Trang

Thứ Ba, 26 tháng 5, 2015

Giải đáp thắc mắc Cựu Ước - Ông Môsê là tác giả của Torah (Luật, Ngũ Thư) ?

Giải đáp thắc mắc Cựu Ước - Ông Môsê là tác giả của Torah (Luật, Ngũ Thư) ?


Giải đáp thắc mắc Cựu Ước của Lm Roland E. Murphy, O. Carm. (Dòng Cát Minh)
Hỏi: Ông Môsê là tác giả của Torah (Luật, Ngũ Thư) phải không?
Đáp: Câu trả lời ngắn nhất và đúng nhất là KHÔNG, nhưng cần có sự giải thích nhiều hơn. Nếu ông Môsê không viết Torah, thì ai viết? Làm sao công trình này hiện hữu được? Điều gì cần nói về Môsê là tác giả của Ngũ Thư? Trong nhiều thế kỷ, người ta chấp nhận rằng ông Môsê đã viết năm cuốn đầu của Cựu Ước, nhưng đến thời Trung Cổ người ta thắc mắc rằng làm thế nào ông Môsê có thể viết về cái chết của mình (Đnl 34). Ngày nay nhiều người cho rằng ông Môsê là tác giả của bộ Ngũ thư. Tuy nhiên, có nhiều vấn nạn nghiêm túc cho quan điểm này. Một trong các dấu hiệu đầu tiên, vốn xuất hiện trong việc nghiên cứu cẩn thận bộ Ngũ Thư là sự nhìn nhận nhiều tên gọi khác nhau cho Thượng Đế. Do đó, một số phần sách thích dùng danh từ thánh thiêng yhwh, và một số phần sách khác lại thích danh từ elohim để gọi Đức Chúa. Sự khác biệt là sâu sắc hơn một biến thái thuần túy trong việc sử dụng các danh từ này. Cùng với một biến thái, là có một phong cách viết và quan điểm, lối diễn tả đặc biệt cho mỗi danh từ, do đó có các phần sách được gọi là nguồn tài liệu Gia-vít (Yahwist) và các phần sách khác được gọi là nguồn tài liệu Ê-lô-hít (Elohist). Hai nguồn này được tượng trưng bằng chữ J (trong tiếng Đức,Y viết là J) và chữ E. Việc nghiên cứu thêm dẫn đến việc nhìn nhận một nguồn tài liệu tư tế (gọi là P), và cũng có nguồn tài liệu Đệ Nhị Luật (D) nữa. Quan điểm về việc phân chia bộ Ngũ Thư trở nên bình thường trong hơn hai thế kỷ, và được liên kết với một trong các người đề nghị chính yếu, Julius Wellhausen (+ 1919).
Nhiều biến thái đã được triển khai, vừa về niên đại (chẳng hạn Đavít/Xalômôn cho J) và vừa về bản chất của bốn nguồn tài liệu: Chúng là các tài liệu viết chăng, hay là phần phụ thêm cho một nguồn đã có? Ngày nay có một xu hướng muốn loại trừ truyền thống E, và cũng muốn trì hoãn việc viết hình thức cuối cùng của Ngũ Thư cho thời kỳ hậu lựu đày. Các quan điểm khác nhau này nêu ra tính cách giả thiết của bất cứ hình ảnh rõ ràng nào của việc hình thành bộ Ngũ Thư. Điều chắc chắn là có sự triển khai qua nhiều thế kỷ, nhưng chi tiết về thời điểm và về sự soạn thảo là khó được khẳng định. Các độc giả sẽ thấy đây là điểm lợi để nhìn nhận sự hợp lệ tổng quát của sự phân biệt các nguồn tài liệu. Điều này giúp cho họ hiểu sự xuất hiện hai lần (“song song”) của một sự kiện, chẳng hạn sự gây nguy hiểm của bà Xara (St 12, 10-31; 20, 1-18; xem 26, 6-11). Cũng cần lưu ý rằng các độc giả sẽ bị đánh động bởi các sự nhấn mạnh khác nhau trong một sự kiện; ưu thế của nguồn P cho các gia phả và vấn đề thờ tự; ngôn ngữ và quan điểm nhiệt thành là ưu thế của nguồn D…Một sự giải thích chi tiết nhưng rõ ràng của các lập luận nhằm ủng hộ cho bốn nguồn tài liệu được nêu ra bởi R. E. Friedman trong ADB VI, trang 605-622. Một sự phân tích cẩn thận về sự hình thành của Ngũ Thư là thật hữu ích. Nó làm cho việc đọc các sách này trở nên thích thú. Ngay cả việc đọc lướt nhanh bộ Ngũ Thư cũng cho thấy nhiều hình thức văn chương khác nhau: thơ cổ, lời nguyện và hành vi phụng vụ, chuyện gia đình, bài ca chiến thắng, và nhiều bộ luật xem ra khá khác nhau (luật là co giãn tự nhiên theo các điều kiện thay đổi). Phải công bằng để kết luận từ đó rằng các truyền thống truyền khẩu và viết ra trong bộ Ngũ Thư là đến từ nhiều người và nhiều nơi chốn. Nhiều bản dịch được cung cấp với nhiều ghi chú, vốn giúp đỡ người đọc nhờ việc gợi ra bản chất của các nguồn (chẳng hạn, các ghi chú choNRSV trong The New Oxford Annotated Bible).
Từ những gì đã nói trên đây, rõ ràng là bất cứ câu trả lời nào cho “ai là tác giả” của bộ Ngũ Thư là một câu khó và phức tạp, và có nhiều hơn một giả thuyết được đưa ra để giải thích cho hình thức hiện nay của Ngũ Thư. Người ta có thể nêu câu hỏi khác: Sự phân tích này có lợi ích thật sự không? Tại sao không xem bộ Ngũ Thư như một tổng thể? Dẫu sao, không hề có một nguồn J mà tự nó được xem là Kinh Thánh. Lời này cũng đúng cho các phần còn lại của bộ sách. Chính hình thức sau cùng của Torah mới là quan trọng, và được chấp nhận như là Kinh Thánh cho cả người Do Thái giáo và người Kitô giáo. Sự tiếp cận toàn diện này cho Torah đã được nhấn mạnh bởi việc nghiên cứu của Brevard Childs (The Interpretaion of the Old Testament as Scripture [Minneapolis; Fortress, 1979]. Đây là một sự nhắc nhở hữu ích rằng sự cắt nhỏ Torah thường chỉ nhắm tới các khối giả thiết cho công trình cuối cùng. Chính một sự thận trọng khôn khéo chống lại các cực đoan đã đạt được trong sự phân tích Ngũ Thư. Đồng thời, có một giá trị trong việc nhìn nhận các quan điểm phân biệt hoặc các “thần học” khác nhau trong toàn công trình; chúng không hề bị nuốt chửng trong hình thức sau cùng của Torah, và xứng đáng được xem xét đúng mức. 
Hỏi: Nếu Torah có nghĩa là Huấn thị hoặc Luật, làm sao nó có thể áp dụng cho các cuốn sách, vốn chứa quá nhiều truyền thống lịch sử của Israel?
Đáp: Chúng ta đã thấy rằng danh từ Torah dùng làm nhan đề cho năm cuốn đầu của Cựu Ước chỉ đơn thuần là một sự kiện lịch sử. Chúng ta chỉ có thể dự đoán cho các lý do, vốn dẫn đến việc chọn danh từ này. Một lý do rõ ràng là rằng các phần Luật của Torah kéo dài  từ Xh 25-40 qua cuốn Lê-vi (Lv) đến cuốn Dân số (Ds) 10. Ngoài ra còn có Bộ luật Đệ nhị luật trong sách Đệ nhị luật (Đnl) 12-26. Xét về quan điểm nội dung, phần luật dồi dào có thể biện minh cho danh từ Torah. Thứ đến, chúng ta có thể nêu ra sự sắp xếp của Torah: dòng kể chuyện dường như là không quan trọng cho bằng việc nói đến vai trò của ông Môsê như là người trung gian và nhà lập pháp. Đàng khác, có nhiều sự liên kết thần học quan trọng giữa các phần pháp lý và phần không pháp lý. Chẳng hạn, hai lý do được đưa ra cho việc giữ ngày sa-bát, “Ðức Chúa đã chúc phúc cho ngày sa-bát và coi đó là ngày thánh” (Xh 20, 8-11). Không ai được lao động trong ngày sa-bát. Tuy nhiên, thật là đặc biệt trong Đnl 5, 14-16, lời nói rõ hơn: “Còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi, cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, bò lừa và mọi gia súc của ngươi, và ngoại kiều ở trong thành của ngươi, để tôi tớ nam nữ của ngươi được nghỉ như ngươi. Ngươi hãy nhớ ngươi đã làm nô lệ tại đất Ai-cập, và Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ngươi ra khỏi đó. Bởi vậy, Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi cử hành ngày sa-bát”.
Hỏi: Liệu Torah là quan trọng hơn “các sách Ngôn sứ”, “các sách Giáo Huấn và Lịch sử”, vốn tạo nên phần còn lại của Kinh Thánh Do Thái giáo không?
Đáp: Như đã nói trong phần trả lời câu hỏi “Chữ Torah có nghĩa là gì?”, qui điển Kinh thánh của Do thái giáo có ba phần, và chữ tắt của Kinh Thánh lấy mẫu tự đầu (tiếng Do Thái cổ) của ba phần  (T, N, K) để tạo nên chữ Tanakh (cũng là Tenach và các biến thái khác). Từ quan điểm lịch sử, dường như Torah đã đầy đủ trước khi có phần Ngôn sứ, và rằng phần “Giáo huấn và Lịch sử” vẫn còn là để ngỏ trong thời kỳ giữa Cựu và Tân Ước (chẳng hạn việc đưa sách Đanien (Dn) vào bộ Kinh Thánh là sau năm 165 trước Công nguyên).
Torah là quan trọng hơn, trong ý nghĩa nó là nền tảng hơn cho dân Do Thái so với các phần khác của Kinh Thánh. Điều này là hiển nhiên từ các tuyên bố và tác phẩm của người Do thái ngày nay, cũng như từ vai trò của Torah trong lịch sử. Thật có ý nghĩa để nhận xét rằng có một Torah truyền khẩu đi kèm với Torah Kinh thánh, nhưng không có truyền thống truyền khẩu đi kèm với Phần Ngôn sứ và Phần Giáo huấn và Lịch sử. Tuy nhiên, các phần này cũng là quan trọng, và Kinh thánh không thể thiếu chúng, nhưng mức độ quan trọng của chúng là không ở cùng bình diện với Torah. Đó là điều mà tôi có thể gọi là tính cách nền tảng của “sách Luật của Môsê”, tức Torah, vốn làm cho sách Luật này trở thành trung tâm của căn tính Do Thái giáo. Điều quan trọng này đã được khẳng định sớm bởi sự triển khai của truyền thống truyền khẩu, vốn được ghi lại một cách tách rời với Torah viết. Ở đây nên nói rõ thêm về truyền thống truyền khẩu này.
Bảng dưới đây sẽ cung cấp một cái nhìn về sự biểu hiện viết ra sau cùng của Torah truyền khẩu. Về cơ bản, nó chứa nhiều tác phẩm của các giáo sĩ Do Thái, vốn được hoàn tất khoảng thế kỷ thứ bảy của Công nguyên:
             Mishna: Là Torah truyền khẩu từ thời ông Môsê, được sưu tập khoảng năm 200 bởi Judah Hoàng tử (nasi), bao gồm phần trình thuật lý thuyết (haggadah) và các luật thực hành (halakah). Có sáu phân đoạn của 62 luận đề.
             Tosefta: Là phần bổ sung hoặc phần bình giải về Mishna (và dài gấp bốn lần do các phần bổ túc), được viết ra khoảng năm 300.
             Talmud: Có hai phiên bản – một là ở Palestine (còn gọi là Yerushalmi, được viết khoảng năm 400), và một là ở Babylonia (còn gọi là Bavli, đượx viết khoảng năm 600). Talmud chứa đựng toàn bộ các biểu hiện có uy thế của Do thái giáo, mà chúng ta biết ngày nay.
Lẽ tất nhiên cũng có các loại hình khác của văn chương Do Thái, chẳng hạn Midrash. Đây là phần bình giải Kinh Thánh về Kinh Thánh, và được gọi là “tác phẩm với Kinh Thánh” như J. Neusner đặt tên. Và các nhà bình giải Do Thái của thời Trung cổ là khá nổi tiếng. Nhưng cách xếp hạng trên đây tạo nên trung tâm của Do Thái giáo của hai Torah. Muốn biết thêm chi tiết, xin đọc cuốn Introduction to Rabbinic Literature (New York: Doubleday, 1994) của J. Neusner. 
Nguyễn Trọng Đa dịch

Theo “Responses to 101 questions on the Biblical Torah”, Manila, St Pauls, 1999, trang 6-10)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét