VI. Ngày nay, Chúa Giêsu Kitô là ai?



Câu hỏi 85: Chúa Giêsu có còn hiện diện trong thế giới ngày nay không?

Cả sách thánh lẫn truyền thống liên tục của Kitô giáo đều một cách hết sức nhấn mạnh, Có! Mátthêu kết thúc Tin Mừng của ngài ở chỗ ngài bắt đầu, với Chúa Giêsu như Đấng Emmanuen (Thiên Chúa ở với chúng ta): “và hãy nhớ, Thầy ở với các con mãi mãi, cho đến tận cùng thời gian” (Mt 28:20). Với Luca trong Công vụ, Chúa Giêsu tiếp tục sống trong ơn Chúa Thánh Thần mà Người tuôn đổ (Cv 2:33). Thế nhưng vẫn là Chúa Giêsu mà Phaolô đang bách hại (9:3-5). Cũng thế, trong Gioan, Chúa Giêsu hứa rằng nơi cư ngụ Người đang soạn nằm trong trái tim những người yêu Người và giữa các giới răn của Người. Chính ở đó, Chúa Cha và Người sẽ cư ngụ (Ga 14:23). Ngoài ra, Người còwn hứa sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ dẫn dắt các môn đệ tới mọi chân lý, công bố điều cùng thuộc Chúa Giêsu và Chúa Cha (Ga 16:12-15). Thánh Phaolô diễn tả như sau: “Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1Cr 12:13).



Chúng ta có thể nói rằng Chúa Giêsu hiện diện bằng “thân xác” theo ba cách: Thứ nhất, như Chúa sống lại, Người hiện diện với toàn thể vũ trụ (xem câu hỏi 70). Thứ hai, qua phép rửa, Người hiện diện vơqi toàn thể cộng đồng Kitô giáo và mỗi thành viên tạo nên thân thể Người một cách tập thể hay cá thể. “Vậy anh em, anh em là thân thể Chúa Kitô, và mỗi người là một bộ phận” (1Cr 12:27). Thứ ba, Trong cử hành Thánh Thể, Người hiện diên một cách độc đáo dưới dạng bề ngoài thể lý của bánh và rượu (xem câu hỏi 45). Thánh Thể có lẽ được so sánh với một tiệc vui mừng ngày sinh. Chúng ta cử hành sự hiện diện của một người luôn ở với chúng ta nhưng đời sống họ, cả quá khứ lẫn tương lai, chúng ta muốn khẳng định và công bố qua các hành động và lời nói đặc biệt có tính biểu tượng. “Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1Cr 11:26).

Câu hỏi 86: Thần khí Chúa Giêsu có lên khuôn các đời sống con người mọi nơi và mọi thời không?

Thần khí Chúa Giêsu là Thần khí Thiên Chúa, Đấng chúng ta gọi là Chúa Thánh Thần, được nhìn nhận chính thức tại Công đồng Constantinốp thứ nhất năm 381 như Ngôi Thứ Ba trong Chúa Ba Ngôi, Đấng được thờ lạy và tôn vinh ngang bằng và cùng với Chúa Cha và Chúa Con. Thánh Augustinô gọi Chúa Thánh Thần là tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con. Dù không đưa ra căn tính ấy, nhưng Thánh Phaolô viết: “...Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5:5). Thiên Chúa, Đấng là tình yêu (1Ga 4:8.16) là mối tương quan sống động và yêu thương một cách không thể tách biệt và đời đời mà chúng ta gọi là Cha-Con-Thánh Thần.

Có ba chữ Hy Lạp chỉ tình yêu nắm bắt được rất tốt hoạt động của Thánh Thần Thiên Chúa trong đời sống con người. Thứ nhất, eros là loại tình yêu sáng tạo mà một người đàn ông và một người đàn bà có trong việc sinh sản con cái. Tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa được phát biểu như Thánh Thần hay Hơi Thở (ruaḥ) của Thiên Chúa bay là là trên mặt nước (St 1:2) và thở hơi thở sự sống vào tạo vật nhân bản. Thứ hai, philia là tình yêu bằng hữu. Tình yêu giao ước của Thiên Chúa di chuyển quá bên kia tính sáng tạo tới việc làm cho nhau có khả năng. “Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi và các ngươi sẽ là dân của Ta” có nghĩa là Thiên Chúa cam kết với chúng ta và mong một đáp ứng từ chúng ta. Chúa Giêsu nói về tình yêu này như sau: “...Thầy gọi các con là bằng hữu vì Thầy đã làm cho các con biết mọi sự Thầy đã nghe từ Cha Thầy” (Ga 15:15b). Theo Gioan, Thiên Chúa trong Chúa Giêsu muốn thông truyền mầu nhiệm sâu xa nhất và thân thiết nhất về thực tại thần linh. Đó là điều bằng hữu làm. Thứ ba, agape là thứ tình yêu sẵn sàng hiến chính sự sống của mình vì thiện ích của người yêu. “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13). Và quả thực, “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1Ga 4:9). Do đó, chúng ta có thể nói: nếu không phải nhờ Thánh Thần Thiên Chúa, nghĩa là tình yêu sáng tạo, giao ước và tự hiến của Thiên Chúa, sẽ không hề có sự sống nhân bản nào ở bất cứ nơi đâu hay ở bất cứ thời đại nào.

Câu hỏi 87: Tại sao người ta thường nói Chúa Giêsu hay Thánh Thần của Người sống trong mọi người trong khi có rất nhiều kẻ giết người không tiếc tay hay tội phạm trên thế giới như thế? Chúa Giêsu có dự phần vào việc này không?

Tình yêu Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, không loại trừ ai. Theo Thánh Phaolô, mọi người chúng ta đều phạm tội và xa cách vinh quang Thiên Chúa (Rm 3:23), nhưng dù chúng ta còn là những kẻ tội lỗi và thù địch của Thiên Chúa, Thiên Chúa vẫn chứng tỏ tình yêu của Người trong cái chết trên thập giá của Chúa Giêsu vì chúng ta (Rm 5:8). Thách đố của Chúa Giêsu với những người muốn ném đá người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngọai tình vẫn còn hiệu lực: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” (Ga 8:7)

Vấn đề ở đây thực sự là việc tha thứ (xem câu hỏi 49). Phân tích đến cùng, tội duy nhất không thể tha thứ là việc con người cứng lòng nghĩa là từ khước tiếp nhận sự tha thứ và tha thứ cho người khác. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là vòng ôm tối hậu kẻ thù của mình trong tình yêu và tha thứ. Tôi đích thân chống đối hình phạt tử hình vì quá thường xuyên nó là một hành vi trả thù, một từ khước tha thứ. Hơn nữa, một hành vi như thế thực tế là từ khước tin rằng con người đặc thù này có thể được cứu chuộc, họ có thể hoán cảo cả trí lẫn tâm để bắt đầu một cuộc sống mới. Tử hình chỉ có tính hình phạt; nó bỏ qua việc phục hồi. Chúa Giêsu không bao giờ từ bỏ bất cứ ai, ngay các kẻ thù ngoan cố nhất.

Vấn đề là chúng ta phải sẵn lòng và có khả năng tha thứ một cách sâu xa ra sao. Dụ ngôn người đầy tớ không biết thương xót (Mt 18:23-35), như Mátthêu mang lại cho chúng ta, đưa ra trọng điểm ở câu 35 cho hay: sự tha thứ của Thiên Chúa không thể hữu hiệu trong đời sống chúng ta nếu chúng ta không tha thứ tận đáy lòng cho anh chị em chúng ta. Tập chú là vào phán xử của vua (=Thiên Chúa). Điều này đúng, nhưng nếu chúng ta xét câu truyện theo các hạn từ của nó mà cuối cùng không áp dụng câu 35, thì kết quả ngạc nhiên sẽ diễn ra lúc vua rút lại lời của ngài và đảo ngược sự tha thức trước đó của ngài. Danh dự của vua đòi ngài giữ lời của ngài (so sánh với Hêrốt ở Mc 6:26). Không chỉ có thế, nay ngài còn kết án người đầy tớ phải chịu cực hình không bao giờ chấm dứt, một hình phạt còn tệ hơn hình phạt đã ban bố trước rất nhiều (câu 25). Hành động của các đồng bạn đầy tớ khi phúc trình mọi chuyện cho nhà vua thay vì tìm cách tha thứ và hòa giải khác đã có những hậu quả vượt xa điều đã dự tính. Trọng điểm là: khi nghe dụ ngôn này, chúng ta có thể tha thứ cho cả một đầy tớ bạn cũng thô bỉ và không biết thương xót như đầy tớ này không? Chúng ta có sẵn lòng tha thứ và tìm cách khác hơn là bạo động và trả thù để giải quyết các tranh chấp không? Quả vậy, “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.” (Ga 3:17).

Câu hỏi 88: Còn về người thuộc các tôn giáo khác, như Ấn độ giáo hay Phật giáo, hay cả người vô thần nữa thì sao? Chúa Giêsu có tạo được khác biệt nào cho họ hay không?

Có, nếu điều tôi nói trước đây về phục sinh (xem các câu hỏi 68-70) là đúng. Chúa Giêsu phục sinh hiện thân ý định của Thiên Chúa muốn có sự viên mãn trong đời sống và kinh nghiệm nhân bản. Hơn nữa, ý nghĩa của phục sinh trải dài khắp sáng thế. Niềm hy vọng Kitô giáo của chúng ta là mọi sự sẽ được biến đổi trong Chúa Kitô. Thế nhưng, chúng ta vẫn còn trong tiến trình biện phân các cách cụ thể và chuyên biệt sẽ dẫn tới sự biến đổi sau cùng này. Trong tiến trình này, chúng ta có thể học hỏi từ các truyền thống tôn giáo khác cũng như họ học hỏi từ chúng ta. Cuộc đối thoại lên sinh lực hỗ tương là điều tuyệt đối cần thiết. Chúng ta phải trung thực và cởi mờ thừa nhận điều hợp nhất chúng ta cũng như điều chia rẽ chúng ta.

Mọi tôn giáo, cũng như mọi người vô thần theo chủ nghĩa nhân bản đều gặp nhau ở việc chăm sóc và quan tâm phổ quát đối với sáng thế, trái đất, phúc lợi và số mệnh của nó. Một bản năng thực sự tôn giáo (và do đó thực sự nhân bản) không bao giờ dửng dưng đối với mẹ đất và nhiều con cái của mẹ đang rung động và tương tác như một toàn thể đầy mầu nhiệm. Hơn nữa, các tôn giáo có xu hướng có chung nhau nhiều hơn trên các bình diện quan tâm đạo đức (hành động) và cầu nguyện huyền nhiệm (chiêm niệm). Họ chia rẽ một cách sẵn sàng hơn về các tín lý hay các phát biểu các tín ngưỡng nền tảng. Những điều vừa kể chịu nhiều hạn chế nhân bản trong việc cố gắng phát biểu thể siêu việt tuyệt đối. Nhưng chính ở đây, chúng ta có nhiều điều để học hỏi lẫn nhau.Chúa Giêsu như Đấng phục sinh vượt quá mọi tôn giáo, kể cả Kitô giáo. Các Kitô hữu chúng ta đem tới cuộc tranh luận các xác tín sâu xa về ý nghĩa trung tâm của Chúa Giêsu đối với toàn thể nhân loại. Chúng ta sẽ không còn là Kitô hữu nếu chúng ta không công bố Người như chính sự nhập thể của Thiên Chúa.

Nhưng chúng ta mang các xác tín này vốn nằm trong một truyền thống bắt nguồn từ tính Do Thái của Chúa Giêsu nhưng rất nhanh chóng tự phát biểu bằng các hạn từ Hy Lạp (Đông) và La Tinh (Tây). Giáo Hội Công Giáo, trong căn bản, là Tây Âu trong phát biểu văn hóa và tôn giáo của mình, mặc dù, nó đang trở nên ngày càng là một Giáo Hội thế giới nhiều hơn. Tất cả các Kitô hữu (Rôma, Chính thống, Thệ phản) phải học cách lắng nghe các tiếng nói của Châu Á, Châu Phi, và các nơi khác, nếu chúng ta muốn hiểu ý nghĩa trọn vẹn của phục sinh. Chúa Giêsu không thuộc về Kitô giáo; Người thuộc về mọi dân tộc và toàn bộ sáng thế.Các Kitô hữu chúng ta chỉ được mời gọi làm chứng cho sự thật vốn ở trong chúng ta, làm cho sự thật, con đường và sự sống này (Ga 14:6) thành sẵn có đó cho mọi dân tộc.

Câu hỏi 89: Mọi người, cả những người không bao giờ nghe nói về Chúa Giêsu, có được lên thiên đàng không? Há phép rửa không có tính yếu tính để chúng ta được cứu rỗi hay sao?

Ở tâm điểm Tin Mừng là lệnh truyền khẩn cấp phải lên đường và công bố Tin Mừng. Đây là lệnh sai đi có tính nền tảng và yếu tính nhất cho Giáo Hội.Thánh Phaolô nói: “...Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ” (Rm 10:9). Điều này dẫn tới lời huấn giáo lên đường và công bố Tin Mừng. Tương tự như thế, Thánh Phêrô công bố trong Cv 4:12: “Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ”. Đó là hai bản văn đáng lưu ý hơn trong nhiều bản văn xem ra đòi hỏi phải có đức tin minh nhiên vào Chúa Giêsu Kitô để được cứu rỗi. Một đức tin như thế dẫn tới phép rửa như việc được bao gồm về bí tích vào cộng đồng những người được cứu rỗi. Với thời gian, điều này dẫn tới niềm tin cho rằng không có ơn cứu rỗi bên ngoài Giáo Hội. Hiện vẫn còn những người duy trì điều này, nhưng lối giải thích cứng ngắc về nó đã sụp đổ từ lâu với “phép rửa bằng máu” (phúc tử đạo) và “phép rửa bằng lòng ước muốn” (lương tâm tốt).

Điều gì đã diễn ra? Trước nhất, có lẽ khẳng định nền tảng nhất của đức tin Kitô giáo là: Thiên Chúa muốn ơn cứu rỗi cho mọi người (1Tm 2:4-6; xem câu hỏi 61). Chính Chúa Giêsu không loại trừ ai khỏi Nước Thiên Chúa. Bất cứ sau này người ta 
nói điều gì về Người, cũng không thể bác bỏ sự thật nền tảng này. Thứ hai, các trước tác Tân Ước phản ảnh sự chờ mong đầy phấn khởi cho rằng Tin Mừng sẽ được rao giảng đến tận cùng trái đất (Cv 1:8; 28:30) và tận cùng này sắp sửa diễn ra nay mai. Chúng ta có thể đọc các bản văn đã trích dẫn trên đây một cách tích cực như khẳng định sự cứu rỗi trong Chúa Kitô mà không rút ra kết luận tiêu cực cho rằng những người chưa nghe về Chúa Kitô sẽ không được cứu rỗi. Thứ ba, chúng ta đang sống trong thế kỷ 20, chúng ta ý thức một cách sắc nét nhiều hơn tính đa dạng và phức tạp của lịch sử nhân loại. Thực tại này qui định cách chúng ta giải thích các bản văn Kinh Thánh. Liệu chúng ta có muốn tin rằng Đấng Thiên Chúa được mạc khải nơi Chúa Giêsu lại có thể võ đoán loại trừ hàng hà sa số những người không do lỗi riêng của họ trong việc không bao giờ nghe biết về Chúa Kitô không? Tình trạng sau cùng của mỗi nhân vị chỉ có Thiên Chúa mới biết được và ta nên để cho Thiên Chúa phán xử.Cộng đồng các môn đệ mà chúng ta gọi là Giáo Hội, một lần nữa, chỉ có thể làm chứng qua việc cam kết bản thân và cộng đồng sống cuộc sống mà Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta.

http://vietcatholicnews.org/News/Home/Article/285370