Đức Kitô thổ lộ tâm tình Ngài cho môn đệ. Thứ nhất, Ngài đến thế gian để mang lửa đến cho thế gian. Thứ hai, Ngài mong lửa đó bừng sáng lên trong tâm hồn Kitô hữu. Thứ ba, Đức Kitô còn cho biết Ngài lo sợ về phép rửa Ngài sắp lãnh nhận.

Có sự khác biệt giữa lửa trần gian, bình an trần thế và lửa cũng như bình an Thiên Quốc Đức Kitô trao tặng. Bình an trần thế thường được biết đến như vắng bóng chiến tranh, cuộc sống thoải mái, ăn no, ngủ yên. Bình an trần thế dễ mất bởi do con người tạo dựng. Một khi người ta đổi lối suy nghĩ, chiến tranh, hận thù bùng lên. Lửa trần thế mang í nghĩa thiêu đốt, cháy rụi, tàn phá, gây tang thương cho con người, thiên nhiên, cây rừng, sinh vật và sự sống. Bình an Đức Kitô trao ban là bình an nội tâm, bình an trong tâm hồn. Bình an này mất khi cá nhân đó từ chối bình an Chúa ban. Lửa Đức Kitô trao ban mang tính xây dựng, tái tạo và bảo vệ. Lửa Thiên quốc chỉ tàn phá thói hư, tật xấu trong lòng con người, biến con người trần thế, bon chen, thành con người có lòng nhân ái, với mình với tha nhân và yêu mến Thiên Chúa. Lửa Đức Kitô trao ban chính là tình yêu trong trái tim Đức Kitô. Tình yêu này luôn bừng cháy vì yêu mến nhân loại và Ngài mong lửa đó cũng bừng cháy trong con tim Kitô hữu.

Khi cháy lửa thường tạo thành những lưỡi lửa cháy bập bùng vả mỗi lần bập bùng như thế lưỡi lửa thay hình, đổi dạng mới. Tâm tình ta dành cho Đức Kitô cũng thường bập bùng như thế, khi thì dâng cao, lúc bập bùng. Khi cháy sáng, khi chỉ là sợi khói mong manh. Khi lửa trong tâm hồn ta không bừng cháy, Đức Kitô mong cho ngọn lửa tâm hồn đó cháy bùng lên.

Bản chất của lửa là thanh tẩy, hủy bỏ những gì xấu và giữ phần tốt. Lửa tình yêu Đức Kitô cũng thay tẩy tâm hồn Kitô hữu, thiêu rụi thói hư, tật xấu, lời nói điêu ngoa, ngon ngọt, tham vọng cá nhân, biến ta thành con người mới trong Đức Kitô. Trong í nghĩa đó lửa mang tính phán đoán, cầm giữ và loại bỏ. Chính Đức Kitô có kinh nghiệm bị loại bỏ bởi. Các nhà lãnh đạo, và cá nhân chống đối, chê bai, chỉ trích giáo huấn của Ngài. Nhóm lãnh đạo kết án ngài chết bằng cách đóng đinh Ngài trên thập tự. Cá nhân chống đối bằng cách từ chối đón nhận Lời Chúa, từ chối thay đổi đời sống nội tâm.

Đám cháy thiêu rụi mọi thứ trên đường nó đi qua. Lửa Lời Chúa không thiêu rụi nhưng đổi mới cuộc sống, làm cho cuộc sống lành mạnh hơn, trong sáng hơn, vui tươi hơn. Lời Chúa ban cho con người đời sống mới và liên hệ trong tâm tình mới. Chính sự thay đổi này tạo ra đố kị, chia rẽ, loại bỏ, loại bỏ bắt đầu từ trong tâm hồn, đến tư tưởng và loại bỏ đến từ thành viên trong gia đình và thân hữu. Thay đổi đòi loại bỏ, từ giã. Không từ bỏ không có thay đổi. Không thay đổi người đó không thể là Kitô hữu chân chính. Đối với Kitô hữu, Đức Kitô là trung tâm điểm cuộc sống, quan trọng hơn cả cha mẹ, thân nhân, bởi họ nhận biết Đức Kitô có quyền ban sự sống đời này và hạnh phúc đời sau.
Khi Đức Kitô nói về phép rửa Ngài sắp chịu, Ngài lo âu, sợ hãi bởi phép rửa Đức Kitô nói đến chính là con đường thập giá Ngài sẽ đi qua. Phép rửa của Ngài kéo dài ba ngày, từ lúc bị bắt, bị xỉ vả, mạ lị, đánh đập, vác thập giá lên đồi cao, chịu đóng đinh, an táng trong mộ và ba ngày sau sống lại hiện ra với các môn đệ. Phép rửa của chúng ta không kéo dài, cũng không phải đau khổ như thế mà chính là niềm vui, hạnh phúc được làm con Chúa. Đức Kitô đã đón nhận mọi đau khổ, khó khăn thay cho Kitô hữu.

Kitô hữu đáp lại lời mời gọi đi theo Đức Kitô, Ngài là đường, sự thật và là sự sống. Đón nhận Đức Kitô chính là đón nhận đời sống thánh thiện Chúa ban tràn đầy ân sủng trong tâm hồn. Kitô hữu đón nhận bí tích thanh tẩy trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Kitô hữu tuyên bố từ bỏ ma quỉ, tội lỗi và cám dỗ của ma quỉ, đồng thời tuyên xưng đức tin, tin một Thiên Chúa Ba Ngôi, yêu mến Ngài, đi theo con đường Ngài chỉ bảo, sống và chết trong hy vọng.

TiengChuong.org