Trang

Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2016

THÁNH NỮ MARIA MA-ĐA-LE-NA: MỖI SÁCH TIN MỪNG MỘT BÌNH DẦU THƠM: L.M. GIUSE NGUYỄN CÔNG ĐOAN, S.J.

THÁNH NỮ MARIA MA-ĐA-LE-NA: MỖI SÁCH TIN MỪNG MỘT BÌNH DẦU THƠM: L.M. GIUSE NGUYỄN CÔNG ĐOAN, S.J.
Mỗi sách Tin Mừng một bình dầu thơm

Trong loạt bài về thánh nữ Maria Ma-đa-le-na, tôi đã nhắc đến việc người ta hay đồng hóa ngài với người đàn bà tội lỗi khóc dưới chân Chúa trong Tin Mừng Luca (chương 7). Tôi viết tiếp bài này về “bốn người phụ nữ và bốn bình dầu thơm trong bốn sách Tin Mừng” để giúp hiểu rõ hơn vai trò và ý nghĩa khác nhau.của mỗi người phụ nữ và mỗi bình dầu thơm trong mỗi sách Tin Mừng.

  1. Người phụ nữ và bình dầu thơm trong Tin Mừng Mác-cô(Mc 14, 1-9)

Hai ngày trước lễ Vượt Qua và lễ Bánh Không Men, các thượng tế và kinh sư bàn mưu tính kế bắt Đức Giê-su để giết Người; vì họ nói:”Đừng làm vào ngày lễ, kẻo dân chúng náo động.”

 Lúc đó, Đức Giê-su đang ở làng Bê-ta-ni-a, tại nhà ông Si-môn Cùi. Giữa lúc Người dùng bữa, có một người phụ nữ đến, mang theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm cam tùng nguyên chất thứ đắt tiền. Cô đập ra, đổ dầu thơm trên đầu Người”.

Trước hết nên chú ý tới sự tương phản trong bối cảnh: giới lãnh đạo ở Giê-ru-sa-lem bàn mưu tính kế bắt Đức Giê-su mà giết, và họ bàn tính cả chuyện làm thế nào để dân chúng đừng náo động.

Người phụ nữ này lại chẳng tính toán gì, và càng không biết gì về âm mưu sát nhân của giới lãnh đạo, bà chỉ biết Chúa Giê-su đang ở tại nhà ông Si-môn Cùi, bà ôm bình dầu tới, gặp đúng bữa ăn, có Chúa Giê-su và nhiều người khác. Bà đi vào, tới thẳng chỗ Chúa Giê-su.

Ta hãy thưởng thức nghệ thuật kể chuyện của Mác-cô ở đây để thấy ý nghĩa.

Tôi xin tập làm nghề quay phim, dựa trên “kịch bản” và “chỉ dẫn” của đạo diễnMác-cô: 1/ camera quét toàn cảnh trong nhà, bữa tiệc chào mừng Đức Giê-su, có khách mời, có các môn đệ, mọi người đang ăn uống, cụng ly,  trò chuyện vui vẻ. 2/ camera bỗng hạ thấpở cửa nhà, lấy cận ảnh: hai bàn chân phụ nữ quyện trong áo dài sát đất, đang bước vào, nhanh và cương quyết, như không để cho ai kịp chặn bước. 3/ camera quét lên cao, vẫn cận ảnh, ngừng ở hai tay người phụ nữ trân trọng nâng bình dầu. 4/ camera bám sát bình dầu, trong khi người phụ nữ bước nhanh, đủ thời gian cho thấy đó là: một bình bạch ngọc – đựng dầu thơm – cam tùng – nguyên chất – thứ mắc tiền. 5/ tới chỗ Chúa Giê-su, người phụ nữ dừng lại, hai tay ôm chặt ngang bình dầu, đập cổ bình dầu vào cây cột bên cạnh, và trút dầu thơm lên đầu Chúa Giê-su. 6/ camera lại quét toàn cảnh trong nhà: nhiều thực khách vẫn đang ăn, chưa kịp thấy chuyện gì xảy ra đã nghe mùi dầu thơm sực nức trong nhà. Họ nhốn nháo, kẻ thì ngoái nhìn,người thì hít hà thưởng thức mùi thơm ngọt ngào ngây ngất của “dầu cam tùng nguyên chất”.

Lát sau, những tiếng xì xào, rồi bình luận vang lên…

Camera dừng lại ở một góc, cận ảnh cho thấy và nghe: “Có vài người lấy làm bực tức, nói với nhau: “Phí dầu thơm như thế để làm gì? Dầu đó có thể đem bán lấy trên ba trăm quan tiền mà bố thí cho người nghèo”.

Camera vẫn lấy cận ảnh nhóm người ngày, cho thấy họ quay về phía Chúa Giê-su - cho thấy sau lung người phụ nữ, bà còn  đứng đó và hai tay cầm chặt bình dầu dốc ngược, tiếp tục trút,như muốn bình bạch ngọcđừng ngưng chảy…

Cận ảnh trở lại nhóm người bất bình: “Rồi họ gắt gỏng với cô”.

Camera lấy cận ảnh khuôn mặt Chúa Giê-su: vừa vui, vừa buồn, vừa ngán ngẩm vì những bộ mặt khó thương kia, và những lời khiếm nhã, họ nói trực tiếp với người phụ nữ, nhưng gián tiếp là xỉa xói Chúa Giê-su. Giọng cương quyết nhưng vẫn ôn tồn khoan dung, Chúa lên tiếng: “Cứ để cho cô làm. Sao lại muốn gây chuyện? Cô ấy vừa làm cho tôi một việc nghĩa. Người nghèo thì lúc nào các ông chẳng có bên cạnh mình, các ông muốn làm phúc cho họ bao giờ mà chẳng được! Còn tôi, các ông chẳng có mãi đâu! Điều gì làm được thì cô đã làm: cô đã lấy dầu thơm ướp xác tôi để chuẩn bị ngày mai táng. Tôi bảo thật các ông: hễ Tin Mừng được loan báo đến đâu trong khắp thiên hạ, thì nơi đó việc cô vừa làm cũng sẽ được kể lại để nhớ đến cô”.

Camera rời phòng tiệc, di chuyển lên Giê-ru-sa-lem, theo sau một người trong nhóm Mười Hai, đang mắt trước mắt sauqua những con đường hẻm quanh co, đi gặp các thượng tế.Họ nói chuyện thì thầm với nhau, đầy vẻ bí mật, rồi chia tay nhau với nụ cười vừa hiểm độc, vừa đắc thắng. Giu-đa hí hửng ra khỏi nhà thượng tế, nhìn trước nhìn sau, rồi cúi đầu bước nhanh như sợ có ai thấy.

Tôi đóng máy quay phim. Ta cùng coi lại đoạn phim “tập nghề”.

Bầu khí ở Giê-ru-sa-lem căng thẳng, thoáng mùi chết chóc. Phía nam núi cây dầu, tại làng Bê-ta-ni-a thì bầu khí tưng bừng vì có vị ngôn sứ nổi tiếng, Đức Giê-su, đang ở lại trong làng. Ông Si-môn Cùi (tất nhiên là một người cùi đã lành) tiếp đón Đức Giê-su tại nhà, mở tiệc mừng, có bạn bè, khách mời. Mọi người vui vẻ, hãnh diện vì được ngồi ăn với Đức Giê-su.

Ông Si-môn Cùi là ai ta cũng không biết, nhưng cái danh xưng kèm theo bệnh cũ gợi ta nhớ đến người cùi đã đón gặp Chúa Giê-su ngang đường, khi Chúa rời Ca-phác-na-um đi  khắp miền Ga-li-lê rao giảng, được Chúa giơ tay chạm vào ông và cho ông được lành. Thay vì đi trình diện tư tế như Chúa bảo, thì ông lại đi khắp nơi, kể cho mọi người biết Chúa đã chữa ông như thế nào, khiến Chúa không thể công khai vào thành nào, phải ở lại nơi hoang vắng (Mc 1, 40-45). Câu chuyện ấy đã gợi sự đối chiếu Đức Giê-su với người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa trongIs 52, 13-53, 12.

Hôm nay Chúa ở nhà một người đã từng bị bịnh phong và được khỏi, dù ông có phải là người đã được Chúa chữa lành hay không, ta vẫn thấy được sự liên hệ giữa hai người bịnh phong. Trong bài ca “người Tôi Tớ Đau Khổ”, Người trở nên như người [bịnh phong] không ai nhìn, vì Người đã mang lấy mọi bệnh hoạn tật nguyền và tội lỗi của chúng ta. Trong khung cảnh cái chết của Chúa Giê-su đã được giới lãnh đạo ở Giê-ru-sa-lem quyết định rồi, chỉ còn chờ dịp thuận tiện sắp tới, bữa tiệc ờ nhà ông Si-môn Cùi lại càng có ý nghĩa, chuẩn bị cho bữa tiệc Vượt Qua Chúa sắp ăn với các môn đệ nội hai ngày nữa.

Trong khi mùi tử khí đã bám theo Đức Giê-su, người phụ nữ xăm xăm bước vào với bình dầu thơm quý giá, từ cái “bình bạch ngọc” đến nội dung “dầu thơm cam tùng nguyên chất  thứ mắc tiền”, không sợ sệt, không so đo, không kịp mở bình dầu. Như một người nghiện rượu lâu ngày mới được một chai, không còn kiên nhẫn để mở, đập cổ chai rượu dốc một hơi vào cổ họng. Người phụ nữ này bưng bình dầu thơm ngang ngực đi vào, với trái tim đang bừng lửa yêu mến, không muốn mất thời giờ mở bình dầu quý gắn xi rất kỹ, nàng đập cổ bình bạch ngọc như để cho trái tim mình nổ tung theo bình dầu trên đầu Chúa Giê-su.

Một trái tim nổ tung vì yêu mến giữa một đám người ngơ ngác chẳng hiểu gì. Kẻ thì hít hà vì mấy khi được thưởng thức mùi thơm này. Nhưng mấy kẻ sành điệu “nghe mùi thơm biết giá tiền”, thì lên tiếng chỉ trích với lý do đạo đức: “Phí dầu thơm như thế để làm gì, sao không bán lấy trênba trăm quan tiền mà cho người nghèo”. Mới trước đó không lâu, Chúa Giê-su đã bảo người thanh niên giàu có bán hết gia tài đem cho người nghèo. Với gia tài của anh ấy thi chai dầu thơm này có là gì. Chúa chẳng bảo anh ấy cho người nghèo một phần, đem theo một phần giúp Chúa như nhóm phụ nữ đã làm. Chúa bảo anh ấy cho người nghèo hết, rồi đến theo Chúa, tay không. Hôm nay Chúa phải nghe cái giọng đạo đức này thật là khó chịu. Có vẻ như Chúa tự mâu thuẫn khi chấp nhận cử chỉ “phí phạm”của người phụ nữ này.

Chúa ôn tồn giải thích ý nghĩa.

Cô ấy vừa làm cho tôi một việc nghĩa. Bố thí cho người nghèo là một việc nghĩa. Chôn xác kẻ chết là việc nghĩa cuối cùng người ta có thể làm cho một người (x. chuyện ông Tô-bi-a). Sự thật hiển nhiên là “người nghèo thì các ông luôn có bên mình”. Sách Đệ nhị Luậtđã tiên liệu: “Tuyệt nhiên giữa anh em sẽ không có người nghèo, vì Đức Chúa sẽ chúc phúc dồi dào cho anh em… miễn là anh em thực sự nghe tiếng Đức Chúa mà lo đem ra thực hành… Nếu giữa anh em…  có một người nghèo, thì anhem đừng có lòng chai dạ đá…Vì trong đất của anh em sẽ không thiếu người nghèo, nên tôi truyền cho anh em: hãy mở rộng tay” (Đnl 15,4.7.11). Chúa Giê-su cũng là người nghèo ở giữa những người nghèo, Chúa và các môn đệ vẫn sống bằng của bố thí; bữa cơm này cũng là nhờ hảo tâm của ông Si-môn Cùi. Mới vài hôm trước Chúa bị đói khi từ Bê-ta-ni-a đi lên Giê-ru-sa-lem… Hơn nữa Chúa biết là cái chết thê thảm đã kề bên, nên Chúa nhận bình dầu thơm này như tẩm liệm sẵn. Chúa sẵn sàng chết như “Người Tôi Tớ của Thiên Chúa”, vì tội lỗi loài người, và người phụ nữ này như chấp nhận để Chúa chết cho mình. Chúa nhận bình dầu thơm này như việc nghĩa cuối cùng bà thay mặt cả nhân loại tội lỗi làm cho Chúa.

Điều gì làm được thì cô đã làm”.

Câu kết luận của Chúa đặt cô như tương phản với Giu-đa đang tìm dịp nộp Chúa, với lời cuối cùng của ông Phê-rô trong bữa Tiệc Ly: “Dù phải chết với Thầy con cũng không chối Thầy” (Mc 14, 31). “Con sẽ thí mạng con vì Thầy” (Ga 13, 37). Chúa còn đi xa hơn, Chúa gắn liền “nghĩa cử” này với Tin Mừng: “Hễ Tin Mừng được loan báo đến đâu trong khắp thiên hạ, thì nơi đó việc cô vừa làm cũng sẽ được kể lại để nhớ đến cô.” Người phụ nữ chúng ta không thấy mặt, không biết tên, được Chúa gắn liền với Tin Mừng. Tin Mừng loan báo đến đâu thì cũng cử hành Bí Tích Thánh Thể để nhớ đến Chúa, và kể chuyện này để nhớ đến cô: người phụ nữ đập vỡ bình bạch ngọc để trút thuốc thơm nguyên chất lên đầu Chúa. “Việc gì làm được thì cô đã làm”.

Đặt câu chuyện này ở đây với lời xác nhận của Chúa Giê-su, Mác-cô như dẫn chúng ta vào cuộc Thương Khó của Chúa, dạy chúng ta thái độ duy nhất khi chiêm ngắm cuộc Thương Khó của Chúa, là đem hết lòng yêu mến và biết ơn, vì: “Người đã yêu thương tôi và hiến mạng vì tôi”. (Gl 2, 20). Chẳng có thể làm gì hơn, vì chính Chúa đã quả quyết: “Việc gì làm được thì cô đã làm”.

Mác-cô giấu mặt, giấu tên cô, chỉ cho chúng ta thấy đôi tay và bình bạch ngọc… không phải chỉ để ta có thể đứng vào chụp hình, như kiểu khung hình bỏ trống trong địa chỉ điện thư, nhưng là để chúng ta cũng đem bình bạch ngọc và dầu thơm của mình ra, nhìn tay cô mà làm theo, với cả tâm tình bừng cháy như cô.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
  1. Trong sách Tin Mừng Mát-thêu

Mát-thêu đặt bối cảnh hơi khác, vì sách Tin Mừng này theo một mô hình đối chiếu giữa Chúa Giê-su và Mô-sê, giữa Giao Ước do Chúa Giê-su thiết lập bằng máu của Chúa, máu vừa để tha tội vừa để lập Giao Ước, hai yếu tố đan quyện vào nhau trong lời loan báo của Giê-rê-mi-a (31, 33-34). Mát-thêu gom lời giảng của Chúa Giê-su thành năm bài giảng, gợi lại Ngũ Thư của Luật Mô-sê. Mát-thêu đánh dấu kết thúc mỗi bài giảng bằng câu: “Khi nói(hoặc giảng, dạy) những lời ấy xong…” Khi kết thúc bài giảng thứ năm, Mát-thêu ghi: “Khi Đức Giê-su giảng dạy tất cả những điều ấy xong, Người bảo các môn đệ của Người rằng: Anh em biết còn hai ngày nữa là đến lễ Vượt Qua, và Con Người sắp bị nộp để chịu đóng đinh vào thập giá”. Câu chuyển tiếp và lời Chúa Giê-su loan báo rõ cho các môn đệ biết Chúa sẽ bị nộp và bị đóng đinh thập giá trong dịp Lễ Vượt Qua này, gợi lại chuyện thiếp lập Giao Ước Xi-nai trong sách Xuất Hành: “Ông Mô-sê chép lại mọi lời của Đức Chúa. Sáng hôm sau, ông dậy sớm, lập một bàn thờ dưới chân núi… Rồi ông sai các thanh niên trong dân It-ra-en dâng những lễ toàn thiêu, và ngả bò làm hy lễ cầu an. Ông Mô-sê lấy một nửa phần máu đổ vào những cái chậu, còn nửa kia thì rảy lên bàn thờ.Ông lấy cuốn sách Giao Ước đọc cho dân nghe. Họ thưa: Tất cả những gì Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo. Bấy giờ ông Mô-sê lấy máu rảy lên dân và nói: Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anhem, dựa trên những lời này” (Xh 24, 4-8).

Sau đó Mát-thêu mới kể cuộc họp của các thượng tế và kỳ mục tại nhà thượng tế Cai-pha và quyết định giết Chúa Giê-su.

Câu chuyện người phụ nữ và bình dầu thơm trong bữa ăn tại nhà ông Si-môn Cùi được kể theo kiểu tóm tắt, và chỉ có Chúa Giê-su với các môn đệ ở đó. Những kẻ phản đối chính là các môn đệ. Họ chỉ biết là chai dầu có thể bán được nhiều tiền chứ không ước lượng được bao nhiêu. Rõ ràng họ là dân quê, không phải dân sành điệu!

Chúa Giê-su lên tiếng bênh vực người phụ nữ, nhìn nhận việc nghĩa cô vừa làm. Chúa nhắc các môn đệ rằng người nghèo thì lúc nào họ cũng có bên mình, còn Chúa Giê-su thì không phảilúc nào cũng có. Chúa chết có một lần thôi. Kết luận, cũng như trong sách Tin Mừng Mác-cô, Chúa gắn việc nghĩa của cô với Tin Mừng.

Trong Tin Mừng Mát-thêu, toàn bộ câu chuyện này diễn ra trong bầu không khí giữa Chúa Giê-su với các môn đệ, lời giáo huấn cũng nhắm vào các môn đệ. Trong mạch văn thì chúng ta thấy từ khi kết thúc bài giảng thứ năm, Chúa Giê-su đã nói hết với dân chúng. Từ lúc này Chúa chỉ dạy dỗ và sinh hoạt riêng với các môn đệ của Chúa cho tới khi Chúa bị bắt. Như vậy câu chuyện bình dầu thơm này lại càng mang tính khẩn trương đối với môn đệ của Chúa. Họ vẫn chưa hiểu Chúa, dù Chúa đã báo rõ cho họ biết. Người phụ nữ không được biết về cái chết kề cận của Chúa, nhưng lại đã làm một việc nghĩa mà Chúa muốn mọi người nghe rao giảng Tin Mừng đều biết. “Tin Mừng này” là Tin Mừng về cái chết và sự phục sinh của Chúa để đem lại ơn tha tội và Giao ước Mới. Làm việc nghĩa cho người nghèo là điều Chúa đã dạy rồi, nhưng đừng quên Chúa cũng là Đấng đáng có phần trong việc nghĩa của chúng ta. Có người vin vào câu trong bài giảng liền trước đó, Chúa bảo “mỗi lần các ngươi làmnhư thế cho một trong nhữnganh em nhỏ bé nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40), mà nói: làm cho người nghèo là làm cho Chúa, khỏi cần phí tiền bạc, thời giờ đi nhà thờ nhà thánh, đọc kinh xem lễ… Ở Việt Nam người dân tộc ở gần người Việt cũng biết dắt con đi ăn xin. Nếu cho vào tay đứa con thì bà mẹ sẽ chìa tay bảo “còn tui”, nếu cho vào tay người mẹ thì bà sẽ chỉ đứa con mà bảo “còn nó nữa”. Chúa cũng dắt người nghèo đi xin, ta cho người nghèo mà lờ Chúa đi, Chúa sẽ bảo “còn tui nữa!” Nếu chỉ lo đọc kinh xem lễ, bỏ tiền xin khấn, Chúa sẽ chỉ người nghèo mà bảo “còn nó nữa!”
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 
 
 
 
  1. Trong sách Tin Mừng Lu-ca

Câu chuyện người phụ nữ và bình bạch ngọc đựng dầu thơm trong sách Tin Mừng Lu-ca diễn ra trong bối cảnh hoàn toàn khác với Mác-cô và Mát-thêu. Sau bài giảng “Các Mối Phúc”, Chúa Giê-su lại đi và bày tỏ lòng thương xót: vào Ca-phác-na-um, Chúa chữa người nô lệ của một đại đội trưởng; đi ngang Na-im, Chúa cho đứa con trai duy nhất của một bà góa sống lại; Chúa tiếp các môn đệ của ông Gio-an Tẩy Giả, nhân dịp nói về số phận ông Gio-an Tẩy Giả, Chúa than trách thế hệ của Chúa vì sự cứng lòng của họ. Nhưng có một an ủi cho Chúa, đó là một người Pha-ri-sêu có cảm tình với Chúa, mời Chúa về nhà dùng bữa.

Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pha-ri-sêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đàng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên”.

Chuyện thật bất ngờ. Một người phụ nữ tội lỗi trong thành;có lẽ như Đạm Tiên trong truyện Kiều… Nổi tiếng đến nỗi một ông Pha-ri-sêu vốn ghê tởm “phường tội lỗi”cũng biết mặt biết tên. Thế mà cô lại dám đường đột vào ngay nhà một ông Pha-ri-sêu, vì nghe biết Chúa Giê-su đang ở đó. Câu chuyện giả thiết là cô đã biết mặt Chúa Giê-su. Chẳng xin phép chủ nhà, cô bước thẳng vào nơi Chúa Giê-su đang nằm nghiêng mình để ăn, theo kiểu nhà giàu thời đó (vì ông Pha-ri-sêu mời). Cô làm như không có ai khác chung quanh. Cô đứng phía sau chân Chúa và để cho trái tim mình thổn thức tuôn trào qua suối lệ. Chưa bao giờ cô khóc như hôm nay. Nước mắt cô đã tưới ướt chân Chúa. Mái tóc đã làm cho bao người đàn ông mê mệt, bây giờ cô đem lau chân Chúa, và đổ dầu thơm thay nước mắt.

Mọi sự diễn ra vượt sức tưởng tượng của mọi người có mặt, chỉ mình Chúa Giê-su thản nhiên đón nhận. Ông Pha-ri-sêu thấy khó chịu, nhưng nể Chúa Giê-su nên ông cũng không can thiệp, tuy chẳng ai cấm được ông nghĩ trong lòng. Nhưng Chúa thấu suốt cả điều ông nghĩ trong lòng. Sự im lặng bắt đầu trở nên nặng nề.Chúa Giê-su lên tiếng ngỏ lời trực tiếp với chủ nhà, Chúa gọi đích danh ông: “Này ông Si-môn, tôi có điều muốn nói với ông”. Ông lễ phép thưa: “Dạ, xin Thầy cứ nói”.

Chúa Giê-su bắt đầu bằng một dụ ngôn thật dễ hiểu và đặt cho ông một câu hỏi cũng thật dễ trả lời, bởi là chuyện đương nhiên: một người nợ năm trăm, một người nợ năm chục, “cả hai cùng được chủ nợ thương tình tha cho. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn? Ông lễ phép khiêm tốn đáp: “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn”.
 “Rồi quay về phía người phụ nữ. Người nói với ông Si-môn”.
Tôi vào nhà ông, nước lã ông cũng không đổ lên chân tôi – còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau.

Ông đã không hôn mặt tôi một cái  -  còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi.

Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi - còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi.”

Chúa lập ngay một bản thống kê đối chiếu, mà mọi người có mặt, đã chứng kiến, đều theo được, khỏi cần bảng đen hay màn hình. Chúa đối chiếu ba cử chỉ theo phép lịch sự thông thường khi mời khách tới dùng bữa: đổ nước cho khách rửa chân – hôn mặt – đổ dầu ô-liu lên đầu cho mát. Ông Pha-ri-sêu tuy có cảm tình với Chúa, mời Chúa về nhà dùng bữa, nhưng lại không làm những cử chỉ theo phép lịch sự thông thường.

Chúa kết luận với chủ nhà: “Vì thế tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít”. Ông “biết một mà không biết mười”; ông biết người phụ nữ này là một người tội lỗi, nhưng ông không biết rằng tội chị ấy nhiều thật, nhưng đã được tha, và như thế ông cũng chưa biết thật sự Chúa là ai. Chúa tiếp tục cho ông và những người đồng bàn một bất ngờ khác lớn hơn nữa.

Rồi Đức Giê-su nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi”. Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: “Ông này là ai mà lại tha được tội?” Nhưng Đức Giê-su nói với người phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị, chị hãy đi bình an.”

Chúa biết họ nghĩ gì trong bụng. Chúa trả lời gián tiếp cho họ khi nói với người phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị”. Những người đồng bàn chưa tin vào Chúa, chưa nhận biết Chúa là ai thì làm sao hiểu được “Ông này là ai mà lại tha được tội?

Người ta hay thắc mắc: người phụ nữ này tỏ lòng yêu mến nhiềuvì đã được tha, hay vì đã tỏ lòng yêu mến nhiều mà được tha? Dụ ngôn Chúa đưa ra thì người được tha nhiều yêu mến nhiều. Người ta lại thắc mắc, bà ấy đã được tha hồi nào? Những thắc mắc ấy theo lý luận loài người, không có câu trả lời.

Trong dụ ngôn “người cha nhân lành và hai đứa con” (Lc 15, 11-32),khi đứa con hoang đàng đói khổ cùng cực quay về, tính xin làm tôi tớ trong nhà để được ăn no, người cha thấy nó từ đàng xa, chạy ra ôm lấy nó và hôn lấy hôn để, như chưa bao giờ được hôn con. Rồi người cha gọi tôi tớ: “Mau, đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu… Đi bắt con bê đã vỗ béo mà làm thịt”. Nó đã gom hết mọi thứ đem đi, áo đẹp nhất ở đâu ra, dép ở đâu ra, nhẫn ở đâu ra? Người cha đã sắm sẵn chờ nó về. Ông còn vỗ béo sẵn một con bê để ăn mừng nữa!Vậy thì đâu phải tới lúc nó về quỳ xuống xin tha người cha mới tha đâu! Ông đã tha cho nó rồi và chỉ mong nó về đón nhận ơn tha thứ.Ông vẫn chờ nó, nên mới thấy nó khi nó còn đàng xa.

Câu chuyện thánh Phê-rô cũng nói lên rõ ràng. Chúa bảo thánh Phê-rô: “Thầy đã cầu cho anh để  anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh”. Coi như Chúa đã tha cho thánh Phê-rô trước khi ông chối Chúa! Khi ông đã chối đủ ba lần, có tiếng gà gáy, đúng như Chúa đã báo trước, “Chúa quay lại nhìn ông. Ông nhớ lại lời Chúa đã nói. Ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết”.

Đức thánh Cha Phan-xi-cô nói chí lý: “Chúa không mệt vì tha thứ, chỉ có chúng ta mỏi không đi xin ơn tha thứ.”

Kết luận: Sách Tin Mừng Lu-ca là Tin Mừng của Lòng Thương Xót. Bình dầu thơm này là bình dầu thơm của lòng biết ơn, yêu mến và ca ngợi Lòng Chúa Thương Xót, như minh họa khúc ca mà Mẹ Maria đã xướng lên tại nhà bà Ê-li-sa-bét (Lc 1, 46-55),vang dội suốt sách Tin Mừng Lu-ca cho tới cuối: “Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỉ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa” (Lc 24, 52-53).

Sứ mạng Chúa trao cho các tông đồ là “rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi người ta sám hối để được ơn tha tội. Chính anhem là chứng nhân về những điều này” (Lc 24, 47-48). Các tông đồ rao giảng vàlàm chứng về Lòng Chúa Thương Xót, người phụ nữ với bình dầu thơm là bằng chứng, là lời khích lệ và là gương mẫu đón nhận Lòng Chúa Thương Xót.
 
 
 
 
 

 
 
  1. Trong sách Tin Mừng Gio-an

Sách Tin Mừng thứ tư cũng kể chuyện người phụ nữ với bình dầu thơm ở Bê-ta-ni-a, nhưng với khung cảnh khác và nhân vật có tên rõ ràng.

Con Chiên của Thiên Chúa, Con Chiên Vượt Qua

Khung cảnh thời gian: “sáu ngày trước lễ Vượt Qua”. Trong sách Xuất Hành, chỉ thị về lễ Vượt Qua dạy “ngày mồng mười tháng này, ai nấy phải bắt một con chiên cho gia đình mình, mỗi nhà một con. Nếu nhà ít người, không ăn hết một con, thì chung với người hàng xóm gần nhà mình nhất, tùy theo số người… Phải nhốt nó cho tới ngày mười bốn tháng này, rồi toàn thể cộng đồng It-ra-en đem sát tế nó vào lúc xế chiều. Lấy máu bôi lên khung cửa nhà có ăn thịt chiên. Còn thịt sẽ ăn ngay đêm ấy.” (Xh 12, 3-8). Vậy thì tính từ ngày nhốt riêng con chiên cho tới lúc ăn [Lễ Vượt Qua chủ yếu là ăn thịt con chiên Vượt Qua] là 6 ngày, vì It-ra-en tính ngày từ lúc mặt trời lặn đến mặt trời lặn hôm sau. Ngày nay cũng vậy, khi mặt trời lặn chiều thứ sáu thì còi hụ hay tù và báo hiệu bắt đầu ngày sa-bat, đến khi mặt trời lặn chiều ngày sa-bát thì lại có tù và hay còi hụ báo hết ngày sa-bat: người ta mở cửa bán hàng, mở cửa tiệm ăn.

Đức Giê-su đến làng Bê-ta-ni-a, nơi anh La-da-rô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Ở đó người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giê-su; cô Mác-ta lo hầu bàn, còn anh La-da-rô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. Cô Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực nức mùi thơm.”

Đây là bữa tiệc mừng Chúa Giê-su và cũng mừng La-da-rô đã chết thối trong mồ được Chúa cho sống lại. Mác-ta vốn là “chủ nhà kiêm đầu bếp” (giống như trong Lu-ca 10, 38-42). La-da-rô là nhân vật chính thứ hai trong bữa tiệc. “Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá” nghe gần giống như chuyện Mác-cô kể, nhưng Maria là người trong nhà chứ không phải người ngoài, và lấy một cân chứ không phải một bình; xức chân Chúa chứ không trút lên đầu. Cũng không khóc.

Cả nhà sực nức mùi thơm!” Khỏi nói cũng biết, một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất đổ lên chân Chúa thì hàng xóm cũng phải nghe thấy mùi thơm. Thế tại sao tác giả lại nêu lên?

Người lên tiếng phản kháng ở đây không phải là mấy vị khách sành điệu, nhưng là một trong nhóm Mười Hai: ông Giu-đa It-ca-ri-ốt, kẻ sẽ nộp Người.Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?”Ông cũng tỏ ra sành điệu, vì ông ra giá chính xác hơn: ba trăm quan tiền. Khách sành điệu của Mác-cô ra giá “trên ba trăm”, có lẽ tính cả bình bạch ngọc. Gio-an cho ta biết động lực thật của Giu-đa khi phản kháng như vậy: “Y nói thế không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung”.

Đức Giê-su lên tiếng đáp: “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anhem lúc nào cũng có; còn Thầy, anhem không có mãi đâu.” Chúa Giê-su bênh vực Maria, giải thích ý nghĩa và đón nhận việc cô làm là chuẩn bị mai táng Chúa,nhưng không nói đến việc câu chuyện này gắn liền với Tin Mừng.

La-da-rô, “Cục Cưng của Chúa” (Ga 11, 3) đã được Chúa dùng làm dấu chỉ rằng Chúa là Sự Sống lại và là Sự Sống. Người dưng nước lã tới xin chữa con sắp chết thì Chúa chữa liền từ xa (x. Ga 4, 46-54). Chúa đang lánh nạn vì bị đe dọa tính mạng, nhưng hai bà chị biết Chúa đang lánh nạn ở đâu (ở Bê-ta-ni-a bên kia sông, hai làng trùng tên, x. Ga 1, 28), và cho người đem tin tận nơi: “Cục Cưng của Thầy đang đau”. Gio-an cho biết thêm: “Đức Giê-su quý mến cô Mac-ta cùng hai người em là cô Maria và La-da-rô” (Ga 11,5). Những chi tiết này cho thấy ba chị em nhà này rất thân cận với Chúa Giê-su. La-da-rô là “Cục Cưng của Chúa”, nhưng khi được tin anh đau thì Chúa không chữa từ xa cũng không lên ngay, mà để cho anh chết, chôn; để hai bà chị khóc hết nước mắt, bốn ngày sau Chúa mới tới. Khi Chúa bảo mở cửa mồ thì Mác-ta bảo: bốn ngày rồi, có mùi rồi! Chúa gọi một tiếng, La-da-rô bật ra đứng ở cửa mộ, nguyên trong bộ đồ liệm…

Chúa đã giải thích trước cho Mác-ta: “Thầy là Sự Sống Lại và là Sự Sống”. La-da-rô chết thối trong mồ, Chúa gọi một tiếng là trỗi dậy, bật ra đứng ở cửa mộ. “Cục Cưng của Chúa”, Chúa mới cho tham dự vào cái chết và sự phục sinh của Chúa, để làm dấu chỉ cuối cùng; và những người Chúa thương mến Chúa mới cho khóc với Chúa.

Mỗi nhà bắt cho mình một con chiên”.Hôm nay là sáu ngày trước lễ Vượt Qua. “Con Chiên Thiên Chúa” đến nhà “Ba Cục Cưng”, được đánh dấu bằng dầu thơm để sát tế làm lễ Vượt Qua. Gio-an sẽ cho thấy Chúa Giê-su được Phi-la-tô trao cho các thượng tế để đem đi đóng đinh (Ga 19, 15-16). Theo luật thì con chiên Vượt Qua phải do tư tế trong Đền Thờ sát tế. Mười hai giờ trưa, người ta dắt chiên tới trao cho các tư tế và 3 giờ chiều bắt đầu sát tế. Philatô trao Chúa Giê-su cho các thượng tế “ngày áp lễ Vượt Qua, vào khoảng mười hai giờ”.

Gio-an theo đuổi đến cùng ý nghĩa Chúa Giê-su là Chiên Vượt Qua, khi nói đến việc không đánh dập xương, nhưng một người lính cầm lưỡi đòng đâm thủng cạnh sườn Chúa, máu và nước chảy ra, sau đó trích dẫn luật về chiên Vượt Qua: không được đánh giập cái xương nào (x. Ga 19, 53-57).

Chúa Giê-su là Vua

Đọc tiếp chương 20 của sách Tin Mừng này (như tôi đã trình bày ở bài trước) sẽ thấy bình dầu thơm ướp con chiên Vượt Qua của Thiên Chúa, là dạo đầu của Diễm ca, cuốn sách được coi là diễn tả mối tình và giao ước của Thiên Chúa. Chúa Giê-su là con chiên Vượt Qua mới và đổ máu lập Giao Ước Mới. “Cả nhà sực nức mùi dầu thơm” là câu móc nối với Dc 1, 12:

 “Lúc Quân Vương  ngự giữa nội cung, 
dầu cam tùng của tôi tỏa hương thơm ngát. 
Người tôi yêu là chùm mộc dược, 
nằm gọn trên ngực tôi.

Ông Ni-cô-đê-mô sẽ làm cho trọn câu thơ Diễm ca này khi đến tiếp tay ông Giô-xép táng xác : “Ông Ni-cô-đê-mô cũng đến, ông này trước kia đã tới gặp Đức Giê-su ban đêm. Ông mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương” (Ga 19, 39).

Trong sách Tin Mừng này Chúa Giê-su luôn nói về cuộc khổ nạn như là “giương cao”, tôn vinh. Trong cuộc khổ nạn, Phi-la-tô đóng vai người “dẫn chương trình” (MC) hơn là quan tòa. Ông đi ra nói với người Do Thái, đi vào nói với Chúa Giê-su. Ông hỏi Chúa Giê-su có phải là vua người Do Thái không. Saukhi nghe Chúa trả lời, ông đi ra tuyên bố “không có gì để kết án”, nhưng ông phạm sai lầm lớn khi nại đến thói quen phóng thích một người tù vào dịp lễ Vượt Qua để tha Đức Giê-su. Sao lại áp dụng lệ tha tù để buông một người mà chính ông không thấy có gì để  kết án! Họ đòi tha “Ba-ra-ba, là một tên cướp”đang ở trong tù.  Bị thua cuộc, Phi-la-tô xoay quanh bằng cách sai lính đem Đức Giê-su đi đánh đòn.

Bọn lính “tấn phong Vua người Do Thái” bằng một màn chế giễu. Phi-la-tô đắc ý, đi ra long trọng báo trước, rồi cho Chúa Giê-su đi ra và giới thiệu: “này là người”. Lời này có nhiều ý nghĩa. Như một câu hỏi: nhìn xem có còn phải là người nữa không? Lời này khiến chúng ta nhớlời trong bài ca người Tôi Tớ đau khổ: “Mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ người ta nữa” (Is 52, 14). Trong cách mà sách Tin Mừng này gợi nhớ A-dong khi kể về Chúa Giê-su trên thập giá và ngôi mộ trong vườn, thì lại nghe như lời giới thiệu: đây là A-dong mới đang được nặn thành. Trong cách Chúa Giê-su nói về cuộc Khổ nạn như sự tôn vinh, thì lời của Phi-la-tô lại làm ta nhớ tới lời sáchĐa-ni-ên 7, 14 nói về Con Người được dẫn tới trước mặt Đấng Tối Cao và được trao mọi quyền bính.

Đáp lời Phi-la-tô, người Do Thái nói thật lý do họ muốn giết Đức Giê-su: “Hắn bảo hắn là Con Thiên Chúa”. Phi-la-tô hoảng sợ, đi vào hỏi Chúa Giê-su: “Ông từ đâu đến?”. Nhưng tiếng hò la đe doạ cái ghế của ông cứ vang lên từ bên ngoài, ông quyết định làm một cử chỉ thách thức cuối cùng: ông đưa Chúa Giê-su ra, đặt ngồi trên ghế cao, rồi tuyên bố “Đây là vua các ngươi!”. Các thượng tế tuyên bố: “Chúng tôi chỉ có một vua là Xê-da-rê!” Phi-la-tô đã lật ngược thế cờ: tự dưng đám thượng tế đang đe dọa ông, lại tuyên bố tuyệt đối trung thành với hoàng đế Rô-ma. Công lớn của Phi-la-tô. Đức Giê-su trở thành con bài chủ của ông rồi. Ông trao Đức Giê-su cho các thượng tế đem đi đóng đinh. Ông cho viết bản án bằng ba thứ tiếng La-tinh, Hy-Lạp và Hip-ri: “Giê-su Na-da-rét Vua Người Do Thái”, đóng trên đầu thập-giá. Thế là cả thiên hạ biết ông đã đóng đinh được “Vua Người Do Thái”. Thấy mình bị Phi-la-tô “chơi xỏ”, các thượng tế phản đối.Nhưng bây giờ thì Phi-la-tô không sợ hãi, cũng không nể nang gì nữa: “Ta đã viết là ta đã viết”.

Phi-la-tô quả quyết Chúa Giê-su là Vua. Ông Ni-cô-đê-mô mang một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương để mai táng Chúa Giê-su. Quả là như mai táng một ông vua.

Đến đây nhìn ngược lại thì ta thấy một ý nghĩa quan trọng khác của “cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá” của cô Maria ở Bê-ta-ni-a: gợi lên việc Chúa Giê-su được xức dầu làm vua. Hôm sau Chúa vào Giê-ru-sa-lem, Chúa được đón tiếp và tung hô: “Chúa tụng vua It-ra-en” (Ga 12, 12-13). Và khi Chúa chết thì quan toàn quyền Phi-la-tô viết thành văn bản: “Giê-su Na-da-ret Vua Người Do Thái”, bằng hai thứ tiếng phổ thông trong đế quốc (Hy-Lạp và La-tinh) và tiếng điạ phương (Hip-ri) để mọi người qua lại có thể đọc được.

Kết luận

Mỗi sách Tin Mừng có một người phụ nữ với một bình dầu thơm.

Mỗi sách Tin Mừng cho một ý nghĩa khác.
Đọc mỗi sách Tin Mừng, ta hãy ráng hiểu cách nhìn về Chúa Giê-su và đời sống môn đệ, ta sẽ thấy phong phú và thú vị hơn.

Giê-ru-sa-lem, lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả 2016
L.M. Giuse Nguyễn công Đoan, S.J.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét