THÁNH NỮ MARIA MA-ĐA-LE-NA TRONG SÁCH TIN MỪNG MÁC-CÔ (BÀI 4): L.M. GIUSE NGUYỄN CÔNG ĐOAN, S.J.
Thánh nữ Maria Ma-đa-le-na
Bài 4. Trong sách Tin Mừng Mác-cô
Trong sách Tin Mừng Mác-cô, khi Chúa Giê-su đã bị treo lên thập giá giữa hai tên cướp, ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Người bị liệt vào hàng những kẻ phạm pháp”, thì mọi hạng người bên dưới xsúm lại chế giễu: “Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người… Các thượng tế và kinh sư cũng chế giễu Người như vậy… Cả những tên cùng chịu đóng đinh với Người cũng nhục mạ Người”. Thậm chí lời Chúa Giê-su cầu nguyện cũng bị họ xuyên tạc để chế giễu. Nhưng sau khi Chúa Giê-su tắt thở thì Mác-cô cho thấy viên sĩ quan chỉ huy cuộc hành quyết, lại nhận ra Người là Con Thiên Chúa: “Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giê-su, thấy Người tắt thở như vậy liền nói: “Quả thật người này là Con Thiên Chúa”. Để ý lý do khiến ông nhận ra Người là Con Thiên Chúa: “thấy Người tắt thở như vậy”, tức là nhìn cách Người tắt thở, chứ không phải vì thấy bóng tối hay điều chi khác. Ông thấy được cách Người tắt thở vì ông đứng đối diện với Người, nhìn lên Người, do nhiệm vụ phải chứng kiến và làm chứng rằng người bị hành quyết thật sự đã chết. Khi Ông Giô-xép đến xin xác Chúa Giê-su, thì Phi-la-tô sẽ cho gọi ông tới để xác nhận Chúa Giê-su đã chết.
Đến đây Mác-cô mới cho thấy sự hiện diện của nhóm phụ nữ: “Nhưng cũng có mấy phụ nữ đứng xa xa mà nhìn, trong đó có bà Maria Mac-đa-la…Các bà này đã đi theo và giúp đỡ Đức Giê-su khi Người còn ở Ga-li-lê. Lại có nhiều bà khác đã cùng với Người lên Giê-ru-sa-lem cũng có mặt tại đó”.
Bà Maria Mac-đa-la vẫn đứng đầu danh sách. Sự hiện diện của nhóm phụ nữ “đứng xa xa mà nhìn” kết thúc một chuỗi những ám chỉ tới thánh vịnh 22/21 và 38/37 nói về người công chính bị bách hại: “Thấy con ai cũng chê cười, lắc đầu bỉu mỏ buông lời mỉa mai…” (Tv 22/21, 8); “Bị suy nhược nát tan kiệt sức, tim thét gào thì miệng phải rống lên… Con bị tai ương, người thân kẻ nghĩa chẳng tới gần, bà con ruột thịt cũng đứng xa… Phần con như kẻ điếc chẳng nghe gì, tựa người câm không hề mở miệng; cầm bằng kẻ không nghe chi hết, không một lời đối đáp ngoài môi. Lạy Chúa, nơi Ngài con trông cậy; lạy Chúa là Thiên Chúa của con, chính Chúa sẽ đáp lời…” Lời cầu nguyện lớn tiếng của Chúa Giê-su chính là câu mở đầu thánh vịnh 22/21. Thiên Chúa đã đáp lời bằng cách làm cho chính viên sĩ quan chỉ huy cuộc hành quyết tuyên xưng: “Người này quả thật là Con Thiên Chúa”. Tuy đứng xa xa, nhưng các bà lại chứng kiến tất cả.
Sau khi ông Giô-xép táng xác Chúa Giê-su và lăn tảng đá lấp cửa mộ thì Mác-cô cho ta thấy hai bà Maria Mac-đa-la và bà Maria mẹ ông Giô-xét “để ý nhìn xem chỗ họ mai táng Người”. Chi tiết này chuẩn bị cho chuyện tiếp theo: “Vừa hết ngày sa-bát, bà Maria Mac-đa-la với bà Maria mẹ ông Gia-cô-bê, và bà Sa-lô-mê, mua dầu thơm để đi ướp xác Đức Giê-su. Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc, các bà ra mộ.”
Đi gần tới nơi các bà mới sực nhớ tới viên đá đậy cửa mộ. Các bà bảo nhau: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây?” Nhưng vừa ngước mắt lên, các bà đã thấy tảng đá lăn ra một bên rồi, mà tảng đá ấy lớn lắm. Vào trong mộ, các bà thấy một người thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng; các bà hoảng sợ. Nhưng người thanh niên liền nói: “Đừng hoảng sợ! Các bà tìm Đức Giê-su Na-da-rét, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa. Chỗ đã đặt Ngưòi đây này. Xin các bà về nói với các môn đệ Người và ông Phê-rô… Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạỵ trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi.”
Thế là Mác-cô kết thúc với hình ảnh các bà sợ hãi đến “á khẩu” luôn. Hẳn người nghe kể chuyện phải cười ồ. Đây là câu kết ban đầu của sách Tin Mừng theo thánh Mác-cô. Tại sao Mác-cô lại có vẻ như “phủi nhẹ” vai trò của các bà, những người đã chứng kiến từ khi Chúa Giê-su bị treo trên thập giá cho tới ngôi mộ, rồi lại chứng kiến cửa mộ đã mở toang và sứ mạng nhắn tin cho “các môn đệ và ông Phê-rô”?
Ta có thể nghĩ một điều là Mác-cô dùng ngay cái quan niệm “nam trọng, nữ khinh” của người đương thời để lập luận. Người ngoại đạo có thể chế giễu niềm tin vào Chúa Phục Sinh theo kiểu ông toàn quyền Phét-tô tóm lược vụ án Phao-lô: “Người Do Thái tranh luận với ông ta về một số vấn đề liên quan đến tôn giáo riêng của họ, và liên quan đến một ông Giê-su nào đó đã chết, mà Phao-lô quả quyết là vẫn sống”. Với tiếng cười ồ đồng lõa và hóm hỉnh, Mác-cô khằng định với người nghe và người đọc rằng: chúng ta tin Chúa Phục Sinh không phải do nghe các bà nói lại, đừng ai bảo chuyện Chúa phục sinh là chuyện vớ vẩn của “đàn bà trông gà hóa quạ” nhé!
Bên cạnh lối trả lời bằng nghệ thuật kể chuyện, Mác-cô còn cho ta một câu trả lời tích cực khác về nhiệm vụ làm chứng cho Chúa Phục Sinh. Ta hãy trở lại trình thuật “Chúa Giê-su lập nhóm Mười Hai” với những nét riêng của Mác-cô. Khi ấy “Nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su… Rồi Người lên núi và gọi đến vvới Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập nhóm Mười Hai để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng với quyền trừ quỷ. Người lập nhóm Mười Hai và đặt tên cho ông Si-môn là Phê-rô…” (Mc 3, 6.13-16).
Mác-cô không kể việc Chúa Giê-su tuyên bố lập Hội Thánh như Mát-thêu, nhưng kể việc Chúa lập nhóm Mười Hai, với việc đổi tên cho ông Phê-rô, “để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi”. Khi kể rằng các bà được yêu cầu về “nhắn các môn đệ và ông Phê-rô”, Mác-cô đã ngầm nhắc người nghe rằng, họ đã tin vào Chúa phục sinh là do lời chứng của các môn đệ và ông Phê-rô là người đứng đầu nhóm Mười Hai. Ông Phê-rô và Nhóm Mười Hai là những chứng nhân chính thức được Chúa Giê-su “thiết lập” để ở với Chúa và để Chúa sai đi. Nhưng Mác-cô đã mở rộng vai trò chứng nhân qua những câu chuyện khác.
- Người quỷ ám ở Ghê-ra-sa (Mc 5, 1-20)
Với nghệ thuật kể chuyện bậc thầy, Mác-cô vẽ cho chúng ta thấy hình ảnh rùng rợn của kẻ bị quỷ ám, và làm nổi bật quyền năng cao cả của Chúa Giê-su. Quỷ dữ dằn như thế mà vừa thấy Chúa là đến sụp lạy van xin. Nó xin được nhập vào bầy heo đang ăn gần đó. Người cho phép. Chúng nhập vào bầy heo… Với người đương thời, câu chuyện trở nên hài hước: quỷ ô uế cỡi heo về âm phủ! “Các kẻ chăn heo bỏ chạy, loan tin trong thành và thôn xóm. Thiên hạ đến xem việc gì đã xảy ra. Họ đến cùng Đức Giê-su và thấy kẻ bị quỷ ám ngồi đó, ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo – chính người này đã bị đạo binh quỷ nhập vào. Họ phát sợ… Khi Người xuống thuyền, thì kẻ trước kia đã bị quỷ ám nài xin cho được ở với Người. Nhưng Người không cho phép. Người bảo: “Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào. Anh ta ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giê-su đã làm cho anh. Ai nấy đều kinh ngạc.” Để ý tới mấy chi tiết này: thiên hạ đến xem việc gì đã xảy ra, họ thấy “kẻ bị quỷ ám ngồi đó, ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo”, và khi Chúa xuống thuyền thì anh xin cho được ở với Người, nhưng Người không cho phép.Trái lại, Người sai anh đi: “Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào”. Mác-cô không cho biết lấy quần áo đâu ra cho anh mặc hẳn hoi! Anh ngồi đó, trí khôn tỉnh táo. Thế là anh này được huấn luyện cấp tốc, không được ở với Chúa như nhóm Mười Hai, chỉ được ngồi gần Chúa một lúc, nhưng được sai đi ngay, với một sứ mạng nhất định: thuật lại mọi điều Chúa đã làm cho anh và Người đã thương anh như thế nào.
- Người mù ở Giê-ri-khô (Mc 10, 46-52)
Chương thứ 10 của Mác-cô cho chúng ta thấy nỗi khó khăn của sự từ bỏ của cải (chuyện người thanh niên giàu có), quyền lực, danh vọng (chuyện các môn đệ tranh giành địa vị với nhau) để theo Chúa Giê-su, trong khi Chúa đang đi lên Giê-ru-sa-lem để đón nhận thập giá. Ở chặng cuối cùng của con đường lên Giê-ru-sa-lem, Mác-cô tìm thấy người mẫu để vẽ chân dung của một người môn đệ đích thật.”Khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giê-ri-khô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường… Người ta gọi anh mù và bảo: “Cứ yên tâm đứng dậy, Người gọi anh đấy!” Anh mù liến vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su. Người hỏi: Anh muốn tôi làm gì cho anh? Anh mù đáp:”Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.” Người nói: anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” Tức khắc anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.” Người thanh niên giàu có đến hỏi đường “để được sự sống đời đời làm gia nghiệp”, anh gạn hỏi đến cùng thì Chúa đề nghị anh về “bán hết những gì anh có mà cho người nghèo… Rồi hãy đến theo tôi.” “Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi vì anh ta có nhiều của cải”. Người mù ngồi ăn xin bên vệ đường chỉ có chiếc áo choàng là quý nhất và là sự an toàn cuối cùng. Luật Cựu Ước truyền rằng “nếu ngươi giữ áo choàng của người khác làm đồ cầm, thì ngươi phải trả lại cho nó trước khi mặt trời lặn. Nó chỉ có cái đó để đắp, để làm áo che thân…” (Xh 22, 22). Anh mù này khi được thấy Chúa Giê-su, đã bỏ sự an toàn cuối cùng mà đi theo Chúa trên con đường Chúa đi.
Xin coi tiếp một nhân vật nữa rồi sẽ thấy mối liên kết với việc làm chứng về Chúa Phục Sinh.
- Người thanh niên trong vườn bỏ chạy trần truồng khi Chúa bị bắt (Mc 14, 51-52)
Câu chuyện này chỉ có Mác-cô kể, nên có người bảo chắc là “kinh nghiệm bản thân”, kể lại như một cách ký tên. Cũng có lý. Nhưng liên kết với những chuyện khác thì thấy chắc không phải chỉ có thế. “Bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết. Trong khi đó có một cậu thanh niên đi theo Người, mình khoác vỏn vẹn một tấm vải gai. Họ túm lấy anh. Anh bèn trút tấm vải lại, bỏ chạy trần truồng.” Trên đường Chúa lên Giê-ru-sa-lem, các môn đệ đi theo Chúa, nhưng trong lòng thì mơ ước địa vị chức quyền. Người mù ở Giê-ri-khô bỏ áo choàng lại, “đi theo Chúa trên con đường Chúa đi.” Đến khi Chúa bị bắt thi các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết. Có một người thanh niên đi theo Người, khi bị người ta túm thì anh bỏ tấm vải gai lại chạy trốn trần truồng. Nhân vật này là ai? Chờ lên gặp Chúa mà hỏi thôi. Nhưng trong bản văn của Mác-cô thì chuyện này không phải “kể cho vui” khi ta đọc cho hết.
Nếu bạn vẽ giỏi, xin vẽ hay hình dung trong trí một bức họa cảnh Chúa Giê-su bị bắt trong vườn, gồm 3 yếu tố: một bên là lính đã trói Chúa Giê-su và dẫn ra phía cửa vườn, một bên là các môn đệ chạy tứ tán, ở giữa là một người lính cầm tấm vải vừa tuột khỏi vai người thanh niên vọt chạy trần truồng. Rồi bạn tự ngẫm nghĩ xem người thanh niên kia gợi cho bạn nhớ đến nhân vật nào trong Sách Thánh?
Ngay ở trang đầu sách Tin Mừng, bằng vài nét chấm phá, Mác-cô đã khéo gợi cho chúng ta đối chiếu giữa Chúa Giê-su với A-dong sau khi Chúa chịu phép rửa: Thần Khí liền đẩy Đức Giê-su vào hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú và có các thiên sứ hầu hạ Người. Mác-cô dùng cùng một động từ Hy Lạp mà bản Cựu ước bằng tiếng Hy Lạp dùng, khi nói về A-dong bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng. Ra khỏi vườn địa đàng thì chỉ có hoang địa.
Trong câu chuyện của A-dong thì diễn tiến ngược lại: Thiên Chúa đặt A-dong trong vườn, Thiên Chúa dựng nên các loài dã thú đưa đến cho A-dong, A-dong bị cám dỗ và thua, A-dong thấy mình trần truồng, rồi bị đuổi ra khỏi vườn, thiên sứ cầm gươm lửa giữ cửa vườn không cho trở lại.
Mác-cô không kể các chước cám dỗ, nhưng đặt liền việc Chúa chịu cám dỗ với “sống giữa loài dã thú và có các thiên sứ đến hầu hạ Người”. Vậy là Chúa Giê-su đã đảo ngược tình hình, biến hoang địa trở thành vườn địa đàng, các thiên sứ đến hầu hạ Ngưòi, chứng tỏ Người là Con Thiên Chúa đã chiến thắng Xa-tan.
Bây giờ bạn có thể nhận ra người thanh niên trần truồng kia nhắc bạn nhớ tới ai. Ai làm cho Chúa phải bị bắt, bị đóng đinh thập giá?
Để bạn thấy không phải ông già này khéo bịa chuyện hay thông minh hơn ai, mời bạn đọc lại bài đọc thứ hai trong giờ Kinh Sách ngày thứ bảy Tuần Thánh. Tôi trích vài câu. Tác giả diễn tả cảnh Chúa Giê-su xuống ngục tổ tông, đánh thức ông A-dong và nói: “Vì ngươi mà Ta vốn là Thiên Chúa của ngươi, đã thành con của ngươi… Hãy nhìn xem tay Ta bị đóng đinh chặt vào cây gỗ, vì có lần ngươi đã đưa tay hướng về cây gỗ mà phạm tội… Vì ngươi đã ra khỏi vườn mà Ta bị nộp cho người Do Thái ở ngoài vườn và bị đóng đinh trong vườn… Kẻ thù đã kéo ngươi ra khỏi vườn địa đàng. Phần Ta, Ta không đặt ngươi trong vườn địa đàng nữa, mà đặt lên ngai trên trời…” [Có lẽ tác giả theo Tin mừng thứ tư: nơi Chúa chịu đóng đinh có một thửa vườn?]
- Người thanh niên áo trắng ngồi trong mộ (Mc 16, 5-7)
Mác-côkể rằng “Ông Giô-xép mạnh dạn đến gặp tổng trấn Phi-la-tô để xin thi hài Đức Giê-su… Tổng trấn đã cho ông Giô-sép lãnh lấy thi hài. Ông này mua một tấm vải gai, hạ xác Đức Giê-su xuống, lấy tấm vải ấy liệm người lại, đem đặt vào ngôi mộ đã đục sẵn trong núi đá…”
Khi các bà ra mộ, thấy tảng đá đã lăn ra một bên rồi, các bà cũng không ngạc nhiên, cứ đi thẳng vào trong mộ, “các bà thấy một người thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng. Các bà hoảng sợ…” Người thanh niên mặc áo trắng ngồi bên phải, tức là nơi đã đặt xác Chúa, làm chứng cho các bà: “Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa. Chỗ đã đặt Người đây này!”
Trong câu chuyện người bị quỷ ám, Mác-cô không cho biết ai đem quần áo cho anh ta “ăn mặc hẳn hoi”. Ở đây Mác-cô cũng vẽ những bức tranh kế tiếp nhau và để cho ta tự nối kết, cũng như trong điện ảnh hiện tại, đạo diễn để cho người xem tự liên kết các hình ảnh được đưa lên màn hình. Người thanh niên đánh mất tấm vải gai. Ông Giô-xép phải đi mua một tấm vải gai, rồi hạ xác Đức Giê-su xuống, lấy tấm vải ấy mà liệm. Bây giờ cửa mồ đã mở toang, các bà đi vào, không thấy xác Chúa, mà thấy một người thanh niên mặc áo trắng ngồi ngay nơi đã đặt xác Chúa. Thế là tấm vải gai mà nhờ Chúa chết mới có, bây giờ trở thành áo trắng cho anh thanh niên trần truồng hôm trước mặc, vì Chúa đã trỗi dậy rồi, không còn ở đây! Ai đã lấy tấm vải gai may thành áo cho anh này mặc? Anh này chui vô đây hồi nào?
Thánh Phao-lô đã trả lời rồi: “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6, 3-4).
Người mù Giê-ri-khô bỏ áo choàng đi theo Chúa trên con đường Chúa đi, đó là hành trình của người môn đệ trút bỏ từng mảng. Cuối cùng thì trút bỏ tất cả, trần truồng buớc xuống giếng rửa tội để được dìm vào trong cái chết của Chúa, và trồi lên trong sự sống mới. Áo trắng là áo cứu độ Chúa mặc cho.
Kết luận của Mác-cô ở đây có vẻ là: các bà không nói gì với ai cũng không sao, vì từ nay và mãi mãi đến tận thế, người môn đệ đã chịu phép rửa, là người đã dự phần vào cái chết và sự phục sinh của Chúa, chính là người làm chứng Chúa đã phục sinh. Người thanh niên trần truồng kia là mỗi người chúng ta đã được mai táng với Chúa, và đã trỗi dậy với Chúa. Các Tông Đồ và thánh Phê-rô cũng như các đấng kế nhiệm có nhiệm vụ riêng trong Hội Thánh, còn trách nhiệm làm chứng Chúa phục sinh là của mỗi người đã ở lại với Chúa trong mồ và đã ra khỏi mồ với Chúa.
Thay lời kết.
Tôi đã viết đủ bốn bàiđể trình bày chân dung thánh nữ Maria Ma-đa-le-na trong bốn sách Tin Mừng, để kết thúc, tôi xin tóm tắt truyền thuyết ở miền Nam nước Pháp (Provence) về sự tích thánh Maria Ma-đa-le-na tới rao giảng Tin Mừng ở đây.
Theo truyền thuyết này thì khi các Ki-tô hữu bị người Do Thái trục xuất khỏi xứ Pa-let tin, một nhóm Ki-tô hữu, trong đó có La-da-rô, Mac-ta và Maria Ma-đa-le-na (người ta đồng hoá Maria Ma-đa-le-na với Maria em của Mác-ta) và Maria mẹ ông Gia-cô-bê, Maria Sa-lô-mê, bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê, và một nữ tỳ tên là Sa-ra, bị bỏ lên một chiếc thuyền không chèo, không lái, không có thuyền trưởng, trôi dạt vào cảng Marseille. Các vị bắt đầu rao giảng Tin Mừng cho dân ở đây. La-da-rô trở thành giám mục đầu tiên của Marseille. Một thời gian sau, thánh Maria Ma-đa-le-na rút lui vào hang Baoumo (La-Sainte-Baume) để sống đời chiêm niệm 30 năm, được các thiên thần nuôi.
Nhiều ngày lễ ở Marseille kính nhớ các vị thánh trong nhóm này. Ai qua Marseille thì nhớ đi thăm các di tích.
Giê-ru-sa-lem ngày lễ thánh Lu-i Gon-da-ga (Dòng Tên) 2016
L.M. Giuse Nguyễn công Đoan, S.J.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét