Triết gia Jacques Maritain
Vũ Văn An
Về Jacques Maritain, thiết nghĩ bài viết của Alden Whitman trên tờ New York Times ngày 29 tháng 4 năm 1973, một ngày sau khi nhà đại triết gia Pháp qua đời, là thấm thía hơn cả (https://www.nytimes.com/1973/04/29/archives/jacques-maritain-dies-at-90-a-powerful-mind.html).
Một tâm trí mạnh mẽ
Theo nhà bỉnh bút trên, Jacques Maritain, với một tâm trí có sức mạnh chói sáng, một nhân cách mời gọi ấm áp và một giọng văn xuôi sắc sảo, một người đàn ông dịu dàng, đôi chút e dè, là một trong những triết gia và nhà trí thức nhiều ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20. Lãnh vực của ông là siêu hình, nhưng tác động của tư tưởng ông trong cái khoa thâm thúy này gần như vĩ đại như nhau cả ở thế giới trần tục lẫn ở thế giới tôn giáo. Ông là một trong các triết gia đầu tiên của thế kỷ 20 thúc giục các Kitô hữu can dự vào vụ việc thế trần.
Tại Hoa Kỳ, các tác phẩm của người Pháp này đã được nghiên cứu trong hầu hết các trường cao đẳng Công Giáo Rôma. Bản thân ông đã từng giảng dạy tại Princeton, Columbia và Notre Dame, và những cuốn sách của ông đã được công chúng đón đọc rộng rãi vì nội dung nhân bản của chúng.
Tại Pháp, Maritain là nguồn cảm hứng cho Francois Mauriac, nhà tiểu thuyết và tiểu luận đoạt giải Nobel; cho Julien Green, tiểu thuyết gia người Mỹ gốc Pháp; và cho Jean Hugo và Georges Rouault, các họa sĩ. Những người vô thần như Jean Cocteau, nhà văn, cũng chịu ảnh hưởng của ông, cũng như hàng trăm người không theo Công Giáo hoặc không tôn giáo khác.
Tuy nhiên, sự trổi vượt về ảnh hưởng của Maritain thấy rõ trong Giáo Hội Công Giáo, nơi, như một nhà quan sát cho biết, ông là "một nhóm áp lực của riêng ông." Là một người tân tòng trong những năm đại học, ông đã khuôn đúc một nền triết lý về tính thế tục của Kitô giáo, vốn là nhân tố chính trong việc tạo ra bầu khí quan điểm dẫn đến Công đồng chung Vatican II vào năm 1962 và động lực để “đổi mới” đạo Công Giáo.
Các quan điểm nhân bản của ông thường xuyên được trích dẫn tại công đồng, và cuối cùng, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã ôm hôn ông tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô. Người ta nói rằng Đức Giáo Hoàng đã xem xét việc phong ông làm Hồng Y và sẽ làm như thế nếu ông còn trẻ. Vào thời điểm đó, ông đã 83 tuổi.
Đức Phaolô VI từng nói “Tôi là một môn đệ của Maritain. Tôi gọi ông là thầy của tôi."
Dịch sách của ông
Tình bạn của họ bắt đầu vào năm 1928, khi Đức Phaolô VI, lúc đó là Giovanni Battista Montini, dịch cuốn “Ba nhà cải cách” của Maritain, một cuốn sách nói về Luther, Rousseau và Descartes, từ tiếng Pháp sang tiếng Ý. Sau Thế chiến hai, khi Maritain là Đại sứ Pháp tại Vatican, hai người đã gặp nhau thường xuyên và thường xuyên ăn tối với nhau.
Ảnh hưởng của Maritain đối với Đức Giáo Hoàng Phaolô VI có tính trực tiếp (ông thậm chí còn được trích dẫn cùng với các Giáo phụ trong thông điệp “Populorum Progressio” năm 1967) và gián tiếp đối với Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII. Ông đã được Đức Giáo Hoàng Piô XII và người tiền nhiệm của ngài, Đức Piô XI, tham khảo ý kiến. Chính nhờ Maritain mà Đức Piô XI, vào năm 1927, đã chỉ trích tổ chức Action Française, một nhóm đấu tranh cực hữu ở Pháp.
Chủ nghĩa nhân bản Kitô giáo, như Maritain đã khai triển, là một triết học tinh tế, là sự áp dụng các nguyên tắc của Thánh Tôma Aquinô, một học giả thế kỷ 13, vào các vấn đề nghệ thuật, khoa học và xã hội ở thế kỷ 20. Tìm cách kết hợp giữa mạc khải và lý trí, Maritain đã cố gắng hòa hợp đạo Công Giáo với các lực lượng chính trị và xã hội do Cách mạng Kỹ nghệ tạo ra. Ông cho rằng giáo điều Công Giáo là đúng vĩnh viễn nhưng nó nên tập chú vào thế giới như nó vốn là. Nói tóm lại, tình trạng các nhu cầu xã hội và kinh tế của con người cũng là mối quan tâm của Giáo Hội giống như tình trạng linh hồn của họ. Ông đã tìm cách thu hẹp khoảng cách giữa các vấn đề thiêng liêng và trần tục bằng cách nhấn mạnh vai trò của lý trí và lương tâm, bằng cách nêu bật chủ nghĩa nhân vị.
Tổng hợp các quan điểm của mình, ông đã viết trong "Phạm vi của Lý trí" vào năm 1952:
“Các phương tiện tốt nhất để giành được chiến thắng cho tinh thần không phải là che chắn bản thân đàng sau các bức tường pháo đài mà là đi ra các xa lộ để chinh phục bằng tình yêu và tự hiến.”
Cần có 'Niềm tin Sống động'
Ông nói thêm, “Điều đã trở nên rõ ràng là một Kitô giáo có tính trang trí là điều không đủ, ngay cả đối với sự hiện hữu của chúng ta trong thế giới này. Đức tin phải là một đức tin thực chất, thực tế và sống động. Tin vào Thiên Chúa phải có nghĩa là sống theo cách mà cuộc sống không thể sống nếu Thiên Chúa không hiện hữu. Lúc đó, niềm hy vọng trần thế vào Tin Mừng có thể trở thành động lực thúc đẩy lịch sử trần gian”.
Trong một đoạn văn nổi tiếng trong "Chủ nghĩa Nhân bản đích thực", xuất bản năm 1936, ông viết:
“Hai bình diện [thiêng liêng và trần thế] này rõ ràng khác biệt nhau, như những điều thuộc Xêda và những điều thuộc Thiên Chúa.
“Chúng khác biệt nhau, nhưng chúng không tách biệt. Làm cho Kitô giáo trở thành một thứ trừu tượng, đặt Thiên Chúa và Chúa Giêsu Kitô sang một bên trong khi tôi làm việc trong thế giới, là tự cắt tôi thành hai nửa: một nửa Kitô giáo cho những điều thuộc sự sống vĩnh cửu — và một cho những điều thuộc thời gian, một nửa ngoại giáo hoặc một nửa theo Kitô giáo một cách đáng xấu hổ hoặc nửa trung lập. "
Maritain đã cho thấy rõ việc ông ủng hộ chủ nghĩa đa nguyên chính trị và tôn giáo, ông không hình dung việc quay trở lại chủ nghĩa thời trung cổ và ông không tán thành một nhà nước tập đoàn Phát xít. Ngược lại, ông rao giảng phẩm giá con người, giá trị trần thế và nhu cầu phải thỏa mãn những mong muốn của con người.
Là một người lập luận cho tính duy nhất của nhân loại, Maritain là người ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đại kết và là phát ngôn viên trung thành của những người, tại Công đồng Vatican II, đã thành công trong việc giải thoát người Do Thái khỏi lời kết tội lâu đời là giết Thiên Chúa. Lời buộc tội này bắt nguồn từ những lời tường thuật trong Kinh thánh về việc Đóng đinh.
Nhiều người tranh cãi quan điểm của ông xếp ông vào hàng Công Giáo cánh tả. Ông đã gây sốc cho những người chỉ trích bảo thủ khi cho rằng đạo Công Giáo thánh thiêng là điều không đủ và khi ủng hộ phong trào linh mục thợ bùng lên ở Pháp sau Thế chiến hai. Trong phong trào này, một phong trào gây lo ngại cho Vatican, các linh mục sống như công nhân, lao động với giáo dân của họ. Đối với Maritain, các linh mục công nhân là một điển hình cho một khía cạnh của đạo Công Giáo mục vụ. Ông khẳng định, “Kitô giáo nên có tính thế gian; Giáo Hội nên tự mở cửa đối với thế giới như nó vốn là”.
Maritain khuyên Kitô hữu bác bỏ cả chủ nghĩa tư bản lẫn chủ nghĩa xã hội, “cả hai đều bị vấy bẩn bởi quan niệm sống duy vật, điều chúng ta cần là một giải pháp mới, vừa mang tính bản vị vừa mang tính cộng đồng, coi xã hội loài người là tổ chức của các quyền tự do.”
Ông đặc biệt mong muốn hàn gắn “cuộc ly hôn giữa các tầng lớp lao động và Giáo Hội” bằng cách để Giáo Hội quan tâm đến các vấn đề trần thế của lao động, kẻo người lao động bị hướng dẫn sai lầm bởi “bởi thứ tin mừng của tuyệt vọng và đấu tranh xã hội”.
Maritain không xa lạ gì với những cuộc tranh cãi, hầu hết là với những người đồng đạo Công Giáo bảo thủ hơn ông. Nhưng vào cuối đời, ông thấy mình bị tấn công bởi một số đệ tử ban đầu của ông vì đã thoái lui khỏi hậu quả của các quan niệm giải phóng của chính ông.
Bồn chồn về các tín điều bị chỉ trích
Trong cuốn “Người nông dân xứ Garonne” của ông, ông lớn tiếng chỉ trích nghiêm khắc cố linh mục Pierre Teilhard de Chardin, một tu sĩ Dòng Tên, người xem ra nghi vấn niềm tin Công Giáo đã được chấp nhận về việc con người bị khiển trách. Cuốn sách cũng chỉ trích điều mà Maritain coi là hậu quả nguy hiểm của Công đồng Vatican II, đặc biệt là tinh thần bồn chồn trước những tín điều của Giáo Hội. Ông phát biểu thái độ của mình cách này:
“Chúa ơi, há các tín điều này đã không được định nghĩa, một lần và mãi mãi hay sao?... Há tín lý Giáo Hội đã không được thiết lập một cách chắc chắn hay sao...? Người nào, sau khi đã nhận được đức tin thần học, có thể ngu ngốc đến mức tưởng tượng rằng các chân lý vĩnh cửu sẽ thay đổi...?”
Tấn công một cách trách móc "việc qụy lụy thế gian", ông chế nhạo các đối thủ của mình bằng cách nói thẳng với họ:
“Nội dung khách quan của đức tin mà tổ tiên chúng ta rất gắn bó với - tất cả đều chỉ là thần thoại. Tại sao lại tạo rắc rối khi bác bỏ hỏa ngục, vì nó dễ quên hơn chăng? Và có lẽ chúng ta cũng nên làm như vậy với việc Nhập thể và Thiên Chúa Ba Ngôi.
“Mặc dù là phù du, nhưng những bài viết này [về tín điều] đe dọa làm mất phương hướng hoàn toàn của lương tâm Kitô hữu và đời sống đức tin.”
‘Đội triều thiên cho tư tưởng của tôi’
Ông Maritain phủ nhận rằng ông đã bác bỏ chính ông. Ông nói vào mùa xuân năm 1967 qua Cha Henry Bars, một người bạn thân, “‘Người nông dân xứ Garonne' đội triều thiên cho suy nghĩ của tôi, luôn luôn đi theo cùng một hướng”. Maritain đã quyết định nói qua Cha Bars, cha giải tội của ông trong nhiều năm, vì ông cho biết ông quá yếu để có thể được thăm viếng tại đan viện ở Toulouse nơi ông sống.
Nhà triết học nói rằng ông luôn phản đối những thay đổi trong tín điều. Ông giải thích, “Có một sự khác biệt giữa việc thay đổi tín điều và quan điểm về nó. Mặc dù tín điều có thể diễn biến, nhưng nó luôn luôn là một tín điều”.
Mặc dù ông Maritain từng mô tả cuốn “Người nông dân xứ Garonne” như “di chúc cuối cùng của tôi”, ông vẫn đã thêm hai khoản bổ sung vào di chúc này - “Liên quan đến Ân sủng và Nhân tính của Chúa Giêsu” và “Liên quan đến Giáo Hội Chúa Kitô.” Điều thứ hai xuất hiện vào năm ông 89 tuổi.
Việc tìm kiếm thể tuyệt đối là yếu tố quan trọng trong cuộc đời và công việc của Maritain. Sinh ra tại Paris vào ngày 18 tháng 11 năm 1882, Jacques Maritain là con trai của một luật sư giầu có và cháu ngoại của Jules Favre, một trong những người sáng lập nền Cộng hòa thứ ba. Cậu bé được nuôi dưỡng trong bầu khí Thệ phản cấp tiến, một cách tiếp cận theo chủ nghĩa duy lý đối với các vấn đề tôn giáo.
Tại Sorbonne, chàng sinh viên trẻ đã lục lọi thế giới triết học để tìm ra một khuôn khổ cho các niềm tin mà ông có thể chấp nhận, lần lượt bác bỏ triết học hàn lâm và chủ nghĩa duy vật cho đến khi gặp chủ nghĩa xã hội và triết lý trực giác của Henri Bergson. Điều này đã thu hút Maritain trong một thời gian, nhưng ông cảm thấy Bergson đã không giải thích đầy đủ các sự thật vĩnh cửu.
Sau này, Maritain nhắc lại, “Điều tuyệt vời nhất mà tôi có được trong quá trình học tập của mình vào thời điểm đó là họ đã đưa tôi đến chỗ tiếp xúc với người phụ nữ mà từ đó về sau, trong mọi công việc của tôi, luôn ở bên cạnh tôi trong một sự kết hợp hoàn hảo và đầy phước lành”.
Năm 1904, ông kết hôn với người bạn đồng học của mình, Raissa Oumancoff, con gái của một gia đình Nga gốc Do Thái và cũng giống như chính ông, đã nỗ lực để khám phá ý nghĩa cuối cùng của cuộc sống. Mô tả về sự bế tắc của họ, Cha Bars nói:
“Maritain và vợ ông thấy mình đang rơi vào tình trạng vô cùng rối loạn về tinh thần. Cả hai đều đã mất niềm tin, và cả hai đều tính đến chuyện tự tử nếu không khám phá ra chân lý tuyệt đối và thể tuyệt đối. Sau đó, họ gặp Léon Bloy, một người cực kỳ tin tưởng vào đạo Công Giáo, và sau vài lần gặp gỡ với ông này, họ đã yêu cầu được hướng dẫn, giống như những người trong sa mạc. Trong một thời gian, họ yêu cầu được học hỏi về tôn giáo, và họ đã được rửa tội, cùng với em gái của bà Maritain, là Vera, vào ngày 11 tháng 6 năm 1906."
Giúp biên soạn từ điển
Sau khi trở lại đạo, Maritain, người đã nhận bằng cấp tại Sorbonne năm 1905, đã tính việc từ bỏ triết học với lý do “sự khôn ngoan của các vị thánh đã đủ rồi.” Trong vài năm, ông làm việc ở Đức và trở về Paris, giúp biên soạn một cuốn từ điển kiến thức thực tế về các vấn đề như đan móc, nấu ăn và câu cá.
Đồng thời, trong diễn trình tự đọc (*), ông bắt gặp Thánh Tôma Aquinô và cảm thấy yêu mến hệ thống tư tưởng phức tạp của thánh nhân vốn dựa trên sự tương thích của đức tin với kiến thức thông qua lý trí.
Ông nói: “Ơn gọi triết gia của tôi đã trở nên rõ ràng với tôi. ‘Khốn cho tôi nếu tôi không Tôma hóa [dạy về Thánh Tôma]’, tôi đã viết trong một trong những cuốn sách đầu tiên của tôi như thế.”
Bắt đầu từ năm 1913, ông giảng dạy triết học, chủ yếu là học thuyết Tôma, ở nhiều cơ sở giáo dục, Công Giáo và không Công Giáo, tại một số quốc gia. Trong một số năm, ông đã làm việc tại các học viện như Louvain, Oxford, Heidelberg, Viện Giáo hoàng về Nghiên cứu Trung cổ ở Toronto, Chicago, Princeton và Columbia, cũng như tại các trường cao đẳng ở Pháp.
Các bài giảng và diễn từ của Maritain đã trở thành sách, giúp ông được công nhận là người đi đầu trong phong trào phục hưng trí thức Công Giáo. Trong nhiều năm, ông đã sản xuất hơn 50 cuốn sách, không phải tất cả đều được dịch sang tiếng Anh. Những tác phẩm quan trọng nhất bằng tiếng Anh của ông là “Ba nhà cải cách”, “Nghệ thuật và Chủ nghĩa Kinh viện”, “Những điều không thuộc Xêda”, “Tiến sĩ Thiên thần”, “Chủ nghĩa nhân văn Đích thực”, “Chủ nghĩa Kinh viện và chính trị”, “Lời nói đầu dẫn vào Siêu hình học” Và “Người nông dân xứ Garonne. ”
Vào những năm hai mươi, nhà triết học đã liên kết với phong trào Action Française, một việc mà sau này ông coi là một trong những sai lầm nghiêm trọng nhất của cuộc đời ông. Ông nói, việc ông bác bỏ phong trào này ngụ ý không đồng ý với nền chính trị cực hữu. Tuy nhiên, ông không phải là thành viên của bất cứ đảng chính trị nào.
Khi quân Đức đánh chiếm nước Pháp vào năm 1940, Maritain đang giảng dạy tại Hoa Kỳ. Ông vẫn ở đây trong suốt cuộc chiến tranh và trở thành chủ tịch của École Libre des Hautes Etudes (Trường Cao Đẳng Tư Do), một trường học dành cho các học giả Pháp và Bỉ lưu vong.
Trong phần lớn thời gian của cuộc chiến, vợ chồng Maritain sống ở Làng Greenwich. Dáng người cao, mảnh khảnh, mái tóc trắng và khuôn mặt đẹp trai, râu mép là hình ảnh quen thuộc trên đường phố của Làng khi hàng ngày ông đi bộ đến dự thánh lễ tại Nhà thờ Thánh Giuse. Những người quen biết đều bị ấn tượng bởi sự lịch thiệp và cách cư xử nhã nhặn dễ chịu của ông.
Tại các bữa tiệc tối mà vợ chồng Maritain tổ chức, cuộc trò chuyện cao quí diễn ra dễ dàng bằng cả tiếng Pháp và tiếng Anh khi khách và chủ nhà ăn đậu phộng và nhấm nháp ly bia gừng. Reinhold Nicbuhr, nhà thần học Thệ phản, nói, “Maritain thuộc về nhóm nhỏ những tinh thần vĩ đại ở bất cứ thời đại nào mà người ta có thể học hỏi.”
Maritain, sau khi hoàn thành sứ mệnh ngoại giao tại Vatican từ năm 1945 đến năm 1948, sống và giảng dạy tại Princeton cho đến năm 1952, khi được phong giáo sư hưu trí.
Ngoài nhiều danh hiệu học thuật, Maritain còn là người lãnh huân chương Bắc đẩu Bội tinh của Pháp và huân chương Thánh Grêgôriô Cả của Tòa Thánh. Ông cũng được tặng Huân chương Kháng chiến Pháp và Đại Thập tự của Đức Piô IX. Là một nhà văn, ông đã nhận được Giải thưởng lớn về Văn học của Viện Hàn lâm Pháp năm 1961 và Đại Giải thưởng Quốc gia Pháp về văn học năm 1963.
Trong nhiều năm, Maritain có một ngôi nhà nhỏ ở Meudon, ngoại ô Paris, nhưng không lâu sau cái chết của vợ ông vào năm 1960, ông đến sống với Các Tiểu Đệ Chúa Giêsu, một cộng đồng tu sĩ trên bờ sông Garonne ở Toulouse. Cộng đồng này phục vụ nhu cầu tinh thần cho các người lao động gần đó.
New York Times
(*) Thực ra, theo nhiều tác giả, chính Raissa khám phá ra Thánh Tôma trước và đã khuyên chồng nghiên cứu ngài.
Vietcatholic News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét