Gloria in Excelsis Deo! Ngôi sao lạ Bêlem?
Trong Kinh Thánh có hai câu chuyện giáng sinh thường lẫn vào nhau trong trí tưởng tượng của người kitô hữu.
Gloria in Excelsis Deo! Ngôi sao lạ Bêlem?
Ba đạo sĩ đến Bethlehem
Tranh Leonaert Bramer (1638-40)
Gloria in Excelsis Deo! Ngôi sao lạ Bêlem?
Peter Brown, Ph.D
(The Catholic Answer)
Trong Kinh Thánh có hai câu chuyện giáng sinh thường lẫn vào nhau trong trí tưởng tượng của người kitô hữu. Tin mừng Luca nói Chúa Giêsu được sinh hạ trong chuồng súc vật vì “được đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2, 7) còn Tin mừng Matthêô thì trình bày cao điểm của câu chuyện xảy ra trong một ngôi nhà, có lẽ ít lâu sau khi Đức Kitô được sinh hạ. Bên cạnh Thánh Gia Thất, phần trình thuật nổi tiếng của Tin Mừng Matthêô là các Đạo Sĩ, ba người đàn ông bí ẩn này đã làm một cuộc hành trình dài từ “phương đông”, có lẽ là Ba Tư, để tìm kiếm vị thái tử, Vua dân Do Thái mới hạ sinh. Các đạo sĩ đã vượt xa các mục đồng nghèo khổ của Luca trong trí tưởng tượng bình dân.
Một vấn đề ở đây là “ngôi sao lạ” không chỉ tiết lộ sự kiện Đấng Cứu Thế hạ sinh mà còn đưa dẫn các đạo sĩ vượt qua cả ngàn dặm đường để tìm được chính xác nơi sinh hạ của con trẻ tại Bêlem?
Hiện tượng tự nhiên?
Các giải pháp phổ biến nhất hiện nay thường có liên quan đến các hiện tượng thiên văn khác nhau – phổ biến nhất là sao chổi, sự giao hội hành tinh, sao băng hay hiện tượng khí tượng. Những người ủng hộ các giả thuyết này là ai? Họ là những người thuần túy tò mò cho đến các kitô hữu theo phái cơ bản thuyết (fundamentalist) luôn muốn dùng khoa học để “chứng minh” sự thật của các câu chuyện trong Kinh Thánh, ngay cả các sử gia nghiêm túc muốn dùng thời điểm xuất hiện của các biến cố thiên văn được ghi nhận trong quá khứ để biết chính xác ngày sinh của Đức Kitô.
Nhưng chúng ta chẳng cần phải là những chuyên gia thiên văn để thấy những vấn đề nền tảng của các bài đọc như thế này. Ngôi sao, hành tinh, sao chổi và những vật thể tương tự như thế thật sự chúng rất xa trái đất. Trong khi chúng thật sự chuyển động, thì chúng cũng không thể chuyển động theo cái cách mà có thể dẫn đưa con người đến những vị trí chính xác trên mặt đất, chứ đừng nói là đến và dừng lại trên ngôi nhà của đứa trẻ mới sinh.[1] Vì để làm được điều này, nó không chỉ cần phải chiếu sáng cả ngày lẫn đêm để hướng dẫn các đạo sĩ mà còn phải từ trời rơi xuống để đến gần trái đất hơn. Hiển nhiên chúng ta đang bàn đến một ngôi sao lạ nào đó chỉ xảy ra một lần duy nhất theo cách siêu tự nhiên hay siêu phàm. Và điều này có nghĩa là khoa thiên văn hiện đại, giống như mọi khoa học khác tự giới hạn mình trong những hiện tượng thuần túy tự nhiên, nó chẳng ích lợi gì khi kể cho chúng ta điều gì đã xảy ra.
Các nhà chú giải thời xưa không hề biết đến khoa thiên văn hiện đại. Họ không biết rằng các ngôi sao hay sao chổi là những vật thể khủng đang cháy bỏng đến nỗi có thể nhấn chìm cả hành tinh của chúng ta trong biển lửa nếu chúng đến đủ gần bề mặt trái đất để đưa các đạo sĩ đến một thành phố, một ngôi nhà hay tìm ra một người nào đó. Thế nhưng họ đã giả định những yếu tố cơ bản: ngôi sao mà Thánh Matthêô diễn tả không hành xử theo cách bình thường. Có lẽ ngôi sao Bêlem hành xử giống như một thiên thần!
“Dưới dạng một ngôi sao”
Thật vậy, bài viết “The Magi’s Angel” (Thiên thần của các đạo sĩ) trong tác phẩm “Studies in Matthew: Interpretation Past and Present” (Nghiên cứu Tin Mừng Matthêô: chú giải xưa và nay), học giả về tân ước Dale Allison không chỉ nhắc chúng ta rằng trong thế giới cổ xưa thời Matthêô thì các ngôi sao không chỉ có liên hệ mật thiết với các thiên thần mà những nhà chú giải nổi tiếng thời xưa cho đến thời đại Ánh Sáng đã nghĩ rằng ngôi sao của Matthêô có thể là một thiên thần, hay ít ra là một ngôi sao được sáng tạo đặc biệt để vận chuyển theo sự hướng dẫn của thiên thần. Các nhà chú giải như Gioan Kim Khẩu, Êphraem, Augustinô, Origen và Theophylact đều cho rằng ngôi sao ấy được sáng tạo đặc biệt và không nằm trong thiên hệ, đó là Chúa Thánh Thần hay một hữu thể thiên thần dưới dạng một ngôi sao. Thánh Thomas Aquinas - người hiểu rõ cái nực cười của việc cho rằng ngôi sao ấy là một hiện tượng tự nhiên – đã nghĩ rằng ngôi sao mà Matthêô diễn tả là “một sức mạnh vô hình đã trở nên hữu hình dưới hình thức một ngôi sao” – một điều gì đó ngoài tầm với của khoa thiên văn.
Thật dễ thấy tại sao các nhà chú giải cổ xưa liên hệ mật thiết các ngôi sao với thiên thần. Giống như ngôi sao của Matthêô, các thiên thần cũng sáng chói (xem Mt 28, 3; Cv 6, 15; 2 Cr 11, 14), các ngài từ trời xuống trái đất (Đn 8, 10; Mc 13, 25; Kh 1, 20; 9, 1-2; 12, 3-4), các ngài mạc khải cho con người nhiều điều (quá nhiều để liệt kê hết ra đây) và hướng dẫn con người. Nổi tiếng nhất là cột mây ban ngày và cột lửa ban đêm đã hướng dẫn dân Israel trong hoang mạc chính là thiên thần của Thiên Chúa (Xh 13, 21).
Trong kinh Thánh Thánh Thánh (Sanctus), chúng ta cầu khẩn “Chúa các đạo binh”. “Các đạo binh” (Saba’oth trong tiếng Hípri) là đội quân thiên thần mà trong Kinh Thánh có liên hệ mật thiết với các ngôi sao (xem 1 V 22, 19; Is 24, 21-23; Gr 19, 13; Nkm 9, 6; Đn 8, 10). Nếu chúng ta tìm nơi các cuộn bản thảo Biển Chết và các văn bản ngoài Kinh Thánh của Do Thái giáo hay Kitô giáo, ta sẽ gặp nhiều ví dụ cho thấy có sự gần gũi giữa các ngôi sao và các thiên thần. Vì thế, nhiều tranh vẽ cổ xưa đã mô tả một thiên thần (đôi khi cùng với ngôi sao) hướng dẫn các đạo sĩ.
Người xưa đã cho các ngôi sao là những hữu thể sống mà các dạng thể của chúng tiết lộ nhiều điều và kể ra những câu chuyện về thế giới. Trong Kitô giáo phương đông, niềm tin này đã ảnh hưởng đến triết học Hy Lạp của Plato được nhiều giáo phụ biết đến, nhưng nó chỉ thích hợp với vũ trụ quan của Kinh Thánh. Cái nhìn về một vũ trụ sinh động đã trở nên phổ biến vào thời Trung Cổ. Chính Aristotle cũng không chắc rằng các ngôi sao có linh hồn hay không. Nhưng theo vũ trụ quan Aristotle (được cập nhật cho đến thời Thomas Aquinas), các ngôi sao được xem như những động lực đầu tiên nhưng chính chúng lại là động lực bị chuyển động do động lực đầu tiên không chuyển động là chính Thiên Chúa. Nhưng theo cách này, chúng là một phần của chuỗi chuyển động khiến mọi sự trên trái đất chuyển động. Vào thời Trung Cổ, người ta còn tranh luận rằng ở mức độ nào các chuyển động thiên thể có thể báo trước những điều sẽ xảy ra trên mặt đất. Thomas Aquinas dùng từ “thiên văn” và “chiêm tinh” lẫn lộn nhau.
Chiêm tinh đã mất đi sự tin cẩn khi có sự tiến bộ vào thời Trung Cổ và các nhà quan sát bầu trời ban đêm đã phát triển khả năng quan sát cũng như các tính toán toán học trở nên chính xác hơn. Điều này rất hữu ích. Và thực tế là chiêm tinh chẳng bao giờ đoán trước được các biến cố trên trái đất. Trái lại, khoa thiên văn có thể tiết lộ nhiều điều về vũ trụ khi con người phóng vệ tinh, phi thuyền không gian và đưa con người lên mặt trăng.
Sự chia cắt giữa chiêm tinh và khoa thiên văn cũng giống như hố sâu ngăn cách giữa thuật giả kim và hóa học. Những thầy phù thủy với “kiến thức” bí truyền đã nhường chỗ cho những bộ óc đam mê khoác áo choàng phòng thí nghiệm. Các ngôi sao đã trở thành sở hữu độc quyền của khoa thiên văn – những gã khổng lồ ở thể khí phát sinh một số lượng sức nóng cực lớn, ánh sáng và lực hấp dẫn. Nhưng điều này không bao giờ là ý niệm của Matthêô về “các ngôi sao”, cũng chẳng phải là ý niệm của các nhà chú giải nguyên thủy.
Suy tư hiện đại
Thế giới cần thay đổi, đó là điều tốt. Nhưng chúng ta cũng nên lưu ý rằng việc giải trừ các hiện tượng siêu phàm đã có vài hiệu ứng ngược khi người hiện đại nghĩ và đọc kinh thánh. Chính các nhà tư tưởng thời Ánh Sáng, khi đọc Kinh Thánh theo cái khung sườn duy lý, họ nhấn mạnh rằng mọi sự bất thường trong Kinh Thánh đều có cách giải thích tự nhiên. Chúng ta lấy làm bực mình khi có ai đó cứ cho rằng các phép lạ trong Kinh Thánh chỉ là những hiện tượng tự nhiên đã bị người xưa phóng đại hay hiểu nhầm. Chúa Giêsu chữa lành người bệnh và đui mù thật ra chỉ là những “cách chữa trị tự nhiên tự phát” mà các tài liệu y khoa đã chứng thực. Chúa Giêsu đi trên mặt nước “thật sự” chỉ là Ngài đi vào chổ nước nông. Chúa Giêsu làm gió bão lặng yên “thật sự” chỉ là những cơn lốc xoáy đến rồi đi cách nhanh chóng mà các nhà khí tượng học khẳng định xảy ra thường xuyên ở biển hồ Galilee. Phép lạ hóa bánh ra nhiều “thật sự” chỉ là mỗi người chia nhau bữa ăn trưa của mình.
Chúng ta không xem các giải thích này là nghiêm túc vì chúng hàm ý chối từ năng lực siêu nhiên của Chúa Giêsu mà điều này là chủ ý đầu tiên khi tác giả Tin Mừng thuật lại các phép lạ. Nhưng vì lý do nào đó mà nhiều người vẫn còn cậy đến khoa học hiện đại để nói với chúng ta rằng Ngôi Sao Bêlem “thật sự” là hiện tượng thiên văn: “ngôi sao” của Matthêô “phải là” một dãy hành tinh hoặc sao chỗi, sao băng, sao sa, sự giao hội hành tinh hoặc cái gì đó thuộc loại này.
Các học giả kinh thánh hiện đại đã bão hòa với khoa học kiểu này vì nó tự phụ rằng kiến thức mới về thế giới thì luôn thượng đẳng so với kiến thức cũ. Thường thì kiến thức mới thật sự tốt hơn nhưng không phải lúc nào cũng thế! Ngôi sao Bêlem là một ví dụ cổ điển cho chúng ta thấy một giả định hiện đại về thế giới có thể đưa đến lối giải thích sai lạc về một bản văn cổ mà tác giả của nó không chia sẻ bất kỳ một giả định nào thuộc loại này. Trong trường hợp này, khi không thèm đếm xỉa gì đến truyền thống chú giải, các nhà chú giải hiện đại xem ra khá ngố và một cách nào đó đã lạm dụng kiến thức thiên văn. Giống như nhiều trình thuật Kinh Thánh khác, ngôi sao của các Đạo Sĩ là sự can thiệp đặc biệt của Thiên Chúa vào trong thế giới, qua trung gian của một trong các thiên thần của Ngài. Đây là phép lạ của ngày lễ Giáng Sinh. Và như vậy, khoa thiên văn hiện đại có thể nói cho chúng ta tất cả mọi điều, nhưng với điều này thì không!
[1] Mt 2, 9: Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại.
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét