi. Chim sẻ chỉ rơi vào bẫy khi có mồi nhử. Bẫy chỉ bật lên khi con mồi sa bẫy. Người ta chỉ rúc tù và trong thành khi có chuyện nguy hiểm xảy ra. Quan trọng hơn hết là tai họa xảy ra trong thành là chắc chắn do bàn tay của Đức Chúa.
            (2) Ngôn sứ phải tuân hành để truyền đạt sứ điệp của Thiên Chúa: Amos muốn chứng tỏ cho dân thấy, sự can thiệp của ông là cũng có một lý do. Đức Chúa sai ông tới để nói tiên tri cho dân chúng biết về những chuyện sắp xảy ra. Người ngôn sứ phải nói những lời Đức Chúa truyền, ông không còn cách nào khác là phải làm theo ý Đức Chúa nếu không muốn cơn giận của Ngài đổ trên ông.

1.2/ Hình phạt mà Israel phải lãnh nhận:
            Sodom và Gomorrha là hai thành bị tiêu diện bởi lửa diêm sinh từ trời vì các tội lỗi của họ đã xúc phạm đến Đức Chúa, được tường thuật trong Sách Khởi Nguyên (Gen 19). Tội của họ có nhiều, nhưng tội gớm ghê nhất là tội đồng tính luyến ái, đến độ muốn có liên hệ tình dục với cả thiên sứ của Đức Chúa gởi tới. “Thanh củi được rút khỏi đống lửa cháy” có lẽ ám chỉ tai họa xảy ra mà Đức Chúa cứu họ trong giờ phút cuối, thế mà họ vẫn không nhận ra tội lỗi của họ và trở về bới Thiên Chúa.
            Những lời dạy của Amos là những lời cảnh cáo của Đức Chúa cho con cái Israel. Họ sẽ phải đối diện với cơn thịnh nộ của Đức Chúa nếu họ không ăn năn sám hối: “Vậy, hỡi Israel, Ta sẽ xử với ngươi như thế này, và bởi vì Ta sẽ xử với ngươi như vậy nên, hỡi Israel, ngươi hãy chuẩn bị đi gặp Thiên Chúa của ngươi.

2/ Phúc Âm: "Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin!"

2.1/ Hai phản ứng khi phải đương đầu với sóng gió:
            (1) Phản ứng của Chúa Giêsu: Tin Mừng tường thuật: "Biển động mạnh đến độ sóng nước ập vào thuyền, nhưng Người vẫn ngủ!" Tại sao Chúa Giêsu có thể ngủ được khi sóng biển động mạnh như thế? Thưa có hai lý do: Thứ nhất, Ngài không sợ hãi chi cả. Chỉ một người không biết sợ là gì mới có tâm hồn bình an như vậy; như chúng ta thường khôi hài chọc nhau: "Điếc không sợ súng!" Nếu một người không nghe thấy tiếng súng, người ấy sẽ không sợ súng đạn. Thứ hai, mọi quyền lực thế gian phải sợ Ngài. Khi các môn đệ hoảng hốt đánh thức Chúa dậy, "Người chỗi dậy, ngăm đe gió và biển: biển liền lặng như tờ."
            (2) Phản ứng của các môn đệ: Có ngư phủ nào mà không sợ sóng gió, vì họ biết sóng gió chẳng những đe dọa, mà có thể lấy đi mạng sống của họ bất cứ lúc nào. Truyền thống ngư phủ có thói quen cầu trời khấn Phật bắt đầu mùa tôm cá và trước khi ra khơi, để xin Trời Phật phù hộ cho qua khỏi những cơn sóng gió lúc nào cũng đe dọa. Nếu đã cầu xin, họ phải tin tưởng sự phù hộ của Trời Phật; nhưng phản ứng sợ hãi khi sóng gió xảy đến chứng tỏ họ không tin, hay đức tin của họ còn yếu kém như Chúa mắng các môn đệ hôm nay. Các môn đệ đã từng nhìn thấy Chúa Giêsu làm các phép lạ mà sức con người không thể làm nổi; vả lại, các ông đang có Chúa Giêsu quyền năng trong thuyền, thế mà các ông vẫn lo sợ sóng gió!

2.2/ Niềm tin cần thiết để con người chống chọi với sóng gió của cuộc đời: Đức Giêsu nói với các môn đệ: "Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin!" Đức tin có thể ví như kinh nghiệm mà một người sở hữu trong đời. Người đã có kinh nghiệm hay từng trải không dễ sợ hãi như người mới ra trường, chưa có kinh nghiệm. Cũng vậy, người đã có đức tin vững mạnh, sẽ không sợ hãi trước những đe dọa và bắt bớ của các quyền lực thế gian, ngay cả việc chấp nhận cái chết để làm chứng cho Đức Kitô.
            Khi con người không sợ hãi ngay cả cái chết, họ bắt đầu sống và sống tròn đầy. Khi con người không sợ hãi các quyền lực thế gian, thế gian phải sợ hãi họ. Chúng ta có thể thấy điều này nơi các môn đệ của Đức Kitô: Trước khi Ngài về trời, các môn đệ là những người nhát sợ khi phải đương đầu với quyền lực thế gian, nên các ông chạy trốn Chúa và Phêrô đã chối Ngài 3 lần; nhưng khi đã thấy Chúa sống lại từ cõi chết, các ông không còn sợ hãi chi cả. Tại sao vậy? Vì các ông biết rằng quyền lực thế gian có thể lấy đi sự sống thể lý, nhưng Đức Kitô sẽ cho các ông sống lại; và không một quyền lực thế gian nào có thể động tới linh hồn của các ông. Vì thế, sau khi được Thánh Thần tác động, các ông mở tung cửa để vào đời làm chứng cho Đức Kitô. Những người trong Thượng Hội Đồng phải ngạc nhiên, vì thấy các ông không còn sợ hãi họ nữa. Các ông tranh luận với họ cách công khai và họ không thể đối đầu với các ông. Thay vì thẳng tay đàn áp như trước, giờ đây họ sợ phải đàn áp các ông. Lý do không phải họ không còn quyền, nhưng vì họ sợ dân chúng ném đá họ khi dân chúng đã nhận ra sự giả hình của họ.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            - Chúng ta phải cố gắng hết sức để tránh tội vì sớm muộn gì chúng ta cũng phải đối diện và lãnh án công thẳng của pháp luật và của Thiên Chúa.
            - Tội làm cho chúng ta luôn sợ hãi và lấy đi sự bình an của tâm hồn. Khi phạm tội, chúng ta hãy đến ngay với tòa cáo giải để xưng thú tội lỗi hầu có thể tìm lại được sự bình an cho tâm hồn.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.


HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 13 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)

Mt 8,23-27

A. Hạt giống...
Qua phép lạ dẹp yên bão táp, Chúa Giêsu muốn mặc khải cho các môn đệ biết thêm về Ngài, đồng thời huấn luyện đúc tin các ông :
- Người do thái cho rằng biển cả là sào quyệt của quỷ dữ, biển động là dấu quỷ dữ lộng hành. Họ cũng nghĩ rằng chỉ một mình Thiên Chúa và những kẻ được Thiên Chúa ban quyền đặc biệt mới có thể chế ngự được sức mạnh của biển cả. Vậy việc Chúa Giêsu dẹp yên bão biển chứng tỏ Ngài có sức mạnh của Thiên Chúa.
- Chúa Giêsu ngủ đang lúc bão : không phải vì Ngài quá mệt. Thực ra Ngài "làm bộ" ngủ thôi, để thử xem các môn đệ có an tâm giữa giông bão khi có Ngài hiện diện giữa họ không. Các ông đã sợ hãi cuống cuồng chứng tỏ các ông chưa vững tin. Bởi đó sau phép lạ, Ngài đã trách "Hỡi những kẻ yếu lòng tin".

B.... nẩy mầm.
1. "Chúa Giêsu xuống thuyền, các môn đệ đi theo Ngài, và đây biển động dữ dội" : con đường Chúa dẫn các môn đệ đi theo không phải là một con đường bằng phẳng êm ả, nhưng nhiều khi đi trong tăm tối, nhiều lúc đi vào bão táp phong ba. Nếu người môn đệ thực sự tin vào Ngài thì luôn phó thác trong an bình. Ngược lại, khi gặp tối tăm hay bão táp mà cuống cuồng sợ hãi thì đó là dấu người ấy còn kém lòng tin.
2. "Thế mà Ngài vẫn ngủ" : Chúa Giêsu vẫn xử sự như thế, xưa cũng như nay. Chính vì thế mà nhiều người đã phải lo sợ cuống cuồng : Sao Chúa vẫn ngủ ? Sao Chúa không ra tay ? Chúa vắng mặt rồi ư ? Hay Chúa đã chết ? Hay Chúa đã bỏ con ? Nhân đức phó thác là như thế : vẫn an tâm giữa phong ba bão táp cho dù không thấy Chúa hành động gì cả. Ước gì tôi có tinh thần phó thác đến mức độ ấy.
3. Một người hành hương gặp bệnh dịch đang vào Baghdad. Anh hỏi bệnh dịch  : "Mi định làm gì ở đó ?"
- Tôi sẽ giết 5000 người.
Người hành hương rùng mình và thay đổi dự định. Tuy nhiên, ít lâu sau anh gặp một người từ trong thành phố bị nạn dịch đó và được biết không phải 5000 nhưng là 50.000 người chết.
Liền sau đó anh lại gặp bệnh dịch đang đi tới một thành phố khác. Ông buộc tội : "Anh nói láo. Anh nói sẽ chỉ giết 5000 người thôi mà".
Bệnh dịch giải thích cách vui vẻ : "Tôi chỉ giết có 5000 người. Số còn lại chết vì hoảng sợ". (Góp nhặt)
4. Mỗi khi nghĩ tới nhân đức phó thác là tôi nhớ đến 2 bức tranh : hình bức thứ nhất vẽ một đứa bé nằm ngủ ngon lành trong vòng tay ôm của me, ngoài kia trời đang mưa lớn, những tia chớp xé trời, những tiếng gầm làm rung rinh các cánh cửa ; bức thứ hai vẽ mặt biển đang nổi cơn, chiếc tàu đã tan thành những mãnh vụn, một người ướt ngoi ngóp đang ôm chặt một tảng đá nhô lên khỏi mặt biển, phía trên tảng đá có tượng Thánh giá. Bức hình được hoạ sĩ đề tên là Espérance !
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ

Các chủ đề lớn của THĐ về gia đình theo Tài Liệu Làm Việc

Các chủ đề lớn của THĐ về gia đình theo Tài Liệu Làm Việc


Trái với ấn tượng thông thường, Thượng Hội Đồng về Gia Đình sắp tới không nhằm chỉ giải quyết việc rước lễ cho những người ly dị và tái hôn chưa được hay không được tuyên bố vô hiệu cuộc hôn nhân đầu. Trái lại, Giáo Hội sẵn sàng đề cập tới mọi khía cạnh có liên hệ tới gia đình hiện nay. 

Đức Cha Bruno Forte, Thư Ký Đặc Biệt của THĐ cho rằng Tài Liệu Làm Việc, vừa được phát hành, có đặc điểm theo sát “thực tại trong mọi sắc thái và phức tạp của nó và do đó, tôi có thể nói: nó là một văn kiện chính xác và trung thực, không nhắm mắt trước bất cứ nan đề nào, dù nó gây bối rối hay không làm ta thoải mái đến đâu”. 

Văn kiện còn chứng tỏ một điểm nổi bật nữa: bất kể họ ra sao, những người cần được Giáo Hội giúp đỡ đều được đáp ứng với một lòng xót thương bao dung. Lòng xót thương này được Đức HY Lorenzo Baldisseri nhấn mạnh. Ngài nói: “Điều cần thiết là một thừa tác vụ có khả năng cung hiến lòng xót thương mà Thiên Chúa vốn dành cho mọi người một cách vô lượng. Do đó, đây là việc ‘đề xuất, chứ không áp đặt; đồng hành, chứ không thúc ép; mời gọi chứ không loại bỏ; quan tâm chứ không bao giờ làm thất vọng”.

Mà dù cho có nhằm vào lớp người ly dị và tái hôn đi chăng nữa, thì tập chú cũng không hẳn chỉ là vấn đề cho phép họ rước lễ. Đọc kỹ Tài Liệu Làm Việc, người ta thấy tập chú này khá bao quát và có tính thực tiễn, nhằm xoa dịu nỗi đau của những cặp vợ chồng này, mà riêng tại Hoa Kỳ, hiện chiếm tới hơn 10% tổng số các cặp hôn nhân Công Giáo (4.5 triệu cặp trong tổng số gần 30 triệu cặp, theo tài liệu của Mark Gray thuộc ĐH Georgetown). 

Vả lại, dường như hạn từ “gia đình bất thường” (irregular families) được Tài Liệu Làm Việc hiểu theo nghĩa rộng hơn: không những chỉ các gia đình vừa kể trên mà còn bao hàm nhiều hình thức gia đình khác như các gia đình Công Giáo “thường vắng mặt” từ lâu trong các sinh hoạt của Giáo Hội, chẳng hạn, thậm chí cả những vụ sống chung và các cặp đồng tính. Các hình thức này được trình bày chi tiết tại Chương Ba, Phần Hai tựa là Các Hoàn Cảnh Mục Vụ Khó Khăn (các số 80-120): sống chung, phối hợp thực tế (de facto), những người ly thân, ly dị, và ly dị rồi tái hôn, con cái những người độc thân, các bà mẹ niên thiếu, các hoàn cảnh bất hợp lệ theo Giáo Luật, các cuộc phối hợp của những người đồng giới tính.

Việc dưỡng dục con cái trong các hoàn cảnh “bất thường”

Chương Hai, Phần Ba, của Tài Liệu có chủ đề “Giáo Hội và Gia Đình đương đầu với Thách Đố Dưỡng Dục” nói tới việc giáo dục đức tin cho con cái các trường hợp “bất thường” kể trên (các số 132-157). 

Về nguyên tắc, Tài Liệu nhắc lại rằng việc dưỡng dục con cái, gồm việc dẫn đưa các em vào mọi khía cạnh của đời sống, là trách nhiệm hàng đầu của các cha mẹ. Trong trách nhiệm này, quan trọng nhất là việc chuyển giao đức tin, như lời Thánh Augustinô từng nói: “Cha mẹ được mời gọi không phải chỉ để đem con vào đời mà còn đem chúng tới Thiên Chúa nữa, để nhờ Phép Rửa, chúng được tái sinh làm con Thiên Chúa và lãnh nhận ơn phúc đức tin” (Đức Phanxicô, Lumen Fidei, số 43). 

Cha mẹ dưỡng dục đức tin cho con cái nhờ nhiều phương thế: thánh hóa bản thân, cầu nguyện trong gia đình, lắng nghe Lời Chúa, làm việc bác ái. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiệm vụ giáo dục đức tin này gặp nhiều trở ngại. Tài liệu trước nhất kể ra các thay đổi trong tương quan giữa các thế hệ trong gia đình với nhau. Trong quá khứ, các liên hệ này là căn bản của đời sống đức tin, được chia sẻ và chuyển giao như một gia bảo truyền từ thế hệ này qua thế hệ nọ. Ngày nay, thừa hưởng các tranh chấp mạnh mẽ giữa các thế hệ trong các thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước, các cha mẹ tỏ ra ngần ngại không áp dụng bất cứ áp lực nào lên con cái trong việc thực hành đạo. Họ tránh bất cứ hình thức tranh chấp nào, thay vì tìm cách đương đầu với nó. Ngoài ra, khi vấn đề tôn giáo được nêu ra, phần lớn các cha mẹ cảm thấy bất an, thay vì chuyển giao đức tin, đành giữ im lặng và nhường việc ấy cho các định chế tôn giáo.

Các giám mục Trung Đông nhấn mạnh thêm một khó khăn nữa của các gia đình đó là thân phận thiểu số Kitô Giáo của họ. Còn các giám mục Đông Âu cũ thì nhấn mạnh tới hậu quả của trải nghiệm Cộng Sản: các thế hệ già, vì sống dưới chế độ độc tài, chỉ nhận được rất ít những điều căn bản về Đạo; các thế hệ trẻ, tuy thoát khỏi chế độ độc tài, nhưng lại rơi vào chủ nghĩa duy tục, khiến việc chuyển giao đức tin gặp thật nhiều khó khăn. 

Dĩ nhiên, khó khăn nhất vẫn là các gia đình vốn được xếp vào loại “bất thường”. Tài Liệu cho rằng tại các vùng tiếp tục tuyên xưng đức tin Công Giáo, con số trẻ em sinh trong các gia đình “bình thường” càng ngày càng giảm, và con số trẻ em sinh trong các gia đình “bất thường” càng ngày càng tăng. Tài Liệu nhận diện 3 yếu tố trong loại gia đình này có ảnh hưởng đối với việc dưỡng dục con cái. Thứ nhất, các cuộc phối hợp giữa những người cùng giới tính, phần lớn diễn ra tại các nước “tự do và cấp tiến hơn”. Thứ hai, là sự hiện hữu và tăng nhanh các gia hộ có cha hay mẹ mà thôi, tức cha hay mẹ đơn chiếc, nhất là các gia hộ chỉ có mẹ đơn chiếc, phải sống trong cảnh nghèo, buộc phải trao con cho các thành phần khác trong đại gia đình. Hình thức này hiện diện khắp nơi, nhưng có tính thách thức mục vụ hơn cả phải kể đến Châu Mỹ La Tinh và Á Châu. Thứ ba, là hiện tượng “trẻ hè phố” bị cha mẹ gặp khó khăn bỏ rơi, tự mình tranh sống; và các trẻ em mồ côi vì cha mẹ qua đời do bạo lực phải sống với ông bà. Hiện tượng này có tầm quan trọng đối với nam bán cầu. 

Những hoàn cảnh phức tạp trên sản sinh ra thật nhiều loại thái độ khi các cha mẹ tiếp xúc với Giáo Hội: nhiều người đến với Giáo Hội với lòng kính trọng và tin tưởng; nhiều người đến với thái độ tiêu cực, xấu hổ vì lối sống của mình, do dự không dám tới vì sợ bị từ khước hay làm ngơ; có người tin Giáo Hội hiểu họ và tiếp nhận họ dù họ có nhiều thất bại, khó khăn; có người nhìn Giáo Hội như một định chế pha mình vào cuộc sống người ta…

Tài liệu cho rằng phần lớn các gia đình này dù yêu cầu Giáo Hội ban các bí tích như Rửa Tội và Rước Lễ Lần Đầu cho con cái mình, nhưng không dành cho việc giáo dục đức tin và việc tham dự vào sinh hoạt giáo xứ một tầm quan trọng thích đáng và giá trị thực sự của chúng. Dù biết giáo lý là điều kiện để lãnh nhận các bí tích này, các cha mẹ vừa kể không quan tâm bao nhiêu tới các chương trình chuẩn bị do cộng đồng Kitô Giáo đề xuất. Họ thường nại lý do không có thì giờ hay bận làm ăn để khỏi lưu tâm tới chúng. Sở dĩ họ xin cho con được chịu các bí tích là vì thói quen và phong tục phải làm thế. Nhiều người coi đây là dịp để tổ chức tiệc tùng, khoản đãi, vui chơi xã hội, chứ không hẳn vì xác tín. 

Tài Liệu cũng nhắc tới sự kiện tại nhiều nơi, cha mẹ xin cho con được rửa tội vì lý do dị đoan, để được giúp đỡ về tài chánh hay để con được học trường Công Giáo.

Bất cứ vì lý do gì, Tài Liệu vẫn nhấn mạnh một cách sáng suốt rằng: “khi cha mẹ, thường là sau một thời kỳ xa vắng Giáo Hội, yêu cầu cộng đoàn Giáo Hội chuẩn bị cho con em họ lãnh nhận bí tích, thì phương thức được đề nghị nhiều nhất trong các câu trả lời là sẵn sàng tiếp tiếp nhận họ mà không hề phân biệt. Tiếp nhận họ với một thái độ kính trọng căn bản, một tâm tình thân hữu và một sự sẵn sàng lắng nghe các nhu cầu nhân bản và thiêng liêng của họ sẽ tạo ra một bầu khí thích đáng và hữu ích cho việc thông truyền sứ điệp Tin Mừng” (số 146). 

Tài Liệu cho hay, triết lý của chính sách trên có hai: thứ nhất, “con cái, khi tiếp nhận đức tin, có thể thông truyền đức tin cho cha mẹ vốn đã không thực hành đạo từ lâu” (số 137) và “phải sử dụng các lời nói và các lối phát biểu có thể tạo ra cảm thức thuộc về chứ không loại bỏ, những lời nói và cách phát biểu có thể chuyên chở nhiều hơn sự ấm áp, tình yêu thương và sự trợ giúp của Giáo Hội, chứ không sản sinh ra, nhất là nơi trẻ em và người trẻ, ý tưởng bị khước từ hay kỳ thị chống lại cha mẹ chúng”. Vả lại, “bất thường” có ý nói về hoàn cảnh chứ không nói về người (số 138). 

Chăm sóc mục vụ cho các “cặp đồng tính”

Một trong các chủ đề khác có tính phức tạp hơn cũng sẽ được THĐ sắp tới nghiên cứu là việc chăm sóc mục vụ cho những cặp đồng tính luyến ái hiện chung sống với nhau “như vợ chồng”. Thực vậy, Tài Liệu Làm Việc dành một tiết cho chủ đề “Các Cuộc Kết Hợp Đồng Giới Tính” (các số 110-120), trong đó, THĐ sẽ lưu ý một số xem sét mục vụ, như việc luật dân sự thừa nhận các cuộc kết hợp đồng tính, các thách đố do ý thức hệ phái tính nêu ra, và việc chăm sóc mục vụ cho con em những cặp đồng tính. 

a. Thừa nhận dân sự

Tài liệu nhắc lại giáo huấn của Giáo Hội rằng dù “tuyệt đối không có bất cứ cơ sở nào để coi các cuộc kết hợp đồng tính tương tự cách nào đó ngay cả xa xôi nhất với kế hoạch Thiên Chúa dành cho hôn nhân và gia đình”, tuy nhiên, “ta phải chấp nhận những người đàn ông và đàn bà có khuynh hướng đồng tính luyến ái với lòng kính trọng, cảm thương và mẫn cảm. Mọi dấu hiệu kỳ thị bất công đối với họ phải được tránh” (Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Các Xem Sét liên quan tới Các Đề Nghị Nhìn Nhận về Pháp Lý các Cuộc Phối Hợp Giữa Những Người Đồng Tính, số 4). 

Các câu trả lời của các Giáo Hội địa phương cho thấy việc thừa nhận dân sự này khác nhau khá nhiều tùy theo ngữ cảnh văn hóa-xã hội, tôn giáo và chính trị. Về vấn đề này, các hội đồng giám mục phân biệt 3 ngữ cảnh. Thứ nhất, “khi các biện pháp có tính đàn áp và trừng trị được đưa ra như một phản ứng chống lại hiện tượng đồng tính luyến ái trong mọi khía cạnh của nó, đặc biệt khi luật dân sự ngăn cấm việc biểu lộ đồng tính luyến ái nơi công cộng. Trong ngữ cảnh này, Giáo Hội đưa ra nhiều hình thức chăm sóc thiêng liêng khác nhau đối với người đồng tính độc thân muốn được Giáo Hội trợ giúp”. 

Ngữ cảnh thứ hai là tại các nơi trong đó “tác phong đồng tính không bị trừng trị, nhưng được khoan dung nếu không ai thấy hoặc không công khai. Trong ngữ cảnh này, luật lệ về các cuộc phối hợp dân sự giữa những người đồng giới tính thường không có”. Tuy nhiên, trong các giới chính trị, có khuynh hướng chấp nhận các luật lệ cho phép việc đăng ký các cuộc phối hợp thường được gọi là ‘hôn nhân’ giữa những người cùng gới tính. Họ ủng hộ giải pháp này vì lý do chống kỳ thị. 

Ngữ cảnh thứ ba, là “ngữ cảnh trong đó nhà nước đã ban hành các luật lệ thừa nhận các cuộc phối hợp dân sự hay còn gọi là ‘các cuộc hôn phối’ giữa những người đồng tính” thậm chí nhiều nước còn định nghĩa lại hôn nhân nữa, trong đó, cặp phối hợp được nhìn theo hạn từ luật pháp, nhằm nói tới ‘quyền bình đẳng’ và ‘bất kỳ thị’ chứ không nghĩ tới các vấn đề nhân học sâu xa hay tính trung tâm của hạnh phúc con người, nhất là hạnh phúc của con cái các cuộc phối hợp này. Tại các nước nhìn nhận các cuộc phối hợp này, các cặp đồng tính thường được phép nhận con nuôi. 

b. Lượng định

Mọi Hội Đồng Giám Mục đều lên tiếng chống đối việc định nghĩa lại hôn nhân (không coi nó như sự phối hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà), để đưa vào các luật lệ cho phép việc phối hợp giữa hai người cùng phái tính. Tuy nhiên, các ngài tỏ ý mong muốn có được một quân bình giữa giáo huấn của Giáo Hội về gia đình và thái độ kính trọng, không phê phán đối với những người sống trong các cuộc phối hợp này. Các ngài cho rằng cả hai phản ứng cực đoan, nghĩa là thỏa hiệp và không thỏa hiệp, đều không khai triển được một chương trình mục vụ hữu hiệu vừa nhất quán với Huấn Quyền vừa cảm thương đối với những người liên hệ. 

Theo các ngài, việc cổ vũ ý thức hệ phái tính càng làm cho việc đi tìm một thái độ quân bình nói trên ra phức tạp. Tại nhiều nơi, ý thức hệ này đang gây ảnh hưởng cả ở trình độ tiểu học nhằm tuyên truyền một não trạng nhằm loại bỏ việc kỳ thị đồng tính, mà thực tế thì phá hoại căn tính tính dục. 

Các giám mục nhận xét rằng: nói chung, tại các nước nhìn nhận cuộc phối hợp đồng tính, tín hữu bày tỏ sự ủng hộ thái độ tôn trọng và không phê phán đối với những người phối hợp này cũng như việc đưa ra một hình thức thừa tác nhằm chấp nhận họ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa tín hữu dành cho các cuộc hôn nhân dị tính và các cuộc phối hợp đồng tính cùng một địa vị pháp lý như nhau. Một số câu trả lời tỏ ý quan ngại rằng việc Giáo Hội chấp nhận các người phối hợp kiểu này có thể bị giải thích như là nhìn nhận chính cuộc phối hợp của họ. 

c. Một số hướng dẫn mục vụ

Các câu trả lời cho rằng để có thể tổ chức được một thừa tác vụ cho những người sống trong các cuộc phối hợp đồng tính, cần phải phân biệt những người nhất quyết sống cuộc phối hợp này cách kín đáo để không gây gương mù cho người khác và những người có tác phong nhằm cổ vũ và tranh đấu cho loại phối hợp này. Nhiều hội đồng giám mục nhấn mạnh rằng vì hiện tượng đồng tính này tương đối mới có đây, nên hiện vẫn chưa có chương trình mục vụ nào cho họ. Có hội đồng tỏ ra quan ngại đối với thách đố: một đàng chấp nhận những người này theo tinh thần cảm thương nhưng đàng khác phải duy trì giáo huấn luân lý của Giáo Hội. Nhiều câu trả lời khuyến cáo không nên dùng các chữ như “gay” (hành động đồng tính nam), “lesbian” (hành động đồng tính nữ) hay “homosexual” (đồng tính nói chung) để xác định căn tính tính dục của người ta. 

Không thiếu câu trả lời khuyến cáo nên có cuộc đối thoại giữa thần học và các khoa học nhân văn nhằm khai triển một cái nhìn nhiều mặt về hiện tượng đồng tính. Nhiều câu trả lời khác đề nghị nên có sự hợp tác với các cơ quan chuyên biệt như Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Các Khoa Học Xã Hội và Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Sự Sống để xem sét tường tận các khía cạnh nhân học và thần học của tính duc con người và dị biệt tính dục giữa người đàn ông và người đàn bà nhằm giải quyết vấn đề ý thức hệ phái tính.

Tuy nhiên, các câu trả lời cho rằng thách đố lớn lao là khai triển ra một thừa tác vụ có thể duy trì được thế quân bình thích đáng giữa việc chấp nhận người đồng tính theo tinh thần cảm thương và dần dần dẫn họ tới sự trưởng thành nhân bản và Kitô Giáo chân thực. Tuy nhiên, phần đông cho rằng cho đến nay, trong Giáo Hội, vẫn chưa có sự đồng thuận về phương cách tiếp nhận những người phối hợp đồng tính. Bước đầu tiên, do đó, là từ từ thu thập tín liệu và tìm ra các tiêu chuẩn biện phân không những cho các thừa tác viên và các nhân viên mục vụ mà cho cả các nhóm và phong trào nữa. 

Song song, phải có chương trình giáo dục giới tính tại gia đình và các định chế giáo dục, nhất là tại các nước mà chính phủ đã đưa ra các chương trình giáo dục loại này ở các trường học với quan điểm một chiều và ý thức hệ phái tính, để thanh thiếu niên nắm vững ý niệm trưởng thành Kitô Giáo và trưởng thành xúc cảm, giúp họ đương đầu được với hiện tượng tính dục. 

Về con cái do các cặp đồng tính này nhận làm con nuôi, phần lớn các câu trả lời đều minh nhiên chống lại việc cho phép này vì nó không đem lại cho đứa trẻ ích lợi toàn diện: em có quyền có một người mẹ và một người cha. Tuy nhiên, khi những người này yêu cầu cho đứa con nuôi được rửa tội, thì hầu như mọi câu trả lời đều nhấn mạnh rằng đứa nhỏ phải được tiếp nhận với cùng một quan tâm, âu yếm vốn dành cho các trẻ em khác. Nếu có bằng chứng cụ thể cho thấy những người kết hợp đồng tính thiếu khả năng dạy dỗ đứa con nuôi này về đức tin, thì những trợ giúp thích đáng nào từng dành cho các cặp vợ chồng khác cũng phải dành cho các cặp đồng tính này, như các người khác trong gia đình hay những người trong các môi trường xã hội chung quanh phải giúp một tay vào việc dạy dỗ đức tin cho em. Còn các linh mục thì cần phải thận trọng trông coi giai đoạn chuẩn bị cho đứa trẻ chịu rửa tội, đặc biệt lưu tâm tới việc chọn cha mẹ đỡ đầu cho em. 

Các hoàn cảnh mục vụ khó khăn 

Như trên đã nói, Tài Liệu không bỏ qua nan đề nào thuộc lãnh vực gia đình, hoặc gần hoặc xa, hoặc theo cái hiểu của Giáo Hội hoặc theo cái hiểu của thế tục. Tài Liệu nhận định rằng “Giáo Hội được mời gọi trở nên nhà Cha, nơi cửa luôn rộng mở… có chỗ cho mọi người với mọi nan đề của họ” (Gaudium Evangelii, số 47). Tất cả những nan đề này được xem sét ở Chương Ba, Phần Hai, tựa là “Các Hoàn Cảnh Mục Vụ Khó Khăn”.

Mục đích là giúp mọi người “tiếp tục cuộc hành trình của họ với toàn thể cộng đồng Giáo Hội”. Để đạt mục đích này, tài liệu nhấn mạnh tới ý nghĩa đích thực của lòng Chúa thương xót: Lòng thương xót này không nhằm che đậy những cái xấu xa bản thân mà là “triệt để dẫn đường tới hòa giải là điều sẽ đem lại niềm tín thác và thanh thản mới nhờ việc canh tân nội tâm đích thực”. Thành thử, việc chăm sóc mục vụ cho các gia đình không tự giới hạn vào quan điểm luật pháp mà thôi, trái lại có sứ mệnh nhắc nhớ ơn gọi yêu thương vĩ đại mà ai trong chúng ta cũng được mời gọi và giúp người ta sống trọn phẩm giá của ơn gọi này (số 80). 
Như trên đã nói, Tài Liệu khai triển các hoàn cảnh khó khăn sau đây: 

Sống chung (các số 81-82). Trái với cái hiểu thông thường vốn coi hình thức này có tính thí nghiệm, sống thử, nghĩa là tạm bợ, càng ngày hình thức này càng trở thành có tính vĩnh viễn, nhất là tại Âu Châu và Hoa Kỳ. Các cuộc phối hợp trên thực tế (de facto) được bàn tới tại các số 83-85: hiện có nhiều nước nhìn nhận hình thức phối hợp này, dù không hoàn toàn ngang hàng với hôn nhân. Tuy nhiên, nhiều cặp không muốn đăng ký với nhà nước. Tài liệu nhấn mạnh: xã hội ngày nay không coi hình thức này như một vấn đề nữa. 

Những người ly thân, ly dị được đề cập tại số 86. Tài Liệu ghi nhận vắn tắt: số người này rất đông tại Âu Châu và Hoa Kỳ, và ít hơn nhiều tại Phi Châu và tại Á Châu; hơn nữa hiện tượng sống chung làm vấn đề ly dị kém quan trọng đi. Và, ở số 87, Tài Liệu kêu gọi sự đặc biệt lưu tâm tới những người ly thân và ly dị “vẫn trung thành với lời hứa khi kết hôn” vì họ là “những người nghèo mới”. Các bà mẹ đơn lẻ được nói tới ở số 88 với nhận định: không những phải trợ giúp mà còn phải trân trọng họ vì đã đủ yêu thương và can đảm cưu mang con và giờ đây gánh vác việc dưỡng dục chúng. 

Trong các số từ 89-96, những người ly dị và tái hôn được đặc biệt lưu ý và được xếp vào nhóm “hoàn cảnh bất thường về giáo luật” (canonically irregular situations). Trước khi nói tới nỗi đau của những người này vì không được lãnh nhận các bí tích, Tài Liệu nhấn mạnh tới nỗi đau tan vỡ hôn nhân và sự khó khăn trong việc hợp thức hóa hoàn cảnh của họ. 

Một số đông những người này muốn được Giáo Hội giúp đỡ để làm dịu nỗi đau của họ. Tài Liệu cho rằng phần đông không nhận ra mối liên hệ nội tại giữa hôn nhân và các bí tích Thánh Thể và Thống Hối. Thành thử họ không hiểu tại sao Giáo Hội lại không cho phép họ rước lễ. Nhưng tài liệu lưu ý điều này: nhiều người mới chỉ ly dị, nhưng chưa tái hôn, không dám rước lễ vì hiểu lầm là bị cấm, thực sự không có trở ngại rước lễ nào đối với những người này (số 91). 

Trở lại những người ly dị và tái hôn, Tài Liệu nhận định rằng nhiều người trong số họ, khi không được lãnh nhận các bí tích, cảm thấy thất vọng, như thấy mình bị đẩy ra bên lề. Họ thắc mắc tại sao các tội khác được tha mà tội của họ thì không. Nhiều người khác lấy làm lạ tại sao các tu sĩ và linh mục được phép chuẩn để có thể kết hôn, trong khi họ lại không được miễn chuẩn để rước lễ. Về khía cạnh này, một đàng Tài Liệu nhấn mạnh tới nhu cầu giáo dục để tín hữu nắm được giáo lý về hôn nhân, đàng khác phải cố gắng hết sức trợ giúp các người ly dị và tái hôn hiểu rằng họ “không bị phân ly khỏi Giáo Hội, vì là người đã chịu phép rửa, họ được quyền và phải tham dự vào sinh hoạt của Giáo Hội” (Familiaris Consortio, số 84), và nhất là điều này: “Hơn nữa, Giáo Hội cần tự trang bị cho mình các phương thế mục vụ có thể đem lại khả thể thi hành lòng thương xót, lòng khoan dung và sự ân giải của mình một cách rộng rãi hơn đối với các vụ phối hợp mới” (số 92). Bạn đọc nên lưu ý kiểu nói ở đây “Các vụ phối hợp mới” dù không phải đích thị là hôn nhân!

Tài Liệu, liền sau đó tức số 93, đề cập tới một số phản ứng đối với lệnh cấm này: Tại Âu Châu, nhiều giáo sĩ tự ý giải quyết khó khăn bằng cách chiều theo yêu cầu được lãnh các bí tích của người liên hệ. Phần tín hữu, thì không ít người xa lìa Giáo Hội và gia nhập các hệ phái Kitô Giáo khác. Và dĩ nhiên, rất đông người muốn được công khai nhận trở lại với Giáo Hội. Tài Liệu cho rằng “vấn đề không phải là không được rước lễ mà là Giáo Hội công khai không cho phép họ rước lễ”. 

Tài Liệu nói thêm ở số 94 rằng nhiều người muốn có thể tiếp tục sống trong tình thế hiện nay “cậy nhờ vào lòng thương xót của Chúa qua Giáo Hội” nhưng không thiếu những người chấp nhận sống tiết dục như số 84 của Familiaris Consortio từng dạy. Nhiều người đề nghị Giáo Hội mô phỏng tập tục của các Giáo Hội Đông Phương, cho phép cuộc hôn nhân thứ hai hay thứ ba với đặc tính “thống hối”. Về khía cạnh này, các nước có đông người Chính Thống thì cho hay theo kinh nghiệm của họ, tập tục này không làm giảm con số ly dị (số 95). Một số câu trả lời yêu cầu Giáo Hội minh xác: việc cấm này dựa vào tín lý hay chỉ là vấn đề kỷ luật. 

Sau cùng là đề nghị đơn giản hóa thủ tục vô hiệu hóa hôn nhân (annulments) (số 96). Có người cho việc đơn giản hóa này không hữu hiệu. Thậm chí có người còn cho rằng việc đơn giản hóa này có nguy hiểm, vì có thể phát sinh ra lầm lẫn và bất công; gây ấn tượng cho rằng tính bất khả tiêu của hôn nhân không còn được tôn trọng, khiến nhiều người nghĩ tuyên bố vô hiệu chỉ là hình thức ly dị của Công Giáo. Thay vào đó, nên tăng gia con số những người có khả năng phụ trách các vụ án hôn nhân, gia tăng con số các tòa án, ban nhiều quyền hơn cho các tòa địa phương. Có người nhận xét rằng nhiều người không dám yêu cầu được tuyên bố vô hiệu vì cho đây là điều thiếu trung thực, lại có những người không biết rằng cuộc hôn nhân của mình có thể có những yếu tố khiến nó vô hiệu, chưa kể còn có những người không muốn xin tuyên bố án này, vì sợ phải mở lại vết thương quá khứ, cho bản thân hay cho người phối ngẫu hiện có của mình (số 99).

Về chính đề nghị đơn giản hóa thủ tục, còn có những yêu cầu như sử dụng giáo dân nhiều hơn làm thẩm phán, giảm nhẹ lệ phí tài chánh. Và đặc biệt, phải có “một phương thức có tính mục vụ nhiều hơn tại các tòa án Giáo Hội, biết chú ý nhiều hơn tới nhu cầu thiêng liêng của những người liên hệ”. Có những người nêu câu hỏi: liệu có nên chỉ giải quyết vấn đề này bằng diễn trình luật pháp mà thôi hay không, hay có thể giải quyết nó theo ngả hành chánh. Lại có người đề nghị dựa vào lương tâm của một người để thẩm định tính vô hiệu của dây hôn phối. Nói chung, các câu trả lời đều kêu gọi việc huấn luyện tốt hơn cho các nhân viên mục vụ trong lãnh vực này (số 101). Một khía cạnh khác cũng đã được nêu ra: có những người hiểu lầm rằng tuyên bố vô hiệu sẽ làm con cái họ trở thành “con bất hợp pháp” (số 102).

Đối với tất cả các trường hợp bất thường kể trên, Tài Liệu nhấn mạnh rằng Giáo Hội không nên “mang thái độ của một thẩm phán kết án (xem Bài Giảng Lễ của Đức Phanxicô ngày 28 tháng Hai, 2014) mà nên mang thái độ của một bà mẹ luôn tiếp nhận con cái mình và băng bó vết thương của chúng cho mau lành (xem Gaudium Evangelii, 139-141). Với một lòng nhân từ lớn lao, Giáo Hội được mời gọi tìm ra các hình thức 'đồng hành' có thể nâng đỡ con cái mình trên con đường hòa giải. Với lòng kiên nhẫn và sự hiểu biết, Giáo Hội phải giải thích cho những người này rằng việc họ không được cử hành các bí tích không có nghĩa họ bị loại ra khỏi đời sống Kitô hữu và khỏi mối liên hệ với Thiên Chúa” (số 103).

Muốn được như thế, nhiều người đề nghị dành nhiều cơ hội để những người này tham dự vào đời sống Giáo Hội qua các nhóm cầu nguyện, các chức năng phụng vụ và các hoạt động bác ái. Họ cũng đề nghị các sáng kiến muc vụ như ban phép lành cá nhân cho những ai không được rước lễ hay khuyến khích con cái những người này tham gia sinh hoạt của giáo xứ. Cũng có đề nghị cho rằng phải có các lời cầu nguyện cho những người này trong lời nguyện giáo dân của Thánh Lễ Chúa Nhật (số 104).

Một đặc điểm khá thấu đáo của THĐ lần này là việc lưu ý tới sự kiện: cả những người Công Giáo không mấy ngoan đạo yêu cầu được kết hôn với người không Công Giáo trong nhà thờ, dù chỉ là vì nghi thức kết hôn này hấp dẫn họ hoặc vì truyền thống gia đình muốn vậy, thì Giáo Hội cũng nên có một phương thức mục vụ rõ rệt. Tài Liệu cho rằng “đây cũng là cơ hội thuận tiện để phúc âm hóa và khuyến cáo rằng linh mục chánh xứ và các nhân viên mục vụ nên tiếp đón họ một cách nồng ấm và tỏ ra sẵn sàng giúp đỡ họ” (số 105). 

Tất nhiên là phải chuẩn bị cho họ về tôn giáo. Nhưng việc chuẩn bị này không chỉ giới hạn vào các bài giáo lý mà còn là dịp để làm quen, để chuyện trò. Tài Liệu cũng khuyên các linh mục không nên thất vọng khi thấy quá ít người kết hôn tiếp tục liên lạc với giáo xứ sau khi cử hành hôn lễ (số 106). Tuy nhiên, cũng có một số câu trả lời lưu ý tới các chương trình theo dõi (follow-up) hậu kết hôn mục đích để trợ giúp các cặp này (số 108). 

Dù gì, Tài Liệu cũng nhấn mạnh nguyên tắc đã được Đức HY TTK Baldisseri nhắc tới trên đây: đề xuất, chứ không áp đặt; hướng dẫn chứ không thúc ép; mời goi chứ không xua đuổi, gợi suy nghĩ chứ không bao giờ gây thất vọng (số 109). 

Người ta có thể đặt tin tưởng ở THĐ năm 2014 và 2015 trong việc đưa ra một đường hướng mục vụ toàn diện đối với mọi nan đề của gia đình ngày nay, nhất là khía cạnh không mấy vui là ly dị và tái hôn.

Vũ Văn An6/29/2014(vietcatholic)

Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

TRẮC NGHIỆM & Ô CHỮ NĂM TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH 2014

TRẮC NGHIỆM & Ô CHỮ
NĂM TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH
2014




HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
THƯ CHUNG GỬI CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA
*
HỘI THÁNH CÔNG GIÁO TẠI VIỆT NAM
VÀ CÔNG CUỘC TÂN PHÚC-ÂM-HÓA

TRẮC NGHIỆM

01. Thư Chung tháng 10 năm 2013 của HĐGM VN muốn chia sẻ với anh chị em về điều gì? (Thư Chung 2013)
a. Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc
b. Sống Đức Tin
c. Hội nhập văn hóa
d. Sứ vụ Tân Phúc-Âm-hoá

02. Sống đức tin luôn luôn là một thách đố, nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, người môn đệ Chúa Giêsu vẫn được mời gọi làm gì? (Thư Chung 2013. No 1)
a. Làm chứng cho Tin Mừng yêu thương của Chúa
b. Làm việc lành phúc đức
c. Làm việc bác ái tông đồ
d. Gây dựng tình thân hữu với mọi người

03. Sống đức tin luôn luôn là một thách đố, nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, người môn đệ Chúa Giêsu vẫn được mời gọi làm chứng cho Tin Mừng yêu thương của Chúa, trở thành chất xúc tác cho việc xây dựng nền điều gì? (Thư Chung 2013. No 1)
a. Văn minh tình thương
b. Văn hóa sự sống
c. Xu hướng thực dụng
d. Chỉ có a và b đúng.

04. Định hướng và chương trình mục vụ trong những năm tới là ‘Tân Phúc-Âm-hóa để làm gì? (Thư Chung 2013. No 2)
a. Thông truyền đức tin Kitô giáo
b. Truyền giáo
c. Xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp
d. Để sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc

05. Năm nay, 2013, Hội Thánh tại Việt Nam kỷ niệm 25 năm việc gì? (Thư Chung 2013. No 2)
a. Thành lập Giáo phận mới
b. Thành lập Hàng Giáo phẩm VN
c. Tuyên phong 117 chứng nhân đức tin
d. Cả a, b và c đúng

06. Mục tiêu của Phúc-Âm-hóa là gì? (Thư Chung 2013. No 3)
a. Sống tốt hơn
b. Dẫn mọi người vào cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu Kitô
c. Sống theo Tin Mừng
d. Từ bỏ con đường tội lỗi

07. Phúc-Âm-hóa là sứ vụ mang tính toàn diện, vì ‘ánh sáng đức tin không chỉ soi chiếu đời sống nội bộ của Hội Thánh hoặc chỉ để xây dựng thành đô vĩnh cửu trong thế giới mai sau, mà còn giúp chúng ta làm gì?’ (Thư Chung 2013. No 3)
a. Sống hòa hợp với tất cả mọi người
b. Sống yêu thương chia sẻ
c. Giúp mọi người thăng tiến trong đời sống xã hội
d. Xây dựng xã hội hiện nay nhằm hướng tới một tương lai hy vọng.


08. Chính Chúa Giêsu dạy chúng ta hướng đi này. Chúa Giêsu đứng về phía những ai ? (Thư Chung 2013. No 3)
a. Những nạn nhân của các thảm họa
b. Những nạn nhân của các sự bất công
c. Những ai bị xã hội loại bỏ
d. Cả a, b và c đúng

09. Liên đới và xót thương những nạn nhân và những người bị gạt ra bên lề xã hội phải trở thành đòi hỏi thiết yếu trong điều gì ? (Thư Chung 2013. No 3)
a. Cuộc sống của người làm môn đệ Chúa Giêsu
b. Sứ vụ Phúc-Âm-hóa.
c. Sự lo lắng của Hội Thánh
d. Sự yêu thương của Chúa Giêsu

10. “Tân Phúc-Âm-hóa” không phải là rao giảng một Phúc Âm mới vì “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8), nhưng là gì? (Thư Chung 2013. No 3)
a. Mới về lòng nhiệt thành,
b. Mới trong phương pháp
c. Mới trong cách diễn tả
d. Cả a, b và c đúng

11. Mới về lòng nhiệt thành là gì? (Thư Chung 2013. No 3)
a. Làm mới lại tương quan giữa bản thân chúng ta với Đức Giêsu Kitô
b. Để mối tương quan ấy hướng dẫn toàn bộ đời sống chúng ta.
c. Để cho việc hoán cải Tin Mừng thúc đẩy chúng ta
d. Chỉ có a và b đúng.

12. Mới trong phương pháp là biết vận dụng những phương pháp thích hợp để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của thời đại về những  mặt nào ?(Thư Chung 2013. No 3)
a. Văn hóa
b. Xã hội
c. Kỹ thuật.
d. Cả a, b và c đúng

13. Mới trong cách diễn tả là cố gắng nghiên cứu và sử dụng những cách diễn tả phù hợp, để con người hôm nay có thể làm gì?(Thư Chung 2013. No 3)
a. Biết Chúa Giêsu là ai.
b. Hiểu và lĩnh hội được sứ điệp Phúc Âm
c. Tin vào Chúa Giêsu và Hội Thánh của Người
d. Sống tốt hơn theo giáo huấn của Chúa Giêsu


14. Công cuộc Tân Phúc-Âm-hóa đòi duyệt lại toàn bộ các sinh hoạt mục vụ ở tất cả mọi bình diện, nghĩa là phải thực hiện điều gì?(Thư Chung 2013. No 4)
a. Cuộc hoán cải từ hàng giáo sĩ đến giáo dân
b. Cuộc hoán cải từ chính bản thân mình
c. Phải thay đổi cái nhìn về con người hôm nay
d. Cuộc hoán cải từ trong tâm thức đến định hướng và phương pháp khi làm mục vụ

15.  Chương trình canh tân đời sống đức tin cần được lồng vào trong tổng thể của kế hoạch mục vụ mà Hội Đồng Giám Mục trình bày trong Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 là gì? (Thư Chung 2013. No 4)
a. Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc
b. Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống
c. Chung tay xây dựng Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu La Vang
d. Phục vụ con người trong khiêm hạ và yêu mến

16. Chủ đề của năm 2014 là gì? (Thư Chung 2013. No 4)
a. Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội.
b. Phúc-Âm-hóa đời sống giáo xứ và các cộng đoàn
c. Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình
d. Phúc-Âm-hóa để truyền thông đức tin

17. Trong năm 2014 sắp tới, chúng ta hãy cùng nhau làm gì ? (Thư Chung 2013. No 5)
a. Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình
b. Thúc đẩy gia đình tham gia tích cực vào sứ vụ loan báo Tin Mừng
c. Thay đổi đời sống từ nội tâm đến hình thức
d. Chỉ có a và b đúng.

18. Hội Thánh được gọi là gì ? (Thư Chung 2013. No 5)
a. Gia đình của Thiên Chúa
b. Những người được Thiên Chúa yêu thương
c. Cộng đoàn được tuyển chọn
d. Cộng đoàn sống yêu thương

19. Mỗi gia đình Kitô hữu được gọi là gì? (Thư Chung 2013. No 5)
a. Đơn vị căn bản
b. Xã hội nguyên thủy
c. Cộng đoàn căn bản
d. Hội Thánh tại gia

20. Việc canh tân Hội Thánh phải được bắt đầu từ đâu? (Thư Chung 2013. No 5)
a. Mỗi gia đình
b. Hàng giáo phẩm
c. Giáo phận
d. Mọi người

21. Trước cuộc khủng hoảng gia đình hiện nay, Hội Thánh nhận thấy cần phải làm gì? (Thư Chung 2013. No 5)
a. Tăng cường và canh tân mục vụ gia đình
b. Phải xem mục vụ gia đình là hoạt động quan trọng
c. Nối kết những kế hoạch và chương trình mục vụ của giáo xứ cũng như giáo phận
d. Cả a, b và c đúng

22. Để thực hiện những mục tiêu trên, xin anh chị em hãy xây dựng gia đình mình thành điều gì? (Thư Chung 2013. No 6)
a. Một cộng đoàn cầu nguyện
b. Sống tình yêu hợp nhất thủy chung
c. Phục vụ sự sống và và hăng say loan báo Tin Mừng
d. Cả a, b và c đúng


23. Gia đình là cộng đoàn cầu nguyện, thờ phượng Thiên Chúa, đền thờ tại gia. Hiệp thông trong kinh nguyện vừa là hoa trái vừa là đòi hỏi của sự hiệp thông bắt nguồn từ đâu ? (Thư Chung 2013. No 6)
a. Bí tích Rửa Tội
b. Bí tích Hôn Phối
c. Bí tích Xức Dầu
d. Chỉ có a và b đúng.

24. Chúa Giêsu hiện diện trong gia đình khi vợ chồng, cha mẹ, con cái làm gì ? (Thư Chung 2013. No 6)
a. Cùng cầu nguyện
b. Cùng vui chơi
c. Cùng lao động
d. Cùng hiệp nhất

25. Hoàn cảnh sống hiện nay gây nhiều khó khăn trở ngại cho việc gia đình cùng sum họp cầu nguyện. Tuy nhiên đây là đòi hỏi quan trọng trong đời sống gia đình công giáo. HĐGM tha thiết xin anh chị em duy trì giờ kinh chung trong gia đình, và cố gắng đưa điều gì vào giờ kinh này? (Thư Chung 2013. No 6)
a. Lời Chúa
b. Đọc Kinh Mân Côi
c. Kinh cầu thánh cả Giuse
d. Cả a, b và c đúng

27. Gia đình là cộng đoàn yêu thương bằng sự gì? (Thư Chung 2013. No 6)
a. Bác ái
b. Tình yêu hợp nhất thủy chung
c. Trung thành với Chúa Kitô
d. Yêu thương mọi người

28. Các gia đình công giáo phải loại bỏ mọi thứ bạo hành và hãy có điều gì? (Thư Chung 2013. No 6)
a. Lòng thương cảm, nhân hậu
b. Khiêm nhu, hiền hòa,
c. Nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau
d. Cả a, b và c đúng

29. Gia đình là cộng đoàn phục vụ sự sống, được khơi nguồn từ đâu ?  (Thư Chung 2013. No 6)
a. Ngôi Ba Thiên Chúa
b. Chính Thiên Chúa Hằng Sống.
c. Hội Thánh
d. Sự phục sinh của Chúa Kitô

30. Vợ chồng Kitô hữu yêu thương nhau bằng một tình yêu mở ra với sự sống, tôn trọng sự sống ngay từ lúc thụ thai, cộng tác với Thiên Chúa Tạo Hóa qua việc gì? (Thư Chung 2013. No 6)
a. Sinh con có trách nhiệm.
b. Giáo dục con cái nên người tốt và nên con cái Chúa.
c. Truyền bá sự sống con người
d. Chỉ có a và b đúng.

31. Gia đình phải là ngôi trường đầu tiên dạy các điều gì? (Thư Chung 2013. No 6)
a. Văn hóa
b. Các đức tính nhân bản và đức tin
c. Sống hòa hợp với mọi người
d. Cả a, b và c đúng

32. Gia đình phải là thành trì bảo vệ sự sống thể lý cũng như tinh thần của con cái trước điều gì? (Thư Chung 2013. No 6)
a. Sự toàn cầu hóa
b. Xã hội tiêu thụ
c. Sự tấn công của cái ác và cái xấu trong cuộc sống
d. Sự tấn công của văn hóa ngoại lai

33. Gia đình là cộng đoàn tham gia vào sứ vụ Phúc-âm-hóa, bằng điều gì? (Thư Chung 2013. No 6)
a. Lời cầu nguyện
b. Bằng hành động cụ thể
c. Bằng Thánh Lễ
d. Chỉ có a và b đúng.


34. Chính đời sống yêu thương hiệp nhất trong gia đình công giáo, ngay giữa những khó khăn và thử thách của cuộc đời, tự nó đã là lời chứng âm thầm nhưng có sức thuyết phục của điều gì? (Thư Chung 2013. No 6)
a. Tin Mừng
b. Hội Thánh
c. Hôn nhân
d. Thiên Chúa

35. Theo truyền thống tốt đẹp, gia đình công giáo còn là nơi vun trồng ơn gọi linh mục và tu sĩ. Đồng thời, khi có thể, xin anh chị em hãy mạnh dạn làm điều gì ? (Thư Chung 2013. No 6)
a. Sống đức ái kitô giáo
b. Chia sẻ và giới thiệu Đức Kitô cho người khác.
c. Sống chứng tá hôn nhân giữa một xã hội tục hóa
d. Hãy làm chứng cho tình yêu Đức Kitô


36. Để đồng hành với các gia đình trong sứ mệnh cao cả nói trên, HĐGM đề nghị : Việc chuẩn bị cho giới trẻ bước vào đời sống hôn nhân và gia đình là đòi hỏi khẩn thiết hơn bao giờ hết. Các bạn trẻ cần ý thức và sống đời hôn nhân như một ơn gọi và sứ mệnh cao quý, được chọn lựa với điều gì? (Thư Chung 2013. No 7)
a. Ý thức
b. Tự do
c. Trách nhiệm
d. Cả a, b và c đúng

37. Đôi bạn Kitô hữu còn được mời gọi sống bí tích Hôn Phối như dấu chỉ hữu hình và hữu hiệu của tình yêu Đức Kitô dành cho Hội Thánh, một tình yêu thế nào ? (Thư Chung 2013. No 7)
a. Phong nhiêu
b. Duy nhất
c. Bất khả phân ly
d. Cả a, b và c đúng

38. Định chế gia đình đặt nền tảng trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ. Định chế này dựa trên bản tính con người, do chính Thiên Chúa thiết lập, hướng đến thiện ích của ai? (Thư Chung 2013. No 7)
a. Gia đình
b. Xã hội
c. Giáo hội
d. Chỉ có a và b đúng.


39. Đồng hành với các gia đình trẻ ngày nay là yêu cầu mục vụ quan trọng, để giúp họ sống tình yêu vợ chồng với điều gì? (Thư Chung 2013. No 7)
a. Tinh thần trách nhiệm
b. Phục vụ sự sống
c. Biết hòa hợp tình thương trong tổ ấm gia đình với trách nhiệm xây dựng Hội Thánh, xã hội và đất nước.
d. Cả a, b và c đúng

40. Với những anh chị em đang gặp khó khăn vì hôn nhân đổ vỡ và gia đình ly tán, một đàng chúng ta vẫn phải nêu cao lý tưởng đời sống hôn nhân công giáo, đàng khác phải làm gì ? (Thư Chung 2013. No 7)
a. Đồng hành với họ 
b. Nâng đỡ họ
c. Lên án và loại trừ họ
d. Chỉ có a và b đúng.

41. HĐGM đã chia sẻ với anh chị em những thao thức mục vụ cũng như những đề nghị cụ thể, nhằm góp phần vào nỗ lực “Tân Phúc-Âm-hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo”. Ước mong những đề nghị này được anh chị em  đón nhận để cầu nguyện, suy nghĩ, khai triển và thực hiện ở nhiều cấp độ: gia đình, giáo xứ, giáo phận. Hướng về ai là những tấm gương sáng ngời trong sứ mệnh Phúc-Âm-hóa? (Thư Chung 2013)
a. Thánh Gia Thánh
b. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
c. Mẹ Maria
d. Chúa Giêsu Kitô phục sinh

NGUYỄN THÁI HÙNG

Lời giải đáp
trắc nghiệm

01. d. Sứ vụ Tân Phúc-Âm-hoá
02. a. Làm chứng cho Tin Mừng yêu thương của Chúa
03. d. Chỉ có a và b đúng.
04. a. Thông truyền đức tin Kitô giáo
05. c. Tuyên phong 117 chứng nhân đức tin
06. b. Dẫn mọi người vào cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu Kitô
07. d. Xây dựng xã hội hiện nay nhằm hướng tới một tương lai hy vọng.
08. d. Cả a, b và c đúng
09. b. Sứ vụ Phúc-Âm-hóa.
10. d. Cả a, b và c đúng
11. d. Chỉ có a và b đúng.
12. d. Cả a, b và c đúng
13. b. Hiểu và lĩnh hội được sứ điệp Phúc Âm
14. d. Cuộc hoán cải từ trong tâm thức đến định hướng và phương pháp khi làm mục vụ
15.  b. Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống
16. c. Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình
17. d. Chỉ có a và b đúng.
18. a. Gia đình của Thiên Chúa
19. d. Hội Thánh tại gia
20. a. Mỗi gia đình
21. d. Cả a, b và c đúng
22. d. Cả a, b và c đúng
23. d. Chỉ có a và b đúng.
24. a. Cùng cầu nguyện
25. a. Lời Chúa
27. b. Tình yêu hợp nhất thủy chung
28. d. Cả a, b và c đúng
29. b. Chính Thiên Chúa Hằng Sống.
30. d. Chỉ có a và b đúng.
31. b. Các đức tính nhân bản và đức tin
32. c. Sự tấn công của cái ác và cái xấu trong cuộc sống
33. d. Chỉ có a và b đúng.
34. a. Tin Mừng
35. b. Chia sẻ và giới thiệu Đức Kitô cho người khác.
36. d. Cả a, b và c đúng
37. d. Cả a, b và c đúng
38. d. Chỉ có a và b đúng.
39. d. Cả a, b và c đúng
40. d. Chỉ có a và b đúng.
41. b. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam


****************************************************


  

TRẮC NGHIỆM & Ô CHỮ
NĂM TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH
2014


HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
THƯ CHUNG GỬI CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA
*
HỘI THÁNH CÔNG GIÁO TẠI VIỆT NAM
VÀ CÔNG CUỘC TÂN PHÚC-ÂM-HÓA

HỎI THƯA

01. Hỏi : Thư Chung tháng 10 năm 2013 của HĐGM VN muốn chia sẻ với anh chị em về điều gì? (Thư Chung 2013)
Thưa : Thư Chung tháng 10 năm 2013 của HĐGM VN muốn chia sẻ với anh chị em về Sứ vụ Tân Phúc-Âm-hoá.

02. Hỏi : Sống đức tin luôn luôn là một thách đố, nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, người môn đệ Chúa Giêsu vẫn được mời gọi làm gì? (Thư Chung 2013. No 1)
Thưa : Người môn đệ Chúa Giêsu vẫn được mời gọi làm chứng cho Tin Mừng yêu thương của Chúa.

03. Hỏi : Sống đức tin luôn luôn là một thách đố, nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, người môn đệ Chúa Giêsu vẫn được mời gọi làm chứng cho Tin Mừng yêu thương của Chúa, trở thành chất xúc tác cho việc xây dựng nên điều gì? (Thư Chung 2013. No 1)
Thưa : Trở thành chất xúc tác cho việc xây dựng nên nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống.

04. Hỏi : Định hướng và chương trình mục vụ trong những năm tới là ‘Tân Phúc-Âm-hóa để làm gì? (Thư Chung 2013. No 2)
Thưa : Tân Phúc-Âm-hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo.

05. Hỏi : Năm nay, 2013, Hội Thánh tại Việt Nam kỷ niệm 25 năm việc gì? (Thư Chung 2013. No 2)
Thưa : Kỷ niệm 25 năm việc Tuyên phong 117 chứng nhân đức tin

06. Hỏi : Mục tiêu của Phúc-Âm-hóa là gì? (Thư Chung 2013. No 3)
Thưa : Mục tiêu của Phúc-Âm-hóa là dẫn mọi người vào cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu Kitô.

07. Hỏi : Phúc-Âm-hóa là sứ vụ mang tính toàn diện, vì ‘ánh sáng đức tin không chỉ soi chiếu đời sống nội bộ của Hội Thánh hoặc chỉ để xây dựng thành đô vĩnh cửu trong thế giới mai sau, mà còn giúp chúng ta làm gì?’ (Thư Chung 2013. No 3)
Thưa : Còn giúp chúng ta làm xây dựng xã hội hiện nay nhằm hướng tới một tương lai hy vọng.


08. Hỏi : Chính Chúa Giêsu dạy chúng ta hướng đi này. Chúa Giêsu đứng về phía những ai ? (Thư Chung 2013. No 3)
Thưa : Chúa Giêsu đứng về phía những nạn nhân của các thảm họa và bất công cùng những ai bị xã hội loại bỏ.

09. Hỏi : Liên đới và xót thương những nạn nhân và những người bị gạt ra bên lề xã hội phải trở thành đòi hỏi thiết yếu trong điều gì ? (Thư Chung 2013. No 3)
Thưa : Phải trở thành đòi hỏi thiết yếu trong sứ vụ Phúc-Âm-hóa.



10. Hỏi : “Tân Phúc-Âm-hóa” không phải là rao giảng một Phúc Âm mới vì “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8), nhưng là gì? (Thư Chung 2013. No 3)
Thưa : Nhưng là mới về lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp và mới trong cách diễn tả.


11. Hỏi : Mới về lòng nhiệt thành là gì? (Thư Chung 2013. No 3)
Thưa : Là làm mới lại tương quan giữa bản thân chúng ta với Đức Giêsu Kitô và để mối tương quan ấy hướng dẫn toàn bộ đời sống chúng ta.


12. Hỏi : Mới trong phương pháp là biết vận dụng những phương pháp thích hợp để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của thời đại về những  mặt nào ?(Thư Chung 2013. No 3)
Thưa : Về những mặt văn hóa, xã hội cũng như kỹ thuật.

13. Hỏi :
Mới trong cách diễn tả là cố gắng nghiên cứu và sử dụng những cách diễn tả phù hợp, để con người hôm nay có thể làm gì?(Thư Chung 2013. No 3)
Thưa : Có thể hiểu và lĩnh hội được sứ điệp Phúc Âm.

14. Hỏi : Công cuộc Tân Phúc-Âm-hóa đòi duyệt lại toàn bộ các sinh hoạt mục vụ ở tất cả mọi bình diện, nghĩa là điều gì?(Thư Chung 2013. No 4)
Thưa : Phải thực hiện cuộc hoán cải từ trong tâm thức đến định hướng và phương pháp khi làm mục vụ.

15.  Hỏi : Chương trình canh tân đời sống đức tin cần được lồng vào trong tổng thể của kế hoạch mục vụ mà Hội Đồng Giám Mục trình bày trong Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 là gì? (Thư Chung 2013. No 4)
Thưa : Là cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống.

16. Hỏi : Chủ đề của năm 2014 là gì? (Thư Chung 2013. No 4)
Thưa : Chủ đề của năm 2014 là Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình.


17. Hỏi : Trong năm 2014 sắp tới, chúng ta hãy cùng nhau làm gì ? (Thư Chung 2013. No 5)
Thưa : Cùng nhau Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình và thúc đẩy gia đình tham gia tích cực vào sứ vụ loan báo Tin Mừng.

18. Hỏi : Hội Thánh được gọi là gì ? (Thư Chung 2013. No 5)
Thưa : Hội Thánh được gọi là Gia đình của Thiên Chúa.

19. Hỏi : Mỗi gia đình Kitô hữu được gọi là gì? (Thư Chung 2013. No 5)
Thưa : Mỗi gia đình Kitô hữu được gọi là Hội Thánh tại gia.


20. Hỏi : Việc canh tân Hội Thánh phải được bắt đầu từ đâu? (Thư Chung 2013. No 5)
Thưa : Phải được bắt đầu từ mỗi gia đình.

21. Hỏi : Trước cuộc khủng hoảng gia đình hiện nay, Hội Thánh nhận thấy cần phải làm gì? (Thư Chung 2013. No 5)
Thưa : Hội Thánh nhận thấy cần phải tăng cường và canh tân mục vụ gia đình, phải xem mục vụ gia đình là hoạt động quan trọng, nối kết những kế hoạch và chương trình mục vụ của giáo xứ cũng như giáo phận.

22. Hỏi : Để thực hiện những mục tiêu trên, xin anh chị em hãy xây dựng gia đình mình thành điều gì? (Thư Chung 2013. No 6)
Thưa : Xây dựng gia đình mình thành một cộng đoàn cầu nguyện, sống tình yêu hợp nhất thủy chung, phục vụ sự sống và hăng say loan báo Tin Mừng.

23. Hỏi : Gia đình là cộng đoàn cầu nguyện, thờ phượng Thiên Chúa, đền thờ tại gia. Hiệp thông trong kinh nguyện vừa là hoa trái vừa là đòi hỏi của sự hiệp thông bắt nguồn từ đâu ? (Thư Chung 2013. No 6)
Thưa : Bắt nguồn từ Bí tích Rửa Tội và Hôn Phối.

24. Hỏi : Chúa Giêsu hiện diện trong gia đình khi vợ chồng, cha mẹ, con cái làm gì ? (Thư Chung 2013. No 6)
Thưa : Khi vợ chồng, cha mẹ, con cái cùng cầu nguyện.

25. Hỏi : Hoàn cảnh sống hiện nay gây nhiều khó khăn trở ngại cho việc gia đình cùng sum họp cầu nguyện. Tuy nhiên đây là đòi hỏi quan trọng trong đời sống gia đình công giáo. HĐGM tha thiết xin anh chị em duy trì giờ kinh chung trong gia đình, và cố gắng đưa điều gì vào giờ kinh này? (Thư Chung 2013. No 6)
Thưa : Cố gắng đưa Lời Chúa vào giờ kinh này.

27. Hỏi : Gia đình là cộng đoàn yêu thương bằng sự gì? (Thư Chung 2013. No 6)
Thưa : Bằng tình yêu hợp nhất thủy chung.

28. Hỏi : Các gia đình công giáo phải loại bỏ mọi thứ bạo hành và hãy có điều gì? (Thư Chung 2013. No 6)
Thưa : Lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau.

29. Hỏi : Gia đình là cộng đoàn phục vụ sự sống, được khơi nguồn từ đâu ? (Thư Chung 2013. No 6)
Thưa : Từ chính Thiên Chúa Hằng Sống.

30. Hỏi : Vợ chồng Kitô hữu yêu thương nhau bằng một tình yêu mở ra với sự sống, tôn trọng sự sống ngay từ lúc thụ thai, cộng tác với Thiên Chúa Tạo Hóa qua việc gì? (Thư Chung 2013. No 6)
Thưa : Cộng tác với Thiên Chúa Tạo Hóa qua việc sinh con có trách nhiệm và giáo dục con cái nên người tốt và nên con cái Chúa.


31. Hỏi : Gia đình phải là ngôi trường đầu tiên dạy các điều gì? (Thư Chung 2013. No 6)
Thưa : Gia đình phải là ngôi trường đầu tiên dạy các đức tính nhân bản và đức tin.

32. Hỏi : Gia đình phải là thành trì bảo vệ sự sống thể lý cũng như tinh thần của con cái trước điều gì? (Thư Chung 2013. No 6)
Thưa : Trước sự tấn công của cái ác và cái xấu trong cuộc sống.

33. Hỏi : Gia đình là cộng đoàn tham gia vào sứ vụ Phúc-âm-hóa, bằng điều gì? (Thư Chung 2013. No 6)
Thưa : Gia đình là cộng đoàn tham gia vào sứ vụ Phúc-âm-hóa, bằng lời cầu nguyện cũng như bằng hành động cụ thể.

34. Hỏi : Chính đời sống yêu thương hiệp nhất trong gia đình công giáo, ngay giữa những khó khăn và thử thách của cuộc đời, tự nó đã là lời chứng âm thầm nhưng có sức thuyết phục của điều gì? (Thư Chung 2013. No 6)
Thưa : Của Tin Mừng.

35. Hỏi : Theo truyền thống tốt đẹp, gia đình công giáo còn là nơi vun trồng ơn gọi linh mục và tu sĩ. Đồng thời, khi có thể, xin anh chị em hãy mạnh dạn làm điều gì ? (Thư Chung 2013. No 6)
Thưa : Hãy mạnh dạn chia sẻ và giới thiệu Đức Kitô cho người khác.


36. Hỏi : Để đồng hành với các gia đình trong sứ mệnh cao cả nói trên, HĐGM đề nghị : Việc chuẩn bị cho giới trẻ bước vào đời sống hôn nhân và gia đình là đòi hỏi khẩn thiết hơn bao giờ hết. Các bạn trẻ cần ý thức và sống đời hôn nhân như một ơn gọi và sứ mệnh cao quý, được chọn lựa với điều gì? (Thư Chung 2013. No 7)
Thưa : Được chọn lựa với ý thức, tự do và trách nhiệm.

37. Hỏi : Đôi bạn Kitô hữu còn được mời gọi sống bí tích Hôn Phối như dấu chỉ hữu hình và hữu hiệu của tình yêu Đức Kitô dành cho Hội Thánh, một tình yêu thế nào ? (Thư Chung 2013. No 7)
Thưa : một tình yêu phong nhiêu, duy nhất và bất khả phân ly.

38. Hỏi : Định chế gia đình đặt nền tảng trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ. Định chế này dựa trên bản tính con người, do chính Thiên Chúa thiết lập, hướng đến thiện ích của ai? (Thư Chung 2013. No 7)
Thưa : Hướng đến thiện ích của chính gia đinh và xã hội.

39. Hỏi : Đồng hành với các gia đình trẻ ngày nay là yêu cầu mục vụ quan trọng, để giúp họ sống tình yêu vợ chồng với điều gì? (Thư Chung 2013. No 7)
Thưa : Với tinh thần trách nhiệm, phục vụ sự sống, iết hòa hợp tình thương trong tổ ấm gia đình với trách nhiệm xây dựng Hội Thánh, xã hội và đất nước.

40. Hỏi : Với những anh chị em đang gặp khó khăn vì hôn nhân đổ vỡ và gia đình ly tán, một đàng chúng ta vẫn phải nêu cao lý tưởng đời sống hôn nhân công giáo, đàng khác phải làm gì ? (Thư Chung 2013. No 7)
Thưa : Phải đồng hành và nâng đỡ họ, thay vì bày tỏ thái độ lên án và loại trừ.


41. Hỏi : HĐGM đã chia sẻ với anh chị em những thao thức mục vụ cũng như những đề nghị cụ thể, nhằm góp phần vào nỗ lực “Tân Phúc-Âm-hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo”. Ước mong những đề nghị này được anh chị em  đón nhận để cầu nguyện, suy nghĩ, khai triển và thực hiện ở nhiều cấp độ: gia đình, giáo xứ, giáo phận. Hướng về ai là những tấm gương sáng ngời trong sứ mệnh Phúc-Âm-hóa? (Thư Chung 2013)
Thưa : Hướng về Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những tấm gương sáng ngời trong sứ mệnh Phúc-Âm-hóa.

NGUYỄN THÁI HÙNG
****************************************************






 Ô CHỮ
TÂN PHÚC ÂM  HÓA GIA ĐÌNH 1



Những gợi ý

01. người môn đệ Chúa Giêsu vẫn được mời gọi làm chứng cho Tin Mừng yêu thương của Chúa, trở thành chất xúc tác cho việc xây dựng văn hóa sự sống  và nền văn minh gì ? (Thư Chung 2013)

02. Hiệp thông trong kinh nguyện vừa là hoa trái vừa là đòi hỏi của sự hiệp thông bắt nguồn từ bí tích nào?  (Thư Chung 2013 No 6)

03. Gia đình là cộng đoàn gì luôn thờ phượng Thiên Chúa, đền thờ tại gia ? (Thư Chung 2013 No 6)

04. Đôi bạn Kitô hữu còn được mời gọi sống bí tích Hôn Phối như dấu chỉ hữu hình và hữu hiệu của tình yêu Đức Kitô dành cho Hội Thánh, một tình yêu phong nhiêu, duy nhất và gì nữa ? (Thư Chung 2013 No 7)

05. HĐGM tha thiết xin anh chị em duy trì giờ kinh chung trong gia đình, và cố gắng đưa điều gì vào giờ kinh này ? (Thư Chung 2013 No 6)

06. Mục tiêu của Phúc-Âm-hóa là dẫn mọi người vào cuộc gặp gỡ cá vị với ai ?  (Thư Chung 2013 No 3)

07. Tân Phúc-Âm-hóa để thông truyền điều gì của Kitô giáo? (Thư Chung 2013 No 2)

08. Với những anh chị em đang gặp khó khăn vì hôn nhân đổ vỡ và gia đình ly tán, một đàng chúng ta vẫn phải nêu cao lý tưởng đời sống hôn nhân công giáo, đàng khác phải làm gì với họ ? (Thư Chung 2013 No 7)

09. HĐGM kêu gọi anh chị em hãy xây dựng gia đình mình thành một cộng đoàn cầu nguyện, sống tình yêu hợp nhất thủy chung, phục vụ sự sống và hăng say loan báo điều gì? (Thư Chung 2013 No 6)

10. Các bạn trẻ cần ý thức và sống đời hôn nhân như một ơn gọi và sứ mệnh cao quý, được chọn lựa với ý thức, tự do và gì nữa ? (Thư Chung 2013 No 7)

11. Gia đình là cộng đoàn phục vụ điều gì , được khơi nguồn từ chính Thiên Chúa Hằng Sống ? (Thư Chung 2013 No 6)

12. Công cuộc Tân Phúc-Âm-hóa đòi duyệt lại toàn bộ các sinh hoạt mục vụ ở tất cả mọi bình diện, nghĩa là phải thực hiện điều gì từ trong tâm thức đến định hướng và phương pháp khi làm mục vụ? (Thư Chung 2013 No 4)

13. Sống đức tin luôn luôn là một thách đố, nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, người môn đệ của ai vẫn được mời gọi làm chứng cho Tin Mừng yêu thương của Chúa, trở thành chất xúc tác cho việc xây dựng nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống? (TC 2013 No 1)

14. Trong năm 2014 sắp tới, chúng ta hãy cùng nhau Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình và thúc đẩy gia đình tham gia tích cực vào sứ vụ loan báo điều gì? (Thư Chung 2013 No 5)

15. Gia đình phải là ngôi trường đầu tiên dạy các đức tính nhân bản và đức tin, là thành trì bảo vệ sự sống thể lý cũng như tinh thần của con cái trước sự tấn công của cái xấu và điều gì trong cuộc sống ?  (Thư Chung 2013 No 6)

16. Chủ đề Năm 2014 : Phúc-Âm-hóa đời sống gì? (Thư Chung 2013 No 4)

17. Theo truyền thống tốt đẹp, gia đình công giáo còn là nơi vun trồng ơn gọi linh mục và tu sĩ. Đồng thời, khi có thể, xin anh chị em hãy mạnh dạn chia sẻ và giới thiệu ai cho người khác ? (Thư Chung 2013 No 6)

18. Gia đình phải là ngôi trường đầu tiên dạy các đức tính gì? (Thư Chung 2013 No 6)

19. Gia đình là cộng đoàn yêu thương bằng tình yêu hợp nhất … … … . (Thư Chung 2013 No 6)

Hàng dọc : Chủ đề của ô chữ này là gì?



Lời giải đáp
Ô CHỮ
TÂN PHÚC ÂM  HÓA GIA ĐÌNH 1

01. Tình thương  (Thư Chung 2013)
02. Rửa Tội (Thư Chung 2013 No 6)
03. Cầu nguyện (Thư Chung 2013 No 6)
04. Bất khả phân ly (Thư Chung 2013 No 7)
05. Lời Chúa (Thư Chung 2013 No 6)
06. Đức Giêsu Kitô (Thư Chung 2013 No 3)
07. Đức tin (Thư Chung 2013 No 2)
08. Đồng hành (Thư Chung 2013 No 7)
09. Tin Mừng. (Thư Chung 2013 No 6)
10. Trách nhiệm (Thư Chung 2013 No 7)
11. Sự sống (Thư Chung 2013 No 6)
12. Hoán cải (Thư Chung 2013 No 4)
13. Chúa Giêsu (Thư Chung 2013 No 1)
14. Tin Mừng (Thư Chung 2013 No 5)
15. Cái ác (Thư Chung 2013 No 6)
16. Gia đình (Thư Chung 2013 No 4)
17. Đức Kitô (Thư Chung 2013 No 6)
18. Nhân bản  (Thư Chung 2013 No 6)
19. Thủy chung (Thư Chung 2013 No 6)

Hàng dọc : TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH

NGUYỄN THÁI HÙNG





  
Ô CHỮ
TÂN PHÚC ÂM  HÓA GIA ĐÌNH 2



Những gợi ý
từ Thánh Kinh


01.  Đức Giêsu quen thân với một gia đình có 3 chị em, khi người em chết, dẫu đã chết 4 ngày rồi, ngài cũng đã làm cho sống lại. Người chị cả tên là gì?  (Ga 11,1)

02. Người mẹ của Đức Giêsu tên là gì? (Mt 1,1-16)

03. Gia đình được cứu khỏi Lụt Hồng Thủy tên là gì? (x. St 6,5 …)
     
04.  Gia đình đầu tiên được thánh Phaolô rửa tội tại Akhaia tên là gì ? (1Cor 1,16 & 16,15)

05. Con ông Môsê là tên là gì ? (Xh 2,21-22)

06. Người con của ông Giacóp và bà Rakhen tên là gì? (St 35,23-26).

07. Gia đình thánh gia đi lánh nạn sự lùng bắt của vua Hêrôđê tại đâu?  (Lc 2,13)

08. Bản gia phả của Đức Giêsu theo thánh Mátthêu, người đã sinh ra ông Giuse, chồng bà Maria và là cha nuôi của Đức Giêsu tên là gì ?
 (Mt 1,16)

09  Cha của Ông Ruphô và ông Alêxanđô tên là gì?  (Mc 15,21)

10. Nhà giải phóng vĩ đại của dân Dothái là ông Môsê, ông đã đưa dân Dothái ra khỏi Ai cập và tiến về Đất Hứa. Mẹ của ông tên là gì ?
 (Xh 6,20)

11. Trong gia phả của Chúa Giêsu có nhân vật nữ là Rút, bà là mẹ của ai? (Mt 1,5)

12.. Ông là trưởng hội đường đến nài xin Đức Giêsu vào nhà ông, vì ông có một đứa con gái duy nhất độ mười hai tuổi, mà nó lại sắp chết tên là gì?  (Lc 8,41-42)

13. Một người con của ông Ixaác và bà Rêbêca.  (x. St 25,19)

14. Gia đình ngoại giáo đầu tiên được thánh Phêrô rửa tội tên là gì ?  (Cv 10,34-48)

15. Mẹ của ông Gioan Tẩy giả là vị tiền hô của Đức Giêsu tên alf gì?  (Lc 1,57-66)

16. Dân tộc Do thái gồm 12 chi tộc, và có một chi tộc chuyên để phụng sự Thiên Chúa là chi tộc Lêvi. Vậy  Đức Giêsu thuộc chi tộc nào ? (Mt 1,1-16)

17. Người con của ông Giuse và bà Maria tên là gì? (Mt 1,1-16)

18. Người con của ông Đavít và bà Bátseva tên là gì?  (2Sm 12,24-25)

19. Người vợ mà ông Giacóp phải vất vả làm lụng 14 năm mới cưới được tên là gì ? (St 29,15-30)
     
Hàng dọc : Chủ đề của ô chữ này là gì?
  

Lời giải đáp
Ô CHỮ
TÂN PHÚC ÂM  HÓA GIA ĐÌNH 2

01.  Mácta (Ga 11,1)
02. Maria (Mt 1,1-16)
03. Nôê (x. St 6,5 …)
04.  Têphana (1Cor 1,16 & 16,15)
05. Ghécsôm (Xh 2,21-22)
06. Giuse (St 35,23-26).
07. Ai cập (Lc 2,13)
08. Giacóp (Mt 1,16)
09  Simon (Mc 15,21)
10. Giôkhêvét (Xh 6,20)
11. Ôvết  (Mt 1,5)
12. Giaia (Lc 8,41-42)
13. Giacóp (x. St 25,19)
14. Cônêliô (Cv 10,34-48)
15. Êlisabét (Lc 1,57-66)
16. Giuđa (Mt 1,1-16)
17. Giêsu (Mt 1,1-16)
18. Salomon (2Sm 12,24-25)
19. Rakhen (St 29,15-30)

Hàng dọc : Tân Phúc Âm Hóa Gia Đình


NGUYỄN THÁI HÙNG






Đại Hội lần thứ XII Hội đồng Giám mục Việt Nam: Thư chung gửi Cộng đồng Dân Chúa: Hội Thánh tại Việt Nam và công cuộc Tân Phúc-Âm-hoá



HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
THƯ CHUNG GỬI CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA
*
HỘI THÁNH CÔNG GIÁO TẠI VIỆT NAM
VÀ CÔNG CUỘC TÂN PHÚC-ÂM-HÓA

Anh chị em thân mến,
“Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần, ở cùng tất cả anh chị em” (x. 2Cr 13,13). Chúng tôi, các giám mục từ 26 giáo phận Việt Nam, quy tụ tại Trung Tâm Mục Vụ Sài Gòn để tham dự Đại hội lần thứ XII của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, xin cảm ơn anh chị em đã cầu nguyện nhiều cho chúng tôi để Đại hội diễn ra cách tốt đẹp và bình an. Nay Đại hội đã kết thúc, qua Thư Chung này, chúng tôi muốn chia sẻ với anh chị em những công việc đã làm trong Đại hội, cách riêng về sứ vụ Tân Phúc-Âm-hoá.

1. Bước vào Đại hội trong khung cảnh Năm Đức Tin, chúng tôi vui mừng được nghe biết về những hoa trái thiêng liêng nơi các tín hữu cũng như các cộng đoàn giáo xứ, giáo phận, dòng tu, đã tích cực học hỏi và nỗ lực canh tân đời sống đức tin. Các cuộc cử hành phụng vụ và sinh hoạt mục vụ đã giúp cho đức tin của mỗi người được thanh luyện, củng cố và đổi mới. Đồng thời, khi nghe biết về những khó khăn và thử thách mà một số cộng đoàn phải đối diện, chúng tôi hiểu rằng sống đức tin luôn luôn là một thách đố, nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, người môn đệ Chúa Giêsu vẫn được mời gọi làm chứng cho Tin Mừng yêu thương của Chúa, trở thành chất xúc tác cho việc xây dựng nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống.

Ngoài ra, chúng tôi cũng lắng nghe và góp ý cho nhau về nhiều sinh hoạt và công việc của Hội Thánh tại Việt Nam, cách riêng là công trình xây dựng Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang. Đại hội cũng dành nhiều thời giờ cho việc bầu chọn Ban Thường vụ của Hội Đồng Giám Mục cũng như các chủ tịch của các Ủy ban trực thuộc Hội Đồng Giám Mục trong nhiệm kỳ mới.

2. Giờ đây chúng tôi muốn chia sẻ với anh chị em về định hướng và chương trình mục vụ trong những năm tới. Trong ba năm qua (2010-2013), tất cả chúng ta đã cùng nhau học hỏi và sống ý nghĩa Giáo Hội: mầu nhiệm – hiệp thông – sứ vụ. Định hướng đó và tinh thần của Năm Đức Tin cần được tiếp nối bằng nỗ lực “Tân Phúc-Âm-hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo”, cũng là chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XIII, diễn ra tại Rôma, từ ngày 7 – 28 tháng 10 năm 2012. Thật vậy, ánh sáng Đức Kitô chiếu tỏa trên khuôn mặt các Kitô hữu và ánh sáng ấy phải lan đến những người khác, giống như từ ngọn nến phục sinh, vô vàn những ngọn nến khác được thắp lên trong Đêm Vọng Phục Sinh.[1] Ngoài ra, chúng ta còn được nhắc nhở cách riêng về sứ mệnh đó trong năm nay, khi Hội Thánh tại Việt Nam kỷ niệm 25 năm tuyên phong 117 chứng nhân đức tin (19.06.1988 – 19.06.2013), là những hoa trái thánh thiện của công cuộc Phúc-Âm-hóa.

3. Mục tiêu của Phúc-Âm-hóa là dẫn mọi người vào cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu Kitô, trong Thánh Thần, nhờ đó gặp gỡ Thiên Chúa Cha của Người, cũng là Cha của chúng ta, và để đời sống mình được biến đổi theo tinh thần Phúc Âm. Như thế, trước hết chính bản thân chúng ta phải được Phúc-Âm-hóa, phải củng cố và làm mới lại đức tin của mình, rồi mới có thể giúp những anh chị em đã xa rời đức tin tái khám phá vẻ đẹp và ánh sáng đức tin. Ngày nay, khi một số người chỉ còn là Kitô hữu trên danh nghĩa, chúng ta hãy sống cho đúng với ơn gọi Kitô hữu của mình trong niềm vui, hãy chiếu tỏa sức hấp dẫn của Tin Mừng cho những người chung quanh.

Phúc-Âm-hóa là sứ vụ mang tính toàn diện, vì “ánh sáng đức tin không chỉ soi chiếu đời sống nội bộ của Hội Thánh hoặc chỉ để xây dựng thành đô vĩnh cửu trong thế giới mai sau, mà còn giúp chúng ta xây dựng xã hội hiện nay nhằm hướng tới một tương lai hi vọng”.[2] Chính Chúa Giêsu dạy chúng ta hướng đi này. Người đứng về phía những nạn nhân của các thảm họa và bất công. Người liên đới với những ai bị xã hội loại bỏ. Liên đới và xót thương những nạn nhân và những người bị gạt ra bên lề xã hội phải trở thành đòi hỏi thiết yếu trong sứ vụ Phúc-Âm-hóa.[3]

4. “Tân Phúc-Âm-hóa” không phải là rao giảng một Phúc Âm mới vì “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8), nhưng là “mới về lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp, và mới trong cách diễn tả”.[4] Mới về lòng nhiệt thành là làm mới lại tương quan giữa bản thân chúng ta với Đức Giêsu Kitô, để mối tương quan ấy hướng dẫn toàn bộ đời sống chúng ta. Mới trong phương pháp là biết vận dụng những phương pháp thích hợp để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của thời đại về nhiều mặt, văn hóa, xã hội cũng như kỹ thuật. Mới trong cách diễn tả là cố gắng nghiên cứu và sử dụng những cách diễn tả phù hợp, để con người hôm nay có thể hiểu và lĩnh hội được sứ điệp Phúc Âm.

Công cuộc Tân Phúc-Âm-hóa đòi duyệt lại toàn bộ các sinh hoạt mục vụ ở tất cả mọi bình diện, nghĩa là phải thực hiện cuộc hoán cải từ trong tâm thức đến định hướng và phương pháp khi làm mục vụ. Từ kinh nghiệm của các nước đã có nhiều Kitô hữu bỏ đạo, nếu chúng ta không nhanh chóng thực hiện cuộc hoán cải mục vụ này, thì trong tương lai không xa, Hội Thánh tại Việt Nam cũng có thể rơi vào tình trạng băng giá của mùa đông đức tin như một số nơi trên thế giới.

Chương trình canh tân đời sống đức tin cần được lồng vào trong tổng thể của kế hoạch mục vụ mà Hội Đồng Giám Mục trình bày trong Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010: “Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống”. Thư Chung ấy là chương trình hành động của Hội Thánh tại Việt Nam trong nhiều năm. Dựa trên định hướng căn bản này, chúng tôi mời gọi anh chị em hãy cùng với chúng tôi thực hiện kế hoạch mục vụ kéo dài 3 năm (2014-2016):
– Năm 2014: Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình;
– Năm 2015: Phúc-Âm-hóa đời sống giáo xứ và các cộng đoàn;
– Năm 2016: Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội.

5. Trong năm 2014 sắp tới, chúng ta hãy cùng nhau Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình và thúc đẩy gia đình tham gia tích cực vào sứ vụ loan báo Tin Mừng. Hội Thánh được gọi là gia đình của Thiên Chúa và mỗi gia đình Kitô hữu được gọi là Hội Thánh tại gia. Việc canh tân Hội Thánh phải được bắt đầu từ mỗi gia đình, do đó, Hội Thánh đặc biệt quan tâm đến các gia đình. Cách cụ thể, mới đây Đức Thánh Cha Phanxicô đã loan báo triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục khóa ngoại lệ vào tháng 10 năm 2014 về “Những thách đố mục vụ đối với gia đình trong bối cảnh Phúc-Âm-hoá”. Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 cũng nhấn mạnh: “Trước cuộc khủng hoảng gia đình hiện nay, Hội Thánh nhận thấy cần phải tăng cường và canh tân mục vụ gia đình, phải xem mục vụ gia đình là hoạt động quan trọng, nối kết những kế hoạch và chương trình mục vụ của giáo xứ cũng như giáo phận”.[5]

6. Để thực hiện những mục tiêu trên, xin anh chị em hãy xây dựng gia đình mình thành một cộng đoàn cầu nguyện, sống tình yêu hợp nhất thủy chung, phục vụ sự sống và hăng say loan báo Tin Mừng.

– Gia đình là cộng đoàn cầu nguyện, thờ phượng Thiên Chúa, đền thờ tại gia. Hiệp thông trong kinh nguyện vừa là hoa trái vừa là đòi hỏi của sự hiệp thông bắt nguồn từ bí tích Rửa Tội và Hôn Phối. Chúa Giêsu hiện diện trong gia đình khi vợ chồng, cha mẹ, con cái cùng cầu nguyện, và khi đó, chính cuộc sống gia đình trở thành lời kinh sống động. Hoàn cảnh sống hiện nay gây nhiều khó khăn trở ngại cho việc gia đình cùng sum họp cầu nguyện. Tuy nhiên đây là đòi hỏi quan trọng trong đời sống gia đình công giáo. Vì thế, cùng với việc siêng năng tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận các bí tích, chúng tôi tha thiết xin anh chị em duy trì giờ kinh chung trong gia đình, và cố gắng đưa Lời Chúa vào giờ kinh này.

     Gia đình là cộng đoàn yêu thương bằng tình yêu hợp nhất thủy chung, xuất phát từ Thiên Chúa Tình Yêu. Mối tương quan giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái cũng như giữa anh chị em với nhau, phải là dấu chỉ sống động của Tình Yêu Thiên Chúa. Vì thế, các gia đình công giáo phải loại bỏ mọi thứ bạo hành, “hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau” (Cl  3,12-13).
      
– Gia đình là cộng đoàn phục vụ sự sống, được khơi nguồn từ chính Thiên Chúa Hằng Sống. Vợ chồng Kitô hữu yêu thương nhau bằng một tình yêu mở ra với sự sống, tôn trọng sự sống ngay từ lúc thụ thai, cộng tác với Thiên Chúa Tạo Hóa qua việc sinh con có trách nhiệm, giáo dục con cái nên người tốt và nên con cái Chúa. Gia đình phải là ngôi trường đầu tiên dạy các đức tính nhân bản và đức tin, là thành trì bảo vệ sự sống thể lý cũng như tinh thần của con cái trước sự tấn công của cái ác và cái xấu trong cuộc sống. Vì thế, các bậc cha mẹ phải ý thức trách nhiệm của mình là những nhà giáo dục đầu tiên và không thể thay thế, bằng chính gương sáng của mình.

– Gia đình là cộng đoàn tham gia vào sứ vụ Phúc-âm-hóa, bằng lời cầu nguyện cũng như bằng hành động cụ thể. Chính đời sống yêu thương hiệp nhất trong gia đình công giáo, ngay giữa những khó khăn và thử thách của cuộc đời, tự nó đã là lời chứng âm thầm nhưng có sức thuyết phục của Tin Mừng. Ngoài ra, theo truyền thống tốt đẹp, gia đình công giáo còn là nơi vun trồng ơn gọi linh mục và tu sĩ. Đồng thời, khi có thể, xin anh chị em hãy mạnh dạn chia sẻ và giới thiệu Đức Kitô cho người khác.

7. Để đồng hành với các gia đình trong sứ mệnh cao cả nói trên, chúng tôi đề nghị một số việc mục vụ sau:
Việc chuẩn bị cho giới trẻ bước vào đời sống hôn nhân và gia đình là đòi hỏi khẩn thiết hơn bao giờ hết. Các bạn trẻ cần ý thức và sống đời hôn nhân như một ơn gọi và sứ mệnh cao quý, được chọn lựa với ý thức, tự do và trách nhiệm. Đôi bạn Kitô hữu còn được mời gọi sống bí tích Hôn Phối như dấu chỉ hữu hình và hữu hiệu của tình yêu Đức Kitô dành cho Hội Thánh, một tình yêu phong nhiêu, duy nhất và bất khả phân ly. Để được như thế, cần có sự chuẩn bị xa, chuẩn bị gần, và chuẩn bị trực tiếp cho các bạn trẻ bước vào đời sống hôn nhân.

Trong bối cảnh có nhiều biến động về văn hóa-xã hội ngày nay, chúng tôi thiết nghĩ cần phải nhắc lại chân lý này: định chế gia đình đặt nền tảng trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ. Định chế này dựa trên bản tính con người, do chính Thiên Chúa thiết lập, hướng đến thiện ích của chính gia đình và xã hội; vì thế, mọi cá nhân và tập thể xã hội cần nhìn nhận và tôn trọng định chế này.

Đồng hành với các gia đình trẻ ngày nay là yêu cầu mục vụ quan trọng, để giúp họ sống tình yêu vợ chồng với tinh thần trách nhiệm, phục vụ sự sống, biết hòa hợp tình thương trong tổ ấm gia đình với trách nhiệm xây dựng Hội Thánh, xã hội và đất nước.

Với những anh chị em đang gặp khó khăn vì hôn nhân đổ vỡ và gia đình ly tán, một đàng chúng ta vẫn phải nêu cao lý tưởng đời sống hôn nhân công giáo, đàng khác phải đồng hành và nâng đỡ họ, thay vì bày tỏ thái độ lên án và loại trừ.

Hiện nay, có nhiều nhóm, hiệp hội, phong trào tu đức và tông đồ đang dấn thân chăm lo mục vụ gia đình theo những cách thế và mức độ khác nhau. Những phong trào này cần được các mục tử đồng hành và hướng dẫn, nâng đỡ và khích lệ, để họ góp phần cách cụ thể và hài hòa với chương trình mục vụ chung trong mỗi giáo xứ, giáo phận.

Các giáo phận nên quan tâm đến việc đào tạo giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân chuyên trách mục vụ gia đình. Những người này sẽ cộng tác với các giám mục giáo phận trong việc xây dựng và triển khai những chương trình mục vụ gia đình trong giáo phận cũng như giáo xứ. Chúng tôi cũng muốn gửi lời kêu gọi đặc biệt đến anh chị em văn nghệ sĩ và giới truyền thông công giáo. Ước mong anh chị em vận dụng tài năng Thiên Chúa ban, để tôn vinh vẻ đẹp đích thực của tình yêu hôn nhân và gia đình. Các linh mục tương lai cũng cần được chuẩn bị chu đáo hơn về mục vụ gia đình, để có thể đồng hành với các gia đình cách hữu hiệu.
 Anh chị em thân mến,
Trên đây, chúng tôi đã chia sẻ với anh chị em những thao thức mục vụ cũng như những đề nghị cụ thể, nhằm góp phần vào nỗ lực “Tân Phúc-Âm-hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo”. Ước mong những đề nghị này được anh chị em - cách riêng, các linh mục là những cộng tác viên gần gũi của hàng giám mục - đón nhận để cầu nguyện, suy nghĩ, khai triển và thực hiện ở nhiều cấp độ: gia đình, giáo xứ, giáo phận. Hướng về Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những tấm gương sáng ngời trong sứ mệnh Phúc-Âm-hóa, chúng ta hãy thân thưa với các ngài:

Lạy Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, là con thảo của Cha trên trời, là chứng nhân anh dũng của Đức Kitô, là thành phần trung kiên của Hội Thánh, xin giúp chúng con biết trân trọng di sản đức tin mà các ngài đã truyền lại cho chúng con bằng máu và nước mắt. Xin cho chúng con mạnh dạn sống đức tin trong gia đình cũng như xã hội, theo tấm gương xán lạn của Thánh Gia Thất, để chiếu tỏa ánh sáng đức tin khắp nơi nơi; nhờ đó chúng con có thể tích cực góp phần thi hành sứ mệnh truyền giáo, đem lại hoa quả dồi dào trên quê hương Việt Nam thân yêu.
Làm tại Trung Tâm Mục Vụ Sài Gòn, ngày 10 tháng 10 năm 2013
                    
   + Phêrô Nguyễn Văn Nhơn
     Tổng giám mục Hà Nội
     Chủ tịch HĐGM.VN

  + Cosma Hoàng Văn Đạt                    
     Giám mục Bắc Ninh                                
     Tổng thư ký HĐGM.VN                              

–––––––––––––––––––––––––––––––––––––––
1] Đức giáo hoàng Phanxicô, Lumen fidei, số 37.
[2] Nt., số 51.
[3] Sứ điệp FABC X.
[4] Đức Chân phước Gioan Phaolô II, Diễn văn tại Đại hội XIX của CELAM, Port-au-Prince.
[5] HĐGMVN, Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 43.

Hội đồng Giám mục Việt Nam













HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
THƯ CHUNG GỬI CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA
*
HỘI THÁNH CÔNG GIÁO TẠI VIỆT NAM
VÀ CÔNG CUỘC TÂN PHÚC-ÂM-HÓA

Anh chị em thân mến,

“Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần, ở cùng tất cả anh chị em” (x. 2Cr 13,13). Chúng tôi, các giám mục từ 26 giáo phận Việt Nam, quy tụ tại Trung Tâm Mục Vụ Sài Gòn để tham dự Đại hội lần thứ XII của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, xin cảm ơn anh chị em đã cầu nguyện nhiều cho chúng tôi để Đại hội diễn ra cách tốt đẹp và bình an. Nay Đại hội đã kết thúc, qua Thư Chung này, chúng tôi muốn chia sẻ với anh chị em những công việc đã làm trong Đại hội, cách riêng về sứ vụ Tân Phúc-Âm-hoá.

1.           Bước vào Đại hội trong khung cảnh Năm Đức Tin, chúng tôi vui mừng được nghe biết về những hoa trái thiêng liêng nơi các tín hữu cũng như các cộng đoàn giáo xứ, giáo phận, dòng tu, đã tích cực học hỏi và nỗ lực canh tân đời sống đức tin. Các cuộc cử hành phụng vụ và sinh hoạt mục vụ đã giúp cho đức tin của mỗi người được thanh luyện, củng cố và đổi mới. Đồng thời, khi nghe biết về những khó khăn và thử thách mà một số cộng đoàn phải đối diện, chúng tôi hiểu rằng sống đức tin luôn luôn là một thách đố, nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, người môn đệ Chúa Giêsu vẫn được mời gọi làm chứng cho Tin Mừng yêu thương của Chúa, trở thành chất xúc tác cho việc xây dựng nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống.
2.            
Ngoài ra, chúng tôi cũng lắng nghe và góp ý cho nhau về nhiều sinh hoạt và công việc của Hội Thánh tại Việt Nam, cách riêng là công trình xây dựng Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang. Đại hội cũng dành nhiều thời giờ cho việc bầu chọn Ban Thường vụ của Hội Đồng Giám Mục cũng như các chủ tịch của các Ủy ban trực thuộc Hội Đồng Giám Mục trong nhiệm kỳ mới.

2. Giờ đây chúng tôi muốn chia sẻ với anh chị em về định hướng và chương trình mục vụ trong những năm tới. Trong ba năm qua (2010-2013), tất cả chúng ta đã cùng nhau học hỏi và sống ý nghĩa Giáo Hội: mầu nhiệm – hiệp thông – sứ vụ. Định hướng đó và tinh thần của Năm Đức Tin cần được tiếp nối bằng nỗ lực “Tân Phúc-Âm-hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo”, cũng là chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XIII, diễn ra tại Rôma, từ ngày 7 – 28 tháng 10 năm 2012. Thật vậy, ánh sáng Đức Kitô chiếu tỏa trên khuôn mặt các Kitô hữu và ánh sáng ấy phải lan đến những người khác, giống như từ ngọn nến phục sinh, vô vàn những ngọn nến khác được thắp lên trong Đêm Vọng Phục Sinh.[1] Ngoài ra, chúng ta còn được nhắc nhở cách riêng về sứ mệnh đó trong năm nay, khi Hội Thánh tại Việt Nam kỷ niệm 25 năm tuyên phong 117 chứng nhân đức tin (19.06.1988 – 19.06.2013), là những hoa trái thánh thiện của công cuộc Phúc-Âm-hóa.

3. Mục tiêu của Phúc-Âm-hóa là dẫn mọi người vào cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu Kitô, trong Thánh Thần, nhờ đó gặp gỡ Thiên Chúa Cha của Người, cũng là Cha của chúng ta, và để đời sống mình được biến đổi theo tinh thần Phúc Âm. Như thế, trước hết chính bản thân chúng ta phải được Phúc-Âm-hóa, phải củng cố và làm mới lại đức tin của mình, rồi mới có thể giúp những anh chị em đã xa rời đức tin tái khám phá vẻ đẹp và ánh sáng đức tin. Ngày nay, khi một số người chỉ còn là Kitô hữu trên danh nghĩa, chúng ta hãy sống cho đúng với ơn gọi Kitô hữu của mình trong niềm vui, hãy chiếu tỏa sức hấp dẫn của Tin Mừng cho những người chung quanh.

Phúc-Âm-hóa là sứ vụ mang tính toàn diện, vì “ánh sáng đức tin không chỉ soi chiếu đời sống nội bộ của Hội Thánh hoặc chỉ để xây dựng thành đô vĩnh cửu trong thế giới mai sau, mà còn giúp chúng ta xây dựng xã hội hiện nay nhằm hướng tới một tương lai hi vọng”.[2] Chính Chúa Giêsu dạy chúng ta hướng đi này. Người đứng về phía những nạn nhân của các thảm họa và bất công. Người liên đới với những ai bị xã hội loại bỏ. Liên đới và xót thương những nạn nhân và những người bị gạt ra bên lề xã hội phải trở thành đòi hỏi thiết yếu trong sứ vụ Phúc-Âm-hóa.[3]

3.           “Tân Phúc-Âm-hóa” không phải là rao giảng một Phúc Âm mới vì “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8), nhưng là “mới về lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp, và mới trong cách diễn tả”.[4] Mới về lòng nhiệt thành là làm mới lại tương quan giữa bản thân chúng ta với Đức Giêsu Kitô, để mối tương quan ấy hướng dẫn toàn bộ đời sống chúng ta. Mới trong phương pháp là biết vận dụng những phương pháp thích hợp để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của thời đại về nhiều mặt, văn hóa, xã hội cũng như kỹ thuật. Mới trong cách diễn tả là cố gắng nghiên cứu và sử dụng những cách diễn tả phù hợp, để con người hôm nay có thể hiểu và lĩnh hội được sứ điệp Phúc Âm.
4.            
Công cuộc Tân Phúc-Âm-hóa đòi duyệt lại toàn bộ các sinh hoạt mục vụ ở tất cả mọi bình diện, nghĩa là phải thực hiện cuộc hoán cải từ trong tâm thức đến định hướng và phương pháp khi làm mục vụ. Từ kinh nghiệm của các nước đã có nhiều Kitô hữu bỏ đạo, nếu chúng ta không nhanh chóng thực hiện cuộc hoán cải mục vụ này, thì trong tương lai không xa, Hội Thánh tại Việt Nam cũng có thể rơi vào tình trạng băng giá của mùa đông đức tin như một số nơi trên thế giới.

Chương trình canh tân đời sống đức tin cần được lồng vào trong tổng thể của kế hoạch mục vụ mà Hội Đồng Giám Mục trình bày trong Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010: “Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống”. Thư Chung ấy là chương trình hành động của Hội Thánh tại Việt Nam trong nhiều năm. Dựa trên định hướng căn bản này, chúng tôi mời gọi anh chị em hãy cùng với chúng tôi thực hiện kế hoạch mục vụ kéo dài 3 năm (2014-2016):

– Năm 2014: Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình;

– Năm 2015: Phúc-Âm-hóa đời sống giáo xứ và các cộng đoàn;

– Năm 2016: Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội.

5. Trong năm 2014 sắp tới, chúng ta hãy cùng nhau Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình và thúc đẩy gia đình tham gia tích cực vào sứ vụ loan báo Tin Mừng. Hội Thánh được gọi là gia đình của Thiên Chúa và mỗi gia đình Kitô hữu được gọi là Hội Thánh tại gia. Việc canh tân Hội Thánh phải được bắt đầu từ mỗi gia đình, do đó, Hội Thánh đặc biệt quan tâm đến các gia đình. Cách cụ thể, mới đây Đức Thánh Cha Phanxicô đã loan báo triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục khóa ngoại lệ vào tháng 10 năm 2014 về “Những thách đố mục vụ đối với gia đình trong bối cảnh Phúc-Âm-hoá”. Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 cũng nhấn mạnh: “Trước cuộc khủng hoảng gia đình hiện nay, Hội Thánh nhận thấy cần phải tăng cường và canh tân mục vụ gia đình, phải xem mục vụ gia đình là hoạt động quan trọng, nối kết những kế hoạch và chương trình mục vụ của giáo xứ cũng như giáo phận”.[5]

6. Để thực hiện những mục tiêu trên, xin anh chị em hãy xây dựng gia đình mình thành một cộng đoàn cầu nguyện, sống tình yêu hợp nhất thủy chung, phục vụ sự sống và hăng say loan báo Tin Mừng.

– Gia đình là cộng đoàn cầu nguyện, thờ phượng Thiên Chúa, đền thờ tại gia. Hiệp thông trong kinh nguyện vừa là hoa trái vừa là đòi hỏi của sự hiệp thông bắt nguồn từ bí tích Rửa Tội và Hôn Phối. Chúa Giêsu hiện diện trong gia đình khi vợ chồng, cha mẹ, con cái cùng cầu nguyện, và khi đó, chính cuộc sống gia đình trở thành lời kinh sống động. Hoàn cảnh sống hiện nay gây nhiều khó khăn trở ngại cho việc gia đình cùng sum họp cầu nguyện. Tuy nhiên đây là đòi hỏi quan trọng trong đời sống gia đình công giáo. Vì thế, cùng với việc siêng năng tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận các bí tích, chúng tôi tha thiết xin anh chị em duy trì giờ kinh chung trong gia đình, và cố gắng đưa Lời Chúa vào giờ kinh này.

– Gia đình là cộng đoàn yêu thương bằng tình yêu hợp nhất thủy chung, xuất phát từ Thiên Chúa Tình Yêu. Mối tương quan giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái cũng như giữa anh chị em với nhau, phải là dấu chỉ sống động của Tình Yêu Thiên Chúa. Vì thế, các gia đình công giáo phải loại bỏ mọi thứ bạo hành, “hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau” (Cl  3,12-13).

– Gia đình là cộng đoàn phục vụ sự sống, được khơi nguồn từ chính Thiên Chúa Hằng Sống. Vợ chồng Kitô hữu yêu thương nhau bằng một tình yêu mở ra với sự sống, tôn trọng sự sống ngay từ lúc thụ thai, cộng tác với Thiên Chúa Tạo Hóa qua việc sinh con có trách nhiệm, giáo dục con cái nên người tốt và nên con cái Chúa. Gia đình phải là ngôi trường đầu tiên dạy các đức tính nhân bản và đức tin, là thành trì bảo vệ sự sống thể lý cũng như tinh thần của con cái trước sự tấn công của cái ác và cái xấu trong cuộc sống. Vì thế, các bậc cha mẹ phải ý thức trách nhiệm của mình là những nhà giáo dục đầu tiên và không thể thay thế, bằng chính gương sáng của mình.

– Gia đình là cộng đoàn tham gia vào sứ vụ Phúc-âm-hóa, bằng lời cầu nguyện cũng như bằng hành động cụ thể. Chính đời sống yêu thương hiệp nhất trong gia đình công giáo, ngay giữa những khó khăn và thử thách của cuộc đời, tự nó đã là lời chứng âm thầm nhưng có sức thuyết phục của Tin Mừng. Ngoài ra, theo truyền thống tốt đẹp, gia đình công giáo còn là nơi vun trồng ơn gọi linh mục và tu sĩ. Đồng thời, khi có thể, xin anh chị em hãy mạnh dạn chia sẻ và giới thiệu Đức Kitô cho người khác.

7. Để đồng hành với các gia đình trong sứ mệnh cao cả nói trên, chúng tôi đề nghị một số việc mục vụ sau:

Việc chuẩn bị cho giới trẻ bước vào đời sống hôn nhân và gia đình là đòi hỏi khẩn thiết hơn bao giờ hết. Các bạn trẻ cần ý thức và sống đời hôn nhân như một ơn gọi và sứ mệnh cao quý, được chọn lựa với ý thức, tự do và trách nhiệm. Đôi bạn Kitô hữu còn được mời gọi sống bí tích Hôn Phối như dấu chỉ hữu hình và hữu hiệu của tình yêu Đức Kitô dành cho Hội Thánh, một tình yêu phong nhiêu, duy nhất và bất khả phân ly. Để được như thế, cần có sự chuẩn bị xa, chuẩn bị gần, và chuẩn bị trực tiếp cho các bạn trẻ bước vào đời sống hôn nhân.

Trong bối cảnh có nhiều biến động về văn hóa-xã hội ngày nay, chúng tôi thiết nghĩ cần phải nhắc lại chân lý này: định chế gia đình đặt nền tảng trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ. Định chế này dựa trên bản tính con người, do chính Thiên Chúa thiết lập, hướng đến thiện ích của chính gia đình và xã hội; vì thế, mọi cá nhân và tập thể xã hội cần nhìn nhận và tôn trọng định chế này.

Đồng hành với các gia đình trẻ ngày nay là yêu cầu mục vụ quan trọng, để giúp họ sống tình yêu vợ chồng với tinh thần trách nhiệm, phục vụ sự sống, biết hòa hợp tình thương trong tổ ấm gia đình với trách nhiệm xây dựng Hội Thánh, xã hội và đất nước.

Với những anh chị em đang gặp khó khăn vì hôn nhân đổ vỡ và gia đình ly tán, một đàng chúng ta vẫn phải nêu cao lý tưởng đời sống hôn nhân công giáo, đàng khác phải đồng hành và nâng đỡ họ, thay vì bày tỏ thái độ lên án và loại trừ.

Hiện nay, có nhiều nhóm, hiệp hội, phong trào tu đức và tông đồ đang dấn thân chăm lo mục vụ gia đình theo những cách thế và mức độ khác nhau. Những phong trào này cần được các mục tử đồng hành và hướng dẫn, nâng đỡ và khích lệ, để họ góp phần cách cụ thể và hài hòa với chương trình mục vụ chung trong mỗi giáo xứ, giáo phận.

Các giáo phận nên quan tâm đến việc đào tạo giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân chuyên trách mục vụ gia đình. Những người này sẽ cộng tác với các giám mục giáo phận trong việc xây dựng và triển khai những chương trình mục vụ gia đình trong giáo phận cũng như giáo xứ. Chúng tôi cũng muốn gửi lời kêu gọi đặc biệt đến anh chị em văn nghệ sĩ và giới truyền thông công giáo. Ước mong anh chị em vận dụng tài năng Thiên Chúa ban, để tôn vinh vẻ đẹp đích thực của tình yêu hôn nhân và gia đình. Các linh mục tương lai cũng cần được chuẩn bị chu đáo hơn về mục vụ gia đình, để có thể đồng hành với các gia đình cách hữu hiệu.

 Anh chị em thân mến,

Trên đây, chúng tôi đã chia sẻ với anh chị em những thao thức mục vụ cũng như những đề nghị cụ thể, nhằm góp phần vào nỗ lực “Tân Phúc-Âm-hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo”. Ước mong những đề nghị này được anh chị em - cách riêng, các linh mục là những cộng tác viên gần gũi của hàng giám mục - đón nhận để cầu nguyện, suy nghĩ, khai triển và thực hiện ở nhiều cấp độ: gia đình, giáo xứ, giáo phận. Hướng về Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những tấm gương sáng ngời trong sứ mệnh Phúc-Âm-hóa, chúng ta hãy thân thưa với các ngài:

Lạy Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, là con thảo của Cha trên trời, là chứng nhân anh dũng của Đức Kitô, là thành phần trung kiên của Hội Thánh, xin giúp chúng con biết trân trọng di sản đức tin mà các ngài đã truyền lại cho chúng con bằng máu và nước mắt. Xin cho chúng con mạnh dạn sống đức tin trong gia đình cũng như xã hội, theo tấm gương xán lạn của Thánh Gia Thất, để chiếu tỏa ánh sáng đức tin khắp nơi nơi; nhờ đó chúng con có thể tích cực góp phần thi hành sứ mệnh truyền giáo, đem lại hoa quả dồi dào trên quê hương Việt Nam thân yêu.

Làm tại Trung Tâm Mục Vụ Sài Gòn, ngày 10 tháng 10 năm 2013
                    
   + Phêrô Nguyễn Văn Nhơn
     Tổng giám mục Hà Nội
     Chủ tịch HĐGM.VN

  + Cosma Hoàng Văn Đạt                    
     Giám mục Bắc Ninh                                
     Tổng thư ký HĐGM.VN                              

–––––––––––––––––––––––––––––––––––––––
1] Đức giáo hoàng Phanxicô, Lumen fidei, số 37.
[2] Nt., số 51.
[3] Sứ điệp FABC X.
[4] Đức Chân phước Gioan Phaolô II, Diễn văn tại Đại hội XIX của CELAM, Port-au-Prince.
[5] HĐGMVN, Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 43.

Hội đồng Giám mục Việt Nam