ĐỨC GIÊSU-KITÔ, TRƯỚC VÀ SAU BIẾN CỐ PHỤC SINH
Đối tượng của nỗ lực thăm dò của chúng tôi ở đây là “cái khoảng thời gian và không gian” thâm u, đầy bí hiểm và mầu nhiệm giữa Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh và Ngày Chúa Nhật Phục Sinh mà Đức Giêsu-Kitô đã trãi qua, với hy vọng qua đó khám phá ra được chút gì về căn tính của Đức Giêsu-Kitô trước và sau Biến cố Phục Sinh, để rồi nhờ đó hiểu được chút gì về căn tính cánh chung (identité eschatologique) của con người chúng ta, đặc biệt, những con người Kitô hữu, bởi vì con người vốn được tạo dựng nên “theo Hình Ảnh của Thiên Chúa” (St 1, 26-27; Rm 8, 29; 2 Cr 3, 18); thế mà, Hình Ảnh của Thiên Chúa lại chính là Đức Giêsu-Kitô (2 Cr 4, 4; Cl 1, 15)…
Nếu “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4, 8.16), điều đó có nghĩa căn tính của Thiên Chúa, của các Ngôi Vị Thiên Chúa, của Đức Giêsu-Kitô, Ngôi Lời Nhập thể, cả của con người vốn được tạo dựng nên “theo Hình Ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa” (St 1, 26-27) sẽ không thể nào hiểu được cách đầy đủ và trọn vẹn nếu như chỉ được xem xét trên cơ sở những khái niệm tĩnh tại (statique) như bản thể, bản tính và yếu tính của khuynh hướng Triết học của Aristote, mà còn cần phải dựa trên cơ sở của những mối tương quan sống động giữa các “đối tác”, bởi vì Tình Yêu hay Sự Sống Tình Yêu vĩnh hằng không phải là một “sự vật” (une chose) mà là tương quan giữa các “đối tác” (partenaires) với nhau trong Tình Yêu…
Đàng khác, nếu con người được tạo dựng nên “theo Hình Ảnh của Thiên Chúa” mà vốn là chính Đức Giêsu-Kitô, thì giữa căn tính của Đức Giêsu-Kitô trước và sau biến cố Phục Sinh và căn tính cánh chung của con người hẳn phải có những tương quan mật thiết với nhau, và là trung gian lẫn cho nhau, nghĩa là càng hiểu về căn tính đích thực của Đức Giêsu-Kitô, người ta sẽ càng hiểu được chính xác hơn về căn tính cánh chung (hay đã được cứu độ) của con người, và ngưọc lại…
I- CĂN TÍNH CỦA ĐỨC GIÊSU-KITÔ
Đức Giêsu-Kitô, trong ngôn ngữ thần học tín lý, vừa là Thiên Chúa thật vừa là con người thật. Thần tính và nhân tính của Ngài hợp nhất với nhau trên cơ sở bản vị hay ngôi vị của Ngài: và thần học gọi đó là mầu nhiệm ngôi hiệp (union hypostatique). Vì thế, trong thân phận “tự hủy” (Kénose), có thể nói rằng tất cả mọi tương quan giữa Đức Giêsu-Kitô với Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi đều phải được nhìn qua lăng kính mầu nhiệm ngôi hiệp nầy…
“Sở dĩ có được như vậy đối với sự siêu độ chúng ta, chính bởi vì Đức Kitô đã thực sự mang vào mình điều mà Ngài đã đến để siêu độ và đã chết cho (tức là nhân tính = toàn thể nhân loại : chú thích của tác giả [ctctg]). Ngài đã siêu độ điều mà Ngài đã tự hủy mình vào trong đó (nhân tính = nhân loại toàn thể : ctctg), tự hủy mình đến chết và chết trên thập giá. Ngài đã siêu độ điều mà chính Ngài đã nhận lấy như là của mình : Ngài đã siêu độ tất cả gì Ngài đã nhận lấy như là của mình; Ngài đã chỉ siêu độ điều mà Ngài đã nhận lấy như là của mình.” [1]
Công trình siêu độ diễn ra nơi Đức Giêsu-Kitô, Ngôi Lời nhập thể nầy, trên thực tế, là công trình chung của cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Và, có thể nói rằng toàn bộ hiện sinh của Đức Giêsu-Kitô đều mang tính cứu độ, bởi vì toàn bộ hiện sinh của Ngài đều thấm đẫm sự hiện diện của Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi, hay nói cách khác đều “thuộc linh”, đặc biệt nơi biến cố “thụ nạn”, chết và phục sinh…
Tuy nhiên, nói như vậy, không có nghĩa hiện sinh trần thế của Ngài không phải trãi qua những cám dỗ, những thử thách cam go. Suốt cuộc hiện sinh trần thế của mình, Đức Giêsu-Kitô cũng đã phải đối diện với những cám dỗ, những thử thánh : tương quan giữa “thần tính” và “nhân tính” vốn là một cuộc chiến đấu trường kỳ cho đến tận cái “giờ” của thập giá (Lc 4, 1-13; Mt 4, 1-11; Mc 1, 12-13; Lc 22, 42; Mt 26, 39; Mc 14, 35-36; Mt 27, 46), Và, cuộc chiến đấu nầy chỉ chấm dứt trên thập giá, khi mà Đức Giêsu-Kitô, cách trọn vẹn, dâng hiến cho Cha tất cả, chẳng trừ lại gì cho mình, vì Tình Yêu tuyệt đối của Ngài đối với Cha và với loài người chúng ta (Ga 19, 30) : đó chính là “giờ” chiến thắng khải hoàn của Tình Yêu dâng hiến, “giờ” Con Người được tôn vinh (Ga 12, 23; 13, 31; v.v…), “giờ” Con Người được nhận ra như là Thiên Chúa (Ga 8, 28), “giờ” Thiên Chúa được tôn vinh, “giờ” nhân tính của Đức Giêsu-Kitô hoàn toàn hợp nhất với thần tính của Ngài, “giờ” con người và Thiên Chúa giao hòa lại với nhau trong Đức Kitô, “giờ” con người được khôi phục lại dung mạo “là Hình ảnh của Thiên Chúa” trong Đức Giêsu-Kitô, “giờ” cái chết của Sự Chết, “giờ” tội lỗi bị đánh bại, “giờ” toàn thể nhân loại được siêu độ…
1- Trong tương quan với Cha
Trong thực tại nội tại của Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi, tương quan giữa Con với Cha là ngang hàng, bình đẳng, đồng bản thể, đồng bản tính, v.v… Nhưng trong thân phận Thiên Chúa Nhập thể và tự hủy “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta”, dù Đức Giêsu-Kitô, Ngôi Lời nhập thể, vốn được Cha sai đi, tự nguyện sống trong thân phận lụy phục Cha, tuân theo Thánh Ý của Cha, không toàn năng, không toàn tri, hoàn toàn như mọi người trong chúng ta, ngoại trừ tội lỗi (Pl 2, 6-8; Dt 4, 15), Ngài vẫn không khi nào thôi là Thiên Chúa, không khi nào thôi quan hệ mật thiết với Cha và với Thần Khí :
“Ta và Cha, chúng ta là Một” [= “Moi et le Père nous sommes un”] (Ga 10, 30).
“Nhưng Ngài đáp lại : ‘Thì tại sao tìm con ? Lại còn không biết là con phải ở nơi nhà Cha con sao ?’.” (Lc 2, 49).
“Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi : trước khi có Abraham, Ta chính là Ta” (Ga 8, 58).
Nhưng, trong thân phận nhập thể và tự hủy, Đức Giêsu-Kitô, Ngôi Lời Nhập thể đã chấp nhận “tình trạng mình phải trở thành” như thân phận loài người chúng ta:
“Cũng như Cha, Đấng hằng sống đã sai ta, và Ta sống bởi Cha…” (Ga 6, 57).
“Còn Hài nhi thì lớn dần và nên dũng mạnh, tràn đầy khôn ngoan. Và ân sủng của Thiên Chúa đậu trên Ngài.” (Lc 2, 40).
“Khi các ngươi nhắc Con Người lên cao, bấy giờ các ngươi sẽ biết : Chính là Ta, và tự Ta, Ta không làm gì; nhưng Cha đã dạy Ta làm sao, Ta nói vậy, và Đấng đã sai Ta ở với Ta; Ngài đã không bỏ Ta một mình, vì Ta hằng làm những sự đẹp lòng Ngài.” (Ga 8, 28-29).
“Ngài, phận là phận của một vì Thiên Chúa, nhưng đã không nghĩ phải giằng cho được chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa. Song Ngài đã hủy mình ra không, là lĩnh lấy thân phận tôi đòi, trở thành giống hẳn người ta; đem thân đội lốt người phàm, Ngài đã hạ mình thấp hèn, trở thành vâng phục cho đến chết, và là cái chết thập giá ! Bởi vậy, Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài !...” (Pl 2, 6-9).
“Dẫu là Con, Ngài đã phải đau khổ dãi dầu, mà học cho biết vâng phục. Và một khi thành toàn, Ngài đã nên nguyên nhân cứu rỗi đời đời cho những ai vâng phục Ngài…” (Dt 5, 8-9).
“Và vì chúng, Con xin hiến thánh mình Con, ngõ hầu chúng được tác thánh cách chân thật” (Ga 17, 19).
Mầu nhiệm Nhập thể và Tự hủy (Kénose), biến cố thụ nạn, sự tuân phục, cái chết, v.v…, tự chúng, không phải là mục đích, mà chỉ là phương tiện, công cụ để bày tỏ tình yêu của Đức Giêsu-Kitô đối với Cha và đối với loài người chúng ta : chính trong Tình Yêu mà tất cả hiện sinh của Đức Giêsu-Kitô mới mang tính siêu độ…
Tương quan giữa Đức Giêsu-Kitô, Ngôi Lời Nhập thể và Cha của Ngài mật thiết đến độ Ngài đã có thể khẳng định : “Ta sống bởi Cha” (Ga 6, 57; xem thêm Gl 2, 20). Thật vậy, Đức Giêsu-Kitô đã sống “bởi” và “theo” Thần Khí của Cha đến độ Ý của Cha trở thành Ý của Con, và Thần Khí của Cha trở thành Thần Khí của Con, và ngược lại…
2- Trong tương quan với Thần Khí Sự Sống
Cũng như trong thực tại nội tại của Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi, trong hiện sinh trần thế của Đức Giêsu-Kitô, Ngôi Lời Nhập thể, Thần Khí luôn hiện diện và đồng hành với Ngài, hướng dẫn Ngài, trong tư cách là Thần Khí của Cha, ngay từ khoảnh khắc nhập thể (Lc 1, 35) cho đến “giờ” của thập giá và phục sinh (Ga 19, 30): Ngài đã vâng Ý Cha hoàn hảo đến độ mà Ý Cha cũng đã trở nên là Ý của Con, và đã vâng theo Thần Khí của Cha đến độ Thần Khí của Cha cũng là Thần Khí của Con (Ga 4, 34; 5, 30; 6, 38-40). Và, trong tư cách là Thần Khí của Con, sau khi đã “giao nộp” tất cả, Thần Khí chính là “sở hữu” cuối cùng mà Con dâng hiến, giao nộp cho Cha, trong “giờ” của Thập giá. Đó chính là lúc mà Con, trong thân phận nhập thể, hoàn toàn sống sự sống mà Cha và Thần Khí trao ban : sự Sống Tình Yêu vĩnh hằng (Ga 6, 57), sự Sống Phục sinh, sự Sống cánh chung :
“Nếu chúng ta đi cho đến tận cùng những gì mà Ngôi Lời thông ban cho nhân tính của Ngài nơi việc tôn vinh mà Ngài đã dành cho xác thể của Ngài, chúng ta hẳn phải xoay ngược lại 180° công thức vốn gây gai chướng liên can đến các hành vi nhận làm của mình của các thầy dòng Scythes “Chính một Đấng trong Ba Ngôi Vị Thiên Chúa đã phải đau khổ trong xác thể của mình” (“Unus de Trinitate passus est carne”) thành ‘một trong chúng ta đang ngự tòa bên hữu Cha’. Đây qủa là hạn từ diễn tả được sự trao đổi diệu kỳ, Ngôi Lời nhập thể và được vinh thăng, anh cả của bầy em đông đúc, khi ngự tòa bên hữu Cha đã cùng dẫn vào với mình trong sự sống Thiên Chúa-Ba Ngôi cả một bầy con đông đúc. Do những tương quan đã được Ngôi Lời dệt nên giữa Ngài và chúng ta trên cơ sở nhân tính của Ngài vốn đồng bản thể với chúng ta, nơi Ngài, như chỉ một Đấng duy nhất mà thôi, chúng ta tiếp cận với Sự Sống Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi rất thánh.” [2]
Trong ngôn ngữ Thánh Kinh, nói chung, giữa các khái niệm về “sự sống”, hay về “sự chết”, hay về sự phục sinh và sống lại không hoàn toàn giống nhau, và vì thế không đồng nghĩa với nhau.
2.1- Thật vậy, trong Thánh Kinh bản Hy ngữ, có ba từ được sử dụng để chỉ về Sự Sống
- BIOS : từ nầy được Mc 12, 44 sử dụng nhằm diễn tả sự sống của con người xét như một cấu trúc sinh vật thể (vie du corps physique), bị khống chế bởi những qui luật vật lý, hoá học và không-thời gian (spatio-temporelles); theo ngôn ngữ của sách Sáng Thế : đó là con người “ađam” do từ bụi đất mà ra (xem St 2, 7); còn theo ngôn ngữ “tam tài” Đông phương: đó là yếu tố “Địa” (đất) nơi con người…
“…Vì mọi người đều lấy của dư bỏ vào, còn bà ấy thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để có thể tiếp tục sống còn.”
- PSUCHÈ : được Ga 10, 11.15.17 và 15, 13 dùng để chỉ về sự sống của con người xét như hữu thể có tự do để có thể chọn lựa nguyên lý sống cho mình, hoặc là “thuộc về Thần Khí” hoặc là “thuộc về xác thịt”, không hoặc ít bị khống chế bởi những qui luật vật lý, hóa học và không-thời gian; theo ngôn ngữ sách Sáng Thế : đó là con người “ađam” đã được Thiên Chúa hà hơi sống vào mũi nó và đã thành mạng sống (xem St 2, 7), vì thế, đó là một ân huệ Thiên Chúa ban cho; còn theo ngôn ngữ “tam tài” Đông phương : đó là yếu tố “Nhân” của con người…
“Vì những ai theo xác thịt, thì hứng về những điều thuộc xác thịt; còn những ai theo Thần Khí, thì (hứng về) những điều thuộc Thần Khí. Nhưng, hứng theo xác thịt là chết; còn hứng theo Thần Khí là sống và bình an. Vì chưng, hứng theo xác thịt là làm nghịch với Thiên Chúa, vì không phục tùng luật của Thiên Chúa, vả lại cũng vô phương làm thế.” (Rm 8, 5-7 tt).
“Không có tình yêu nào vĩ đại hơn là tình yêu của kẻ dám thí mạng sống mình vì người mình yêu mến.” (Ga 15, 13).
- ZOÉ : được Ga sử dụng ít nhất là 55 lần để chỉ về sự sống mà cái chết không thể nào đụng chạm tới được, vì theo Ga, đó chính là Sự Sống Thiên Chúa Tình Yêu, và Sự Sống đó chẳng có gì có thể làm cho biến dạng đi được hay hoàn toàn không thể bị khồng chế bởi những qui luật vật lý, hóa học và không-thời gian; theo ngôn ngữ sách Sáng Thế : đó là con người được tạo dựng nên “theo Hình Ảnh của Thiên Chúa” (St 1, 26-27); còn theo ngôn ngữ “tam tài” Đông phương : đó là yếu tố “Thiên” nơi con người…
“Ai yêu mạng sống mình (psuchè) thì mất, và ai ghét mạng sống mình (psuchè) ở đời nầy thì sẽ giữ được nó cho sự sống vĩnh hằng (zoé).” (Ga 12, 25).
2.2- Tương quan giữa ba “dạng thức sự sống” (bios, psuchè và zoé)
Như vậy, lối nhìn của Thánh Kinh bản Hy ngữ có vẻ như khá tương đồng với cách nhìn “tam tài” của những người Đông Phương cổ : đối với những người Đông Phương cổ, con người cánh chung (thành nhân = quân tử) là tổng thể của những tương quan “Thiên-Địa-Nhân hòa” (hay nói theo ngôn ngữ của Raimon Panikkar SJ là “cosmothéandrique” [3]), và đó cũng là cái nhìn của 11 chương đầu của Sách Sáng Thế của Do Thái giáo.
Tuy nhiên, ở đây, cần lưu ý rằng lối nhìn “tam tài” vốn là biến thể của lối nhìn “âm-dương”. Thế mà, trong triết lý âm-dương của người Đông Phương cổ, có hai qui luật cơ bản :
- Qui luật “thành tố” : không có gì hoàn toàn âm hoặc hoàn toàn dương, trong âm có dương và trong dương có âm.
- Qui luật về “quan hệ” : Âm và dương luôn gắn bó mật thiết với nhau và chuyển hóa cho nhau : âm cực sinh dương, dương cực sinh âm [4].
Vì thế, nếu nói theo ngôn ngữ “tam tài” và “âm-dương”, phải chăng cũng có thể nói rằng trong “nhân” (psuchè) luôn luôn có “thiên” (zoé) và “địa” (bios), và trong “địa” (bios) luôn có “thiên” (zoé) và “nhân” (psuchè), và trong “thiên” (zoé) (trong thân phận nhập thể) cũng có “nhân” (psuchè) và “địa” (bios)… ? (xem Ga 1, 3; Cv 17, 28).
Trên cơ sở đó, chúng tôi cho rằng Ngôi vị của Đức Giêsu-Kitô, vì trong thân phận Ngôi Lời Nhập Thể, là một Ngôi vị cánh chung (Personne eschatologique), nên mang trong mình ba dạng thức sự sống (bios, psuchè, zoé), hoàn toàn giống như loài người chúng ta, ngoại trừ tội lỗi (Dt 4, 15), và ba dạng thức sự sống nầy dù tương quan mật thiết với nhau, nhưng vẫn có thể “trụ tồn ” (subsistent) cách riêng rẽ (xem Lc 23, 43; Ga 15, 13)…
Ở đây, như một thử nghiệm, chúng tôi mạo muội đề xuất một lối nhìn về căn tính của Đức Giêsu-Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, và kể cả căn tính cánh chung của con người và vũ trụ, trên cơ sở của triết lý “tam tài” vốn là gia sản của các tiền nhân của chúng ta, như một đóng góp nhỏ mọn nhằm đáp ứng lời kêu gọi của Hội Đồng Giám Mục Á Châu và kể cả của Hội Đồng Giám mục Việt Nam đã gửi đi từ khá lâu là hội nhập Tin Mừng vào nền Văn hoá bản địa…
2.3- Ba “dạng thức sự sống” nơi Đức Giêsu-Kitô
Trong tư cách là Ngôi Lời Thiên Chúa Nhập thể, trở thành người hoàn toàn như tất cả chúng ta, ngoại trừ tội lỗi (Dt 4, 15), Đức Giêsu-Kitô hẳn cũng mang trong mình ba dạng thức sự sống : sự sống của con người xét như cấu trúc sinh vật thể (Bios), sự sống của con người xét như hữu thể có tự do có thể chọn lựa sống theo Thần Khí hay sống theo xác thịt (Psuchè), và sự sống vĩnh hằng của con người sống Tình yêu của Thiên Chúa (Zoé).
Tuy nhiên, khác với chúng ta, vốn luôn mang trong mình khả năng phạm tội và cả những hành vi tội lỗi (Rm 5, 12-14), ở nơi Đức Giêsu-Kitô, dù trong thân phận Ngôi Lời Nhập Thể, vẫn không bao giờ phạm tội (Rm 5, 15-17; Dt 4, 15), ba dạng thức sự sống nầy hòa hợp được với nhau như là một để làm nên căn tính cánh chung của Ngài (identité). Trong toàn thể nhân loại, có lẽ chỉ có Đức Giêsu-Kitô và Mẹ của Ngài, Đức Maria là có được tình trạng hòa hợp trọn vẹn và hoàn hảo nầy ngay trong hiện sinh trần thế. Trong ngôn ngữ “tam tài” Đông Phương, vì thế, có thể nói rằng, nơi Đức Giêsu-Kitô và Đức Maria, Mẹ của Ngài, tình trạng “Thiên (Zoé)-Địa (Bios)-Nhân (Psuchè) hòa” đã đạt được tình trạng viên mãn ngay trong hiện sinh trần thế của các Ngài : tình trạng “thái hòa”. Đó là tình trạng mà trong ngôn ngữ Thánh Kinh được gọi là “luôn luôn tuân theo Thánh Ý Thiên Chúa” hay luôn luôn sống theo Thần Khí của Cha (xem Mt 6, 10; 26, 39; Ga 4, 34; Lc 1, 38; v.v…)…
Hay nói cách khác, đó là lúc lời ước nguyện của Kinh “Lạy Cha” trở thành hiện thực :
“Nguyện Danh Cha cả sáng; Nước Cha trị đến; Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên Trời” (Mt 6, 9-10).
Vì thế, có thể nói rằng Đức Giêsu-Kitô Phục Sinh chính là hiện thân của thực tại “tam tài” “Thiên-Địa-Nhân hòa” nầy, và cả Đức Maria nữa, trên cơ sở được “hưởng nhờ” (par participation) ơn cứu độ của Con Ngài là chính Đức Giêsu-Kitô. Đó có lẽ chính là lý do giải thích tại sao không cần phải đợi chờ đến ngày Quang Lâm, thân xác của Đức Giêsu-Kitô phục sinh và của Mẹ Maria đã được đưa ngay về trời một ít thời gian ngay sau khi “chết”…
2.4- Hai “dạng thức chết”
Trong ngôn ngữ Thánh Kinh, có hai “dạng thức chết” : sự chết của con người sống theo xác thịt (psuchè) và sự chết của con người xét như cấu trúc sinh vật thể (bios).
- Sự chết của con người sống theo xác thịt :
“…vì nầy con ta đây đã chết mà nay lại hoàn sinh, đã mất đi mà lại tìm thấy được” (Lc 15, 24.32).
Đứa con út trong dụ ngôn nầy (Lc 15, 11-32), trên cơ sở con người thể lý vật chất, rõ ràng là vẫn còn sống, nhưng đã chết, đã mất đi, trên cơ sở con người sống theo xác thịt. Và, nay nó hoàn sinh, được tìm thấy, vì đã từ bỏ cuộc sống cũ “xa cha”, “xa nhà”, “xa quê hương”, để quay trở về với cha mình, với anh em mình…
Như vậy, hậu quả chính của sự chết của con người sống theo xác thịt là sự xa cách trong tinh thần, trong tình yêu : xa cách Thiên Chúa, xa cách tha nhân, xa cách thiên nhiên vũ trụ và xa cách cả đối với bản thân mình…Có thể cùng chung sống bên nhau, cùng tồn tại bên nhau, nhưng vẫn không là gì đối với nhau, không hiện diện đối với nhau…
“Nhưng hứng theo xác thịt là chết; còn hứng theo Thần Khí là sống và bình an. Vì chưng, hứng theo xác thịt là làm nghịch với Thiên Chúa, vì không phục tùng luật của Thiên Chúa, vả lại cũng vô phương làm thế. Những ai theo xác thịt không thể làm hài lòng Thiên Chúa. Nhưng, anh em không theo xác thịt, mà là Thần Khí, nếu thực có Thần Khí Thiên Chúa cư ngụ trong anh em. Ai không có Thần Khí Đức Kitô, kẻ ấy không thuộc về Ngài. Nhưng, nếu Đức Kitô ở trong anh em, thì tuy thân xác vẫn là đồ chết, vì tội, nhưng Thần Khí là sự sống vì đức công chính. Nếu Thần Khí của Đấng đã cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết cư ngụ trong anh em, thì Đấng đã cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết cũng sẽ tác sinh thân xác chết dỡ của anh em, nhờ bởi Thần Khí của Ngài cư ngụ trong anh em.” (Rm 8, 6-11).
- Sự chết của con người xét như cấu trúc sinh vật thể :
“…sau đó, Ngài lại bảo họ : ‘Lazarô, người bạn của chúng ta đã nghỉ yên; Ta phải đi đánh thức dậy !’ […]. Đức Giêsu có ý nói ông ấy đã chết, nhưng họ tưởng Ngài nói ông ấy đã ngủ được một giấc yên. Bấy giờ, Ngài nói trắng ra với họ : ‘Lazarô đã chết…’.” (Ga 11, 11.13-14).
Hậu quả của cái chết của con người thể lý vật chất, đã hẳn, cũng là những sự xa cách, nhưng trên cơ sở không-thời gian : không còn được nhìn thấy nhau, được sống chung với nhau, được yêu nhau, được bày tỏ với nhau, v.v… Trên cơ sở “thuộc linh” thì không hẳn vậy, bởi vì có trường hợp chết về mặt thể lý vật chất, nhưng trên cơ sở “thuộc linh”, vẫn còn đang sống (Mt 22, 31-32; Mc 12, 26-27; Lc 20, 37-38; 23, 43) :
“Còn về sự kẻ chết sống lại, các ông đã không đọc lời Thiên Chúa đã phán cùng các ông sao ? : Ta là Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, và Thiên Chúa của Giacóp ! Ngài không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của người sống !” (Mt 22, 31-32).
Ở đây, cũng có thể hiểu rằng Abraham, Isaac, Giacóp, tuy đã chết về mặt thể lý vật chất, nhưng trên cơ sở thuộc linh, vẫn còn đang sống…
“Quả thật, Ta bảo ngươi : Hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta !” (Lc 23, 43).
Điều lạ lùng ở đây, là Đức Giêsu tuyên bố cả hai “ngay hôm nay sẽ ở trên thiên đàng”, thế nhưng trong khi đó thì thân xác của cả hai ngay ngày hôm đó sẽ chết: thân xác của Đức Giêsu thì ngày thứ ba sẽ được phục sinh, còn thân xác của người “trộm lành” thì có lẽ còn phải đợi cho đến Ngày Quang Lâm (!)…Điều nầy cho thấy dù trong thân phận là người hoàn toàn như chúng ta, Đức Giêsu (và cả con người nơi dung mạo người trộm lành), dù thân xác đã chết (bios), vẫn có thể “sống” Sự Sống Tình Yêu vĩnh hằng trong tương quan của Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi (psuchè và zoé).
2.5- Nơi Đức Giêsu-Kitô, có ba “dạng thức sống”, nhưng chỉ có một “dạng thức chết”
Như đã trình bày ở trên, nơi Đức Giêsu-Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, có ba dạng thức sống : sự sống của con người xét như cấu trúc sinh vật thể (bios), sự sống của con người xét như hữu thể có tự do có thể chọn lựa sống theo Thần Khí hay theo xác thịt (psuchè), sự sống vĩnh hằng của Tình Yêu Thiên Chúa (zoé)…
Trên cơ sở sự sống Tình Yêu vĩnh hằng (Zoé), Đức Giêsu-Kitô không thể nào chết được, vì Ngài chính là Thiên Chúa-Tình Yêu. Trên cơ sở sự sống “thuộc linh” của con người mang trong mình xác thịt (Psuchè), Đức Giêsu-Kitô cũng không thể nào chết, bởi vì Ngài không bao giờ phạm tội, thế mà tội mới là nguyên nhân của sự chết “thuộc linh” (Rm 5, 12-21). Đức Giêsu-Kitô sống trong xác thịt, nhưng không sống theo xác thịt…
Như vậy, Đức Giêsu-Kitô chỉ có thể đã chết trên cơ sở con người xét như là cấu trúc sinh vật thể (la mort du corps physico-chimique), và đây là một sự chết thực sự của con người sống sự sống của sinh vật thể (Bios). Vì thế, vấn đề phục sinh Đức Giêsu-Kitô sẽ được đề cập đến bắt đầu từ hiện trường cái chết nầy…
3- Sự Phục sinh Đức Giêsu-Kitô
Trên cơ sở bởi vì, nơi Đức Giêsu-Kitô, Ngôi Lời Nhập thể, và cả nơi con người, vốn được tạo dựng nên “theo Hình Ảnh của Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa”, có những dạng thức sống và chết khác nhau, nên việc xác định trên thập giá : “Ai chết ?” và rồi sau đó : “Ai sống lại ?” là những vấn đề hết sức phức tạp.
Thật vậy, khi đặt những vấn đề : “Ai chết ?” và “Ai sống”, trong ngôn ngữ triết học và thần học truyền thống, người ta thường hay nghĩ ngay tới vấn đề “bản ngã”, theo nghĩa là “cái Tôi được xác định bởi khái niệm bản thể” (le Moi substantif), hay “cái Tôi theo nghĩa như một cá thể người” (le Moi humano-corporel)…
Thế nhưng, khi nghiên cứu kỹ Thánh Kinh, người ta nhận ra rằng căn tính của Đức Giêsu-Kitô, Ngôi Lời Nhập thể và căn tính của con người là những căn tính có tính cánh chung, tương quan (relationnelle), “tam tài” (Thiên-Địa-Nhân hòa”)…Sở dĩ như thế, bởi vì cái làm nên căn tính các ngôi vị hay ngã vị (personnes) là Tình Yêu, tức là tương quan giữa các “đối tác” (partenaires) trong Tình yêu. Một thực tại “sống” và “động” như thế không thể nào có thể phản ảnh hết được chỉ bởi những khái niệm tĩnh tại, danh tính (substantif) như bản thể, bản tính hay yếu tính, mà phải được phản ảnh, chí ít, qua những khái niệm ngôi vị hay ngã vị (personne), bởi vì, cũng như trong Thần học về Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi, những khái niệm ngôi vị trong cùng lúc có thể vừa bao hàm những khái niệm bản thể, bản tính, yếu tính, vừa bao hàm những khái niệm tương quan, mà theo chúng tôi ở đây là những tương quan tam tài “Thiên-Địa-Nhân hoà”, xét như là “Ngã vị tam tài” (le Je “cosmothéandrique”)…
Đàng khác, trong ngôn ngữ Thánh Kinh, nội hàm ý nghĩa của các khái niệm “phục sinh”, “tái sinh”, “sống lại” và “trỗi dậy hay chỗi dậy”, v.v… không phải bao giờ cũng đồng nghĩa với nhau. Thật vậy, thí dụ : sự phục sinh hay sống lại của Đức Giêsu-Kitô không hoàn toàn giống với sự sống lại của Lazarô (Ga 11, 1-44), hay của đứa con trai của bà góa thành Naim (Lc 7, 11-17), vì sự Phục sinh hay sống lại nơi Đức Giêsu-Kitô khiến cho Ngài “đã lên ngự mãi mãi bên hữu Thiên Chúa” (Dt 10, 12), còn Lazarô và đứa con trai của bà góa thành Naim dù đã được cho sống lại, nhưng sau đó rồi cũng phải chết như mọi người trong chúng ta…
Vậy thì vấn đề được đặt ra ở đây là từ Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh cho đến Ngày Chúa Nhật Phục Sinh, nơi Đức Giêsu, đã xãy ra những gì ?
3.1- “Giờ Thập giá”, “Giờ” Thiên Chúa và con người được tôn vinh
“Lạy Cha, giờ đã đến ! xin hãy tôn vinh Con Cha, ngõ hầu Con Cha tôn vinh Cha ! Như Cha đã ban cho Ngài quyền trên mọi xác phàm, ngõ hầu toàn thể những gì Cha đã ban cho Ngài, thì được Ngài ban cho sự sống vĩnh hằng. Sự sống vĩnh hằng tức là : chúng nhận biết Cha, Thiên Chúa độc nhất và chân thật, và Đấng Cha đã sai, Giêsu-Kitô. Con đã tôn vinh Cha dưới đất, đã chu toàn công việc Cha giao phó cho Con làm. Và bây giờ xin Cha tôn vinh Con nơi Cha, trong vinh quang Con đã có nơi Cha trước khi có thế gian.” (Ga 17, 1-5).
“Khi các ngươi nhắc Con Người lên cao, bấy giờ các ngươi sẽ biết : Chính là Ta, và tự Ta, Ta không làm gì; nhưng Cha đã dạy Ta làm sao, Ta nói vậy, và Đấng đã sai Ta ở với Ta; Ngài đã không bỏ Ta một mình, vì Ta hằng làm những sự đẹp lòng Ngài.” (Ga 8, 28-29).
Tại sao “giờ” của Thập giá, của đau thương, khổ nhục, của thất bại, của chềt chóc lại được gọi là “giờ” của vinh quang, của chiến thắng, khải hoàn ? Bởi vì đó là “giờ chiến thắng” của Tình Yêu, Tình Yêu dâng hiến, chiến thắng một cách tuyệt đối, trọn vẹn, một lần thay cho tất cả.
Thật vậy, nơi nhân tính của Ngài mà vốn là hiện thân của toàn thể nhân loại mọi nơi và mọi thời, và mà Ngài đã nhận là của mình (appropriation), tội lỗi, sự chết, satan, ma qủi…đã bị đánh bại, đã bị tiêu diệt bởi Tình Yêu dâng hiến (Ga 12, 32). Và, điều đó có nghĩa là ở nơi nhân tính của Ngài, tội lỗi, satan, ma qủi, sự chết bị đánh bại, vì thế, đó là cái chết của Sự Chết, chứ không phải là sự chết của nhân tính của Ngài (xem Dt 10, 11-14)…
Chính nơi giây phút khi mà trên Thập giá Đức Giêsu dâng hiến tất cả những gì Ngài có và những gì Ngài là cho Cha của Ngài và “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta”, đó chính là khoảnh khắc của chiến thắng, của vinh quang của Tình Yêu, tức cũng là của chính Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Ga 4, 16; 15, 13). Đó chính là “giờ” chiến thắng của con người sống theo Thần Khí đối với con người ưa thích chiều theo xác thịt, hay nói cách khác, đó chính là “giờ chết” của Sự Chết (xem Rm 7, 14-23; 8, 5-11; 1 Pr 3, 18). Hay, nói theo ngôn ngữ Kitô học, đó chính là “giờ” mà nhân tính của Đức Giêsu-Kitô hòa hợp cách hoàn hảo nhất với thần tính của Ngài. Còn nói theo ngôn ngữ Đông phương, đó là “giờ” mà thực tại tam tài “Thiên-Địa-Nhân” được hòa hợp một cách trọn vẹn. Đó là “giờ” mà con người, trong nhân tính của Đức Giêsu-Kitô, giao hòa lại với Thiên Chúa nơi thần tính của Đức Giêsu-Kitô, với tha nhân, với thiên nhiên vũ trụ, và với cả chính bản thân mình (con người tìm lại được căn tính của mình : identité) : những tương quan nguyên thuỷ của “vườn địa đàng”…
Tóm lại, đối với Đức Giêsu-Kitô, “giờ thập giá” đó chính là khoảnh khắc mà sau khi đã dâng hiến tất cả (kénose), Ngài đã nhận lại được tất cả tử Cha (xem Ga 17, 1-5.10)…
3.2- Đức Giêsu-Kitô trong khoảng thời gian từ “giờ Thập giá” đến Ngày Chúa Nhật Phục sinh
Trong ngữ cảnh của câu chuyện Lazarô được làm cho sống lại (Ga 11, 1-44), khi Đức Giêsu nói : “Phục sinh và Sự Sống, chính là Ta !” (Ga 11, 25), điều đó, một đàng, có nghĩa có một sự phân biệt giữa hai khái niệm “sống lại” và “sự sống” và, đàng khác, có nghĩa nơi Đức Giêsu-Kitô trong cùng lúc có thể tồn tại tình trạng nghịch thường vừa “chết” mà lại vừa “sống”. Thật vậy, như chúng tôi đã có lưu ý trên đây, trong khoảng thời gian từ cái chết ở trên thập giá cho đến khi được phục sinh, một đàng, trong tư cách con người xét như sinh vật thể, Ngài đã chết, và cái xác thể mà Ngài đã nhận như là của mình (appropriation) đó vẫn nằm trong mộ đá, cho đến “ngày thứ ba” mới được phục sinh; đàng khác, trong tư cách con người luôn sống theo Thần Khí, Đức Giêsu-Kitô, dù thân xác chết, nhưng vẫn sống sự sống vĩnh hằng (xem Mt 22, 31-32 và ss; Rm 8, 1-4), và chính vì thế, trong khoảng thời gian đó, Đức Giêsu-Kitô mới có thể “nhân cơ hội, đã đi rao giảng cho các vong linh trong ngục” được (1 Pr 3, 19). Đây là điều không thể nào hiểu được trong chân trời khái niệm “bản ngã” tĩnh tại (statique) của triết học và thần học Kinh viện vốn lập căn trên triết học của Aristote và được coi như là “cái Tôi trên cơ sở bản thể” (le Moi substantif), đã được xác định sẵn, đã “hoàn tất”, không có gì phải biến đổi, không có gì để trở thành, phi lịch sử… Nơi Đức Giêsu-Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, căn tính của Ngài là một thứ căn tính cánh chung, căn tính “tam tài” (Thiên-Địa-Nhân hòa = “cosmothéandrique”), và vì thế là một căn tính “động” và “hằng sống”, vừa “đã hoàn tất” (déjà) [nơi chính Ngài] vừa “đang đang bắt đầu” (pas encore) [nơi nhân loại được hiểu vừa theo nghĩa cá thể vừa theo nghĩa tập thể]. Vì thế, khái niệm “cái Tôi trên cơ sở bản thể” hay “bản ngã” của triết học mang màu sắc Kinh viện không đủ khả năng “cáng đáng” được căn tính cánh chung và “tam tài” nầy. Cần phải sử dụng một khái niệm khác có tính năng động và “mở” hơn, như “Ngôi Vị hay Ngã vị tam tài”, chẳng hạn, khi liên quan đến Đức Giêsu-Kitô, Ngôi Lời Nhập thể…
Cái kinh nghiệm thuộc linh mà Thánh Phaolô đã cảm nghiệm được : “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20) có lẽ sẽ có thể giúp chúng ta hiểu được phần nào vấn đề căn tính hay ngã vị tam tài nầy. Tình trạng “vừa là tôi”, “vừa là Đức Kitô” chỉ có thể hiểu được trong chân trời hai ngã vị nầy hợp nhất với nhau nên một, như khi Đức Giêsu khằng định :
“Ta với Cha là một” (Ga 10, 30).
“…Ai đón nhận kẻ Ta sai đến, là đón nhận Ta, và ai đón nhận Ta, tức là đón nhận Đấng đã sai Ta” (Ga 13, 20).
“Ta sống bởi Cha” (Ga 6, 57)…
Ở đây, sự phân biệt giữa những ý niệm “Tôi” (Je), “Anh” (Tu) và “Nó” (Il) cõ lẽ chỉ là tương đối (notions relatives), bởi vì đó vốn là những ý niệm ám chỉ những tương quan (notions relationnelles)…
Những hình ảnh “Thân nho và nhánh nho” (Ga 15, 5) hay “Thân mình của Đức Kitô : Đức Kitô và các chi thể” (Rm 12, 4.5; 1 Cr 10, 17; 12, 12.14-27) nhằm để diễn tả những tương quan giữa Đức Giêsu-Kitô và con người, cũng đi theo chiều hướng ý nghĩa đó…
Chính vì thế, theo thiển ý, nơi Đức Giêsu-Kitô, không nên đặt vấn đề cách chung chung và theo kiểu thông thường như từ trước đến nay người ta vẫn thường làm : “Ai chết ?” và “Ai sống lại hay Ai phục sinh ?”, mà là : “Sự sống nào chết và được phục sinh ?”; hay “Cái chết của Sự Chết nào ?” và “Sự phục sinh cho sự sống nào ?”, v.v…
3.3- Đức Giêsu-Kitô phục sinh
Trong biến cố Thập giá và Phục sinh, sự sống nào của Đức Giêsu đã chết và đã được phục sinh ?
a) Trước tiên, nơi Đức Giêsu-Kitô phục sinh, sự sống của con người “psuchè” và sự sống của con người “zoé” hợp nhất với nhau nên một và tràn ngập Thần Khí, vì thế, không thể nào “chết” được. Và chính trong nhân tính khải hoàn đó của Đức Giêsu-Kitô mà toàn thể nhân loại chúng ta mọi nơi và mọi thời cũng được phục sinh (Dt 10, 12-14; 11, 39-40). Hay nói theo ngôn ngữ Kitô học, nhân tính của Ngài hòa hợp cách trọn vẹn với thần tính của Ngài, tức là được thần linh hoá, được thánh hoá bởi Thần Khí của Ngài và được tham dự vào sự sống mới của Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi, hay nói cách khác, được khôi phục lại là “Hình Ảnh của Thiên Chúa” : theo ngôn ngữ kinh điển, đó là “được siêu độ”…
b) Thứ đến, liên quan đến con người “ađam” (bios) nơi Đức Giêsu-Kitô. Hầu như tất cả các tường thuật của Tân Ước về biến cố Phục sinh đều cho chúng ta có cảm tưởng là có cái gì đó vừa giống vừa không giống nơi Đức Giêsu phục sinh so với Đức Giêsu tiền phục sinh…
b.1- Thật vậy, thân xác của Đức Giêsu-Kitô phục sinh bề ngoài vẫn như trước, cùng với những dấu đinh đâm thâu qua và vẫn ăn vẫn uống như người thường (xem Ga 20, 27; Lc 24, 36-43), nhưng tự bên trong đã được biến đổi một cách sâu xa, để cùng với thân xác đó từ nay, vượt ra ngoài sự khống chế của những qui luật vật lý và không-thời gian, Ngài có thể hiện diện trong cùng lúc khắp mọi nơi và mọi thời, và để “ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20; xem thêm Pl 2, 8-11; Ga 20, 19.26; Lc 24, 31.36.51).
Nhưng, ở đây, cũng cần lưu ý rằng tình trạng không bị khống chế bởi những qui luật vật lý và không-thời gian nầy đã có nơi Đức Giêsu tiền phục sinh (Ga 6, 19; Mc 7, 49-50; Mt 14, 25-26). Và, các Tông đồ và các môn đệ của Đức Giêsu-Kitô, sau khi Ngài đã phục sinh và thăng thiên, ngoài khả năng thoát khỏi sự không chế của những định luật vật lý và không-thời gian (Cv 8, 39-40), họ còn có cả những quyền năng gần giống như Thầy của họ khi còn “tại thế” (Ga 14, 12-14; Cv 5, 12-16; 9, 32-42; v.v…). Có vẻ như tất cả quyền năng mà Đức Giêsu-Kitô có đều do Thần Khí của Cha, và tất cả quyền năng mà các Tông đồ và các môn đệ của Ngài có đều do Thần Khí của chính Ngài, tức là Thần Khí của Con (xem Ga 6, 57)…
Điều đó có nghĩa là Đức Giêsu-Kitô sống trong xác thịt, nhưng không sống theo xác thịt, như kiểu sống trong thế gian mà không thuộc về thế gian (Ga 17, 14.16). Đó chính là cơ sở nền tảng của những chiều kích vũ trụ (Địa), chiều kích nhân loại (Nhân) và chiều kích thuộc thiên (Thiên) của Đức Giêsu-Kitô Phục sinh : điều nầy chứng tỏ cho thấy Đức Giêsu-Kitô phục sinh cùng với nhân tính của Ngài vẫn chính là Ngôi Lời vĩnh hằng của Thiên Chúa, Đấng mà từ Ngài, toàn bộ công trình tạo dựng đã được hoàn tất :
“Mọi sự đã nhờ Ngài (=Ngôi Lời) mà thành sự, và không Ngài thì không gì đã thành sự. Điều đã thành sự nơi Ngài là sự Sống và sự Sống là sự Sáng cho nhân loại, và sự Sáng rạng trong tối tăm, và tối tăm đã không triệt được sáng.” (Ga 13-5).
b.2- Không thể được nhận ra ngay tức khắc : có thể có hai nguyên nhân để Đức Giêsu-Kitô phục sinh không được nhận ra ngay tức khắc : nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan :
- Nguyên nhân khách quan : ở nơi Đức Giêsu-Kitô phục sinh, đã có một cái gì đó khang khác so với tình trạng tiền phục sinh của Ngài, như đã được ghi nhận nơi phần b.1 trên đây. Ngoài ra, nếu nói theo ngôn ngữ của Mc, “với một hình dạng khác, Ngài đã tỏ mình ra cho…” (Mc 16, 12), có khi như “người làm vườn” (Ga 20, 15), có khi như người hành hương dự lễ Vượt qua nào đó đang quay trở về nhà mình (Lc 24, 15-18), thậm chí có khi còn như là “ma” (Lc 24, 37)…
- Nguyên nhân chủ quan : việc Đức Giêsu-Kitô phục sinh không được các môn đệ của Ngài nhận ra ngay tức khắc, một phần có lẽ cũng phát xuất từ những thành kiến hay tiên kiến của họ : không hoàn toàn tin có sự sống lại, không tin nên quên những gì Đức Giêsu đã loan báo trước về những biến cố nầy, tóm lại, chưa thực sự tin nơi Đức Giêsu-Kitô (xem Lc 24, 25-27; Mc 16, 11.13.14). Với những tình trạng “thiếu lòng tin” như thế, cộng thêm với những tâm trạng hụt hẫng, buồn bả, thất vọng, chán nản, lo âu, sợ hãi, v.v…, làm sao họ có thể đủ tỉnh táo và sáng suốt để nhận ra ngay được kẻ mà mình gặp đó chính là Thầy mình ? Họ cần phải được “nhắc nhở lại” những kỷ niệm ngày xưa của những tương quan giữa Thầy và trò, như giọng nói đầy thân thương của Đức Giêsu với Maria thành Magđala (Ga 20, 16), như cái cách thức “Ngài cầm lấy bánh, chúc tụng, đoạn bẻ ra và trao cho họ…” đối với hai môn đệ trên đường về Emmau (Lc 24, 30-31), như cái cách thức hành xử của Đức Giêsu đối với người môn đệ được Đức Giêsu yêu mến (Ga 21, 7; xem thêm Ga 20, 8)…; họ cần phải được “nhắc nhở lại” và “giải thích lại” những gì đã được loan báo trước cho họ bởi Đức Giêsu và bởi Thánh Kinh (Lc 24, 8.27.44-46; Ga 20, 9)…
Tóm lại, nơi Đức Giêsu-Kitô Phục sinh, nếu nói theo ngôn ngữ ngôi hiệp, nhân tính của Ngài hoàn toàn được hợp nhất với thần tính của Ngài như một; còn nếu nói theo ngôn ngữ “tam tài” Đông phương, nơi Đức Giêsu-Kitô Phục sinh, Thiên-Địa-Nhân hoàn toàn hòa hợp với nhau nên một, hay còn được gọi là tình trạng “thái hòa” (cosmothéandrique)…
Và, bởi vì con người vốn được tạo thành nên “theo Hình Ảnh của Thiên Chúa” (St 1, 26-27), hay nói cách khác, theo hình ảnh của Đức Giêsu-Kitô, vì Đức Giêsu-Kitô chính là Hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình (Cl 1, 15), nên căn tính của con người cánh chung cũng phải được xem xét qua lăng kính căn tính của Đức Giêsu-Kitô Phục sinh, như là nguyên mẫu (prototype)…
II- CĂN TÍNH CÁNH CHUNG CỦA CON NGƯỜI
Khi nói căn tính của con người là căn tính cánh chung (identité eschatologique), điều nầy nhằm muốn nói lên rằng : căn tính của con người, tự căn cơ, vốn là một căn tính đã được siêu độ, đã được thần linh hoá, là căn tính mà trong đó mọi kẻ thù của con người (tội lỗi, satan, sự chết…) đã bị Đức Giêsu-Kitô đánh thắng và tiêu diệt nơi nhân tính “phục sinh” của Ngài, một lần và vĩnh viễn...
Ngoài ra, Thánh kinh cũng chứng tỏ cho thấy căn tính cánh chung của con người vừa mang chiều kích cá nhân vừa mang chiều kích tập thể nhân loại (Dt 10, 12-14; 11, 40; 1 Cr 15, 22-28) :
1- Chiều kích cá nhân
“…Vì bởi việc tiến dâng độc nhất, Ngài đã làm cho những kẻ được tác thánh nên thành toàn mãi mãi…” (Dt 10, 14).
Nền thần học và triết học kinh điển của chúng ta thường quá bị ám ảnh bởi những khái niệm triết học của Aristote như những khái niệm “bản thể”, “yếu tính” và “bản tính”, vốn là những khái niệm “tĩnh”, nên thường cũng có những khái niệm quá “tĩnh” về những khái niệm “ngôi vị”, “ngã vị”, v.v…, vốn là những thực tại sống và năng động. Trong khi, quan niệm “sắc sắc, không không” của Phật giáo hàn lâm có vẻ như hoàn toàn ngược lại, chỉ quan tâm đến khía cạnh động và biến dịch không ngừng, nên lơ là với những khái niệm ngôi vị và ngã vị…
Trong các Danh xưng Thiên Chúa, ngôn ngữ Thánh Kinh luôn luôn là một thứ ngôn ngữ “động” và “sống” (dynamique et vivant), ngôn ngữ của các động từ, của các tính từ, ngôn ngữ của các tương quan, và vì thế, luôn mang chiều kích lịch sử : “Thiên Chúa của Abraham, của Isaac, của Giacop…” (Xh 3, 6), “Ta là Đấng hằng hữu” [“Je suis qui je suis”] (Xh 3, 14), “Emmanuel” [“Thiên Chúa ở cùng chúng ta” = Dieu avec nous] (Is 7, 14; 8, 8; Mt 1, 23), Giêsu = Thiên Chúa là Đấng cứu [“Dieu qui sauve”] (Mt 1, 21-25). Thậm chí, cả cái danh xưng “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4, 16) cũng là một thứ ngôn ngữ “động”, bởi vì khi nói “yêu” có nghĩa là phải có tương quan với “ai đó” hay với “cái gì đó” : Tình yêu, thật vậy, nói theo ngôn ngữ của Rabindranat Tagore, chính là nơi hò hẹn, không chỉ giữa Thiên Chúa-Ba Ngôi với nhau, mà còn là nơi hò hẹn giữa Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi và con người, giữa vĩnh hằng và thời gian…
Và, điều đó có nghĩa người ta không thể đặt vấn đề Thiên Chúa “là gì ?”, trước khi đặt vấn đề Thiên Chúa “là Ai ?”. Một thứ ngôn ngữ “tĩnh” với những khái niệm như kiểu bản thể, yếu tính, bản tính, v.v…, không thể nào tát cạn hết được Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi với các Ngôi Vị hằng sống được, kể cả đối với con người, vốn được tạo dựng nên “theo Hình Ảnh của Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa” (St 1, 26-27).
Từ trước đến nay, có vẻ như khi nhìn về căn tính của con người cánh chung, người ta thường nhìn nó qua lăng kính một thứ bản ngã cá vị như đã được xác định sẵn. Và, khái niệm “bản ngã” hay “cái tôi” nầy thường được nhìn qua lăng kính của một thứ khái niệm tĩnh tại về con người xét như là một bản thể có xác thể mà người ta cho là đã biết là nó phải thế, và thường được “khoanh vùng” hay “định nghĩa” trong vòng đai của sự sống theo nghĩa “bios” và sự sống theo nghĩa “psuchè”. Một cái nhìn đầy đủ về con người và về căn tính cánh chung của con người có lẽ sẽ đầy đủ hơn và tốt hơn nếu như được nhìn qua lăng kính “tam tài” “Thiên-Địa-Nhân hoà” của Đông phương và của 11 Chương đầu của Sách sáng thế.
Căn tính “tam tài” của con người trước tiên mang chiều kích cá thể. Và bởi vì vừa trong tư cách là một sinh vật thể (bios), vừa trong tư cách là một hữu thể có tự do (psuchè), dìm mình trong thế giới vật chất, thế giới hoá học và vật lý, vốn bị không chế bởi những qui luật không-thời gian, và những qui luật xã hội, căn tính của con người luôn là một cái gì đó “đang trở thành” (xem Lc 2, 52), và lệ thuộc những môi trường vật chất và xã hội vốn luôn có thể đồi thay đó, và chỉ hoàn tất trong ngày Quang lâm, khi thời gian “viên mãn” (Ga 6, 44.54). Những dụ ngôn về Nước Trời của Đức Giêsu phản ảnh cho chúng ta những khía cạnh nầy của căn tính cánh chung của con người, cách hoàn hảo nhất.
“Ai ăn thịt và uống máu Ta thì có sự sống vĩnh hằng, và Ta sẽ cho nó sống lại trong ngày sau hết.” (Ga 6, 54).
Ga 6, 54 có vẻ như cho chúng ta thấy “sự sống vĩnh hằng” là điều mà chúng ta có thể sở đắc được ngay trong cuộc sống trần thế nầy : thì hiện tại của động từ chứng tỏ điều đó. Còn “sự sống lại” thì phải đợi chờ cho đến “ngày sau hết” hay là ngày Quang lâm : thì tương lai của động từ cho phép hiểu như thế. Điều đó có nghĩa dù thân xác chết của con người phải đợi chờ cho đến “ngày sau hết”, nhưng “con người” vẫn có thể sống được sự sống vĩnh hằng hay sự sống Tình yêu của Thiên Chúa, ngay khi còn “tại thế” và cả sau khi thân xác chết.
Chiều kích cánh chung chính là chiều kích con người được sống sự sống vĩnh hằng, sự sống Tình yêu của Thiên Chúa-Ba Ngôi. Như chúng tôi đã có lưu ý trên đây, Tình Yêu chính là nơi hò hẹn, không chỉ của Ba Ngôi Thiên Chúa với nhau, mà còn là nơi hò hẹn của Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi với loài người, của vĩnh hằng với thời gian…Tình Yêu chính là cái “Hôm Nay” trong tương quan giữa Thiên Chúa và con người…
“Sự sống vĩnh hằng tức là : chúng nhận biết Cha, Thiên Chúa độc nhất và chân thật, và Đấng Cha đã sai, Giêsu-Kitô.” (Ga 17, 3).
Chính vì thế, Đức Giêsu trên thập giá đã có thể nói với người trộm “lành” :
“Và Ngài đã nói với hắn : ‘Quả thật, Ta bảo ngươi : Hôm nay, “ngươi” sẽ ở trên thiên đàng làm một với Ta !’,” (Lc 23, 43).
Dĩ nhiên, ngay “hôm nay”, anh ta (người trộm “lành”) sẽ ở trên Thiên Đàng với Đức Giêsu-Kitô, nhưng xác thân của anh ta và cả của Đức Giêsu vẫn sẽ còn nằm đó trong các mộ phần. Điều đó có nghĩa là các khái niệm mà chúng thường dùng để diễn tả căn tính của con người như “bản ngã”, “cái tôi”, v.v…, như một thứ bản thể cứng ngắc, ổn định cả rồi và luôn phải có xác thể, có cái gì đó chưa ổn. Những hạn từ mà Đức Giêsu đã dùng như “ngươi” (Tu) và “Ta” (Je) trong Lc 23, 43 sẽ không thể nào hiểu được nếu được xem xét qua lăng kính khái niệm “bản ngã bản thể” của nền thần học kinh điển của chúng ta.
Như vậy, sự sống vĩnh hằng không phải là một điều gì đó sẽ chỉ hiện diện sau khi chết, hay chỉ trong Ngày Quang lâm, mà nó đã hiện diện ngay trong thời gian của chúng ta, cùng với sự hiện diện của Đức Giêsu-Kitô. Chính Đức Giêsu-Kitô là cái “Hôm nay” đó (Lc 4, 21; Ga 6, 54-56), là hiện thân của Vương quốc Thiên Chúa, là hiện thân của chính Thiên Chúa…
“Đức Giêsu-Kitô hôm qua và hôm nay vẫn là một, và cho đến muôn đời” (Dt 13, 8).
“…Ai không có Thần Khí của Đức Kitô, kẻ ấy không thuộc về Ngài. Nhưng, nếu Đức Kitô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính.” (Rm 8, 9-10).
“…Ai tin vào Ta thì dẫu chết cũng sẽ sống; và mọi kẻ sống cùng tin vào Ta sẽ không phải chết bao giờ…” (Ga 11, 25-26).
“Và nầy Ta sẽ ở với các ngươi mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).
“Ai ăn thịt và uống máu Ta thì có sự sống vĩnh hằng, và Ta sẽ cho nó sống lại trong ngày sau hết.” (Ga 6, 54).
Về vấn đề thân xác của “con người” sẽ được sống lại trong “ngày sau hết”, tác giả của Thư gửi tín hữu Côrinthô đã cho biết quan điểm của mình như sau:
“…Nhưng, có người nói, kẻ chết sống lại thế nào ? Họ sẽ lấy thân xác nào mà về lại ? Đồ ngu ! Cái ngươi gieo có sống được không, nếu không chết đã? Và, cái ngươi gieo, hẳn không phải là hình thể sẽ hóa ra sau mà người gieo, nhưng là một hạt trơ trụi, tỉ như hạt lúa hay thứ giống nào khác. Nhưng, Thiên Chúa cho nó một hình thể như Ngài đã muốn, giống nào có hình thể nấy. Không phải xác nào xác nấy như nhau cả ! Nhưng, xác người ta khác, xác súc vật khác, […]. Cũng vậy, về sự kẻ chết sống lại : gieo xuống trong hư hoại, sống lại trong bất hoại; gieo xuống trong ô nhục, sống lại trong vinh quang; gieo xuống trong yếu đuối, sống lại trong quyền năng; gieo xuống là xác khí huyết, sống lại là xác thần thiêng ! Nếu có xác khí huyết, thì cũng có xác thần thiêng. Ađam-người thứ nhất đã thành sinh khí sống động; còn Ađam cuối cùngđã nên thần khí tác sinh. Nhưng, không phải thần thiêng có trước mà là khí huyết, rồi mới đến thần thiêng. Người thứ nhất do tự đất, là người trần ai; người thứ hai do tự trời. Người trần ai kia sao, các người trần ai khác cũng vậy. Người thiên thai kia sao, các người thiên thai khác cũng vậy. Và, cũng như ta đã mang hình ảnh người trần ai, ta cũng hãy mang lấy hình ảnh của người thiên thai !...Nầy đây mầu nhiệm tôi xin nói với anh em : Ta sẽ không chết hết thảy, nhưng hết thảy ta sẽ được biến đổi…Vì chưng, cái hư hoại nầy sẽ mặc lấy bất hoại, đồ chết dỡ nầy sẽ mặc lấy trường sinh bất tử.” (1 Cr 15, 35-53).
Như chúng tôi đã lưu ý trên đây, nguyên mẫu của tình trạng nầy chính là Đức Giêsu-Kitô Phục sinh, và Đức Maria, Mẹ của Ngài. Nhưng, vấn đề đặt ra là tại sao thân xác của Đức Giêsu và của Đức Maria thì được hưởng ngay những đặc tính bất hoại và trường sinh bất tử ngay sau khi chết với một khoảng thời gian ngắn ngủi, còn thân xác của loài người chúng ta thì không, và phải đợi chờ mãi cho đến Ngày Cánh chung mới được sống lại ? Theo thiển ý, bởi vì căn tính cánh chung của con người còn mang chiều kích tập thể nhân loại và lịch sử…
2- Chiều kích tập thể nhân loại
Trong thân phận thụ tạo của mình, dù đã được siêu độ, căn tính cánh chung của con người cũng không thể nào so sánh được với căn tính của Đức Giêsu-Kitô Phục sinh hay với tình trạng “thái hòa” nguyên mẫu nơi Đức Giêsu-Kitô Phục sinh, bởi vì, một đàng, căn tính cánh chung của chúng ta vốn là căn tính cánh chung “được tham dự” và mang tính lịch sử, vừa cá thể vừa tập thể…
Là căn tính cánh chung được tham dự, vì thế, nói theo ngôn ngữ thần học kinh điển, luôn bao hàm hai khía cạnh bề ngoài có vẻ nghịch lý : vừa là “cái đã có” (le “déjà là”) vừa là “cái chưa hoàn tất” (le “pas encore”); hay, nói theo ngôn ngữ triết học, là điều đã có đó, đã hiện hữu đó, nhưng chưa hiện diện đối với…
Vì thế, căn tính cánh chung được tham dự luôn bao hàm chiều kích lịch sử, chiều kích “đang trở thành” như tác giả của Thư gửi tín hữu Do thái hé lộ cho chúng ta thấy được một phần nào khía cạnh đó…
Thật vậy, tác giả của Thư gửi tín hữu Do thái ngoài việc để lộ cho thấy chiều kích cá thể còn hé lộ cho chúng ta thấy chiều kích tập thể nhân loại nầy :
“…thì sau khi đã dâng lễ tế độc nhất của Ngài vì tội lỗi, Ngài đã lên ngự mãi mãi bên hữu Thiên Chúa, từ nay đợi cho quân thù của Ngài phải đặt làm bệ chân Ngài. Vì bởi việc tiến dâng độc nhất, Ngài đã làm cho những kẻ được tác thánh nên thành toàn mãi mãi.” (Dt 10, 12-14).
“Thiên Chúa, vì dự liệu cho ta một cái gì hoàn hảo hơn, (thì đã không để) họ (những người đã chết trước công trình cứu độ của Đức Giêsu-Kitô) đạt thấu thành toàn mà lại không có chúng ta.” (Dt 11, 40).
Còn tác giả của Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrinthô thì giải thích như sau :
“…Quả thế, cũng như nơi Ađam, mọi người đều phải chết, thì trong Đức Kitô, mọi người cũng sẽ được tác sinh. Nhưng ai theo thứ tự nấy, tiên thường là Đức Kitô, rồi đến các kẻ thuộc về Đức Kitô, vào buổi Quang lâm của Ngài. Rồi sẽ là cùng tận, lúc Ngài trao trả vương quyền cho Thiên Chúa và là Cha, sau khi đã hủy ra không, mọi thiên phủ, mọi uy thế và quyền năng. Vì Ngài phải giữ quyền vua cho đến khi Ngài đặt mọi địch thù dưới chân Ngài. Địch thù cuối cùng bị hủy ra không là sự chết…Khi nói : muôn sự đều phải phục quyền, thì đã rõ là chỉ trừ Đấng đã bắt muôn sự phục quyền Ngài. Vì khi mọi sự đã phục quyền Ngài, thì bấy giờ Con cũng sẽ phục quyền Đấng đã bắt mọi sự phục quyền mình, ngõ hầu Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự.” (1 Cr 15, 22-28).
Điều đó chứng tỏ cho thấy rằng vận mạng của con người không phải chỉ là vấn đề cá nhân mà luôn liên quan đến toàn thể nhân loại. Thật vậy, vận mạng của toàn thể nhân loại vốn liên đới với nhau : liên đới trong hiện hữu, liên đới trong sự sống, liên đới trong tội lỗi, liên đới trong sự chết, liên đới trong khổ đau, liên đới trong hạnh phúc, liên đới trong sự sống lại, liên đới trong Phục sinh, liên đới trong vinh quang, và liên đới trong việc thành toàn nhân tính, v.v…
Chiều kích cánh chung chính là chiều kích con người được sống sự sống vĩnh hằng, sự sống Tình yêu của Thiên Chúa-Ba Ngôi. Như chúng tôi đã có lưu ý trên đây, Tình Yêu chính là nơi hò hẹn, không chỉ của Ba Ngôi Thiên Chúa với nhau, mà còn là nơi hò hẹn của Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi với loài người, của vĩnh hằng với thời gian…Tình Yêu chính là cái “Hôm Nay” trong tương quan giữa Thiên Chúa và con người và là cái ”Hôm nay” của toàn thể nhân loại hay nói cách khác là của toàn thể Giáo hội…
Như vậy, “trong thời gian : Hôm nay”, liệu con người vẫn có thể “sống” (zoé) mà không cần có sự hiện hữu của thân xác của mình chăng ? Chúng tôi cho rằng không phải hoàn toàn không cần xác thể, mà khi “sống” sự sống vĩnh hằng, trong thời gian, hoặc cả sau khi đã chết cách thể lý, con người “sống” trong nhân tính đã hợp nhất với thần tính của Đức Giêsu-Kitô mà đỉnh cao là trên thập giá (thí dụ trường hợp người trộm “lành”), như chúng tôi đã phân tích trên đây, và đặc biệt, trong thân xác phục sinh của Ngài (đối với tất cả loài người chúng ta) :
“Ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng làm một với Ta” (Lc 23, 43; xem thêm Mt 28, 20; Rm 14, 7-9).
“Ai ăn thịt và uống máu Ta thì có sự sống vĩnh hằng, và Ta sẽ cho nó sống lại trong ngày sau hết.” (Ga 6, 54).
Chính vì thế, thánh Phaolô đã có thể khẳng định : “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi.” (Gl 2, 20). Gl 2, 20 không chỉ có nghĩa là căn tính “ngã vị” của con người cánh chung cắm rễ sâu trong căn tính “ngôi vị ngôi hiệp” của Đức Giêsu-Kitô phục sinh, mà còn có nghĩa ngã vị của con người có thể hợp nhất (chứ không đồng hoá đến độ biến tan đi như giọt nước hoà tan trong biển cả) nên một với Ngôi Vị ngôi hiệp của Đức Giêsu-Kitô phục sinh, hay nói cách khác, căn tính ngã vị cánh chung của con người là một căn tính “được tham dự” (une identité participée).
Để diễn tả sư hiệp nhất và liên đới giữa ngã vị cánh chung của con người và Ngôi Vị ngôi hiệp của mình, Đức Giêsu đã dùng hình ảnh mối tương quan giữa “cây nho” và “nhánh nho” :
“Cây nho chính là Ta, các ngươi là nhánh. Ai lưu lại trong Ta và Ta trong kẻ ấy, thì nó sinh nhiều quả, vì ngoài Ta, các ngươi không thể làm gì” (Ga 15, 5).
Thánh Phaolô thì sử dụng hình ảnh “thân mình” và “các bộ phận” hay “các chi thể” :
“Vì cũng như thân mình chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, và hết thảy các bộ phận nầy tuy là nhiều cũng chỉ là một thân mình, thì Đức Kitô cũng vậy.” (1 Cr 12, 12 tt).
Hai hình ảnh nầy cho thấy, một đàng, giữa Đức Kitô và nhân loại toàn thể nói chung hợp nhất với nhau thành chỉ còn là một “thân mình chung” không thể chia cắt hay tách rời ra; và đàng khác, đây là một “thân mình” sống chung cùng một “sự sống”, hay sống nhờ cùng một thứ nhựa sống duy nhất chung cho toàn thể : ở đây, khái niệm “bản ngã bản thể” lẻ loi, đơn độc của khuynh hướng triết học và thần học kinh điển nói chung không thể nào có khả năng diễn tả được căn tính của “ngã vị cánh chung” nầy của con người trong tương quan với Đức Giêsu-Kitô !
Đó chính là nền tảng của mầu nhiệm Giáo Hội là Thân Mình của Đức Giêsu-Kitô :
“Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô và đã ban cho Đức Kitô đứng trên vạn vật, làm Đầu Hội Thánh, vốn là chính Thân Mình Ngài, sự viên mãn của Đấng viên thành vạn sự trong mọi người.” (Ep 1, 22-23).
Và, đó cũng chính là cơ sở nền tảng của những đặc tính mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ của Giáo Hội.
Như trên đây đã có lưu ý, nếu nhân tính của Đức Giêsu-Kitô là “hiện thân” của toàn thể nhân loại, và nếu nhân tính của Ngài, qua việc sống trọn vẹn tình yêu dâng hiến trên thập giá, đã hiệp nhất nên một với thần tính của Ngài, hay nói cách khác, là được thánh hoá, được thần linh hoá, thì điều đó cũng có nghĩa là nhân loại toàn thể, trong Ngài và cùng với Ngài, cũng đã được thánh hoá, được thần linh hoá, được siêu độ, được tái sinh, được phục hồi lại dung mạo nguyên thủy của mình là Hình Ảnh của Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa, được phục hồi lại các tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân, với thiên nhiên vũ trụ và cuối cùng với chính bản thân mình…
Hay nói cách khác, căn tính cánh chung của nhân loại toàn thể là căn tính mà trong đó tất cả mọi kẻ thù của nhân loại (tội lỗi, sự chết, sa tan, ma qủi…) đều đã bị Đức Giêsu-Kitô đánh bại và khử trừ vĩnh viễn (xem Rm 8, 3; 2 Cr 5, 21; Dt 2, 14-18). Vấn đề gai góc đặt ra ở đây là nếu với một căn tính cánh chung như vậy, tại sao con người vẫn còn bị sa ngã, phạm tội và chết ? Ở đây, trước khi giải quyết vấn nạn nầy, có hai vấn đề cần phải xem xét : yếu tố khách quan và yếu tố chủ quan.
Yếu tố khách quan : Phía khách quan, tức là từ phía Đức Giêsu-Kitô, vấn đề đã được giải quyết cách dứt khoát, trọn vẹn, một lần thay cho tất cả…Nghĩa là nơi nhân tính của Ngài tất cả mọi “kẻ thù” (tội lỗi, sự chết, satan, ma qủi…) đều đã hoàn toàn bị đánh bại và tiêu diệt trên đỉnh thập giá (xem Dt 10, 14; Pl 2, 8-11). Vì thế, trong Đức Giêsu-Kitô và cùng với Ngài, toàn thể nhân loại đều đã được “giải phóng” thoát khỏi mọi thứ ách nô lệ.
Có một điều cần lưu ý ở đây là bản thân Đức Giêsu-Kitô thì không bao giờ phạm tội (Dt 4, 15), nên tội lỗi bị tiêu diệt nói ở đây là tội lỗi của toàn thể loài người mà Ngài trong mầu nhiệm ngôi hiệp đã nhận là của mình (appropriation), khi trong biến cố Nhập Thể Ngài nhận nhân tính là của mình. Khi nhận nhân tính là của mình, đồng thời Ngài cũng nhận tất cả những hệ lụy có thể có kèm theo với nhân tính (như những thử thách, những cám dỗ, tội lỗi, những vui buồn sướng khổ, sự chết, v.v…).
Yếu tố chủ quan : Ơn siêu độ, như vậy, là đã được trao ban cho tất cả mọi người, không phân biệt, và một cách tràn đầy. một lần thay cho tất cả (communication)…Vấn đề ở đây là con người, trong tư cách cá vị, có nhận “cái đó” là của mình hay không (appropriation), bởi vì con người vốn tự do ? Ơn siêu độ đã hiện hữu ở đấy (“déjà”) nơi tất cả mọi người, nhưng chưa hiện diện (“pas encore”) đối với tất cả mọi người, và vì thế, con người chưa nhận ra được Tình yêu của Thiên Chúa và tỉnh trạng tội lỗi của mình, như người thu thuế trong dụ ngôn “Người biệt phái và người thu thuế” (Lc 18, 10-14)…
Nguyên nhân của tình trạng nghịch lý nầy vốn đa dạng và phức tạp : vì không biết đến, hoặc có biết mà quá ít, hoặc có biết mà vẫn cố tình chối từ…Vì thế, nỗ lực loan báo Tin Mừng, giảng dạy và thánh hoá phải là những sứ vụ hàng đầu của Giáo Hội…
Thật vậy, một khi biết được, nhận ra được và ý thức được về căn tính cánh chung hay là đã được “siêu độ” đó, trong cùng lúc người ta sẽ vừa nhận ra được Cha đã yêu thương thế gian đến độ đã thí người Con duy nhất của Ngài (xem Ga 3, 16), vừa được đặt mình vào trong sự sống tình yêu vĩnh hằng của chính Thiên Chúa-Tình Yêu, và đó chính là sự sống vĩnh hằng (Ga 17, 3; 1 Ga 3, 6.9.10).
“Quả vậy, anh em đã chết và sự sống của anh em đã được ẩn tàng nơi Thiên Chúa, làm một với Đức Kitô; khi nào Đức Kitô, sự sống của ta tỏ hiện, thì khi ấy cả anh em nữa, anh em cũng sẽ được tỏ hiện làm một với Ngài trong vinh quang.” (Cl 3, 3-4).
“Quả thế, hiện giờ ta thấy, như ở trong gương, cách mường tượng. Bấy giờ thì tận mắt, diện đối diện. Hiện giờ ta biết một cách khuy khuyết, nhưng bấy giờ ta sẽ biết, cũng như (Thiên Chúa) biết ta.” (1 Cr 13, 12).
Sự thành toàn của Giáo hội, Thân Mình của Đức Giêsu-Kitô, vì thế, được lập căn trên sự thành toàn của mỗi một con người :
“Mà anh em là thân mình của Đức Kitô, và ai theo phận nấy mà làm chi thể.” (1 Cr 12, 27).
Ở đây, cũng cần lưu ý rằng sự sống vĩnh hằng hay sự siêu độ không đến từ chỉ con người, từ “bên dưới” (do những hành vi, do những công phúc mình làm cho mình…), mà chủ yếu đến từ “bên trên”, từ Thiên Chúa (Lc 18, 9-14; Ga 3, 7)… Điều đó, bởi vì sự sống vĩnh hằng không phải là một “sự vật” (une chose) mà là một Tình Yêu (un Amour). Thế mà, Tình Yêu luôn luôn bao hàm những tương quan giữa các đối tác (partenaires), ở đây, giữa Ba Ngôi Vị Thiên Chúa và con người, và giữa con người với nhau…
TẠM KẾT
Như vậy là chúng ta đã rão qua các vấn đề căn tính của Đức Giêsu-Kitô trước và sau biến cố Phục sinh, và căn tính cánh chung của loài người (cá nhân và tập thể) và tương quan giữa hai căn tính nầy với nhau, qua lăng kính tư tưởng “tam tài” của Đông phương (“Thiên-Địa-Nhân hòa”); và trên cơ sở những khác biệt giữa các khái niệm về sự sống và sự chết, trong ngôn ngữ Thánh Kinh, chúng ta cũng có đề cập sơ qua sự hoàn tất cánh chung vừa mang tính cá thể vừa mang tính tập thể nhân loại và Giáo hội; chúng ta cũng đã xem xét cách khái quát và sơ bộ những khái niệm về : ngã vị cánh chung, ngã vị cá thể, ngã vị tập thể, và bản ngã “bản thể”, v.v…, về sự tồn hữu của chúng, và tương quan giữa chúng với nhau; chúng ta cũng đã có đề cập đến một số vấn đề như : sự gặp gỡ tương phùng trong thời gian giữa Thiên Chúa-Ba Ngôi và loài người (theo nghĩa cá nhân và tập thể), giữa vĩnh hằng và thời gian…
Trên những cơ sở đó, chúng tôi cũng đã mạo muội đề xuất một số giải pháp cho một số vấn đề thần học từ trước tới nay vốn rất nhạy cảm, với mong ước sẽ tạo ra được một diễn đàn trao đổi thần học lành mạnh, đáp ứng được niềm mong mỏi của các vị lãnh đạo trong Giáo Hội Châu Á và Việt Nam của chúng ta là đem Tin Mừng hội nhập vào trong các nền văn hoá bản địa…
[1] Xem Bernard Sesboüé SJ., Quá trình phát triển tín điều Kitô học, Bản Việt ngữ của Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung, Nxb. Tôn giáo 2010, trg. 39.
[2] Xem Bernard Sesboüé, Ibid. , bản Việt ngữ của Linh mục Phêrô Nguyễn Thiên Cung, nxb. Tôn giáo 2010, trg. 143.
[3] Xem Raimon Panikkar SJ, La Trinité : Une Expérience humaine primordiale, nxb. du Cerf, Paris 2003, trg. 9 : Thực ra, trong tác phẩm nầy, Panikkar sử dụng hạn từ nầy (“cosmothéandrique”) để diễn tả Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi; nhưng theo thiển ý của chúng tôi, hạn từ nầy, vì rất nhiều lẽ, không nên áp dụng cho Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi, mà tốt hơn là áp dụng vào Đức Giêsu-Kitô, Thiên Chúa Nhập Thể
[4] Xem Trần Ngọc Thêm, Cơ sở Văn hoá Việt Nam, nxb. Giáo dục, 1999, trg. 54-55.
Tác giả: Linh mục Phêrô NGUYỄN THIÊN CUNG
Nguồn: giaolyductin.net
Nguồn: giaolyductin.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét