Trang

Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2023

Sự liêm chính cá nhân

 Sự liêm chính cá nhân

Ronald Rolheiser, 2023-07-24

Trong bộ phim của thập niên 1990, City Slickers, có một cảnh cho chúng ta hiểu ra tầm quan trọng của sự toàn vẹn cá nhân. Ba người đàn ông là dân New York và là bạn thân với nhau, họ đã cùng nhau đi một chuyến dẫn bò di cư vào mùa hè để mong kinh nghiệm này sẽ giúp họ xử lý được những vấn đề trong tuổi trung niên của mỗi người.

Trên đường rong ruổi, một hôm họ bàn về luân lý trong việc ngoại tình. Ban đầu, họ chủ yếu nói về nỗi sợ bị lộ, và hai trong số ba người đồng ý rằng ngoại tình là lợi bất cập hại. Quá dễ bị lộ. Nhưng người bạn kia lại nêu ra vấn đề, hỏi rằng nếu tuyệt đối không có khả năng bị lộ thì họ có ngoại tình không.

Anh này bảo, “Cứ tưởng tượng có một tàu không gian hạ cánh. Một phụ nữ xinh đẹp từ trong tàu bước ra. Hai người làm tình rồi nàng trở về Sao Hỏa. Chẳng có hậu quả gì hết. Chẳng ai biết được. Vậy hai anh có làm không?”

Nhân vật chính do Billy Crystal thủ vai trả lời rằng có lẽ không bao giờ có chuyện đó. “Luôn bị lộ, người ta ngửi được cái mùi thiếu trung thực nơi chúng ta”. “Nhưng mà,” người bạn kiên quyết, “lỡ như thật sự có thể ngoại tình mà không bị lộ. Lỡ như không một ai biết? Anh có làm không?” Câu trả lời của nhân vật chính là: “Nhưng tôi biết, và tôi sẽ hận mình vì chuyện đó”.

Câu trả lời của anh nêu bật một chân lý quan trọng. Việc chúng ta làm trong riêng tư, bí mật, cũng có hậu quả, và hậu quả đó không tùy thuộc vào việc bí mật đó có bị lộ ra hay không. Thiệt hại vẫn như vậy mà thôi. Việc chúng ta làm trong bí mật làm biến dạng nhân cách và ảnh hưởng đến cách chúng ta liên hệ với mọi người theo những cách mà chúng ta không ngờ đến. Tuyệt đối không có hành động bí mật. Luôn có một người biết. Là chúng ta biết. Và chúng ta hận mình vì chuyện đó, hận mình vì phải nói dối. Tự nó phát ra như vậy.

Việc chúng ta làm trong bí mật, xét tận cùng cũng định hình hình tượng của chúng ta khi công khai. Thiếu trung thực thay đổi cách chúng ta nhìn nhận bởi vì nó thay đổi con người chúng ta. Chính vì thế mà những người quanh chúng ta sẽ trực cảm được sự thật về chúng ta, ngửi thấy sự dối trá, cả khi họ không có một chứng cứ gì để nghi ngờ chúng ta.

Bí mật làm một việc mà chúng ta không thể công khai, đó là giả hình, và nó buộc chúng ta nói dối. Và trong tất cả mọi tội, dối trá là tội nguy hiểm nhất. Vì sao? Vì chúng ta hận mình vì chuyện đó, chúng ta không còn tôn trọng chính bản thân mình, và khi đó, chẳng mấy chốc chúng ta sẽ nhận ra, người khác không còn tôn trọng chúng ta nữa. Đó là trực cảm khi chúng ta “ngửi thấy” sự dối trá của người khác.

Tệ hơn nữa, dối trá buộc chúng ta làm chính mình chai đá để có thể sống với sự dối trá của mình. Không phải lúc nào tội lỗi cũng làm chúng ta khiêm nhường và hối cải. Chúng ta có những hình ảnh quá phổ biến và dễ dãi về những tội nhân chân thành, như các tội nhân trong các phúc âm dễ đón nhận Chúa Giêsu hơn là những người công chính trong đạo. Có lúc như thế, nhưng không phải lúc nào cũng thế.

Hình ảnh kinh thánh về người tội nhân chân thành khiêm nhường hướng về Thiên Chúa được minh họa dựa trên sự trung thực, dựa trên một tội nhân không giấu diếm hay nói dối về tội của mình. Nhưng tội lỗi có thể có một ảnh hưởng rất khác trên chúng ta. Khi chúng ta không trung thực thừa nhận tội của mình, là chúng ta đang đi theo hướng đối lập, cụ thể là hướng về hợp lý hóa, có thái độ chai đá và yếm thế. Hơn nữa, chính việc nói dối, chứ không phải sự yếu đuối ban đầu, mới trở thành vết ung loét và gây nên mối nguy hiểm thực sự. Khi giấu diếm tội của mình thì chúng ta bị buộc phải nói dối, và khi đó ngay lập tức chúng ta bắt đầu trở nên chai đá và thay đổi linh hồn mình. Có một câu châm ngôn thế này: Muốn làm việc gì cũng được, miễn không phải nói dối về nó. Nó rất khác với nói rằng muốn làm gì cũng được miễn không ai phát hiện ra.

Nhân phẩm của chúng ta dựa vào mức độ liêm chính của mình. Chúng ta bệnh hoạn không khác gì bí mật bệnh hoạn nhất của mình, và chúng ta lành mạnh như đức hạnh giấu kín nhất của mình. Chúng ta không thể làm kiểu này trong kín đáo và thể hiện ra kiểu khác khi công khai. Dù người khác có biết bí mật của ta hay không cũng không quan trọng. Chúng ta biết, và khi những bí mật đó không lành mạnh, thì chúng ta hận mình vì chúng, lòng chúng ta chai đá đi để sống được với lời nói dối của mình.

Chúng ta đừng bao giờ tự lừa mình, nghĩ rằng những việc chúng ta làm trong kín đáo, kể cả những hành động thiếu chung thủy, nuông chiều bản thân, cố chấp mù quáng, ghen tương, vu khống dù là nhỏ nhặt nhất, lại không có hậu quả gì chỉ vì không ai biết. Trong huyền ẩn tương liên trong gia đình nhân loại và gia đình đức tin vốn dựa vào sự tin tưởng, kể cả những hành động kín đáo nhất của chúng ta, dù tốt hay xấu, cũng như en-zim vô hình trong dòng máu của cơ thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Mọi chuyện đều được nhận thức và cảm nhận theo cách này hay cách khác. Trong gia đình, nhân loại hay trong nhiệm thể Chúa Kitô, không có cái gọi là hành động riêng tư. Người khác biết chúng ta, kể cả khi họ không biết chính xác mọi chuyện về chúng ta. Họ ngửi thấy những tính xấu của chúng ta cũng như họ ngửi thấy đức hạnh của chúng ta.

J.B. Thái Hòa dịch


https://phanxico.vn/2023/07/29/su-liem-chinh-ca-nhan/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét