Sau Thánh Lễ khai mạc long trọng tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, Phiên họp thường lệ lần thứ 16 của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tính Đồng nghị đã diễn ra tại Hội trường Phaolô VI. Sau phần chào mừng của Vị Chủ Tịch Đại Biểu, Đức Phanxicô đã nhắn nhủ Phiên họp bằng những lời chân thành, ứng khẩu. Sau đây là nguyên văn diễn từ của ngài, dựa vào bản tiếng Ý:



Chào anh chị em buổi chiều!

Tôi xin chào tất cả anh chị em, những người cùng chúng ta bắt đầu cuộc hành trình đồng nghị này.

Tôi muốn nhắc lại rằng chính Thánh Phaolô VI đã nói rằng Giáo hội ở phương Tây đã mất đi ý tưởng về tính đồng nghị, và vì lý do này ngài đã thành lập văn phòng thư ký cho Thượng hội đồng Giám mục, nơi đã tổ chức rất nhiều cuộc họp, nhiều Thượng hội đồng, về các chủ đề khác nhau.

Nhưng kiểu nói tính đồng nghị vẫn chưa chín muồi. Tôi nhớ rằng tôi là thư ký của một trong những Thượng Hội đồng này, và Đức Hồng Y Thư ký – một nhà truyền giáo tốt bụng người Bỉ, tốt, tốt – khi tôi chuẩn bị bỏ phiếu, ngài đã đến nhìn: “Đức Cha đang làm gì vậy?” – “Ngày mai Đức Cha nên bỏ phiếu cho điều gì” – “Đó là điều gì? Không, điều này không được bỏ phiếu” – “Nhưng nghe này, nó mang tính đồng nghị” – “Không, không, Đức Cha không bỏ phiếu”. Bởi vì lúc đó, chúng ta vẫn chưa có thói quen để mọi người được tự do tự phát biểu. Và như vậy, dần dần, trong gần 60 năm qua, con đường đã đi theo hướng này, và hôm nay chúng ta có thể đi đến Thượng Hội đồng về tính đồng nghị này.

Nó không dễ dàng, nhưng nó rất hay, rất hay. Một Thượng Hội đồng mà tất cả các giám mục trên thế giới đều mong muốn. Trong cuộc khảo sát được thực hiện sau Thượng hội đồng về Amazon, trong số tất cả các giám mục trên thế giới, ưu tiên thứ hai là: tính đồng nghị. Ưu tiên đầu là các linh mục, ưu tiên thứ ba tôi nghĩ đến một vấn đề xã hội. Nhưng [điều này là] là ưu tiên thứ hai. Tất cả các giám mục trên thế giới đều thấy cần phải suy gẫm về tính đồng nghị. Tại sao vậy? Bởi vì mọi người đều hiểu rằng điều đó đã chín muồi.

Và với tinh thần này, chúng ta bắt đầu làm việc ngay hôm nay. Và tôi muốn nói rằng Thượng Hội đồng không phải là một quốc hội, mà là một điều gì đó khác; Thượng hội đồng không phải là một cuộc gặp gỡ bạn bè để giải quyết một số vấn đề nhất thời hoặc đưa ra ý kiến, đó lại là một chuyện khác. Thưa anh chị em, chúng ta đừng quên rằng nhân vật chính của Thượng Hội đồng không phải là chúng ta: đó là Chúa Thánh Thần. Và nếu ở giữa chúng ta có Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta thì đó sẽ là một Thượng Hội đồng tốt đẹp. Nếu ở giữa chúng ta có những cách khác để tiến tới vì lợi ích con người, cá nhân và ý thức hệ, thì đó sẽ không phải là một Thượng Hội đồng, mà sẽ là một cuộc họp mang tính nghị viện hơn, đó là một điều gì đó khác. Thượng Hội đồng là một cuộc hành trình do Chúa Thánh Thần tạo nên. Một số tài liệu đã được trao cho anh chị em với các văn bản giáo phụ sẽ giúp chúng ta khai mạc Thượng Hội đồng. Chúng được lấy từ Thánh Basilêô, người đã viết luận thuyết hay về Chúa Thánh Thần. Tại sao vậy? Bởi vì chúng ta cần hiểu thực tại này vốn không hề dễ dàng, không hề dễ dàng.

Vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng Hội đồng, khi các nhà thần học chuẩn bị một bức thư mà tôi đã ký, đó là một bước tiến tốt đẹp. Nhưng bây giờ chúng ta phải tìm được lời giải thích về con đường đó. Nhân vật chính của Thượng Hội đồng không phải là chúng ta mà là Chúa Thánh Thần, và nếu chúng ta nhường bước cho Chúa Thánh Thần thì Thượng Hội đồng sẽ tốt đẹp. Những tờ thông tin về Thánh Basilêô này đã cung cấp cho anh chị em bằng các ngôn ngữ khác nhau: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Tây Ban Nha, vì vậy anh chị em có chúng trong tay. Tôi không đề cập đến những bản văn này mà tôi yêu cầu anh chị em suy tư và suy gẫm về chúng.

Chúa Thánh Thần là nhân vật chính của đời sống Giáo hội: kế hoạch cứu rỗi con người được thực hiện nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần. Người là Đấng đảm nhận vai chính. Nếu chúng ta không hiểu điều này, chúng ta sẽ giống như những người được nói đến trong Sách Công vụ Tông đồ: “Anh em đã nhận được Chúa Thánh Thần chưa?” “Chúa Thánh Thần là gì? Chúng tôi thậm chí còn chưa nghe nói đến điều đó” (x. 19:1-2). Chúng ta phải hiểu rằng Người là nhân vật chính của đời sống Giáo hội, là Đấng đưa nó tiến về phía trước.

Chúa Thánh Thần khơi dậy trong cộng đồng giáo hội một động lực sâu sắc và đa dạng: “budro” [cố vấn] của Lễ Hiện Xuống. Việc tò mò là điều gì xảy ra trong Lễ Ngũ Tuần: mọi sự đang yên ổn, tất cả đều rõ ràng... Sáng hôm đó có sự hối hả và nhộn nhịp, mọi ngôn ngữ đều được nói, mọi người đều hiểu... Nhưng đó là một sự đa dạng mà người ta không hiểu nó có nghĩa gì cho lắm... Và sau đó là công việc vĩ đại của Chúa Thánh Thần: không phải sự hiệp nhất, không, am là sự hòa hợp. Người hiệp nhất chúng ta trong sự hòa hợp, sự hòa hợp của mọi khác biệt. Nếu không có sự hòa hợp thì không có Chúa Thánh Thần: chính Người làm điều đó.

Sau đó, bản văn thứ ba có thể giúp ích: Chúa Thánh Thần là tác giả hài hòa của lịch sử cứu độ. Sự hòa hợp – hãy cẩn thận – không có nghĩa là “tổng hợp”, mà là “sự gắn kết hiệp thông giữa những phần khác nhau”. Nếu tại Thượng hội đồng này, chúng ta kết thúc bằng một tuyên bố tất cả đều như nhau, không có sắc thái nào cả, thì Thánh Thần không có ở đó, Người vẫn ở bên ngoài. Người tạo ra sự hài hòa đó không phải là sự tổng hợp, nó là mối liên kết hiệp thông giữa những phần khác nhau.

Giáo Hội, một sự hòa hợp duy nhất của nhiều tiếng nói, bằng nhiều tiếng nói, được Chúa Thánh Thần thực hiện: chúng ta phải quan niệm về Giáo Hội theo cách này. Mỗi cộng đồng Kitô giáo, mỗi người đều có đặc điểm riêng của mình, nhưng những đặc điểm này phải được đưa vào bản giao hưởng của Giáo hội và bản giao hưởng đúng đắn đó tạo nên Thần Khí: chúng ta không thể làm được điều đó. Chúng ta không phải là quốc hội, chúng ta không phải là Liên Hiệp Quốc, không, là điều gì đó khác.

Chúa Thánh Thần là nguồn gốc của sự hòa hợp giữa các Giáo hội. Thật đáng lưu ý khi Thánh Basilêô nói với các anh em giám mục của mình: “Vì vậy, vì chúng tôi quý trọng sự hòa hợp và thống nhất lẫn nhau vì lợi ích của chúng tôi, nên chúng tôi cũng mời gọi anh em tham gia vào những đau khổ của chúng tôi do chia rẽ gây ra và đừng tách rời chúng tôi khỏi anh em vì chúng tôi ở cách xa vì vị trí và địa điểm, nhưng vì chúng ta hiệp nhất trong sự hiệp thông theo Thánh Thần, để chào đón chúng ta trong sự hòa hợp của một thân thể”.

Chúa Thánh Thần nắm tay chúng ta và an ủi chúng ta. Do đó, sự hiện diện của Chúa Thánh Thần – tôi xin dùng chữ này – gần như có tính mẫu tử, như một người mẹ dẫn dắt chúng ta, an ủi chúng ta. Người là Đấng Yên ủi, một trong những danh hiệu của Chúa Thánh Thần: Đấng An ủi. Hành động an ủi của Chúa Thánh Thần được mô tả bởi người chủ quán, người mà nạn nhân của bọn cướp đã được giao phó cho (x. Lc 10:34-35): Thánh Basilêô giải thích rằng trong dụ ngôn người Samaritanô nhân lành và người củ quán, ngài thấy Chúa Thánh Thần, Đấng cho phép thiện chí của người này và tội lỗi của người kia đi vào con đường hòa hợp.

Hơn nữa, Đấng bảo vệ Giáo hội là Chúa Thánh Thần. Như thế, Chúa Thánh Thần có một bài tập linh thiêng nhiều mặt. Chúng ta phải học cách lắng nghe tiếng nói của Thánh Thần: tất cả đều khác nhau. Hãy học cách nhận biết.

Và sau đó, Chúa Thánh Thần là Đấng tạo nên Giáo hội: chính Người là Đấng tạo nên Giáo hội. Có một mối liên hệ rất quan trọng giữa Lời Chúa và Chúa Thánh Thần. Chúng ta có thể nghĩ về điều này: Lời Chúa và Chúa Thánh Thần. Kinh thánh, Phụng vụ, truyền thống cổ xưa nói với chúng ta về “nỗi buồn” của Chúa Thánh Thần, và một trong những điều làm Chúa Thánh Thần buồn lòng là những lời nói trống rỗng. Những lời nói trống rỗng, những lời trần tục và – xuống một chút tới thói quen nào đó của con người nhưng không tốt – lời nói huyên thuyên. Lời nói huyên thuyên là chống lại Chúa Thánh Thần, quả chống lại. Đó là một căn bệnh rất phổ biến giữa chúng ta. Và những lời trống rỗng làm buồn lòng Chúa Thánh Thần. “Anh chị em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em” (x. Eph 4:30). Chúng ta có cần phải nói rằng làm buồn lòng Thánh Thần của Thiên Chúa là tội ác lớn xiết bao không? Nói huyên thuyên, vu khống: điều này làm buồn lòng Chúa Thánh Thần. Đó là căn bệnh phổ biến nhất trong Giáo hội, căn bệnh nói huyên thuyên. Và nếu chúng ta không để Người chữa lành căn bệnh này cho chúng ta, thì khó có thể đoán trước một cuộc hành trình đồng nghị sẽ tốt đẹp. Ít nhất là ở đây: nếu anh chị em không đồng ý với những gì vị giám mục, nữ tu đó hoặc giáo dân đó nói ở đó, hãy nói thẳng với vị ấy. Đó là lý do tại sao đây là Thượng Hội đồng. Nói thật chứ không phải nói huyên thuyên dưới gầm bàn.

Chúa Thánh Thần củng cố chúng ta trong đức tin. Người là Đấng luôn làm điều đó...

Những đoạn văn này của Thánh Basilêô, hãy đọc đi, đang ở trong ngôn ngữ của anh chị em, bởi vì tôi tin rằng chúng sẽ giúp chúng ta biến tâm hồn mình thành chỗ cho Chúa Thánh Thần. Tôi nhắc lại: đây không phải là một quốc hội, không phải là một cuộc họp để chăm sóc mục vụ cho Giáo hội. Đây là một syn-odos, đi cùng nhau là chương trình. Chúng ta đã làm rất nhiều điều, như Đức Thượng phụ đã nói: tham khảo ý kiến, tất cả những điều này, với dân Chúa. Nhưng người nắm giữ điều này trong tay và hướng dẫn là Chúa Thánh Thần. Nếu Người không có ở đó, điều này sẽ không mang lại kết quả tốt.

Tôi nhấn mạnh vào điều này: làm ơn, đừng làm buồn Chúa Thánh Thần. Và trong thần học của chúng ta, hãy nhường chỗ cho Chúa Thánh Thần. Và cũng trong Thượng Hội đồng này, hãy phân biệt tiếng nói của Chúa Thánh Thần với những t ếng nói không phải của Chúa Thánh Thần, những tiếng nói của thế gian. Theo tôi, căn bệnh tồi tệ nhất mà ngày nay – luôn luôn, nhưng cả ngày nay nữa – được thấy trong Giáo hội là những gì đi ngược lại Thần Khí, tức là tính thế gian tâm linh. Một tinh thần nhưng không thánh thiện: mang tính trần tục. Hãy cẩn thận về điều này: chúng ta đừng thay thế Chúa Thánh Thần bằng những thứ trần tục – dù tốt – như lẽ thường: điều này giúp ích, nhưng Chúa Thánh Thần còn đi xa hơn. Chúng ta phải học cách sống trong Giáo hội của mình với Chúa Thánh Thần. Tôi khuyên anh chị em nên suy gẫm về những bản văn này của Thánh Basilêô, chúng sẽ giúp ích cho chúng ta rất nhiều.

Sau đó, tôi muốn nói rằng trong Thượng Hội đồng này – cũng để nhường chỗ cho Chúa Thánh Thần – có ưu tiên lắng nghe, có ưu tiên này. Và chúng ta phải đưa ra một thông điệp tới những người điều hành báo chí, những nhà báo, những người đang làm một công việc rất tốt, rất tốt. Chúng ta phải truyền đạt một cách đúng đắn, phản ảnh sự sống này trong Chúa Thánh Thần. Cần phải có một sự khổ hạnh – xin lỗi nếu tôi nói như thế này với các nhà báo – một sự kiêng ăn nhất định trước công chúng để bảo vệ điều này. Và những gì đang được xuất bản, trong bối cảnh này. Người ta nói một số người cho rằng các giám mục sợ hãi và vì lý do này họ không muốn các nhà báo nói ra. Không, công việc của nhà báo rất quan trọng. Nhưng chúng ta phải giúp họ nói điều này, điều này phải tuân theo Chúa Thánh Thần. Và hơn cả ưu tiên của việc nói là ưu tiên của việc lắng nghe. Và tôi yêu cầu các nhà báo làm cho mọi người hiểu điều này, rằng họ biết rằng ưu tiên hàng đầu là lắng nghe. Khi có Thượng Hội đồng về gia đình, đã có dư luận, do tinh thần thế tục của chúng ta, muốn cho phép những người ly dị được rước lễ: và chúng ta đã bước vào Thượng hội đồng như thế. Khi có Thượng hội đồng về Amazon, đã có dư luận, áp lực buộc phải thực hiện việc cho các viri pro-bati làm linh mục: chúng ta đã bước vào Thượng Hội Đồng với áp lực này. Bây giờ có một số giả thuyết về Thượng Hội đồng này: “họ sẽ làm gì?”, “có lẽ là chức linh mục cho phụ nữ”…, tôi không biết, những điều này được nói ra ở bên ngoài. Và họ nhiều lần nói rằng các giám mục ngại truyền đạt những gì xảy ra. Vì lý do này, tôi yêu cầu các bạn, giới truyền thông, thực hiện chức năng tốt và công bằng của mình, để Giáo hội và những người thiện chí – những người khác sẽ nói những gì họ muốn – hiểu rằng ngay cả trong Giáo hội cũng dành ưu tiên cho việc lắng nghe. việc truyền tải điều này: Nó rất quan trọng.

Tôi cảm ơn anh chị đã giúp đỡ tất cả chúng ta trong thời điểm “tạm dừng” này của Giáo hội. Giáo hội đã dừng lại, như các Tông đồ đã dừng lại sau Thứ Sáu Tuần Thánh, Thứ Bảy Tuần Thánh đó, đóng cửa, nhưng vì sợ hãi, chúng ta không sợ như vậy. Nhưng nó vẫn còn đó. Đó là sự tạm dừng để toàn thể Giáo hội lắng nghe. Đây là thông điệp quan trọng nhất. Cảm ơn vì công việc của anh chị em, cảm ơn vì những gì anh chị em làm. Và tôi khuyên anhchị em, nếu có thể, hãy đọc những điều này của Thánh Basilêô, chúng giúp ích rất nhiều. Ồ, cảm ơn anh chị em.
 
http://vietcatholicnews.org/News/Home/Archive