Câu hỏi 61: Há không phải Thiên Chúa đã cứu vớt chúng ta ư? Tự do nhân bản có liên quan gì tới việc này?

Cứu rỗi chắc chắn là vấn đề trung tâm trong việc chúng ta hiểu Chúa Giêsu. Như một lập luận bênh vực thiên tính của Chúa Giêsu, các giáo phụ chủ trương rằng chỉ có Thiên Chúa mới cứu rỗi chúng ta mà thôi, và, như một lập luận bênh vực nhân tính trọn vẹn của Người, các ngài chủ trương rằng chỉ những gì hợp nhất với thể thần linh mới được cứu rỗi. Điều này có giá trị nhưng nó giả thiết điều này ơn cứu rỗi diễn ra vào “thời khắc” nhập thể nghĩa là vào lúc thể thần linh và thể nhân bản được kết hợp trong Chúa Giêsu, khi “Ngôi Lời thành xác phàm” (Ga 1:14). Nhưng cả Gioan cũng thừa nhận rằng tự ngôn không đủ; ngài phải kể trọn câu truyện về Chúa Giêsu và nhất là con đường của Người tới thập giá.

Hình ảnh “Thiên Chúa đối thoại” nhìn nhận rằng ơn cứu rỗi phát xuất từ Thiên Chúa. Mọi sự bắt đầu trong sáng kiến thần linh và kết thúc ở đáp trả thần linh. Chỉ duy một mình Thiên Chúa mới có thể cứu vớt chúng ta. Đúng hơn vấn đề là: Thiên Chúa cứu vớt ta thế nào? Lấy chỉ dẫn từ việc Chúa Giêsu công bố nước trời trong các dụ ngôn, dường như Thiên Chúa làm việc – sống động, tích cực, hiện diện – giữa đời sống con người, nhất là trong cuộc sống nhân bản của Chúa Giêsu. Thư 1 gửi Timôtê 2:4-6, viết rằng Thiên Chúa, Đấng Cứu Vớt ta, “muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý. Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Kitô Giêsu, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người”. Tôi hiểu điều này muốn nói rằng Chúa Giêsu làm trung gian giữa Thiên Chúa và chúng ta chính trong nhân tính của Người. Thiên Chúa thi hành ý định thần linh của Người muốn cứu vớt phổ quát trong và qua tự do nhân bản của Chúa Giêsu. Đây không phải là vấn đề đặt thiên tính vào thế chống nhân tính theo lối cạnh tranh nhưng thấy Thiên Chúa chấp nhận và nhận diện là của Thiên Chúa sự sống nhân bản này trong mọi tính cụ thể và đặc thù của nó, với mọi đau khổ và cám dỗ cũng như đấu tranh để mãi trung thành với sứ mệnh nhận được như chúng ta thấy phản ảnh trong các sách Tin Mừng. Chúa Giêsu được kêu gọi bởi Thiên Chúa, Đấng Người gọi là Bố đầy yêu thương chăm sóc, mãi trung thành với chúng ta (vì Thiên Chúa mãi là tình yêu trung thành) trong và bất chấp sự tàn hại của tội lỗi con người. Nói rằng Chúa Giêsu là Cứu Chúa của chúng ta là nói rằng Người biến đổi, từ bên trong thân phận con người của chúng ta, tội bất tuân của Ađam thành đức vâng lời của Con duy nhất của Thiên Chúa. Giao ước của Thiên Chúa với sáng thế được thiết lập một lần vĩnh viễn trong tự do duy nhất của Chúa Giêsu, Đấng trung thành. Chính trong và qua tự do của riêng Người và vì tự do của chúng ta, “Chúa Kitô đã giải phóng chúng ta” (Gl 5:1).



Câu hỏi 62: Điều chủ yếu có phải là việc Chúa Giêsu chịu đau khổ trên thập giá vì tội chúng ta không? Tại sao mỗi người chúng ta lại không thể chỉ cần lãnh trách nhiệm đối với các hành động của chúng ta để được cứu rỗi? Há không đủ hay sao nếu chúng ta ăn năn và tuân theo các giáo huấn của Chúa Giêsu?

Nếu người phàm chúng ta thực sự được tự do lựa chọn, thì đáp ứng với Chúa Giêsu có lẽ đã khác rồi. Không hề có tất yếu tuyệt đối, cả thần linh lẫn nhân bản, khiến Chúa Giêsu phải chết trên thập giá. Tất yếu duy nhất phải có thập giá phát xuất từ tình huống thực tế, chuyên biệt trong đó Chúa Giêsu thấy Người hiện hữu. Và, mặc dù nó là một giả thuyết, ta có thể tưởng tượng thế giới ngày nay sẽ ra sao nếu đáp ứng với Chúa Giêsu không phải là bác bỏ và đóng đinh.

Tuy nhiên, vấn đề ngụ hàm một điều khác phát xuất từ nền văn hóa duy cá nhân của chúng ta, tức việc chúng ta có thể tự cứu rỗi bằng chính các cố gắng của mình. Đúng là mỗi người chúng ta phải ăn năn và tuân theo không những các giáo huấn của Chúa Giêsu mà, đúng hơn, trọn cả lối sống của Người. Ơn cứu rỗi không tự động. Nó đòi sự tham dự đích thân của chúng ta vào diễn trình biến đổi, nhưng như một đáp trả đối với sáng kiến thần linh. Đức tin luôn được hiểu như là hồng ơn miễn phí của Thiên Chúa (ơn thánh) giúp chúng ta đáp trả thậm chí được coi là đáp trả của chúng ta. Hơn nữa, chúng ta phải nhớ rằng cuộc chiến đấu của chúng ta để được giải thoát không phải chỉ là cuộc chiến đấu cá nhân; nó chống lại sức mạnh lan tràn và có hệ thống của kẻ ác được lên hình tượng như “Satan” (xem câu hỏi 40). Trong nền văn hóa phương tây của chúng ta, chúng ta có xu hướng nghĩ về chúng ta trước nhất như những cá nhân và sau đó có liên hệ với một số nhóm như gia đình, giáo hội, hiệp hội dân sự v.v...Nhưng, đối với Chúa Giêsu và nền văn hóa sêmitích của Người, cảm thức đầu tiên của người ta về bản sắc bản vị của họ là với cộng đồng, và chỉ lúc đó, họ mới xem xét tới bản sắc cá nhân của họ. Điều này quan trọng để ta hiểu ơn cứu rỗi. Theo nghĩa rất thực, tất cả chúng ta đều cùng nhau ở trong ơn này đến nỗi không ai trong chúng ta được cứu rỗi cho đến khi tất cả chúng ta được cứu rỗi. Sự cứu rỗi mà Thiên Chúa tìm nơi Chúa Giêsu là việc biến đổi xã hội và quả thực toàn bộ sáng thế (Rm 8:18-25), một “sáng thế mới” được cảm nghiệm yêu thương và hòa giải trong cộng đồng Kitô hữu xúc tác (2Cr 5:14-20; Gl 6:14-15).

Chúa Giêsu không thể thiếu và thật cần thiết đối với ý định cứu rỗi của Thiên Chúa vì hai lý do. Thứ nhất, đức vâng lời tự ý của Người thậm chí cho đến chết được chấp nhận trong sức mạnh biến đổi của phục sinh có nghĩa ý định của Thiên Chúa dành cho con người ngay từ thuở khởi đầu sáng thế đã được thể hiện trong Người. Người là “Con Người”, là hữu thể nhân bản mới. Thứ hai, trong tư cách ấy, Người là “hoa trái đầu mùa” của tất cả những ai sẽ được làm cho sống động trong Người (1Cr 15:20-28), nghĩa là, Người thông truyền cho chúng ta sức mạnh ân sủng của Thần Khí Người vốn lên sức mạnh cho chúng ta và làm chúng ta có khả năng sống như Người đã sống, tham dự vào đường đi của Người và như thế thể hiện được trọn vẹn sự biến đổi và giải thoát được Thiên Chúa dự tính từ thuở bắt đầu sáng thế. Một lần nữa, Thiên Chúa làm việc bên trong sáng thế để thể hiện ý muốn thần linh chứ không áp đặt ý muốn đó từ bên ngoài. Chúng ta quả tạo được sự khác biệt xiết bao cho việc cứu rỗi thế giới!

Câu hỏi 63: Nếu ơn cứu rỗi vẫn còn là tương lai thì tại sao Chúa Giêsu lại nói “đã hoàn tất”?

Tôi xin nhận xét trước nhất rằng chúng ta có ba cách trình bầy khác nhau về những lời Chúa Giêsu nói trên thập giá trong các Tin Mừng. Máccô và Mátthêu chỉ có lời nói về việc bị bỏ rơi (xem câu hỏi 57). Lúc Chúa Giêsu chết là khoảnh khắc của tối tăm và thảm kịch. Mặt khác, Luca tiếp tục hình ảnh Chúa Giêsu cầu nguyện, xin tha thứ cho những kẻ đang giết Người (23:34), ban ơn cứu rỗi cho tên tội phạm lên tiếng bênh vực Người (23:43), và sau cùng phó mình hoàn toàn vào bàn tay Cha Người (23:46). Khoảnh khắc chết của Chúa Giêsu là khoảnh khắc tha thứ và hòa giải. Với Gioan, Chúa Giêsu tiếp tục làm chủ số phận của Người, được nâng cao và lên ngôi trên thập giá (18:33-37; 19:11.19-22), kéo mọi người về Người (12:42). Chúa Giêsu ứng nghiệm các niềm hy vọng của Israel bằng cách phó thác nó, trong con người của Mẹ Người, cho Giáo Hội trong con người của người môn đệ yêu dấu (19:26-27; xem câu hỏi 18). Biết rằng mọi sự đã ứng nghiệm, Người bảo đảm sự ứng nghiệm của sách thánh bằng cách nói: “Ta khát” (19:28). Cuối cùng, Người công bố rằng quả thật như thế bằng cách nói, “đã hoàn tất” (19:30). Người ta phải đọc những lời trên thập giá trong Tin Mừng Gioan dưới ánh sáng các diễn từ chia tay và lời cầu nguyện của Chúa Giêsu (các chương 13-17). Trong lời cầu nguyện, Chúa Giêsu thưa rằng Người đã hoàn tất công việc Chúa Cha đã trao cho Người thực hiện (17:4). Giờ đây, Người đi tự thánh hóa Người để những kẻ theo Người được thánh hóa trong sự thật (17:19). Khoảnh khắc Người chết là khoảnh khắc khi Người làm nên trọn mọi sự Người đến để làm và trao lại cho Chúa Thánh Thần (19:30) để những kẻ theo Người tiếp tục sống trong sự thật (14:15-17; 15:26; 16:13-15).

Từ viễn ảnh tôi đề nghị, Chúa Giêsu quả thực là Đấng mà trong Người ý định sáng tạo của Thiên Chúa cho ơn cứu rỗi phổ quát đã được thể hiện. Người là Cứu Chúa duy nhất. Chỉ bằng cách sống trong Thần Khí mà Người “tuôn trào” (Cv 2:33), chúng ta mới có thể hy vọng mang đến chỗ thể hiện trọn vẹn sự biến đổi và giải thoát vốn đã trọn vẹn nơi Người nhưng chưa trọn vẹn nơi chúng ta, để, đến cuối diễn trình, Người có thể trao nước trời lại cho Chúa Cha và “Thiên Chúa là tất cả trong tất cả” (1Cr 15:28). Bằng cách này, chúng ta mang tới hoàn thành điều vẫn còn thiếu trong các đau khổ của Chúa Kitô (Cl 1:24).

Câu 64: Cái chết của Chúa Giêsu có thực sự chứng minh hay thực hiện được điều gì không? Nhìn vào thế giới ngày nay, hình như nó không thực hiện được điều tốt nào. Có gì thay đổi chưa?

Bất cứ ta nói điều gì khác về nó, lịch sử vẫn bao gồm sự thay đổi thực sự. Nhưng nó bao gồm các chữ chi, các thoái bộ, những tầm nhìn thông sáng mất đi, những suy đồi, những đảo lộn, những tái khám phá, những khởi đầu mới. Vào một lúc nhất định nào đó, ta không thể nói liệu sự việc có trở nên tốt hơn hay xấu hơn. Các nhà triết học đã khai triển nhiều lý thuyết vĩ đại về lịch sử. Những người lạc quan làm chúng ta tin rằng chúng ta luôn tiến tới, bất chấp một số đình đốn và những điều cần cải thiện, một không tưởng luôn luôn mới mẻ. Những người bi quan, ngược lại, thấy thế giới đang đi xuống bờ tiêu diệt hoàn toàn. Chúng ta bị nhốt, bị giam kín, và cầm tù, và mỗi ngày một tệ hơn. Các quan điểm này phần lớn liên hệ tới vừa gien và các xu hướng tự nhiên lẫn giá trị khả hữu của bất cứ thứ lý thuyết nào.

Đối với một Kitô hữu, vấn đề mang chúng ta trở lại với cách chúng ta quan niệm về sự quan phòng của Thiên Chúa. Như đã gợi ý (xem câu hỏi 59), Thiên Chúa không định trước, một cách nhất định, hình dạng của sự vật sắp tới, nhưng đúng hơn, mời gọi chúng ta cùng với Thiên Chúa tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho mọi người.Thiên Chúa làm việc bên trong các khả thể của tự do con người và chấp nhận các giới hạn của nó (bao gồm cả tự do nhân bản của Chúa Giêsu). Điểm quan trọng là các chọn lựa giữa việc xây dựng trái đất hay việc phá hủy nó là điều có thực. Điều này có nghĩa: ngược với cả xác tín duy lạc quan lẫn duy bi quan, chúng ta nên chọn quan điểm duy thực tại. Nếu các chọn lựa là điều có thực, thì điều chúng ta làm để lên hình dạng cho các sự việc tương lai sẽ tạo ra khác biệt. Chúng ta không phải là những kẻ bàng quan.

Mặt khác, các Kitô hữu đặt cơ sở cho niềm hy vọng của họ vào một tương lai tươi đẹp hơn nơi Thần Khí của Chúa Giêsu phục sinh. Thần Khí của Người làm chúng ta có khả năng và sức lực nhưng chúng ta phải đáp ứng và lãnh trách nhiệm cho sự sống đã được trao phó cho chúng ta. Chính đức tin bảo đảm với ta điều ta hy vọng, thuyết phục ta điều ta chưa trông thấy (Dt 11:1), nhưng nếu nó muốn chân thực, chứ không phải một ý nghĩ viển vông, đức tin như thế phải dựa trên kinh nghiệm thực sự. Nếu chúng ta hy vọng rằng Thần Khí Chúa Giêsu sẽ chiến thắng, thì chính vì chúng ta cảm nghiệm được sức mạnh biến đổi của Thần Khí ấy trong chính cuộc đời và tình yêu của chúng ta.

Câu hỏi 65: Nhưng tại sao lại cần quá nhiều đau khổ và sự ác đến thế trên thế giới? Đúng hơn, há không vô nghĩa hay sao đối với những người đau khổ vì bất hạnh, bệnh tật hay nghèo đói?

Thánh Phaolô viết: “Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1Cr 15:19). Bất hạnh thay, điều này thường được giải thích như cổ vũ việc thụ động mặc nhận sự ác, há miệng chờ sung ở trên trời khi ta chết. Giống Chúa Giêsu trước ngài, Thánh Phaolô biết rằng chúng ta phải đối đầu với những sự ác vốn nằm trong các khả năng con người này, cả nơi chúng ta lẫn nơi người khác. Chúng ta hy vọng ở sự biến đổi sau cùng của mọi sự vật trong Chúa Kitô (Pl 3:10.21) nhưng chúng ta biết rằng việc biến đổi như thế đã khởi sự ngay trong phép rửa của chúng ta, giúp chúng ta “bước đi trong sự mới mẻ của đời sống” (Rm 6:4).

Niềm hy vọng như thế không làm mất đi mầu nhiệm sự ác; đúng hơn, đã nhấn mạnh nó. Sự ác không phải là một vấn đề có giải pháp hữu lý vì từ bản chất, sự ác luôn phi lý. Mọi mưu toan hữu lý hóa sự ác và làm nó vừa tầm với một hệ thống tư tưởng cao hơn đều đã thất bại. Bạn không thể hợp lý hóa điều phi lý. Câu hỏi thường được hỏi: tại sao Thiên Chúa để điều đó xẩy ra cho tôi? không chấp nhận bất cứ câu trả lời nào. Vì nó khó như thế, nên câu hỏi khả thi duy nhất giữa biến cố bi thảm là: bây giờ, tôi có thể hay nên làm gì khi việc này xẩy ra? Làm thế nào điều này cũng cùng làm việc với mọi điều khác cho điều tốt (Rm 8:28)?

Trong sách thánh, Thiên Chúa cho chúng ta hai câu trả lời cho câu hỏi về sự ác, không câu nào có lẽ là câu chúng ta muốn.Trong sách Gióp, câu trả lời duy nhất cuối cùng xuất hiện là: sự ác được phủ kín trong mầu nhiệm của cùng vị Thiên Chúa đã trả lời từ cơn bão táp (G 38:1tt; 40:6tt). Có một số sự ác, như thiên tai chẳng hạn, đơn giản vượt quá quyền kiểm soát của ta hay sức hiểu của chúng ta. Nhưng về các sự ác phát xuất từ tâm hồn người ta và có thể thay đổi được thì sao? Câu trả lời thứ hai của Thiên Chúa là sai Con yêu dấu của Người đến bước đi trong liên đới với những người khốn cùng và bị áp bức nhiều nhất và chịu điều những người này chịu thậm chí đến cái chết của một người bị loại bỏ và tội phạm trên thập giá. Không hề có câu trả lời lý thuyết cho câu hỏi về đau khổ. Câu trả lời duy nhất của Thiên Chúa là bước đi với chúng ta trên đường, một con đường mới của sự thật và sự sống tìm cách thắng vượt quyền lực tội lỗi và sự chết từ bên trong trái tim con người.



Câu hỏi 66: Nếu Chúa Giêsu là Thiên Chúa và chịu đau khổ trên thập giá, điều này có nghĩa Thiên Chúa chịu đau khổ sao?

Dĩ nhiên, điều này là vấn đề cổ điển đầu tiên từng đối đầu các giáo phụ. Nếu chúng ta chủ trương sự trọn vẹn của nhân tính và sự trọn vẹn của thiên tính trong sự hợp nhất của một ngôi vị duy nhất, thì chúng ta phải nói rằng Con Thiên Chúa chịu đau khổ và chết trên thập giá (như chúng ta đọc trong Kinh Tin Kính). Cách tiếp cận thường được chấp nhận, chẳng hạn bởi thánh Athanaxiô, người bênh vực vĩ đại tính chính thống tại Nixêa, hẳn phải nói rằng Chúa Giêsu chịu đau khổ trong nhân tính của Người (hay xác thịt Người) chứ không phải trong thiên tính của Người. Điều này dựa vào ý niệm hoàn hảo của người Hy Lạp. Bất cứ sự thay đổi hay trở nên nào, nhưng nhất là đau khổ, đều ngụ hàm sự bất toàn. Đây là vấn đề của Ariô (xem câu hỏi 15): Làm thế nào chúng ta có thể nói: “Ngôi Lời đã thành xác phàm” mà vẫn chủ trương rằng Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa trọn vẹn? Mặt khác, Kinh Thánh không quan tâm tới lý tưởng trừu tượng về hoàn hảo nhưng tới Thiên Chúa hằng sống, Đấng "biết” một cách đích thân và tường tận (Xh 2:23-25) các đau khổ của dân và tìm cách giải thoát họ khỏi áp bức. Đây là vị Thiên Chúa của tình yêu cảm thương luôn bước đi với dân, giao ước với họ, chịu đựng sự bác bỏ của họ và đem họ tới đất hứa. Thiên Chúa của Israel không xa cách và vô cảm, không quan tâm và trơ trơ trước các bất hạnh của cộng đồng yêu qúy. Vị Thiên Chúa này can dự và chịu ảnh hưởng sâu xa bởi lịch sử Israel và quả thực bởi lịch sử của mọi dân tộc.

Đối với các Kitô hữu, việc tự can dự của Thiên Chúa vào sáng thế và giao ước lên đến cao điểm với lịch sử bản thân của Chúa Giêsu, Con duy nhất và yêu dấu của Thiên Chúa, được ban cho chúng ta do tình yêu thần linh sâu sắc (Ga 3:16; Rm 8:31-39). Nhiều nhà thần học ngày nay, nhờ trở về với cách hiểu dựa nhiều vào Kinh Thánh hơn, đã khẳng định rằng quả thực Thiên Chúa đau khổ trong Chúa Giêsu. Nhưng Thiên Chúa chịu đau khổ trong tư cách Thiên Chúa, chứ không phải trong tư cách tạo vật. Ở đây, không hề có âm mưu giản lược Thiên Chúa xuống bình diện tạo vật, như người Hy Lạp sợ. Mặt khác, Thiên Chúa đã dại dột [foolish] khi dựng nên một thế giới trong đó Bản ngã thần linh bị liên lụy sâu xa và đích thân. Điều chúng ta làm hay chịu đau khổ quả có khác biệt đối với Thiên Chúa. Giống nhà nghệ sĩ đồng nhất hóa và quấn quít qua lại một cách không thể gỡ ra với sáng tạo nghệ thuật của mình, Thiên Chúa trong tư cách Đấng Tạo Dựng đã tạo ra một thế giới trở thành thế giới riêng của Người, “nơi” của Người, chính thân thể của Người tức là biểu thức về Người nói lên tính sáng tạo thần linh. Nếu Chúa Con chịu chết vì tình yêu vâng phục, thì dù khó hiểu bao nhiêu đi nữa, Chúa Cha cũng chịu cùng cái chết do tính viên mãn của tình yêu thần linh.

http://vietcatholicnews.org/News/Home/Article/284838