Vì sao các Giáo hoàng thay đổi tên?
aleteia.org, Javier Ordovás, 2016-01-14
Theo thông lệ, mỗi Giáo hoàng mang một tên riêng cho triều giáo hoàng của mình.
“Ngài muốn được gọi theo tên nào?” (câu tiếng la tinh: Quo modo vis vocari?). Theo truyền thống, hồng y niên trưởng mật nghị sẽ hỏi hồng y có đa số phiếu có nhận chức vụ giáo hoàng không.
Tên của tân Giáo hoàng là tên do ngài chọn. Ngài có thể chọn theo nhiều lý do, chẳng hạn chọn tên vị tiền nhiệm để vinh danh người đó như trường hợp Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II.
Dù đây là truyền thống xưa nhưng không phải truyền thống có từ đầu. Cho đến năm 532, tất cả các vị kế nhiệm Thánh Phêrô đều dùng tên thánh rửa tội của mình. Ngoài tên mình ra, các giáo hoàng còn để tên nơi mình ở: Anaclète người Rôma, Évariste người Hy Lạp…)
Vinh danh vị tiền nhiệm tử đạo
Ngày 31 tháng 12 năm 532, người được chọn làm Giáo hoàng có tên Mercurius “người La Mã”. Mercurius rõ ràng là tên lương dân (tên vị thần Hy Lạp Hermès), tân Giáo hoàng nghĩ mình không nên mang tên của một vị thần lương dân nên ngài lấy tên Gioan II, để vinh danh vị tiền nhiệm của mình là Gioan I, một giáo hoàng tử đạo.
Kể từ lúc đó, các vị kế nhiệm ngài đều bắt chước ngài, họ bắt đầu thay tên rửa tội của mình bằng tên các vị tiền nhiệm hay các thánh tông đồ tử đạo. Từ đó, chỉ có hai giáo hoàng giữ tên rửa tội của mình: Adrien VI và Marcel II.
Cho đến bây giờ, các tên được chọn nhiều nhất là Gioan (23), Gregory (16), Bênêđictô (16), Clément (14), Innocent (13), Lêô (13) và Piô (12). Tên thánh Gioan đứng đầu danh sách, nhưng không có giáo hoàng nào dám chọn tên Phêrô vì kính trọng vị Thánh Giáo hoàng đầu tiên.
Trong Thánh Kinh, chúng ta cũng tìm được những chuyện rất quan trọng: mỗi lần Chúa thay đổi một người nào, thì thường có một lý do rất mạnh: tên phải phù với căn tính mới của họ, sứ mệnh mới của họ, chức vụ mới của họ.
Lấy ví dụ tên Avram: tên được gọi bởi Chúa Abraham, “cha của các dân tộc”, vì Chúa đã hứa cho ông sẽ được như vậy.
Trong sách Sáng thế cũng vậy, chúng ta thấy bà Sarạ (công chúa của tôi) có tên mới là Sarah, mẹ các dân tộc và nữ hoàng, vì bà sẽ là mẹ của các vua. Chúa Giêsu đã thay đổi tên Simon thành Phêrô, vì “trên đá này Ta sẽ xây Giáo hội của Ta”.
Với tất cả các lý do này, các giáo hoàng đã thay đổi tên theo sứ mệnh mới của mình: sứ mệnh là người đứng đầu hữu hình của Giáo hội.
Một bằng chứng thêm nữa chứng tỏ Giáo hội là liên tục và là người trung thành với Cựu Ước và Tân Ước cũng như với Truyền thống.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét