Đừng vội nhổ cỏ lùng
Khả năng nhận định là một trong những chìa khóa để phân biệt chính xác cỏ lùng hay lúa mì. Chú giải Tin Mừng Thánh Mát-thêu, Đức Phanxicô nêu lên nguy cơ sẽ nhổ luôn lúa mì và cỏ lùng cùng lúc với nhau.
Vaticannews, Jean-Charles Putzolu, Vatican, 2023-07-23
Tin Mừng Mátthêu (Mt 13, 24-43) là điểm khởi đầu cho bài suy tư của Đức Phanxicô trong giờ Kinh Truyền Tin ở Quảng trường Thánh Phêrô. Đoạn ngài chú giải là đoạn về lúa mì và cỏ lùng, khi người nông dân thấy cỏ dại xâm lấn trên cánh đồng lúa mì, thay vì để người làm công nhổ cỏ dại, người chủ chọn để lúa mì và cỏ dại cùng mọc với nhau, vì khi nhổ cỏ dại còn nhỏ, chúng ta có nguy cơ nhổ luôn cả lúa mì. Đức Phanxicô nói: “Thế giới cũng giống như cánh đồng rộng lớn, nơi Thiên Chúa gieo hạt giống tốt và ác quỷ gieo cỏ lùng, nơi điều thiện và điều ác cùng nhau phát triển”.
Đức Phanxicô trong giờ Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật 23 tháng 7 tại Quảng trường Thánh Phêrô
Lúa mì và cỏ lùng cùng mọc
Vì thế ngài cảnh báo chống lại xu hướng ngay lập tức loại bỏ cỏ dại xâm lấn làm hại cánh đồng lúa mì. Ngài giải thích, đây là cám dỗ muốn tạo một thế giới sạch sẽ, như thế sẽ ngăn chúng ta tạo một thế giới hoàn hảo, chúng ta không thể làm điều tốt khi vội vàng tiêu diệt những gì xấu, vì có thể có một hậu quả nghiêm trọng hơn: cuối cùng chúng ta sẽ ném cả lúa tốt và cỏ lùng ra với nhau.
Ngài nói tiếp: “lúa mì và cỏ lùng cùng nhau mọc lên, và hàng ngày chúng ta thấy điều này trong tin tức, trong xã hội, trong gia đình cũng như trong Giáo hội.”
Lãnh vực của trái tim
Nhưng một lãnh vực khác mà ngài muốn chúng ta chú ý: lãnh vực của trái tim, lãnh vực duy nhất chúng ta có thể can thiệp trực tiếp. Như trong tất cả các lãnh vực khác, lãnh vực này cũng có lúa mì và cỏ lùng, và chính từ trái tim chúng ta, hai loại này tràn ra cánh đồng lớn lao của thế giới. Ngài nói tiếp: “Trái tim là cánh đồng của tự do, một cánh đồng mở và vì thế nó dễ bị tổn thương và phải được canh tác đúng cách.” Để có khả năng vừa chăm sóc lúa mì vừa nhận diện và diệt cỏ lùng, chúng ta phải xét mình, để dưới ánh sáng của Chúa, chúng ta có thể kiểm đâu là cỏ dại và đâu là hạt tốt.”
Cánh đồng của người láng giềng
Sau cánh đồng của thế giới và của trái tim, Đức Phanxicô nói đến cánh đồng thứ ba, cánh đồng của người láng giềng, những người chúng ta gặp gỡ hàng ngày và cũng là những người chúng ta thường xét đoán. Thường thường chúng ta dễ dàng thấy cỏ lùng nơi người thân cận, nhưng nhìn thấy hạt giống tốt nơi họ lại khó hơn nhiều. Ngài nói: “Để thoát ra khỏi cái nhìn nguyên sơ này, điều quan trọng là phải tìm công trình của Chúa trên hết mọi sự, thấy nơi người khác, nơi thế giới và nơi chính chúng ta vẻ đẹp của những gì Chúa đã gieo, lúa mì tắm trong ánh nắng với những bông lúa vàng. Việc học cách để đọc nơi người khác, bắt đầu từ trái tim của chính mình, là học cách tin tưởng vào người láng giềng của chúng ta, vì Thiên Chúa, người nông dân của cánh đồng mênh mông thế giới, thích nhìn thấy điều tốt đẹp và làm cho nó lớn lên”.
Do đó, điều cần thiết trên hết là hướng cái nhìn của chúng ta về trái tim của mình và tự hỏi liệu chúng ta có biết cách “vượt qua cơn cám dỗ quét sạch người khác” bằng những phán đoán của mình không, liệu chúng ta có thành thật với chính mình bằng cách ném cỏ dại của mình “vào ngọn lửa lòng thương xót của Chúa”, và liệu chúng ta có “đủ khôn ngoan để nhìn ra điều gì là tốt” mà không “chán nản trước những giới hạn và sự chậm chạp của người khác”.
Marta An Nguyễn dịch
https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/hoc-hoi-phuc-am-chua-nhat-17-thuong-nien-nam-a-52279
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét