Đỉnh Cao Cầu Nguyện
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Đỉnh Cao Cầu Nguyện
CN 29C
Ngày xưa định nghĩa: cầu nguyện là nâng tâm hồn lên tới Chúa. Thời nay thời xa lộ thông tin, người ta định nghĩa: cầu nguyện là nối mạng với Chúa. Nâng tâm hồn lên hay kết nối với Chúa, cầu nguyện luôn là một cuộc đối thoại là quan hệ trực tiếp mỗi người với Chúa. Trong cuộc đối thoại ấy, con người lắng nghe Chúa nói và nói với Chúa.
Cầu nguyện giúp người tín hữu tin, cử hành đức tin và sống mầu nhiệm đức tin trong tương quan sống động và thân tình với Thiên Chúa hằng sống và chân thật. (GLCG 2558). Mọi thời gian đều thuận tiện để cầu nguyện. Dù vậy, Hội Thánh đề nghị các tín hữu nên dành thời gian cho việc cầu nguyện liên tục: Kinh sáng và kinh tối; kinh nguyện trước và sau khi dùng cơm, Phụng vụ các giờ kinh, cử hành Thánh lễ ngày Chúa nhật, chuỗi Mân côi, các lễ trong năm Phụng vụ.
Cầu nguyện giúp con người ý thức về chiều kích thiêng liêng. Cầu nguyện cần có hai yếu tố: thực tâm và bền bỉ. Lời Chúa hôm nay cho thấy hiệu năng của cầu nguyện, lòng kiên trì và sự khiêm tốn trong lời cầu nguyện.
1. Chúa Giêsu dạy cầu nguyện
Sách Tin Mừng Luca chứa nhiều giáo huấn về cầu nguyện hơn các sách Tin Mừng khác. Toàn thể thời thơ ấu của Chúa Giêsu trải ra trong cầu nguyện như tuổi thơ bồng bềnh trong tiếng mẹ ru: truyền tin, thăm viếng, giáng sinh, dâng trong Đền thờ, ở lại trong Đền thờ…Sau khi chịu phép Rửa, Chúa cầu nguyện, khi đi rao giảng thì sáng sớm Chúa ra nơi thanh vắng cầu nguyện; người ta tuôn đến để nghe giảng và xin chữa bệnh, Chúa cũng bắt chờ Chúa đi cầu nguyện (Lc 5,16); trước khi chọn nhóm Mười Hai, Chúa cầu nguyện thâu đêm; trước khi cho nhóm Mười Hai tuyên xưng đức tin, Chúa cũng cầu nguyện; vinh quang của Chúa toả ra đang khi Chúa cầu nguyện; khi nhóm Bảy Mươi Hai đi rao giảng trở về hớn hở vui mừng, Chúa cũng lên tiếng chúc tụng Cha. Chúa luôn cầu nguyện một mình, dù các môn đệ vẫn ở bên cạnh.
Chúa Giêsu dạy phải cầu nguyện như Người hằng cầu nguyện (Lc 6,12); cầu nguyện cho các địch thù (Lc 6,28); vững tâm cầu nguyện đón chờ ngày Chúa đến (Lc 21,36); cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ (Lc 22,40.46)... Khi các môn đệ xin Chúa dạy cách cầu nguyện, Người dạy họ cầu nguyện với kinh Lạy Cha (Lc 11,2-4). Chúa Giêsu mang theo cả nhân loại trong lời cầu nguyện của mình. Người nói chuyện với Chúa Cha, bàn bạc với Chúa Cha về những việc Người làm cho công cuộc cứu độ nhân loại.
Ba dụ ngôn chính về việc cầu nguyện đã được thánh Luca ghi lại:
- Người bạn quấy rầy (Lc 11,5-13). Ý nghĩa dụ ngôn cho thấy Thiên Chúa không thể không ban ơn cho những ai thành tâm và tha thiết kêu cầu Ngài. “Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?"
- Bà góa phụ quấy rầy (Lc 18, 1-8). Dụ ngôn này dạy ta phải biết cầu nguyện luôn, kiên trì trong đức tin không mệt mỏi, và đừng bao giờ nản chí trước mọi tình thế.
- Người biệt phái và người thu thuế (Lc, 18, 9-14). Dụ ngôn này dạy ta phải khiêm nhường thật lòng khi cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”.
2. Cầu nguyện kiên trì
Chúa Giêsu dạy về sự cần thiết và hiệu năng của lời cầu xin. Phải cầu nguyện kiên trì, đừng bao giờ nhàm chán, đừng ngã lòng. Chúa dùng Dụ ngôn minh hoạ, ông quan toà bất lương gặp bà goá kêu nài.
Bà góa cô thân cô thế nhưng lại kiên trì cương quyết, bà tin chắc cứ kêu nài, cứ van xin, thế nào quan tòa cũng chịu xét xử. Quan tòa là người chẳng sợ Thiên Chúa mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng cũng chịu thua bà góa. Ông minh xử cho bà goá không phải vì yêu thương, chẳng phải vì trách nhiệm mà là vì sợ bị quấy rầy. Một quan tòa vô đạo, bất công mà còn xét xử cho người van xin thì huống là Thiên Chúa, Đấng công minh chính trực, thưởng phạt công bằng, Đấng giàu lòng xót thương, luôn bênh đỡ những kẻ bé mọn kêu cầu Ngài!
Khi nói dụ ngôn này, Chúa Giêsu không có ý nói phải cầu xin thật dai dẳng thì mới được Thiên Chúa nhậm lời, nhưng Người muốn chúng ta tin tưởng vào hiệu lực của lời cầu xin, bởi vì “Có người cha nào, khi con mình xin cái bánh mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, Người sẽ ban những của tốt lành cho những kẻ xin Người” (Mt 7,9-11).
3. Cầu nguyện hơi thở của linh hồn
Sống lời Chúa Giêsu dạy, Thánh Phaolô khuyên các tín hữu cầu nguyện liên tục, không ngừng ngày đêm. Ngài nói lên sự cần thiết của cầu nguyện bằng những lời tâm tình mời gọi: “Hãy chuyên cần cầu nguyện” (Rm 12,12); “Anh em hãy bền đỗ cầu nguyện, tỉnh thức cầu nguyện và tạ ơn” (Col 14,2), “Đừng ngớt cầu nguyện” (1Thes 5,7; Rm 8,26-27); “Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện” (Pl 4, 6). Như một người bạn thân tình, cầu nguyện là nói với Chúa bằng tâm nguyện, không cầu kỳ, không hoa mỹ. Lòng chân thành là cách tỏ bày tốt nhất có thể dâng lên Chúa.
Cầu nguyện thật cần thiết cho đời sống tâm linh. Thánh Gioan Kim Khẩu so sánh sự cần thiết của lời cầu nguyện với chuyện cá trong nước. Bao lâu cá ở trong nước, nó vẫn sống, hoạt động và tăng trưởng, nhưng nếu cá bị bắt ra ngoài, chắc chắn nó sẽ chết. Cũng vậy, con người muốn sống siêu nhiên cần phải cầu nguyện, nếu không cầu nguyện họ sẽ mất ơn Chúa giúp, rồi dần dà họ sẽ mất sự sống siêu việt không khác nào cá phải chết vì không có nước.
Thánh Bênađô cũng đã so sánh sự hô hấp cần thiết cho con người như thế nào, thì lời cầu nguyện cũng cần thiết cho con người như vậy. Đối với linh hồn, cầu nguyện cần thiết cũng như hô hấp cần cho cơ thể con người. Nếu con người hô hấp khó khăn thì thân xác sẽ thành tiều tuỵ, và nếu hô hấp đình chỉ thì con người sẽ chết. Cũng thế, khi ta ít cầu nguyện, linh hồn biến thành bạc nhược, và khi ta không cầu nguyện tí nào, linh hồn ta sẽ chết đi trước mặt Chúa. Cầu nguyện cốt yếu ở việc thường xuyên.
Cầu nguyện là hơi thở của linh hồn, là sự sống, là sức mạnh của người Kitô hữu. Một đức tin không có cầu nguyện thì chỉ là một niềm tin vô ngã, vật chất.
Cầu nguyện là lẽ sống. Lời cầu nguyện có một tầm quan trọng đặc biệt trong cuộc sống. Lời cầu nguyện chỉ thực sự có giá trị và sức mạnh khi phát xuất từ một đức tin có chất lượng và sống động.
4. Cầu nguyện đỉnh cao
Phần đông người tín hữu chúng ta ít khi biết cầu nguyện trong thinh lặng. Hễ cầu nguyện là chỉ biết đọc kinh. Đọc kinh ở nhà thờ, đọc kinh ở nhà. Có khi đọc kinh nhiều mà cầu nguyện chẳng bao nhiêu. Nhưng phút giây thinh lặng là những phút giây quan trọng để lắng nghe Chúa nói. Đỉnh cao của cầu nguyện là thinh lặng kính thờ Chúa.
Cầu nguyện không phải là vấn đề của kiến thức hay kỹ thuật. Cầu nguyện luôn đi đôi với đức tin và lòng mến.Vì thế phải cầu nguyện trong Thánh Thần (Rm 8,1), đơn sơ (Lc 18,15-17), khiếm tốn (Lc 18,14), trong thầm kín (Mt 6,6).
Khi cầu nguyện tâm trí được nâng lên cùng Thiên Chúa hầu suy tôn, tán tụng, cảm mến, tạ tội, xin ơn. Trình độ cầu nguyện cao nhất là : xin đừng theo ý con mà theo ý Cha.
Trong một thế giới ồn ào náo động như hiện nay, một thế giới bị ô nhiễm về môi sinh và bị ô nhiễm về tinh thần, người Kitô hữu phải là chứng nhân cầu nguyện. Với nền công nghệ tiên tiến hiện đại, người ta “muốn là được”, chỉ cần một cái nhấp chuột là biết vô vàn thông tin cho nên con người ít kiên nhẫn và rất lười cầu nguyện, người Kitô phải nêu gương sáng trong đời sống cầu nguyện. Chúng ta cầu nguyện vì muốn nên giống Chúa Giêsu, Đấng hằng cầu nguyện liên lỉ với Cha và dạy chúng ta cách thức cầu nguyện.
Lạy Chúa Giêsu, chiêm ngắm Chúa cầu nguyện, lắng nghe Chúa dạy cầu nguyện, chúng con nhận thấy đời sống cầu nguyện thật cần thiết cho đời tâm linh. Xin cho chúng con luôn yêu mến đời sống cầu nguyện; xin cho chúng con xác tín rằng, tự sức riêng, chúng con không làm được gì cả, nhưng với ơn Chúa, chúng con làm được nhiều điều tốt lành trong cuộc sống hàng ngày. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét