IV.Sự phục sinh của Chúa Giêsu: Biến cố thần học có tính quyết định



Câu 67: Há Thiên Chúa đã không thắng vượt cái chết của Chúa Giêsu trong biến cố phục sinh hay sao?Thập giá là biến cố quá khứ. Há chúng ta không nên nhấn mạnh tới phục sinh hay sao?

Nếu Chúa Giêsu chỉ chết trên thập giá, bị khinh bỉ như một thất bại và bị đóng đinh như một tội phạm, tôi hồ nghi chúng ta còn nói về Người ngày nay. Phục sinh đem lại ý nghĩa cho thập giá như một mặc khải việc Thiên Chúa sẵn lòng chấp nhận sự sống và cái chết nhân bản này như là của riêng Thiên Chúa. Nhưng, mặt khác, thập giá cũng đem lại ý nghĩa cho phục sinh. Chúng ta không nói đến lòng mong chờ phục sinh phổ quát vào ngày tận thế, một điều mà một số người đương thời với Chúa Giêsu tin là đang xẩy tới, nhưng nói đến sự phục sinh của con người này là Chúa Giêsu thành Nadarét, bị kết án là tên phạm thượng bởi nhiều người thuộc dân tộc của Người, bị đóng đinh như tên phản loạn của quyền lực chiếm đóng La Mã và đã chết bị Thiên Chúa nguyền rủa và bỏ rơi (Gl 3:13; Mc 15:34tt). Thập giá và phục sinh, dù là những khoảnh khắc có thể phân biệt được, đã hình thành một biến cố không thể tách biệt. Hình ảnh người cha chạy ra đường, ôm lấy con trai mình và hôn lấy hôn để đứa con trong dụ ngôn người có hai con trai (Lc 15:11-32), đối với tôi, là hình ảnh mạnh mẽ và cảm động của phục sinh. Trong trường hợp Chúa Giêsu, Chúa Con, dù vô tội, “đã trở thành tội lỗi” chịu trọn vẹn các hậu quả của khả năng làm điều ác của con người. Chúa Cha, vào khoảnh khắc Chúa Con chịu chết, ôm lấy Người bằng sức lực sáng tạo, biến đổi của Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa mãi trung thành trong tình yêu thậm chí dù bị con người thù nghịch và bác bỏ. Đáp trả thần linh đối với sự cứng lòng của con người tiếp tục là điều Thiên Chúa vốn là do bản tính: “Tình yêu trung thành” (Tv 89:1-2; một thể tài chung xuyên suốt Kinh
Thánh Do Thái).



Hai chiều kích của lòng trung thành nhân bản và lòng trung thành thần linh hẳn mãi bất khả tách biệt trong biến cố thập giá-phục sinh. Sự sống nhân bản này, từ lúc được tượng thai cho tới lúc chết, với mọi đấu tranh và cám dỗ cũng như hân hoan và chiến thắng, là chính sự sống nhân bản của Thiên Chúa. Không phải sự sống nhân bản của Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy một cách khả hữu để đạt được cuộc giải phóng nhân bản thực sự; giờ đây nó được tuyên bố là cách duy nhất. Nhưng sự sống nhân bản này có nguồn gốc của nó trong tình yêu trung thành của Thiên Chúa: được tượng thai trong quyền lực Chúa Thánh Thần, được Chúa Thánh Thần xức dầu, “xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng” (Rm 1:4). Chúng ta biết rằng Chúa Giêsu mãi trung thành với chúng ta, vâng phục sứ mệnh thần linh đã trao cho Người, vì Thiên Chúa đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết. Chính trọn cuộc sống của Người, nhưng nhất là lòng trung thành của Người trên thập giá, đã biến đổi phận người và giúp chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa trong Người (Rm 8:12-17). Tuy nhiên, lòng trung thành nhân bản của Người có nguồn gốc và cùng đích của nó trong lòng trung thành thần linh. Chính việc Thiên Chúa ôm lấy sự sống và cái chết nhân bản này làm của riêng đã chiến thắng được quyền lực sự chết và ban cho ta tính mới mẻ của sự sống.

Câu 68: Có phải cha nói rằng Chúa Giêsu không phải là Thiên Chúa cho tới lúc phục sinh?

Không, nhưng điều tôi muốn nói là bất cứ ta hiểu thế nào khi gọi Chúa Giêsu là Thiên Chúa phải tính đến sự sống nhân bản trọn vẹn của Người. Vì sự hợp nhất của Người với thể thần linh, Chúa Giêsu không hề kém nhân bản hơn chúng ta. Ngược lại, chính việc Người kết hợp với thể thần linh làm Người nên trọn vẹn nhân bản hơn cả, “Đấng duy nhất nhân bản” hay “Con Người”, Đấng một cách trọn vẹn, nhưng một cách độc đáo, thể hiện ý định sáng tạo của Thiên Chúa dành cho toàn bộ nhân loại. Điều Người là do bản chất, chúng ta có nhờ được nhận làm con nuôi (hay tham gia) trong Người (Rm 8:15). Điều việc phục sinh mạc khải là sự trọn vẹn của nhân tính. Chúa Giêsu không kém phần nào vì là thần linh; đúng hơn, chúng ta mới là người ít có tính nhân bản hơn khi ra xa lạ hay tách khỏi thể thần linh. Tội lỗi không làm chúng ta thành nhân bản; nó phi nhân hóa chúng ta vì nó cắt đứt chúng ta khỏi nguồn duy nhất của nhân tính đích thực, tức Thiên Chúa của Chúa Giêsu, sống động, tích cực, hiện diện trong tâm hồn và trong mọi liên hệ của chúng ta.

Như thế, phục sinh đem đến hoàn tất hay hoàn thành ý định sáng tạo của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Dùng hình ảnh trái ngược của khải huyền (sự khác biệt giữa thế giới này và thế giới đang đến), Thánh Phaolô nói rằng điều được gieo trồng là “thân thể có sinh khí”. Ngài nhắc tới Sáng thế 2:7 trong đó, hữu thể nhân bản đầu tiên (Ađam) được dựng nên từ bụi đất và hơi thở Thiên Chúa (Thần Khí) đến nỗi điều được hình thành là một “hữu thể sống động”. Đây là hiện hữu “Ađam” nhân bản bình thường mà tất cả chúng ta, và đặc biệt nhất là Chúa Giêsu, trải nghiệm. Nhưng, như Thánh Phaolô khai triển thêm tại thư Rôma, các chương 5-7, sự sống nhân bản này lệ thuộc sức mạnh của tội lỗi (chương 5), sự chết (chương 6) và lề luật (chương 7). Ngược lại, theo thánh Phaolô, điều được trỗi dậy là “thân thể có thần khí” (như thường được phiên dịch tại 1Cr 15:44). Tôi nghĩ điều này có nghĩa: điều được trỗi dậy nằm trong tính liên tục thể xác (sōma=thể xác, dùng trong cả hai cách nói) với điều được gieo trồng, nhưng giờ đây, “con người có thân xác” đã được biến đổi bởi quyền năng sáng tạo của Thần Khí Thiên Chúa. Nó là một tạo vật mới, một hữu thể nhân bản mới.

Theo truyền thống, chúng ta vốn nói tới 3 ơn phúc mà Ađam và Evà đã nhận được nhưng đã đánh mất, tức là ơn thánh hóa (kết hợp với thể thần linh), ơn toàn vẹn (thực thi trọn vẹn và hài hòa các khả năng nhân bản mà không có bất cứ xu hướng nào hướng tới tư dục hay yếu đuối xác thịt), và bất tử (theo nghĩa không lệ thuộc sức mạnh của sự chết). Một cách tương ứng, mỗi ơn phúc này đếu có điều ngược lại với nó: đó là tội lỗi – lề luật – sự chết (như đã được Thánh Phaolô khai triển trong thư Rôma, các chương 5-7). Bất chấp chúng ta hiểu câu truyện Ađam và Evà ra sao, đối với Thánh Phaolô, điều chắc chắn đúng là Thiên Chúa đã chiến thắng quyền lực của tội lỗi, lề luật và sự chết trong việc phục sinh của Chúa Giêsu (1Cr 15:56-57; Rm 8). Theo tôi, Chúa Giêsu khi sống lại đã thể hiện trong Người và do đó, bằng cách tham gia, đã làm cho việc biến đổi trọn vẹn và sau cùng thân phận của con người thành có sẵn cho mọi con người (1Cr 15:51-52): kết hợp với thể thần linh, một hiện hữu tích hợp nhân bản, và chiến thắng kẻ thù cuối cùng là sự chết.

Câu 69: Hiện nay, Chúa Giêsu có cùng một thân xác như Người đã có trước khi chết không?

Thánh Phaolô có bàn đến vấn đề này. Ngài nói rằng “có người sẽ nói : Kẻ chết trỗi dậy thế nào? Họ lấy thân thể nào mà trở về?” (1Cr 15:35). Thật vậy, ngài bảo: đây là câu hỏi ngớ ngẩn, tuy nhiên, ngài vẫn tiếp tục trong một số câu (các câu 35-57) giải thích điều ngài muốn nói. Ngài dựa vào các loại suy trong thiên nhiên để chứng minh rằng có nhiều loại thân xác. Trọng điểm là Thiên Chúa ban cho mỗi người thân xác riêng tùy ý Thiên Chúa tự do lựa chọn. Toàn bộ sáng thế và nhất là việc phục sinh tùy thuộc óc sáng tạo thần linh. Điểm căn bản của ngài là chứng minh sự tương phản giữa điều được gieo trồng và điều được trỗi dậy, nhưng sự tương phản này cũng ngụ ý tính liên tục như một biến đổi nhân bản (các câu 51-53; Pl 3:21).

Một điều chắc chắn: thân xác sống lại không phải là xác chết được hồi sinh nghĩa là việc trở về sự sống đời này để rồi sau đó vẫn phải đương đầu với sự chết như trường hợp Ladarô (Ga 11:38-44; 12:10). Thánh Phaolô không tìm cách đưa ra một mô tả thể lý về thân xác sống lại. Đúng hơn, ngài khai triển ý nghĩa thần học như là chiến thắng của Thiên Chúa trên tội lỗi, lề luật và sự chết. Nhưng ẩn dụ phục sinh (“thức dậy từ giấc ngủ”) là điều quan trọng. Bất tử theo nghĩa một sự tách rời của linh hồn thiêng liêng có thể sống hoài hoài khỏi các giới hạn của thân xác thể lý vốn là một ý niệm Hy Lạp. Hình ảnh Do Thái về phục sinh có tính cách toàn bộ (holistic) hơn. Nó ám chỉ toàn bộ con người như một tinh thần có thân xác không thể tách biệt được. Khi Thánh Phaolô sử dụng sōma (thân xác), ngài có ý nói đến toàn bộ con người. Cùng một con người-thân xác này sống qua quãng đời nhân bản thông thường từ lúc sinh tới lúc chết tiếp tục sống bên kia cái chết, nhưng nay, trong vinh quang sống lại như được biến đổi bởi quyền lực sáng tạo của Thần Khí Thiên Chúa. Tính liên tục bao gồm cả bản sắc (cùng một con người) lẫn khác biệt (biến đổi nhân bản). Chúng ta không thể mô tả bằng các hạn từ thể lý, thân xác sống lại sẽ như thế nào. Chúng ta chỉ có thể nói về nó bằng loại suy với các kinh nghiệm nhân bản bình thường của chúng ta, cùng một lúc khẳng định rằng nó hoàn toàn vượt lên trên các kinh nghiệm của chúng ta. Một loại suy tốt là kinh nghiệm bản thân của ta về lớn lên và phát triển. Chúng ta biết rằng chúng ta vẫn là cùng một con người ở lúc mới sinh, tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng chúng ta đã thay đổi một cách căn để.

Nhận xét cuối cùng: ý nghĩa của việc phục sinh thân xác không nên bị giới hạn vào bản ngã cá nhân của chúng ta. Cuộc phục sinh của Chúa Giêsu là khởi đầu một cuộc biến đổi toàn bộ vũ trụ. Như thế, ý nghĩa trọn vẹn của phục sinh chỉ có thể được biết đến khi mọi tạo vật lớn nhỏ đều được biến đổi trong Chúa Kitô. Giáo Hội tiên khởi đã nhìn nhận một bài thánh ca tuyệt vời (Cl 1:15-20), hát rằng nếu Chúa Giêsu là “trưởng tử trong số những người từ cõi chết” thì Người cũng là “trưởng tử của mọi loài thụ tạo”.

Câu hỏi 70: Con đã nghe một số người gọi Chúa Giêsu là “Đấng Kitô vũ trụ”. Điều này nghĩa là gì?

Xin nói nhanh, dưới ánh sáng phục sinh, Giáo Hội tiên khởi tri nhận rằng chức chúa của Chúa Kitô Phục sinh trải dài trên khắp sáng thế. Phục sinh đôi khi được gọi là “biến cố cánh chung” nghĩa là nó là hành vi cuối cùng và có tính quyết định của óc sáng tạo của Thiên Chúa đối với toàn bộ sáng thế. Nếu Chúa Giêsu như Đấng Sống Lại đồng nhất hóa với hành vi cuối cùng và có tính quyết định của Thiên Chúa, thì điều này hàm ý Người đồng nhất hóa với toàn bộ óc sáng tạo của Thiên Chúa từ khởi thủy cho đến tận cùng. Nói cách khác, Người đồng nhất với toàn thể vũ trụ.

Đó là năng động tính của bài thánh ca tiên khởi chúng ta thấy được lồng vào thư gửi tín hữu Côlôxê (1:15-20). Bài thánh ca này có hai phần chính tự giải thích hỗ tương cho nhau. Phần thứ nhất (các câu 15-18b), tức phần bắt đầu “Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, trưởng tử mọi loài thụ tạo” thăm dò các hàm ý vũ trụ của việc phục sinh. Mọi sự được tạo dựng trong Người, nhờ Người, và cho Người để Người nâng đỡ toàn bộ vũ trụ. Phần thứ hai (các câu 18c-20), tức phần bắt đầu “Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại” khẳng định rằng chính việc sống lại của Người đã tạo nên sự ưu việt của Người đối với mọi loài. Như thế, chính sự phục sinh, sự viên mãn của của tình yêu hòa giải của Thiên Chúa trong Người nay ban cho Người việc thống trị và quyền lực khắp mặt đất, trên cả người sống lẫn người chết. Theo 1Pr 3:18-22 (đoạn chứa các mảnh của một bài thánh ca xưa nữa), Chúa Giêsu sống lại ‘được làm cho sống động trong Chúa Thánh Thần” đã rao giảng trong lãnh vực người chết cho những người “thời xưa đã không vâng lời”. Chúa sống lại có quyền lực trải rộng trở lại khắp các tổ tiên và chuyển dịch hướng tới chiến thắng cuối cùng “trên các quyền lực vũ trụ” (Eph 6:12; so sánh 1Cr 15:20-28).

Ngôn ngữ Kinh Thánh có lúc khá mạnh mẽ và có tính khải huyền: một cuộc chiến đấu chống các kẻ thù vốn thù nghịch và ác độc và có uy lực riêng của chúng. Có lúc lại khá yêu thương và hòa giải: một biến đổi hòa bình mọi sự trong Chúa Kitô. Thay vì đặt hình ảnh này chống lại hình ảnh kia như thể chúng mâu thuẫn nhau, đối với tôi, xem ra có ích hơn khi tiếp nhận quan điểm thực tiễn hơn (xem câu hỏi 64). Cả hai đều khả hữu. Hình dạng cuối cùng của thế giới sắp đến sẽ tùy thuộc cách ta đáp ứng mầu nhiệm ý định của Thiên Chúa “đặt nơi Chúa Kitô” (Eph 1:9).

http://vietcatholicnews.org/News/Home/Article/284891