Có thể tự mãn không ?
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
CÓ THỂ TỰ MÃN KHÔNG?
CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN NĂM C
Những ý tưởng, những câu văn của Tin Mừng hôm nay là tổng hợp của nhiều đoạn Tin Mừng theo thánh Matthêô. Chẳng hạn:
- "Hãy cố gắng vào qua cửa hẹp" trong bài giảng trên núi (Mt 7, 13).
- "Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi" là kết luận của dụ ngôn năm trinh nữ khôn ngoan, năm trinh nữ khờ dại (Mt 25, 11).
- "Ta không biết các ngươi" là một giáo huấn về cầu nguyện (Mt 7, 22).
- "Nhiều người từ đông sang tây đến dự tiệc" là kết luận trong câu chuyện chữa lành đầy tớ của ông đại đội trưởng (Mt 8,11).
- "Những người sau hết sẽ nên trước hết" là kết luận cho lời dạy về sự từ bỏ để theo Chúa (Mt 19, 30) và dụ ngôn thợ làm vườn nho (Mt 20, 16).
Từ phát hiện trên, nhiều người cho rằng, dụ ngôn hôm nay phát triển từ lời Chúa Giêsu dạy mà hình thành. Đúng hơn, Hội Thánh sơ khai dựa trên chính lời Chúa dạy để giáo huấn mọi người về nỗ lực cần phải có để đi tới ơn cứu độ.
1. THỨ TỰ MÃN NGUY HIỂM.
Từ xưa, hình thành sự tự mãn nơi các Kitô hữu. Họ cho rằng, họ là người của Chúa, là đoàn dân thuộc về Chúa. Chúa tiền định cho ai thuộc về Chúa sẽ đạt tới ơn cứu độ. Còn dân ngoại, vì không thờ Chúa, không sống trong Hội Thánh, không thừa hưởng máu cứu độ của Chúa, sẽ đứng ngoài ơn cứu độ.
Thái độ tự mãn khiến Kitô hữu không nỗ lực sống đức tin, không phấn đấu để ơn gọi của mình trưởng thành. Họ dần xa đời sống cầu nguyện, rời những chỉ thị của luân lý, mà chỉ ỷ lại vào tình thương cứu độ của Thiên Chúa.
Tự mãn sẽ biến Kitô hữu thành gương mù cho dân ngoại, khiến họ không còn thấy gương đức tin, không còn lòng tin, không còn hy vọng và ước ao trở nên Kitô hữu. Do hậu quả của tự mãn, công cuộc truyền giáo đình trệ. Bởi khi dân ngoại không còn nhìn các Kitô hữu như lý tưởng để họ phấn đấu, là cuộc tấn công có thể phá đổ nền tảng truyền giáo mà Chúa Giêsu hằng mong muốn.
Tự mãn khiến các Kitô hữu kiêu ngạo. Họ xem thường, thậm chí khinh thị người không cùng lòng tin. Dù thờ Chúa là chính đạo, nhưng một khi tín hữu xem mình là chính đạo rồi thiếu tôn trọng anh chị em, cho rằng họ thờ "bụt thần"..., Hội Thánh không còn cơ hội, chí ít là giảm cơ hội đến với muôn dân.
Vì thế, giáo huấn "Hãy vào qua cửa hẹp" của Hội Thánh tiên khởi nhằm dạy Kitô hữu đừng quên lãng trách nhiệm với Thiên Chúa, và với Đấng từng mời gọi: "Hãy nên thánh thiện như Cha trên trời là Đấng thánh".
Giáo huấn về cửa hẹp còn đòi tín hữu không ỷ y, không lơ là, càng không tự mãn cách ngông cuồng, kiêu ngạo đến nỗi sai lạc đức tin, sai lạc đường lối và giáo lý của Chúa. Họ không được nghĩ, ơn cứu độ đi liền với sự tiền định. Vì Chúa không bao giờ ban ơn mà không cần đến nỗ lực của chính bản thân ta.
Vậy thế nào là qua cửa hẹp hay nỗ lực của bản thân để đạt tới ơn cứu độ?
2. QUA CỬA HẸP.
"Cửa hẹp" không phải là cửa nhỏ. Chúa không nói đến nghĩa đen, nhưng theo nghĩa tinh thần và thiêng liêng. Chính cuộc đời trần thế của Chúa là gương cho ta về việc "qua cửa hẹp", khi Chúa đặt trọng tâm đời mình theo ý Chúa Cha. Bằng mọi giá, Chúa phải thi hành thánh ý Chúa Cha, dẫu trả bằng mạng sống và cuộc tử nạn bi thương khi trải qua mọi thứ phẫn nộ mà loài người dành cho.
Cũng vậy, theo Chúa qua cửa hẹp, ta phải bỏ ý riêng để chỉ một mình thánh ý Chúa là trọng điểm, là tất cả của đời sống. Thánh ý Chúa nhiều lúc đi ngược mong muốn của ta. Vì thế, ta sẵn sàng để Chúa tự do hành động, dẫu sự vâng phục có thể đưa đến mất mát, thiệt thòi, gập ghềnh, nhiều lúc còn chênh vênh, cô độc, thậm chí như muốn đẩy tới tận cùng của tuyệt vọng.
Qua cửa hẹp, ta được mời gọi nên thánh từng ngày bằng quyết tâm loại những gì đi ngược phẩm giá và lương tâm, dù nó mang nhiều lợi lộc, nhiều giá trị ở trần gian đến mấy đi nữa.
Qua cửa hẹp là sẵn sàng hy sinh không chỉ thời gian, công sức, tiền của mà còn chấp nhận thiện thân, chấp nhận đánh đổi cả sự sống nếu cần, vì danh Chúa, vì công cuộc rao giảng Tin Mừng, vì phần rỗi đời đời của anh chị em.
Qua cửa hẹp đòi có tình yêu vô vị lợi, chấp nhận không chỉ hòa mình, mà còn cúi mình để giữ sự thuận hòa, để nhìn nhận vai trò, kết quả, thành công, sự nổi bật... của người khác. Đồng thời không oán hận, không nuôi lòng thù trước những chỉ trích, những hằn học, những cái nhìn không thiện cảm...
Qua cửa hẹp là hết lòng yêu thương và tha thứ. Đó là cách sống đẹp, họa lại hình ảnh Chúa Giêsu thánh giá, nơi tưởng như khó có thể tha thứ. Vì ơn tha thứ từ thánh giá không phải được ban khi con người ăn năn, hoặc đau đớn và thấm thía về tội ác của mình, mà được ban giữa lúc họ đằng đằng sát khí, dâng trào hận thù, và hả hê vì chiến thắng trong tội ác đang ở mức cực điểm.
Qua cửa hẹp còn là từ bỏ và hết sức xa lánh những quyến rũ thế tục, đam mê tiền của, danh lợi, quyền lực, ham muốn xác thịt hay những hình thức tin tưởng sai quấy: dị đoan, bói toán, ma thuật và những gì liên quan đến chúng.
Chấp nhận qua cửa hẹp, ta thấm thía giá trị của ơn Chúa trong đời mình. Ta càng quý những nỗ lực để phấn đấu cho phần rỗi của bản thân và không tự mãn, không ỷ lại vào tình thương, sự bảo vệ nhưng không của Thiên Chúa.
Hãy luôn luôn tâm niệm rằng, Chúa không bao giờ tiếc với ta bất cứ một ân ban nào, nhưng luôn sẵn sàng chờ đợi ta, lôi kéo ta về phía Chúa. Tuy nhiên, Chúa cũng không làm thay ta mọi sự mà phải có sự phấn đấu của ta, để nỗ lực càng ngày càng hơn nhằm đạt tới ơn cứu độ của Chúa.
Chúa cứu độ ta, nhưng vẫn mời gọi ta: "Hãy cố gắng vào qua cửa hẹp"!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét