Trang

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2022

Phải đọc Kinh thánh thế nào?

 

Phải đọc Kinh thánh thế nào?

 
..phải đọc Kinh thánh cách bình thản, không thiên kiến, có phê bình nhận định, tìm hiểu và nhất là đọc với niềm tin, vì đó là lời Chúa được đặt làm căn bản cho đức tin của chúng ta.

catholicbiblecrucifix.jpg 

 

1. Gỡ bỏ một số định kiến

 

Trước hết phải gỡ bỏ một số định kiến chung quanh việc đọc các sách Kinh thánh như :

 

1.1 Đọc Kinh thánh là một sáng kiến mới

 

Nhiều người cho rằng đọc Kinh thánh là một sáng kiến mới. Trước đây, chẳng những Hội thánh không khuyên đọc mà lại còn giới hạn nữa. Thực ra, Hội thánh không bao giờ giới hạn hay cấm đọc một số sách trong đó, mà chỉ đưa ra những điều kiện phải có để đọc cho hữu hiệu mà thôi. Hội thánh không muốn Kinh thánh được nghiên cứu và học hỏi ngoài khung cảnh sống là chính Hội thánh, nơi truyền thông cách liên tục và linh động kinh nghiệm về Lời Chúa từ thời các thánh Tông đồ tới nay.

 

Hội thánh cũng không muốn trao sách thánh vào tay giáo dân mà không hướng dẫn. Hội thánh muốn tín hữu liên hệ với lối giải thích theo truyền thống như do một nguồn suối từ xa xưa để lại.

 

Thật thế, Lời Chúa là một kho tàng quí giá không nên để cho mỗi người tự ý lãnh hội và giải thích mà không được kiểm soát và hướng dẫn.

 

1.2 Kinh thánh là chuyện thánh, chuyện cho trẻ con

 

Nói đến Kinh thánh với người lớn tuổi, thường người ta nhớ lại những chuyện trong sách Sấm truyền cũ. Hồi ấy, Kinh thánh chưa được dich sang tiếng bản quốc và phổ biến rộng rãi. Thường là mấy cuốn sách kể các tích chuyện trong Kinh thánh được trình bày với những tranh vẽ ngây ngô nhưng hấp dẫn. Vì vậy, người ta mới đồng hóa những chuyện này với các sách chuyện dành cho trẻ con, như các sách vẽ tranh hoạt hình của Walt Disney dành cho thiếu nhi bây giờ. Nhưng sách thánh không chỉ kể những tích chuyện mà đàng sau còn có ý nghĩa nữa. Đó mới là điều quan trọng vì những chuyện ấy bày tỏ cho chúng ta ý định của Thiên Chúa trong chương trình cứu độ của Người.

 

1.3 Đọc Kinh thánh có lợi gì ?

 

Có người vấn nạn khi được khuyên mời đọc Kinh thánh. Người ấy bảo : “Chúng ta đã có các bí tích và có thể cầu xin cùng các thánh. Vậy đọc Kinh thánh sẽ mang lại cho ta những ích lợi gì ? Ơn thánh chẳng do bí tích mang lại cho ta ư ?

 

Quả thật, nhờ các bí tích, chúng ta được ơn thánh, nhưng với điều kiện là chúng ta phải có lòng tin và sạch tội trọng. Nếu các bí tích ban ơn mà không tùy thuộc ở mức độ thánh thiện của người cử hành thì ngược lại điều ấy phải tùy thuộc ở lòng tin và xu hướng của người lãnh nhận. Còn về các thánh, nếu chúng ta yêu mến và cầu xin các ngài chuyển cầu cho chúng ta, thì chúng ta đừng quên là các ngài đã hằng yêu mến và tôn sùng Lời Chúa. Thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su về cuối đời có bộc lộ rằng các sách tu đức làm cho bà ngao ngán và bà chỉ còn “chịu” được các sách Tin Mừng thôi. Các điều bà viết đều tràn đầy những trích dẫn Kinh thánh và chủ thuyết về con đường thơ ấu thiêng liêng của bà cũng khởi đầu bằng một câu lấy trong Kinh thánh : “Thầy bảo thật anh em : nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng đuọc vào Nước Trời.” (Mt 18,3)

 

1.4 Sách Kinh thánh có nhiều chỗ không xây dựng

 

Có người cho rằng Kinh thánh không xây dựng vì nói đến chiến tranh, giết chóc, hận thù, ngoại tình v.v… Thật sinh gương xấu. Đúng là trong Kinh thánh có những điều đó. Nhưng chúng ta nên hiểu tại sao như vậy. Nếu hiểu, chúng ta sẽ thấy rằng Kinh thánh là lịch sử một dân tuy được chọn, nhưng vẫn còn là một dân thô lỗ bất trung. Thiên Chúa đã chấp nhận và kén chọn dân đó để huấn luyện và giáo dục họ nay một ít mai một ít. Đáng lẽ chúng ta phải cảm phục Thiên Chúa vì lòng khoan dung nhẫn nại của Người mới phải. Dân Do thái quả thật không phải là một dân đạo đức, đáng yêu thương gì. Nhưng tại sao Chúa lại chọn và yêu thương họ. Thật là một mầu nhiệm, mầu nhiệm của tình thương Thiên Chúa. Họ chẳng hơn gì các dân khác. Đó là một tiểu nhược quốc đầy đam mê, nặng về nhục thể. Chúng ta cần hiểu điều đó để thấy lòng Thiên Chúa yêu thương trong việc chịu đựng và giáo dục dân Do thái cho họ nên khá hơn. Đó là hình ảnh công trình tạo dựng. Thiên Chúa nhào nặn con người như người thợ gốm nhào nặn cái bình. Kinh thánh là cuốn sách kể lại cho chúng ta công trình giáo dục mà người kể không tìm cách tô điểm con người đáng ghê tởm của kẻ thụ giáo. Ai chối cãi được sự hữu ích của hình ảnh này khi áp dụng vào con người chúng ta, để chứng tỏ Thiên Chúa cũng đối xử với chúng ta như đối xử với dân Do thái.

 

Kinh thánh cũng không phải là một cuốn sách xây dựng theo nghĩa nhạt nhẽo. Nó không giống như hạnh các thánh, ở đó cái gì cũng hoàn hảo, xây dựng ngay từ đầu nên nhiều khi hóa ra giả tạo. Tựu trung, sở dĩ có những chuyện ít xây dựng hay không xây dựng là vì hai lý do :

 

* Bày tỏ một cách chân thành và trung thực lịch sử một dân tộc mà không tô điểm

 

* Minh chứng sức mạnh biến đổi lạ lùng của Thiên Chúa mà không phế bỏ tự do của con người, đi từ chỗ bất toàn đến chỗ kiện toàn để giúp con người đón nhận ơn cứu độ.

  

2. Thái độ phải có khi đọc Kinh thánh

 

2.1 Đọc một cách hiểu biết và sáng suốt

 

Phải đọc Kinh thánh cách hiểu biết và sáng suốt, nghĩa là cố gắng nhận định và phê bình như khi đọc một cuốn sách. Vậy khi đọc một cuốn sách, chúng ta phê bình và nhận định thế nào ? Trước khi mở sách, chúng ta xem tên sách và tác giả. Nếu là tác giả tên tuổi được ưa chuộng, chúng ta sẽ đọc một cách thích thú. Tên của tác giả thường có tính quyết định trong việc lựa sách và ảnh hưởng nhiều đến sự phê bình và nhận định của chúng ta. Thành ra cố gắng đầu tiên để phê bình nhận định thường hướng về tác giả. Trong Kinh thánh có hai tác giả : Thiên Chúa và con người. Tác giả người phàm là ai, thuộc chân trời xã hội nào và có cái nhìn ra sao ?

 

2.2 Các tác giả được linh hứng và Mặc khải

 

Người ta thường nói các tác giả Kinh thánh là những người được linh hứng. Nếu hiểu đúng từ linh hứng, mọi việc sẽ sáng tỏ. Linh hứng không phải là mặc khải. Cần phân biệt rõ hai từ này. Thật vậy, Kinh thánh không phải là sách được mặc khải mà là được linh hứng. Khi nói về mặc khải trong Kinh thánh, người ta thường hiểu về nội dung sứ điệp. Nội dung này được mặc khải nhưng không phải bản văn : nội dung được mặc khải còn bản văn được linh hứng. Linh hứng nghĩa là được ơn trên soi sáng, nhưng sách không phải được viết sẵn từ trời đưa xuống, không thiếu một dấu chấm, dấu phẩy, nhưng là do người phàm viết ra với các đặc tính cá nhân của con người ấy. Thiên Chúa linh hứng qua nhân cách, tư tưởng, năng khiếu, tâm tình ý nghĩ của người ấy. Tất cả những thứ này đều không ảnh hưởng đến bản chất của sứ điệp và giá trị nội tại của sứ điệp cũng không bị tiêu hủy vì các đặc tính của tác giả phàm nhân.

 

Do đấy, toàn bộ Kinh thánh, nội dung cũng như hình thức, tư tưởng, danh từ phát xuất bởi hai nguồn hoạt động, không phải xếp cạnh nhau mà chồng lên nhau, đó là Thiên Chúa và người phàm. Soạn giả Kinh thánh, dù khi được linh hứng cũng không phải một cái máy chữ. Tác giả vẫn còn giữ nhân cách của mình, vẫn là mình với tính tình và ý tưởng riêng. Thiên Chúa không xô đẩy mà chỉ dùng những thứ đó để chuyển đạt sứ điệp của Người. Đó là điều rất đáng quí cho loài người chúng ta. Chúng ta chỉ nhìn vào bốn tác giả sách Tin Mừng cũng thấy như thế.

 

2.2.1 Thánh Mát-thêu là người thu thuế.

 

Vì thu thuế nên tự nhiên có thói quen kiểm nhận. Tính kiểm nhận này hiện ra rõ rệt nơi ngài nhất. Ngài viết cho người Do thái, đồng bào của mình và mối bận tâm lớn nhất của ngài là tỏ cho thấy Đức Giê-su đã đóng dấu thị thực lên Tin Mừng như thế nào. Ngài không bỏ lỡ một cơ hội nào để lưu ý độc giả về việc Đức Ki-tô được loan báo từ trước và mọi điều Kinh thánh loan báo về Đấng Mê-si-a đã được thực hiện nơi Người. Tác giả đặc biệt chú ý đến những lời nói của Đức Giê-su thay vì chỉ kể lại những sự việc đã xẩy ra theo thứ tự thời gian. Ngài thu gọn lại và phân chia thành chủ đề, có khi xếp liền vào một chỗ những điều quan trọng Đức Giê-su nói về cùng một chủ đề, nhưng không ngay lúc đó mà là lúc khác (như trong bài giảng trên núi).

 

2.2.2 Thánh Mát-cô viết cho người Rô-ma.

 

Ngài không chú ý đến văn thể bao nhiêu mà chỉ thuật lại lời giảng của thánh Phê-rô. Tin Mừng của ngài hơi có vẻ cẩu thả về văn từ, ngữ vựng không được phong phú như thánh Lu-ca, nhưng người đọc nhận thấy nơi ngài sự đơn sơ với những chi tiết cụ thể làm cho Tin Mừng của ngài có một vẻ hấp dẫn riêng. Qua Tin Mừng của ngài, người ta hiểu xưa thánh Phê-rô đã giảng thế nào. Đó là một lối giảng cụ thể, linh động đi thẳng vào vấn đề. Khi tác giả thuật chuyện về Đức Ki-tô, người ta thấy Đức Ki-tô như đang xuất hiện trước mắt vậy.

2.2.3 Thánh Lu-ca
 

Thánh nhân không hề được xem thấy Đức Giê-su cũng không phải là môn đệ của Người. Có lẽ ngài là một trong số những người Hy-lạp theo đạo rất sớm. Ngài viết cho người ngoại giáo. Nền văn hóa Hy-lạp của ngài đã giúp ngài rất nhiều trong việc hiểu biết và cảm thông với những ai cùng có một nền văn hóa như ngài. Tin Mừng của ngài chịu ảnh hưởng rất nhiều do các bài giảng của thánh Phao-lô mà ngài là bạn đồng hành. Ngài khác xa thánh Mát-cô về tâm tính và văn hóa.Thánh Lu-ca là người có văn hóa cao. tế nhị, lịch thiệp lại có tài viết văn. Nhiều đoạn văn của ngài đạt tới mức gần như toàn mỹ, thí dụ đoạn văn nói về người con “hoang đàng” và hai người lữ khách trên đường Em-mau. Ngoài ra, ngài lại còn rất chú ý đến sự chính xác của lịch sử, địa dư hơn các vị khác. Ngài đã xác định thánh Phao-lô bị bắt vào năm 58-60 ở Césarée (Xê-da-rê), tìm gặp những nhân chứng đích thực và thu thập những dữ liệu cần thiết để viết Tin Mừng. Ngài đã nhắc lại những dữ liệu đó ngay ở đầu Tin Mừng thứ ba.

 

2.2.4 Thánh Gio-an

 

Thánh Gio-an viết Tin Mừng rất muộn, vào mãi cuối thế kỷ I. Ngài là người thần bí, cao siêu, muốn bổ túc lời chứng của ba tác giả Tin Mừng đi trước về một số điểm, bằng những kỷ niệm riêng rất cụ thể và chính xác. Từ những kỷ niệm này, ngài nói nhiều về Chúa Giê-su theo khuynh hướng một người chiêm niệm, thành ra ít kể về cuộc đời mà nói nhiều về mầu nhiệm của Chúa Giê-su.

 

Đó là bốn nhân vật rất khác nhau về tính tình, lối viết cũng như cách nhìn vấn đề. Tuy thế, sứ điệp vẫn là một. Đức Ki-tô được trình bày trong bốn Tin Mừng không phải là bốn Đức Ki-tô khác nhau nhưng chỉ là một, dù mỗi tác giả đã nhìn vấn đề dưới những góc cạnh khác nhau.

 

Đối với các tác giả khác trong các sách Kinh thánh cũng vậy. Các ngài không thoát khỏi định luật này : không viết như nhau vì có người là mục đồng như ngôn sứ A-mốt, có người là vua như vua Đa-vít và vua Sa-lô-môn, có người bị lưu đày biệt xứ như ngôn sứ Ê-dê-ki-en, có người được bình an yên ổn như ông Ben Sira.

 

3. Môi trường, tư tưởng, truyền thống

 

Nhân cách, tư tưởng, lối nhìn của các tác giả là những yếu tố quan trọng cần lưu ý khi đọc Kinh thánh, vì có những môi trường sinh sống và tư tưởng có thể ảnh hưởng nhiều đến cách diễn tả. Một nhà bác học khi viết về những vấn đề ngoài phạm vi chuyên môn của mình không thể viết như một ký giả. Chính vì môi trường sinh sống có ảnh hưởng và ghi dấu lên tác giả nên mới có những tâm lý riêng cho từng giới.

 

Trong Kinh thánh, chúng ta cũng thấy dấu vết của những môi trường sinh sống và tư tưởng khác nhau trên các tác giả được Chúa Thánh Thần linh hứng. Vậy thiết tưởng cần phải nói đến môi trường ở đây.

 

Chúng ta thường nghe nói đoạn này trong Kinh thánh thuộc truyền thống gia-vít (yahviste), đoạn kia thuộc truyền thống ê-lô-ít (éloiste). Như thế nghĩa là gì ? Nghĩa là những đoạn ấy đã được viết ra trong môi trường sinh hoạt theo truyền thống gia-vít hay ê-lô-ít. Truyền thống gia-vít phát xuất từ nước Giu-đa, truyền thống ê-lô-ít phát xuất từ nước Ít-ra-en, còn truyền thống tư tế sau này mới có thì phát xuất từ các thày tư tế ở Giê-ru-sa-lem. Mỗi truyền thống có một cách nhìn riêng biệt, cũng giống như người Việt Nam ở hai miền Nam Bắc chịu ảnh hưởng thời tiết và tâm lý khác nên cũng có cách nhìn và lối xử sự khác nhau. Sự hiểu biết kỹ lưỡng những môi trường sinh hoạt và tư tưởng tạo ra những bản văn theo những truyền thống không giống nhau giúp ngươi ta hiểu sứ điệp cốt yếu của Kinh thánh cách rõ hơn. Thí dụ trong sách Sáng thế, chúng ta thấy thuật lại việc Thiên Chúa tạo thành trời đất theo hai truyền thống. Trình thuật I bắt đầu từ 1,1 đến chương 2; trình thuật II bắt đầu từ 2,4 đến 2,25. Việc ông bà nguyên tổ sa ngã được thuật lại ở ngay sau trình thuật II và tiếp theo. Nếu đọc kỹ hai bản trình thuật đó, chúng ta sẽ thấy cách diễn tả khác nhau. Bản thứ hai thơ mộng hơn bản thứ nhất. Bản thứ hai thuộc truyền thống gia-vê vì trong đó hay dùng chữ Yahvé (Gia-vê) để chỉ Đức Chúa. Nét đặc biệt trong bản này là sống động, dùng lối văn thơ ý nhị để diễn tả sự việc.

 

Trái lại, bản văn thứ nhất thuộc truyền thống tư tế mới mẻ hơn, được gọi là theo truyền thống tư tế, vì được viết ra trong môi trường các tư tế. Bởi vậy, bản văn cũng thường trừu tượng, mang tính luân lý và được xếp đặt có hệ thống. Trong bản tường thuật này, chúng ta thấy các vật được phân loại cách tỉ mỉ kỹ lưỡng theo lối tăng tiến từ nhỏ đến lớn.

 

Có nên ngạc nhiên vì hai bản trình thuật về cùng một sự kiện được trình bày khác nhau như thế không ? Một bản há chẳng đủ sao ? Vấn đề này cũng tương tự như vấn đề bốn tác giả sách Tin Mừng. Một người không đủ mà lại phải cần tới bốn người sao ? Nếu xếp đặt các đoạn Tin Mừng giống nhau trong bốn sách làm một, chúng ta cũng sẽ có những trình thuật giống nhau như trong sách Sáng thế.

 

Nhưng xét cho cùng để như vậy lại quí hơn, vì cũng một vấn đề mà có nhiều lối trình bày khác nhau, để chúng ta rút ra được cái chính yếu nổi bật, qua những cái phụ thuộc ít quan trọng. Đức Giê-su đã chẳng dùng phương pháp sư phạm này hay sao, khi đưa ra nhiều dụ ngôn khác nhau để nói về cũng một thực tại là Nước Trời ? Nếu không biết những truyền thống khác nhau đó, chúng ta khó lòng hiểu nổi những đoạn đầu trong sách Sáng thế.

 

4. Năm tháng xẩy ra các biến cố

 

Vấn đề năm tháng xẩy ra các biến cố cũng khá quan trọng. Thật vậy, đọc một cuốn sách mới xuất bản so với một bản cổ văn thì thái độ, sự đón nhận cũng như phê bình của người đọc cũng sẽ khác. Các sách trong Kinh thánh nhiều cuốn được viết ra cách nhau khá xa. Vì thế, thời gian trong sách thánh là một điều đáng kể. Đã hẳn, chúng ta có thể đọc sách triết ngôn cách hữu ích mà không biết những sách đó được viết ra vào những năm nào, vì đó là vấn đề muôn thuở như đoạn văn sau đây trích trong sách Giảng viên : “Con ơi, từ thiếu thời, hãy hấp thụ giáo huấn thì tới khi tóc bạc, con sẽ được khôn ngoan.” (Hc 6,18)

 

Nhưng khi đọc các sách ngôn sứ thì lại cần phải biết những sách đó được viết ra vào thời kỳ nào, trước hay sau khi Giê-ru-sa-lem bị tàn phá, trước hay sau thời lưu đày. Vấn đề này quan trọng đối với chúng ta cũng như những việc xảy ra trước hay sau 1945, trước hay sau 1954 hoặc 30.4.1975 v.v… vì chúng đánh dấu một giai đoạn, một thời đại, một não trạng, một lối sống. Đối với người Do thái thì năm 587 trước công nguyên là thời kỳ ghi dấu một tai nạn khủng khiếp, một cuộc lưu đày ô nhục. Trước thời lưu đày, các ngôn sứ ở cả hai miền Nam Bắc (nước Do thái chia hai sau thời vua Sa-lô-môn) đều dùng những lời cảnh cáo đe dọa những ai không trung thành với Lề Luật, còn sau thời lưu đày thì lại ngọt ngào an ủi. Vì thế, khi đọc cần biết các ông thuộc về thời đại nào. Để minh chứng, xin được kể ra đây hai đoạn văn trích trong sách các ngôn sứ I-sai-a và Giê-rê-mi-a :

 

“Các ngươi hãy nghe và hãy lắng tai, đừng tự cao tự đại, vì chính ĐỨC CHÚA phán. Hãy tôn vinh ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa các ngươi trước khi màn đêm buông xuống, trước khi các ngươi vấp chân vào núi giữa bóng đen. Các ngươi mong đợi ánh sáng, nhưng Người biến nó thành bóng tối âm u thành mây mù dày đặc.” (Gr 13.25)

 

Những lời trên đây, ngôn sứ Giê-rê-mi-a viết ở miền Nam vào thời trước khi Do thái đi lưu đày. Còn sau đây là lời một người môn đệ ngôn sứ I-sai-a, cũng viết ở miền Nam, nhưng sau khi lưu đày :

 

“Hỡi Xi-on, thức dậy, thức dậy đi, hãy biểu dương sức mạnh ! Hỡi thành thánh Giê-ru-sa-lem, hãy mặc lễ phục huy hoàng ! Từ nay kẻ không cắt bì cũng như người ô uế. Sẽ không còn bước vào thành thánh nữa.” (Is 52,1)

 

Hiểu những bản văn này thế nào được, nếu không đặt chúng vào khung cảnh thời gian chính xác.

 

5. Năm tháng khi các bản văn ra đời

 

Ngoài ra, còn phải biết năm tháng các bản văn được viết ra nữa. Nhưng làm sao biết được ? Chữ viết, lối văn làm cho người thành thạo có thể nhận ra được. Đối với các người thông thạo tiếng híp-ri thì việc đó không đến nỗi quá khó khăn, cũng như bây giờ đọc văn của Nam Phong, Đông Dương tạp chí hay Tự lực văn đoàn, người ta có thể nói được những loại văn đó thuộc thời kỳ nào.

 

Chúng ta cần phân biệt những điều đã được viết ra vào một thời gian nhất định với những điều từ xa xưa truyền lại trước khi được viết ra, như trường hợp liên quan đến các tổ phụ Ap-ra-ham, I-xa-ác, Gia-cóp, Mô-sê, vì những bản văn được viết ra sau một thời gian truyền khẩu thường vắn hơn và có tính dạy đạo nhiều hơn. Điều này không làm cho sự việc mất tính lịch sử, nhưng chỉ làm cho người ta chú ý đến một thể văn rõ rệt, thí dụ những đoạn đầu trong sách Sáng thế. Việc xác định những bản văn đó đã được viết ra là điều rất quan trọng để giúp cho sự hiểu biết. Đoạn I viết trong thời lưu đày, đoạn II viết trong thời tiếp liền thời vua Đa-vít. Việc sắp đặt năm tháng cho những bản văn đó có ảnh hưởng lớn lao xét về phương diện thần học. Chúng giúp chúng ta hiểu những đoạn ấy chú trọng đến ý nghĩa thần học hơn lịch sử. Vấn đề cốt yếu ở đây là sự suy tư thần học của một dân tộc đã sống một phần lịch sử của mình và đã bị thử thách trong giai đoạn đó, một sự suy tư dựa trên những truyền khẩu xa xưa liên quan đến nguồn gốc thế gian và loài người. Nhưng cái nhìn khôn ngoan được dùng làm nền tảng cho sự suy tư thần học đó dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, chỉ có được sau một thời gian kinh nghiệm. Chính qua lịch sử của họ, một lịch sử thường được Thiên Chúa hướng dẫn, chở che mà dân Do thái dần dà ý thức được sự siêu việt của Thiên Chúa, Đấng hướng dẫn, giải thoát họ và do đấy hiểu được ý nghĩa toàn bộ của định mệnh con người. Nền thần học của những người hiền trong dân Do thái đã được linh hứng, chính là nhờ việc nghiên cứu lịch sử của họ.

 

6. Thể văn

 

Khi đọc Kinh thánh, cần lưu ý đến tác giả, năm tháng xẩy ra biến cố và thời gian những bản văn đó đã được viết ra. Ngoài ra, cũng cần phải biết những bản văn đó được viết theo thể loại nào.

 

Chúng ta cứ việc mở một tờ báo hàng ngày ra đọc rồi phân tích cũng đủ thấy trong đó có nhiều thể loại và lối văn. Bên cạnh những bài bình luận về thời cuộc bày tỏ lập trường, quan điểm chính trị, chúng ta thấy những hàng tít lớn đưa những tin quan trọng hay những biến cố xẩy ra trên thế giới. Lại có những trang bên trong đăng quảng cáo, rao vặt, tiểu thuyết kiếm hiệp hay phóng sự v.v… Tất nhiên, chúng ta không đọc các loại bài đó như nhau. Trong Kinh thánh cũng vậy, có nhiều loại văn khác nhau. Linh hứng tôn trọng cả bản ngã của văn sĩ lẫn lối hành văn của ông. Vì vậy, khi đọc Kinh thánh cần phải biết mình đang đọc loại văn nào đây. Trong Kinh thánh, có những chuyện đích thật, nhưng có những loại chỉ nhằm mục đích khuyến thiện mà không chú ý nhiều đến tính lịch sử của câu chuyện, thí dụ chuyện cậu Tô-bi-a và cô Xa-ra, chuyện ông Gio-na. Lại cũng có những bài thi ca, nhưng câu cách ngôn ngạn ngữ, những lời triết ngôn thần bí v.v… Ngay cả khi kể những chuyện đích thật như chuyện tổ phụ Ap-ra-ham, chuyện ông Mô-sê, chúng ta nên nhớ rằng tác giả không thuật lại với tất cả vẻ nghiêm chỉnh, chính xác mà khoa học ngày nay đòi hỏi, vì đó chỉ là một chuyện gia đình được người viết làm nổi bật những đoạn chính yếu và nhất là để đề cao ý nghĩa tôn giáo mà thôi. Ngay cả người Do thái, dù rất bận tâm đến việc làm cho nổi bật sự can thiệp kỳ diệu của Thiên Chúa cũng quên ghi chú rằng Người cũng chỉ dùng những hoàn cảnh tự nhiên, không xô đẩy trật tự thiên nhiên, nhưng những hoàn cảnh ấy lại xẩy ra rất thuận hợp và qui hướng lạ lùng. Thí dụ trường hợp sau đây minh chứng điều đó;

 

Kinh thánh kể rằng thời xứ Xa-ma-ri thất thế. đạo quân của Xan-na-kê-rít, vua xứ Xi-ri vây thành Giê-ru-sa-lem. Thành phố này sắp mất đến nơi, vì viện binh Ai-cập không thấy đến. Dân chúng liền đem lòng sốt sắng cầu xin Chúa của cha ông họ. Và bỗng nhiên bàn tay quan phòng của Đức Chúa tỏ ra rất lạ lùng. Kinh thánh thuật lại một buổi sáng kia, thiên sứ của Người đi qua, làm cho một phần đạo quân đối phương chết, còn bao nhiêu thì sợ hãi chạy tán loạn. Nhưng thực sự, cái gì đã xẩy ra. Một đoạn văn của sử gia Hérodote (Hê-ro-đót) thuật lại cùng một biến cố đó, nhưng theo quan điểm hoàn toàn thế tục. Theo ông, đạo quân của vua Xen-na-kê-rít bấy giờ đang vây thành Giê-ru-sa-lem thì bỗng nhiên chuột ở đâu đổ đến xung kích, gây ra một trận dịch kinh khủng, giết hại quân lính và làm cho họ sợ hãi chạy tứ tán.

 

Kinh thánh kể lại mà chỉ làm nổi bật ý nghĩa tôn giáo, đề cao sự can thiệp thần thánh của Đức Chúa mà bỏ qua không nói Người dùng phương thế tự nhiên nào để đạt tới mục đích.

 

Về các vết thương của Ai-cập và cuộc vượt qua Biển đỏ cũng thế, chúng ta có thể nói như trên. Không cần phải nói rằng mỗi lần Thiên Chúa đảo lộn trật tự thiên nhiên để can thiệp vào lịch sử của loài người. Thường thường Người dùng những biến cố tự nhiên chúng ta không ngờ tới, nhưng am hợp với dự định quan phòng của Người để làm hiệu cho ta. Nhưng với những ai có lòng tin thì vẫn nhìn thấy trong những biến cố đó có đủ ánh sáng soi dẫn cho họ.

 

Tất cả những điều trên đây đều muốn nhắn bảo chúng ta rằng việc đọc sách thánh đòi ta không được coi thường phần soạn thảo của con người và phần linh hứng của Thiên Chúa. Chúng ta có thể nhớ nguyên tắc này : Kinh thánh là một cuốn sách vừa do Thiên Chúa vừa do con người viết chung. Tuy vậy cũng không được nói rằng phần tư tưởng là của Thiên Chúa, phần văn thể là của con người. Kinh thánh là của Thiên Chúa và của con người dưới hai góc cạnh đó.

 

Phần của Thiên Chúa hiện tỏ trong sự thâm thúy, cao siêu, thánh thiện hữu hiệu; phần của con người ở chỗ có giới hạn, khuyết điểm mà hoạt động của Chúa Thánh Thần còn để rơi rớt lại trong tâm trí và ngôn ngữ của tác giả trần gian. Nếu trong văn bản, Kinh thánh chỉ là lời Chúa mặc khải thuần túy thì đó chỉ là bản kê khai những chân lý tuyệt đối mà mỗi câu đều là do Thiên Chúa chuyển đạt đến cho con người như một dụng cụ không đáng kể và quá ư thụ động. Nhưng nếu xét về văn bản thì Kinh thánh không phải chỉ là mặc khải thuần túy mà là do linh hứng; như thế người ta sẽ hiểu rõ hơn góc cạnh nhân loại với những giới hạn thiếu sót khuyết điểm trong ngôn ngữ và tư tưởng của tác giả. Cũng như chúng ta nói rằng Ngôi Hai đã mặc lấy xác phàm nhân, chịu mọi khổ sở bất toàn của thân xác đó chỉ trừ tội lỗi thì Kinh thánh, sứ điệp của Thiên Chúa thể hiện trong một hình thức nhân loại, với tư tưởng và cách diễn tả của loài người chứa đầy khuyết điểm, nhưng không sai lầm trong phạm vi nội dung sứ điệp.

 

Đó là thái độ phê bình và nhận định của chúng ta khi đọc sách Kinh thánh, nghĩa là cố gắng tìm hiểu thân thế, thời đại các tác giả sống và viết. Những môi trường trí thức và nhân bản của các ông giúp ta có thể hiểu các ông muốn nói gì trong thể văn này hay loại văn kia.

 

7. Đọc với tinh thần đức tin

 

Cố gắng đầu tiên của chúng ta là đọc với tinh thần phê phán và nhận định để tìm hiểu. Cố gắng thứ hai là đọc với tinh thần đức tin. Kinh thánh là lời của Thiên Chúa. Qua những chữ viết của con người, chính là Thiên Chúa nói. Khi Thiên Chúa nói, chúng ta nghe không nguyên bằng trí hiểu mà còn bằng đức tin nữa.

 

7.1 Một thái độ tin

 

Chỉ đức tin mới có thể đón nhận và hiểu cái gì là thần thánh trong lời Thiên Chúa truyền lại cho chúng ta, vì trí khôn loài người chỉ hợp với ánh sáng của thế gian, còn khi nói về ánh sáng của Thiên Chúa thì trí khôn loài người chỉ việc chờ đợi nơi Đấng đề nghị, để Người mở rộng tầm nhìn cho mình đón nhận ánh sáng thiêng liêng. Nếu đức tin trọng kính sự tự do đón nhận của con người thì đức tin đó cũng là một ân huệ của Thiên Chúa làm cho trí khôn chúng ta chịu nhận ánh sáng của Người.

 

Trong việc đức tin xuất hiện, lời Thiên Chúa giữ một vai trò tối ư quan trọng. Thường nhờ những dịp chúng ta đọc hay nghe lời Người mà đức tin nảy nở trong lòng. Thí dụ chương 6 trong Tin Mừng thánh Gio-an, sau khi làm cho bánh ra nhiều, Đức Giê-su lại nói đến một thứ bánh khác. Những lời này bỗng nhiên trở nên xa lạ, khó hiểu đối với dân chúng đang nghe Người lúc đó. Tuy vậy, Người vẫn không thay đổi ngôn ngữ khi tiếp tục nói : “Thật, tôi bảo thật các ông, nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi là thật của ăn và máu tôi thật là của uống.” (Ga 6, 53-55)

 

Thật là những lời lạ lùng, nghe thấy chói tai. Nhưng Đức Giê-su không nói đến cơm bánh trần gian mà có ý qui hướng người nghe về hồng ân Người sẽ ban cho nhân loại trong bữa Tiệc ly và trên cây Thập tự sau này. Muốn hiểu mầu nhiệm này, ngoài sự suy luận ra còn phải có một cái gì khác nữa. Chính ở đây đức tin phải can thiệp vào và cũng chính ở đây người tin và không tin được phân loại vì những lời chói tai, khó hiểu và tối ư kỳ cục này.

 

7.2 Đón nhận Tin Mừng

 

Ngoài việc làm cho chúng ta bám chặt vào lời Chúa, đức tin lại còn là một tin mừng dạy cho chúng ta biết mình là ai, bởi đâu mà đến rồi đi về đâu, vì Đức Giê-su đến để nói cho chúng ta biết chúng ta là con Thiên Chúa, được dựng nên giống hình ảnh Người.

 

Chính trong ánh sáng đức tin này mà toàn bộ Kinh thánh xuất hiện dưới mắt chúng ta với tất cả sự liên lạc chặt chẽ. Cựu Ước dọn đường cho Tân Ước, Tân Ước mang lại cho chúng ta tất cả sứ điệp trọn hảo về việc Thiên Chúa muốn cứu chuộc loài người và dành cho nó một số phận tốt đẹp cao quí trong Nước của Người. Từ nay chúng ta phải đọc Tân Ước đối chiếu với Cựu Ước. Việc tổ phụ Ap-ra-ham hiến tế con mình là I-xa-ác cho Thiên Chúa báo trước việc Đức Giê-su, Con Một Thiên Chúa hiến mình trên thập giá để cứu chuộc loài người. Ông Mô-sê giải thoát đồng bào khỏi ách nô lệ Ai-cập là hình ảnh Đức Ki-tô giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi. Ong Gio-suê vượt qua sông Gio-đan đưa dân vào Đất hứa là hình ảnh tiên báo Đức Giê-su chịu phép rửa và dùng phép ấy để dưa chúng ta vào đất hứa mới là thế giới ân sủng, vì tất cả Cựu Ước đều qui hướng về Đức Ki-tô như Tin Mừng theo thánh Lu-ca viết : “Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.” (Lc 24.27).

 

Phải đọc Kinh thánh trong viễn tượng đó, nghĩa là với cái nhìn của đức tin và ngoài nghĩa đen còn phải hiểu theo nghĩa bóng, tức là điều tác giả muốn nói với chúng ta. Như vậy mới có nghĩa lý và khỏi nhàm chán. Nói chung, Kinh thánh chú trọng đến tầm mức thần học và đạo đức hơn những gì khác.

 

7.3 Một lịch sử có liên hệ với chúng ta

 

Lịch sử dân Do thái tuy xa vời nhưng đối với chúng ta vẫn có tính hiện tại. Câu Thiên Chúa nói với tổ phụ Ap-ra-ham vẫn là câu Người còn nói với chúng ta bây giờ : “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi.” (St 12,1)

 

Sau này Đức Giê-su cũng nói như thế : “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5,1) Lúc nào chúng ta cũng phải bỏ nhà, nghĩa là bỏ lòng ích kỷ, tính thích an hưởng để trở thành những tín hữu đích thật của Chúa. Cử chỉ bất trung và thái độ phản nghịch của dân Do thái đối với Thiên Chúa phải chăng cũng là cử chỉ và thái độ của chúng ta đối với Người khi chúng ta không nghe tiếng gọi của Người mà trở nên độc lập, khinh thường luật Chúa. Lòng nhẫn nại hay tha thứ của Thiên Chúa đối với dân Do thái chẳng phải là phản ánh tình thương của Người đối với chúng ta trong toà giải tội hay sao ? Nhìn dân Do thái sống trong tình trạng khó lòng chấp nhận sự tùy thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa, chúng ta sẽ học tập kinh nghiệm của họ để trở nên mềm mại dễ uốn nắn trước mặt Người hơn. Lịch sử của dân Do thái có thể là bài học cho chúng ta trong hành trình đi về với Thiên Chúa, lịch sử từ những phản bội, bất trung đi tới tín nghĩa ân tình.

 

Thánh Gia-cô-bê nói lời Chúa là tấm gương : “Thật vậy, ai lắng nghe lời Chúa mà không thực hành thì giống như người soi gương thấy khuôn mặt tự nhiên của mình.” (Gv 1, 23). Khi soi gương, người ta không soi gương đâu mà soi mình trong đó. Vậy, chúng ta thử soi mình trong tấm gương đó xem sao, không phải để khen phục mình cho bằng nhìn theo đó mà sửa mình, vì như Kierkegaard (Kiết-kê-gô) nói : “Thoạt khi mở sách này ra thì nó liền tra hỏi chúng ta. Chúa nói với tôi, Người nói về tôi. Không có cách nào thoát khỏi ánh sáng chói chang của Người.”

 

Vì thế, thường những ai không muốn bị quấy rầy hay bị tra hỏi về cách ăn nết ở của mình thì không đọc sách thánh. Còn những ai không sợ bị quấy rầy, không ngần ngại đón nhận lời Chúa như môt tiếng gọi vang tới tận trái tim, thì đắm mình trong lời Người và lấy đó làm thức ăn nuôi dưỡng và sức mạnh trên đường mình đi. Chỉ những ai có kinh nghiệm mới khao khát mến yêu lời này như thi hào Paul Claudel nói : “Thật vĩ đại việc Thiên Chúa nói rõ ràng với loài người và lời Người đã được ghi trong một cuốn sách để lại cho mọi thế hệ. Lời này chúng ta không thể rảo qua bằng mắt hay nói sơ qua ngoài miệng mà phải bám chặt, ở trong đó và thấm nhiễm lấy, không phải vì tò mò mà do lòng sốt sắng. Phải sống với lời đó và lưu trữ nó trong mình, thức ngủ với nó và xác tín rằng đó là bánh và chỉ duy bánh đó là ta đói.”

 

Thành ra đối với người này thì Kinh thánh là một cuốn sách kỳ cục, đối với người kia có lòng tin thì lại là ánh sáng và thức ăn nuôi dưỡng.

 

7.4 Phải cầu nguyện mới mong hiểu nổi

 

Ngay từ đầu trước khi đọc Kinh thánh, chúng ta cần phải đặt mình trong một tình trạng và một xu hướng thiêng liêng, nghĩa là bắt đầu bằng việc cầu nguyện. Thái độ cầu nguyện chỉ là bước đường khai mào cho việc cầu nguyện sâu sắc hơn trong giai đoạn tới, vì càng đắm chìm trong Sách thánh, người ta càng được thôi thúc phải cầu nguyện và học tập để cầu nguyện tốt hơn. Tư tưởng về Chúa ở đây luôn luôn phảng phất và nghĩ về Chúa theo một nghĩa nào đó đã là cầu nguyện rồi. Hơn nữa, trong Sách thánh có những lời cầu nguyện tuyệt hảo như của tổ phụ Ap-ra-ham cầu nguyện cho thành Xơ-đôm, ông Mô-sê can thiệp cho dân, bà An-na cầu nguyện cho con là Sa-mu-ên, hay của vua Đa-vít sau khi biết mình được Chúa chọn, của vua Sa-lô-môn trong ngày cung hiến đền thờ, của cậu Tô-bi-a, của bà Giu-đi-tha v.v… Trong Tân Ước thì có lời cầu nguyện của ông Da-ca-ri-a chúc tụng (Benedictus), của Đức Mẹ Ma-ri-a ngợi khen Đức Chúa (Magnificat) và cuối cùng của Đức Giê-su trong kinh Lạy Cha.

 

Không những trong Sách thánh có những lời cầu xin tuyệt đẹp mà còn thấy lan tràn một không khí cầu nguyện liên lỉ, đến nỗi khi đọc Kinh thánh, nếu ngay từ đầu chúng ta đã có thái độ sẵn sàng, thì sau đó dần dà chúng ta sẽ tạo được một tâm hồn quen cầu nguyện. Nhiều người vẫn bảo mình không cầu nguyện được, không có thời giờ hay không biết cách cầu nguyện. Vậy thử đọc Kinh thánh xem thế nào. Hãy đọc như đọc một cuốn chuyện có liên quan đến chúng ta; hãy biến những cơn lo lắng, sự đợi chờ, những nỗi vui mừng phấn khởi trong chuyện thánh thành của mình rồi dần dần chúng ta sẽ biết cầu nguyện. Không khí đạo đức của Kinh thánh sẽ thấm vào chúng ta, sẽ linh hứng và hướng dẫn chúng ta cầu nguyện. Phải chăng vì vậy Hội thánh đã lấy Kinh thánh làm sách cầu nguyện hằng ngày của mình ?

 

Cuối cùng chúng ta cũng tìm thấy trong sách thánh những lời cầu nguyện có thể được chia làm ba loại :

 

Cầu nguyện như một người nghèo: Phải cầu nguyện như một người nghèo đáng thương, nghĩa là ý thức sự yếu đuối và nghèo nàn của mình trước mặt Chúa.

 

Cầu nguyện không biết mệt mỏi chán nản (đọc dụ ngôn người bạn bị quấy rầy).

 

Cầu nguyện nhân danh Chúa Giê-su: Phải cầu nguyện nhân danh Chúa Giê-su như Người dạy : “Nếu anh em nhân danh Thày mà xin Thày điều gì thì chính Thày sẽ làm điều đó.” (Ga 14,14)

 

Như thế, Kinh thánh và lời cầu nguyện gặp nhau và quyện lấy nhau. Muốn đọc Sách thánh phải cầu nguyện và muốn học cầu nguyện, phải đọc Sách thánh.

 

8. Mối bận tâm dấn thân

 

Cùng với thái độ cầu nguyện, một thái độ nữa cũng cần thiết, đó làsự dấn thân. Ta càng mau mắn thực hành điều Sách thánh đòi hỏi về công lý hòa bình thì càng mau hiểu sự cần thiết phải có thái độ này. Sách thánh không phải là sách người ta ngồi ghế bành mà đọc cũng không phải sách đọc xong là thôi, không còn liên hệ gì nữa. Trong Sách này, cuộc đời của mỗi người thường được luôn luôn đối chiếu và nhắc nhở. Vì thế, những người đọc vì tò mò không thể hiểu nổi Sách thánh. Ngược lại, những tấm lòng đơn sơ đã thực hành những mệnh lệnh của Tin Mừng trước khi đọc thì bao giờ cũng nhận ra chân lý và giá trị của Sách thánh, khi tìm thấy trong đó những đoạn văn nâng đỡ họ.

 

9. Đọc với Hội thánh và trong Hội thánh

 

Ngoài ra lại còn phải đọc với Hội thánh và trong Hội thánh nữa. Thời gian đặc biệt để đọc Sách thánh, đó là lúc cử hành phụng vụ, nhất là trong thánh lễ khi đọc các bài đọc. Nếu biết quí yêu và sử dụng phụng vụ cho đích đáng thì đó là một phương pháp rất tốt để đưa chúng ta vào thế giới đạo đức của Kinh thánh.

 

10. Theo con đường nào?

 

Đọc Kinh thánh, hay lắm. Chắc hẳn có người sẽ bảo như vậy, sau khi nghe nói về sự cần thiết và bổ ích của việc đọc Kinh thánh. Nhưng đọc thế nào và phải theo con đường nào để giúp cho việc đó được dễ dàng và có hiệu quả. Thực ra khó lòng chỉ định một con đường chung thích hợp cho mọi người được. Có điều đối với phần đông, nên bắt đầu bằng đọc Tân Ước, vì tương đối dễ hiểu và dễ lãnh hội hơn. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với lời Chúa rồi thì mỗi người sớm muộn sẽ tìm thấy con đường thích hợp cho mình. Một người thiên về sinh hoạt trí thức có khi sẽ thấy thích sách Châm ngôn hoặc sách Khôn ngoan hơn. Một người gặp nhiều đau khổ có khi dễ cảm kích và tìm được an ủi trong sách ông Gióp. Một thi sĩ sẽ cảm kích hơn khi đọc thánh vịnh. Một người tội lỗi sẽ dễ bồi hồi xúc động khi đọc đoạn văn nói về người con “hoang đàng” hay nghe ngôn sứ Hô-sê nói về lòng từ bi khoan hồng của Thiên Chúa.

 

Kinh thánh không phải là một cuốn sách mà có khi phải nói là cả một tủ sách, vì trong đó có 73 cuốn vừa giống nhau lại vừa khác nhau. Quả thật như thánh Phao-lô viết là Thiên Chúa đã nói với chúng ta nhiều lần nhiều cách. Người đã tỏ cho chúng ta cũng một lòng yêu thương của Người, nhưng bằng nhiều cách. Mỗi người tùy theo cảm tính có thể tìm thấy điều thích hợp riêng, nhờ đó khám phá ra toàn bộ sứ điệp của Thiên Chúa.

 

Kết luận

 

Nói cho cùng, phải đọc Kinh thánh cách bình thản, không thiên kiến, có phê bình nhận định, tìm hiểu và nhất là đọc với niềm tin, vì đó là lời Chúa được đặt làm căn bản cho đức tin của chúng ta. Tất nhiên mới đầu ai cũng thấy là khó và ngại, nhưng nếu nhẫn nại thì cùng với ơn Chúa Thánh Thần, trước sau rồi chúng ta cũng sẽ nếm cảm được ý vị và ơn ích của sự tiếp xúc với lời Chúa.

 

LM An-rê Đỗ xuân Quế, OP

http://conggiao.info/phai-doc-kinh-thanh-the-nao-d-59498

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét