Luis Santamaria del Río, trên Zenit ấn bản tiếng Pháp, ngày 29 tháng 9 năm 2023 có bài viết về Jean Guitton:

Nổi tiếng nhất nhờ những cuốn sách, tranh của ông cũng thể hiện tư tưởng Kitô giáo: triết học và thần học có trung tâm và sự viên mãn của chúng trong Chúa Kitô.

Jean Guitton (1901-1999) là một nhà tư tưởng người Pháp nổi bật vì nỗ lực suy nghĩ về đức tin Kitô giáo, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ thầy Henri Bergson và triết lý của Pascal. Ông trở thành giáo sư tại Sorbonne và là thành viên của Hàn lâmviện Pháp. Đức Gioan XXIII đã mời ông tham gia Công đồng Vatican II và trên thực tế, ông là giáo dân duy nhất có mặt tại phiên họp đầu tiên của hội nghị các giám mục khắp thế giới.

Ông đã viết nhiều cuốn sách, trong đó, với tinh thần cởi mở và đại kết, ông đã đưa tư tưởng Kitô giáo đương thời lên tầm cao trí tthức, đặc biệt về các vấn đề như mối quan hệ giữa vĩnh cửu và thời gian. Tình bạn vĩ đại của ông với Giovanni Battista Montini người Ý, người trở thành giáo hoàng năm 1963 dưới tước hiệu Phaolô VI, được nhiều người biết đến. Nhân dịp Guitton qua đời, Đức Gioan Phaolô II đã gọi ông là “chứng nhân của đức tin” và nói rằng “ông đã đặt sự suy tư trí thức đòi hỏi khắt khe và được soi sáng của mình để phục vụ Mặc Khải”.

Tuy nhiên, một yếu tố rất quan trọng trong tiểu sử của nhà tư tưởng này lại ít được biết đến: nhà nguyện mà ông đã xây dựng ở ngôi làng Deveix của Pháp. Đó là một nơi biệt lập ở vùng Nouvelle Aquitaine, nơi mà ông đã gắn bó trong suốt thời thơ ấu và niên thiếu, vì nó nằm gần một thị trấn khác, Fournoux, nơi có nhà của cha ông và ông ngoại, nơi ông đã trải qua những kỳ nghỉ của mình.

Câu chuyện về một dự án độc đáo





Khoảng năm 1950, ông mua một ngôi nhà mộc mạc ở đó, trong một thôn chỉ có vài ngôi nhà và không có nhà thờ. Jean và vợ Marie-Louise đang nghĩ đến việc tặng cho ngôi làng một cây thánh giá - vì rất nhiều ngôi làng trên khắp đất nước vốn có, nhưng không có ở đây - hoặc một nhà nguyện. Sau đó, ông dự định tạo ra điều ông gọi là “tu viện nhỏ” và thậm chí còn nghĩ đến những bức tranh mời gọi sự suy gẫm và cầu nguyện: ông sẽ tự vẽ chúng!

Guitton viết: “Vì tôi không thể tìm thấy bất cứ nhà nguyện nào xung quanh mình, nên tôi phải bắt đầu lại từ đầu." Đối với ông, đó là một cách khắc ghi những suy nghĩ của ông vào đá, vào một thứ gì đó lâu dài vẫn tồn tại giữa một môi trường đang thay đổi. “Ý tưởng về một nhà nguyện đã in sâu vào tâm trí tôi.” Kích thước nhỏ, như thể đó là một phần mở rộng của cơ thể mình. "Một ngôi mộ? Không: một cái nôi, một tử cung của người mẹ,” ông nói, đồng thời gợi lên không gian như một tu viện tế bào. Và, bên cạnh không gian thánh thiêng đúng nghĩa, còn là nơi suy tư và đối thoại: hành lang đan viện hoặc hành lang quanh chính diện nhà thờ.

Việc xây dựng nhà nguyện bắt đầu sau Công đồng Vatican II, trong đó chính Jean Guitton tham gia, và nó được khánh thành vào ngày 13 tháng 7 năm 1970. Công việc do vợ ông đến từ Paris chỉ đạo, và dự án được thiết kế bởi kiến trúc sư Jean Pinlon, xuất thân từ một ngôi làng lân cận. Những người thợ xây cũng đến từ vùng này. Nhiều năm sau, nhà triết học nói đùa: “Với những viên đá họ ném vào tôi, tôi sẽ xây một nhà nguyện”, ám chỉ những lời chỉ trích gay gắt mà ông phải chịu trong suốt thời gian hoạt động trí thức của mình.

Không gian đối thoại giữa con người và Thiên Chúa





Nhà nguyện dài 6 mét và rộng 4 mét, hướng về phía Đông, theo yêu cầu của truyền thống kiến trúc Kitô giáo (tượng trưng cho cái nhìn của con người hướng về Chúa Giêsu, “mặt trời mọc lên từ trên cao”). Nó được xây dựng bằng vật liệu địa phương, đá và có mái ngói phẳng tựa trên các dầm gỗ lớn. Phía trên cửa ra vào có tháp chuông nhỏ.

Ở bên phải của nhà nguyện, và trong phần mở rộng của nó, một hành lang tu viện mở, giống như mái che trên lối vào nhà thờ, được đỡ bằng các cột gỗ đặt trên đá cắt. Và ở trung tâm là một cái giếng. Nó dài 15 mét nhưng chỉ có ba cạnh. Đây là lời giải thích của triết gia: “Tu viện mà tôi xây chỉ có ba mặt. Mặt thứ tư sẽ là phong cảnh, một ngôi làng trên đồi, thung lũng, thế giới, đường chân trời.

Do đó, nó sẽ là “bệ phóng cho tên lửa tinh thần”, một nơi chiêm niệm, từ đó, sẽ thúc đẩy sự cởi mở và đối thoại, những nét đặc trưng của tư tưởng Kitô giáo. Và để chúng ta có thể suy nghĩ trong khi đi bộ, giống như Học viện của Aristốt. Bởi vì, theo Guitton, nhà tư tưởng Hy Lạp “biết rằng chúng ta chỉ có thể suy nghĩ bằng cách bước đi, bằng cách thảo luận với một số người bất đồng chính kiến, bằng sự tôn trọng nhưng bằng cách tự vấn bản thân”.

Suy nghĩ của con người đối mặt với mầu nhiệm Thiên Chúa





Nội thất của nhà nguyện rất khắc khổ và mời gọi hồi tâm. Ngoài bàn thờ nhỏ và những chiếc ghế và gối quỳ cho hàng chục người, tấm bia của ngôi mộ chứa hài cốt của cặp vợ chồng Guitton nằm ở giữa mặt đất. Nhưng điều thu hút sự chú ý nhất của một số ít du khách đến địa điểm này là hai bức tranh lớn do Guitton vẽ.

Chúng đại diện cho triết học và thần học, theo quan điểm cụ thể của tác giả. “Toàn thể tượng trưng cho nỗ lực tư duy của con người nhằm tìm hiểu mầu nhiệm. Triết học là nỗ lực của lý trí, lấy cảm hứng từ Kitô giáo. Thần học đi xa hơn, sâu hơn, cao hơn: nó soi sáng tư tưởng thông qua Tình yêu vô hạn”, Jean Guitton giải thích.

Lịch sử triết học xung quanh Chúa Kitô





Bức tranh dành cho triết học được đặt phía trên bàn thờ, giống như một bức tranh sau bàn thờ chính, và thoạt nhìn, nó trình bày hai cách đọc. Cách đầu tiên rất rõ ràng: nó trình bày khung cảnh trong Kinh thánh trong đó, Thánh Giuse và Mẹ Maria tìm thấy Chúa Giêsu trong Đền thờ, lắng nghe các luật sĩ và đặt câu hỏi cho họ, như chúng ta đọc trong đoạn Tin Mừng theo Thánh Luca (2:42-50). Guitton giải thích: “Tôi cố gắng miêu tả khoảnh khắc cha mẹ Chúa Giêsu bối rối và trách móc Người vì đã bỏ rơi họ mà không nói cho họ biết”.

Nhưng có một cách đọc sâu sắc hơn, theo chính Guitton: “tình tiết này chỉ hỗ trợ cho cuộc trò chuyện của Chúa Giêsu với các triết gia. Bên trái là các trưởng lão; bên phải là những người hiện đại.” Vì vậy, chúng ta có thể thấy Platông và Aristốt trò chuyện với Chúa Giêsu, cũng như Socrát và Plotinus, và những nhà tư tưởng được gọi là “tiền Socrát” (Thales thành Miletus, Anaxagoras, Heraclitus và Parmenides). Thêm vào đó là những nhà thơ sử thi cổ điển vĩ đại: Homer và Virgil.

Bên phải Chúa Kitô, các triết gia của thời hiện đại, được xếp ngang hàng với các bậc tiền nhân: Descartes, Pascal, Goethe, Montaigne, Leibniz, Spinoza, Kant, Fichte, Hegel và Marx, cũng như Henri Bergson và Gabriel Marcel. Và chữ ký của tác giả xuất hiện, không phải bằng chữ viết, mà như một phần của toàn thể: chúng ta có thể nhìn thấy chính Jean Guitton trong bức chân dung tự họa ở góc dưới bên phải của bức tranh. Và trên hết là một bức tranh bên trong bức tranh, tượng trưng cho Ađam và Evà, các tổ phụ và các nhà tiên tri trong Cựu Ước.

Thần học xung quanh mầu nhiệm vượt qua



Trên bức tường phía bắc của nhà nguyện là bức tranh thần học, nơi có thể dễ dàng nhận ra tình tiết trong Kinh thánh về Bữa Tiệc Ly. Tuy nhiên, Guitton muốn trình bầy “Bữa tối vượt thời gian”. Chúa Giêsu ở giữa, truyền phép bánh và rượu. Chiếc áo dài màu đỏ tượng trưng cho sự cứu chuộc. Quyền lực này mở rộng đến những người đứng chung sân khấu với Chúa, bắt đầu từ tông đồ Gioan - được miêu tả như một linh mục Do Thái - và Maria Magdalêna, người đã đập bể lọ nước hoa để rưới vào chân Chúa Giêsu.

Xung quanh những nhân vật chính này, chúng ta nhận ra những nhân vật khác trong lịch sử Kitô giáo, được xếp thành từng cặp, chẳng hạn như Thánh Phaolô với Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thánh Hồng Y John Henry Newman và mục sư người Anh Lord Halifax, linh mục người Pháp Guillaume Pouget và thánh Piô Pietrelcina người Ý, Thánh Augustinô và mẹ ngài là Thánh Monica, Thánh Phanxicô Assisi và Thánh Clara… và độc một mình Thánh Bernard.

Bốn nghệ sĩ vĩ đại của châu Âu cũng có mặt để “tưởng nhớ hội họa tôn giáo phương Tây”: Leonardo da Vinci, Raphael, Rembrandt và Michelangelo. Ở phần trên của bức vẽ là ba khoảnh khắc trong ngày của con người - sáng, trưa và tối - trong khi phần dưới mô tả, một cách khái quát, sự hiệp thông cuối cùng của Pascal và Montaigne.

Tấm khăn bàn thờ mà Chúa Giêsu cử hành Bữa Tiệc Ly tượng trưng cho hai người phụ nữ vĩ đại trong lịch sử Giáo hội Pháp: Thánh Joan thành Arc và Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Nhưng toàn bộ tấm khăn trải bàn là sự tôn kính của Jean Guitton đối với bức tranh theo trường phái ấn tượng, với những cảnh trong Cựu Ước báo trước Bí tích Thánh Thể, những cảnh trong Tân Ước liên quan đến mầu nhiệm này và cuối cùng là những cảnh ám chỉ những tiến bộ công nghệ vĩ đại của thế kỷ 20 … “và những gì còn lại là hình ảnh đen tối của tương lai”.

Tia sáng phát ra từ Chúa Giêsu





Nhiều yếu tố khác có thể được nhấn mạnh và giải thích trong nhà nguyện, bao gồm một số món quà cá nhân từ Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, người rất vui mừng với ý tưởng xây dựng nơi thánh và mong muốn cộng tác với người bạn Pháp của mình. Tuy nhiên, chúng tôi chủ yếu tập trung vào hai bức tranh lớn do Guitton vẽ, tận dụng những lời giải thích mà chính ông đưa ra vào năm 1971.

Nhiều năm sau, vào năm 1988, ông nói về nhà nguyện của mình trong một chương trình phát thanh và đưa ra các tiêu chuẩn khác để hiểu về tòa nhà cũng như các yếu tố trang trí nó. Ông nói: “Mọi đồ vật đều có hai ý nghĩa: ý nghĩa thông thường và ý nghĩa huyền nhiệm, ông tuyên bố như thế vào thời điểm đó. Ông nói thêm rằng ông được truyền cảm hứng để thiết kế các bức tranh từ hai bức bích họa do Raphael vẽ cho đại sảnh của Toá Án Tối Cao (trong Điện Tông tòa của Vatican): “Trường học Athens” và “Tranh chấp Bí Tích” … cũng đại diện cho triết học và thần học.

Nhà báo quay phim Guitton nhận thấy một số triết gia trong bức tranh đầu tiên có vết ố vàng kín đáo. Khi được hỏi về điều đó, Guitton trả lời: “À, vâng. Một số người trong số họ thực sự đã nhận được một đốm sáng, một tia sáng vàng phát ra từ Chúa Giêsu... nhưng đó là một bí mật nhỏ. Có điều gì đó trên trán Platông, trên tay Aristốt, nơi Pascal, nơi Bergson…”.

Câu hỏi tiếp theo của nhà báo ngay sau đó: “Và tại sao không có gì nơi Jean Guitton” (hãy nhớ rằng ông tự vẽ mình ở một góc của bức tranh). Câu trả lời của ông rất đơn giản: “Bởi vì tôi không xứng đáng với điều đó”.
 

http://vietcatholicnews.org/News/Home/Archive?date=2023-10-02