Trang

Thứ Ba, 3 tháng 10, 2023

Thánh Irênê và vị Thiên Chúa không cần đến chúng ta

 

Thánh Irênê và vị Thiên Chúa không cần đến chúng ta

 
  •  
  •  


THÁNH IRÊNÊ VÀ VỊ THIÊN CHÚA KHÔNG CẦN ĐẾN CHÚNG TA

Đức Cha Barron

WGPMT (26.09.2023) – Vài năm trước, tôi tham dự buổi họp thường niên của Học viện Thần học Công giáo, một nhóm khoảng năm mươi thần học gia tận tâm suy tư theo tinh thần của Hội Thánh. Chủ đề chung của chúng tôi là Chúa Ba Ngôi, và tôi được mời thuyết trình một bài. Tôi chọn tập trung vào tác phẩm của thánh Irênê, một trong những giáo phụ lâu đời và quan trọng nhất.

Thánh Irênê sinh vào khoảng năm 125 Công Nguyên, ở thành Smyrna, vùng Tiểu Á. Khi còn trẻ, ngài trở thành môn đệ của Polycarp, và Polycarp là học trò của Thánh Gioan tác giả sách Tin Mừng. Sau đó, thánh Irênê đi đến Rôma và cuối cùng tới Lyon nơi ngài trở thành Giám mục sau cuộc tử đạo của vị chủ chăn trước đó. Thánh Irênê chết vào khoảng năm 200, hầu như một vị tử đạo, dù những chi tiết chính xác về cái chết của ngài đã thất lạc trong lịch sử.

Kiệt tác thần học của ngài mang tên Adversus Haereses (Chống lạc giáo), nhưng nó còn hơn cả một sự bác bỏ những chống đối chính yếu đối với đức tin Công giáo vào thời của ngài. Nó là một trong những cách diễn tả ấn tượng nhất giáo lý Kitô giáo trong lịch sử Hội Thánh, có thể sánh với De Trinitate (Về Chúa Ba Ngôi) của thánh Augustinô và Summa theologiae (Tổng luận Thần học) của thánh Tôma Aquinô. Trong bài thuyết trình ở Washington, tôi đã trình bày ý tưởng chủ đạo trong thần học của thánh Irênê là Thiên Chúa chẳng cần bất cứ điều gì ngoài chính Ngài. Tôi nhận ra rằng điều này thoạt tiên có vẻ tạo cảm giác khá nhiều xấu hổ, nhưng nếu chúng ta đi theo sự chỉ dẫn của thánh Irênê, chúng ta sẽ thấy, nói theo cách thiêng liêng, cách thức nó mở ra cả một thế giới mới. Thánh nhân biết tất cả về các thần nam thần nữ của dân ngoại, là những vị vô cùng cần đến lời ca ngợi và đồ cúng tế của con người, và ngài thấy rằng hậu quả chính của thứ thần học này là con người sống trong sợ hãi. Bởi vì các thần cần chúng ta, họ quen thao túng chúng ta để thỏa mãn các khát vọng của họ, và nếu họ không được tôn kính đầy đủ, họ có thể (và sẽ) trả đũa. Nhưng, Thiên Chúa trong Kinh Thánh, Đấng tự mình vô cùng hoàn hảo, không cần bất cứ điều gì. Thậm chí trong hành động vĩ đại Ngài thực hiện là tạo dựng vũ trụ, Ngài không cần đến bất kì vật chất nào đã có để tác tạo; thay vào đó (và thánh Irênê là nhà thần học lớn của Công giáo đầu tiên thấy được điều này), Ngài tạo dựng vũ trụ từ hư không (ex nihilo). Và chính vì Ngài không cần đến thế giới, Ngài tạo ra thế giới bằng một hành động yêu thương vô cùng quảng đại. Tình yêu, tôi chưa bao giờ mệt mỏi khi nhắc lại, căn bản không phải là cảm xúc hay cảm tính, nhưng thay vào đó là một hành động của ý chí. Nó nhắm đến sự thiện của tha nhân đúng như tha nhân ấy. Vâng, vị Thiên Chúa, không có một chút tư lợi nào, chỉ có thể yêu thương mà thôi.

Toàn bộ thần học của thánh Irênê phát triển từ trực giác này. Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ bằng vụ nổ của sự quảng đại, làm phát sinh vô số cây cỏ, sinh vật, hành tinh, ngôi sao, thiên thần và con người, tất cả được tạo thành để phản ánh một khía cạnh nào đó nơi sự rạng rỡ của Ngài. Irênê thích lặp đi lặp lại ẩn dụ về Thiên Chúa như một nghệ sĩ. Mỗi thành phần trong công cuộc tạo dựng giống như một màu sắc điểm trên bức tranh sơn dầu hay một mảnh trên bức tranh khảm đá, hay một nốt nhạc trong toàn bộ bài hòa âm. Nếu chúng ta không thể cảm kích sự hài hòa của nhiều đặc điểm trong vũ trụ của Thiên Chúa, đó chỉ vì tâm trí của chúng ta quá hạn hẹp không thể chứa bản thiết kế của Người. Và toàn bộ mục đích của Người khi tạo ra trật tự bản giao hưởng này là để cho những thực tại khác thông phần vào sự hoàn hảo của Người. Tại tột đỉnh của cuộc tạo dựng hữu hình của Chúa là con người, được yêu thương trong sự hiện hữu như muôn vật, nhưng được mời gọi tham dự cách đầy đủ hơn vào sự hoàn hảo của Thiên Chúa bằng cách yêu mến lại Đấng tạo dựng nên mình. Câu thường được trích dẫn nhất của thánh Irênê từ quyển thứ tư của cuốn “Adversus Haereses” như sau: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống dồi dào”. Bạn có thấy mối liên hệ chính xác giữa điều này với khẳng định Thiên Chúa không cần gì cả? Vinh quang của các thần ngoại không phải là con người sống dồi dào, nhưng là con người phải phục tùng, con người phải làm những gì họ được yêu cầu phải làm. Nhưng Thiên Chúa thật sự không chơi mấy trò quỷ quyệt này. Ngài thấy vui trong việc muốn điều tốt cho chúng ta theo mức độ trọn vẹn nhất.

Một trong những ý tưởng đẹp và thú vị nhất của thánh Irênê là Thiên Chúa như người Thầy nhân hậu, từng bước giáo dục nhân loại theo những nẻo đường tình yêu. Ngài hình dung Adam và Eva ngay từ đầu không như những người trưởng thành có sẵn sự toàn vẹn về tinh thần và trí năng, nhưng đúng hơn như những đứa trẻ hay thiếu niên, chắc chắn vụng về trong cách chúng biểu lộ sự tự do của mình. Vì thế, lịch sử cứu độ lâu dài là sự nỗ lực đầy kiên nhẫn của Thiên Chúa nhằm huấn luyện loài người do Ngài dựng nên trở thành bạn của Ngài. Tất cả những giao ước, luật lệ, điều răn và nghi lễ của cả Israel xưa và Hội Thánh ngày nay phải được nhìn dưới ánh sáng này: đó không phải là các điều luật độc đoán, nhưng là công trình Chúa Cha ban để đưa dẫn con cái Ngài hướng đến sự triển nở tròn đầy.

Còn nhiều điều chúng ta có thể học nơi vị thầy cổ xưa này về đức tin Công giáo, đặc biệt liên quan đến tin mừng về vị Thiên Chúa không cần chúng ta!

Nhóm Gioan XXIII
Chuyển ngữ từ: wordonfire.org (28.06.2023)
Nguồn: giaophanmytho.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét