Dụ ngôn người Samari nhân hậu trong Thông điệp Fratelli Tutti
DỤ NGÔN NGƯỜI SAMARI NHÂN HẬU TRONG
THÔNG ĐIỆP FRATELLI TUTTI
Lm. Anrê Đoàn Văn Điểm
DẪN NHẬP
Trong bài tóm tắt của Vatican News Tiếng Việt về Thông Điệp FRATELLI TUTTI có viết: “Trước nhiều bóng tối […], Thông Điệp đối lại bằng một tấm gương sáng ngời, đem lại niềm hy vọng, đó là tấm gương của người Samari Nhân Hậu. Đây cũng là chủ đề của chương thứ hai: Một người lạ trên đường, trong đó, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng, trong một xã hội băng hoại đang quay lưng lại với khổ đau và hoàn toàn “mù tịt” với việc chăm lo cho người đau yếu và dễ bị tổn thương (FT 64-65), tất cả chúng ta được mời gọi – như người Samari Nhân Hậu – trở thành người thân cận với tha nhân (FT 81), bằng việc vượt qua những thành kiến, tư lợi, những rào cản lịch sử và văn hoá. Thật vậy, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm trong việc xây dựng một xã hội biết đón nhận, hội nhập và nâng đỡ những ai quỵ ngã và đau khổ (FT 77). Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rằng tình yêu bắc những nhịp cầu và “chúng ta được sinh ra cho tình yêu” (FT 88), Người khuyến khích cách đặc biệt các tín hữu nhận ra Đức Kitô nơi những ai bị loại trừ (FT 85). Nguyên lý về khả năng yêu thương ở “mức độ phổ quát” (FT 83) được nhắc đến trong chương ba: Suy tư và xây dựng một thế giới rộng mở, trong đó, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta “ra khỏi chính mình” để thấy nơi tha nhân “sự tăng trưởng của hiện hữu” (FT 88), học nơi tha nhân năng động bác ái hầu giúp chúng ta hướng đến “sự hiệp thông phổ quát” (FT 95). Trên hết, Thông Điệp nhắc nhớ rằng tầm vóc thiêng liêng của đời sống con người được định nghĩa bởi tình yêu là điều “luôn ở vị trí đầu tiên” và giúp chúng ta nỗ lực hơn vì lợi ích của tha nhân, giúp chúng ta tránh xa mọi hình thức của chủ nghĩa ích kỷ (92-93)”[1].
Với những nét khái quát như trên, bài viết được trình bày nhằm quảng diễn những tư tưởng chính của Thông Điệp trong sự liên hệ tiềm tàng với dụ ngôn Người Samari Nhân Hậu. Qua đó, thấy được những mục đích chính mà Đức Thánh Cha Phanxicô nhắm tới dưới sự soi sáng của Lời Chúa, như một lời mời gọi chọn lựa và hành động như người Samari Nhân Hậu. Với những khát mong của Đức Thánh Cha Phanxicô, mọi người nói chung và các Kitô hữu nói riêng được mời gọi nhìn lại bản thân với một cuộc tự hồi tâm thật nghiêm túc. Sau khi đã nhận ra thực trạng thế giới và bản thân, mỗi người cần phải làm gì để đáp lại Lời Chúa theo gương của người Samari Nhân Hậu mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy tư thấu đáo và nhiệt thành sẻ chia.
1. Ý NGHĨA CỦA DỤ NGÔN MÀ ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ NHẮM TỚI
Cơ sở thần học của Thông Điệp là dụ ngôn Người Samari Nhân Hậu được diễn tả trong Lk 10, 25-37.
Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, Dụ Ngôn đại diện cho câu trả lời cho câu hỏi : Ai là người hàng xóm của tôi? - công thức được áp dụng trong Kinh Thánh cho câu hỏi ai sẽ được coi là “anh chị em” trong điều kiện của xã hội toàn cầu ngày nay. Đức Thánh Cha Phanxicô đặc biệt nhấn mạnh lòng bác ái đã có trong Do Thái giáo, nhưng trên hết là với Chúa Giêsu Kitô. Với câu chuyện về Người Samari Nhân Hậu, Chúa Giêsu giải thích một cách xác tín và sinh động ý nghĩa của lòng bác ái một cách cụ thể: Có một người đàn ông bị tấn công, ở trong tình trạng nửa sống, nửa chết, hai người đàn ông đi ngang qua vội vàng, chỉ có người thứ ba sơ cứu và đưa người bị thương nặng đến một nhà trọ và chi trả tiền cho các chi phí[2]. Dụ Ngôn nêu bật tình huynh đệ và sự quan tâm lẫn nhau là một chủ đề quan trọng[3].
Vẫn biết Dụ Ngôn có ý nghĩa lớn lao như trên, nhưng vấn đề được đặt ra: Trong kho tàng phong phú và giàu ý nghĩa của Kinh Thánh, tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô lại chọn Dụ Ngôn này? Để trả lời cho câu hỏi này, thiết tưởng cần suy đoán một đôi lý do mà được xem như là chính yếu.
2. LÝ DO CHỌN DỤ NGÔN
2.1. Cơ sở
Điểm tựa cho lý do của Đức Thánh Cha Phanxicô cho một sự thay đổi quan điểm đối với một trật tự mới của thế giới là cách lựa chọn và giải thích của Người về Dụ Ngôn Người Samari Nhân Hậu trong Tin Mừng theo Lu-ca[4]. Thông Điệp là một cái nhìn về con người và nói với con người thời nay. Đức Thánh Cha Phanxicô nhìn con người với những quan điểm trên những bình diện khác nhau.
2.1.1. Nhân học
Đức Thánh Cha Phanxicô hiểu về con người cách sâu sắc. Ngay cả khi không phải mọi thứ đều mới, Thông Điệp nhắc nhở vào đúng thời điểm và làm rõ: Mỗi con người không chỉ là một cá nhân, mà còn là một sinh vật xã hội, mỗi người có khuôn mặt và tính cách không thể nhầm lẫn, luôn luôn và liên tục phụ thuộc vào người khác và đồng thời chịu trách nhiệm về họ[5].
Đức Thánh Cha Phanxicô viết về con người là "động vật xã hội", như Thánh Thomas Aquinas đã quan niệm, bắt đầu từ dụ ngôn Người Samari Nhân Hậu trong Phúc âm Lu-ca, nhưng con người không chỉ là như vậy. Con người như một sinh vật sống xã hội có ngôi vị, và chỉ có điều này phân biệt anh ta với loài linh trưởng: Anh ta thể hiện tâm hồn của mình thông qua hành động, anh ta thể hiện thái độ bên trong, tính tốt hoặc tật xấu, tình yêu hoặc thù hận thông qua hành động bên ngoài. Nói tóm lại, con người như một con người, không giống như động vật, có thể có những dự án tâm linh, ý định tốt cũng như xấu, và đưa chúng vào thực tế. Ví dụ, anh ta có thể từ bỏ sự sống còn của chính mình để đảm bảo sự sống còn của một người khác. Nhưng đây chưa phải là đạo đức xã hội hay học thuyết xã hội. Lúc đầu, đây chỉ đơn giản là một học thuyết về con người, nhân chủng học và nhân đức. Đạo đức xã hội còn đòi hỏi nhiều hơn về các điều kiện và khả năng cho nhân đức. Và điều đó có nghĩa là, liên quan đến Người Samari Nhân Hậu[6].
Đối với Ursula Nothelle-Wildfeuer[7], lời kêu gọi "nhận ra phẩm giá của mỗi người" và "bản sắc thực tế của mỗi cá nhân" là khía cạnh trung tâm của Thông Điệp[8].
Cần phải có nhận thức về giá trị của một người, luôn luôn và trong mọi hoàn cảnh. Nhờ nhận thức nầy mới tạo nên tình thân hữu xã hội và tình huynh đệ phổ quát. Chính vì thế, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong số 106: Tình thân hữu xã hội và tình huynh đệ phổ quát nhất thiết đòi hỏi sự nhìn nhận giá trị của mọi nhân vị, ở mọi lúc mọi nơi. Nếu mỗi cá nhân có giá trị lớn lao như thế, thì phải tuyên bố rõ ràng và dứt khoát rằng: “Duy chỉ việc một số người sinh ra ở những nơi có ít nguồn lực hay kém phát triển thì không biện minh cho sự kiện rằng họ đang sống với ít phẩm giá hơn” (FT 108).
Đức Thánh Cha Phanxicô đề nghị tôn trọng phẩm giá của người khác trong mọi hoàn cảnh, vì phẩm giá ấy được con người sở hữu nội tại trong chính bản thân mình, vượt qua tất cả những cái khác, một cách bất khả nhượng. Điều này tương hợp với bản tính con người, bất chấp mọi thay đổi văn hóa. Chính vì thế, cần phải xác tín: Không có gì có thể xúc phạm phẩm giá con người và không ai có quyền chà đạp giá trị quý báu nầy của con người (x. FT 213).
Những xác quyết trên dựa trên những suy tư của nhân loại nói chung. Trong cái nhìn của Kitô giáo về con người và những gì cần phải làm để xứng đáng với con người hơn lại càng sâu sắc và thấu đáo hơn nhiều. Chính vì thế mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã không thể không kín múc trong giáo thuyết của Giáo Hội.
2.1.2. Truyền thống
Chúng ta biết: Đức Thánh Cha Phanxicô đắm chìm trong truyền thống tuyệt vời của học thuyết xã hội Công giáo. Người tiếp nhận các chủ đề cơ bản của học thuyết một cách toàn diện và kiên quyết đặt chúng vào quan điểm mới của hành động, chủ động lấy cảm hứng từ niềm đam mê con người và sự đồng cảm với nỗi đau của họ. Con người sống trên trái đất này trong tính cách và sự liên kết trong hình ảnh của Đức Chúa Trời Ba Ngôi và do đó sống trong mối quan hệ của tình yêu.
Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích nhiều điều trong Thông Điệp phù hợp với các giáo phụ của Giáo Hội cho đến người tiền nhiệm của Người, Đức Biển Đức XVI, dưới ánh sáng của quy tắc vàng nổi tiếng: "hãy đối xử như bạn muốn được đối xử!"[9].
Không chỉ dựa trên những điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô thu nhận được trong kho tàng của Hội Thánh, Người còn cống hiến cho chúng ta những chỉ dẫn đáng giá trong Thông Điệp bằng chính trãi nghiệm bản thân của mình và trình bày cho con người thời nay những tư tưởng mà Người đã khơi nguồn trước đó trong những suy tư của Người.
2.1.3. Suy niệm thấu đáo của Đức Thánh Cha Phanxicô
Tiếp nối tư tưởng” Ưu tiên chọn lựa người nghèo”, cần phải hướng đến người nghèo như trong “Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng”, mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh.
Theo Đức Thánh Cha Phanxicô: Nguồn gốc của nhân phẩm và tình huynh đệ bắt nguồn từ Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô (FT 277).
Trong dụ ngôn Người Samari Nhân Hậu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích trên nền tảng này và một lần nữa thúc giục định hướng không thể thiếu đối với những người bị loại trừ, bị gạt ra ngoài lề, nghèo nàn, bị áp bức, yếu đuối, những người mà Người đặt ở trung tâm của hành động của Giáo Hội[10].
Rồi thì Trong số 285, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhân danh người nghèo để kêu gọi tất cả mọi người.
Vào ngày 27 tháng 4, 2016, trong buổi triều kiến chung, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích dụ ngôn Người Samari Nhân Hậu[11].
Ðức Thánh Cha chia sẻ trong thánh lễ sáng thứ hai mùng 9 tháng 10 năm 2017 tại nhà nguyện Macta: Hãy chăm sóc người bị nạn. Hãy sống như người Samari tốt lành. Hãy giúp đỡ những ai đang cần, vì chính Ðức Kitô đã trả giá đắt là hy sinh mạng sống để chuộc chúng ta, và Người tiếp tục phải trả giá đắt vì chúng ta[12].
Trong sứ điệp ngày Quốc Tế Bệnh Nhân năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đề cao tầm quan trọng của những người hoạt động thiện nguyện, nhất là trong lĩnh vực xã hội y tế. Họ là những người sống một cách hùng hồn linh đạo Người Samari Nhân Hậu[13].
Hôm Thứ Ba 22.09.2020, Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin đã loan báo việc phổ biến một văn thư được Đức Giáo Hoàng Phanxicô phê chuẩn ngày 25.06.2020, với nhan đề là “Samaritanus bonus”, nói về việc chăm sóc những người ở vào những giai đoạn nguy kịch và cuối cùng của sự sống. Văn thư này được đề ngày 14 tháng 7 như là ngày phổ biến của nó, để tôn kính thánh Camillus Lellis, vị thánh quan thầy của bệnh nhân của các bệnh viện, cũng như của các nhân viên y tế[14].
Trong sứ điệp ngày thế giới bệnh nhân năm 2021 Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắc đến dụ ngôn Người Samari Nhân hậu[15].
Qua liệt kê sơ lược trên, đủ thấy: Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy gẫm rất nhiều về Dụ Ngôn và nhiệt thành sẻ chia cho người khác những suy tư của mình trong những dịp thích hợp.
Ở trên đã thấy những lý do suy đoán về sự chọn lựa Dụ Ngôn của Đức Thánh Cha Phanxicô làm nền tảng Thông Điệp. Nhưng con hơn thế, những mục đích mà Đức Thánh Cha Phanxicô nhắm đến cũng biện minh cho lý do chọn lựa.
2.2. Mục đích
Từ những ý nghĩa lớn lao của Dụ Ngôn, Đức Thánh Cha Phanxicô đã sử dụng chúng cho những mục đích mà Người nhắm tới.
2.2.1. Khái quát tình trạng của xã hội qua những nhân vật đề cập trong Dụ Ngôn
Về mặt xã hội, Đức Thánh Cha Phanxicô thấy hai triệu chứng của một xã hội bị bệnh, bao gồm: Một đàng là nhu cầu và đau khổ của người yếu đuối và đàng khác: không được chú ý của những thành phần khác[16].
2.2.1.1. Xã hội thờ ơ và bạo lực
Đức Thánh Cha Phanxicô nêu rõ:“Đây là những triệu chứng của một xã hội bệnh hoạn. Một xã hội tìm kiếm sự phồn vinh nhưng quay lưng lại với đau khổ” (FT 65).
Một xã hội có những kẻ cướp, những người dùng sức mạnh của mình để phục vụ cho lợi ích bất chính của mình. Trong thế giới có những bóng tối của sự xấu: thờ ơ và bạo lực, say mê quyền lực, lòng tham và sự chia rẽ (x. FT 72).
Một xã hội có những người vô cảm, thờ ơ với những nỗi đau của những người khác, mang tư tưởng cầu an, giữ một khoảng cách an toàn, để chỉ lo cho cái tôi ích kỷ của mình. Những người nói trên tìm cách biện minh cho thái độ không mấy tốt đẹp của mình (x. FT 73).
Nhưng thật đáng tiếc, những người này lại là những người theo tôn giáo. Ở đây Đức Thánh Cha Phanxicô đã chua xót nêu lên một vấn đề về niềm tin và thực hành niềm tin. Như thế, trong xã hội vẫn có đó những tín hữu được gọi là “ “hữu danh vô thực”. Đức Thánh Cha Phanxicô có lẽ rất đau buồn, khi phải viết lên những dòng như sau:“Một chi tiết nổi bật về những kẻ bỏ đi qua: Họ là một tư tế và một thầy Lê-vi, những con người tôn giáo, tận tụy với việc thờ phượng Thiên Chúa. Chi tiết này không nên bị bỏ qua. Nó cho thấy rằng niềm tin vào Thiên Chúa và việc thờ phượng Thiên Chúa thì không đủ để nắm chắc rằng chúng ta đang thực sự sống theo cách mà Thiên Chúa vui lòng. Một tín hữu có thể không trung tín với tất cả những gì mà đức tin đòi hỏi mình, song vẫn nghĩ mình gần gũi Thiên Chúa và mình tốt hơn những người khác. Đàng khác, sự bảo đảm một thái độ cởi mở đích thực với Thiên Chúa là một cách thực hành đức tin giúp mở lòng chúng ta ra với anh chị em mình” (x. FT 74).
Để làm cho suy tư của mình có cơ sở vững chắc hơn, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trích dẫn Thánh Gioan Kim Khẩu, khi Người viết: “Thánh Gioan Kim Khẩu diễn tả điều này cách sắc bén khi ngài thách đố các thính giả Kitô hữu của Người: Anh chị em mong muốn tôn vinh thân mình Đấng Cứu Độ phải không? Vậy thì đừng khinh bỉ khi thân mình đó bị trần truồng. Đừng tôn vinh thân mình Chúa trong nhà thờ với các lớp áo lụa, trong khi bên ngoài kia thân mình Chúa bị trần truồng và buốt lạnh”[17]. Thật nghịch lý, những người tự nhận mình là người không tin nhiều khi có thể thi hành thánh ý Thiên Chúa tốt hơn các tín hữu” (FT 74).
Đức Thánh Cha Phanxicô lên án gắt gao hơn nữa những người bỏ đi qua này như là một sự đồng lõa với tội ác. Những người “bỏ đi qua và tìm đường khác” có thể xem như đồng minh với “bọn cướp”. Có một tương tác hổ tương nào đó giữa những kẻ thao túng và dối gạt xã hội, và những kẻ trong khi tự nhận mình là người ngay chính thì lại sống dựa vào hệ thống ấy và những ân lộc của nó. Vẫn có đó tình trạng đạo đức giả rất đáng buồn, khi có một thái độ phê bình không ngớt về mọi sự nhưng lại dung túng tội ác, việc dùng các cơ chế để kiếm lợi ích cho cá nhân hay cho nhóm. Từ đây, gieo rắc thường xuyên những nghi ngờ mà hậu quả là gây mất lòng tin tưởng và hoang mang. Với sự giả hình này, đáng lẽ ra phải nói “mọi sự đã gãy đổ” nhưng được phát biểu“không thể sửa chữa được đâu!”, hoặc “tôi có thể làm gì được chứ?” Điều này càng thúc đẩy thêm sự vỡ mộng và chán nản, và khó mà khích lệ một tinh thần liên đới và quảng đại (x. FT 75).
Trong một Thánh Lễ ở nhà nguyện Marta, Đức Thánh Cha đã nói về thói đạo đức giả một cách ấn tượng: Con ngựa tàn sát của quỷ dữ là thói đạo đức giả. Nó là một kẻ nói dối. Nó giả vờ là một hoàng tử mạnh mẽ, xinh đẹp nhưng đàng sau là một kẻ giết người.
Ở trong một xã hội như thế, sự xuất hiện nhát đảm và sợ sệt là một điều dễ hiểu.
2.2.1.2. Xã hội nhát đảm và sợ sệt
Với hình ảnh nạn nhân trong Dụ Ngôn: Bị đánh nhừ tử và bị bỏ bên đường. Đức Thánh Cha Phanxicô đã thấy cơ chế không quan tâm hoặc thiếu nguồn lực hoặc chỉ phục vụ cho ích lợi của một số người. “Xã hội toàn cầu hóa” quay nhìn hướng khác. Người ta tìm cách biện minh cho thái độ thờ ơ của mình với nhiều lý do khác nhau hoặc những lời lẽ thật kêu với lòng thương”(Thông Điệp gửi cuộc gặp gỡ của các phong trào bình dân, Modesto, California, USA (10 Tháng 2 2017): AAS 109 (2017), 291) (x. FT 76).
Một xã hội được mô tả như trên qua Dụ Ngôn không phải ở trong một câu chuyện cổ tích nhưng nó luôn mang tính thời sự, nó có thể được dùng để nói lên thực trạng của xã hội chúng ta ngày nay trên những bình diện rộng lớn hơn, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận định: “Câu chuyện Người Samari Nhân Hậu thường xuyên được lặp lại. Chúng ta có thể thấy điều này rõ ràng khi sức ì chính trị và xã hội đang biến nhiều phần của thế giới chúng ta thành một đường mòn hoang vắng, chính khi mà những tranh chấp nội địa cũng như quốc tế và việc cướp mất các cơ hội đang loại bỏ rất nhiều người bên lề chơ vơ bên đường. Trong Dụ Ngôn của Người, Chúa Giêsu không đề ra những khả năng thay thế; Người không hỏi cái gì rất có thể xảy ra nếu nạn nhân hoặc người cứu giúp nạn nhân không kiềm được cơn phẫn nộ hay cơn sôi sục muốn báo thù” (FT 71).
Qua Dụ Ngôn, Đức Thánh Cha Phanxicô đã diễn tả một xã hội với những nét khái quát như trên với những cơ chế xã hội và những con người cá nhân cũng như tập thể ở trong xã hội đó. Nhìn vào xã hội nầy, chúng ta ít nhiều thấy bóng dáng của mình ở trong đó.
2.2.1.3. Bóng dáng của chúng ta trong Dụ Ngôn
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận thấy bóng dáng của mỗi chúng ta trong Dụ Ngôn, khi Người viết: "Tất cả chúng ta đều có một cái gì đó của người bị thương, của một số tên cướp, của một số người đi ngang qua, và một cái gì đó của Người Samari Nhân Hậu" (FT 69).
Chúng ta dù là ai đi nữa, thì cuối cùng chỉ thuộc một trong hai hạng người: Người quan tâm đến kẻ bị thương và người bỏ đi qua. Hoặc là người bị thương và người vác người bị thương trên vai (x. FT 70).
Lời Chúa luôn mang tính thời sự, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dùng Dụ Ngôn để mô tả xã hội hôm nay, đồng thời Người cũng dùng Dụ Ngôn làm nền tảng cho những suy tư của mình để nói với người thời nay.
2.2.2. Đức Thánh Cha Phanxicô muốn Dụ Ngôn như là nến tảng cho những suy tư của mình.
Dụ ngôn Người Samari Nhân Hậu được Đức Thánh Cha Phanxicô mở ra trong suốt chương thứ hai và lấy làm nền tảng cho những suy tư và lời mời gọi của mình. Chính vì thế mà người ta dễ dàng nhận thấy dấu ấn của Dụ Ngôn xuất hiện dường như đều khắp. Cho nên đã có một nhận xét:”Dụ Ngôn như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ Thông Điệp[18].
Với nhận xét thật đúng đắn trên, khi đọc toàn bộ Thông Điệp, người ta còn thấy những mục tiêu mà Đức Thánh Cha Phanxicô nhắm tới.
Với hình ảnh gương mẫu của người Samari là một người ngoại giáo, người xa lạ, thậm chí là kẻ thù đối với người Do Thái được nêu lên, chắc hẳn, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn hướng đến tinh thần phổ quát và cao hơn là tình huynh đệ phổ quát, không loại trừ bất kỳ một ai.
2.2.3. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắm đến tinh phổ quát và tình huynh đệ phổ quát
2.2.3.1. Tính phổ quát
Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, Thông Điệp không chỉ đơn giản là nhắm vào người Công giáo hay Kitô giáo, mà hướng đến tất cả những người có thiện chí, tất cả mọi người trong trạng thái bình thường tâm linh đều có thể đáp ứng tốt và liên kết được trong lương tâm của họ[19]. Với quan niệm này và với xác tín vào sự hoạt động rộng mở của Thiên Chúa và cách thức hoạt động tự do của Người, Đức Thánh Cha Phanxicô mượn những xác quyết của Công Đồng Vatican 2 của Hội Thánh để nhắc lại trong số 277: Giáo Hội “không bác bỏ những gì chân thật và thánh thiện trong các tôn giáo […]. Giáo Hội ngưỡng mộ cách sống và ứng xử của các tôn giáo, các qui tắc và các giáo thuyết vốn thường phản ảnh một tia sáng của sự thật chiếu soi mọi con người nam nữ”[20].
Dụ Ngôn này được Đức Thánh Cha Phanxicô cố tình lựa chọn vì nó đề cập đến một trải nghiệm có thể truy cập được cho tất cả mọi người, bất kể niềm tin tôn giáo[21].
Tất cả mọi người đều có thể theo quan điểm của Hội Đồng Giám Mục Thụy Sĩ: Cần có sự thay đổi triệt để hướng tới sự tôn trọng tích cực và phổ quát ít nhất đối với người nghèo nhất, dễ bị tổn thương nhất, họ có phẩm giá không thể chịu đựng được một ngoại lệ[22].
Cần có sự thống nhất của mọi người, nhưng không được trở thành một miền đồng nhất, thống nhất và tiêu chuẩn hóa của một hình thức văn hóa thống trị duy nhất, đến một lúc nào đó mất màu sắc của polyhedron[23] và sau đó có tác dụng đẩy lùi. Đây là sự cám dỗ của lịch sử cổ đại của tòa tháp ở Babel. Đức Thánh Cha Phanxicô đã xác định trong số 144: “ Phổ quát không nhất thiết có nghĩa là vô vị, đồng nhất, và cứng nhắc, không nhất thiết chỉ dựa trên một kiểu mẫu văn hóa phổ biến, vì điều này rốt cục sẽ dẫn tới chỗ đánh mất những gam màu phong phú, và sẽ gây ra tình trạng hoàn toàn đơn điệu. Đó là cái cám dỗ được quy chiếu đến trong trình thuật cổ xưa về tháp Babel. Sự cố gắng xây một ngọn tháp vươn tới trời không phải là một diễn tả sự hiệp nhất giữa những dân tộc khác nhau nói với nhau từ tính đa dạng của họ. Thay vào đó, đó là một cố gắng lệch lạc, phát xuất từ lòng kiêu ngạo và tham vọng, muốn xây dựng một sự hiệp nhất khác hơn sự hiệp nhất mà Thiên Chúa muốn trong chương trình quan phòng của Người đối với các dân tộc (x. St 11,1-9)” (FT 144).
Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn có sự thống nhất trong sự đa dạng. Con đường dẫn đến điều này là "văn hóa gặp gỡ" và “đối thoại”[24].
Điều này được Đức Thánh Cha Phanxicô nói đến trong số 219: “Sự gặp gỡ không thể xảy ra chỉ giữa những người nắm giữ quyền lực kinh tế, chính trị, và học thuật. Sự gặp gỡ xã hội đúng nghĩa sẽ cần một cuộc đối thoại liên quan tới nền văn hóa của đa số dân chúng” (FT 219).
Như thế, Thông Điệp không chỉ nhắm đến mọi người, nhưng còn ước mong mọi người đều có tinh thần phổ quát, biết sống chung và đoàn kết, hiệp nhất với nhau.
Tính phổ quát mang một chiều kích bao trùm mọi phương diện, thế nhưng trong đó tình huynh đệ được Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh một cách đặc biệt hơn.
2.2.3.2. Tình huynh đệ phổ quát
2.2.3.2.1. Nền tảng
Để làm nền tảng cho tình huynh đệ phổ quát nầy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trích dẫn Kinh Thánh:
2.2.3.2.1.1. Cựu Ước
Đức Thánh Cha Phanxicô trích dẫn Sách Gióp để cho thấy nền tảng của một số quyền phổ quát nơi nguồn gốc của chúng ta là Đấng Sáng Tạo duy nhất (x. FT 58).
Đức Thánh Cha Phanxicô muốn mở rộng tầm nhìn của con người ngày nay bằng cách: Vượt qua quan niệm “trong các truyền thống xa xưa của Do Thái giáo, mệnh lệnh yêu thương và chăm sóc người khác có vẻ bị giới hạn nơi các mối tương quan giữa các thành viên của cùng một dân tộc. Điều răn cổ xưa dạy “hãy yêu người thân cận như chính mình” (Lv 19,18) thường được hiểu là quy chiếu đến đồng bào của mình” (FT 55), để rồi mở rộng ra đến với tất cả mọi người với một khát vọng bắt chước chính đường lối hành động của Thiên Chúa được Đức Thánh Cha Phanxicô trích dẫn trong sách Huấn ca: “Tình thương của con người dành cho người thân cận, nhưng tình thương của Đức Chúa thì dành cho mọi sinh linh” (Hc 18,13) (x. FT 59).
Trong số 61, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trích dẫn các đoạn Kinh Thánh đế gợi lên ký ức đã từng là người ngoại kiều ở Ai Cập của người Do Thái, để rồi giờ đây cần phải đối xử tốt với người ngoại kiều: Không được ngược đãi và áp bức (Xh 22,20; Xh 23,9); phải đối xử với người ngoại kiều ngụ cư như là người bản xứ (Lv 19, 33-34); khi hái nho thì không được mót lại (Đnl 24,21-22)… (x. FT 61).
Tiếp nối truyền thống của Cựu Ước, Tân Ước cống hiến một cái nhìn tích cực hơn.
2.2.3.2.1.2. Tân Ước
“Trong Tân Ước, nguyên tắc của Hillel được diễn tả theo hướng tích cực: “Trong mọi sự, hãy làm cho người khác những gì anh em muốn họ làm cho anh em; vì đó là Lề Luật và lời các ngôn sứ” (Mt 7,12). Lệnh truyền này có tầm phổ quát, bao trùm hết mọi người trong nhân loại chúng ta, vì Cha trên trời “cho mặt trời của Người mọc lên trên kẻ xấu cũng như người tốt” (Mt 5,45). Vì thế có lời hiệu triệu “hãy thương xót, như Cha anh em là Đấng đầy lòng xót thương” (Lc 6,36)” (FT 60).
Đức Thánh Cha Phanxicô xác tín: Tân Ước âm vang tiếng gọi tình yêu huynh đệ trong toàn bộ. Để minh chứng cho điều này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trích dẫn: “Vì toàn bộ Lề Luật được tóm lại trong một điều răn duy nhất: ‘Ngươi hãy yêu tha nhân như chính mình’” (Gl 5,14).“Ai yêu anh chị em mình thì ở trong ánh sáng, và nơi người ấy không có gì là cớ vấp phạm. Nhưng ai ghét anh em mình thì ở trong bóng tối” (1Ga 2,10-11). “Chúng ta biết rằng chúng ta đã từ cõi chết bước vào cõi sống, vì chúng ta yêu thương anh em. Kẻ không yêu thương, thì ở lại trong sự chết” (1Ga 3,14).
“Ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20)” (x. FT 61).
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng không quên trích dẫn những tư tưởng của Thánh Phaolô trong hoàn cảnh có sự muốn cô lập và đóng kín của các cộng đoàn Kitô hữu sơ khai, để thấy rỏ ý nghĩa của Dụ Ngôn, khi Người viết: “Nhưng tiếng gọi yêu thương có thể bị hiểu nhầm. Thánh Phaolô, nhận ra cái cám dỗ của các cộng đoàn Kitô hữu sơ khai, trong đó họ muốn hình thành những nhóm cô lập và đóng kín, ngài đã thúc đẩy các môn đệ của ngài yêu thương thắm thiết “đối với nhau và đối với mọi người” (1Tx 3,12). Trong cộng đoàn của Gioan, các anh em Kitô hữu phải được đón tiếp, “dù họ là những người xa lạ đối với anh” (3Ga 1,5). Trong bối cảnh này, chúng ta có thể hiểu rõ hơn ý nghĩa của dụ ngôn Người Samari Tốt Lành: Tình yêu không đặt vấn đề người anh em hay chị em đang cần giúp đỡ kia đến từ nơi này hay nơi khác. Vì “tình yêu đập vỡ những sợi xích giữ chúng ta trong tình trạng cô lập và tách rời; thay vào đó, tình yêu xây dựng những cây cầu. Tình yêu giúp chúng ta tạo ra một gia đình lớn, ở đó tất cả chúng ta có thể cảm thấy như ở nhà… Tình yêu phát tiết ra lòng thương cảm và phẩm giá”[25].
Tình huynh đệ phổ quát nầy được Đức Thánh Cha Phanxicô dựa trên nền tảng: Tương quan của người Samari với người Do Thái bị thương trong Dụ Ngôn và trong cuộc gặp của Chúa Giêsu với người phụ nữ Samari. Dân Samari và dân Do Thái được mô tả như những kẻ thù truyền kiếp, họ xem thường lẫn nhau, thế nhưng giờ đây họ có thể gặp gỡ nhau và giúp đỡ nhau. Quả thế, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mượn lời của Kinh Thánh trong sách Huấn Ca để mô tả sự thù địch giữa người Do Thái và người Samari, cũng như trong Tin Mừng của thánh Gioan (x. FT 82,83).
Ngoài Kinh Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhìn thấy tình huynh đệ phổ quát nơi các nguồn khác.
2.2.3.2.1.3. Các nguồn khác
Ngoài Hồi giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô trích dẫn Martin Luther King, Desmond Tutu, Mahatma Gandhi và Charles de Foucauld là những mô hình tiếp theo của tình huynh đệ phổ quát mà các tôn giáo thế giới được mời gọi tham gia[26].
Trong tất cả các tôn giáo có những điểm chung như nhận xét của Hồng Y Tổng Giám Mục Muenchen và Freising, Reinhard Marx: Ý tưởng về "tình bạn xã hội" được giới thiệu như một điều kiện tiên quyết về cơ bản có thể được tìm thấy dưới các hình thức khác nhau trong tất cả các tôn giáo và có thể được chia sẻ bởi tất cả mọi người dù là tín đồ hay không. Cần có thái độ sâu sắc hơn về tình huynh đệ và tình bạn, công nhận vô điều kiện phẩm giá bất khả xâm phạm của mỗi cá nhân và biến nó thành một tiêu chí đối thoại và tất cả các hành động trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống[27].
Đức Thánh Cha Phanxicô mượn lời của Karl Rahner, để cho thấy con người cần thiết "luôn luôn phải đảm nhận cái thách đố vượt qua chính mình"[28] và bất chấp sự đa dạng của các dân tộc, xã hội và văn hóa, kêu gọi hình thành một cộng đồng bao gồm các anh chị em chấp nhận và chăm sóc lẫn nhau. Sự vượt qua chính mình cũng cần được áp dụng cách rộng hơn. Quả thế, trong số 96, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết: Nhu cầu phải vượt lên trên những giới hạn của mình cũng áp dụng cho các vùng và các quốc gia khác nhau. Thật vậy, “con số ngày càng tăng những nối kết và những liên lạc trong thế giới hôm nay làm cho chúng ta ý thức mãnh liệt về sự hiệp nhất và về định mệnh chung của các dân tộc. Trong các năng động lịch sử, và trong sự đa dạng của các nhóm chủng tộc, các xã hội, và các nền văn hóa, chúng ta nhìn thấy những hạt giống của một ơn gọi hình thành một cộng đồng gồm những anh chị em đón nhận và chăm sóc lẫn nhau” (FT 96).
Cùng với những chứng cứ Kinh Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi chúng ta nhìn vào hữu thể chúng ta được tạo dựng và ơn gọi của nó. Chúng ta chiêm ngưỡng mẫu gương của Người Samari Tốt Lành, để khám phá lại ơn gọi của mình với tư cách là công dân không chỉ của đất nước mình, mà còn của toàn thế giới, chúng ta có sứ mạng như là những nhà xây dựng một mối gắn kết xã hội mới. Sứ mạng này vẫn luôn mới mẻ, và nó cắm rễ trong một luật nền tảng của hữu thể chúng ta. Nền tảng này là chúng ta được mời gọi định hướng xã hội theo đuổi thiện ích chung (FT 66).
Với những xác định này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lấy lại ý tưởng trong sứ điệp trước đây của Người, để nói điều rút ra từ Dụ Ngôn: “Hiện hữu của mỗi người và của mọi cá nhân được gắn chặt với hiện hữu của những người khác: Đời sống không phải duy chỉ là thời gian trôi qua; đời sống là một thời gian cho những tương tác”[29] (x. FT 66). Những tương tác này chỉ thật sự có ý nghĩa trong tình yêu. Chính vì thế, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về Dụ Ngôn một các xác đáng về giá trị của tình yêu: Chúng ta được tạo dựng cho một sự viên mãn chỉ được tìm thấy trong tình yêu, khi Người viết: “Dụ ngôn rõ ràng không sa đà trong thuyết pháp luân lý cách trừu tượng, sứ điệp của nó cũng không duy chỉ có tính xã hội và đạo đức. Nó nói với chúng ta về một khía cạnh thiết yếu và thường bị lãng quên của nhân tính chúng ta: Chúng ta được tạo dựng cho một sự viên mãn vốn chỉ được tìm thấy trong tình yêu” (FT 68).
Tình yêu được trình bày như là cơ sở vững chắc duy nhất cho mối quan hệ không chỉ giữa con người, mà còn giữa các nền văn hóa, tôn giáo và quốc gia. Không có đức ái, có lẽ chúng ta chỉ có được những nhân đức mặt ngoài thôi, không có khả năng nâng đỡ đời sống chung. Như thế tình yêu tạo nên một sự tương quan phổ quát của tình huynh đệ.
Cũng có một nhận định: Đức Thánh Cha Phanxicô xem Dụ Ngôn trong Kinh Thánh là một "sự khiêu khích mạnh mẽ" để cho "khả năng yêu thương của chúng ta mang một chiều kích phổ quát"[30].
Với nền tảng vững chắc đã được trình bày trên đây, thì việc xét đến những đòi hỏi của tình huynh đệ phổ quát trong cách hiểu, cách làm là điều cần thiết.
2.2.3.2.2. Những yêu cầu của tình huynh đệ phổ quát
Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi một cách hiểu khác về mối quan hệ và trao đổi giữa các quốc gia: Nếu mỗi người là anh chị em của tôi, có một phẩm giá bất khả nhượng, nếu thế giới thực sự thuộc về tất cả mọi người, thì không quan trọng nếu ai đó được sinh ra ở đâu. Đất nước tôi cũng chịu một phần trách nhiệm cho sự phát triển của các nước khác,... bằng cách chấp nhận họ một cách hào phóng, khi họ ở trong trường hợp khẩn cấp không thể tránh khỏi, bằng cách để cuộc sống của họ tốt hơn. Điều này áp dụng giữa các quốc gia thì cũng cần được áp dụng đối với những vùng, miền khác nhau của một quốc gia (x. FT 125).
Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra :”[…] cuộc gặp gỡ của lòng thương xót […] giữa một người Samari và một người Do Thái thật là cảm kích; Nó không chừa chỗ cho sự lôi kéo của ý thức hệ và nó thách đố chúng ta mở rộng các biên giới của mình ra. Nó trao một chiều kích phổ quát cho tiếng gọi yêu thương của chúng ta, một tình yêu vượt trên mọi định kiến, mọi rào cản lịch sử và văn hóa, mọi lợi ích nhỏ nhen” (FT 83).
Với tình huynh đệ phổ quát, từ thiện không thể chỉ ảnh hưởng đến những người cùng chí hướng hoặc cộng đồng tôn giáo của chính mình, nó phải bao trùm cả gia đình nhân loại[31]. Như thế, tình huynh đệ phổ quát gắn liền phục vụ công ích toàn cầu. Công ích toàn cầu là khái niệm trung tâm mà tất cả các vấn đề được đề cập được sắp xếp giống như mạt sắt bao xung quanh nó, mọi khả năng đều dựa trên nó. Điều này được tìm thấy trong các số:111; 117; 123; 174; 182; 190; 282[32].
Ở đây từ thiện trở thành chính trị, định hình thế giới. Để thế giới có khuôn mặt mới cần phải xây dựng tình huynh đệ phổ quát.
Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn phát triển một nền văn hóa gặp gỡ như trong số 215. Trong đó, Người kêu gọi: “Phải làm việc để kiến tạo một ‘khối đa diện’ mà những mặt khác nhau của nó hình thành một thực thể đa sắc, trong đó “cái toàn bộ thì lớn hơn từng phần” (x. FT 215).
Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả hình ảnh thật đẹp về những tương tác lẫn nhau của những mặt của khối đa diện này, khi Người viết: “Hình ảnh một khối đa diện có thể biểu trưng một xã hội với những khác biệt bổ sung cho nhau, làm phong phú nhau, và chiếu sáng nhau, ngay cả giữa những bất đồng và những cái được giữ riêng” (x. FT 215)
Chính trong khối đa diện nầy mà chúng ta học hỏi lẫn nhau và tìm thấy vị trí của mình trong đó. Trong khối đa diện này mà con người thấy được thực tại với những khía cạnh khác nhau. Cách nhìn này khác xa với cách nhìn của những trung tâm quyền lực (x. FT 215).
Đặc tính của tình yêu phổ quát nơi người Samari Nhân Hậu là vô điều kiện và như được nhận thấy, đây là một trách nhiệm phải thi hành, không chỉ đối với những người thuộc dân tộc mình mà còn đối với tất cả mọi người (x. FT 79).
Với cách nhìn của Đức Thánh Cha Phanxicô như trên, Tổng Giám Mục Hamburg, Stefan Hesse ca ngợi Thông Điệp có tầm nhìn về tình huynh đệ toàn cầu và cộng đồng của tất cả mọi người. Đức Giáo Hoàng tin rằng không có "người khác", mà chỉ có một "chúng ta" được hình thành bởi tất cả mọi người. Đức Giáo Hoàng đại diện cho tầm nhìn này trên hết là một luật sư cho những người bị ruồng bỏ, thậm chí bị loại bỏ.[33]
Đức Thánh Cha Phanxicô đã ký Thông Điệp vào Chúa nhật ở Assisi, nơi Thánh Phanxicô sống. Ý tưởng trung tâm của Thông Điệp của Người tương ứng với những gì Thánh Phanxicô tuyên bố và sống cách đây 800 năm: "Cộng đồng thế giới cần một sự thay đổi triệt để đối với tình huynh đệ"[34].
Giáo sư tiến sĩ Ursula Nothelle-Wildfeuer, nhà nghiên cứu xã hội Kitô giáo tại Đại học Freiburg, đặc biệt nhấn mạnh ý tưởng về tình huynh đệ, như một chủ đề chung xuyên qua toàn bộ Thông Điệp.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã không chỉ nêu bật tầm quan trọng của tình huynh đệ phổ quát với những chứng cứ hết sức thuyết phục mà còn cho thấy sự khác biệt của nó với những gì là đạo đức của con người.
2.2.3.2.3. Sự khác biệt giữa tình huynh đệ phổ quát và đạo đức xã hội
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắm vào tất cả các vấn đề của thế giới với câu chuyện về Người Samari Nhân Hậu, đã tạo nên sự khác biệt và vượt qua đạo đức cá nhân, đạo đức xã hội và đạo đức của chính trị[35].
Liên kết với Dụ ngôn về sự phán xét cuối cùng (Mt 25,31-46), để trở thành hàng xóm của những người cần chúng ta, chúng ta cần vượt qua biên giới hiện có[36]. Vượt qua những gì mà con người xem là đạo đức với các ứng xữ thường tình, để rồi hướng đến lĩnh vực thần linh. Làm điều tốt cho con người, cách nào đó cũng làm điều tốt cho chính Thiên Chúa.
Nhưng Giáo Hội muốn làm điều tốt cho con người, Giáo Hội cần ý thức đến sứ mệnh chính trị của mình.
2.2.4. Sứ mệnh chính trị của Giáo Hội
Theo Nothelle-Wildfeuer, điều quan trọng: " Tin Mừng không phải là chính trị, mà là sứ mệnh của Giáo Hội là một sứ mệnh chính trị." Quan điểm này giải thích lý do tại sao Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh hiệu quả của Dụ Ngôn này cho chính trị. Theo giáo sư Freiburg, lĩnh vực đạo đức cá nhân không thể tách rời khỏi đạo đức xã hội "[37].
Địa chỉ chính của Giáo Hội là nơi mọi người bị cướp mất phẩm giá, quyền lợi và cơ hội của họ[38].
Chính vì thế, Thông Điệp được công bố bởi một cung giọng khẩn cấp và liên quan đến chính trị và xã hội. Chính trị hướng đến người yếu thế như người Samari Nhân Hậu hướng đến nạn nhân bên đường.
Yêu cầu trung tâm trong Thông Điệp: “Bác ái như một nguyên tắc của chính trị”. Điểm mạnh của Thông Điệp là nó mở ra khía cạnh chính trị của tình yêu và tình bạn. Tặng thức ăn cho người nghèo chỉ là từ thiện mà thôi. Đối với Đức Phanxicô, khía cạnh chính trị của lòng bác ái bao gồm việc tạo ra các cấu trúc trong đó những người này có thể tự kiếm sống và giúp định hình thế giới. Đó là về việc thiết lập các ưu tiên chính trị, theo nghĩa này, thực sự xuất phát từ tình yêu. Một câu hỏi chính trị trọng tâm là lợi ích của ai được tính đến. Thường là những người hùng mạnh. Thông Điệp Kitô giáo kêu gọi thay đổi quan điểm: Một chính sách phải hướng đến những người yếu thế. Đức Phanxicô đưa ra một khái niệm về chính trị vượt ra ngoài định hướng lợi ích thuần túy: Chính trị là không gian mà chúng ta cùng nhau định hình tương lai. Đây không phải là điều không tưởng, nhưng nó sẽ đòi hỏi một nỗ lực chung lâu dài. Đức Thánh Cha Phanxicô đã lập luận không ngây thơ mà đầy hy vọng[39].
Thông thường, từ thiện và tình bạn là những vật trang trí lãng mạn của một thực tế dựa trên các luật khác. Nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi nhớ về lòng bác ái, tình bạn, dụ ngôn về Người Samari Nhân Hậu như một thể loại chính trị. Vì vậy, cần để chúng trở thành cấu trúc. Và đó là thần học sâu sắc của Mỹ Latinh[40], Người Samari Nhân Hậu là một hình mẫu thích hợp của tình yêu chính trị và xã hội (x. FT 66).
Mô hình mới của tình anh em và tình yêu xã hội thể hiện chính nó trong những hành động yêu thương được thể hiện công khai, trong việc chăm sóc những người yếu đuối nhất, trong đối thoại và gặp gỡ, trong sự dịu dàng và tình cảm bình thường. Chính trị không được giảm xuống thành tranh chấp quyền lực và phân chia quyền lực. Thật ngạc nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Ngay cả trong chính trị, vẫn có một nơi chăm sóc yêu thương dịu dàng dành cho những người bé nhỏ nhất, những người yếu nhất, những người nghèo nhất; Chúng ta phải chạm vào họ, họ có “quyền” đựơc chúng ta lấp đầy trong thể xác và linh hồn[41].
Khi Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi liên đới, có nghĩa là: Ưu tiên cho cuộc sống của tất cả ... đấu tranh chống lại các nguyên nhân cấu trúc của nghèo đói: bất bình đẳng, thiếu việc làm, thiếu đất đai và nhà ở, từ chối quyền xã hội và quyền lao động. Điều này có nghĩa là chiến đấu chống lại những tác động phá hoại của sự thống trị của tiền bạc. Thế nhưng liên đới không luôn được đón nhận. Liên đới không phải là những hành động quảng đại cách ngẫu nhiên, nhưng cần phải suy nghĩ và hành động vì cộng đồng.
Trong chiều hướng nầy, Đức Thánh Cha Phanxicô trích dẫn lời của Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô Cả: "Khi chúng ta trao một cái gì đó cho người nghèo, chúng ta không cho đi điều gì của chính mình, nhưng chúng ta trả lại cho họ những gì thuộc về họ"[42]. Người cũng nhận thấy ý kiến của Thánh Gioan Kim Khẩu là xác đáng như sau: “Không chia sẻ của cải của chúng ta với người nghèo, đó là ăn cướp của họ và giật mất sự sống của họ. Của cải mà chúng ta sở hữu không phải là của riêng chúng ta, nhưng cũng là của họ nữa”[43] (x. FT 119).
Với những xác định về chính trị như trên, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có một cái nhìn lạc quan với hy vọng cho một tương lai tốt đẹp, khi Người trích lại Thông Điệp nhân Ngày Hòa Bình Thế giới năm 2019 : “Đời sống chính trị chân thực, được xây dựng trên sự tôn trọng luật pháp và sự thẳng thắn đối thoại giữa các cá nhân, thì không ngừng được đổi mới bất cứ khi nào người ta nhìn nhận rằng mọi con người nam nữ, và mọi thế hệ, đều mang triển vọng về những năng lực tương quan, tri thức, văn hóa và tâm linh mới mẻ”[44] (x. FT 196).
2.2.5. Đức Thánh Cha Phanxicô muốn con người thời nay lựa chọn và hành động như người Samari Nhân Hậu.
Trong chương thứ 2 của Thông Điệp của mình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô xem xét chi tiết dụ ngôn về Người Samari Nhân Hậu và coi đó là một lựa chọn cơ bản. Quả vậy, khi đứng trước những hoàn cảnh khổ đau và bị nhiều tổn thương, thì cách tốt nhất và duy nhất để có thể giúp vượt qua hoàn cảnh bi đát đó là trở nên giống như người Samari Nhân Hậu. Câu chuyện cảm động này mở ra một khả năng làm nổi bật chọn lựa cơ bản mà chúng ta phải chọn lấy, để xây dựng lại thế giới với nhiều tai ương mà chúng ta đang phải chịu đựng những nhọc nhằn của nó (x. FT 67).
Nói một cách đơn giản, Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến nghị nhân loại quay trở lại nền tảng từ thiện cổ xưa để giải quyết các vấn đề hiện tại[45].
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhìn vào Chúa Giê-su và nhận định: “Chúa Giêsu tin tưởng vào ‘tính bổn thiện’ của con người; với Dụ Ngôn này, Người khích lệ chúng ta kiên trì trong yêu thương, phục hồi phẩm giá cho người đau khổ và xây dựng một xã hội xứng đáng” (FT 71).
Với sự tin tưởng và ước muốn của Chúa Giê-su như thế. Chúng ta cần chọn lựa thế nào cho hợp ý của Người.
2.2.5.1. Chọn lựa
Cuộc đời là một chuỗi của những chọn lựa: Có những chọn lựa tốt nhưng cũng có những chọ lựa xấu. Trong Dụ Ngôn được đề cập, có những người chọn lựa như sau:
2.2.5.1.1. Như khách qua đường bàng quan
Đứng trước hoàn cảnh đáng thương, có những người đi qua mà không dừng lại để cứu giúp. Đức Thánh Cha Phanxicô xem những người nầy như là những người có địa vị quan trọng trong xã hội, nhưng không mấy quan tâm đến thiện ích chung. Họ không dám bỏ ra ngay cả một chút thời giờ, để dừng lại, để nhìn nạn nhân, để có cách giúp đỡ cách này hay cách khác (x. FT 63).
Thật đáng tiếc, những người chọn lựa không mấy phù hợp với ý Chúa Giê-su lại là những người có niềm tin, có địa vị trong đạo ngoài đời. May mắn thay! Trong những người đi ngang qua có một người đã chọn lựa đúng.
2.2.5.1.2. Noi gương người Samari Nhân Hậu
Trong số 63, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho thấy điều tuyệt vời nơi người Samari Nhân Hậu: hy sinh tiền của; chấp nhận mất thời gian, gác lại mọi chuyện đang cố gắng hoàn thành, tận dụng những phương tiện sẵn có và mời gọi người khác cộng tác, để giúp đỡ người bị nạn (x. FT 63).
Đức Thánh Cha Phanxicô đã khen ngợi chọn lựa của người Samari Nhân Hậu, khi Người viết: “Dụ ngôn này trình bày rất hay cái quyết định căn bản mà chúng ta cần phải có để xây dựng lại thế giới đầy thương tích của mình” (x. FT 67).
Đứng trước hình ảnh đẹp nầy, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi người bắt chước, như là con đường duy nhất. Nếu không, chúng ta trở thành kẻ cướp hay người bỏ đi qua, vô cảm trước nổi đau của người khác. Thay vì ích kỷ và loại trừ lẫn nhau, cần phải đồng hóa với người khác, hành động như người thân cận, biết nâng dậy và cấp cứu những người bị quỵ ngã (x. FT 67).
Johann Baptist Metz đã sử dụng thuật ngữ "lòng trắc ẩn"hay ”đồng cam cộng khổ” để diễn tả ý tưởng tương tự như trên[46].
Sau khi chọn lựa, dấn thân hành động là điều cần thiết.
2.2.5.2. Hành động
Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho chúng ta biết rằng: Chúng ta không thể như những trẻ sơ sinh chờ đợi sự chăm sóc từ những người khác, từ những người cai trị. Nhưng chúng ta phải có tinh thần cộng đồng trách nhiệm, để có thể khơi mào và đem đến những quy trình và thay đổi mới (x. FT 77).
Để đem lại điều mới mẻ như Đức Thánh Cha Phanxicô mong ước, chúng ta cần khám phá lại câu chuyện trong Dụ Ngôn như một hình mẫu hành động cho thời đại của chúng ta[47].
Hành động ấy là chính chúng ta phải chủ động đi bước trước để trở thành người lân cận với tất cả mọi người không phân biệt họ là ai. (x. FT 80).
Để làm được điều tốt lành nầy, “Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta hiện diện với những ai cần sự giúp đỡ, bất kể họ có thuộc về nhóm xã hội của chúng ta hay không. Trong trường hợp này, người Samari ấy đã trở thành một người thân cận của người Do Thái bị thương kia. Bằng cách đến gần và hiện diện, anh ta đã vượt qua tất cả các rào cản văn hóa và lịch sử. Chúa Giêsu đúc kết Dụ Ngôn bằng lời này: “Ông hãy đi và cũng làm như vậy” (Lc 10,37). Nói cách khác, Người thách đố chúng ta gạt những khác biệt qua một bên khi đứng trước đau khổ, để đến gần người khác mà không chần chừ nghĩ ngợi gì. Tôi không nên tiếp tục nói rằng mình có những người thân cận để giúp đỡ, nhưng tôi phải xem mình là một người thân cận của người khác” (FT 81).
Với những cử chỉ của mình, người Samari Nhân Hậu đã chỉ ra rằng sự tồn tại của mỗi người chúng ta bị ràng buộc với những người khác: Cuộc sống không phải là thời gian trôi qua, mà là thời gian gặp gỡ, là thời gian hiện diện bên nhau cách này hay các khác.
Cần phải hành động để những giấc mơ được hiện thực hóa, nếu không chúng sẽ vẫn là giấc mơ. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ rõ:”Tự do, bình đẳng và huynh đệ có thể vẫn còn mãi là những lý tưởng cao vời, trừ phi chúng có thật đối với mọi người. […]Một khế ước xã hội có tính hiện thực và bao gồm cũng phải là một “khế ước văn hóa” nữa, trong đó người ta tôn trọng và nhìn nhận những thế giới quan, những văn hóa và lối sống khác nhau cùng tồn tại” (FT 279). Người Samari hành động rất thực tế. Anh ta làm điều gì đó cách tốt đẹp với một người rất khác với anh về nhiều mặt.
Đức Thánh Cha Phanxicô áp dụng những điều trên đối với những người di cư và mời gọi hành động thiết thực của chúng ta đối với họ. Một người bị thương ở bên đường không có khả năng đi tìm sự giúp đỡ, thì chúng ta tìm đến để giúp đỡ, còn người di cư, là những người đi tìm sự giúp đỡ, thì họ cũng đáng được giúp đỡ. Đức Thánh Cha Phanxicô chủ trương bốn động từ, phù hợp với phẩm giá con người của những di dân: “tiếp nhận, bảo vệ, thúc đẩy và hội nhập” (FT 129).
Để có được những hành động phù hợp, chúng ta cần nắm bắt cơ hội, để “thể hiện cảm thức tự nhiên của mình về tình huynh đệ, để làm những Người Samari Nhân Hậu biết mang lấy nỗi đau và những vấn đề của người khác[…], chúng ta hãy thúc đẩy những điều tốt đẹp và sẵn sàng phục vụ cho những điều ấy” (FT 77).
Tuyên bố rằng chúng ta là anh chị em, đó không phải là một điều trừu tượng, mà là một khái niệm trở nên cụ thể và thành hình, đặt ra cho chúng ta một số thách thức, khiến chúng ta thay đổi và buộc chúng ta phải chuyển mọi thứ vào để xem với một ánh sáng mới và phát triển những câu trả lời mới (FT 128). Như thế, chúng ta đang đối mặt với một con đường mới, với một sự thay đổi mô hình cách tất yếu.
Tình yêu phải hết sức gần gũi và cụ thể, nó là một chuyển động xuất phát từ trái tim đến mắt, tai, tay. Chúng ta cần phải bắt tay hành động ngay bây giờ và hy vọng vào những hoa trái mà chúng ta có thể gặt hái được trong tương lai. Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyến khích: “Thật là cao quý việc đặt hy vọng của chúng ta nơi sức mạnh giấu ẩn của những hạt giống thiện hảo mà chúng ta gieo vãi, và qua đó khởi động các tiến trình mà hoa trái của chúng sẽ được gặt hái bởi người khác. Người hy vọng rằng chúng ta có thể và phải nuôi dưỡng giấc mơ về tình anh em phổ quát và tình yêu thương không giới hạn. Đức Thánh Cha Phanxicô đã làm phần của mình. Giờ đây, chúng ta không chỉ để giấc mơ như một giấc mơ, mà hãy biến nó thành hạt giống của một hình thức sống cùng nhau mới, với anh chị em và môi trường, trong cùng một ngôi nhà chung. Liệu chúng ta có đủ thời gian và sự khôn ngoan để thực hiện bước nhảy vọt này không? “Những đám mây đen” chắc chắn sẽ tiếp tục tồn tại. Nhưng chúng ta có một ngọn đèn trong Thông Điệp hy vọng này từ Đức Thánh Cha Phanxicô. Nó không xua tan tất cả các đám mây. Nhưng cũng đủ để thấy rõ con đường phải đi của mọi người. Cũng cần đề xuất một mô hình thay thế cho cách sống của chúng ta trong ngôi nhà chung của chúng ta, nơi đang phải đối mặt với vô số mối đe dọa[48].
Trong số 98, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trích dẫn ý tưởng trong Thông Điệp nhân Ngày Người Khuyết Tật Thế giới lần thứ 3 Tháng 12 năm 2019[49]: Chúng ta hành động bằng cách lên tiếng như là người đại diện cho những người khuyết tật, bị kỳ thị trong xã hội, những người không được nhìn nhận có phẩm giá bình đẵng (x. FT 98). Phải chăng đây là điều mà chúng ta cần nhìn lại mình với ơn gọi ngôn sứ.
Thật đúng khi xác quyết: Cần hành động cụ thể để giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội. Thế nhưng, để những hành động tốt đẹp nầy mang lại hiệu quả thiết thực, cần phải tìm ra những phương cách thích đáng.
2.2.5.2.1. Phương cách
Người Samari Nhân Hậu không chỉ đã chạm vào và giúp đỡ nạn nhân cách trực tiếp và cá nhân, mà còn bằng cách tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có, bằng cách chuyển trách nhiệm giả định của mình cho chủ nhà bằng cách chi trả cho các dịch vụ chăm sóc. Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ ra rằng: Tiêu chí đạo đức quyết định trong thời đại thế giới này không phải là "hỏi ai là những người gần gũi với chúng ta, mà là tiếp cận bản thân với những người khác để trở thành hàng xóm" (FT 80)[50].
2.2.5.2.2. Trình tự
2.2.5.2.2.1. Bắt đầu từ người nhỏ bé nhất
Để xây dựng tình bạn xã hội cần bắt đầu từ những người nghèo khó và dễ bị tổn thương nhất. Đức Thánh Cha Phanxicô đã lấy lại tư tưởng mà Người đã trình bày trong cuộc gặp với nhà cầm quyền, ngoại giao đoàn ở Mozambique, năm 2019, với những ý tưởng: Xây dựng tình bạn xã hội không những kêu gọi sự sáp lại gần nhau giữa các nhóm người đứng về các phe khác nhau trong một giai đoạn lịch sử khó khăn nào đó, nhưng còn kêu gọi sự gặp gỡ đổi mới với những thành phần nghèo khó và dễ bị tổn thương nhất của xã hội. Vì hòa bình “không chỉ đơn thuần là không có chiến tranh mà còn là một cam kết không mệt mỏi – đặc biệt là về phía những người trong chúng ta có trách nhiệm lớn hơn – trong việc nhìn nhận, bảo vệ và khôi phục một cách cụ thể phẩm giá vốn thường bị bỏ qua hoặc làm ngơ của anh chị em chúng ta, để họ có thể coi mình như các nhân vật chủ đạo chính của vận mệnh quốc gia của họ”[51].
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng trích dẫn tài liệu của Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ La Tinh, năm 2007: Thông thường, những thành viên dễ bị tổn thương hơn trong xã hội là nạn nhân của những sự khái quát hóa không công bằng. Nếu đôi khi, những người nghèo và những người mất hết sở hữu phản ứng bằng những thái độ có vẻ như chống đối xã hội, chúng ta nên nhận ra rằng trong nhiều trường hợp, những phản ứng đó phát sinh từ một lịch sử khinh miệt và loại trừ xã hội. Các Giám mục Châu Mỹ Latinh từng nhận xét rằng “chỉ có sự gần gũi làm chúng ta thành bạn bè mới có thể giúp chúng ta đánh giá cách sâu sắc các giá trị của người nghèo ngày nay, các nguyện vọng chính đáng của họ và cách sống đức tin của họ. Chọn người nghèo sẽ dẫn chúng ta đến tình bạn với người nghèo”[52].
2.2.7.2.2.2. Từ gần đến xa
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ cho chúng ta trình tự hành động thế nào để có thể đạt được hiệu quả tốt nhất: Đi từ thấp lên cao; từ gần đến xa.
“Chúng ta có thể bắt đầu từ dưới thấp, và lần lượt từng vụ việc, chúng ta hành động ở những cấp độ địa phương và cụ thể nhất, rồi mở rộng ra tới những tầm xa nhất của quốc gia mình và của thế giới, với cùng mối quan tâm và sự chăm sóc mà người Samari ấy đã thể hiện đối với mỗi vết thương của nạn nhân” (FT 78).
2.2.7.2.2.3. Từ cá nhân đến tập thể
Đức Thánh Cha Phanxicô đã lấy lại tư tường trong Tông huấn Evangelii Gaudium: “toàn thể thì hơn từng phần, và cũng hơn tổng số các thành phần”[53], để mời gọi chúng ta noi gương người Samari Nhân Hậu biết khám phá ra sự giúp đỡ của chủ quán, để cho việc cứu chữa nạn nhân được hiệu quả hơn. Như thế, Đức Thánh Cha Phanxicô đề nghị chúng ta đừng làm một mình mà kêu gọi nhiều người góp sức để nâng đỡ những kẻ yếu hèn (x. FT 78).
Như thế, sự chung tay chia sẻ với tinh thần liên đới trách nhiệm trong việc cứu chữa người khác là điều cần phải quan tâm.
2.2.5.2.2.4. Từ gia đình đến xã hội
Trong số 230, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra hình ảnh đẹp về gia đình với tình tương thân tương ái. Qua đó, Người cũng muốn mô hình này, tương quan gia đình nầy, cũng được thể hiện trong xã hội. Hay nói cách khác, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn mọi người coi nhau như người một nhà (x. FT 230).
Thể nhưng, để mọi người có thể sống tình gia đình với mọi người, thì chính gia đình được mời gọi đảm nhận sứ mạng có tính quyết định hàng đầu là giáo dục. Các gia đình là nơi chốn đầu tiên mà các giá trị yêu thương, huynh đệ, cùng với sự chia sẻ, quan tâm và chăm sóc người khác được sống và được truyền thụ. Các gia đình cũng là nơi chốn ưu tiên để truyền thụ đức tin, bắt đầu bằng những cử chỉ đơn giản đầu tiên diễn tả lòng đạo đức mà các bà mẹ dạy con cái mình.
Giáo dục tương quan với nhau như người một nhà, không chỉ trong gia đình mà còn cần đến những tác nhân giáo dục trong xã hội.
Các thầy cô, những người đảm nhận công việc đầy thách đố là giáo dục thiếu nhi và các bạn trẻ ở trường hay ở những khung cảnh khác, cần phải ý thức rằng trách nhiệm của họ cũng mở ra tới các khía cạnh luân lý, tâm linh, và xã hội của đời sống. Các giá trị tự do, tôn trọng lẫn nhau, và liên đới có thể được truyền thụ từ độ tuổi rất sớm… Các nhà truyền thông cũng có trách nhiệm giáo dục và đào tạo, nhất là ngày nay, khi các phương tiện thông tin và liên lạc quá phổ cập[54].
Sống như người một nhà là cách sống mà mọi người được hội nhập với cộng đoàn gia đình. Điều này cần được mở rộng ra đời sống xã hội.
2.2.5.2.2.5. Từ tách biệt đến hội nhập
Đức Thánh Cha Phanxicô nhận thấy có nhiều người bị loại trừ bị đặt ra ngoài lề xã hội như những người “người lưu đày ẩn giấu”, bị đối xử như thành phần ngoại lai trong xã hội (x. FT 98).
Mặt khác, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng thấy có những người tự nhận thấy mình không thuộc về và không tham gia cộng đồng. Đối với những thành phần nầy, Đức Thánh Cha Phanxicô ao ước: Họ được giúp đỡ để hội nhập vào cộng đoàn xã hội và Giáo Hội (FT 76). Với cách thức và trình tự hành động như trên, hy vọng một xã hội tốt đẹp hơn sẽ được thành hình từng bước trong tương lại như ước mong cháy bỏng của Đức Thánh Cha Phanxicô được biểu lộ trong Thông Điệp.
Với thành tâm, thiện chí, chúng ta nhìn vào bản thân, để xem thử chúng ta đang ở đâu trên con đường góp phần xây dựng nầy, con đường theo gương người Samari Nhân Hậu, mà Đức Thánh Cha Phanxicô hằng mong mỏi nơi chúng ta.
3. TỰ HỒI TÂM
Đức Thánh Cha Phanxicô thường đưa ra những câu hỏi, giúp người khác tự vấn lương tâm theo những chủ đề nào đó, trong những dịp nào đó. Quả vậy, trong ngày Chúa nhật 09.10.2017, tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng: Với dụ ngôn về người Samari Nhân Hậu; Chúng ta hãy tự hỏi: Đức tin của tôi có hiệu quả không? Tôi có làm sinh sôi những hoa quả tốt không? hay làm khô héo, và do đó chết nhiều hơn sống? Tôi có biến thành hàng xóm của những người tôi gặp, hay tôi có đi ngang qua họ không?[55].
Trong một Thánh Lễ sáng tại nhà nguyện Marta. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nói với những người tham dự: Chúng ta nên đọc chương 10 Tin Mừng theo thánh Luca và tự hỏi lòng mình: Tôi làm gì đây? Tôi có phải là vị tư tế chỉ biết đứng nhìn và bỏ đi hay không? Nếu là nhà lãnh đạo Công giáo, tôi có hành xử như thế không? Hay tôi chỉ là một tội nhân? Tôi có giúp đỡ những ai đang cần hay không? Tôi có nâng đỡ và băng bó vết thương cho những con người, những nạn nhân mà tôi gặp mỗi ngày? Tôi có sống giống như Chúa không?[56].
Với nội dung của Thông Điệp, với ước muốn mọi người biết lựa chọn và hành động như người Samari Nhân Hậu, Đức Thánh Cha Phanxicô ước mong mọi người, mọi tín hữu và chính Hội Thánh Công giáo cần nhìn lại bản thân với sự hồi tâm thật nghiêm túc, để điều chỉnh bản thân, để nhận thức đúng và hành động đúng như ý Chúa qua Dụ Ngôn. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nêu rõ: “Mặc dù Thông Điệp này được gửi cho mọi người thiện chí, bất kể những niềm xác tín tôn giáo của họ, Dụ Ngôn ở đây là một câu chuyện mà bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể liên hệ và nhận thấy mình bị thách đố” (FT 56).
Chính trong sự thách đố của việc đấu tranh nội tâm mà Dụ Ngôn khơi dậy trong chúng ta, cần phải đặt ra câu hỏi cho chính mình: Chúng ta là ai trong Dụ Ngôn? Chúng ta quyết định như thế nào? (x. FT 69).
Chúng ta xét mình về nhận thức và hành động về những điều liên quan đến Dụ Ngôn trong Thông Điệp mà chúng ta đã lược qua những nét được coi là căn bản trên đây.
3.1. Nhận thức
Chúng ta cần tự vấn, chúng ta là ai trong những nhân vật trong Dụ Ngôn. Chúng ta có nhận ra: Chúng ta bị cám dỗ cầu an, thờ ơ với những cảnh đời của người khác, nhất là những người yếu thế trong xã hội? Chúng ta có nhận ra một thực tế: Chúng ta vẫn còn mù chữ với bài học vở lòng trong việc giúp đỡ những người kém may mắn trong xã hội phát triển của chúng ta? (x. FT 64).
Chúng ta có nhận ra chúng ta đã biến những người ở gần chúng ta trở thành những người xa lạ không? Khi chúng ta đọc những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong số 97: “Một số vùng ngoại biên rất gần chúng ta, tại các trung tâm thành phố hay ngay trong các gia đình. Vì vậy, có một khía cạnh của sự mở rộng phổ quát trong tình yêu có tính hiện sinh hơn là có tính địa lý. Nó liên quan tới những cố gắng hằng ngày của chúng ta để mở rộng vòng thân hữu, đến với những người mà ngay cả dù họ ở gần tôi, tôi không đương nhiên xem họ là một phần thuộc phạm vi quan tâm của mình. Mọi anh chị em túng khổ, khi bị bỏ rơi hay bị thờ ơ bởi xã hội mà tôi sống trong đó, sẽ trở thành một người ngoại kiều về mặt hiện sinh, ngay cả dù được sinh ra trong cùng một đất nước. Họ có thể là những công dân với đầy đủ quyền hạn, nhưng họ bị đối xử như những ngoại kiều ngay trên đất nước mình. Sự kỳ thị chủng tộc là một thứ vi rút biến thể rất nhanh, và thay vì biến mất, nó ẩn nấp và mai phục” FT 97).
Chúng ta có phải là người ích kỷ và hẹp hòi, chỉ nghĩ đến mình mà không nghĩ đến đại cục. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ rỏ những tai hại mà chủ nghĩa cá nhân gây ra trong số 105: “Chủ nghĩa cá nhân không giúp chúng ta có tự do, bình đẳng, và tình huynh đệ nhiều hơn. Duy chỉ việc gộp lại những lợi ích cá nhân thì không thể làm ra một thế giới tốt đẹp hơn cho toàn thể gia đình nhân loại. Nó cũng không thể cứu chúng ta khỏi rất nhiều vấn đề yếu kém hiện đang ngày càng toàn cầu hóa. Chủ nghĩa cá nhân triệt để là một thứ vi rút cực kỳ khó loại trừ, vì nó thông minh. Nó làm cho chúng ta tin rằng mọi sự hệ tại ở việc thả phanh cho những tham vọng của riêng mình, như thể bằng cách theo đuổi những tham vọng lớn hơn và tạo ra những mạng lưới an toàn thì đó là chúng ta đang phục vụ cho thiện ích chung vậy” (FT 105).
Khi đọc những dòng này, chúng ta lại liên tưởng đến virus Covid-19 đang làm điêu đứng nhân loại ngày nay vì biến thể của nó.
Với tư cách là Kitô hữu, chúng ta có thấy Lời Chúa chất vấn chúng ta không? Chúng ta có thấy chính Chúa Kitô nơi anh chị em và phẩm giá của họ không? Đức Thánh Cha Phanxicô đã mượn lời của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, để cho chúng ta thấy điều này trong số 85: “Đối với các Kitô hữu, những lời của Chúa Giêsu có một ý nghĩa sâu xa hơn. Những lời ấy thúc bách chúng ta nhận ra chính Đức Kitô nơi mỗi người anh chị em bị bỏ rơi hay bị loại trừ của mình (x. Mt 25,40-45). Đức tin có sức mạnh khôn tả để truyền cảm hứng và nâng đỡ lòng tôn trọng của chúng ta đối với người khác, vì các tín hữu nhận biết rằng Thiên Chúa yêu thương mọi người, nam cũng như nữ, với tình yêu vô hạn và “qua đó Người trao ban phẩm giá vô hạn” cho mọi người[57].
Chúng ta cần phải xem thử: Với đức tin, chúng ta có nhận ra cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su cho tất cả mọi người không trừ ai và mầu nhiệm Ba Ngôi là khuôn mẫu cho sự hiệp nhất giữa tất cả mọi người, là kiểu mẫu cho mọi đời sống xã hội không? (x. FT 85).
Chúng ta cũng phải tự hỏi về đức tin của chúng ta về sự hiện hữu của Thiên Chúa và tình yêu của Người, nhờ đó, tình huynh đệ và lòng bác ái phổ quát cuối cùng có thể thực hiện được hay không?[58]
Chúng ta có nhận thức được: Những nhà truyền giáo mang thế giới đến với chúng ta và nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta đều phụ thuộc vào nhau, rằng mọi người đều cho và nhận cùng một lúc.
Chúng ta có nhìn mọi thứ từ góc độ của những nạn nhân? Chúng ta có biết rằng: Sự khôn ngoan chân chính bao gồm sự gặp gỡ với thực tế. Chúng ta nhìn thực tế trên quan điểm nào? Đó là câu hỏi trung tâm của Thông Điệp. Chúng ta có phải đang đứng ở rìa của dụ ngôn Người Samari Nhân Hậu. Chúng ta có cãm nhận nỗi đau của việc Giáo Hội chưa thật sự nhập thể trong thế giới ngày nay, trong khi, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết Thông Điệp vì lợi ích chung theo tinh thần của Thánh Phanxicô[59].
Chúng ta có nhận ra lời phê bình thực hành tôn giáo đối với chúng ta không? Như đã xảy ra trong nhiều năm, từ thiện đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang trở nên định hình thế giới và rất thiết thực. Với mục đích này, câu chuyện về người Samari Nhân Hậu cũng chứa đựng một lời phê bình rõ ràng về thực hành tôn giáo (FT 74).
Chúng ta đã hồi tâm về cách nghĩ, bây giờ chúng ta hãy suy xét điều quan trọng hơn: Hành động của chúng ta có thích ứng với lời mời gọi của Tin Mừng không?
3.2. Hành động
Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra vấn đề: “Câu hỏi có thể là: Phải chăng chúng ta sẽ bỏ nạn nhân và chạy đi để tránh bạo lực, hay chúng ta sẽ đuổi theo bọn cướp?[…] Phải chăng việc bỏ rơi nạn nhân đầy thương tích kia rốt cục là sự biện minh cho những chia rẽ không thể hòa giải của chúng ta, cho sự thờ ơ độc ác của chúng ta, cho những xung đột bên trong của chúng ta?” (FT 72).
Chúng ta có viện dẫn những lý lẽ đề bào chữa cho những thái độ tiêu cực? Nếu có, chúng ta nghe Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Thiên Chúa không dành chỗ nào cho một sự viện dẫn thuyết tiền định hay thuyết định mệnh như một biện minh cho thái độ thờ ơ của chúng ta” (FT 57).
Chúng ta thường hay biện minh cho những khiếm khuyết và lỗi lầm của mình trong tương quan với người khác không? Có lẽ những người bỏ đi qua cũng viện dẫn những lý do “chính đáng” cho chọn lựa của mình. Chúng ta có giống như họ không? (FT 97).
Phải chăng chúng ta chai lỳ và trở nên quen thuộc của việc tìm lối khác, bỏ qua, ngoảnh mặt làm ngơ trước những hoàn cảnh éo le trong đời? (FT 64).
Đặc biệt đối với những Kitô hữu, chúng ta có sống theo Thánh Ý Thiên Chúa không?
Chúng ta có biến niềm tin và nhận thức của mình thành hành động thiết thực như người Samari Nhân Hậu không? Liệu chừng chúng ta có rơi vào tình trạng giữ đạo hình thức không? Giữ đạo nhưng không sống đạo, trong khi lại có những người không biết đạo nhưng dường như họ sống tinh thần của đạo hơn cả những Kitô hữu. Nhận ra được điều nầy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã không ngần ngại nêu ra: Nhiều người ở trong nhà thờ nhưng không ở với Chúa - và nhiều người ở với Chúa nhưng không ở trong nhà thờ (FT 74).
Chúng ta có để tinh thần Tin Mừng thực sự thấm nhập vào đời sống chúng ta hay không? Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh giác chúng ta: “Nếu điệu nhạc của Tin Mừng ngừng âm vang trong chính hữu thể chúng ta, thì chúng ta sẽ đánh mất niềm vui sinh ra từ lòng thương cảm, đánh mất tình yêu dịu dàng sinh ra từ tín thác, và đánh mất khả năng hòa giải vốn bắt nguồn từ nhận thức của chúng ta rằng mình đã được tha thứ và sai đi. Nếu điệu nhạc của Tin Mừng ngừng âm vang trong nhà của chúng ta, tại các quảng trường của chúng ta, những nơi làm việc, đời sống chính trị và tài chánh, thì chúng ta sẽ không còn nghe cái giai điệu thách đố chúng ta bảo vệ phẩm giá của mọi con người nam cũng như nữ” (FT 271).
Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta hồi tâm, suy nghĩ lại về sự dấn thân của chúng ta cho người khác: “Chúng ta có sẽ cúi xuống chạm vào và chữa lành những vết thương của người khác không? Chúng ta có cúi xuống và giúp người khác đứng dậy không? Đó là thách đố của ngày hôm nay, và chúng ta đừng sợ đối diện với nó” (FT 70).
Chúng ta có lạm dụng dụ ngôn để biện minh cho những ngại ngùng dấn thân đến cùng của chúng ta không? (x. FT 77). Phải chăng dụ ngôn về "Samari Nhân Hậu" đã bị lạm dụng, khi chúng ta lý luận: Nghĩa vụ giúp đỡ trên cơ sở cam kết đối với tổ chức từ thiện Kitô giáo chỉ liên quan đến các Kitô hữu cá nhân và chỉ liên quan đến hàng xóm theo không gian của họ do tình huống và luôn luôn tự nguyện; Ngay cả người Samari Nhân Hậu chỉ giúp đỡ trong không gian gần gũi, trả tiền nhà trọ gần đó. Anh ta không đưa tên cướp về nhà mình, không mời cả gia đình về nhà mình, không nói với chủ nhà trọ: Tìm mọi cách để trong tương lai, tất cả những tên cướp tiếp theo được an toàn đưa đến nhà trọ, anh ta sẽ trả mọi thứ, anh ta sẽ trả tiền cho tất cả và tất cả con cái cho đến cuối đời và cho mọi người khả năng phát triển toàn diện, anh ta đã không nói hoặc làm tất cả những điều này[60].
KẾT LUẬN
Dụ ngôn người Samari Nhân Hậu mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã quy chiếu và làm nền tảng cho Thông Điệp của mình. Điều này giúp xác tin căn bản: Lời Chúa là ngọn đèn soi bước chúng ta đi, vì Lời Chúa là lời hằng sống, lời chân thật, đem lại hạnh phúc vỉnh cửu cho con người. Chúng ta sẽ cảm nhận điều này khi chúng ta lắng nghe và sống Lời Chúa. Cùng với lòng yêu mến và tin tưởng tuyệt đối vào Lời Chúa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cống hiến cho nhân loại ngày nay những chỉ dẫn quý báu trên nhiều phương diện của cuộc sống. Điều này cũng giúp chúng ta xác tín cách sâu xa: Lời Chúa thật phong phú, nhiều ý nghĩa và tràn đấy sức sống. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Lời Chúa sẽ trổ sinh nhiều hoa trái trong nhiều mặt của cuộc nhân sinh này. Chính vì thế, chúng ta cần lắng nghe Lời Chúa và đem Lời Chúa ra thực hành. Đặc biệt Lời Chúa được Vị Cha Chung của Hội Thánh diễn giải trong Thông Điệp là những mời gọi và chỉ dẫn thật quý báu cho mọi người thời nay và mỗi Kitô hữu, những chỉ dẫn giúp chúng ta nỗ lực đổi mới cách nghỉ, cách làm, sao cho đáp ứng đầy đủ những đòi hỏi của Tin Mừng thường rất mới và quyết liệt.
Cùng với những soi sáng của Đức Thánh Cha Phanxicô, cũng rất hữu ích khi chúng ta chọn dụ ngôn người Samari Nhân Hậu làm đề tài suy gẫm của mình, nhờ đó mà tinh thần của Đức Ki-tô thấm nhuần vào tư tưởng và hành động trong cuộc sống, hầu hăng say dấn thân phục vụ theo ơn gọi của mình, đem lại nhiều điều tốt lành cho tha nhân, nhất là những người yếu thế, những kẻ bé mọn, những nạn nhân trong xã hội, góp phần mình trong trong việc xây dựng lại thế giới trong tình huynh đệ phổ quát, như ước mong tha thiết của Đức Thánh Cha Phanxicô đã được trình bày trong Thông Điệp.
Nguồn: gpquinhon.org (11.10.2022)
[1] Tóm tắt Thông Điệp “Fratelli tutti – Tất cả anh em” - Vatican News.
[2] Erzbistum Berlin: Enzyklika, “Fratelli tutti“ von Papst Franziskus.
[3] Passant oder Samariter? Anmerkungen zur neuen Enzyklika "Fratelli tutti" | Katholischen Sozialwissenschaftlichen Zentralstelle (ksz.de).
[4] https://www.herder.de/stz/online/von-der-oekonomisierung-zur-humanisierung/.
[5] Passant oder Samariter? Anmerkungen zur neuen Enzyklika "Fratelli tutti" | Katholischen Sozialwissenschaftlichen Zentralstelle (ksz.de).
[6] Kolumne: Esel und Wirtshaus | Die Tagespost (die-tagespost.de).
[7]Ursula Nothelle-Wildfeuer (* 1960 in Unna) là một nhà thần học Công giáo La Mã người Đức và là giáo sư thần học thực hành với khoa Học thuyết Xã hội Kitô giáo tại Đại học Albert-Ludwigs Freiburg.
[8]Gemeinsam hin zu einer „geschwisterlichen Welt“ (kathma-johannes23.de).
[9] Passant oder Samariter? Anmerkungen zur neuen Enzyklika "Fratelli tutti" | Katholischen Sozialwissenschaftlichen Zentralstelle (ksz.de).
[10]Kardinal Marx: „Fratelli tutti“ unterstreicht Grundhaltung des Papstes – Samerberger Nachrichten.
[11] http://vietcatholicnews.com/News/Html/183679.htm .
[12] http://vntaiwan.catholic.org.tw/17news/17news1384.htm.
[13] https://dongtrinhvuongsaigon.org/vi/news/tin-giao-hoi/su-diep-ngay-quoc-te-benh-nhan-2019-552.html .
[14] https://www.thanhlinh.net/node/141451 .
[15] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021.01/dtc-phanxico-su-diep-ngay-the-gioi-benh-nhan.html .
[16] https://www.wir-sind-kirche.de/?id=665&id_entry=8455.
[17] Homiliae in Matthaeum, 50: 3-4: PG 58, 508.
[18] Passant oder Samariter? Anmerkungen zur neuen Enzyklika "Fratelli tutti" | Katholischen Sozialwissenschaftlichen Zentralstelle (ksz.de).
[19] Ibid.
[20] Công Đồng Vatican II, Tuyên ngôn về Mối Liên hệ của Giáo Hội với các Tôn giáo không phải Kitô giáo, Nostra Aetate, 2.
[21] Quast-Neulinger Michaela: Die Sprengkraft der Vision. Fratelli Tutti als Provokation der Paternalisten (uibk.ac.at).
[22] Kommentar zu «Fratelli tutti» – Enzyklika von Papst Franziskus – Schweizer Bischofkonferenz (bischoefe.ch).
[23] Khối đa diện.
[24] https://www.furche.at/religion/fratelli-tutti-die-neue-enzyklika-von-papst-franziskus-3853066?%2041%20%2F%208.%20Oktober%202020.
[25] x. Diễn văn với Những Người được Các Công trình Bác ái của Giáo Hội giúp đỡ, Tallinn, Estonia (25 Tháng 9 2018): L’Osservatore Romano, 27 Tháng 9 2018, p. 8.
[26]https://www.furche.at/religion/fratelli-tutti-die-neue-enzyklika-von-papst-franziskus-3853066?%2041%20%2F%208.%20Oktober%202020.
[27] Kardinal Marx: “Fratelli tutti“ unterstreicht Grundhaltung des Papstes – Samerberger Nachrichten.
[28] Karl Rahner, Kleines Kirchenjahr. Ein Gang durch den Festkreis, Herderbücherei 901, Freiburg, 1981, 30.
[29]Sứ điệp video gửi Hội nghị TED ở Vancouver (26 Tháng 4 2017):L’Osservatore Romano, 27 Tháng 4 2017, p. 7.
[30]https://www.furche.at/religion/fratelli-tutti-die-neue-enzyklika-von-papst-franziskus-3853066?%2041%20%2F%208.%20Oktober%202020.
[31] vb-2020-10-08-1-verschoben.pdf (cathkathcatt.ch).
[32]DOLIWA_Weisheit in der Begegnung mit der Wirklichkeit - Würdigung von FT.pdf (wir-sind-kirche.de).
[33]Bischöfe reagieren auf die Enzyklika "Fratelli tutti" | DOMRADIO.DE - Katholische Nachrichten.
[34]https://www.wienerzeitung.at/meinung/gastkommentare/2077835-All-you-need-is-love.html.
[35]https://www.wienerzeitung.at/meinung/gastkommentare/2077835-All-you-need-is-love.html.
[36] https://www.wir-sind-kirche.de/?id=665&id_entry=8455.
[37]Gemeinsam hin zu einer „geschwisterlichen Welt“ (kathma-johannes23.de).
[38] DOLIWA_Weisheit in der Begegnung mit der Wirklichkeit - Würdigung von FT.pdf (wir-sind-kirche.de).
[39]https://www.ku.de/thf/aktuelles/nachrichten/prof-kirschner-im-interview-von-einer-globalisierung-der-gleichgueltigkeit-zur-globalisierung-der-geschwisterlichkeit.
[40] Phỏng vấn Sr. Martha Martha Zechmeister CJ, Vom Glutkern des Glaubens: Blick auf "Fratelli tutti" - Congregatio Jesu.
[41] Fratelli tutti: Politik als Zärtlichkeit und Zuneigung – Leonardo Boff.
[42] Regula Pastoralis, III, 21: PL 77, 87.
[43] De Lazaro Concio, II, 6: PG 48, 992D.
[44] Thông Điệp nhân Ngày Hòa Bình Thế giới năm 2019 (8 Tháng 12 2018), 5: L’Osservatore Romano, 19 Tháng 12 2018, p. 8.
[45] Papst will Welt mit "Fratelli tutti" Orientierung geben (katholisch.at).
[46] https://www.wir-sind-kirche.de/?id=665&id_entry=8455.
[47] Erzbistum Berlin: Enzyklika, Fratelli tutti“ von Papst Franziskus.
[48] Leonardo Boff Nhà sinh thái học, nhà thần học và nhà triết học. Fratelli tutti: Politik als Zärtlichkeit und Zuneigung – Leonardo Boff.
[49] L’Osservatore Romano, 4 Tháng 12 2019, 7.
[50] https://www.herder.de/stz/online/von-der-oekonomisierung-zur-humanisierung/.
[51] Gặp gỡ Nhà Cầm quyền, Ngoại giao đoàn và Đại diện Xã hội Dân sự, Maputo, Mozambique (5 Tháng 9 2019): L’Osservatore Romano, 6 Tháng 9 2019, p. 6.
[52] Hội nghị Toàn thể lần thứ năm các Giám Mục Châu Mỹ Latinh và vùng Caribbean, Aparecida Document (29 Tháng 6 2007), 398.
[53] Tông huấn Evangelii Gaudium (24 Tháng 11 2013), 235: AAS 105 (2013), 1115.
[54] DOLIWA_Weisheit in der Begegnung mit der Wirklichkeit - Würdigung von FT.pdf (wir-sind-kirche.de).
[55] VATIKAN , 10 July, 2016 / 4:08 PM (CNA Deutsch).
[56] Người ngoại đạo tốt lành (hdgmvietnam.com).
[57] Thánh Gioan Phaolô II, Thông Điệp gửi Những Người Khuyết Tật, buổi Đọc Kinh Sai Thiên Thần tại Osnabrück, Germany (16 Tháng 11 1980): Insegnamenti III, 2 (1980), 1232.
[58] Passant oder Samariter? Anmerkungen zur neuen Enzyklika "Fratelli tutti" | Katholischen Sozialwissenschaftlichen Zentralstelle (ksz.de).
[59] DOLIWA_Weisheit in der Begegnung mit der Wirklichkeit - Würdigung von FT.pdf (wir-sind-kirche.de)
[60]Barmherziger Samariter, revisited - derPaterBlog (paterberndhagenkord.blog)
https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/du-ngon-nguoi-samari-nhan-hau-trong-thong-diep-fratelli-tutti--46616
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét