VUI HỌC THÁNH KINH
LỄ MÌNH MÁU CHÚA KITÔ
Tin Mừng thánh Máccô 14,12-16.22-26
I. TIN MỪNG
12 Ngày
thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua, các môn đệ
thưa với Đức Giê-su: "Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở
đâu? "13 Người sai hai môn đệ đi, và dặn họ: "Các anh đi vào thành,
và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó.14 Người
đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà: Thầy nhắn: "Cái phòng dành
cho tôi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ của tôi ở đâu?15 Và ông ấy sẽ chỉ cho các
anh một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng: và ở đó, các anh
hãy dọn tiệc cho chúng ta."16 Hai môn đệ ra đi. Vào đến thành, các ông
thấy mọi sự y như Người đã nói. Và các ông dọn tiệc Vượt Qua.
22 Cũng
đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho
các ông và nói: "Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy."23 Và Người
cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén
này.24 Người bảo các ông: "Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn
người.25 Thầy bảo thật anh em: chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho
nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa."
26 Hát
thánh vịnh xong, Đức Giê-su và các môn đệ ra núi Ô-liu.
12 On the first day of the Feast of Unleavened Bread, when they
sacrificed the Passover lamb, his
disciples said to him, "Where do you want us to go and prepare for you to
eat the Passover?"
13 He sent two of his disciples and said to them, "Go into
the city and a man will meet you, carrying a jar of water. Follow him.
14 Wherever he enters, say to the master of the house, 'The
Teacher says, "Where is my guest room where I may eat the Passover with my
disciples?"'15 Then he will show you a large upper room furnished and
ready. Make the preparations for us there."
16 The disciples then went off, entered the city, and found it
just as he had told them; and they prepared the Passover.
22 While they were eating, he took bread, said the blessing,
broke it, and gave it to them, and said, "Take it; this is my body."
23 Then he took a cup, gave thanks, and gave it to them, and they
all drank from it.
24 He said to them, "This is my blood of the covenant, which
will be shed for many.
25 Amen, I say to you, I shall not drink again the fruit of the
vine until the day when I drink it new in the kingdom of God ."
26 Then, after singing a hymn, they went out to the Mount of Olives .
I. HÌNH TÔ MÀU
* Chủ
đề của hình này là gì?
. . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
* Bạn
hãy viết lại câu Tin Mừng thánh Máccô 14,22b,23b
. . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
II. TRẮC NGHIỆM
01. Hát Thánh vịnh xong, Đức Giêsu
và các môn đệ đi dâu? (Mc 14,26)
a. Lên
thành Giêrusalem.
b. Ra
núi Ôliu.
c. Ra Hội
Đường.
d. Gặp
các ngoại kiều.
02. Đức Giêsu bảo các môn đệ: “Đây
là máu Thầy, … … … , đổ ra vì muôn người”. (Mc 14,24)
a. Máu
giao ước.
b. Máu
chiên vượt qua.
c. Máu
hiến tế.
d. Máu
hy sinh.
03. Ai cầm lấy bánh, dâng lời chúc
tụng, rồi bẻ ra và trao cho các môn đệ? (Mc 14,22)
a. Ông
Gioan Tẩy Giả
b. Vua
Đavít
d. Đức
Giêsu
d. Ông
Phêrô
04. Ngày thứ nhất trong tuần Bánh
Không Men, là ngày gì? (Mc 14,12)
a. Sát
tế chiên Vượt qua.
b.
Sa bát.
c.
Lễ Vượt Qua.
d.
Áp lễ Vượt Qua.
05. Ai sẽ đón gặp các môn đệ để chỉ cho các ông phòng mà Đức
Giêsu và các môn đệ sẽ ăn lễ Vượt qua? (Mc 14,13)
a.
Người mang vò nước.
b.
Người dẫn dắt lừa con.
c.
Người gác thành.
d.
Tớ nữ ông Philatô.
III. Ô CHỮ
Những gợi ý
01. Khi cầm lấy chén rượu, Đức
Giêsu bảo đây là gì? (Mc 14, 24)
02. Đức Giêsu cầm lấy gì dâng lời
chúc tụng rồi bẻ ra trao cho các môn đệ? (Mc 14,22)
03. Đức Giêsu bảo các môn đệ: “Đây
là máu Thầy, … … … , đổ ra vì muôn người”. (Mc 14,24)
04. Rượu Đức Giêsu và các môn đệ
dùng là sản phẩm của cây gì? (Mc 14,39)
05. Đức Giêsu bảo : Chẳng bao giờ
Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới
trong đâu? (Mc 14,25)
06. Đức Giêsu và các môn đệ chuẩn
bị ăn lễ gì? (Mc 14,12)
07. Đức Giêsu sai bao nhiêu môn đệ
vào thành tìm phòng dọn lễ Vượt qua? (Mc 14,13)
08. Ai đã sai các môn đệ đi tìm
phòng dọn lễ Vượt Qua? (Mc 14,12)
Hàng dọc : Chủ đề của ô chữ này là gì?
IV. CÂU
THÁNH KINH HỌC THUỘC LÒNG
"Đây
là máu Thầy,
máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người.
Tin Mừng thánh Máccô 14,24
Lời giải đáp
VUI HỌC THÁNH KINH
LỄ MÌNH MÁU CHÚA KITÔ
Tin Mừng thánh Máccô 14,12-16.22-26
I. HÌNH TÔ MÀU
* Chủ
đề :
Chúa
Giêsu lập Bí tích Thánh Thể
* Bạn
hãy viết lại câu Tin Mừng thánh Máccô 14,22b,23b
"Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy."
"Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người”.
II. Lời giải đáp TRẮC NGHIỆM
01.
b. Ra núi Ôliu (Mc 14,26)
02.
a. Máu giao ước (Mc 14,24)
03.
d. Đức Giêsu (Mc 14,22)
04.
a. Sát tế chiên Vượt qua (Mc 14,12)
05.
a. Người mang vò nước (Mc 14,13)
III. Lời giải đáp Ô CHỮ
01.
Máu Thầy (Mc 14, 24)
02.
Bánh (Mc 14,22)
03.
Máu giao ước (Mc 14,24)
04.
Cây nho (Mc 14,39)
05.
Nước Thiên Chúa (Mc 14,25)
06.
Vượt Qua (Mc 14,12)
07.
Hai (Mc 14,13)
08.
Đức Giêsu (Mc 14,12)
Hàng dọc : Thánh Thể
GB. NGUYỄN THÁI HÙNG
“Này là Máu Ta”
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt.
Máu cần thiết cho sự sống. Thiếu máu nhiều
bệnh nhân sẽ khó sống. Hiến máu đã cứu được nhiều người thoát chết. Hiến máu là
tặng ban sự sống. Đó là hình ảnh cuộc hiến mình của Đức Kitô trên thập giá.
Trong bữa tiệc ly, Đức Kitô cho biết Người sẽ đổ máu ra để cứu thế giới khi
Người cầm chén rượu và nói: “Tất cả các con hãy cầm lấy mà uống. Này là chén
Máu Thầy, Máu giao ước mới, sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội”.
Máu để cứu sống, máu để thiết lập giao ước, máu để tha tội, tất cả những ý
nghĩa này đã được tiên báo trong Cựu ước.
Máu để cứu sống được diễn tả bằng hình ảnh
con Chiên Vượt Qua. Để cứu dân Do Thái ra khỏi ách nô lệ Ai Cập, Chúa truyền
cho người Do Thái giết một con chiên còn trong sạch, lấy máu bôi lên cửa. Đêm
hôm ấy, thiên thần Chúa đến trừng phạt người Ai Cập, nhà nào có máu chiên bôi
trên cửa sẽ được cứu thoát. Để tưởng niệm việc được cứu sống và được giải thoát
khỏi ách nô lệ Ai Cập, từ đó, hằng năm vào đúng ngày ấy, người Do Thái vẫn giữ
tập tục giết chiên mừng lễ. Lễ đó gọi là lễ Vượt Qua. Con chiên bị giết gọi là
con chiên Vượt qua. Khi hiến mình đúng vào dịp lễ Vượt Qua, Đức Giêsu trở thành
Chiên Vượt Qua mới. Máu Người đổ ra cứu linh hồn ta khỏi nô lệ tội lỗi và khỏi
chết. Các thánh Giáo phụ cắt nghĩa rằng: Miệng ta là cửa linh hồn. Người rước
Mình Máu Thánh Chúa vào miệng cũng như bôi máu chiên lên cửa nhà, sẽ được cứu
sống và được giải thoát khỏi nô lệ tội lỗi.
Máu giao ước được diễn tả qua nghi lễ ông
Môsê cử hành dưới chân núi Sinai. Bài đọc thứ nhất hôm nay thuật lại: “Ông Môsê
sai các thanh niên trong dân Israel tiến dâng những lễ toàn thiêu, và ngả bò tơ
làm lễ hiệp thông tế Chúa. Ông lấy một nửa phần máu, đổ vào những cái chậu, còn
nửa kia thì rảy lên bàn thờ. Ông lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe. Họ
thưa: Tất cả những gì Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và sẽ tuân theo. Bấy
giờ, ông Môsê lấy máu rảy trên dân và nói: Đây là máu giao ước Chúa đã lập với
anh em”. Đó là giao ước cũ hay là Cựu ước.
Tại Việt Nam cũng như tại các nước Á Đông
có tục “uống máu ăn thề”. Khi muốn giao kết với nhau, mỗi người lấy một chút
máu của mình hòa chung vào một chén rượu. Sau đó mọi người chia nhau cạn chén.
Việc uống máu ăn thề nói lên sự đồng tâm nhất trí. Những người cùng uống chung
chén rượu pha máu trở nên ruột thịt với nhau, cùng sống cùng chết với nhau. Đức
Giêsu đổ máu ra để lập một giao ước mới giữa loài người với Thiên Chúa. Máu Đức
Giêsu giao hòa con người với Thiên Chúa và con người với nhau. Máu giao ước đó
làm cho con người trở thành con cái ruột thịt của Thiên Chúa và trở nên anh em
ruột thịt với nhau. Đó là máu giao ước.
Máu để tha tội được dùng nhiều trong Cựu
ước. Khi dâng lễ đền tội, người ta cũng xả thịt một con vật dâng cho Thiên
Chúa. Thày cả lấy máu con vật vảy lên tội nhân để ban ơn tha tội. Khi ta rước
Mình Máu Thánh Chúa, ta cũng được tha tội vì Máu Chúa không vảy lên thân xác,
nhưng vảy vào linh hồn ta.
Những ý nghĩa mà máu súc vật trong Cựu ước
tượng trưng nay được hoàn thành viên mãn trong Máu Đức Kitô.
Nhân loại đang rên xiết trong ách nô lệ đã
được Người giải thoát. Nhân loại đang xa lìa Thiên Chúa và bất hòa với nhau đã
được Người giao hòa thành một gia đình thương yêu thuận hòa, sống chết có nhau.
Nhân loại đang sống trong tội lỗi được Máu Người tẩy sạch mọi vết nhơ.
Chúng ta được ân phúc dường ấy là nhờ Người
đã tự hiến mạng sống vì ta. Dòng Máu Người đổ ra đến đâu đem lại sự sống đến
đấy. Dòng Máu Người lan tới đâu thì ban ơn tha tội đến đấy.
Mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa, ta hãy cảm tạ
tình yêu vô biên của Người đã hiến mình, đổ máu để cứu chuộc ta.
Mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa, ta hãy đáp lại
tình yêu của Người bằng cách siêng năng đến lãnh nhận và siêng năng đến thờ lạy
Đức Giêsu ngự trong phép Thánh Thể.
Mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa, ta hãy noi
gương Người, biết quên mình, hiến thân phục vụ đồng loại.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Bạn có tham dự Thánh lễ và chịu lễ sốt
sắng không?
2) Mỗi khi chịu lễ, bạn có cảm nghiệm được
Đức Giêsu ngự trong bạn không?
3) Yêu mến Chúa trong phép Thánh Thể, bạn
có muốn nên giống Người, biết hiến thân phục vụ đồng loại không?
4) Trong Kinh Thánh, máu có những ý nghĩa
nào?
Đây là đất thánh
Arthur Tone
Một linh mục Mỹ, cha
Frank Ramsberger đi viếng đất thánh. Cha muốn khảo cứu, đặc biệt những nơi Chúa
Giêsu đã sống, đã làm việc, đã chịu nạn, chết và sống lại từ cõi chết. Cha làm
thân với một cậu trai tên Yosef, người có bộ mặt nâu của một người chăn cừu
Ả-rập. Cậu bé giúp lễ cho cha, dạy cha một vài từ ngữ Ả-rập khó.
Khi vị linh mục sắp
sửa từ biệt để đến một vùng khác của đất thánh, ngài nói với Yosef: “Có ít con
trai và con gái được đặc ân sống trên mảnh đất Đức Giêsu đã sống. Con biết rằng
Con Thiên Chúa đã sống như một cậu con trai, một người đàn ông, đã đi đứng trên
những con đường này và đã thở bầu không khí này. Cái đó không giúp con yêu
Người hơn sao?
Yosef trả lời một câu
đầy ý nghĩa: “Cha chẳng cần phải sống ở đây để yêu Chúa, vì bây giờ Chúa ở khắp
nơi trên thế giới. Ngày nay mỗi một nơi đều là đất thánh. Bất cứ nơi nào chúng
ta ở, chúng ta ở trên đất của Chúa Giêsu.
Có bao giờ bạn nghĩ
như vậy không? Pilsen (thay thế bằng tên họ đạo của cha) là một phần đất thánh.
Đức Giêsu ở ngay đây, ngay lúc này.
Đây là ý tưởng về
ngày lễ Mình Thánh Chúa. Thân thể Đức Kitô. Chúng ta nhắc lại thứ năm tuần
thánh. Lúc đầu tiên Người nói những lời này: “Đây là Mình Ta… đây là Máu Ta”.
Hôm nay chúng ta mừng lễ, về việc những lời trên được lặp lại trên khắp thế
giới mỗi ngày, về việc Đức Giêsu hiện diện trên mọi bàn thờ khắp thế giới. Đức
Kitô ở nơi đây. Đây là đất thánh Pilsen (tên họ đạo thành phố) là đất thánh.
Đây là Betlehem. Đức
Giêsu sinh ra tại đây trong mỗi Thánh Lễ. Đây là Nazareth. Đức Giêsu lớn lên ở
đây trong đời sống chúng ta. Chúa Giêsu làm phép lạ ở đây, phép lạ thiêng
liêng: Người chữa chúng ta khỏi phong cùi tội lỗi. Người chừa những người què
thiêng liêng để họ có thể bước đi trên đường lối của Người. Người mở mắt cho
những ai không thấy được những sự thiêng liêng. Đức Giêsu tha thứ tội lỗi tại
nơi đây trong tòa cáo giải.
Quan trọng nhất, ngôi
Thánh đường này là “Căn phòng rộng trên lầu” trong Tin Mừng hôm nay, ở đó Đức
Giêsu đã nói lời truyền phép đầu tiên. Không có nơi nào Thánh hơn nơi này.
Đây cũng là Cana, Đức
Giêsu tham dự đám cưới trong nhà thờ này. Người dự đám tang nơi quê hương
Người. Người ở ngay đây, khi chúng ta an táng một người thân yêu. Đây là Đền
Thờ Giêrusalem. Đức Giêsu giảng dạy ở đây qua vị linh mục của Người, qua các
thầy cô giáo lý, qua cha mẹ của các con em. Chúa Giêsu hiện diện trong làng,
trong nhà thờ, ngoài phố, ngoài cánh đồng, trên bờ hồ, trên đỉnh đồi, và ngôi
nhà ở đất thánh. Người cũng hiện diện trong nhà của chúng ta.
Hôm nay là ngày của
Chúa Cha, trên đất thánh Đức Kitô tôn kính Cha trên trời của Người. Trong
phương cách giới hạn của chúng ta, chúng ta hãy tôn kính Cha mình. Bạn hãy nói
với cha bạn như Đức Giêsu thường nói với Cha Người rằng: Bạn yêu Người, bạn quý
mến những gì Cha bạn làm cho bạn.
Vâng, bạn và tôi thực
sự đang sống trên đất thánh, vì Thiên Chúa làm người sống tại nơi đây ở giữa
chúng ta: Mình Thánh Chúa Kitô ở với chúng ta.
Xin Chúa chúc lành
bạn.
Đây là Mình Thầy, đây là Máu Thầy
Noel Quesson
Năm 1263, một linh
mục người Đức cử hành Thánh Lễ ở nhà thờ kính Thánh Christiana. Lúc bẻ bánh,
đột nhiên, linh mục thấy Mình Thánh không còn là hình bánh, mà đã biến thành
Thịt và Máu thực. Những giọt máu loang ra thấm ướt tấm khăn Thánh trên bàn thờ.
Linh mục vội gấp khăn lại, nhưng gấp tới đâu, máu thấm ra tới đó, máu thấm qua
25 lần vải. Vị linh mục vừa cảm động vừa sợ hãi đến mức không tiếp tục Thánh Lễ
được.
Ngài tới yết kiến Đức
Giáo Hoàng Urbanô và kể lại sự kiện ấy. Đức Giáo Hoàng sai một Giám Mục đến
rước Mình Thánh cùng tấm khăn đẫm máu về Tòa Thánh đặt ở nhà thờ chánh tòa cho
giáo dân thờ kính. Năm sau, (1264) vào ngày mồng 8 tháng 9, Người ra sắc dụ lập
lễ kính Thánh Thể trong toàn Giáo Hội như chúng ta mừng kính hôm nay.
Đã có nhiều phép lạ
về Thánh Thể. Chắc Chúa Giêsu muốn củng cố niềm tin của chúng ta vào bí tích
này, cho chúng ta hiểu rõ ý định của Người khi lập phép Thánh Thể, đó thực là
của nuôi linh hồn chúng ta, cần thiết cho linh hồn cũng như đồ ăn cần cho thân
xác. Đó thực là Thịt và Máu của Chúa, dù mắt thường không nhận rõ thực tại này.
Trong Thánh Lễ, linh
mục làm những cử chỉ Chúa đã làm trong bữa Tiệc ly, cũng đọc những lời Chúa đã
đọc: “Các con làm việc này để nhớ đến Thầy”. Làm việc này là việc gì? Là cầm
lấy bánh, đọc lời chúc tụng bẻ ra và phân phát cho mọi người.
Bí tích Thánh Thể là
trung tâm đời sống Kitô hữu. Trước hết vì ở đây cử hành mầu nhiệm Cứu độ. Chúa
Giêsu đã chết để cứu chuộc nhân loại. Người chết vì yêu thương chúng ta. Ngoài
việc chết một lần trong lịch sử, Chúa còn dùng Thịt và Máu nuôi dưỡng ta, để
biểu lộ Tình yêu của Chúa, để ta thông hiệp với sự sống vô biên của Chúa, của
một vị Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta cho đến muôn đời. Những thực tại này
được thể hiện trong bí tích Thánh Thể, trong Thánh Lễ. Sống cuộc sống thế trần
chúng ta cốt đem sự sống tới cho loài người và bí tích Thánh Thể chính là suối
nguồn sự sống. Chúng ta cần năng tiếp xúc với nguồn sống đó, chúng ta mới có sự
sống để có thể chuyển thông sự sống ấy cho người khác.
Trong Thánh Lễ, chúng
ta được đón nhận Lời Chúa và tiếp nhận Mình Chúa vào tâm hồn. Lời Chúa đã thành
cụ thể đi vào tâm hồn ta khi ta tiếp nhận Mình Chúa. Chúa đã hiến mạng sống cho
mọi người và trao ban chính mình cho chúng ta như là bánh sự sống, vì lẽ đó,
tiệc Thánh Thể là nhiệm tích Mình và Máu Đức Kitô, nhiệm tích của sự hiện diện
đích thực của Đức Kitô. Chính Thánh Linh đã làm cho Đức Kitô thực sự có mặt và
hiến ban trong Bánh và Rượu (Conseil oecuménique năm 1974).
Tiệc Thánh Thể còn là
cuộc họp mặt của các tín hữu. Muốn được Ơn Chúa, chúng ta phải hiệp nhất với
nhau. Thánh Thể là dấu hiệu hiệp nhất rõ ràng và vững chắc: chỉ có một tấm
bánh, một chén rượu chia ra cho mọi người. Trong chúng ta đều lưu hành một của
ăn và một thức uống, đều có chung một nguồn sống. Từ Thánh Lễ đi ra, chúng ta ý
thức mình là một phần chi thể, là Thịt Máu Đức Kitô, chúng ta mang Đức Kitô
trong mình. Trong khi đó, người anh chị em bên cạnh ta cũng là phần chi thể Máu
Thịt Đức Kitô như ta. Còn gì gần gũi hơn và thân thiết hơn thế.
Lạy Chúa, nhờ bí tích
Thánh Thể, chúng con được hòa nhập vào sự sống Thánh thiện của Chúa. Nhờ hiến
lễ Tạ Ơn, chúng con cũng được tôn vinh Thiên Chúa; nhờ Tiệc Thánh, chúng con
được hiệp nhất với nhau trong Ngài. Chúng con xin cảm tạ Ngài.
Tặng phẩm thần linh
(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn
Hữu An)
Phúc Âm kể lại: Đang
khi ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra trao cho các môn đệ và
nói: Này là Mình Thầy, các con hãy cầm lấy mà ăn. Rồi Người cầm lấy chén rượu
và nói: Này là Máu Thầy, các con hãy cầm lấy mà uống. (Mt 26,26-29; Lc,
22,14-20). Chúa đã lập Bí Tích Thánh Thể và Chúa dặn dò các môn đệ: Các con hãy
làm việc này mà nhớ đến Thầy. Tiệc Thánh Thể này được chính Chúa Giêsu tiên báo
trong tiệc cưới Cana, được hứa ban cho dân ở Caphanaum, được thiết lập trong
Tiệc Ly và đã được chính Chúa cử hành đầu tiên tại làng quê Emmau. Bốn khung
cảnh này hòa quyện đan kết với nhau thật tuyệt đẹp trong ngày lễ Mình Máu Thánh
Chúa Kitô.
Thánh Thể là sự sống của Giáo Hội, là lương thực thiêng liêng cho đời sống và là bảo đảm cho hạnh phúc trường cửu của người tín hữu chúng ta.
Thánh Thể là mối hiệp nhất giữa Thiên Chúa với con người, và
giữa con người với nhau.
Thánh Thể chính là Tặng Phẩm Thần Linh mà Thiên Chúa trao cho nhân loại.
Lịch sử cứu độ là
lịch sử hồng ân và là lịch sử tình yêu tự hiến của Thiên Chúa. Cao điểm của
lịch sử này là Thập Giá Đức Kitô.Thập Giá là tột đỉnh hy sinh của Thiên Chúa.
Thập Giá biểu lộ tình yêu điên rồ của Thiên Chúa. Thập Giá cũng là tột đỉnh hy
sinh của Đức Kitô, Đấng đã hạ mình vâng phục Chúa Cha cho đến chết và chết trên
Thập Giá. Thập giá là cao điểm tình yêu tự hiến của Chúa Kitô.
Tình yêu sâu thẳm và
khôn dò của Thiên Chúa biểu lộ nơi Thập Giá Đức Kitô là tình yêu vượt thời
gian. Tình yêu tự hiến của Đức Kitô biểu lộ bằng cái chết cũng vượt thời gian.
Chúa Kitô chỉ tự hiến một lần, tự hiến trọn vẹn thay cho mọi lần.Chúa đã biểu
lộ điều này trong bữa Tiệc Ly. Từ đó, Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch của đời
sống Giáo Hội, là trọng tâm và là tột đỉnh của sinh hoạt Giáo Hội. Thánh Thể
làm nên Giáo Hội.Không có Thánh Thể thì không có Giáo Hội. Giáo hội là thân
mình gồm nhiều người ăn cùng một bánh là thân mình Đức Kitô (1Cor 10,17).
Giáo hội luôn định
tín rằng: dù chỉ một miếng bánh nhỏ, khi đã được Truyền Phép, vẫn chứa đựng cả
thân xác, linh hồn và thần tính của Đức Kitô.Chúng ta có Đức Kitô nguyên vẹn và
cụ thể. Chính Chúa Thánh Thần Kitô- hóa bánh rượu, làm cho bánh rượu trở nên
Mình và Máu Chúa Kitô. Khi Linh mục, thừa tác viên của Giáo hội, thay mặt Chúa
Kitô đọc Lời Truyền Phép. Lời Truyền Phép mà Linh mục đọc không phải là một câu
thần chú có một ma lực biến bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô, giống như
Linh mục có quyền trên Chúa Kitô, khiến Chúa đến thì Ngài phải đến. Lời Truyền
Phép chính là Lời Chúa Kitô, Lời mà Chúa Kitô muốn nói qua môi miệng của Linh
mục. Chúa Kitô đã chọn một số người để họ lập lại y nguyên Lời Truyền Phép của
Ngài. Chính Chúa Thánh Thần lấp đầy “khoảng cách” giữa Linh mục và Đức Kitô,
khiến Lời Truyền Phép trở nên “công hiệu”, làm cho nội dung của Lời trở thành
hiện thực. Sau Truyền Phép bánh không còn là bánh mà là Mình Thánh Chúa, rượu
không còn là rượu mà là Máu Thánh Chúa.Đã có một sự thay đổi, sự thay đổi ấy là
thay đổi bản thể hay “biến thể”. Đây là công việc của Chúa Thánh Thần, chứ
không phải là công việc của người phàm, dù người ấy là Linh mục. Vì ý thức điều
đó, Giáo hội thiết tha khẩn cầu trước lúc Linh mục Truyền Phép:
“Chúng con nài xin
Cha đổ ơn Thánh Thần xuống mà thánh hóa của lễ này, để biến thành Mình và Máu
của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con” (Kinh Nguyện Thánh Thể II).
“Lạy Cha, chúng con
tha thiết nài xin Cha, cũng nhờ Chúa Thánh Thần, mà thánh hóa của lễ chúng con
dâng hiến Cha đây, để trở nên Mình và Máu Đức Giêsu Kitô, con Cha, Chúa chúng
con” (Kinh Nguyện Thánh Thể III).
“Lạy Cha, xin
cho Chúa Thánh Thần đoái thương thánh hóa những của lễ này, để biến thành Mình
và Máu Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con” (Kinh Nguyện Thánh Thể IV).
Chúa Thánh Thần làm
cho Chúa Kitô hiện diện thực sự giữa chúng ta, trong hình bánh và rượu. Điều đó
không có nghĩa là Đức Kitô không hiện diện thực sự bằng những cách khác, như
hiện diện qua lời Kinh Thánh, hiện diện trong Giáo hội, hiện diện nơi những
người nghèo khổ, hiện diện giữa hai hoặc ba người họp nhau cầu nguyện (Mt 18,
20). Tất cả những cách hiện diện đó đều là hiện diện thực. Có điều khác là: Đức
Kitô không đồng hóa với lời Kinh thánh, Lời Kinh thánh được đọc lên không là
bản thân Đức Kitô; Đức Kitô cũng không đồng hóa với người nghèo,vì người nghèo
không là bản thân Đức Kitô, dù Ngài đã nói: “Ta đói các ngươi cho ăn, Ta khát
các ngươi cho uống …” (Mt 25, 35-36). Trái lại nơi Bí Tích Thánh Thể, sau Lời
Truyền Phép, bánh và rượu là Đức Kitô, là bản thân Ngài, là bản thể Ngài, là
Mình và Máu Ngài.Trong Bí Tích Thánh Thể, sự hiện diện của Đức Kitô có một
chiều sâu hữu thể mà không nơi nào có. Sự hiện diện đích thực và đặc biệt này
của Đức Kitô là kết quả của một sự thay đổi mà tác động thay đổi chính là công
việc của Chúa Thánh Thần làm khi Linh mục đọc Lời Truyền Phép.
Bí Tích Thánh Thể là
sáng kiến của tình yêu. Tình yêu luôn có những sáng kiến bất ngờ và kỳ diệu.
Thiên Chúa đã yêu thế gian nổi ban chính Con Một … (Ga 3,16) và Con Một là Đức
Giêsu đã yêu cho đến cùng, đã lập Bí tích Thánh Thể để ở với con người luôn
mãi.
Bông lúa và trái nho
là những sản phẩm thông thường và cần thiết nhất mà ruộng đất cống hiến cho con
người. Bánh và rượu có thể tầm thường, nhưng laị là những gì gần gũi và cần
thiết nhất cho cuộc sống con người hàng ngày. Chúa Giêsu đã muốn trở nên những
gì cần thiết và gần gũi đó. Người muốn bánh và rượu trở nên thịt máu của Người.
Từ bông lúa bị nghiền nát, từ chùm nho bị ép, nghĩa là từ cuộc khổ nạn và cái
chết trên Thập Giá, Đức Giêsu đã trở thành tấm bánh, thành ly rượu đem lại sự
sống đời đời cho nhân loại. Vật chất đã trở thành biểu tượng cho sự hiện diện
thần linh.
Mình và Máu Chúa Kitô
là hồng ân vô giá, chúng ta đón nhận để có sự sống thần linh của Chúa. Tham dự
Thánh Lễ tích cực, trọn vẹn là cách tốt nhất thể hiện lòng yêu mến Chúa. Thỉnh
thoảng trong ngày, trong tuần, chúng ta nên quỳ gối trước Thánh Thể, chúng ta
có thể học được nhiều điều từ Bí Tích Tình Yêu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét