Chúa Nhật 15 Tháng Mười, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 28 Mùa Quanh Năm.

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu.

Khi ấy, Đức Giêsu dùng dụ ngôn mà nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng:

“Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến. Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: ‘Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới!’ Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà hành hạ và giết chết. Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng. Rồi nhà vua bảo đầy tớ: ‘Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. Vậy các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới.’ Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.

“Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy: ‘Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?’ Người ấy câm miệng không nói được gì. Nhà vua liền bảo những người phục dịch: ‘Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng! Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít.’

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Đoạn Tin Mừng hôm nay kể cho chúng ta về một ông vua chuẩn bị tiệc cưới cho con trai mình (x. Mt 22:1-14). Ông là một người quyền lực, nhưng trên hết ông là một người cha quảng đại, luôn mời gọi người khác chia sẻ niềm vui của mình. Đặc biệt, ông bộc lộ tấm lòng nhân hậu của mình ở chỗ ông không ép buộc ai mà mời gọi tất cả mọi người, mặc dù cách làm này của ông khiến ông có khả năng bị từ chối. Hãy lưu ý: ông chuẩn bị một bữa tiệc, sẵn sàng tạo cơ hội gặp gỡ, cơ hội dự tiệc. Đây là điều Thiên Chúa chuẩn bị cho chúng ta: một bữa tiệc, để hiệp thông với Người và với nhau. Và vì thế, tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa mời gọi. Nhưng tiệc cưới đòi hỏi thời gian và sự dấn thân từ phía chúng ta: nó đòi hỏi tiếng “xin vâng”: để ra đi, đi theo lời mời gọi của Chúa. Chúa mời chúng ta, nhưng Chúa để chúng ta tự do.

Đây là kiểu quan hệ mà Chúa Cha ban cho chúng ta: Người kêu gọi chúng ta ở lại với Người, và để cho chúng ta khả năng chấp nhận hoặc không chấp nhận lời mời. Ngài không đề nghị với chúng ta một mối quan hệ phục tùng, nhưng đúng hơn là mối quan hệ cha con, điều này nhất thiết phải được điều kiện hóa bởi sự đồng ý tự do của chúng ta. Thiên Chúa tôn trọng tự do; rất tôn trọng. Thánh Augustinô sử dụng một cách diễn đạt rất hay về vấn đề này khi nói: “Đấng đã tạo dựng nên chúng ta, mà không cần sự giúp đỡ của chúng ta, lại không cứu được chúng ta nếu không có sự đồng ý của chúng ta” (Bài giảng CLXIX, 13). Và chắc chắn không phải vì Ngài không có khả năng làm điều đó – Thiên Chúa là Đấng toàn năng! – nhưng bởi vì, là tình yêu, Ngài hoàn toàn tôn trọng sự tự do của chúng ta. Thiên Chúa đề nghị: Ngài không áp đặt, không bao giờ.

Vậy chúng ta hãy quay trở lại với dụ ngôn: bản văn nói nhà vua “sai đầy tớ đi gọi những người được mời đến dự tiệc cưới; nhưng họ không chịu đến” (c.3). Đây là bi kịch của câu chuyện: đó là tiếng nói “không” với Thiên Chúa. Nhưng tại sao con người lại từ chối lời mời của Người? Phải chăng đó là một lời mời khó chịu? Không. Tin Mừng nói – “họ coi nhẹ chuyện đó và bỏ đi, người thì đi làm ruộng, người thì đi buôn” (câu 5). Họ không quan tâm, vì họ đang nghĩ đến việc riêng của họ. Và vị vua đó, là một người cha, ông ấy làm gì? Ông không bỏ cuộc, ông tiếp tục mời gọi; quả thực, Ngài đã mở rộng lời mời cho đến khi tìm được những người chấp nhận, trong số những người nghèo. Trong số những người biết mình chẳng có gì nhiều, nhiều người đến cho đến khi chật kín hội trường (x. câu 8-10).

Anh chị em ơi, đã bao nhiêu lần chúng ta không chú ý đến lời mời gọi của Chúa, vì chúng ta chỉ quan tâm đến công việc của mình! Thông thường, chúng ta vất vả để có thời gian rảnh rỗi, nhưng hôm nay Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tìm thời gian: thời gian dành cho Thiên Chúa, thời gian làm sáng tỏ và chữa lành tâm hồn chúng ta, gia tăng bình an, niềm tin và niềm vui trong chúng ta, cứu chúng ta khỏi sự dữ, sự cô đơn và mất đi ý nghĩa. Thật đáng giá, vì được ở với Chúa, dành chỗ cho Ngài là điều tốt lành. Ở đâu? Trong Thánh Lễ, trong việc lắng nghe Lời Chúa, trong cầu nguyện và cả trong bác ái, bởi vì bằng cách giúp đỡ những người yếu đuối và nghèo khổ, bằng việc đồng hành với những người cô đơn, bằng cách lắng nghe những người đang xin sự chú ý, bằng cách an ủi những người đau khổ, người ta ở với Chúa, Đấng hiện diện nơi những người đang cần giúp đỡ. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng những điều này là “lãng phí thời gian”, nên họ nhốt mình trong thế giới riêng tư; và nó thật buồn. Và điều này tạo ra nỗi buồn. Có bao nhiêu tấm lòng buồn bã! Vì lý do này: bởi vì họ đã đóng cửa.

Vậy chúng ta hãy tự hỏi: tôi đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa như thế nào? Tôi dành cho Ngài không gian gì trong những ngày của tôi? Phẩm chất cuộc sống của tôi phụ thuộc vào công việc và thời gian rảnh rỗi của tôi, hay vào tình yêu dành cho Chúa và anh em tôi, đặc biệt là những người đang cần giúp đỡ nhất? Chúng ta hãy tự hỏi điều này.

Xin Mẹ Maria, Đấng với tiếng “xin vâng” của mình đã nhường chỗ cho Thiên Chúa, giúp chúng ta đừng làm ngơ trước những lời mời gọi của Ngài.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến!

Tôi tiếp tục theo dõi với nỗi đau buồn sâu sắc về những gì đang xảy ra ở Israel và Palestine. Tôi lại nghĩ đến nhiều người… đặc biệt là trẻ em và người già. Tôi nhắc lại lời kêu gọi giải phóng các con tin và tôi mạnh mẽ yêu cầu trẻ em, người bệnh, người già, phụ nữ và tất cả thường dân không trở thành nạn nhân của cuộc xung đột. Luật nhân đạo phải được tôn trọng, đặc biệt là ở Gaza, nơi việc bảo đảm các hành lang nhân đạo và trợ giúp toàn thể người dân là điều cấp bách và cần thiết. Thưa anh chị em, đã có nhiều người chết rồi. Làm ơn, đừng đổ máu vô tội nữa, ở Thánh địa cũng như ở Ukraine, cũng như ở bất kỳ nơi nào khác! Đủ rồi! Chiến tranh luôn luôn là một thất bại!

Cầu nguyện là sức mạnh hiền lành và thánh thiện để chống lại sức mạnh ma quỷ của hận thù, khủng bố và chiến tranh. Tôi mời gọi tất cả các tín hữu hãy hiệp nhất với Giáo hội tại Thánh Địa và dành ngày Thứ Ba tới, ngày 17 tháng 10, để cầu nguyện và ăn chay. Và bây giờ chúng ta hãy cầu nguyện với Đức Mẹ.

Mối quan ngại của tôi đối với cuộc khủng hoảng ở Nagorno-Karabakh vẫn chưa hề suy giảm. Ngoài tình hình nhân đạo của những người phải di dời - vốn rất nghiêm trọng - tôi cũng muốn đưa ra lời kêu gọi đặc biệt để bảo vệ các tu viện và nơi thờ tự trong khu vực. Tôi hy vọng rằng, bắt đầu từ Chính quyền và tất cả người dân, họ có thể được tôn trọng và bảo vệ như một phần của văn hóa địa phương, là cách thể hiện đức tin và là dấu chỉ của tình huynh đệ giúp chúng ta có thể chung sống với nhau bất chấp những khác biệt.

Hôm nay Tông huấn về Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu và Thánh Nhan được công bố, có tựa đề “C'est la confiance”: quả thực, như vị Thánh vĩ đại và Tiến sĩ Giáo hội này đã làm chứng, tin tưởng vào tình yêu thương xót của Thiên Chúa là con đường dẫn chúng ta đến trái tim của Chúa và Tin Mừng của Người.

Tôi bày tỏ sự gần gũi của tôi với cộng đồng Do Thái ở Rôma, nơi ngày mai kỷ niệm 80 năm cuộc trục xuất của Đức Quốc xã.

Tôi chào tất cả anh chị em, người dân Rôma và những người hành hương đến từ Ý và nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là Huynh đệ đoàn Gonfalone của Subiaco và Câu lạc bộ “Fiat 500” của Rôma.

Tôi chào hơn 400 nhà truyền giáo trẻ của New Horizons cũng như các hiệp hội và cộng đồng khác, những người từ hôm qua đến Chúa nhật tuần sau đang tham gia vào “Sứ mệnh đường phố” ở Rôma, đi đến những nơi mà giới trẻ tụ tập, trong trường học, bệnh viện, nhà tù và xuống đường để loan báo niềm vui Tin Mừng. Họ làm rất tốt! Chúng ta hãy hỗ trợ họ bằng lời cầu nguyện khi họ dấn thân lắng nghe tiếng kêu của nhiều người trẻ và nhiều người đang cần tình yêu thương.

Tôi đang nhìn thấy những lá cờ Ukraine: chúng ta đừng quên Ukraine đang bị dày vò.

Tôi chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.


Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 

http://vietcatholicnews.org/News/Home/Archive?date=2023-10-15