Nhớ Mẹ
Nói đến thánh nữ Maria Mai Đệ Liên chúng ta hay nghĩ đến người
phụ nữ ăn năn hối cải. Chính cách trình bày thánh nữ trên các tranh ảnh đã dẫn
dắt điều đó: người phụ nữ ôm chân Thầy Giêsu chết trên thập giá hay cầm bình bạch
ngọc... Và những câu chuyện về các người phụ nữ “tội lỗi” được trình thuật lại
trong Tin mừng mà người ta gom lại trong một người là Maria Mai Đệ Liên. Nhưng
thánh nữ Maria Mai Đệ Liên không phải là cô Maria ngồi dưới chân Chúa mà nghe
Ngài giảng dạy (Lc 10,38-41), hay là cô Maria xức chân Chúa ở Bêtania bằng dầu
thơm hảo hạng (Ga 12,1-8). Chị cũng không phải là Người phụ nữ ngoại tình (Ga
8,2-11) hay người phụ nữ tội lỗi ở nhà ông Pharisêu (Lc 7,36-50).
Maria Mai Đệ Liên là người quê ở vùng Mácđala, một thị trấn
nhỏ ở Galilê nằm bên bờ tây của hồ Tiberias, được Chúa Giêsu trừ bảy quỷ, đôi
khi được hiểu là những chứng bệnh phức tạp. Chị đi theo Chúa Giêsu từ Galilê
cùng các bà khác (Lc 8,1-3; 23, 49. 55). Chị đã theo Chúa Giêsu đến tận Núi Sọ,
đã chứng kiến giây phút khủng khiếp nhất của Chúa Giêsu là việc Ngài bị đóng
đinh vào thập giá, đã đứng bên Thầy khi Ngài bị treo lên và đã than khóc Ngài
(Mc 15,40; Mt 27,57-61; Ga 19,25). Chị là người đầu tiên ra viếng mộ buổi sáng
ngày thứ nhất (Ga 20,1). Không thấy xác Thầy, chị hốt hoảng chạy về báo cho hai
môn đệ khác (Ga 20,2). Rồi chị lại đến mộ lần nữa để tìm xác Thầy và đã được
Chúa Giêsu phục sinh tỏ mình trước tiên (Ga 20,11-18).
Mừng lễ thánh nữ hôm nay, chúng ta nghĩ đến sứ mạng cao cả của
Chúa Giêsu phục sinh trao phó cho ngài. Vào năm 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã
nâng lễ nhớ buộc mừng ngài thành lễ kính, ngang hàng với các Tông đồ, với tước
hiệu cao quý “Tông đồ của các tông đồ.”
(https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/nang-bac-le-thanh-maria-madalena-thanh-%E2%80%9Cle-kinh%E2%80%9D-25668
)
Thánh nữ Maria Mai Đệ Liên là bổn mạng của mẹ tôi: Maria Mai
Đệ Liên Phan Thị Nhẫn, một người Mẹ hiền lành, nhẫn nại, yêu thương, lo lắng
cho con cái trong suốt cuộc đời như tên gọi của mình.
Tôi còn nhớ, trong những ngày chiến tranh loạn lạc, hai
phương trời cách trở, Mẹ luôn hướng về Banmê để ngóng chờ tin con cho đến khi gặp
mặt, sự thương nhớ và lo lắng mới dần vơi.
Tôi còn nhớ, trong những tháng ngày đầu của hôn nhân, khi
người vợ thân yêu sắp sinh đứa con đầu lòng, Mẹ đã lên trước nhiều tháng để
mong được bế cháu và nâng đỡ trong những lúc cần thiết.
Và cũng rất nhiều lần, Mẹ đã lên ở với chúng tôi để mong được
gần gũi con cái và các cháu. Trong suốt cuộc đời của mình, tôi không gần gũi Mẹ
được bao nhiêu, vì tôi đã đi tu học từ những năm 12 tuổi và phần lớn cuộc đời
sinh hoạt tại mảnh đất cao nguyên Buồn Muôn Thưở mà Bao Mến Thương. Có lẽ vì thế
mà Mẹ thương tôi rất nhiều.
Tôi còn nhớ, vào năm 2002, Mẹ nằm bệnh viện Phạm Ngọc Thạch,
Sài-gòn, tôi rồi vợ đã đến thăm. Nhìn mẹ vẫn gầy như xưa mà lòng bao xúc động.
Mẹ vui vẻ và nhớ mọi điều, dù nhỏ, mà mọi người đã làm cho mẹ.
Và rồi, Mẹ ra đi vào một ngày mùa thu, ngày đầu tháng kính Mẹ
Mân Côi. Mẹ ra đi, nhưng Mẹ vẫn còn mãi trong ký ức của chúng con, những người
con mà Mẹ yêu thương, những người con mà Mẹ lo lắng trong suốt cuộc đời.
Mẹ ra đi nhưng suốt đời chúng con vẫn nhớ Mẹ. Nhớ Mẹ trong lời
kinh, nhớ Mẹ trong thánh lễ, nhớ Mẹ trong những ngày giỗ, nhớ Mẹ trong mọi khoảng
khắc cuộc đời...
Mẹ ơi!
Một lần nữa con lại về thăm Mẹ,
Trong chiều vàng, mây trắng, lững lờ bay
Con ngồi đây, thầm lặng, ước mơ này
Mẹ mãi mãi là người con yêu mến.
Giữa trời chiều,
tiếng chuông dài ngân vọng
Như lời kinh dâng lên Đấng Tối Cao
Khói hương trầm, dòng lệ nhỏ xôn xao
Nhớ thương Mẹ, từng ngày, từng giây phút.
Nơi xa ấy, Mẹ giờ đây
hạnh phúc
Con mãi chờ ngày gặp lại Mẹ yêu.
Một chiều vàng, mây trắng bay lơ lững
Khói hương trầm, tỏa ngát, lời kinh yêu. (Thăm Mẹ)
Nhớ mẹ muôn vàn
Nguyễn Thái Hùng
22.7.2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét