Ronald Rolheiser, 2023-11-20
Tôi sống ở hai bờ biên giới. Không phải là biên giới địa lý, nhưng là biên giới phân chia hàng ghế giáo dân bình dân với hàng ghế hàn lâm thần học.
Tôi lớn lên trong một gia đình công giáo la-mã bảo thủ. Dù thân phụ tôi hoạt động chính trị cho đảng Tự do, nhưng hầu hết mọi thứ trong thời thơ ấu của tôi đều rất bảo thủ, nhất là những vấn đề liên quan đến tôn giáo. Xét về mọi mặt, tôi là người công giáo la-mã kiên định. Tôi lớn lên dưới thời giáo hoàng Piô XII (cha mẹ tôi đặt tên Pius cho em út tôi, điều này nói lên lòng trung thành của gia đình tôi với giáo hoàng Piô XII như thế nào). Chúng tôi tin công giáo la-mã là tôn giáo chân chính duy nhất, còn tin lành và phái phúc âm phải hoán cải và trở lại với đức tin chân chính. Tôi thuộc giáo lý công giáo la-mã và bảo vệ từng câu từng chữ trong đó. Hơn nữa, gia đình chúng tôi không chỉ đi nhà thờ đều đặn mà còn hết sức sốt sắng và ngoan đạo: ngày nào gia đình tôi đều lần hạt với nhau, khắp nhà có nhiều tượng và ảnh thánh, chúng tôi đeo các tượng được làm phép trên cổ, đọc kinh cầu Đức Mẹ, thánh Giuse, Thánh Tâm theo từng tháng, tôn kính các thánh mỗi ngày. Và những điều đó thật tuyệt vời. Tôi sẽ luôn mãi biết ơn về nền tảng tôn giáo này của gia đình tôi.
Năm 17 tuổi, tôi đi từ mái ấm gia đình vào chủng viện và những năm đầu tiên ở chủng viện củng cố thêm những gì gia đình đã cho tôi. Học thuật là tốt, và chúng tôi được khuyến khích đọc sách của những tư tưởng gia lớn thuộc mọi trường phái. Nhưng việc học lên cao vẫn nằm trong khuôn khổ đặc tính công giáo la-mã, tôn vinh nền tảng tôn giáo và mộ đạo của tôi. Ban đầu việc học đại học của tôi tốt với lòng sùng mến của tôi. Tâm trí tôi được mở mang, lòng ngoan đạo của tôi vẫn như cũ.
Nhưng nhà là nơi chúng ta bắt đầu. Dần dần, qua năm tháng, thế giới của tôi thay đổi. Nghiên cứu ở các trường cao học khác nhau, dạy ở các cơ sở cao học, tiếp xúc hàng ngày với những biểu hiện khác của đức tin, đọc sách của các tiểu thuyết gia và tư tưởng gia đương thời, thân thiết với các đồng nghiệp học thuật, tôi phải thú thật, tất cả đã tạo một sự căng thẳng với lòng ngoan đạo thời trẻ của tôi. Nói thật, trong các lớp cao học hay các buổi họp ban giảng viên, chúng tôi không thường lần hạt hay đọc kinh cầu Đức Mẹ, Thánh Tâm.
Tuy nhiên, các lớp học hàn lâm và các buổi họp ban giảng huấn đã mang lại một điều gì khác, một điều cực kỳ cần thiết trong các hàng ghế nhà thờ và trong giới những người mộ đạo, cụ thể một tầm nhìn thần học phê phán và các nguyên tắc để giữ vững lòng đạo đức không bị kiềm chế, chủ nghĩa chính thống cực đoan ngây thơ và lòng nhiệt thành tôn giáo sai lầm trong những ranh giới của nó. Những gì tôi học được trong giới học thuật cũng tuyệt vời và tôi luôn mãi biết ơn vì đã được dự phần vào giới học thuật trong phần lớn cuộc đời trưởng thành của tôi.
Nhưng dĩ nhiên, sự kết hợp tuy lành mạnh nhưng chắc chắn là có căng thẳng, Tôi muốn dùng lời của một người khác để làm rõ chuyện này. Trong quyển sách Thinh lặng và Vẻ đẹp (Silence and Beauty) của nghệ sĩ người Mỹ gốc Nhật, Makoto Fujimura, ông chia sẻ câu chuyện của ông như sau. Một ngày chúa nhật nọ, khi ông đi ra khỏi nhà thờ, thì mục sư đến nhờ ông ký tên vào danh sách tẩy chay bộ phim Cám dỗ cuối cùng của Chúa Kitô (The Last Temptation of Christ). Ông mến mục sư và muốn làm vui lòng mục sư bằng cách ký tên vào thỉnh nguyện đơn, nhưng ông cảm thấy ngập ngừng vì nhiều lý do mà lúc đó ông không giải thích rõ ràng được. Nhưng vợ ông thì giải thích được. Khi ông chưa kịp ký, bà đã bước lên nói: “Các nghệ sĩ có những vai trò khác ngoài việc tẩy chay phim này.” Ông hiểu được ý bà và không ký vào thỉnh nguyện đơn đó.
Nhưng quyết định này làm ông suy nghĩ, giữa căng thẳng của việc tẩy chay một bộ phim như thế với vai trò nghệ sĩ của ông. Đây là cách ông giải thích: “Một nghệ sĩ thường bị kéo theo hai hướng. Những người bảo thủ tôn giáo có khuynh hướng xem văn hóa là cái đáng nghi ngờ, và khi một tuyên bố văn hóa thay đổi hiện thực bình thường mà họ yêu quý, thì phản ứng mặc định của họ là phản đối và tẩy chay. Những người trong cộng đồng nghệ thuật tự do thì xem những bước đột phá này là cần thiết cho “tự do biểu đạt” của họ. Một nghệ sĩ như tôi, trân trọng cả tôn giáo lẫn nghệ thuật, sẽ bị loại bỏ khỏi cả hai. Tôi cố đưa hai điều gắn kết này lại với nhau, nhưng đây là một đấu tranh chật vật”.
Và đây cũng là nỗi chật vật của tôi. Lòng mộ đạo thời thơ ấu, của cha tôi và của nhánh công giáo phong phú này, là một điều thực tế và nuôi dưỡng sự sống, nhưng thần học đả phá ngẫu tượng cấp tiến (và đôi khi đáng lo ngại) của học thuật cũng thế. Cả hai thật sự cần lẫn nhau, nhưng người nào cố trung thành với cả hai, thì có thể bị cả hai đẩy ra, như tình cảnh của nghệ sĩ Fujimura. Các thần học gia có những vai trò khác hơn là đi tẩy chay phim này.
Những người mà tôi xem là thầy của tôi trong lãnh vực này, đó là những người mà theo tôi có thể làm cả hai: như Dorothy Day, người có thể thoải mái lần hạt hoặc đi đầu trong các cuộc tuần hành, như Jim Wallis, có thể nồng nhiệt bênh vực cho hoạt động xã hội cấp tiến và cũng có thể thân mật với Chúa Giêsu, như Thánh Tôma Aquinô, với tri thức có thể lấn át các nhà trí thức khác, nhưng cũng có thể cầu nguyện với lòng ngoan đạo của một em bé. Những nhóm ngoan đạo và học thuật thần học không phải là đối địch của nhau. Họ cần phải kết bạn với nhau mới đúng.
J.B. Thái Hòa dịch
https://phanxico.vn/2023/11/24/binh-dan-va-hoc-thuat/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét