Trang

Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2016

Gợi ý mục vụ trong Năm Thánh Lòng Thương Xót - Đề tài 8

Gợi ý mục vụ trong Năm Thánh Lòng Thương Xót - Đề tài 8
Sống Năm Thánh Lòng Thương Xót
với việc Tân Phúc-Âm-hoá Đời sống xã hội
Đề tài 8. Tân Phúc Âm hoá môi sinh văn hoá
Văn hoá phải là lãnh vực ưu tiên cho sự hiện diện và dấn thân của Hội Thánh và cá nhân các Kitô hữu. Công đồng Vatican II nhận thấy sự tách rời của đức tin Kitô giáo và đời sống hằng ngày là một trong những sai lạc trầm trọng nhất của thời đại chúng ta[1].[…] Cần phải ghi nhớ rằng “nhờ văn hoá, con người, với tư cách là người, sẽ trở thành người hơn, và một khi ‘là’ người hơn như thế, thì cũng làm cho sự hiện hữu có giá trị hơn”[2].
1. Các thách thức văn hoá
– Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Trong nền văn hoá đang thịnh hành, thế thượng phong được dành cho cái bề ngoài, cái trực tiếp, cái có thể thấy được, cái nhanh nhẩu, cái phù phiếm và tạm bợ. Cái thật nhường chỗ cho cái ảo.” (Evangelii Gaudium, 62). Có thể thấy được sự góp phần rất lớn của các phương tiện truyền thông xã hội hiện đại cho thực tế này. Có một nguy cơ là gốc rễ văn hoá truyền thống các nước đang bị xâm nhập thường xuyên bởi các lối suy nghĩ và hành động của các nền văn hoá khác “tiến bộ hơn” về mặt kinh tế nhưng yếu kém hơn về đạo đức. Các mẫu hành vi mới đang xuất hiện như là kết quả của việc chịu ảnh hưởng quá nhiều vào các phương tiện truyền thông xã hội. Hậu quả là các khía cạnh tiêu cực của các công nghệ truyền thông và giải trí đang đe dọa các giá trị truyền thống, đặc biệt đe dọa sự thánh thiêng của hôn nhân và sự bền vững của gia đình (x. Ibid., 6).
– Ngày nay nở rộ các phong trào tôn giáo, một số có khuynh hướng cực đoan trong khi một số khác đề nghị một linh đạo không có Thiên Chúa. Trong hoàn cảnh văn hoá đậm nét cá nhân chủ nghĩa, các trào lưu tôn giáo này có thể phần nào lấp đầy khoảng trống do chủ nghĩa duy lý thế tục để lại. Phải nhìn nhận rằng, sở dĩ một số Kitô hữu chạy theo các trào lưu đó là vì một đàng do thiếu ý thức thuộc về Hội Thánh, đàng khác do tại các giáo xứ và cộng đoàn của chúng ta thiếu cơ cấu và bầu khí thân thiện, do tính quan liêu trong xử sự các vấn đề trong đời sống các tín hữu, do phương thức quản trị lấn át phương thức mục vụ, do tập trung vào việc ban các bí tích tách rời với các hình thức truyền giáo khác (x. Ibid., 63).
– Tiến trình tục hoá giản lược đức tin và Hội Thánh vào phạm vi cá nhân riêng tư. Não trạng thế tục hoá, phủ nhận Đấng siêu việt, làm cho đạo đức ngày càng xuống cấp, ý thức về tội lỗi của cá nhân và tập thể suy yếu dần, và chủ nghĩa duy tương đối ngày càng lan rộng. Tình trạng này làm con người mất phương hướng, nhất là ở lứa tuổi thanh thiếu niên vốn dễ bị tổn thương trước những thay đổi (x. Ibid., 64)
2. Chiều kích đạo đức của nền văn hoá là thiết yếu
Niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, Đấng diễn tả chính mình như “là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6), thúc bách các Kitô hữu ngày nay dấn thân cách kiên quyết và mới mẻ để xây dựng một nền văn hoá chính trị xã hội được gợi hứng từ Tin Mừng. “Sự toàn hảo của con người và phúc lợi của toàn xã hội là những cứu cánh thiết yếu của văn hoá: vì thế chiều kích đạo đức của văn hoá là một ưu tiên của người tín hữu trong hoạt động xã hội chính trị. Không chú ý đến chiều kích này sẽ dễ dàng biến văn hoá thành một công cụ làm nghèo nàn nhân loại”[3].
3. “Sinh thái toàn diện” phản ánh nền “văn minh của Tình Thương”
Đức giáo hoàng Phanxicô kêu gọi chú tâm đến “nền sinh thái văn hoá” nhằm bảo vệ các kho tàng văn hoá của nhân loại. “Văn hoá là cái gì còn hơn cả những gì chúng ta đã thừa hưởng từ quá khứ; nó cũng là, và trên hết là một thực tại sống động, năng động và hiện hữu thông dự, là điều không thể bị loại trừ khi chúng ta nghĩ lại về mối quan hệ giữa con người và môi trường”[4].
Sự suy thoái đạo đức và văn hoá đi kèm theo với sự làm hỏng môi sinh buộc chúng ta tự chất vấn những câu hỏi cơ bản về cuộc sống: “Đâu là mục đích của cuộc sống chúng ta trên thế giới này? Tại sao chúng ta ở đây? Đâu là mục đích của việc chúng ta đang làm và tất cả những nỗ lực của chúng ta nhằm tới cái gì? Trái đất cần gì từ chúng ta?
Đức Giáo hoàng kêu gọi theo đuổi một nền sinh thái toàn diện biết xem xét các vấn đề trong thế liên kết hỗ tương về mọi phương diện: môi trường, kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, và đạo đức. Một nền sinh thái như thế đòi hỏi tầm nhìn nghĩ đến các giải pháp toàn diện cho cả khủng hoảng về môi sinh và nhân văn.
Để làm cho xã hội nhân bản hơn, xứng đáng hơn với con người, phải đem một giá trị mới cho tình yêu vào trong đời sống xã hội – bao gồm chính trị, kinh tế và văn hoá – bằng cách làm cho tình yêu đó trở thành một chuẩn mực vững bền và cao nhất cho mọi hoạt động. Chỉ có tình yêu bao gồm lòng nhân từ gọi là “lòng thương xót”, mới có thể hoàn toàn biến đổi con người. “Bác ái là điều răn mang tính xã hội cao cả nhất. Bác ái tôn trọng người khác và các quyền lợi của họ. Bác ái đòi buộc thực thi công lý và chỉ có bác ái mới làm cho ta có khả năng đạt tới điều đó. Bác ái gợi hứng cho ta một cuộc sống tự hiến: ‘Ai tìm cách giữ mạng sống mình thì sẽ mất, nhưng ai liều mất mạng sống mình sẽ bảo tồn được mạng sống ấy.’ (Lc 17,33)”[5]. Chỉ khi nào “nền văn minh tình yêu” ngự trị thì nhân loại mới có thể hưởng một nền hoà bình chân chính và vững bền.”[6]
Câu hỏi chia sẻ và thảo luận
1. Đâu là những thách thức về văn hoá đáng chú ý nhất tại thành phố, vùng miền của anh chị?
2. Những bạn trẻ Kitô hữu của giáo xứ, giáo phận của anh chị chịu ảnh hưởng bởi văn hoá du nhập có ý thức và phản ứng như thế nào trước những làn sóng thế tục đang xâm thực đức tin từng giờ từng ngày?
3. Theo anh chị người Kitô hữu cần làm gì để làm cho tình yêu mang một giá trị mới trong đời sống văn hoá xã hội hôm nay?
–––––––––––––––––––––––––––––––––––
[1] x. Gaudium et spes, 43.
[2] Gioan Phaolô II, Gửi cho UNESCO (23.06.1980), 7 : L’Osservatore Romano, bản dịch Anh Ngữ (23.06.1980), tr. 9. x. HĐTT về Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, 554.
[3] x. HĐTT về Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, 556.
[4] Phanxicô, Laudato Si’, 143.
[5] GLHTCG, 1889.
[6] x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2004, 10. Id., Dives in Misericordia,14; GLHTCG, 2212.
 
Văn phòng HĐGMVN
Nguồn: WHĐ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét