Trang

Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2023

Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 17 Thường niên năm A

 

Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 17 Thường niên năm A

 
  •  
  •  


GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG
CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN NĂM A
(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích)

WHĐ (28.07.2023) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.


Số 407: Không thể bỏ qua vết thương tội lỗi khi phân định hoàn cảnh con người

Số 1777-1785: Việc đưa ra quyết định luân lý trong sự hòa hợp với Ý Chúa

Số 1786-1789: Việc tìm kiếm Ý Chúa trong Lề luật thần linh cho những hoàn cảnh khó khăn

Số 1038-1041: Việc tách biệt giữa thiện và ác trong Sự Phán xét

Số 1037: Thiên Chúa không tiền định cho ai xuống hỏa ngục

Bài Ðọc I: 1 V 3, 5. 7-12

Bài Ðọc II: Rm 8, 28-30

Phúc Âm: Mt 13, 44-46 {hoặc 44-52}


Số 407: Không thể bỏ qua vết thương tội lỗi khi phân định hoàn cảnh con người

407. Giáo lý về tội tổ tông, gắn liền với giáo lý về ơn Cứu chuộc nhờ Đức Kitô, mang lại cho ta một cái nhìn để phân định sáng suốt về tình trạng của con người và hành động của họ ở trần gian. Vì tội tổ tông, ma quỷ đã có được một quyền thống trị nào đó trên con người, mặc dầu con người vẫn còn tự do. Tội tổ tông khiến con người “bị cầm giữ dưới quyền của kẻ nắm quyền thống trị của sự chết, tức là ma quỷ”[1]. Nếu không biết rằng bản tính nhân loại đã bị tổn thương, bị nghiêng chiều về sự dữ, người ta có thể mắc những sai lầm nghiêm trọng trong các lãnh vực giáo dục, chính trị, hoạt động xã hội[2] và luân lý.


Số 1777-1785: Việc đưa ra quyết định luân lý trong sự hòa hợp với Ý Chúa

1777. Lương tâm[3], hiện diện trong trái tim của nhân vị, ra lệnh cho nó, vào đúng lúc, phải làm lành lánh dữ. Lương tâm cũng phán đoán các lựa chọn cụ thể, là chuẩn y những lựa chọn tốt, phản đối những lựa chọn xấu[4]. Lương tâm chứng nhận thẩm quyền về chân lý liên quan đến Đấng là sự thiện tối thượng, mà nhân vị cảm nghiệm được sự lôi kéo của Ngài và đón nhận các lệnh truyền của Ngài. Người khôn ngoan, khi lắng nghe lương tâm, có thể nghe Thiên Chúa nói.

1778. Lương tâm là sự phán đoán của lý trí, nhờ đó, nhân vị nhận thức được phẩm chất luân lý của một hành vi cụ thể mình sắp làm, đang làm hay đã làm. Con người, trong mọi điều mình nói hoặc làm, buộc phải trung thành theo điều mình biết là chính đáng và trung thực. Con người, nhờ phán đoán của lương tâm của mình, cảm thấy và nhận biết những quy định của Lề luật thần linh:

“Lương tâm là một lề luật của tinh thần chúng ta, nhưng lại vượt quá tinh thần chúng ta, nó đưa ra cho chúng ta những quy định, nó nói lên trách nhiệm và bổn phận, sự sợ hãi và niềm hy vọng…. Lương tâm là sứ giả của Đấng, trong trật tự tự nhiên cũng như trong trật tự ân sủng, nói với chúng ta sau một bức màn, dạy dỗ và hướng dẫn chúng ta. Lương tâm là vị đại diện thứ nhất trong tất cả các đại diện của Đức Kitô”[5].

1779. Điều quan trọng là mỗi người phải hiện diện với chính mình, để lắng nghe và tuân theo tiếng lương tâm của mình. Sự đòi hỏi sống nội tâm là rất cần thiết, vì đời sống thường dẫn chúng ta đến nguy cơ là chúng ta bị lôi kéo khỏi mọi suy tư, kiểm điểm hay hồi tâm:

“Bạn hãy quay về với lương tâm của bạn, hãy tự vấn lương tâm.... Thưa anh em, hãy quay về với nội tâm và trong mọi sự anh em làm, hãy nhìn lên chứng nhân là Thiên Chúa”[6].

1780. Phẩm giá của nhân vị bao hàm và đòi hỏi sự ngay chính của lương tâm. Lương tâm gồm có việc nhận thức các nguyên tắc luân lý (synderesim), việc áp dụng những nguyên tắc đó vào các hoàn cảnh cụ thể nhờ phân định thực tiễn các lý lẽ và các lợi ích, và cuối cùng, việc phán đoán về các hành vi cụ thể phải làm hay đã làm. Chân lý về điều thiện luân lý, đã được lý trí nêu lên, được nhận biết cách thực tiễn và cụ thể nhờ phán đoán khôn ngoan của lương tâm. Người chọn theo phán đoán này được gọi là kẻ khôn ngoan.

1781. Lương tâm cho phép đảm nhận trách nhiệm về những hành vi đã thực hiện. Nếu con người làm điều xấu, phán đoán ngay chính của lương tâm nơi người đó có thể là chứng nhân cho chân lý phổ quát của điều tốt, đồng thời cũng là chứng nhân cho sự xấu xa của việc lựa chọn riêng của người đó. Án lệnh do phán đoán của lương tâm cũng là bảo chứng cho niềm hy vọng và lòng thương xót. Khi xác nhận lỗi lầm đã phạm, lương tâm nhắc nhở chúng ta phải cầu xin ơn tha thứ, phải làm điều tốt và phải không ngừng vun trồng nhân đức nhờ ân sủng của Thiên Chúa:

“Chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa. Vì nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Ngài biết hết mọi sự” (1 Ga 3,19-20).

1782. Con người có quyền hành động cách tự do theo lương tâm, để có thể đảm nhận những quyết định luân lý một cách cá vị. “Không được cưỡng bức ai hành động trái với lương tâm của họ. Cũng không được ngăn cản họ hành động theo lương tâm của họ, nhất là trong vấn đề tôn giáo”[7].

Việc huấn luyện lương tâm

1783. Lương tâm phải được trở nên vững chắc hơn và sự phán đoán luân lý phải được soi sáng. Một lương tâm được huấn luyện tốt thì ngay chính và chân thật. Nó sẽ đưa ra những phán đoán theo lý trí, phù hợp với điều thiện đích thực mà Đấng Tạo Hoá khôn ngoan muốn. Việc giáo dục lương tâm là cần thiết cho con người, vì họ đang bị chi phối bởi các ảnh hưởng tiêu cực và bị cám dỗ bởi tội lỗi, nên thích làm theo ý riêng hơn và khước từ những đạo lý được đưa ra một cách có thẩm quyền.

1784. Việc giáo dục lương tâm là nhiệm vụ của cả cuộc đời. Ngay từ những năm đầu tiên, việc giáo dục gợi lên cho trẻ em sự nhận biết và thực hành luật nội tâm được lương tâm công nhận. Một nền giáo dục khôn ngoan dạy nhân đức; đề phòng và chữa lành con người khỏi sợ hãi, khỏi yêu mình cách mù quáng (“tính ích kỷ”) và khỏi kiêu căng, khỏi những mặc cảm tội lỗi và thái độ tự mãn, phát sinh từ sự yếu đuối và những lỗi lầm của con người. Việc giáo dục lương tâm bảo đảm cho sự tự do và tạo nên sự bình an trong trái tim.

1785. Trong việc huấn luyện lương tâm, Lời Chúa là ánh sáng soi đường cho chúng ta. Chúng ta phải thấm nhuần Lời Chúa vào trong đức tin và kinh nguyện, và phải đem ra thực hành. Chúng ta cũng phải kiểm điểm lương tâm bằng cách nhìn lên thập giá của Chúa. Các hồng ân của Chúa Thánh Thần trợ giúp chúng ta, chúng ta còn được giúp đỡ bởi lời chứng và lời khuyên nhủ của những người khác và được hướng dẫn bởi đạo lý của Hội Thánh được đưa ra một cách có thẩm quyền[8].


Số 1786-1789: Việc tìm kiếm Ý Chúa trong Lề luật thần linh cho những hoàn cảnh khó khăn

1786. Lương tâm, đứng trước một lựa chọn luân lý, có thể đưa ra, hoặc một phán đoán ngay chính phù hợp với lý trí và Lề luật thần linh, hoặc trái lại, một phán đoán sai lầm, xa rời lý trí và Lề luật thần linh.

1787. Con người đôi khi gặp những hoàn cảnh làm cho phán đoán luân lý không được chắc chắn và khó quyết định. Tuy nhiên, họ phải luôn tìm kiếm điều đúng và tốt, và phân định ra thánh ý của Thiên Chúa được diễn tả trong Lề luật thần linh.

1788. Để đạt được điều này, con người phải cố gắng giải thích các dữ kiện của kinh nghiệm và các dấu chỉ thời đại, nhờ đức khôn ngoan, nhờ những lời khuyên bảo của những người khôn ngoan và nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần và của các hồng ân của Ngài.

1789. Một số quy tắc được áp dụng trong mọi trường hợp:

– Không bao giờ được làm điều xấu để đạt tới điều tốt.

– “Khuôn vàng thước ngọc”: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12)[9].

– Đức mến luôn đòi hỏi tôn trọng người lân cận và lương tâm của họ. “Như vậy, phạm đến anh em và làm thương tổn lương tâm yếu đuối của họ là phạm đến Đức Kitô” (1 Cr 8,12). “Tốt nhất là … tránh những gì có thể gây cớ cho anh em mình vấp ngã” (Rm 14,21).


Số 1038-1041: Việc tách biệt giữa thiện và ác trong Sự Phán xét

1038. Việc phục sinh của tất cả mọi người đã chết, “người lành và kẻ dữ” (Cv 24,15), đi trước cuộc Phán Xét cuối cùng. Đó sẽ là “giờ mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng … Con Người và sẽ ra khỏi đó: ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5,28-29). Lúc đó Đức Kitô sẽ đến “trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu…. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người; và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê, Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái…. Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời” (Mt 25,31.32.46).

1039. Đối diện với Đức Kitô, Đấng là Chân lý, chân lý về mối tương quan của từng người với Thiên Chúa sẽ được biểu lộ một cách vĩnh viễn[10]. Việc Phán Xét cuối cùng sẽ mạc khải, đến tận những hậu quả cuối cùng của nó, điều thiện hảo mà mỗi người đã làm, hoặc đã bỏ không làm, trong suốt đời sống trần thế của họ:

“Bất cứ điều gì những kẻ dữ làm, đều bị ghi lại, mà họ không biết, khi ‘Thiên Chúa ta ngự đến, Ngài không nín lặng’ (Tv 50,3)…. Rồi Ngài quay sang những kẻ ở bên trái và nói: Ta đã đặt những người nghèo khó bé mọn của Ta trên trần thế cho các ngươi. Ta như là Đầu, Ta đang ngự bên hữu Chúa Cha trên trời, nhưng các chi thể của Ta nơi trần thế phải đau khổ, túng thiếu. Nếu các ngươi cho các chi thể của Ta bất cứ cái gì, thì cái đó đã lên tới Đầu. Các ngươi phải biết rằng, Ta đã đặt những người nghèo khó bé mọn của Ta cho các ngươi khi còn ở trần thế, Ta đặt ho làm những người phục vụ các ngươi để đem các việc làm của các ngươi vào kho tàng của Ta. Và các ngươi đã chẳng đặt gì vào tay họ, vì vậy các ngươi chẳng gặp được gì ở nơi Ta”[11].

1040. Cuộc Phán Xét cuối cùng sẽ diễn ra khi Đức Kitô trở lại một cách vinh quang. Chỉ có Chúa Cha mới biết ngày giờ; chỉ một mình Ngài quyết định việc Ngự đến của Đức Kitô. Lúc đó, qua Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô, Chúa Cha sẽ công bố phán quyết chung thẩm của Ngài về toàn thể lịch sử. Chúng ta sẽ nhận biết ý nghĩa tối hậu của toàn bộ công trình tạo dựng và của toàn bộ Nhiệm cục cứu độ và chúng ta sẽ hiểu những đường lối kỳ diệu qua đó sự quan phòng của Thiên Chúa đã dẫn đưa mọi sự đến mục đích tối hậu của chúng. Cuộc Phán Xét cuối cùng sẽ mạc khải đức công chính của Thiên Chúa chiến thắng mọi sự bất chính mà các thụ tạo của Ngài đã lỗi phạm, và tình yêu của Ngài mạnh hơn sự chết[12].

1041. Sứ điệp của việc Phán Xét cuối cùng là kêu gọi hối cải, trong khi Thiên Chúa còn cho người ta “thời gian thuận tiện” và “ngày cứu độ” (2 Cr 6,2). Sứ điệp này gợi lên sự kính sợ thánh thiện đối với Thiên Chúa. Nó thúc đẩy người ta đến sự công chính của Nước Trời. Sứ điệp này loan báo “ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi” (Tt 2,13), tức là ngày trở lại của Chúa, Đấng sẽ đến “để được tôn vinh giữa các thần thánh của Người và được ngưỡng mộ giữa mọi kẻ đã tin” (2 Tx 1,10).


Số 1037: Thiên Chúa không tiền định cho ai xuống hỏa ngục

1037. Thiên Chúa không tiền định cho ai xuống hỏa ngục[13]; điều này đòi sự tự ý thù ghét Thiên Chúa (tội trọng) và cố chấp trong tình trạng đó đến cùng. Hội Thánh, trong phụng vụ Thánh Thể và trong kinh nguyện hằng ngày của các tín hữu, khẩn cầu lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng không muốn “cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải” (2 Pr 3,9):

“Vì vậy, lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận lễ vật của chúng con là tôi tớ Chúa, và của toàn thể gia đình Chúa…. Xin an bài cho đời chúng con được sống trong bình an của Chúa, cứu chúng con thoát khỏi án phạt đời đời và nhận chúng con vào đoàn những người Chúa chọn”[14].


Bài Ðọc I: 1 V 3, 5. 7-12

"Xin ban cho tôi tớ Chúa tâm hồn khôn ngoan".

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, tại Gabaon, ban đêm, Chúa hiện ra cùng Salomon trong giấc mộng và phán rằng: "Ngươi muốn gì thì hãy xin, Ta sẽ ban cho ngươi". Salomon thưa: "Lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa khiến tôi tớ Chúa cai trị kế vị Ðavít thân phụ con. Nhưng con chỉ là một trẻ nhỏ, không biết đường đi nước bước. Tôi tớ Chúa đang sống giữa dân Chúa chọn, một dân đông đảo không thể đếm và ước lượng được. Vậy xin Chúa ban cho tôi tớ Chúa tâm hồn khôn ngoan để đoán xét dân Chúa, và phân biệt lành dữ, vì ai có thể xét xử dân này, một dân của Chúa đông đảo thế này?"

Ðiều Salomon kêu xin như trên đã đẹp lòng Chúa, nên Chúa phán cùng Salomon rằng: "Vì ngươi đã xin điều đó, mà không xin sống lâu, được giàu có, của cải, mạng sống quân thù, lại xin cho được khôn ngoan để biết xét đoán, thì đây Ta ban cho ngươi điều ngươi xin, và ban cho ngươi tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi không có ai giống ngươi, và sau ngươi không có ai bằng ngươi".

Ðó là lời Chúa.


Ðáp Ca: Tv 118, 57 và 72. 76-77. 127-128. 129-130

Ðáp: Lạy Chúa, con yêu chuộng luật pháp của Chúa biết bao! (c. 97a)

Xướng: 1) Lạy Chúa, con xưng thực kỷ phần của con là tuân giữ những lời ban dạy của Ngài. Ðối với con, luật pháp do miệng Chúa đáng chuộng hơn vàng bạc châu báu muôn ngàn.

Ðáp: Lạy Chúa, con yêu chuộng luật pháp của Chúa biết bao! (c. 97a)

2) Xin Chúa tỏ lòng thương hầu uỷ lạo con, theo như lời đã hứa cùng tôi tớ Chúa. Nguyện Chúa xót thương cho con được sống, vì luật pháp Ngài là sự sung sướng của con.

Ðáp: Lạy Chúa, con yêu chuộng luật pháp của Chúa biết bao! (c. 97a)

3) Bởi thế nên con yêu quý chỉ thị Ngài hơn vàng, và hơn cả vàng ròng tinh khiết. Bởi thế nên con tự chọn tất cả huấn lệnh của Ngài; hết thảy đường lối gian tà con đều ghét bỏ.

Ðáp: Lạy Chúa, con yêu chuộng luật pháp của Chúa biết bao! (c. 97a)

4) Kỳ diệu thay những lời Ngài nghiêm huấn, bởi thế linh hồn con vẫn tuân theo. Sự mạc khải lời Ngài soi sáng và dạy bảo những người chưa kinh nghiệm.

Ðáp: Lạy Chúa, con yêu chuộng luật pháp của Chúa biết bao! (c. 97a)


Bài Ðọc II: Rm 8, 28-30

"Người đã tiền định cho chúng ta trở nên giống hình ảnh Con Người".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, chúng ta biết rằng những kẻ yêu mến Thiên Chúa thì Người giúp họ được sự lành, họ là những người theo dự định của Chúa, được kêu gọi nên thánh. Vì chưng, những kẻ Chúa đã biết trước, thì Người đã tiền định cho họ nên giống hình ảnh Con Người, để Ngài trở nên trưởng tử giữa đoàn anh em đông đúc. Những ai Người đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; mà những ai Người đã làm cho nên công chính?, thì Người cũng cho họ được vinh quang.

Ðó là lời Chúa.


Alleluia: 1 Pr 1, 25

Alleluia, alleluia! - Lời Chúa tồn tại muôn đời, đó là lời Tin Mừng đã rao giảng cho anh em. - Alleluia.


Phúc Âm: Mt 13, 44-46 {hoặc 44-52}

"Anh bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng đó".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Nước trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng, người kia tìm được, vội chôn vùi xuống, vui mừng trở về bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy. Nước trời cũng giống như người buôn nọ đi tìm ngọc quý. Tìm được một viên ngọc quý, anh về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy.

{"Nước trời lại giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá. Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài. Trong ngày tận thế cũng vậy: các thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành, rồi ném những kẻ dữ vào lò lửa, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng. Các ngươi có hiểu những điều đó không?" Họ thưa rằng: "Có".

Người liền bảo họ: "Bởi thế, những thầy thông giáo am tường về Nước trời cũng giống như chủ nhà kia, hay lợi dụng những cái mới, cũ trong kho mình".}

Ðó là lời Chúa.




[1] CĐ Triđentinô, Sess. 5a, Decretum de peccato originali, canon 1: DS 1511; x. Dt 2,14.

[2] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus annus, 25: AAS 83 (1991) 823-824.

[3] X. Rm 2,14-16.

[4] X. Rm 1,32.

[5] Gioan Henri Newman, A Letter to the Duke of Norfolk, 5: Certain Difficulties felt by Anglicans in Catholic Teaching, v.2 (Westminster 1969) 248.

[6] Thánh Augustinô, In epistulam Ioannis ad Parthos tractatus, 8, 9: PL 35, 2041.

[7] CĐ Vaticanô II, Tuyên ngôn Dignitatis humanae, 3: AAS 58 (1966) 932.

[8] X. CĐ Vaticanô II, Tuyên ngôn Dignitatis humanae, 14: AAS 58 (1966) 940.

[9] X. Lc 6,31; Tb 4,15.

[10] X. Ga 12,48.

[11] Thánh Augustinô, Sermo 18, 4, 4: CCL 41, 247-249 (PL 38, 130-131).

[12] X. Dc 8,6.

[13] X. CĐ Arausicanô II, Conclusio: DS 397; CĐ Triđentinô, Sess. 6a, Decretum de iustificatione, canon 17: DS 1567.

[14] Kinh Nguyện Thánh Thể I, hoặc Lễ Quy Rôma, 88Sách Lễ Rôma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 450.


https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/giao-ly-cho-bai-giang-chua-nhat-17-thuong-nien-nam-a-52283

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét