MỘT TRĂM LẺ MỘT CÂU HỎI VỀ CHÚA GIÊSU: CÂU 51-55
Câu hỏi 51: Giáo Hội bắt đầu có từ bao giờ? Con nghĩ Chúa Giêsu đã thiết lập Giáo Hội chúng ta có ngày nay.
Giáo Hội chúng ta có ngày nay là sản phẩm của hai ngàn năm lịch sử. Giáo Hội liên tục với các truyền thống của quá khứ nhưng trong tư cách hiện thân sống động của các truyền thống này qua các thời đại, Giáo Hội đã thích ứng và biến đổi dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Thế nhưng sứ mệnh nền tảng được trao cho Giáo Hội từ thời các Tông đồ vẫn luôn y hệt: công bố tin mừng rằng Thiên Chúa đã nâng Chúa Giêsu dậy từ cõi chết, hiện thân tin mừng này trong chính các mối tương quan nội bộ cộng đồng và bí tích, và phục vụ thế giới trong đó Giáo Hội sống bằng cách biến đổi các tương quan bản thân và các cơ cấu xã hội bằng các giá trị tin mừng biện phân được trong Chúa Thánh Thần. Như thế, Giáo Hội như chúng ta biết được phát sinh trong cảm nghiệm phục sinh. Giáo Hội sống trong sự hiện diện của Chúa Sống lại, Đấng ở với Giáo Hội cho đến tận cùng thời gian (Mt 28:20).
Thế nhưng Giáo Hội này được gọi là một “cộng đồng môn đệ”. Nó không phải là Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô nếu không bén rễ và đặt cơ sở nơi Chúa Giêsu thành Nadarét. Như thế, dù, trong thừa tác vụ lịch sử của Người, Chúa Giêsu không chính thức thiết lập Giáo Hội như chúng ta biết ngày nay, càng không đặt để một loại thiết kế liên quan tới khuôn khổ cai trị hay đời sống bí tích tương lai, nhưng việc Người công bố vương quốc, cách Người sống cuộc sống của Người, các quan tâm của Người đối với việc biến đổi bản thân và xã hội là những thành phần cấu thành việc Kitô giáo tự hiểu về chính mình. Sứ mệnh của Chúa Giêsu là được sai đến với “những con chiên lạc nhà Israel” (Mt 15:24). Người kêu gọi nhóm mười hai như một biểu tượng của Israel đổi mới. Người du hành qua các làng mạc và thị trấn của dân Người, tìm cách đem vào lòng họ sự biến đổi này sẽ đổi mới và lên sinh lực lại cho Israel và do đó thể hiện ơn gọi đích thực của họ làm ánh sáng cho Dân Ngoại.
Tôi nghĩ chúng ta phải thừa nhận rằng Người đã thất bại, sứ mệnh của Người lãnh nhận từ Chúa Cha đã kết thúc trong bác bỏ, thất bại và cái chết. Phục sinh biểu hiệu một sự sống mới, một khởi đầu mới, đúng hơn, một sáng thế mới (2Cr 5:17; Gl 6:15) đối với cả Người lẫn những kẻ thuộc về Người trong đức tin phục sinh. Giáo Hội sau phục sinh dần dần tiến đến chỗ tự hiểu về mình không những như sự ứng nghiệm thực sự các lời hứa đã ban cho Israel, những lời hứa vẫn còn đó theo Thánh Phaolô trong thư gửi tìn hữu Rôma (các chương 9-11), mà còn như Israel mới đã thay thế Israel cũ theo Tin Mừng Gioan và thư gửi tín hữu Do Thái trong đó điều này là một chủ đề mạnh mẽ và trung tâm. Vì tất cả những điều này, Giáo Hội vẫn biết rằng Đấng Mêxia của mình đã được sai đến với dân tộc Israel của Người. Chúa Giêsu tin Thiên Chúa của Ápraham, của Isaác và của Giacóp. Các tín hữu của Người là con cái của cùng một Thiên Chúa ấy. Đối với người Do Thái giáo, người Kitô giáo và người Hồi giáo, Ápraham là cha chung của chúng ta trong đức tin. Bác bỏ gốc rễ Do Thái của Giáo Hội là bác bỏ chính Chúa Giêsu.
Câu hỏi 52: Tại sao Chúa Giêsu lại khắc nghiệt như thế với các môn đệ của Người, bảo họ ghét gia đình họ và không trở về nhà nói lời tạm biệt, hay chôn người chết?
Các lời Chúa Giêsu nói về việc làm môn đệ gây ngỡ ngàng cho cả người cùng thời với Người: không có chỗ đặt đầu nghĩa là một căn nhà; không thi hành bổn phận thánh thiêng nhất là chôn cất cha ruột mình; không cả việc về nhà để nói lời tạm biệt với gia đình mình (Lc 9:57-62)! Tệ hơn nữa là câu nói xa hơn chút nữa trong Tin Mừng Luca: “Bất cứ ai đến với tôi mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh chị em, đúng, và cả chính sự sống, không thể là môn đệ của tôi” (Lc 14:26tt).
Trong Linh Thao, Thánh Inhaxiô nói đến “sự bình tâm” (indifference). Ngài không có ý nói đến điều từ ngữ trong tiếng Anh muốn nói tới nghĩa là thái độ không quan tâm hay việc thụ động mặc nhận điều xẩy đến cho mình hay cho gia đình mình. Thánh Inhaxiô là con người sôi nổi, giống như Chúa Giêsu. Ngài có ý nói đến việc can dự sâu xa và triệt để vào tình yêu Thiên Chúa, có tính bản thân và sâu xa đến nỗi mọi điều khác trên trái đất, chỉ có ý nghĩa và tầm quan trọng trong ánh sáng của mối liên hệ này. Do đó, tốt hơn nên dịch chữ “bình tâm” là thái độ “triệt để một tâm một trí” (radical single-mindness) giống con chó mong đợi mẩu bánh từ bàn ăn rơi xuống, bằng trọn mọi chú ý và mong chờ của hữu thể nó (Mc 7:28 tt). Sự tập trung trọn hữu thể này được nhìn nhận là đức tin (Mt 15:28). Chúa Giêsu không hề bác bỏ vẻ đẹp, sự tốt lành, và đáng mong ước của gia đình, mái ấm và lòng tôn kính đối với cha mẹ. Tình yêu Thiên Chúa không hề bác bỏ hay tiêu diệt sự tốt lành của cuộc sống con người. Đúng hơn, chính tình yêu Thiên Chúa trong tâm hồn chúng ta giúp chúng ta và lên sinh lực để ta yêu thương người khác một cách thực sự thỏa mãn.
Đối với Chúa Giêsu và các môn đệ của Người, thái độ “triệt để một tâm một trí” này mang hình dạng cụ thể của việc công bố và làm việc cho Nước Thiên Chúa. Các quan tâm khác, thậm chí cả chính sự sống, sẽ được nhìn trong ánh sáng thích đáng của nó và được đem đến thành toàn nếu các môn đệ tìm kiếm nước Thiên Chúa và đức chính trực của Người trước nhất (Mt 6:25-33). Cuối cùng, nên lưu ý rằng việc triệt để một tâm một trí này áp dụng cho tất cả những người tự cho là theo chân Chúa Giêsu, bất luận họ theo Chúa trên đường sứ vụ hay tiếp tục ở lại trong nhà họ (xem câu hỏi 29). Không phải chỉ dành cho các linh mục hay tu sĩ như các thế hệ sau này đôi khi nghĩ như vậy.Điều gọi là “các lời khuyên của Tin Mừng” tức khó nghèo, khiết tịnh, và vâng lời cũng dành cho mọi Kitô hữu, mặc dù, lối sống lên khuôn cho họ tùy thuộc vào ơn gọi đặc thù của mỗi người.
Câu hỏi 53: Nếu Chúa Giêsu được sai đến để công bố Nước Thiên Chúa, tuy nhiên, đã thất bại, liệu Người có biết hết rằng Người sẽ chết cho chúng ta không?
Chúng ta vốn chủ trương rằng trong cuộc sống lịch sử và nhân bản của Người, Chúa Giêsu là một con người giống chúng ta trong mọi sự, chịu thử thách và cám dỗ như chúng ta. Điều này có nghĩa Người cảm nghiệm các hoài nghi và không chắc chắn, Người phải dò dẫm cách tốt nhất để thông truyền sứ điệp của Chúa Cha đã trao cho Người, Người phải tín thác vào thánh ý Chúa Cha khi sự việc không diễn ra như mong đợi, Người phải đối diện với khả thể thất bại và chết chóc. Ta có thể tưởng tượng rằng sự chống đối và thù nghịch ngày càng gia tăng mà Người trải nghiệm sẽ dẫn Người đến chỗ cân nhắc không những khả thể mà còn là việc chắc sẽ chết một cách không êm thấm. Một cách thực sự có tính tiên tri, cuộc khủng hoảng bị con người bác bỏ khơi dậy niềm hy vọng được Thiên Chúa biện giải nghĩa là bất chấp điều gì xẩy ra, Thiên Chúa cũng biện hộ sứ mệnh của Người và mang vương quốc tới chỗ hoàn thành. Đối với Chúa Giêsu, đây có lẽ là ý nghĩa của hình ảnh “Ngày của Con Người” (Lc 17:24). Trong sách Đanien, “người giống như Con Người” (7:14) nghĩa là hình người ngược với 4 con vật vốn tượng trưng cho quyền lực đế quốc đang bách hại Dân Thiên Chúa, đến trước ngai Thiên Chúa và tiếp nhận sự biện giải. Y như thế, Chúa Giêsu cũng phải tin tưởng rằng Cha Người sẽ biện giải cho Người.
Do đó, Chúa Giêsu là một con người của đức tin tin rằng “mọi sự đều khả hữu” cho những ai có đức tin (Mc 9:23), cho Thiên Chúa (Mc 10:27), và cho Abba của Người (Mc 14:36). Đối với người dù chỉ có một đức tin giống hạt mù tạc, không gì là bất khả cả. Người như vậy có thể di chuyển trái núi cứng lòng của con người (Mt 17:20) và nhổ cây có rễ sâu của lòng bất khoan dung của con người (Lc 17:6). Đức tin có sức mạnh khó tin như hạt mù tạc vốn nhỏ nhất trong các thứ hạt nhưng vẫn phát sinh ra những bụi cây lớn nhất (Mc 4:31-32). Chúa Giêsu không biết chính xác Người sẽ chết khi nào, ở đâu và cách nào, nhưng Người biết rằng quyền lực Thiên Chúa (Mc 12:24) và sức mạnh của đức tin (Mc 5:36) sẽ chiến thắng sợ hãi và sự chết và đem lại sự sống mới. Nét cảm động trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong vườn cây dầu là nhu cầu thấm thía của Người muốn tìm được sức mạnh để mãi trung thành với Thiên Chúa tình yêu và sự sống ngay trước nỗi sợ và sự chết. Lời cầu xin cuối cùng của Kinh Lạy Cha (như trong Lc 11:4tt) có thể có nghĩa: Xin ban cho chúng con sức mạnh để đừng sai phạm trong lúc bị thử thách! Chúa Giêsu và các môn đệ của Người thẩy đều cần sức mạnh như thế.
Câu hỏi 54: Nhưng há Chúa Giêsu đã không tiên đoán cái chết của Người trước khi nó xẩy ra đó hay sao?
Trong Tin Mừng Máccô, sau khi Phêrô tuyên xưng đức tin (8:27-30), Chúa Giêsu nói với các môn đệ 3 lần rằng Con Người phải chịu đau khổ lớn lao, bị bác bỏ và giết chết, và sẽ trỗi dậy sau 3 ngày (Mc 8:31; 9:31; 10:33-34). Mátthêu và Luca theo chân Máccô trong việc này. Cả Gioan cũng có lời tiên đoán ba lần này (Ga 3:14-15; 8:28; 12:32), nhưng trong hình ảnh riêng của ngài về Con Người “được nâng lên” nghĩa là tôn vinh trên thập giá. Với Máccô, cũng như Gioan, thập giá là lúc hay “giờ” trong đó, bản sắc đích thực của Chúa Giêsu được biểu lộ trọn vẹn và sau cùng. Các lời tiên đoán là một dự ứng của giờ đó và tiếp tục tối tăm và gây ngạc nhiên cho đến khi các biến cố thực sự xẩy ra. Trong Máccô, chẳng hạn, sau khi Phêrô nói rằng “Thầy là Đấng Mêxia”, Chúa Giêsu lập tức ra lệnh cho các ông không được nói cho ai về Người nghĩa là về bản sắc đích thực của Người, vì ngay các môn đệ cũng chưa có thể hiểu được rằng “Đấng Mêxia” với Người là Đấng Mêxia chịu đóng đinh. Trước nhất, Chúa Giêsu phải dạy các ông về sự cần thiết của thập giá, điều mà Phêrô lập tức bác bỏ và là điều sau đó trở nên dịp để huấn giáo về việc vác thập giá và theo chân Người. Đó là ý nghĩa của việc làm môn đệ đích thực. Mẫu mực tiên đoán, bác bỏ và huấn giáo này về việc làm môn đệ đã được lặp lại 3 lần, với những thay đổi. Rõ ràng, đây là phần giáo huấn chính của toàn bộ Tin Mừng Máccô. Trọng điểm tôn giáo và thần học ngài muốn đưa ra rất rõ ràng: Các Kitô hữu chúng ta sẽ không bao giờ hiểu Chúa Giêsu là ai và một cách không thể tách biệt chúng ta là ai trong tư cách môn đệ ngoại trừ chúng ta sẵn lòng vác thập giá và tự cảm nghiệm việc Người chịu chết ra sao (Mc 15:39). Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể thực sự nói được rằng Người là “Đấng Kitô” và là “Con Thiên Chúa”. Các danh hiệu này chỉ có ý nghĩa đích thực của chúng dưới ánh sáng thập giá. Như thế, không phải các danh hiệu giải thích ý nghĩa của Chúa Giêsu cho chúng ta. Đúng hơn, chính thập giá mới mang lại ý nghĩa cho các danh hiệu này. Giống như các dụ ngôn của Chúa Giêsu (xem câu hỏi 35), Tin Mừng Máccô không mang lại cho chúng ta thông tin nhưng kêu gọi chúng ta tiến tới chỗ tham dự đường tới thập giá của Chúa Giêsu.
Liệu các lời tiên đoán, dưới một hình thức nào đó, có dẫn trở lại chính Chúa Giêsu không? Chứng tá của cả bốn Tin Mừng mạnh mẽ cho thấy có. Tôi thấy quan điểm của Joachim Jeremias có tính thuyết phục, ông cho rằng nằm ở bên dưới lời tiên đoán ở Mc 9:31a có một điều bí ẩn độc đáo trong tiếng Aram: “Con Người sẽ bị nộp vào tay con cái loài người”. Đây là một lối chơi chữ dùng “Con Người” không phải như một tước hiệu Kitô học chính thức nhưng như một tham chiếu đại loại (generic) với nghĩa đại khái “một người giống như tôi” nghĩa là một người có sứ mệnh và kinh nghiệm đặc thù như tôi có. Theo nghĩa này, nó chỉ không những Chúa Giêsu mà tất cả những ai tham dự vào sứ mệnh của Người trong tư cách môn đệ. Trên môi miệng Chúa Giêsu, câu nói có thể là điều bí ẩn có tính tiên tri nhằm chuyển tải kinh nghiệm khủng hoảng và tranh chấp hiện tại có thể bao gồm cả khả thể chết một cách đầy bạo lực. Dù sao, cũng có thể không phải là những tiên đoán rõ ràng sau sự kiện nay chúng ta có trong các Tin Mừng. Chúa Giêsu vẫn phải tin rằng Thiên Chúa sẽ cung cấp giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Hình ảnh của Người cho giải pháp này là “Ngày của Con Người” (Lc 17:24).
Câu 55: Tại sao có quá nhiều chống đối chống lại Chúa Giêsu? Tại sao người Do Thái muốn giết Chúa Giêsu? Và điều đó có tạo khác biệt gì đối với người La Mã không?
Trước nhất, chúng ta phải thận trọng đối với các phạm trù chúng ta sử dụng. Trong các Tin Mừng nhất lãm, cụm từ “Người Do Thái” (Jews) chủ yếu được sử dụng ám chỉ tấm bảng trên thập giá: “Vua Người Do Thái”. Các địch thù chính của Chúa Giêsu là các nhà lãnh đạo dân: các thượng tế, luật sĩ và biệt phái, phe Hêrốt (mặc dù cuối cùng, các môn đệ cũng đào ngũ Người và đám đông quay qua chống lại Người do sự xúi bẩy của các nhà lãnh đạo). Trong Tin Mừng Gioan, cụm từ “Người Do Thái” thường được sử dụng như một tóm tắt thuận tiện để chỉ mọi kẻ chống đối Chúa Giêsu. Chẳng may, trong lịch sử Kitô giáo sau đó, cụm từ này được lựa chọn và sử dụng như một biện minh cho lịch sử bài Do Thái khủng khiếp và bi thảm. Ta nên lưu ý điều này: trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu được gọi là “một Người Do Thái” (4:9), “ơn cứu độ phát xuất từ người Do Thái” (4:22), và có những người Do Thái tin vào Người (8:31;11:45; 12:11). Dĩ nhiên, không những Chúa Giêsu mà tất cả các môn đệ đầu tiên của Người, như Phêrô và nhóm mười hai, đều là người Do Thái.
Như thế, Chúa Giêsu là một người Do Thái bị mang đến cái chết bởi một số người Do Thái khác coi Người như một đe dọa đối với quyền lực và đặc ân của họ. Về phương diện lịch sử, hình như Chúa Giêsu có mối liên hệ tương đối tương đắc với các luật sĩ và biệt phái, vì với họ, Người có thể tham dự các cuộc đàm luận nghiêm túc về lề luật. Các mô tả về luật sĩ và biệt phái trong các Tin Mừng như các địch thủ chính có thể liên hệ tới sự kiện này: sau việc phá hủy Đền Thờ vào năm 70, tôn giáo của Israel sống sót trong tư cách Do Thái Giáo của các giáo sĩ [rabbi], hậu duệ biểu kiến của các luật sĩ và biệt phái trong tư cách duy trì và giải thích lề luật (xem câu hỏi 29). Các Tin Mừng được viết vào cuối qúy thứ ba của thế kỷ thứ nhất và thường phản ảnh các tranh cãi mà các tác giả và cộng đoàn của họ đang đương đầu lúc đó.
Chúa Giêsu rất có thể đã đối đầu với sự chống đối mạnh mẽ nhất của giai cấp qúy phái của Đền Thờ (Các thượng tế và phái Sađốc) và các ông vua bù nhìn (Nhà Hêrốt) vì họ cấu kết với các lực lượng La Mã chiếm đóng và lệ thuộc vào người La Mã để có vị thế quyền lực và giầu có. Chúa Giêsu thách thức cơ cấu quyền lực thời Người bằng lời kêu gọi cho có một Israel đổi mới và được tái sinh lực hóa trở lại có khả năng lật đổ bá quyền của người quyền thế và tạo ra một loại cộng đồng mới mẻ, do đó, đã loan báo việc xuất hiện của Vương quốc Thiên Chúa chống lại vương quốc của Xêda hay những người hợp tác với ông ta. Điều dễ thấy là người La Mã tri nhận sự đe dọa đối với các tư tế và nhà Hêrốt như sự đa dọa đối với hệ thống của họ và do đó coi Chúa Giêsu như một tên phản loạn (xem câu hỏi 39).
http://vietcatholicnews.org/News/Home/Article/284741
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét