Trang

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2022

Phụng vụ: Đức Phanxicô, môn đệ của Thánh Augutinô

 Phụng vụ: Đức Phanxicô, môn đệ của Thánh Augutinô

fr.aleteia.org, Jean Duchesne, 2022-07-04

Đối diện với những người theo thuyết tân pêlagiô cho rằng cải cách phụng vụ của Công đồng Vatican II là không đủ và với những người theo thuyết bất di bất dịch giăng-xen, thì theo nhà khảo luận Jean Duchesne, Đức Phanxicô là một môn đệ chân chính của Thánh Augutinô.

Tông thư Desiderio desideravi (Thầy những khát khao) mới đây của Đức Phanxicô đáng được đọc đi đọc lại. Tông thư được tiếp nhận như một nỗ lực để xoa dịu các tranh cãi trong phụng vụ đã bùng phát kể từ cuộc cải cách sau công đồng cuối cùng cách đây sáu mươi năm. Tông thư được gởi đến cho tất cả mọi người, và không phải chỉ dành cho người hoài cổ hoặc cho những người công kích các nghi thức cổ xưa, nhưng trên hết, nó mời gọi chúng ta tập trung vào điều cốt yếu: lý do và tầm mức của thánh lễ. Chắc chắn tông thư không tự cho là bản tổng hợp đầy đủ về vấn đề. Sự xứng đáng của nó có lẽ là mở ra nhiều quan điểm hơn là cung cấp những câu trả lời dứt khoát.

Chủ nghĩa cổ điển và những nét độc đáo

Một số điểm nhấn mạnh khá cổ điển. Trước hết, việc cử hành thánh lễ không chỉ là dấu chỉ của sự hiệp nhất toàn thể Giáo Hội nhưng còn là thực hiện, là ơn để nhận – loại trừ phần sáng tạo chủ quan và thả lỏng – đòi hỏi sự trung thành với các phương thức được truyền đi. Và sau đó phải có sự thăng bằng giữa tính cách sân khấu cần thiết để tham gia đầy đủ, trong chiều kích thân thể, trong hình thức vội vàng và máy móc. Một lần nữa, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những giây phút im lặng và bất động, dẫn đến một hiệp thông cá nhân theo cả chiều dọc (với “thiên đàng”) và chiều ngang (với cộng đoàn tập hợp và xa hơn nữa là với Giáo hội trên trái đất qua không gian và thời gian).

Nhưng chúng ta cũng có hai trực giác có một vài nét độc đáo. Một là kiên trì đào tạo: khai tâm là điều cần thiết để biết được nguồn gốc, ý nghĩa và phạm vi của các nghi thức, việc học này không bao giờ kết thúc, vì các nguồn lực của phụng vụ là vô tận. Những gì chúng ta khám phá ra trong quá trình thường huấn giáo lý và nghiên cứu cá nhân là không bao giờ xong, trái lại càng làm sâu sắc thêm ước muốn góp phần vào đó. Điều này mở ra một con đường khác: thánh lễ không phải là nghĩa vụ lặp đi lặp lại, mà là nguồn gốc của điều kỳ diệu luôn được tái sinh. Vấn đề không phải là kiểm chứng và xác nhận những thành quả có được, mà là để ngạc nhiên khi đứng trước điều choáng ngợp, đó là chia sẻ bữa ăn Phục Sinh, Chúa Kitô tự hiến mình để nuôi các khách mời của Ngài, thổi sức sống và giải thoát họ khỏi mọi hình thức nô lệ.

Từ bữa Tiệc Ly đến thánh lễ

Một dịp để có được khả năng kinh ngạc này, Đức Phanxicô kết hợp ý thức về điều thiêng liêng, mà bây giờ rất khó để nhận thức trong một thế giới mà điều siêu việt dường như ngày càng ít được cảm nhận. Câu hỏi được đặt ra ở đây, liệu các hình thức phụng vụ có thể, hoặc thậm chí phải tiến hóa, hay liệu thiêng liêng tính, một mặt dựa trên sự xa lạ triệt để đối với văn hóa thế tục của trào lưu và mặt kia là tính bất biến của các nghi thức (kệ cho số đông nếu họ không hiểu).

Cách thức cử hành tưởng niệm bữa ăn cuối cùng và mang tính quyết định này đã được tái tạo không ngừng qua bao nhiêu thế kỷ.

Rõ ràng là trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu không mặc áo lễ, không có bàn thờ, bánh thánh, đĩa thánh, chén thánh. Rõ ràng là cách thức để tưởng nhớ bữa ăn cuối cùng này đã được tái tạo không ngừng qua nhiều thế kỷ, đáp ứng hai yêu cầu rõ ràng trái ngược nhau: một mặt, với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, một sự trung thành tuyệt đối với những gì Chúa Kitô xin các môn đệ của Ngài làm; mặt khác là sự tham dự sâu đậm nhất có thể của tín hữu trong mối quan hệ giữa Thiên Chúa và thế giới được tập hợp lại và đổi mới. Đó là cách nghi thức “bẻ bánh” của kitô giáo nhanh chóng được ghép vào phụng vụ mà hội đường đã có, gồm các bài đọc Lời Chúa, các phép lành, suy niệm để có thánh lễ “của chúng ta.”

Sự phát triển của phụng vụ, cũng như của tín điều?

Chúng ta nên nhớ hai điều quan trọng ở đây. Trước hết, những phát triển của việc cử hành Thánh Thể không hoàn toàn là công việc của con người với mục đích kéo tín hữu vào đạo. Vì Chúa Thánh Thần chăm sóc để ý Chúa được đến với mọi người. Thứ hai, các cập nhật liên tiếp chưa bao giờ chỉ đáp ứng cho nhu cầu văn hóa hoặc tâm lý thông thường, mà tương ứng với việc khám phá các nguồn tài nguyên chưa được khai thác cho đến nay của Truyền thống do thái giáo và kitô giáo. Và chính vì những điều này là vô tận nên việc đào sâu, tiến bộ và thậm chí – đừng sợ từ ngữ – tiến bộ là có thể vĩnh viễn và trên thực tế diễn ra (mà chúng ta không có khả năng nâng đỡ những người đi trước chúng ta ít được thần thánh hóa hơn).

Chúng ta gần như có thể nói về sự phát triển phụng vụ, tương tự như sự phát triển tín điều mà Thánh John Henry Newman phân định. Dĩ nhiên cũng như có những dị giáo, những tái tập trung không tránh được những sai sót do giả định và vội vàng. Chính đó mà cảm thức Giáo hội sensus Ecclesiæ có giá trị – trực giác của dân Chúa, trong ứng xử tập thể của họ và không ai nhân danh họ, nhận ra (đôi khi trước các mục tử và giáo quyền của họ) điều gì đến hoặc không đến từ Chúa, và điều gì dẫn đến hoặc không dẫn đến Chúa. Đây là cách, ví dụ, lòng mộ đạo bình dân luôn cổ vũ cho việc tôn kính các thánh, từ thời Trung Cổ đã truyền cảm hứng cho bí tích Thánh Thể, mang tính “trọng tâm kitô giáo” hơn là các thánh tích.

 “Sự nhạy bén của đàn chiên”

Cái mà chúng ta có thể gọi là bản năng kitô giáo và theo nhà thần học Ysabel de Andia, đó là “sự nhạy bén của đàn chiên” có thể biện minh cho phân tích của Đức Phanxicô, trong tông thư ngài lưu ý những bất đồng trong phụng vụ có sức bật mang tính giáo hội học, đó là chúng ta có thể nói, dựa trên sự tiên nghiệm liên quan đến bản chất và hoạt động của Giáo hội.

Những tranh cãi do Công đồng Vatican II đưa ra, dù bị cho là quá táo bạo hay không đủ táo bạo, thực sự đã và vẫn ở nơi một thiểu số, họ nghĩ họ “biết” hơn hầu hết các anh chị em của họ. Tuy nhiên, các cải cách hậu công đồng đã không được các chuyên gia trong các ban phòng ban hành một cách tùy tiện, áp đặt quan điểm của họ về hệ thống thứ bậc. Đúng hơn là do những nghiên cứu và thử nghiệm đáp ứng những nhu cầu tiềm ẩn, trong phong trào phụng vụ bắt đầu vào đầu thế kỷ 20, tạo ra những thành quả đầu tiên năm 1951 với việc tái lập Canh thức Phục sinh.

Thuyết lạc giáo Pêlagiô (không cần ơn Chúa) và thuyết Giăng-xen (đạo lý khắc khổ)

Tuy nhiên, mọi khoa giáo hội học nào gắn liền với phụng tự đều có nguồn gốc sâu xa hơn. Các lễ kỷ niệm trong đó việc bày tỏ cảm nhận được nhấn mạnh có xu hướng trở nên đạo đức hóa, vì mục tiêu nhằm cải thiện trải nghiệm này. Vì thế các buổi lễ ít nhiều lạc giáo theo kiểu pêlagiô, vì bắt các tín hữu có những cố gắng cần thiết và được cho là đủ. Ngược lại, khi một hình thức nghi lễ bất biến bị nén lại hoặc ít nhất bị điều kiện hóa trong mọi cảm xúc tâm hồn, thì ngầm hiểu đó là sự bất lực, thậm chí là sự không xứng đáng của thân phận con người do tội nguyên tổ, thì chúng ta thấy ở đây thuyết giăng-xen, một chủ thuyết trách cứ các tu sĩ Dòng Tên vì đã quá tin tưởng vào tự do con người.

Những cuộc tranh cãi thần học xưa cũ này vẫn đan xen vào nhau và vẫn mang tính thời sự. Thánh Augutinô đã đánh bại những người lạc giáo pêlagiô và những người theo chủ thuyết giăng-xen chống các tu sĩ Dòng Tên, Đức Phanxicô là tu sĩ Dòng Tên. Ngài cho thấy mình là môn đệ trung thành của Thánh Augutinô, vị Tổ phụ nổi tiếng nhất của kitô giáo phương Tây. Ngài trích dẫn Thánh Augutinô hai lần trong Thầy những khát khao, Desiderio desideravi (số 14 và 16, liên quan chính xác đến sự hiệp nhất của Giáo hội qua bí tích Thánh Thể). Và ngài công kích chủ thuyết pêlagiô trong tông huấn Niềm vui Tin mừng Evangelii Gaudium (2013, n. 94) và tông huấn Vui mừng và Hân hoan Gaudete et exultate (2018, n. 47-59).

Marta An Nguyễn dịch

http://phanxico.vn/2022/08/13/phung-vu-duc-phanxico-mon-de-cua-thanh-augutino/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét