Thần học và Trí khôn Nhân tạo
Vũ Văn An
Trang mạng The Pillar, ngày 25 tháng 7 năm 2023, phổ biến phân tích của một nhà thần học và một nhà giáo luật về trí khôn nhân tạo. Chúng tôi xin chuyển ngữ bài phân tích này sang tiếng Việt.
Khi những người ủng hộ trí khôn nhân tạo [AI] nhắm đến việc xâm nhập vào các mô hình học ngôn ngữ trong các cộng đồng trên khắp thế giới, các nhà phát triển trong tháng này đã công bố một dự án trí khôn nhân tạo mà họ nói có thể “thay đổi cuộc chơi cho Giáo hội.”
Các nhà phát triển Magisterium AI [Huấn quyền AI] đã huấn luyện một rôbốt trí khôn nhân tạo trên cơ sở dữ liệu gồm 456 tài liệu của Giáo hội, bao gồm Kinh thánh, Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, Bộ Giáo luật, Quy chế Tổng quát của Sách lễ Rôma, 90 thông điệp, 7 tông hiến và 26 tông huấn.
Theo Matthew Sanders của Longbeard, một cơ quan tiếp thị và thiết kế kỹ thuật số kết nối với dự án, kết quả của tất cả các khóa huấn luyện đó là Magisterium AI “không gây ảo giác (bịa đặt) và nó cũng cung cấp các trích dẫn để bạn biết câu trả lời của nó được tạo ra từ đâu”.
Dự án mà Sanders nói có thể chuẩn bị các bài giảng, được hỗ trợ bởi Cha David Nazar, viện trưởng Học viện Giáo hoàng Phương Đông, người phục vụ với tư cách là chủ tịch “ủy ban cố vấn học thuật” của trí khôn nhân tạo.
Sanders cho biết qua email rằng trong khi “có rất nhiều nỗi sợ hãi xung quanh trí khôn nhân tạo … có nhiều người cảm thấy nó có thể là một công cụ mạnh mẽ để chia sẻ sự thật.”
Dự án Magisterium AI hiện có sẵn trực tuyến, nhưng ở dạng thử nghiệm beta.
Tại tạp chí mạng The Pillar, chúng tôi tự hỏi nó thực sự tốt đến mức nào — và liệu nó có thể trả lời các câu hỏi tốt như một giáo sư chủng viện và một luật sư giáo luật đang làm việc hay không.
Vì vậy, chúng tôi đưa nó vào thử nghiệm.
Đối với thần học, chúng tôi đã yêu cầu Magisterium AI trả lời những câu hỏi y như Angela Franks, giáo sư thần học tại Chủng viện Thánh Gioan ở Boston, với chuyên môn về “thần học thân xác, Tân Phúc âm hóa, Chúa Ba Ngôi, Kitô học, và tư tưởng của Đức Gioan Phaolô II và Hans Urs von Balthasar.”
Đối với giáo luật, chúng tôi đã yêu cầu rôbốt trả lời những câu hỏi y như Timothy Olson, JCL, là chưởng ấn của Giáo phận Fargo, Bắc Dakota, và là thẩm phán hướng dẫn trong tòa án giáo phận của Fargo.
Chúng tôi yêu cầu mỗi chuyên gia dành ít hơn một giờ để trả lời các câu hỏi mà chúng tôi đưa ra, trong khi Magisterium AI trả lời mỗi câu hỏi thường trong 1-2 phút.
Chúng tôi bảo cả máy lẫn chuyên gia trả lời mỗi câu chỉ 4-5 mệnh đề.
Chúng tôi sẽ chỉ cho bạn cách cỗ máy và các chuyên gia trả lời các câu hỏi, đồng thời đưa ra một số lưu ý để bạn suy gẫm. (Chú ý: Chúng tôi không bao gồm các chú thích của máy, nhưng chúng tôi lưu ý rằng nó đã cung cấp cho chúng tôi 3-5 tài liệu tham khảo được chú thích cho ít nhất mỗi câu hỏi.)
Nhưng liệu máy có đạt tiêu chuẩn hay không? Các nhà thần học và giáo luật nên hào hứng với một công cụ mới - hay lo lắng về sự an toàn của công việc? Trí khôn nhân tạo có đang đi đúng hướng không?
Chà, chúng tôi sẽ cho bạn biết suy nghĩ của chúng tôi, đặc biệt là về việc ai trả lời từng câu hỏi tốt hơn. Nhưng chúng tôi thừa nhận những thành kiến của riêng mình - chúng tôi đã lỗi thời và có lẽ chúng tôi đang lôi kéo người ta ở đây.
Vậy chúng ta có đúng không?
Bạn sẽ phải quyết định điều đó cho chính mình.
Thần học
Phép rửa là gì, về mặt thần học?
Máy:
Phép rửa, về mặt thần học, là bí tích biểu thị sự tha tội và thanh tẩy tâm hồn. Đó là sự tham dự vào mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô, nơi người tín hữu được nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu Kitô và trở thành tạo vật mới.
Qua bí tích rửa tội, một người được tháp nhập vào Giáo hội, nhận được Chúa Thánh Thần đã hứa và được công chính hóa.
Bí tích Rửa tội là bí tích tuyệt hảo của đức tin, ở đó đức tin và phép rửa liên kết mật thiết với nhau. Đó là một món quà từ Thiên Chúa được nhận thông qua Giáo hội, và nó đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc sống mới trong Chúa Kitô.
Tiến sĩ Franks:
Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo số 1213 nói với chúng ta: “Bí tích Thánh Tẩy là nền tảng của toàn bộ đời sống Kitô hữu, là cửa ngõ dẫn đến đời sống trong Thần Khí (vitae spiritis ianua), và là cánh cửa dẫn đến các bí tích khác. Nhờ Phép Rửa, chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và được tái sinh làm con Thiên Chúa; chúng ta trở thành chi thể của Chúa Kitô, được sáp nhập vào Giáo hội và được chia sẻ sứ mệnh của Giáo hội: ‘Bí tích Rửa tội là bí tích tái sinh nhờ nước trong lời.’”
Phán quyết của Pillar:
Máy đã đưa ra một câu trả lời khá hay ở đây, và đề cập đến nhiều điều- như Chúa Thánh Thần - hơn là Tiến sĩ Franks. Nhưng cỗ máy dường như cũng thực hiện một câu hỏi hơi kỳ lạ: nói rằng phép rửa là bí tích của đức tin, nơi đức tin và phép rửa liên kết mật thiết với nhau. Phép rửa thực sự là bí tích của đức tin - nhưng liệu câu nói của trí khôn nhân tạo có ý nghĩa gì không?
Câu trả lời của Tiến sĩ Franks là một đoạn trích trực tiếp từ Sách Giáo lý, và là một câu trả lời khá rõ ràng. Chúng tôi hy vọng trong các câu hỏi tương lai, bà sẽ trả lời bằng chính lời của bà, nhưng chúng tôi cho bà trổi vượt.
Chúa Giêsu cứu chúng ta như thế nào?
Máy:
Chúa Giêsu cứu chúng ta qua tình yêu và sự hy sinh của Người. Người yêu thương chúng ta vô điều kiện và ôm lấy chúng ta ngay cả khi chúng ta yếu đuối và sai phạm. Qua sự sống, sự chết và sự sống lại của Người, Người mang đến sự cứu rỗi của Thiên Chúa, bao gồm sự tha thứ tội lỗi và sự hòa giải với Thiên Chúa và những người khác. Chúa Giêsu là con đường gặp gỡ Thiên Chúa và là nguồn mọi ân sủng. Người mạc khải tình yêu của Chúa Cha cho nhân loại và chỉ cho chúng ta con đường yêu thương qua việc tự hiến thân mình trên thập giá. Bằng cách noi theo Chúa Giêsu và noi gương Người, chúng ta có thể cảm nghiệm được sự cứu rỗi và sự sống mới.
Tiến sĩ Franks:
Trên thực tế, các nhà thần học đã chia rẽ về bản chất chính xác của sự chuộc tội của Chúa Kitô (cách Người cứu chúng ta bằng cuộc khổ nạn, sự chết và sự Phục sinh của Người).
Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo số 622 tóm tắt chứng từ Kinh Thánh: “Chúa Kitô đã đạt được ơn cứu độ hệ tại ở chỗ: Người đến ‘để phó mạng sống mình làm giá chuộc muôn người’ (Mt 20:28), tức là Người ‘yêu thương những người [của mình] cho đến cùng’ (Ga 13:1), để họ có thể được ‘cứu chuộc khỏi tội lỗi do cha ông [họ] để lại’ (I Pr 1:18).
Nhưng về vấn đề này, truyền thống, trong khi loại bỏ một số dị giáo, để ngỏ một lĩnh vực thần học rộng lớn.
Thánh Anselmô lập luận rằng tình yêu và sự vâng lời của Chúa Kitô đáp ứng món nợ vô hạn của chúng ta mắc phải do sự bất tuân không yêu thương của chúng ta, trong khi Thánh Tôma nhấn mạnh sự vâng lời đầy yêu thương của Chúa Kitô, một đức vâng lời, qua “ân sủng đầu” (ân sủng của quyền làm đầu của Người) có tác dụng thông truyền công lao vô hạn của Người cho các chi thể trong thân thể Người. Các đề xuất gần đây hơn — bao gồm cả những đề xuất của Hans Urs von Balthasar và Joseph Ratzinger — tuyên bố rằng Chúa Kitô đã tự do chấp nhận trải nghiệm chủ quan của tội nhân về việc bị Chúa Cha bỏ rơi, ứng nghiệm các kiểu đau khổ của Cựu Ước về vị tiên tri và Người Tôi Tớ Đau khổ vì lợi ích của mọi người.
Phán quyết của Pillar:
Chúng tôi đặt câu hỏi này vì chúng tôi biết rằng các nhà thần học có nhiều ý kiến khác nhau về sự chuộc tội, và những người Công Giáo chính thống có thể có một số quan điểm khác nhau. Câu trả lời của máy là được - nó không cụ thể lắm và không đề cập đến các quan điểm trái ngược nhau về sự chuộc tội.
Tiến sĩ Franks đã làm đúng như vậy - giúp bà có lợi thế hơn khi trả lời câu hỏi gây tranh cãi này. Một lần nữa, Bà trổi vượt hơn.
Ơn gọi của người Kitô hữu là gì?
Máy:
Ơn gọi của người Kitô hữu, những người đã được rửa tội hợp lệ, là tìm kiếm Nước Thiên Chúa và chu toàn sứ vụ đã trao phó cho Giáo hội ở trần gian. Qua bí tích rửa tội, các Kitô hữu được tháp nhập vào Chúa Kitô và trở thành thành phần dân Chúa, chia sẻ chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô. Ơn gọi này đòi hỏi sự tham gia bản thân và tích cực tham gia vào việc rao giảng Tin Mừng, vì tất cả những người đã được rửa tội đều được mời gọi trở thành môn đệ truyền giáo. Ngay cả những người không được mời gọi lập gia đình hay sống đời thánh hiến cũng có thể cống hiến một chứng tá đặc biệt cho ơn gọi của họ qua con đường trưởng thành bản thân của chính họ.
Tiến sĩ Franks:
Kitô hữu, giống như mọi con người nhân bản, được dành cho sự kết hợp với Thiên Chúa mãi mãi trên thiên đàng. Các Kitô hữu sống ơn gọi này trên trần gian nhờ ân sủng và qua việc thực hành các nhân đức, nhất là các nhân đức đối thần, và tham gia vào đời sống của Giáo hội (phụng vụ và các bí tích của Giáo hội). Họ được mời gọi truyền giáo, nghĩa là tham gia vào sứ mệnh tình yêu của Đức Kitô được Chúa Cha sai đến thế gian. Các ơn gọi cá nhân có thể được sống trong các bậc sống (giáo sĩ, tu sĩ, và/hoặc giáo dân).
Phán quyết của Pillar:
Một lần nữa, câu trả lời của máy không sai. Nó dài dòng hơn một chút so với Tiến sĩ Franks, và mơ hồ hơn nhiều - và chúng tôi thích sự nhấn mạnh của Tiến sĩ Franks về ơn gọi con người được kết hợp với Thiên Chúa.
Thêm vào đó, máy đã đề cập đến hôn nhân và đời sống thánh hiến (tôn giáo), nhưng không đề cập đến tình trạng giáo sĩ - chúng tôi trừ một hoặc hai điểm cho sự thiếu sót đó.
Đây có thể là một trận hòa (tie), nhưng trong hệ thống của chúng tôi, trận hòa thuộc về con người - Vì vậy, chúng tôi cho Tiến sĩ Franks thắng.
Tính đồng nghị là gì?
Máy:
Tính đồng nghị là một nguyên tắc hợp tác và chia sẻ quyết định trong việc quản trị Giáo hội. Nó xác định cách thức cụ thể mà Giáo hội thực hiện bản chất của sự hiệp thông bằng cách cùng nhau bước đi, phối hợp giữa tất cả các lĩnh vực mục vụ và khuyến khích sự tham gia tích cực của tất cả các thành viên của mình trong sứ mệnh truyền bá Tin Mừng. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh rằng tính đồng nghị là một yếu tố cấu thành của Giáo hội và mong muốn có một Giáo hội hoàn toàn đồng nghị. Công đồng Vatican II đã nêu bật tầm quan trọng của tính đồng nghị bằng cách giải thích mầu nhiệm Giáo hội như mầu nhiệm hiệp thông. Tính đồng nghị không chỉ đơn thuần có tính tư vấn đối với người Công Giáo Rôma, và quyền tối thượng không chỉ đơn thuần là danh dự đối với người Chính thống giáo. Nguyên tắc đồng nghị - tối thượng được viện dẫn để đáp ứng các nhu cầu và đòi hỏi của Giáo hội trong thời đại chúng ta và để vượt qua sự xa lánh và chia rẽ đã xảy ra trong thiên niên kỷ thứ hai.
Tiến sĩ Franks:
“Tính đồng nghị” bắt nguồn từ chữ Hy Lạp synod, như Ủy ban Thần học Quốc tế giải thích: “Được tạo thành từ giới từ sun (với) và danh từ hodos (con đường), nó chỉ con đường mà dân Chúa cùng nhau bước đi”.
Nhiều ý tưởng—thường là khác biệt—đã được tập hợp lại với nhau dưới danh nghĩa tính đồng nghị; hầu hết trong số chúng bỏ qua sự kiện này là thuật ngữ này có một lịch sử đặc biệt như một phong trào giáo hội học thời kỳ đầu và cận đại (xem bài báo của Prügl trong số ra năm 2023 của The Thomist dành riêng cho tính đồng nghị).
Trong cùng số báo The Thomist, tôi đã lập luận rằng cách tốt nhất để hiểu tính đồng nghị là tập trung vào Chúa Kitô là Đường lối (do chữ hodos) và các thành viên của Giáo hội là những người đi theo đường lối này.
Như tôi đã viết ở đó, “Chúa Kitô là Đường, trong Người chúng ta ‘di chuyển’ (Công vụ 17:28), tháp nhập chúng ta để Chúa Cha có thể sai chúng ta lên đường thi hành sứ mệnh tự hiến.” Theo hệ quả thần học, “tính đồng nghị” nên tập trung xung quanh những chân lý lấy Chúa Kitô làm trung tâm này.
Phán quyết của Pillar:
Tiến sĩ Franks, theo quan điểm của chúng tôi, đưa ra một câu trả lời thấu đáo hơn, nhận ra những thách thức đương nhiên trong việc hiểu khái niệm “tính đồng nghị” trong đời sống của Giáo hội.
Thêm vào đó, chúng tôi bối rối về ý nghĩa của cỗ máy khi nó nói về tính đồng nghị là “không chỉ đơn thuần là tư vấn,” và chúng tôi nghĩ rằng một câu trả lời hay sẽ làm sáng tỏ điều đó, vì nó đã đề cập đến điều này ngay từ đầu.
Trên thực tế, chúng tôi cũng không hiểu rõ câu cuối cùng của máy - nó đọc giống như một số tài liệu của thượng hội đồng dài dòng hơn của Giáo hội, ngay cả khi không có nguồn công nghị đặc biệt đó.
Chúng tôi cho Tiến sĩ Franks trổi hơn.
Say rượu có phải luôn luôn là một tội lỗi không?
Máy:
Theo lời dạy của Giáo Hội Công Giáo, say rượu không phải lúc nào cũng bị coi là tội trọng. Để xác định xem một tội lỗi có phải là tội trọng hay không, ba điều kiện phải có đồng thời: vấn đề nghiêm trọng, sự hiểu biết đầy đủ và sự ưng thuận có chủ ý.
Mặc dù Giáo hội thừa nhận rằng say rượu là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng Giáo hội không tự động xếp nó vào tội trọng. Sự ưng thuận có chủ ý và kiến thức đầy đủ của cá nhân có liên quan cũng là những yếu tố quan trọng trong việc xác định mức độ nghiêm trọng của tội lỗi.
Điều quan trọng cần lưu ý là tội trọng hủy hoại đức ái trong chúng ta, tước đoạt ơn thánh hóa của chúng ta, và nếu không ăn năn, có thể dẫn đến hình phạt đời đời.
Tuy nhiên, Giáo hội không tuyên bố rõ ràng rằng say rượu luôn đáp ứng các tiêu chuẩn này đối với tội trọng.
Do đó, cần phải xem xét hoàn cảnh cụ thể và ý định của cá nhân liên quan để xác định mức độ nghiêm trọng của tội lỗi. Giáo Hội phó thác việc phán xét con người cho công lý và lòng thương xót của Thiên Chúa.
Tóm lại, dù say rượu được coi là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng không phải lúc nào nó cũng mặc nhiên được xếp vào tội trọng. Việc xác định xem đó có phải là tội trọng hay không tùy thuộc vào sự hiện diện của vấn đề nghiêm trọng, sự hiểu biết đầy đủ và sự ưng thuận có chủ ý, điều này phải được đánh giá theo từng trường hợp cụ thể.
Tiến sĩ Franks:
Đây không phải là lĩnh vực chuyên môn của tôi, nhưng tôi sẽ ứng biến vậy, bởi vì tôi cần sử dụng phần lớn thời gian của mình để tìm hiểu tính đồng nghị là gì.
Bản thân việc “say xỉn” không phải là tội lỗi, bởi vì nó có thể là do vô tình, chẳng hạn như người ta không nhận ra Trà đá Long Island chủ yếu là rượu chứ không phải trà.
Cố ý say rượu sẽ là tội lỗi, vì say rượu hạn chế chúng ta sử dụng hết khả năng lý trí của mình, từ đó có thể dẫn đến mọi loại hành vi vô trách nhiệm hoặc tội lỗi khác. Tôi không nghĩ rằng vấn đề đủ nghiêm trọng để luôn luôn là một tội trọng, nhưng một số trường hợp nhất định có thể khiến nó trở nên như vậy trong những trường hợp cụ thể, thí dụ: một người biết chắc chắn rằng anh ta sẽ trở nên hung bạo khi say rượu.
Phán quyết của Pillar:
Hãy đối mặt với nó. Câu trả lời của Tiến sĩ Franks hài hước hơn. Điều đó phải được tính cho một điều gì đó. Mặt khác, chúng tôi nghĩ rằng cỗ máy đã sử dụng một chủ trương có tính Công Giáo điển hình hơn bằng cách nhấn mạnh rằng say rượu luôn là một vấn đề nghiêm trọng và nó giải thích rõ các tiêu chuẩn để phạm tội trọng - nhưng một lần nữa, câu trả lời của Tiến sĩ Franks lại khiến chúng tôi bật cười.
Chúng tôi sẽ chia phần chênh lệch và chia cho mỗi người nửa điểm.
Chó có thể lên thiên đàng hay không?
Máy:
Giáo Hội Công Giáo không có giáo huấn dứt khoát về việc chó hay bất cứ động vật nào khác có thể lên thiên đàng hay không. Trọng tâm của Giáo hội trước hết là sự cứu rỗi linh hồn con người và sự sống đời đời của con người với Thiên Chúa trên thiên đàng. Mặc dù Giáo hội thừa nhận sự hiện hữu của thiên đường và sự đoàn tụ vui vẻ của những người công chính ở kiếp sau, nhưng Giáo hội không đề cập cụ thể đến số phận của động vật ở thế giới bên kia. Giáo lý của Giáo hội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cứu chuộc và cứu rỗi nhân loại thông qua Chúa Giêsu Kitô.
Do đó, câu hỏi liệu chó có thể lên thiên đàng hay không vẫn chưa được trả lời bởi các giáo lý chính thức của Giáo hội.
Tiến sĩ Franks:
Chắc chắn rồi, nếu Chúa muốn chúng được như thế.
Theo nghĩa đó, bất cứ thứ gì cũng có thể ở trên trời, ngay cả thức ăn theo nghĩa đen cho thể xác phục sinh của chúng ta (xin xem Isaia 25:6 và nhiều đoạn khác).
Nhưng không phải loài chó nhất thiết phải lên thiên đàng, bởi vì linh hồn của chúng không hữu lý, và do đó không phải là bất tử. Cá nhân tôi rất phấn khích khi thấy những gì Thiên Chúa dành sẵn cho chúng ta.
Phán quyết của Pillar:
Máy đã lấy một lượng từ ngữ lớn để nói: "Tôi không biết, có thể?"
Tiến sĩ Franks nói nhanh hơn, đề cập rằng động vật không có linh hồn hữu lý, và - đồng thời - chỉ cho chúng ta đường về cõi vĩnh hằng. Chúng tôi cho bà thắng thế.
Mối liên hệ giữa các ngôi vị trong Ba Ngôi là gì?
Máy:
Mối tương quan giữa các ngôi vị trong Ba Ngôi Thiên Chúa là mối tương quan của tình yêu và sự hiệp thông hỗ tương và bất khả phân ly. Chúa Cha có liên quan đến Chúa Con, Chúa Con có liên quan đến Chúa Cha và Chúa Thánh Thần có liên quan đến cả hai. Mối quan hệ này không phải là sự phân chia của sự thống nhất thần linh, mà là sự khác biệt chỉ nằm trong mối quan hệ của các vị với nhau. Chúa Cha hoàn toàn ở trong Chúa Con và Chúa Thánh Thần, Chúa Con hoàn toàn ở trong Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, và Chúa Thánh Thần hoàn toàn ở trong Chúa Cha và Chúa Con. Mối tương quan yêu thương và hiệp thông này là nền tảng cho cộng đồng nhân loại và được phản ảnh trong căn tính bản vị của mỗi cá nhân.
Chúa Cha là nguồn gốc tối hậu của mọi sự, Chúa Con là hình ảnh phản chiếu của Người mà qua đó muôn vật được tạo thành, và Chúa Thánh Thần là mối dây tình yêu vô tận. Các vị hành động như một nguyên tắc thần linh duy nhất trong việc tạo ra thế giới, nhưng mỗi vị thực hiện công việc này theo đặc tính bản vị của mình. Vì thế, khi chúng ta chiêm ngắm sự hùng vĩ và vẻ đẹp của vũ trụ, chúng ta phải ngợi khen cả Ba Ngôi Thiên Chúa.
Tiến sĩ Franks:
Cách diễn đạt của câu hỏi này (đặc biệt là mạo từ xác định số ít trong “the relationship”) khiến tôi bối rối, đến mức tôi nghi ngờ đó là một câu hỏi chơi khăm! Nếu “mối liên hệ của Ba Ngôi Vị” có nghĩa là “mối liên hệ bên trong Ba Ngôi”: thì mối liên hệ trong Ba Ngôi không phải là “ngẫu nhiên” (như với chúng ta—hiện hữu trong một bản thể), mà là “tồn hữu” [subsisting] (nó hiện hữu trong chính nó, giống như một bản thể hoặc một ngôi vị [hypostasis] [xem ở trên]).
Nếu nó có nghĩa là “liên hệ của các ngôi vị”: có bốn liên hệ nguồn gốc đối lập nhau, đó là liên hệ phụ tử, con thảo, nhiệm xuy [spiration] và nhiệm xuất [procession]. (Khoan đã, bốn mối liên hệ và chỉ có ba Ngôi? Vâng! Nhưng tôi không thể giải thích, vì tôi bị tiến sỹ Flynn giới hạn câu chữ, vì vậy hãy đọc thêm tại https://www.newadvent.org/summa/1028.htm.)
Nếu nó có nghĩa mối quan hệ như một loại phép ẩn dụ, thí dụ: "Này, anh bạn, bạn sẽ mô tả như thế nào về sự rung cảm giữa chúng ta?" thì bạn nên đọc Thánh Augustinô về cạm bẫy của những phép ẩn dụ như vậy trong thần học Ba Ngôi.
Phán quyết của Pillar:
Chúng tôi đã cố tình hỏi một câu hỏi có từ ngữ mơ hồ, để xem cả trí khôn nhân tạo và chuyên gia sẽ xử lý nó như thế nào — và chúng tôi ghi công cho Tiến sĩ Franks vì đã phát hiện ra nó. Nhưng trí khôn nhân tạo đã xử lý câu hỏi một cách nhanh chóng và cho chúng tôi một câu trả lời khá hay. Tiến sĩ Franks, mặt khác, dường như đã chịu đủ những trò chơi khăm của chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi sẽ chấm điểm cho cỗ máy, nhưng chúng tôi cũng thưởng cho Tiến sĩ Franks một nửa công lao vì đã vạch ra âm mưu của chúng tôi.
Cho điểm thần học cuối cùng:
Máy:1.5
Chuyên gia: 6.0
Giáo luật
Phép rửa là gì, theo giáo luật?
Máy:
Phép rửa, theo giáo luật, là bí tích qua đó một người bắt đầu bước vào đức tin Kitô giáo và trở thành thành viên của Giáo hội. Nó được trao bằng cách nhúng hoặc đổ nước, theo các quy định của hội đồng giám mục. Phép rửa được coi là cửa ngõ dẫn đến các bí tích khác và cần thiết để được cứu rỗi, bằng cách tiếp nhận thực sự hoặc ít nhất là bằng ước muốn. Nó chỉ được trao một cách hợp lệ bằng cách rửa bằng nước đích thực với hình thức thích hợp của từ ngữ. Thừa tác viên thông thường của phép rửa là giám mục, linh mục hoặc phó tế.
Bí tích Rửa tội là một bí tích vô cùng quan trọng, vì nó giải thoát các cá nhân khỏi tội lỗi, cho phép họ được tái sinh làm con Thiên Chúa, và kết hợp họ vào Giáo hội, đồng hình đồng dạng họ với Chúa Kitô bằng một đặc tính không thể xóa nhòa. Giáo Hội Công Giáo công nhận tính hợp lệ của phép rửa do các cộng đồng giáo hội không Công Giáo ban hành, miễn là không có nghi ngờ gì về vấn đề, hình thức hoặc ý định của thừa tác viên hoặc người được rửa tội.
Trong trường hợp cần thiết, bất cứ ai cũng có thể rửa tội, miễn là có ý định đúng đắn. Giáo hội công nhận sự cần thiết của phép rửa tội để được cứu rỗi và có xu hướng công nhận rộng rãi ý định đúng đắn khi ban bí tích này, ngay cả trong những trường hợp có thể có sự hiểu sai về đức tin Chúa Ba Ngôi.
Các bà đỡ [midwives]đóng một vai trò quan trọng trong bí tích rửa tội, vì họ có thể được kêu gọi thực hiện bí tích trong những tình huống mà người khác không thể thực hiện được.
Các bà đỡ bị ràng buộc bởi tội trọng phải học các phương pháp và đòi hỏi của phép rửa hợp lệ, vì họ có thể thường xuyên được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ này. Giáo hội đã mẫn cán trong việc bảo đảm để các bà đỡ được hướng dẫn đúng đắn về nghĩa vụ tôn giáo này, và tư cách cũng như kiến thức của họ là vô cùng quan trọng.
Các linh mục giáo xứ có trách nhiệm bảo đảm để các bà đỡ có đủ kiến thức để thực hiện bí tích một cách hợp lệ.
Nếu một bà đỡ đã rửa tội cho một đứa trẻ, cha sở phải hỏi kỹ về ý định thích hợp và việc thực hiện bí tích, và nếu có bất cứ nghi ngờ nào, phép rửa phải được lặp lại một cách có điều kiện.
Olson:
Phép rửa là cửa ngõ dẫn đến các bí tích và cần thiết để được cứu rỗi bằng cách tiếp nhận hoặc ít nhất là mong muốn. Nó được truyền đạt bằng cách rửa bằng nước với hình thức thích hợp của từ ngữ. Trong Giáo hội Latinh, những từ ngữ này là, “Ego te baptizo in nomine Patris, et Filii, et Spiritus Sancti” (Tôi rửa tội cho bạn nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần).
Hiệu quả của nó là giải thoát người đã được rửa tội khỏi tội lỗi (cả tội bản thân lẫn tội nguyên tội), tái sinh làm con Thiên Chúa, đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô bằng một dấu ấn không thể xóa nhòa, và được sáp nhập vào Giáo hội.
Phán quyết của Pillar:
Olson đã đưa ra một câu trả lời thẳng thắn, nhưng tất cả chúng tôi đều sẵn sàng trao bằng khen cho cỗ máy, như một sự ghi nhận cho sự thấu đáo trong câu trả lời của nó. Cho đến khi, nghĩa là đến lúc, cỗ máy dẫn đến một kiểu tiếp tuyến kỳ lạ về các bà đỡ và phép rửa. Điều đó rất quan trọng, chúng tôi chắc chắn, nhưng nó có vẻ giống như một chuyến du ngoạn kỳ lạ, và nó khiến chúng tôi quên đi tất cả những điều thú vị khác mà cỗ máy phải nói.
Thành thử Olson thắng giải.
Đâu là sự khác biệt giữa quyền lực thông thường và quyền lực ủy nhiệm?
Máy:
Trong Giáo Hội Công Giáo, quyền lực thông thường đề cập đến quyền lực vốn có của một chức vụ cụ thể và được liên kết với nó theo luật. Nó có thể được thực hiện cả trong diễn đàn nội bộ và bên ngoài. Mặt khác, quyền lực ủy nhiệm được thực hiện dưới danh nghĩa của một người khác, cụ thể là Giám mục Rôma. Đó là một quyền lực được ủy quyền cho một người nào đó để hành động thay mặt cho người đã trao quyền lực đó. Trong khi quyền lực thông thường được thực hiện trực tiếp bởi người giữ chức vụ, thì quyền lực ủy nhiệm được thực hiện thông qua một người khác với tư cách là người đại diện.
Olson:
Quyền lực thông thường là quyền lực gắn liền với một chức vụ. Quyền lực thông thường có thể là "riêng" hoặc "ủy nhiệm". Quyền lực ủy nhiệm là thực thi quyền lực của “người khác”, ngay cả khi bằng quyền của chính cơ quan của mình. Thí dụ, quyền lực của một giám mục giáo phận là “bình thường và đúng đắn”, của một tổng đại diện là “bình thường và riêng”. Quyền lực của cha tổng đại diện là “thông thường” vì nó gắn liền với chức vụ của ngài. Nó là “thay thế” bởi vì nó được thực hiện nhân danh người khác (giám mục giáo phận).
Phán quyết của Pillar:
Đây là một câu hỏi chơi khăm và Olson đã không mắc phải - quyền lực thông thường và quyền lực ủy nhiệm không phải lúc nào cũng được phân biệt, trong khi quyền lực ủy nhiệm và quyền lực riêng là hai loại quyền lực khác nhau. Cỗ máy không nhận ra sự khác biệt đó, trong khi Olson nhận ra nó ngay lập tức. Thêm vào đó, cỗ máy gợi ý rằng chỉ có quyền lực của giáo hoàng mới có thể được thực thi một cách ủy nhiệm - điều này hoàn toàn không đúng. Tóm lại là cỗ máy bị lỗi này. Olson lấy được điểm cao nữa.
Một phụ nữ 40 tuổi chưa lập gia đình có thể trở thành phó tế hay không?
Máy:
Theo Bộ Giáo luật, một ứng viên chưa kết hôn cho chức phó tế vĩnh viễn không được nhận vào chức phó tế trừ khi họ đã công khai đảm nhận nghĩa vụ độc thân trước mặt Thiên Chúa và Giáo hội. Tuy nhiên, Bộ Giáo luật không nêu rõ bất cứ hạn chế nào về giới tính đối với các ứng viên cho chức phó tế vĩnh viễn. Do đó, một phụ nữ 40 tuổi chưa lập gia đình có thể trở thành phó tế miễn là cô ấy đáp ứng các yêu cầu do Giáo hội đặt ra, bao gồm cả việc đảm nhận nghĩa vụ độc thân. Các nguồn tài liệu hiện tại không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi của bạn.
Olson:
KHÔNG.
Phán quyết của Pillar:
Máy đã sửa phần yêu cầu về độ tuổi của câu hỏi, và hoàn toàn bỏ qua các quy định của điều luật 1024, quy định rằng chỉ một người nam đã được rửa tội mới có thể lãnh nhận chức thánh một cách hợp lệ.
Nếu các bạn bắt đầu cảm nhận được một khuôn mẫu ở đây, thì bạn biết điều gì sắp xảy ra: Câu này Olson thắng.
Điều gì làm nên một cuộc hôn nhân thành sự?
Máy:
Một cuộc hôn nhân thành sự trong Giáo Hội Công Giáo đòi hỏi phải đáp ứng một số điều kiện. Những điều kiện này bao gồm sự đồng ý tự do của cả hai bên, không có bất cứ trở ngại nào và việc tuân thủ các hình thức được yêu cầu. Sự ưng thuận tự nguyện của vợ hoặc chồng là điều cần thiết, nghĩa là họ phải tự nguyện và không bị ép buộc bước vào hôn nhân. Ngoài ra, không nên có trở ngại nào ngăn cản hôn nhân thành sự, chẳng hạn như cuộc hôn nhân trước đó chưa bị hủy bỏ hoặc mối quan hệ huyết thống gần gũi.
Cuối cùng, hôn lễ phải được cử hành theo thể thức đã định, thường có sự hiện diện của linh mục hoặc phó tế và hai nhân chứng.
Những yêu cầu này đảm bảo rằng một cuộc hôn nhân thành sự cả về mặt pháp lý lẫn bí tích dưới con mắt của Giáo Hội Công Giáo.
Olson:
Sự đồng ý của các bên, được thể hiện một cách hợp pháp, giữa những người đủ điều kiện theo luật.
Phán quyết của Pillar:
Máy đã phạm một sai lầm cổ điển. Nó giả định rằng câu hỏi đang nói về một cuộc hôn nhân hợp lệ của người Công Giáo, và do đó - ngoài việc quy định sự cần thiết của một hành vi ưng thuận tự do - giả định rằng hình thức giáo luật là cần thiết cho một cuộc hôn nhân “hợp lệ về mặt pháp lý và bí tích” trong con mắt của Giáo hội.
Trên thực tế, câu trả lời này có rất nhiều vấn đề, bởi vì Giáo hội cho rằng hôn nhân có thể được ký kết hợp lệ bởi những người không Công Giáo và bởi những người không theo đạo Thiên chúa - những người rõ ràng không bị ràng buộc bởi các quy tắc của Giáo hội về hình thức giáo luật.
Olson, rút ra từ Bộ Giáo luật, giải thích rằng sự ưng thuận, được biểu lộ một cách hợp pháp giữa những người hội đủ điều kiện, làm nên hôn nhân. Câu trả lời của anh ngắn gọn hơn, nhưng nó đã tránh được cạm bẫy của cỗ máy, vốn cố gắng làm quá nhiều và đã gục ngã.
Cho điểm cuối cùng về giáo luật:
Máy:0
Chuyên gia: 4
Kết luận
Quả thực, Magisterium AI rõ ràng là “đọc tốt” — nó có rất nhiều nguồn tài liệu tùy ý sử dụng và có thể truy cập chúng một cách nhanh chóng. Đôi khi nó hoạt động khá tốt trong việc nhai lại thông tin từ các nguồn tài liệu đó.
Nhưng thần học và giáo luật rất phức tạp — và cỗ máy mắc một số sai lầm sơ đẳng. Đôi khi nó nhầm lẫn các khái niệm liên quan. Đôi khi nó nói quá nhiều, và nói sai. Cỗ máy đôi khi sai hoàn toàn và đôi khi câu trả lời của nó rất hay — nhưng nếu bạn hỏi chúng tôi, thì nó vẫn chưa sẵn sàng cho giờ cao điểm.
Điều đó không có nghĩa là nó sẽ không xảy ra. Kỹ thuật trí khôn nhân tạo đang phát triển nhanh chóng. Nhưng hiện tại, khuyến nghị của chúng tôi là khi các câu hỏi quan trọng — và về vấn đề đức tin, chúng thường quan trọng — thì tốt hơn hết bạn nên hỏi các chuyên gia nhân bản.
Vietcatholic News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét