Trang

Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2023

Lễ Đức Mẹ Mân Côi (01.10) – Những cuộc thụ thai lạ lùng trong Kinh Thánh

 

Lễ Đức Mẹ Mân Côi (01.10) – Những cuộc thụ thai lạ lùng trong Kinh Thánh

 
  •  
  •  


CHƯƠNG TRÌNH DƯỚI ÁNH SÁNG LỜI CHÚA

LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI (01.10)

BÀI 33: NHỮNG CUỘC THỤ THAI LẠ LÙNG TRONG KINH THÁNH

Lm. I-nha-xi-ô Hồ Văn Xuân, Tổng Đại Diện Gp. Sài Gòn
và NPD. CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ

WGPSG (27.09.2023) – Chúa nhật tới đây chúng ta mừng kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi. Bài Tin Mừng thuật lại biến cố truyền tin cho Đức Ma-ri-a (Lc 1,26-38), khởi đầu cho công trình cứu độ của Thiên Chúa thực hiện nơi Đức Ki-tô, với sự cộng tác của người nữ tỳ khiêm tốn của Thiên Chúa là Đức Ma-ri-a.


Trong bài học hỏi này, chúng ta cùng tìm hiểu điều kỳ diệu được thần sứ Gáp-ri-en loan báo với Đức Ma-ri-a, đó là sự thụ thai đặc biệt của Con Thiên Chúa nơi cung lòng Đức Ma-ri-a. Đây là sự kiện có một không hai trong dòng lịch sử nhân loại. Dù vậy, Kinh Thánh cũng cho biết, nhiều lần quyền năng Thiên Chúa đã can thiệp để có những cuộc thụ thai lạ lùng nơi một số người phụ nữ. Vậy, chúng ta cùng điểm qua một số trường hợp thụ thai cách lạ lùng như được ghi lại trong Kinh Thánh.

Những cuộc thụ thai lạ lùng trong Cựu Ước

1. Bà Xa-ra : là vợ của ông Áp-ra-ham (x. St 17,15), tên Híp-ri của bà có nghĩa là “công nương” hay “người phụ nữ quý phái,” và bà cũng là một phụ nữ có nhan sắc (x. St 12,11.14). Thế mà cuộc đời của bà rất đỗi gian truân, suốt nhiều năm phải vượt núi băng đồi cùng Áp-ra-ham trải qua nhiều vất vả đói khát ; nhưng điều bất hạnh nhất vẫn là sự hiếm hoi son sẻ mà bà đã phải chịu (x. St 11,30). Bản văn dùng từ a-ca-ra (עֲקָרָה) nghĩa chính “cằn cỗi, khô cằn”, chỉ người phụ nữ không có khả năng mang thai, không thể sinh con. Khi bà Xa-ra biết mình không thể sinh con, bà đã phải cho nữ tỳ của mình là Ha-ga đi lại với ông Áp-ra-ham để có người nối dõi (x. St 16,2-3). Nhưng cách giải quyết đó lại khiến cho bà tủi nhục thêm, vì người nữ tỳ khi có thai lại khinh thường bà (c. 4). Điều đó cho thấy con người có khôn khéo cách mấy cũng chuốc lấy thất bại ; chỉ đến khi bà phải than trách với ông Áp-ra-ham và cầu xin Thiên Chúa phân xử (x. St 16,5). Lời cầu xin của bà đã được Thiên Chúa chấp nhận, Kinh Thánh dùng kiểu nói : “Đức Chúa viếng thăm bà Xa-ra” có nghĩa là Thiên Chúa đã can thiệp để bà Xa-ra thụ thai một cách lạ lùng và bà đã sinh ra I-xa-ác (x. St 21,1-3), dù lúc ấy bà đã chín mươi tuổi, và ông Áp-ra-ham đã trăm tuổi (x. St 17,17).

2. Bà Rê-bê-ca : là vợ của ông I-xa-ác. Cũng như bà Xa-ra, bà này cũng son sẻ hiếm hoi, nhưng nhờ I-xa-ác khẩn cầu ĐỨC CHÚA cho vợ ông ... ĐỨC CHÚA nhậm lời ông” (St 25,21), Thiên Chúa lại can thiệp và bà đã thụ thai, không những vậy, bà còn sinh đôi : Ê-xau và Gia-cóp (x. 25,24-26).

3. Bà Ra-khen : Dù được Gia-cóp hết mực yêu thương, bà cũng không sinh con và khi than vãn với Gia-cóp về nỗi buồn tủi vì sự son sẻ của mình, bà đã bị Gia-cóp nặng lời : “Tôi đâu có thay quyền Thiên Chúa là Đấng đã không cho bà sinh đẻ !” (St 30,2). Tuy nhiên, Thiên Chúa đã nhớ đến bà, đã nhậm lời bà và đã cho bà sinh đẻ được. Bà đã thụ thai và sinh con trai, chính là Giu-se (x. St 30,22-24).

Ngoài ba người phụ nữ trên, cũng có những phụ nữ son sẻ khác, được Thiên Chúa can thiệp cho thụ thai cách lạ lùng, như bà mẹ của Sam-sôn (x. Tl 13,2-3), bà An-na mẹ của Sa-mu-en (x. 1 Sm 1,2.5.9-20).

Đọc những trình thuật về những cuộc thụ thai lạ lùng nơi những phụ nữ son sẻ, chúng ta nhận ra rằng : son sẻ là một nỗi tủi nhục cho những phụ nữ Do-thái, họ quan niệm đó là một sự dữ, vì nó nghịch lại với ý muốn của Thiên Chúa Sáng Tạo : “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất” (St 1,28). Thế mà, một điều đáng chú ý là trình thuật Kinh Thánh nhấn mạnh rằng, các bà vợ của ba vị tổ phụ đều son sẻ, đó là Xa-ra, Rê-bê-ca và Ra-khen. Điều đó cho thấy việc Thiên Chúa tuyển chọn dân riêng là một mầu nhiệm, có tính cách nhưng không, và tất cả mang dấu ấn của ân sủng. Con người hoàn toàn bất lực trước sự son sẻ và tuổi già, chính ông Gia-cóp đã phải thốt lên với bà Ra-khen : “Tôi đâu có thay quyền Thiên Chúa là Đấng đã không cho bà sinh đẻ !” (St 30,2), nhưng chính khi con người bất lực thì Thiên Chúa ra tay, vì “chẳng có điều gì kỳ diệu vượt sức ĐỨC CHÚA” (St 18,14), hoặc “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37). Đứng trước ân huệ nhưng không, con người phải biết mở lòng ra đón nhận và cất tiếng ca tụng như bà An-na, thân mẫu của Sa-mu-en : “Tâm hồn con hoan hỷ vì ĐỨC CHÚA, nhờ ĐỨC CHÚA, con ngẩng đầu hiên ngang … Vâng, con vui sướng vì được Ngài cứu độ” (1 Sm 2,1). Việc Chúa làm quả thật lạ lùng khi mà “người hiếm hoi thì sinh năm đẻ bảy, mẹ nhiều con lại ủ rũ héo tàn” (1 Sm 2,5b).

Những cuộc thụ thai lạ lùng trong Tân Ước

Những cuộc thụ thai lạ lùng được thuật lại trong Cựu Ước như thể dọn đường cho cuộc thụ thai có một không hai trong Tân Ước. Đó là cuộc thụ thai Đấng Cứu Thế trong cung lòng Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Nhưng trước đó cũng có một cuộc thụ thai khác thường có liên quan tới cuộc thụ thai Đấng Cứu Thế, đó là cuộc thụ thai của bà Ê-li-sa-bét, vợ của tư tế Da-ca-ri-a. Cả hai ông bà nhà này đều sống công chính, nhưng cho đến khi về già, họ vẫn không có con (x. Lc 1,5-7). Dù vậy, hai ông bà vẫn kiên trì cầu khẩn và trông ngóng lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì thế, cuối cùng họ cũng được toại nguyện khi Thiên Chúa can thiệp để cho bà Ê-li-sa-bét có thai một người con trai, người con đó chính là Gio-an Tẩy Giả, người dọn đường cho Đấng Cứu Thế (x. Lc 1,76). Theo đó, có thể nói cuộc thụ thai lạ lùng của bà Ê-li-sa-bét như một gạch nối giữa thời Cựu Ước và Tân Ước, Gio-an Tẩy Giả như một ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước, và cũng là người giới thiệu Chúa Giê-su cho đồng bào ông (x. Ga 1,29-34) và cho các môn đệ của ông (x. Ga 1,35-37).

Cuộc thụ thai lạ lùng vượt trên tất cả những cuộc thụ thai được nói đến trong Kinh Thánh, chính là cuộc thụ thai Đấng Cứu Thế trong cung lòng Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Tin Mừng theo thánh Mát-thêu và Lu-ca đều xác quyết sự trinh khiết của Đức Ma-ri-a trong việc thụ thai Đức Giê-su (x. Mt 1,18-23 ; Lc 26-38). Tuy nhiên, thánh Mát-thêu chỉ vắn tắt và dừng lại nơi việc thụ thai đồng trinh của Đức Ma-ri-a là để hoàn tất lời ngôn sứ Is 7,14 : “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai …” (Mt 1,23), nhưng để cho thấy việc thụ thai đồng trinh, thánh Mát-thêu đã trích dẫn bản Hy-lạp với từ par-the-nos (παρθενος) , có nghĩa là “trinh nữ”. Còn trong bản Híp-ri, tác giả dùng từ al-ma (עַלְמָה) có thể hiểu là “thiếu nữ”, “người phụ nữ trẻ” hay “cô con gái” nói chung. Cũng nên biết là hạn từ Híp-ri dùng để chỉ người “trinh nữ” là bơ-tu-la (בְתוּלָה) (x. St 24,16 ; Lv 21,3 ; Tl 19,24 ; Tv 45,15 ...). Thánh Lu-ca trình bày cuộc thụ thai lạ lùng của Đấng Cứu Thế một cách chi tiết hơn qua cuộc đối thoại giữa Đức Ma-ri-a và thiên sứ Gáp-ri-en, mà ngay câu mở đầu tác giả cho biết sự việc xảy đến cho “một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a” (Lc 1,27). Ở đây tác giả không gọi Đức Ma-ri-a là “vợ” của thánh Giu-se như Tin Mừng Mát-thêu (x. Mt 1,20.24), mà xác định Đức Ma-ri-a là một trinh nữ par-the-nos (παρθενος).

Các trình thuật Tin Mừng (x. Mt 1,18-25 ; Lc 1,26-38) xem việc thụ thai đồng trinh như một công trình của Thiên Chúa, vượt quá tầm hiểu biết và khả năng nhân loại (x. Lc l,34). Thiên thần đã nói với ông Giu-se về Đức Ma-ri-a, hôn thê của ông : “Người con bà cưu mang là do quyền năng Thánh Thần” (Mt 1,20). Hội Thánh nhìn nhận đây là việc Thiên Chúa thực hiện lời hứa qua miệng ngôn sứ I-sai-a : “Này đây Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai” (Is 7,14).

Tóm lại, qua việc tìm hiểu những cuộc thụ thai lạ lùng trong Kinh Thánh, chúng ta thấy được quyền năng vô biên và tình thương nhưng không của Thiên Chúa dành cho con người. Nhưng đồng thời chúng ta cũng thấy Thiên Chúa không thực thi bất cứ điều gì mà lại bất chấp con người, trái lại Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do của con người và đòi hỏi sự cộng tác dù nhỏ bé, không đáng kể từ nơi những con người yếu đuối bất toàn.

Xin được kết thúc bài chia sẻ bằng bài Thánh ca của bà An-na, thân mẫu ngôn sứ Sa-mu-en (x. 1 Sm 2,1-10), vì Chúa đã đoái thương đưa bà ra khỏi nỗi tủi hổ vì son sẻ, bài thánh ca này cũng là nguồn cảm hứng cho bài Magnificat của Đức Ma-ri-a trong ngày thăm viếng bà Ê-li-sa-bét.

Tâm hồn con hỷ hoan vì Chúa,
nhờ Chúa, con ngẩng đầu hiên ngang.
Con mở miệng nhạo báng quân thù :
vâng, con vui sướng vì được Ngài cứu độ.

Chẳng có Đấng Thánh nào như Chúa,
chẳng một ai khác ngoại trừ Ngài,
chẳng ai vững mạnh bằng Thiên Chúa chúng con.

Các ngươi chớ nhiều lời huênh hoang tự đắc,
miệng đừng thốt ra điều ngạo mạn,
vì Chúa là Thiên Chúa quán thông,
mọi hành vi, chính Người xét xử.

Cung nỏ người hùng bị bẻ tan,
kẻ yếu sức lại trở nên hùng dũng.

Người no phải làm mướn kiếm ăn,
còn kẻ đói được an nhàn thư thái.
Người hiếm hoi thì sinh năm đẻ bảy,
mẹ nhiều con lại ủ rũ héo tàn.

Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử,
đẩy xuống âm phủ rồi lại kéo lên.
Chúa bắt phải nghèo và cho giàu có,
Người hạ xuống thấp, Người cũng nhắc lên cao.

Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi,
ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro,
đặt ngồi chung với hàng quyền quý,
tặng ngai vinh hiển làm sản nghiệp riêng.

Nguồn: tgpsaigon.net

https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/le-duc-me-man-coi-01-10-nhung-cuoc-thu-thai-la-lung-trong-kinh-thanh-52712

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét