Về Giáo Hội của Chúa Kitô, tác phẩm gần cuối đời của Jacques Maritain, chương năm
Vu Van An
Chương năm: Giáo hội, sự Viên mãn của Chúa Kitô
Sự Viên mãn
1. Khái niệm viên mãn (plentitude), như người ta thấy trong Thánh Phaolô và các Giáo phụ Hy Lạp, đã làm nảy sinh nhiều cuộc thảo luận và nghiên cứu. Tôi tự hài lòng với việc lưu ý ở đây rằng, ngay từ khi nó còn là một vấn đề viên mãn tâm linh, lúc chữ này được nhà siêu hình học hoặc nhà thần học sử dụng, viên mãn đã dư tràn rồi.
Đó thực là điều Thánh Phaolô nói với chúng ta. Chúa Kitô là sự viên mãn của mọi sự{1}. Và sự viên mãn của Người tràn ngập trên Giáo hội. Giáo Hội là sự viên mãn của Chúa Kitô{2}.
"Chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ, nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Chúa Kitô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hợp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô,” εἰς μέτρου ἡλικίας τοῦ πληρώματος τοῦ Xριστοῦ [eis metron hê likias tou plerômatos tou Christou] {3}.
Và như thế Con Người Hoàn Hảo này, tức Giáo Hội, sẽ trở về với sự viên mãn của Thiên Chúa, nó "sẽ đạt tới sự viên mãn của chính Thiên Chúa {4}," sự viên mãn mà, trên thực tế, hoàn toàn dư tràn trong "toàn thể" sáng thế (thiên nhiên, ân sủng và vinh quang) mà Chúa Kitô vốn là sự sung mãn. Đó là chu kỳ đáng ngưỡng mộ của những viên mãn dư tràn.
2. Giáo Hội là sự viên mãn của Chúa Kitô. Không thể đánh dấu mạnh mẽ hơn nữa đặc tính của mầu nhiệm siêu nhiên, mầu nhiệm đức tin, mà Giáo hội mang trong chính hữu thể của mình.
Sự kiện nhiều Kitô hữu không lưu ý đến điều này, và tự trình bầy cho mình một Giáo hội chỉ như một cộng đồng tự nhiên, một gia đình tôn giáo đơn thuần được cấu thành, giống như các gia đình tôn giáo khác ở đây trên trái đất này, do sự kiện nó tập hợp những con người tuyên xưng các niềm tin giống hệt như nhau, cùng thực hành các nghi thức như nhau và sống trong cùng một bầu không khí đạo đức như nhau, đây là dấu hiệu cho thấy họ đã được dạy dỗ cách rất tồi tệ, và khi nói "Giáo hội", họ hoàn toàn đi bên cạnh đối tượng được họ nói tới.
Giáo Hội Đầy Ân Sủng
1. Tôi đã nói, ở cuối chương đầu tiên: có ba vị thánh thiện và vô nhiễm, mặc dù mỗi vị một cách khác nhau và bằng một danh hiệu khác nhau: Chúa Kitô, Đức Trinh Nữ và Giáo hội. Cũng cần phải nói giống như vậy rằng: do việc tuôn trào sự viên mãn của Thiên Chúa vào lòng vũ trụ tạo dựng, có ba ngôi vị, với những danh hiệu rất khác nhau, đều đầy ân sủng:
Chúa Kitô, mà bản chất nhân loại của Người được tạo dựng, nhưng Ngôi vị của Người là Ngôi Lời bất tạo, là Chúa Con vĩnh viễn được sinh ra từ Chúa Cha trong sự hiệp nhất ba ngôi hoàn hảo;
Đức Trinh Nữ Diễm phúc, mà ngôi vị hoàn toàn nhân bản được vô nhiễm ngay từ khi thụ thai, do công phúc dự phòng của Đấng Diễm phúc mà Trinh nữ sẽ mang vào thế gian;
Giáo Hội, mà ngôi vị tập thể hay đa nhân [multitudinaire] có sự tồn hữu siêu nhiên từ Thiên Chúa nhờ là hình ảnh của Chúa Kitô, hình ảnh được Giáo hội mang trong mình, và linh hồn và sự sống là ân sủng và đức ái.
Giữa ba ngôi vị này không có thước đo chung. Ngôi vị đầu tiên là thần linh; ngôi vị thứ hai là nhân bản; ngôi vị thứ ba không phải là ngôi vị cá nhân; ngôi vị này bao trùm trong mình vô số hữu thể nhân bản, những hữu thể tồn hữu và vốn đã hiện hữu bằng sự tồn hữu cá nhân và sự hiện hữu cá nhân của riêng họ, trong tính thống nhất của một sự tồn hữu tạo dựng đơn nhất và y như nhau được tiếp nhận một cách siêu nhiên.
Nhưng há người ta không nói rằng trong ba ngôi vị có mức độ hiện hữu rất khác nhau này, tức Chúa Con nhập thể, Đức Maria, Mẹ của Người, Giáo hội Cô dâu của Người, - Thiên Chúa đã muốn nhìn thấy, trong lòng vũ trụ tạo dựng, một loại bản sao mầu nhiệm và cao siêu của Thiên Chúa Ba Ngôi thánh thiện và không thể nào tiếp cận được, Ba Ngôi, nhưng trong trường hợp này, trong sự đồng nhất tuyệt đối của bản chất bất tạo và của sự sống bất tạo, là chính Người trong Sự Hiệp nhất hoàn hảo và vô cùng siêu việt của Người đó sao?
Khi Chúa Giêsu sống trên mặt đất, ân sủng mà Người đầy rẫy, và vô hạn trong bầu trời siêu ý thức của linh hồn Người, không ngừng tăng trưởng ở đây dưới thế này của linh hồn Người{5}, tương ứng với tuổi của Người, với các thử thách của Người và với các hành vi của tình yêu anh hùng của Người.
Nơi Đức Maria, bao lâu ngài còn sống trên mặt đất, ân sủng mà ngài được tràn đầy cũng không ngừng tăng lên, cho đến giây phút Đức Trinh Nữ được dẫn cả hồn lẫn xác tới gần Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, để trở thành Nữ vương của các Thiên thần và của Giáo hội Thiên đàng và Trái đất.
Và nơi Giáo Hội còn đang lữ thứ trên mặt đất trong khi vác thập giá của Chúa Giêsu, ân sủng mà Giáo Hội tràn đầy sẽ không ngừng lớn lên cho đến những thử thách cuối cùng và cho đến ngày tận thế; lúc đó, khi thời gian không còn nữa, Giáo Hội sẽ hoàn toàn được quy tụ trong vũ trụ của những người diễm phúc (nơi mà từ năm này qua năm khác, theo tỷ lệ như thời gian ở đây dưới thế này trôi qua, vô số thành viên của Giáo Hội bước vào vinh quang tăng lên không ngừng). Và chính từ đó, Giêrusalem trên trời sẽ xuống dưới vũ trụ vật chất đã được biến đổi{6}.
2. Tôi đã viết một vài dòng trên đây rằng ngôi vị của Giáo Hội bao trùm trong mình vô số các hữu thể nhân bản. Để chính xác hơn, cần phải nói rằng Giáo Hội ôm ấp trong mình, - trong sự hợp nhất của cùng một tồn hữu thụ tạo đơn nhất được tiếp nhận một cách siêu nhiên (cùng một sự tồn hữu siêu nhiên trên trái đất và trên thiên đàng), - vô số hữu thể không chỉ là con người, các chi thể của Giáo Hội ở đây trên trái đất này, mà còn là những linh hồn vinh quang đã lìa xác, và các thiên thần thánh thiện (tôi đã lưu ý rằng họ cũng là một phần của Giáo hội). Vì chính cùng một ngôi vị đơn nhất của Giáo Hội hiện hữu trong trạng thái vinh quang, nơi Giáo Hội thấy, và trong trạng thái "đi đường" hoặc đang lữ hành trên trần thế, nơi Giáo Hội tin tưởng.
Sự viên mãn của Chúa Kitô, làm thế nào Giáo Hội lại không tràn đầy ân sủng cho được? Thánh thiện, vô nhiễm, chói lọi, như Thánh Phaolô đã nhìn thấy Giáo Hội, "thánh thiện bất khả khuyết", như Công đồng Vatican II đã nói. Điều này đúng với Giáo hội trong trạng thái lữ hành trên trần thế cũng như Giáo hội trong trạng thái vinh quang vĩnh cửu.
Nhưng trong trạng thái lữ hành trên trần thế của Giáo Hội, - cuộc lữ hành đang làm chúng ta bận tâm vào lúc này, - chính trong các thành viên (ngoại trừ Trinh Nữ Diễm Phúc khi ngài còn sống giữa chúng ta) những tội nhân đáng thương mà ngôi vị của Giáo hội được đầy ân sủng. Điều đó đúng như thế, như chúng ta đã thấy trong Chương II, vì linh hồn của Giáo Hội chính là ơn thánh hóa, sự sống của Giáo Hội chính là đức ái; tư cách ngôi vị của Giáo Hội là tư cách ngôi vị siêu nhiên, một ngôi vị được ban cho Giáo Hội vì là hình ảnh của Chúa Kitô được in sâu trong Giáo Hội, và niêm ấn cả linh hồn Giáo Hội lẫn sinh vật gồm nhiều khớp nối được chỉ định cho cơ thể Giáo Hội bằng tính hiệp nhất hoàn hảo như thể tạo thành một bản thể cá nhân đơn nhất, và là ngôi vị vốn đem lại cho mỗi thành viên của mình cùng một mức ân sủng mà Chúa Kitô vốn làm sinh động hữu thể và hành động của họ, trong khi tất cả những gì liên quan đến sự dữ và tội lỗi đều tự rút lui khỏi tư cách ngôi vị siêu nhiên này. Biên giới của tư cách ngôi vị của Giáo hội băng qua trái tim của mỗi người. Nơi nào Chúa Cha không thấy hình ảnh Con của Người, ơn thánh hóa và đức ái, ở đó không thể có tư cách ngôi vị của Giáo Hội; một trong những thành viên của Giáo hội đánh mất ân sủng và đức ái đến mức nào, thì cũng đến mức ấy, họ đã xa lìa tư cách ngôi vị của Giáo hội.
Điều trên có nghĩa các thành viên "đã chết" của Giáo Hội vẫn còn là chi thể của thân thể Giáo Hội bởi Bí Tích Rửa Tội của họ, bởi đức tin của họ (đức tin "đã chết"), Bí Tích Thêm Sức của họ, và Bí Tích Truyền Chức Thánh nếu họ đã lãnh nhận nó, và vẫn còn hoạt động, mặc dù chỉ từ bên ngoài, bởi những ảnh hưởng, những lời kêu gọi, những kích thích và sự soi sáng mà với chúng ngôi vị của Giáo hội vẫn ôm ấp họ; nhưng, chừng nào họ còn “chết”, thì hữu thể bên trong của họ, vì đã lìa xa ân sủng của Chúa Kitô, nên không còn được tư cách ngôi vị của Giáo hội chiếm hữu nữa. Nếu một Giáo hoàng sống trong tình trạng tội trọng, vị đó vẫn có thể được ngôi vị của Giáo hội khích động như một dụng cụ trong các hành vi trong đó vị này thực thi sứ mệnh Giáo hoàng của mình, và lúc đó đã làm một công việc xuất sắc. Nhưng chừng nào còn sống trong tội lỗi, vị này, trong chính hữu thể thâm sâu nhất của ngài, không được ân sủng của Chúa Kitô làm cho sinh động cũng không được tư cách ngôi vị của Giáo Hội chiếm hữu.
Trong kiểu suy tư vòng tròn trong đó chúng ta đang tham gia, chúng ta sẽ được dẫn dắt, trong chương sau, để, trong cố gắng mở rộng chúng thêm một chút, lặp lại các suy nghĩ của chúng ta về mầu nhiệm của chính ngôi vị thì vô nhiễm nhưng nơi các thành viên thì có chuyện tranh luận về ân sủng và tội lỗi. Đây là mầu nhiệm riêng của Giáo hội trên mặt đất. Điều quan trọng đối với tôi ở đây là nhấn mạnh vào tư cách ngôi vị được Giáo hội đón nhận một cách siêu nhiên và vốn là tư cách ngôi vị của ân sủng.
Một nỗ lực mô tả bằng ảnh tượng
Các hình ảnh về Giáo hội có nhiều trong Sách Thánh, như Công đồng Vatican thứ hai đã lưu ý, vừa đa dạng vừa tản mạn, - điều này nhất quán với thiên tài biểu tượng vốn là đặc điểm của ngôn ngữ Cựu ước, cũng như ngôn ngữ của Thánh Phaolô và của Thánh Gioan. Và sẽ hoàn toàn vô ích nếu tìm cách dung hòa trong cùng một cách trình bầy các hình ảnh như Cánh đồng của Chúa, Vườn nho của Người, Đền thờ của Người, Mẹ sự sống, Đoàn chiên, thành Giêrusalem trên trời, Thân thể mà Chúa Kitô là Đầu. Nàng dâu mà Người đã chọn cho chính Người, - những hình ảnh có sự khác biệt minh chứng cho sự phong phú vô tận của đối tượng được minh họa.
Tuy nhiên, tác giả của cuốn sách này, tiếc thay, không phải là thiên tài của Israel. Ông là một nhà triết học sinh ra trong bầu khí La Hy, và là người, để nắm vững hơn tính khả niệm của các khái niệm mà ông tập hợp, luôn cảm thấy cần phải so sánh chúng, trong trí tưởng tượng của mình, với một số trình bầy có tính tượng trưng phần nào thỏa mãn được đôi mắt. Do đó, ông cố gắng kết hợp trong cùng một hình ảnh hai biểu tượng vĩ đại mà Thánh Phaolô dùng để nói về Giáo hội, đó là Thân thể mầu nhiệm và Nàng dâu, và ông đã yêu cầu, để có thể trình bày một cách xứng đáng hình ảnh này, sự giúp đỡ của người bạn mình là Jean Hugo.
Do đó, người ta sẽ thấy, trên trang sau, một hình minh họa mà tôi muốn có màu sắc, và trong đó người phụ nữ với cánh tay mở rộng đại diện cho Giáo hội được bao quanh hoàn toàn bằng một hào quang vĩ đại (mà tôi tưởng tượng bằng vàng) được hình thành bởi khuôn mặt của Chúa Giêsu; điều này nhắc cho tâm trí nhớ rằng Chúa Kitô là Đầu nhân thần của ngôi vị nhân bản Giáo Hội, caput supra omnem Ecclesiam [đầu trên toàn thể Giáo Hội]{7}, như Thánh Phaolô từng nói trong Thư gửi tín hữu Êphêsô, - Người là Đầu hoặc Người lãnh đạo của Giáo hội, nhưng "ở trên Giáo Hội."
Và đó là Giáo hội ở đây dưới thế này, Giáo hội trong tình trạng lữ hành trên trần gian, được trình bầy như vậy. Người phụ nữ tượng trưng cho Giáo Hội được đội vương miện gai, để chứng tỏ rằng qua mọi thời đại và cho đến ngày tận thế ngài "hoàn tất" (trong ứng dụng, chứ không phải trong công phúc) "điều còn thiếu trong các đau khổ của Chúa Cứu thế." Và đôi mắt của bà rơi lệ, - bà tắm trong nước mắt, - điều này cho thấy Nàng Dâu vô nhiễm nguyên tội, noi gương Chúa Kitô, nhận lấy cho mình các vi phạm của vô số chi thể của mình, và đền tội cho họ.
Đầu của bà là biểu tượng của thẩm quyền cao nhất trong Giáo hội trên trần gian, thẩm quyền của Vị Đại diện của Chúa Kitô, giám mục Rôma, với, ngay bên dưới ngài, là giám mục đoàn thế giới.
Đôi chân trần của bà vì bà nghèo, đẫm máu vì gai nhọn giữa lúc tiến bước trên trái đất này, tuy nhiên, mạnh mẽ vì Chúa trợ giúp bà và bảo vệ bà trên đường đi.
Tính phổ quát của Giáo hội là một mầu nhiệm, cũng như Giáo Hội là một mầu nhiệm
1. Như chúng ta đã thấy trong Chương III, Giáo hội có sự tồn hữu kép: một mặt là sự tồn hữu tự nhiên của vô số tín hữu của Giáo hội xét từng người một; mặt khác, một sự tồn hữu mầu nhiệm, và là sự tồn hữu độc nhất trong loại này, cùng trương độ với ân sủng lan tỏa khắp các chi thể của mình, - điều mà Giáo Hội nhận được một cách siêu nhiên từ Thiên Chúa vì Giáo Hội đã mang hình ảnh cực kỳ độc nhất và cá thể của Ngôi Lời Nhập Thể in sâu trong mình. Chính sự tồn hữu này, - sự tồn hữu của ân sủng, cùng một lúc là tập thể và được phú cho một sự hiệp nhất hữu thể học phát xuất từ chính Chúa Kitô, - một sự hiệp nhất làm cho Giáo hội, không giống như mọi cộng đồng khác, thành một ngôi vị đúng với tên gọi, được cấu thành một cách siêu nhiên, Thân thể của Chúa Kitô và Nàng dâu của Chúa Kitô.
Liên quan đến tính phổ quát của Giáo hội, - và tới mức độ (và điều này xem ra hợp pháp đối với tôi) khiến người ta phải quy từ ngữ “tính phổ quát” cho quần thể các ngôi vị cá nhân tạo nên tập thể bao la này (chính đức tin chung của họ là đức tin của Giáo Hội), - cũng cần phải nói rằng đối với Giáo hội có một tính phổ quát kép: một mặt là tính phổ quát về số lượng hoặc thống kê, mà lòng nhiệt thành tông đồ muốn thấy bao trùm tất cả mọi người, nhưng thực tế, bỏ ra ngoài phần cực kỳ lớn của dân số trên trái đất. Theo một nghĩa khác, Giáo hội đón nhận tất cả mọi người, khi Giáo hội bảo bọc họ trong lời cầu nguyện và trong tình yêu của mình, và như chúng ta sẽ thấy, theo mức độ người ta có thể tin, khi Giáo Hội hiện diện một cách tiềm ẩn và vô hình [virtuellement et invisiblement] trong tất cả mọi người. Trên thực tế, tính phổ quát về số lượng hoặc thống kê của Giáo Hội chỉ mở rộng tới tất cả những người được rửa tội vốn là thành viên của cơ cấu hữu cơ của Giáo Hội hoặc của cơ thể có nhiều khớp của Giáo Hội. Loại phổ quát như vậy là loại phổ quát mà hệ thống máy tính có khả năng đếm mọi thành viên thuộc bất cứ cộng đồng con người rộng lớn nào sẽ tiết lộ. Người ta có thể gọi nó là "tính phổ quát về số lượng." Nó không đáng ta quan tâm, nó không phải là tính phổ quát của Giáo hội theo nghĩa nền tảng của từ ngữ này.
Chúng ta hãy nhớ lại rằng Giáo hội không thể sai lầm trong vấn đề đức tin, bao lâu Giáo hội được xem xét trong tính hiệp nhất và phổ quát của mình. Nếu tính phổ quát của Giáo hội được hiểu theo nghĩa phổ quát của số lượng, thì đó là suy nghĩ, được biểu nhờ tôi không biết là cuộc thăm dò phổ quát nào của Gallup, về các cộng đồng được phân bổ trong tổng thể các giáo hội địa phương, những Giáo Hội sẽ cung cấp tiêu chuẩn cho điều gì thuộc đức tin. Nhưng những gì Giáo hội cho là đúng và được Thiên Chúa mạc khải hệ ở chính những điều được tin, ở hạ tầng, bởi sự nhất trí hoặc bởi số lượng lớn nhất các thành viên của các cộng đồng này trên toàn thế giới. Để thấy được sự phi lý của một quan niệm như vậy, người ta chỉ cần nghĩ đến cuộc khủng hoảng do phái Ariô gây ra, và nhận xét của Thánh Giêrônimô về tình trạng u mê của thế giới khi nhận thấy rằng nó gần như đã đánh thức phái này. Trong cơn sóng gió tôn giáo lớn lao của thế kỷ thứ tư, nhiều giáo hội địa phương, lúc này hay lúc khác, đã chạy sang phái Ariô hoặc bán Ariô, và đức tin của Giáo hội chỉ được cứu thoát bởi những vị thánh có tầm vóc vĩ đại đáng ngưỡng mộ và của một sự kiên định bất khả chiến bại, - một Athanasiô, một Hilariô thành Poitiers.
2. Tính phổ quát của Giáo Hội theo nghĩa nền tảng của từ ngữ này là tính phổ quát của tất cả những chi thể của Giáo Hội nào vẫn sống trong ân sủng của Chúa Kitô, và không cản trở sự trợ giúp của Thánh Thần Người được ngôi vị của Giáo Hội tiếp nhận, - và trong đó mỗi người có thể tham gia hoặc trực tiếp nếu bản thân họ được soi sáng nội tâm bởi sensus fidei [cảm thức đức tin] vốn của riêng "dân thánh Thiên Chúa", {8} hoặc thông qua giáo huấn và các quyết định của Giáo hội nếu họ sẵn lòng tuân theo chúng. Tính phổ quát như vậy là tính phổ quát của ân sủng, trong tư cách ấy, nó vô hình đối với con mắt chúng ta. Nhưng nó trở nên hiển nhiên đối với chúng ta mỗi khi từ trên cao, huấn quyền bình thường hoặc phi thường khiến tai chúng ta nghe thấy tiếng nói của ngôi vị Giáo hội, - điều này do Đức Giáo Hoàng nói ex cathedra [từ ngai tòa], hoặc bởi các Công đồng chung tập hợp giám mục đoàn khắp thế giới lại với nhau trong cùng một chứng từ đơn nhất, hợp nhất với Đức Giáo Hoàng, hoặc bởi sự thống nhất và liên tục qua nhiều thế kỷ của giáo huấn ở khắp mọi nơi do các giám mục đưa ra. Trong mỗi trường hợp mà tôi vừa đề cập này, tính hiệp nhất và tính phổ quát của ngôi vị Giáo hội được biểu lộ một cách khả giác, và Giáo hội được xem xét trong tính hiệp nhất và tính phổ quát của mình tự biểu lộ cho chúng ta.
Do đó, tính phổ quát của Giáo hội cũng mầu nhiệm như chính Giáo hội. Chỉ một mình Thiên Chúa biết trương độ của nó, chỉ một mình Thiên Chúa biết ai là những người được Giáo Hội bảo bọc trong hành động vào từng thời điểm của lịch sử. Đối với những người khác chúng ta, nó chỉ trở nên hiển nhiên, như tôi vừa nói, khi tiếng nói của Giáo hội tự làm cho nó được chúng ta nghe thấy, trong sự hiệp nhất được biểu lộ một cách khả giác trong giáo huấn tông truyền, - hoặc bởi huấn quyền bình thường trong suốt nhiều thế kỷ, hoặc theo các sắc lệnh và định nghĩa của các Công đồng chung, hoặc theo giáo huấn của Đức Giáo Hoàng ex cathedra [từ ngai toà]. Như thế, chính Giáo hội được xem xét trong tính hiệp nhất và tính phổ quát của mình, là người nói với chúng ta, và là người nói với chúng ta một cách không thể sai lầm.
3. Tuy nhiên, há tôi đã không nhắc lại ngay lúc này rằng vào thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng lớn sau Công đồng Nixêa, được tổ chức năm 325 (sau các Công đồng lớn, thường diễn ra các cuộc khủng hoảng lớn), đa số các giám mục đã nhận thấy mình, ngày nọ hay ngày kia, đứng về phía phái Ariô hay nửa Ariô đó sao? Do đó, điều gì sẽ xảy ra nếu ngay giữa cuộc khủng hoảng, Đức Giáo Hoàng Libêriô đã tìm ra cách triệu tập cùng số giám mục đó (có lẽ chiếm đa số) tham dự một Công đồng chung?
Theo ý kiến của tôi, câu trả lời rất đơn giản: đó là giữa sự hồ đồ tồi tệ nhất, và một sự hỗn loạn của các biến cố trong đó các ganh đua, các hèn nhát, các liên minh quyền lợi và những trò nịnh bợ ở triều đình Giáo Hội hòa lẫn với những âm mưu của triều đình đế quốc, những quyết định không được khiếu nại, những đe dọa và bạo lực của Hoàng đế, và với một làn sóng bách hại, và chính do sự yếu đuối, sợ hãi hoặc tham vọng mà các giám mục được đề cập đã sa vào sai lầm. Vâng, giả sử ngay giữa cuộc khủng hoảng, mọi người được tập hợp lại trong một Công đồng chung, thì sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần được hứa ban cho ngôi vị của Giáo hội đã quét sạch khỏi họ những điều khốn cùng của Ađam cũ rồi; và cùng các giám mục đó, được Thần Khí Chúa Kitô soi sáng, đã long trọng lên án phái Ariô và phái nửa Ariô, như sau này, vào năm 381, Công đồng Constantinople đã làm.
__________________________________________________________________________________________________
{1} Eph. 1: 23. - "... sự viên mãn của Người lấp đầy vũ trụ trong mọi thành phần của nó." Xem thêm Ch. I, tr. 3 và ghi chú 3.
{2} Đã dẫn. - "Et ipsum decit caput supra omnem Ecclesiam, quae est Corpus ejus, et Plenitudo ejus" [và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh; mà Hội Thánh là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người].
{3} Eph. 4: 11-13.
{4} Đã dẫn, 3:19.
{5} Xem cuốn sách của tôi De la Grâce et de l'Humanité de Jésus [Về Ân sủng và Nhân tính của Chúa Giêsu], Paris, Desclée De Brouwe, 1965, các tr.49-91
{6} Kh. 21: 1 tt. - x. Lumen Gentium, I, 6. Hình ảnh này của Sách Khải huyền đã được áp dụng vào Giáo hội lữ hành, vì tư cách ngôi vị của Giáo hội thuộc về trật tự siêu nhiên.
{7} Eph. 1: 23. - Ở đây, chúng ta hãy theo bản Phổ thông (Vulgate); chính Thánh Giêrônimô là người đã dịch đoạn văn này một cách trung thực nhất.
{8} Xem Lumen Gentium, Ch. II, số 12.
{9} Công đồng Tyre, mà năm 335 đã lên án và phế truất Thánh Athanasiô, và Công đồng Rimini, mà năm 359, dưới áp lực của triều đình, cuối cùng đã chấp nhận một công thức không thể chấp nhận được nhằm thỏa hiệp và hòa giải với phái Ariô, là những Công Đồng không có giá trị chung hoặc thẩm quyền đích thực, đã át đi tiếng nói của Giáo hội thay vì giúp nó được lắng nghe. Giả thuyết hoàn toàn nhưng không đề ra ở đây có ý nói đến một công đồng phát biểu tư tưởng của toàn thể hàng giám mục và được ban cho một thẩm quyền đích thực, có ý nói đến một công đồng chung (theo nghĩa trong đó khái niệm đã được sống và thực hành ngay từ đầu và được định nghĩa sau này).
Vietcatholic News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét