Kinh Lạy Cha là tảng đá góc của đời sống cầu nguyện
Cầu nguyện không phải là những lời phép thuật cho Kitô hữu, và khi đọc kinh Lạy Cha, chúng ta có thể cảm nhận Chúa đang nhìn mình và lời kinh này phải là tảng đá góc cho đời sống cầu nguyện của chúng ta. Đây là những lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong bài giảng thánh lễ ban sáng ngày thứ năm 16-6, tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta.
Lấy ý từ bài đọc tin mừng trong ngày về chuyện Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện bằng lời kinh Lạy Cha, Đức Giáo hoàng suy niệm về giá trị và ý nghĩa của lời kinh này trong cuộc sống của một Kitô hữu.
‘Chúa Giêsu luôn dùng từ ‘Cha’ trong những thời điểm thử thách nhất, và cho chúng ta biết rằng CHA luôn biết mọi sự chúng ta cần, trước cả khi chúng ta lên tiếng. Ngài là CHA lắng nghe chúng ta trong thầm lặng, cũng như Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện nơi kín đáo.
Chính qua CHA mà chúng ta được nhận chân tính làm con cái. Và khi kêu lên ‘CHA’ thì đó là đi lại tận gốc rễ chân tính của mình, chân tính của người con và đây là ơn của Thần Khí. Không một ai nói lên ‘CHA’ mà không nhờ Thần Khí. ‘CHA’ là từ mà Chúa Giêsu dùng trong những thời khắc quan trọng nhất, khi Ngài đầy vui mừng, đầy cảm xúc. ‘Lạy Cha, con tạ ơn Cha vì đã mặc khải những điều này cho những người con bé mọn.’ Hay khi Chúa khóc than trước mồ của người bạn Lazarô. ‘Lạy Cha, con tạ ơn Cha vì đã nghe lời con nguyện,’ hay ngay trong những thời khắc cuối cùng ‘Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha.’
Nếu chúng ta không cảm nhận mình là con cái của CHA, không kêu lên ‘Cha ơi,’ thì lời kinh của chúng ta chỉ là từ ngữ, là lời của dân ngoại.
Kinh Lạy Cha là tảng đá góc của đời sống cầu nguyện. Nếu chúng ta không thể bắt đầu lời kinh với từ này, với ‘Cha ơi,’ thì kinh chúng ta đọc chẳng được gì.
Thốt lên ‘Lạy Cha, Cha ơi,’ Là cảm nhận Cha đang nhìn mình, cảm nhân rằng tiếng ‘CHA’ này không phải là phí phạm thời gian vào những lời lẽ vô hồn, mà là tiếng kêu lên Cha đã cho chúng ta được làm con. Đây là chiều kích cầu nguyện Kitô,, ‘Lạy Cha’ và chúng ta có thể cầu nguyện với các thánh, các thiên thần, đi rước kiệu, đi hành hương …tất cả đều thật tuyệt nhưng trước hết luôn phải mở đầu bằng ‘Lạy Cha’ và ý thức rằng chúng ta là con cái của CHA, chúng ta có môt người CHA yêu thương và biết mọi sự chúng ta cần.
Trong kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy chúng ta tha cho những ai lỗi phạm với chúng ta như Cha tha cho chúng ta, nên đây là lời kinh truyền tải ý thức anh chị em với nhau, ý thức chúng ta là một gia đình. Thay vì hành xử như Cain thù ghét em trai mình, chúng ta phải biết tha thứ, quên đi những lỗi phạm với chúng ta, hãy có thái độ lành mạnh biết nói rằng ‘thôi quên đi’ và đừng tích tụ những cảm giác hiềm khích, phẫn uất hay mong muốn báo thù.
Lời kinh đẹp nhất chúng ta có thể thưa lên là nguyện xin Chúa tha thứ cho mọi người và quên đi tội của họ.
Chúng ta nên xét mình dựa trên điểm này. Với tôi, Chúa có phải là Cha? Tôi có cảm nhận Ngài là Cha tôi? Và nếu không cảm nhận như thế, thì chúng ta hãy xin Thần Khí dạy cho chúng ta. Liệu tôi có thể quên đi những xúc phạm đến mình, cho nó qua, và nếu không thể thì hãy xin Cha: ‘Những người này cũng là con Cha, họ đã làm những chuyện khủng khiếp với con …liệu Cha có thể giúp con tha thứ cho họ được không?’
Chúng ta hãy xét mình như thế, và sẽ được nhiều điều tốt, rất tốt. Thiên Chúa là ‘Cha’ và là ‘Cha của chúng ta’ Ngài ban cho chúng ta làm con cái và cho chúng ta một gia đình để đồng hành trong đời.”
J.B. Thái Hòa chuyển dịch từ Vatican Radio Eng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét